“TRÒ ĐÙA" CỦA SỐ PHẬN
Tôi bắt đầu viết sách để kiếm tiền từ
năm 1994 cũng thật tình cờ, do sự “xúi giục” của tác gia Trần Hữu Thực, hệt như
một “trò đùa” của số phận.
Đầu năm 1993, Viện Sử Học nhận tôi về
làm Hợp đồng ở phòng Tư Liệu với mức lương khởi điểm là 90.000/tháng nhưng chưa
được 30 ngày, Viện Sử Học đã điều tôi sang làm bảo vệ kiêm bán sách cũ của Viện
Sử Học vì “ông bảo vệ già yếu xin nghỉ
việc mà cơ quan chưa tìm được người”. Lương thì Viện Sử Học chỉ trả cho một
người nhưng công việc tôi phải đảm nhận phần việc của 2 người. Lúc đó, tôi đã
định bỏ việc về quê nhưng nghĩ tới số nợ gần 100 triệu, (tính theo lương khởi
điểm lúc bấy giờ thì số nợ đó bằng tiền lương của khoảng 1.075 tháng), do bị
đối tác lừa đảo, khách hàng bùng nợ (ngày học Đại học tôi vừa học vừa buôn hàng
chuyến), và do tin người mà đứng ra vay hộ tiền rồi trở thành “con nợ” vì không
đòi được tiền... nên ngậm ngùi tiếp tục công việc để dùng danh nghĩa là người
của Viện Sử Học mà từ từ kiếm tiền trả nợ.
Ngày đấy, kinh tế mới được “cởi trói” khỏi các khái niệm: kế hoạch, chỉ đạo, phân bổ, chỉ tiêu... nên các doanh nghiệp nhỏ vẫn
hoạch định chiến lược kinh doanh theo kinh nghiệm của kinh doanh truyền thống,
đặc biệt là thị trường kinh doanh xuất bản phẩm rất ì ạch trong khâu đổi mới
chiến lược tiếp thị sản phẩm. Với 4 năm kinh nghiệm buôn hàng chuyến (tạp hóa:
xà phòng, thuốc lá, bánh kẹo, quần áo,...) từ Hà Nội về Hà Tây, Hưng Yên và
ngược lại, tôi nghĩ, thị trường kinh doanh xuất bản phẩm có thể là thị trường
siêu lợi nhuận để tôi kiếm tiền trả nợ.
Lần đầu gặp tôi ở Viện Sử Học, anh
Trần Hữu Thực, lúc đó là Trưởng phòng Kinh doanh của Nhà xuất bản Thống Kê
(chuyên về mảng sách kinh tế), có vẻ không tin vào khả năng bán hàng của tôi vì
cửa hàng sách Viện Sử Học chỉ lèo tèo vài cuốn sách cũ nhưng “nể” lời giới
thiệu của Giáo sư Mai Ngọc Cường (giảng viên Đại học Kinh Tế Quốc Dân) khá ấn
tượng về tôi (là tôi đoán vậy) nên anh “tặc lưỡi” giao vài đầu sách cũ để tôi
bán thử. Sau gần một năm quan hệ làm ăn, với sức bán vài nghìn bản/ 1 tựa sách
mà không yêu cầu độc quyền, tôi trở thành “đối
tác đặc biệt” của anh. Một lần, ngồi nhâm nhi rượu tại cửa hàng sách Viện
Sử Học, vô tình đọc Nhật ký của tôi, anh gật gù: -“Nhật ký mà chú toàn viết về tâm lý kinh doanh?! Chú viết hay quá! Viết
sách đi, bán được đấy.”. Tôi cười thoái thác thì anh quả quyết: -“Anh tin sách chú viết sẽ bán được vì chú
viết rất dễ hiểu.”. Rồi anh kể chuyện tác gia Lê Thụ làm giàu từ viết sách
như thế nào để động viên tôi. Thấy anh nhiệt tình và rất chân tình nên tôi gật đầu
soạn THỊ TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP từ những trang Nhật ký đó.
Cuốn sách đầu tay “Thị
trường và Doanh nghiệp” xuất bản năm 1995, in lần đầu 5.000 cuốn bằng
giấy Trung Quốc, lại sửa morat trực tiếp trên bản can nên cuốn sách nhìn không
được đẹp. Khi đến Nhà xuất bản Thống Kê nộp sách lưu chiểu, anh Trần Hữu Thực
cau mày: -“Sách của mình mà chú làm ẩu
thế? Về in gấp mấy chục cuốn sạch đẹp chứ sách in “bôi bác” thế này anh không
nhận.”. Tôi về ra lại bản can rồi in gấp 3.000 cuốn bằng giấy Việt Trì
(ngày đó chưa có giấy Bãi Bằng). Cứ ngỡ phải 2 hoặc 3 năm mới bán hết 8.000
cuốn “Thị trường và Doanh nghiệp”, nhưng chưa đầy 12 tháng tôi đã
phải xin tái bản “Thị trường và Doanh
nghiệp” vì các đầu mối cung cấp sách cho lực lượng bán sách báo dạo đặt
hàng. Thấy viết sách thu lợi dễ quá, tôi hăm hở viết một loạt đầu sách về tâm
lý - kinh doanh như: “Mưu lược giành
chiến thắng”, “Kinh doanh những điều
còn ít nói”, “Điều cần cho thanh
thiếu niên”, “Nghệ thuật thành danh
với đời”, “Giới tính và giáo dục giới
tính”...
Thật tiếc, năm 1998, thị trường bán
sách báo dạo bị “vỡ trận”, tôi buộc phải chuyển hướng sang mảng sách văn hóa tâm linh nên “duyên sách” giữa tôi và anh Trần Hữu Thực chỉ “nồng ấm” được
vài năm.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến
với nghề viết sách và kinh doanh sáchl
- Nhớ chuyện xưa
với anh Phước cà lăml
- Tâm sự về việc
soạn sách “văn hóa tâm linh”l
- Những lưu ý khi
xem tướng bàn tayl
- Trao đổi thuật
xem tướng tay với bạn đọcl
- Chuyện của tôi
và chị Nguyễn Thị Ngọc Diệpl
- Giải phẫu thẩm
mỹ và kỳ vọng cải sốl
- Bàn thêm về câu
“Tam nam bất phú”l
VÀI HÌNH ẢNH VỀ NHÀ SÁCH BẢO THẮNG
CÔNG TY T.N.H.H VĂN HÓA BẢO THẮNG:
*.
Hà Nội, ngày 27 tháng 04-2021
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
.
.....................................................................................................
- © Tác giả giữ bản
quyền.
- Copy bài tại trang: https://tienglongnguoixaque.blogspot.com/
- Ảnh minh họa bài viết: Tác giả Đặng Xuân Xuyến năm 1995.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét