VỀ MỘT QUÃNG ĐỜI
TRỊNH CÔNG SƠN (1-2)
*
1.
Cát bụi trở về với cát bụi.(Tác giả Nguyễn Thanh Tý)
Xong một kiếp người.
Nhưng đằng sau ông,
vấn đề vẫn chưa xong. Người khen ông rất nhiều. Kẻ chê ông cũng lắm. Dù khen
hay chê, mọi người đều phải công nhận tài năng âm nhạc của ông. Cái đó đã hẳn.
Không bàn ở đây. Vấn đề đang tranh cãi được đặt ra ở đây: Trịnh Công Sơn có là
Cộng Sản hay không? Hay chỉ là nạn nhân đi giữa hai lằn đạn? Như ông Trịnh Cung
và một số người đã nêu!
Người viết bài này có
dịp gần gũi và sống chung với Trịnh Công Sơn một thời gian, từ năm 1962 đến
1967, nên biết được đôi điều về cuộc đời thường của nhạc sĩ họ Trịnh này. Nhân
ngày ông qua đời, một số thân hữu yêu cầu tôi viết lại những kỷ niệm vui buồn
với người quá cố để anh em hiểu thêm về một thiên tài âm nhạc. Và luận xem thử
Trịnh Công Sơn có là Cộng Sản hay thiên Cộng hoặc đi giữa?
Tôi chưa hề viết văn.
Mong rằng những dòng thô thiển dưới đây giúp ích được phần nào cho những ai
thích sưu tầm tài liệu về cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh này. Miễn
chấp cho chuyện chữ nghĩa.
Theo chỗ tôi biết,
trong số những người viết về cuộc đời của nhạc sĩ họ Trịnh trong thời gian dạy
học, chỉ có bốn người mới có thể có nhiều tài liệu sống về Trịnh Công Sơn, còn
hầu hết đều cưỡi ngựa xem hoa, hoặc cặm cụi mày mò, đào xới trong các bài viết
của nhiều người, cóp chỗ này một ít, chỗ kia vài chi tiết và đem các ca từ của
họ Trịnh ra, sợi tóc chẻ làm tám, rồi dùng ngòi bút thần kỳ hô phong, hoán vũ,
tô lục, chuốc hồng mà thôi.
Bốn người đó là:
Hoàng Phủ Ngọc Tường - Khánh Ly - Trịnh Cung - Đinh Cường.
Thời gian Trịnh Công
Sơn còn sống, báo chí hải ngoại viết rất nhiều về người nhạc sĩ này, cả khen
lẫn chê, nhiều khi đến độ gay gắt. Tôi cố tìm đọc những bài của ông Đinh Cường
để xem lập trường của ông, nhưng không thấy. Mới đây ông Nguyễn Văn Liễu tức
họa sĩ Trịnh Cung có phát biểu một số điều tại Cali trong dịp tưởng niệm Trịnh
Công Sơn. Trong đó có một số sự việc ông không phản ảnh đúng sự thật. Tôi nghĩ
rằng ông quên hoặc ông suy diễn.
Mãi đến khi tờ Hợp
Lưu, số 59, phụ trang đặc biệt Trịnh Công Sơn "Một cõi đi về",
tôi mới được đọc một bài duy nhất của ông Đinh Cường. Cả hai ông Trịnh Cung và
Đinh Cường đều nói là bạn lâu năm với Trịnh Công Sơn, từng cưu mang, chia ngọt,
xẻ bùi cùng nhau cho đến ngày nhạc sĩ họ Trịnh từ giã cuộc đời. Nhưng tuyệt
nhiên, người ta không thấy hai ông đả động gì tới vấn đề Trịnh Công Sơn có là
Cộng Sản hay không?
Ca sĩ Khánh Ly hết
lời ca tụng người nhạc sĩ này là điều đương nhiên, dễ hiểu. Nếu không có nhạc
Trịnh Công Sơn chắp cánh cho Khánh Ly bay cao, thì suốt đời Khánh Ly chỉ là một
cô bé "nhếch nhác", như lời ông Cung mô tả, ở tại Đà Lạt mà
thôi. Ngược lại, nếu nhạc Trịnh Công Sơn không nhờ Khánh Ly "lăng xê
chùa" trên Đài Phát Thanh Đà Lạt, ròng rã ba năm liền, từ 1964 đến
1967, và "đi chân đất" về Sài Gòn hát miễn phí cho sinh viên nghe thì
liệu nhạc của họ Trịnh có được phổ biến rộng rãi như ngày nay không? Cần nhắc ở
đây là trước 1964, từ cái thuở mới mười bảy tuổi, Trịnh Công Sơn đã có những
bản nhạc rất hay như "Ướt Mi", "Thương Một Người",
"Biển Nhớ", "Nhìn Những Mùa Thu Đi" mà nào có tăm
tiếng gì. Có chăng là những bạn bè trong giới Sư phạm hoặc một vài thân hữu
chuyền tay nhau hát!
Người có thẩm quyền
nhất để giải đáp thắc mắc của nhiều người liệu Trịnh Công Sơn có là Cộng Sản
hay không chính là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhưng đến giờ này, tôi không thấy ông
lên tiếng xác nhận. Hoặc có mà tôi không biết chăng?
Hai Năm Tại Trường Sư Phạm Qui Nhơn 1962-1964:
Tôi học chung một
khóa Sư phạm với Trịnh Công Sơn. Khóa I, ngày 22 tháng 4 năm 1962, khóa đầu
tiên được mở ra tại thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định. Tên gọi khóa học
là "Thường Xuyên", học hai năm, để phân biệt với "Khóa
Cấp tốc", học một năm. Tiêu chuẩn tối thiểu để nộp đơn là Tú Tài I. Tuy
nhiên khóa đầu tiên ấy đa số đã có Tú Tài II. Một vài người đã có một, hai
chứng chỉ Đại học. Sĩ số giáo sinh là ba trăm người. Đa phần là người Huế, tỷ
lệ có lẽ chiếm 60%. Số còn lại rãi rác ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình
Định, Phú Yên, Khánh Hòa... lên tận các tỉnh cao nguyên Đà Lạt, Lâm Đồng,
PleiKu, KonTum...
Trịnh Công Sơn theo
ban Pháp văn. Tôi theo ban Anh văn. Hiệu trưởng là thầy Đinh Thành Chương. Ông
này rất tôn sùng Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Mỗi sáng thứ hai, chào cờ, Ông
thường có những bài phát biểu trước giáo sinh, ca tụng công đức Ngô Chí Sĩ hết
lời. Ngược lại, em Ông, giáo sư Đinh Thành Bài lại thiên Cộng. Trong những giờ
dạy Sư phạm lý thuyết, thầy thường xen vào những lời ca ngợi chế độ Cộng Sản.
Năm 1963, phong trào
Phật Giáo nổi lên, lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Một nhóm giáo sinh tổ chức
tố khổ thầy Đinh Thành Chương, buộc Ông phải từ chức. Trịnh Công Sơn cũng bị
lôi kéo theo trong vụ này. Mấy tuần sau, Bộ Giáo Dục phải bổ nhiệm giáo sư Mẫn
mới từ Hoa Kỳ về, thay thế thầy Chương, nội vụ mới êm.
Còn nhớ, ngày nhập
học đầu tiên, thầy Đoàn Nhật Tấn, dạy môn tâm lý giáo dục, đọc tặng học trò hai
câu thơ:
Dưa leo chấm với cá kèo,
Bởi con nhà nghèo mới học Normal!
(Sư phạm)
Đúng vậy! Đa số chúng
tôi lúc ấy đều là con nhà nghèo. Hoặc học hành dang dở, hoặc cha mẹ không đủ
khả năng tài chánh để gửi con ra Huế hay vào Sài Gòn tiếp tục học lên Đại học.
Vì vậy chúng tôi đều cố thi vào Sư phạm để chắc chắn rằng sau hai năm sẽ có
công ăn việc làm cho bản thân và có thể giúp gia đình. Tưởng cũng nên nói rõ ở
đây tại sao chúng tôi cố thi vào Sư phạm. Thời gian đó hai ngành Y Tế và Giáo
dục rất thiếu nhân viên. Khóa nào vừa đào tạo xong là được bổ nhiệm đi làm
ngay. Trong khi các ngành khác như Công Chánh, Nông-Lâm-Súc, Kỹ Thuật Phú
Thọ... ra trường, nằm nhà mấy năm vẫn chưa được bổ nhiệm.
Có một nghi vấn ở
đây: Không biết ông Trịnh Cung vin vào đâu mà bảo rằng Trịnh Công Sơn vào được
trường Sư phạm Qui Nhơn để núp bóng là nhờ hai ông Tường và Kha giúp đỡ. Có lẽ
ông Cung đã nghe ông Tường, ông Kha hay là Sơn kể lại chăng?
Nói thêm một chút về
chuyện thi vào Sư phạm. Đề thi thật ra không khó, nhưng để lọt được vào cửa ải,
mỗi thí sinh phải chọi lại ít nhất mười đối thủ. Tính từ Quảng Trị, Trung Trung
Phần đến miền cao nguyên hơn mười bốn tỉnh, Bộ chỉ chọn có ba trăm người. Vậy
theo tiết lộ của ông Cung, người ta nghĩ đến hai vấn đề:
1/ Ông Tường hoặc ông
Kha đã thi dùm cho Sơn? Hoặc 2 ông có chân trong Ban Giám khảo, chấm cho Sơn
đậu?
- Tại sao lại phải
vào trường Sư Phạm núp bóng mà không là Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế? Nơi mà
ông Cung với ông Cường theo học.
Ông Đinh Cường từng
xác nhận là Sơn có tài hội họa, vậy thì thi vào Mỹ thuật có khó khăn gì, thi
chi vào Sư phạm để phải nhờ đến sự giúp đỡ của hai ông Tường và Kha?
Thứ nữa, ông Cung chê
nghề dạy học không xứng đáng với tài năng của Sơn (lúc ấy?). Và ông còn cho
biết đã cưu mang Sơn.
Tôi không biết ông
nói chữ "cưu mang" với một nghĩa nào. Theo chỗ tôi biết,
đem chỉ số lương ra so sánh thì lương của Sơn phải hơn hẳn.
2/ Trịnh Công Sơn vào
Sư Phạm để núp bóng. Cả hai ông Cung và Cường đều nói như thế. Vậy Trịnh Công
Sơn vào Sư Phạm để núp ai? và núp cái gì? Sẽ có hai giải thích được đặt ra cho
hai chữ "núp bóng"
a/ Sơn vào Sư Phạm để
tạm thời trốn lính.
b/ Hoàng Phủ Ngọc
Tường, Ngô Kha, Nguyễn Văn Liễu (Trịnh Cung) và Đinh Cường đã có mưu đồ gài Sơn
vào Sư Phạm để thực hiện sách lược "học đường vận" ?
Giải thích một: không
vững. Lúc đó Sơn đã có Tú Tài I. Đâu phải ở vào trường hợp "Rớt tú
tài anh đi trung sĩ". Sơn có thể theo học bất cứ một trường Trung Học tư
nào để thi lấy Tú Tài II vẫn được hoãn dịch theo luật định. Nếu cuối năm, thi
hỏng, thì a-lê, mời anh vào Thủ Đức, vác Garant M1 đi "ắc
ê" chín tháng quân trường. Sau đó mang lon chuẩn úy,
đi "mút chỉ cà tha", bốn vùng chiến thuật, trả nợ nước non. Còn
nếu anh bợ được cái Tú Tài II, thì anh cứ tà tà lên Đại Học. Chí ít cũng được
hoãn dịch bốn năm nữa. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đâu có chủ trương lùa hết
trẻ, già, trai, gái, lớn, bé đi "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu
nước" như ở miền Bắc.
Ông Cường nói vì tình
hình, thời cuộc lúc đó... lại càng khiên cưỡng. Những ai sinh từ năm 1940 trở
về trước đều biết rất rõ rằng: Miền Nam được hưởng một thời gian mấy năm rất
thanh bình, kể từ ngày Ông Diệm chấp chánh (54-63) cho đến lúc Ông bị
đám "Thập nhị Sứ quân" giết.
Giải thích hai: có lẽ
thuyết phục hơn, nếu xét theo bề dày "thành tích" Sơn đã
cúc cung tận tụy, phục vụ chế độ sau tháng Tư, bảy lăm. Nhưng suốt những tháng,
năm sống chung với Sơn, tôi không thấy Sơn có một hành động cụ thể nào khả dĩ
gọi là có vẻ "Việt Cộng". Trừ khoảng thời gian giữa năm 1965,
Sơn nhận được nhiều thư từ của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường và tiếp theo là những
cuộc gặp gỡ, tiếp xúc bí mật tại một trang trại ở Phim Nôm, gần Tùng Nghĩa, Đà
Lạt với một nhân vật, Sơn giấu tên. Sau đó, Sơn mới vội vã sáng tác
tập "Ca Khúc Da Vàng" trong vòng có ba tháng hè năm 1965.
Loại trừ hai giải
thích trên, Sơn vào Sư phạm với một lý do hết sức đơn giản là:
Dưa leo chấm với cá kèo,
Bởi con nhà nghèo mới học Normal!
(Sư phạm)
(Cái sĩ diện hão của
đa số người Huế cứ mơ về một thời vàng son làm "ôn" làm
"mệ" cố che dấu cái hiện tại suy tàn đã đành. Còn ông Liễu là dân Nha
Trang-Cầu Đá-Chụt chính tông mà cũng lập lờ "đánh bùn sang
ao" quả là chuyện lạ).
Nhắc lại hai câu thơ
của thầy Đoàn Nhật Tấn đã dẫn nhập để thấy rằng lúc ấy nhà Sơn đang lâm vào
cảnh ngặt nghèo. Cha bị tai nạn mất sớm, gia đình khánh kiệt. Má Sơn phải chật
vật lắm mới nuôi nỗi đàn con còn nhỏ dại. Sơn là con trưởng, phải bỏ dở chương
trình học để lấy nốt cái Bac II Philosophie, về lại Huế để phụ giúp mẹ. Sư phạm
Qui Nhơn là con đường ngắn nhất có thể giúp Sơn đạt được ý nguyện này. Những
ngày mưa gió ủ ê, đất nhão, không đi ra ngoài được, nằm khoèo ở nhà, Sơn tỉ tê
kể cho tôi nghe về cuộc đời của Sơn nhiều buồn vui lẫn lộn. Trong đó có cả điều
thất vọng và thất tình về cô Diễm. Từ đó mới có bài ca thất tình diễm
lệ "Diễm xưa".
Dù bất cứ ai, vô tình
hay hữu ý, che dấu hay huyền thoại hóa Trịnh Công Sơn trong giai đoạn học Sư
phạm và dạy học bằng những lý do rất "mờ mờ, ảo ảo" để đánh
hỏa mù dư luận với mục đích thần tượng hóa đời thường của một nghệ sĩ, cũng cần
cơm ăn, áo mặc... như mọi người, đều không giúp ích gì được trong việc cung cấp
tài liệu để viết lại tiểu sử một người nghệ sĩ tài ba được nhiều người mến mộ.
Có khi lại phản tác dụng.
2.
Trường Sư Phạm và
trường Kỹ Thuật Qui Nhơn được ngân sách Mỹ tài trợ, xây cất rất qui mô và tân
kỳ. Hai trường nằm gần nhau tại Khu Sáu, sát bờ biển, khoảng giữa đường từ phố
Gia Long đến Ghềnh Ráng, nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử an nghỉ giấc ngàn thu. Qua khỏi
Ghềnh Ráng là làng Qui Hòa, làng dành riêng cho người mắc bệnh cùi. Ở đó có
nhiều bà "xơ" hy sinh một đời, tận tụy chăm sóc cho bệnh nhân.
Lúc bấy giờ, 1962,
thành phố Qui Nhơn hãy còn tiêu điều xơ xác. Ngay con đường chính Gia Long,
chạy dài từ Núi Một (Ga xe lửa) đến bến cảng hãy còn nhiều ngôi nhà vô chủ, đổ
nát hoang tàn trong chiến tranh chưa có ai dọn dẹp. Đường Lê Lợi chạy từ trung
tâm phố thẳng ra biển còn rất nhiều nhà tranh, vách lá.
Vẽ lại một vài hình
ảnh cũ để cho thấy chính phủ lúc ấy có dụng ý khi cho xây cất hai ngôi trường
đồ sộ tại đây. Mỗi năm hai trường qui tụ hơn một ngàn giáo sinh và học sinh kỹ
thuật khắp nơi đổ về. Nền kinh tế tại đây đã nhanh chóng phục hồi.
Để quảng bá rộng rãi
cho nhiều nơi biết về trường Sư Phạm, Ban Giám Đốc nhà trường cho thành lập một
ban văn nghệ. Trịnh Công Sơn được bầu làm trưởng ban, chịu trách nhiệm tổng
quát. Thanh Hải, phó ban thứ nhất, trách nhiệm về nhạc. Võ Văn Phòng, phó ban
thứ hai, trách nhiệm về kịch. Một vở kịch thơ dài 45 phút nhan
đề "Tiếng Cười Bao Tự" được dàn dựng. Tôi được chọn để thổi
sáo đệm thơ. Nhân dịp này tôi mới biết và quen với Trịnh Công Sơn.
Một chương trình đại
qui mô gồm đủ các tiết mục ca, múa, nhạc, kịch được Ban Văn nghệ hoạch định.
Thêm vào đó là một tổ phụ trách ánh sáng. (Lúc đó rất hiện đại và tân kỳ. Dùng
đèn chiếu slide làm hậu cảnh thay đổi mỗi màn trình diễn khác nhau. Dùng đèn
quay, chớp chớp đổi màu rất đẹp mắt).
Buổi trình diễn được
ra mắt đúng ngày "Song Thất" năm đó, chứ không phải ngày
mãn khóa như ông Đinh Cường nói.
Trong thời gian này,
Trịnh Công Sơn sáng tác trường ca "Tiếng Hát Dã Tràng" hay
gọi gọn hơn là "Dã Tràng Ca" để làm tiết mục mở màn. Đây là
tiết mục công phu và đặc sắc nhất. Ban hợp xướng gồm năm mươi người gồm nam lẫn
nữ do Sơn thử giọng tất cả các mầm non văn nghệ và chọn lọc. Anh đã khổ công
tập ráo riết trong ba tháng trời, xen kẽ giữa những giờ học, và đã thành công
vượt mức trước sự ngạc nhiên đầy thích thú và khen ngợi của quan khách và công
chúng. Tiếng vỗ tay đã kéo dài rất lâu.
Rất tiếc, tôi không
có chân trong ban hợp xướng, nên không thuộc trường ca này. Chỉ nhớ lõm bõm vài
câu, xin ghi lại cho vui.
Tiếng Hát Dã Tràng hay Dã Tràng Ca. (Tiếng vọng) Dã tràng... Dã
tràng... Dã tràng... Dã tràng xe cát biển Đông... Dã tràng xe cát hoài công... (Tiếng
trống Bass dồn dập, thúc dục): Trùng dương ơi... Trùng dương ơi vỗ sóng vào
bờ...
....(quên)...Thôi... còn gì nữa đâu... Còn gì nữa đâu... Đời lên cơn đau! Xuân,
Hạ, Thu, Đông bốn mùa làm rét mướt... Tôi gọi tên tôi giữa nước non ngàn...
Tôi chỉ nhớ đại khái
vậy. Hiện nay, tại thành phố Lawrence, Mass, có anh Nguyễn Văn Tấn; Cali có chị
Hồ Thị Nghị trước ở trong ban hợp xướng, chắc còn nhớ. Bốn mươi năm đã qua rồi,
còn gì!
Cũng trong thời gian
học Sư Phạm, Sơn còn sáng tác thêm những nhạc phẩm khác như "Biển
Nhớ", "Nhìn Những Mùa Thu Đi", "Nắng Thủy Tinh". Hầu
như tất cả giáo sinh đều biết và ngâm nga những bài này. Ngoài ra Sơn cũng sáng
tác một vài bài vui, ngắn để chúng tôi khi đi thực tập tại các trường dạy cho
các em hát.
Tôi xin ghi lại đây
một bài tượng trưng:
Ông Tiên vui
Ông Tiên vui,
Ông có cái râu dài.
Đêm ông thường ngủ yên trên đỉnh mây.
Ông Tiên vui,
Ông thường hay nhắc đến.
Chốn thiên đình chẳng có tháng ngày vui.
Ông Tiên vui,
Ông có cái căn nhà.
Trên ngọn đồi hằng đêm Ông ghé qua.
Hôm em lên,
Ông chợt đi đâu vắng!
Lúc em về, em buồn đến ngẩn ngơ.
Xin nhắc lại ở đây,
Qui Nhơn lúc ấy còn nghèo lắm. Cả thành phố có mỗi quán kem duy nhất, vừa bán
kem, vừa bán cà phê, thuốc lá, bia, trà. Đó là quán Phi Điệp, nằm trên đường
Phan Bội Châu, đối diện với hội trường Qui Nhơn, nơi đã trình diễn văn nghệ.
Mỗi buổi chiều, chúng
tôi, anh chị em nào có chút tiền còm thì kéo nhau vào quán, kêu bình trà, ngồi
nhâm nhi nghe nhạc. Khá một chút nữa thì kêu một chai bia với tô bò viên gân,
ngầu pín của ông Ba Tàu đậu xe trước quán. Thế là sang lắm rồi. Anh chị
nào "bô xu" thì ra biển ngồi ngắm trăng suông. Biển Qui
Nhơn là biển bùn nên cát ở đó có màu vàng xỉn trông dơ dáy, không trắng như cát
biển Nha Trang. Dọc theo bờ biển là một hàng dương, chạy dài từ khu quân sự đến
bệnh viện Nguyễn Huệ. Trước bệnh viện là xóm chài. Bờ biển không có một lều
quán hay kiosque nào. Ông Đinh Cường nói cùng Trịnh Công Sơn và Bích Khê ra đó
uống cà phê ngắm trăng là nói nhầm.
Ba Năm Tại Blao (Bảo Lộc, Lâm Đồng):
Sau hai năm, mãn
khóa, chúng tôi tốt nghiệp ra trường. Tôi và Trịnh Công Sơn cùng bốn giáo sinh
khác là Lê Thị Ngọc Trinh (Huế), Nguyễn Văn Sang, Trương Khắc Nhượng, Đỗ Thị
Nghiên (Nha Trang) cùng được bổ nhiệm chung một sự vụ lệnh, đáo nhậm nhiệm sở
Ty Tiểu học Lâm Đồng. Sự vụ lệnh mang số 961-GD/NV/38/SVL tạm thời tuyển bổ do
Ông Nguyễn Hữu Quyến, Xử Lý Thường Vụ Hiệu Trưởng Trường Sư Phạm ký ngày 14
tháng 8 năm 1964.
Sau hai năm tập sự,
chúng tôi được điều chỉnh tuyển dụng bằng Nghị Định mang số 596-GD/NV/BC/QĐ do
XLTV Đổng Lý Văn Phòng, Phụ Tá Chuyên Môn, Phạm Văn Thuật ký ngày 6/5/1966.
Đến năm 1967, chúng
tôi mới được chính thức bổ dụng bằng Nghị Định mang số 687/GD/NV/3B/NĐ kể từ
ngày 01/9/1966 do T.U.N Ủy Viên Giáo Dục Đổng Lý Văn phòng Huỳnh Ngọc Anh ký
ngày 7/4/ 1967.
Với chỉ số lương 320
cộng thêm phụ cấp đắt đỏ vùng cao lúc bấy giờ, chúng tôi lãnh được năm ngàn hai
trăm đồng ($5.200) mỗi tháng, tương đương với hai lạng rưỡi vàng Kim Thành. Vật
giá lại rất rẻ. Tiền ăn, ở mỗi tháng chỉ hết 600 đồng. Chai bia Con Cọp 3 đồng.
Một dĩa thịt bò lúc lắc bốn người ăn giá 7 đồng. Tô phở 3 đồng. Cà phê loại
ngon, một ly/1 đồng. Cơm bữa với ba món, 6 đồng. Thời gian từ 1964 đến 1967,
chúng tôi sống sung sướng, tiêu pha rộng rãi mà vẫn còn rủng rỉnh.
Tôi từ Nha Trang lên,
theo đường Nha Trang - Đà Lạt - Bảo Lộc. Trịnh Công Sơn, từ Huế bay vào Sài
Gòn, rồi từ Sài Gòn đi xe đò lên Bảo Lộc.
Không hẹn mà gặp lại
nhau trên bến xe vắng vẻ, thưa thớt bóng người. Lâu lâu mới thấy dăm người
Thượng lầm lũi nối đuôi nhau, lặng lẽ rảo bước về một bản làng nào đó. Chúng
tôi nhìn nhau, lòng thầm nghĩ: Trời ơi! Cái thiên đường mà mình tưởng tượng khi
nắm trong tay tờ Sự Vụ Lệnh là đây sao? B'lao-Bảo Lộc là đây sao? Một phố quận
vào chiều thứ sáu sao mà vắng lặng, buồn hiu hắt.
Chuyến xe cuối cùng
đổ khách xuống đây rồi lẫn mất. Ai cũng tản mác về nhà. Chỉ còn trơ lại Sơn và
tôi, trơ trọi, cô độc. Trời lại đang mưa lâm râm, lành lạnh. Hai chúng tôi, mỗi
người một va li quần áo nhẹ tênh. Lang thang tìm người hỏi đường đến Ty Tiểu
Học Lâm Đồng. Lúc bấy giờ, thị xã Đà Lạt thuộc tỉnh Tuyên Đức. Lâm Đồng là một
tỉnh chỉ có vỏn vẹn hai quận là Djiring (Di Linh) và B'lao (Bảo Lộc). Trước năm
1960, Tòa Hành Chánh đặt ở Di Linh. Sau dời về Bảo Lộc được mấy năm, trước khi
chúng tôi đến.
Khi chúng tôi tìm
được đến Ty Tiểu Học thì trời đã sụp tối mặc dù chưa tới sáu giờ. Sương mù bốc
lên từ mặt đất, bay là là dưới chân. Ty chỉ cách bến xe non nửa cây số. May
mắn, lúc ấy bác lao công đang khóa cửa chuẩn bị ra về. Khi biết chúng tôi là
giáo viên mới đổi đến, bác ân cần mời chúng tôi theo bác.
- Mấy thầy cũng may!
Bác nói: “Chút nữa là tôi về rồi. Mai thứ bảy Ty nghỉ. Mấy thầy biết trọ nơi
đâu. Đi theo tôi, tôi sẽ giới thiệu hai thầy với mấy ông giáo cũng vừa mới đổi
tới đây mấy hôm trước”.
Chúng tôi theo chân
Bác vào ngõ Tiên Dung (gọi là ngõ Tiên Dung vì đầu ngõ có tiệm chụp hình mang
tên ấy). Đi sâu vào khoảng hai trăm thước, con hẽm hẹp, trơn trợt vì cơn mưa
buổi chiều, xoai xoải lên dốc dần. Bác dừng chân trước một căn nhà mái tole,
vách ván. Trong nhà vẳng ra tiếng cười nói vui nhộn của đám đông. Bác cai bước
vào trước. Tiếng huyên náo im bặt. Bác ra hiệu cho chúng tôi vào nhà.
Trong nhà chỉ có một
chiếc giường gỗ khá rộng. Trên giường bốn mạng đang nằm, ngồi lổn nhổn. Mọi
người nhìn bác cai chờ đợi. Bác đưa tay về chúng tôi rồi hướng về một anh lớn
nhất trong đám giới thiệu:
- Thầy Lãng à! Mấy
thầy này mới đổi tới hồi chiều. Ty đóng cửa rồi, không trình diện được. Thầy
giúp dùm cho mấy thầy ở tạm qua đêm được không? Nhà tôi chật quá, không có chỗ
ngủ.
Lãng tung chăn, ngồi
dậy, giọng hơi cà lăm:
- Thế à! Được...
được! Bác cứ về! Để... để tụi này thu xếp.
Sau khi bác cai quay
lưng ra khỏi cửa, tôi với Sơn sực nhớ ra chưa nói lời nào cám ơn sự giúp đỡ của
bác, bèn vội nói vói theo:
- Cám ơn bác nghe!
Không thấy tiếng trả
lời. Có lẽ bác đã đi khá xa. Chợt Lãng lên tiếng:
- Ối giời! Nhà bác ấy
cũng gần ngay đây thôi! Sáng mai, thế nào bác ấy cũng sang đây. Các anh vào đây
đã. Sao cứ đứng mãi thế. Để... để cái va li vào góc này!
Chúng tôi theo lời
anh đem hành lý đặt vào góc nhà. Thế rồi cả bốn người bu quanh hỏi thăm rối
rít.
- Sư Phạm Qui Nhơn
hả?
- Vâng!
- À, có anh Sang cũng
Sư Phạm Qui Nhơn đây, mới trình diện hôm kia. Còn bọn này Sư Phạm Sài Gòn. Cũng
lên trước mấy ngày thôi.
Tôi nhìn qua Sang.
Cũng dân Nha Trang, nhưng tôi chưa gặp mặt lần nào tại Qui Nhơn. Sang ốm và cao
như cây tre miễu. Nước da đen nhẽm. Mắt tròn xoe, tròng trắng nhiều hơn tròng
đen. Còn hai người kia mới thoạt nhìn cứ tưởng là hai anh em. Cả hai đều tròn
lẵn, chắc nịch. Da mặt hồng hào, bóng lưỡng. Một anh tên là Nguyễn Đức Hinh,
nãy giờ chỉ đứng nhìn chúng tôi cười cười, không nói gì, nét mặt lộ vẽ thân
thiện. Còn anh kia là Đỗ Danh Đạo, người hoạt bát, nói năng vui vẻ. Anh giới
thiệu với chúng tôi người này, người nọ bằng một giọng đặc biệt Bắc pha Sài Gòn
nghe rất tếu:
- Ông này là Nguyễn
Tiến Lãng, -anh chỉ tay về phía đầu giường, Lãng đang quấn mền, ngồi dựa lưng
vào vách.- Lãng là thổ địa kỳ cựu sáu năm ở đây, có biệt danh là ông Trùm. Đang
dạy tại trường Nam Bảo Lộc.
Có lẽ đoán được sự
thắc mắc của chúng tôi qua nét mặt ngơ ngác, Đạo giải thích:
- Sở dĩ ông Lãng lên
tới chức Ông Trùm là vì ông ở đây lâu, thổ nhưỡng Lâm Đồng tặng cho ông bệnh
sốt rét kinh niên. Cứ tới năm giờ chiều là ông phải trùm mền, xoa dầu Nhị Thiên
Đường. Ngày nắng hay ngày mưa cũng đều đặn.
Mọi người cười rộ lên
qua lời tếu của Đạo. Quay qua cặp mập và ốm ngồi cạnh nhau, Đạo tiếp:
- Còn hai ông này là
Sang và Hinh, đang làm vua một cõi tại Lạc An, cách đây bảy cây số. Một tuần về
phố một lần để du hí. Tạm trú tại "am" của em và bác Lãng.
Không khí dần dần cởi
mở, thân mật. Chúng tôi thấy ấm lòng và quên ngay nỗi buồn nặng nề buổi chiều,
mới cách đây có hai tiếng đồng hồ. Chợt Hinh lên tiếng:
- Này ông, ông giới
thiệu người khác lung tung, sao ông không nói gì về ông hết?
Đạo đỏ mặt rần lên,
phất tay lia lịa:
- Thôi tha cho nhà
em, nhà em đâu có gì để mà nói!
Nhưng Hinh đâu có
chịu tha:
- Hai anh nè! Hắn là
Đỗ Danh Đạo, tự là Đạo Sữa. Hôm mẹ hắn dẫn hắn lên đây giao cho bác Lãng trông
nom, có dặn dò bác Lãng nhắc chừng hắn uống đều đặn mỗi ngày ba lần sữa, sữa
Guigoze chính hiệu bà Lang Trọc đấy.
Nói xong, anh chỉ cho
chúng tôi thấy hai thùng sữa tổ bố nằm dưới gầm bàn.
Thoáng chốc, chúng
tôi thấy gần gũi và thân tình như đã quen nhau tự bao giờ. Mọi người giục chúng
tôi đi tắm rửa rồi dẫn đi ăn tối. Đi ngược lại hẽm Tiên Dung. Phía bên kia
đường là quán ăn Ngọc Hương, nằm bên phải đầu cầu. Buổi chiều, lầm lũi theo bác
cai nên chúng tôi không để ý. Cầu có tên là Cầu Đất, vì bên dưới không có sông
hay suối gì cả. Người ta dùng xe ủi, ủi đất lấp đầy một quãng, nối liền hai
trái đồi, thành một lối đi, hai bên có thành che chắn cho khỏi ngã xuống hố,
trông giống như cây cầu. Sương buổi tối đã dâng lên dầy đặc. Cả phố Bảo Lộc
thắp thoáng ẩn hiện trong sương giống như cảnh tiên bồng trong xi nê. Quán ăn
Ngọc Hương lập lòe ánh điện, văng vẳng tiếng nhạc phát ra, nghe như lúc gần lúc
xa. Còn nhớ hình như bản "Những Bước Chân Âm Thầm". Vì lời ca,
tiếng nhạc với cái khung cảnh lúc bấy giờ nó hòa nhập vào lòng người lần đầu
tiên đặt chân lên miền cao nguyên, sơn cước... Trước mắt tôi, một cảnh trí hoàn
toàn lạ lẫm, đầy huyền ão và thơ mộng mà từ thuở nhỏ đến giờ, sống ở miền gió
biển, cát trắng, sóng vỗ quanh năm, tôi chưa từng được thấy. Có chăng cũng chỉ
là tưởng tượng ra những hình ảnh mơ hồ qua bản nhạc "Ai Lên Xứ Hoa
Đào" của nhạc sĩ Hoàng Nguyên mà thôi.
Những hình ảnh buổi
chiều đứng co ro nơi bến xe vắng ngắt bóng người, nó ảm đạm thê lương bao
nhiêu, bây giờ trở thành thơ mộng, lãng mạn bấy nhiêu. Nào con đường đất đỏ
quanh co lẫn khuất dần trong ngõ vắng. Nào sương mù là là bay từng đám dưới
chân. Nào những con đường lên dốc, xuống dốc khiến những mái nhà trồi lên, hụp
xuống theo, y như những con thuyền tròng trành lượn theo giợn sóng xa xa ngoài
biển.
Đang đói suốt một
ngày đi đường, tôi và Sơn, vèo một cái, mỗi người đã ăn hết một dĩa cơm sườn
nướng một cách ngon lành. Trong lúc mọi người đang nhâm nhi cà phê, nghe nhạc.
Họ đã ăn từ chiều. Chúng tôi tiếp tục uống cà phê và trò chuyện. Sơn ít nói,
chỉ ngồi nghe. Thỉnh thoảng góp vài câu gọi là. Có lẽ lần đầu còn giữ kẽ chăng?
Ba anh: Lãng, Hinh, Đạo chốc chốc lại ngó chăm chăm vào Sơn, nửa như tò mò, nửa
như quan sát. Phải chăng cái phong thái nghệ sĩ của Sơn đã gây cho người ta cái
ấn tượng đầu tiên? Đối với tôi hay Sang, cái hình ảnh Trịnh Công Sơn, với một
khuôn mặt ngăm đen, đôi mắt nhỏ mơ màng sau cặp kính cận khổ lớn, gọng đồi mồi
che gần hết nửa khuôn mặt, trong hai năm học tại Qui Nhơn đã quá quen thuộc.
Nhưng giờ đây, với những người bạn mới, chân chỉ hạt bột, mới rời ghế nhà
trường, lần đầu tiên bước chân ra ngoài xã hội thì hình ảnh một ngươi nghệ sĩ
như Sơn tự nhiên với mái tóc thưa, hơi dài, cái trán hói cao, đôi kính cận to
quá khổ, hàng ria mép lưa thưa, vừa như râu, vừa như lông, mãnh và mịn khiến
người ta thấy lạ nhưng ưa nhìn và có cảm tình ngay.
Gần chín giờ, mọi
người dục về. Tôi và Sơn muốn nán lại chút nữa để được hưởng thêm cái hương vị
ngọt ngào, đậm đà kỷ niệm của ngày đầu tiên đặt chân lên xứ Thượng. Nhưng anh
Lãng cho biết, đúng chín giờ là nhà máy điện sẽ cúp.
Đêm đó, chúng tôi
trải chiếu, chăn xuống thềm nhà, năm người bạn trẻ, trừ anh Lãng nằm trên
giường, tuổi sàng sàng từ hai bốn đến hai sáu, cùng nhau trao đổi những chuyện
quê hương đi dần từ Sài Gòn ra đến Huế rồi thiếp vào giấc ngủ. Lúc bừng mắt dậy
đã chín giờ sáng.
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
*.
NGUYỄN THANH TY
Địa
chỉ: 69
Edwin St.N. Quincy, MA.02171. USA
Điện thoại: (617) 328 - 9833
..........................................................................................................
- Cập nhật từ
email: phudoan56@gmail.com ngày 30.07.2022
- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét