MỜI ĐỌC:

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

‘NHÀ BÀ NỮ’ CỦA TRẤN THÀNH ĐỈNH CAO CỦA NHẢM - Tác giả: Trung Kiên ; Nguyễn Đình Văn giới thiệu

 

‘NHÀ BÀ NỮ’ CỦA TRẤN THÀNH

ĐỈNH CAO CỦA NHẢM

*

Nếu lấy ‘Nhà bà Nữ’ làm bài tốt nghiệp bất cứ trường điện ảnh nào trên thế giới, tôi tin các giáo viên sẽ không cho quá 5 điểm trên 10. Thực ra nó xứng đáng rớt, nhưng giáo viên thương tình nên cho sinh viên tốt nghiệp cho rồi, nhìn mặt đứa sinh viên “thông minh” ở lại trường ngày nào mệt mắt ngày đó. ‘Nhà bà Nữ’ “không phải” là phim điện ảnh. Khi nói nó là kịch thì lại một vở kịch mà ai muốn làm dở hơn cũng khó.

 

Diễn xuất:

Trấn Thành (vai Luận): Hầu như không diễn gì, chỉ có phân cảnh bị vợ chửi rồi bỏ đi là ăn tiền. Nhưng trong bộ phim này, Trấn Thành từ đầu đã nhường vai chính rồi nên không cần nói nhiều (6/10 điểm).

Uyển Ân (Nhi): Nhân vật chính diễn sượng như sầu riêng đầu mùa, có lẽ nhờ gương mặt cũng xinh và có background là em gái Trấn Thành nên bà con khen. Tất cả những đoạn cãi nhau với John (Song Luân) đều vô hồn và vô duyên (6/10 điểm).

Song Luân (John): Không ấn tượng gì ngoài đẹp trai (5/10 điểm).

Bà Nữ (Lê Giang): Quá kịch, không thể đóng phim (5/10 điểm nhờ công… chửi thề).

Như (Khả Như): Con gái cái nết giống mẹ (5/10 điểm cũng nhờ công… chửi thề).

Ngọc Giàu, Việt Anh: Vai diễn bổ trợ phần hài, diễn xuất không có gì đặc biệt, thậm chí làm mất đi hình ảnh đẹp của hai nghệ sĩ kỳ cựu trên sân khấu (6/10 điểm tròn vai và có duyên).

Công Ninh: Chẳng hiểu sao lại tham gia một bộ phim như vầy? Gương mặt khắc khổ của Công Ninh không hề thích hợp với vai diễn một ông nhà giàu, trời ạ (5/10 điểm tròn vai).

Nhìn chung về mặt diễn xuất, tôi thấy chẳng ai xứng đáng đạt con số 7. Hên không có ai diễn tệ. Ờ, mà cũng có mấy người diễn trong vòng mấy phút đâu? Chưa kịp tệ đã hết phim rồi!

Đạt doanh thu cao nhưng ‘Nhà bà Nữ’ của Trấn Thành là một sản phẩm văn hóa rất kém chất lượng với đầy những tiếng chửi thề thô tục

 

Kịch bản:

Nhiều anh chị đi xem về khen kịch bản hay, nào là đầy ý nghĩa, nhân văn nhân ái gì đó. Cảm nhận của mọi người thì tôi tôn trọng, nhưng đây là bộ phim Việt có kịch bản stupid nhất tôi từng xem. Vừa xem mà cứ wonder đứa nào viết kịch bản sao “siêu” quá vậy!

Nhân vật được lấy làm tên phim lại tập trung tất cả những gì phi lý nhất mà một con người bình thường không thể nghĩ ra: Bà Nữ độc tài hét ra lửa, tôi cứ tưởng phải giàu cỡ chị Thảo Vietjet hoặc nổi tiếng như nữ hoàng Anh, ai ngờ lại là bà bán bánh canh đầu hẻm. Bà Nữ nói tiếng thứ nhất tiếng thứ hai đã chửi thề, vậy mà biết dạy con gái phải xếp xì-líp cho ngay ngắn, cái xì-líp mà có linh hồn cũng phải xá đứa biên kịch vài xá!

Nhân vật chính mới vui nè: Nhi là một người con ngoan trong tâm thế không phục mẹ, cam chịu từ nhỏ cho đến khi lên đại học. Đùng một phát, vì yêu mà bỗng nhiên biết nói dối, bày mưu với anh rể để ngày nào cũng bỏ học đi chơi với người yêu rồi có bầu. Yêu thắm thiết kiểu gì không biết, ra ở riêng với John thì cãi nhau chóng vánh, tiếp tục bỏ đi dẫn đến tai nạn hư thai. Còn trẻ mà vì yêu bỏ mẹ và gia đình, rồi mấy tháng sau chỉ vì cãi lộn mà bỏ luôn cả người yêu… Con gái hư kiểu đó, thằng nào va phải, vô phúc thằng đó!

Còn Luận nè: Bị vợ và mẹ vợ ăn hiếp, suốt ngày tìm đến rượu để giải sầu… rồi ngủ. Tôi chưa thấy một thằng đàn ông nào như vậy cả. Thà không có nhậu, chứ đàn ông sau khi đi nhậu về, con vợ nào mà “mày mày tao tao” như kiểu vợ của Luận trong phim là thằng chồng nó đập vỡ mặt, hết nhan sắc để bán hàng online nhé!

Việc quá ôm đồm nhiều nội dung vào một bộ phim thời lượng 100 phút khiến khán giả vô cùng ức chế. Khúc này giải quyết chưa xong, khúc kia đã đến. Bộ phim đã sai ngay từ lúc đặt tên, lý ra phải đặt tên là “Lật mặt” thay cho “Nhà bà Nữ”. Xem cứ 15-20 phút là nhân vật chính đổi ngoắt 180 độ.

 

Đạo diễn:

Điều làm tôi bực nhất là đạo diễn xen vào mạch phim quá nhiều lời dẫn của nhân vật Nhi, nó phá nát một bộ phim điện ảnh. Điện ảnh quan trọng ngôn ngữ diễn xuất thay cho lời nói, trong ‘Nhà bà Nữ’, đạo diễn làm ngược lại. Nói thẳng ra, Trấn Thành không biết đạo diễn phim. Xem phim mà cảm giác như đang nghe một cô giáo tiểu học ngồi rao giảng chuyện đời. Mấy cái câu giáo lý sến sẩm được bọn vớ vẩn ca tụng thực ra toàn lấy trong sách self-help.

Còn sạn thì thôi vô biên, nhưng kể cái phần tôi nhớ nhất, lúc mà Nhi bị phát hiện có bầu. Bị bà Nữ tát một phát như trời giáng, úi dùi ui, Nhi khóc như cha chết mẹ chết mà gương mặt vẫn trắng trẻo, mịn màng, da láng o. Ít nhất phải biết sau khi ăn tát, nếu răng không mẻ thì má phải sưng chứ? Coi khúc này, tôi ngồi cười, đứa bạn kế bên cứ hỏi người ta bị oánh mà sao tôi cười. Tôi trả lời tại đứa đạo diễn ngu hết phần thiên hạ chứ sao!?

Giống như tất cả những bộ phim Việt khác, phần kết phim luôn luôn chán nhất. Cảm giác như đạo diễn chỉ muốn làm cho xong phim. Tại sao đạo diễn không thể nghĩ ra cái gì hay ho để khán giả ra về phải suy tư như phim nước ngoài nhỉ? Cái đó là công việc của họ mà?

 

Chửi thề! 

Tôi không phải là người cực đoan, tôi không đạo đức đến mức phán xét người khác qua tiếng chửi thề. Ngoài đời như vậy, trong phim ảnh, tôi càng suy nghĩ nhiều về ý đồ đạo diễn. Nói vậy có nghĩa là tôi không quan tâm đến chuyện những tiếng chửi thề trong phim ‘Nhà bà Nữ’ ít hay nhiều, quan trọng là thứ ngôn ngữ đó có giúp bộ phim hay hơn? Câu trả lời rất rõ ràng: KHÔNG!

Biên kịch và đạo diễn không biết làm gì khác ngoài việc lạm dụng tiếng chửi thề để thể hiện sự bất ổn trong một gia đình Việt. Đó là thứ ngôn ngữ dễ dàng nhất, lười biếng nhất! Một biên kịch và một đạo diễn lười suy nghĩ có xứng để khán giả tiếp tục bỏ tiền ra mua vé xem ‘Nhà bà Nữ’ và những bộ phim sau này?

 

Kết:

Xin thừa nhận rằng tôi có một thành kiến lâu bền về phim Việt Nam. Tôi thường mặc định trong đầu rằng Việt Nam làm phim dở, dẫu biết như vậy thật không công bằng cho các nhà làm phim và có phần qui chụp. Nhưng tôi là người công bằng, sau khi xem ‘Thanh Sói’, dẫu không thích nhiều chi tiết, tôi kêu gọi bạn bè đi ủng hộ vì tôi hiểu ekip Ngô Thanh Vân thực sự nghiêm túc với bộ phim của họ. Còn sau khi xem ‘Nhà bà Nữ’, tôi thấy mình như một thằng ngốc. Ekip Trấn Thành làm bộ phim cẩu thả để chiếu Tết kiếm tiền thế mà tôi cũng ráng đi xem. Xem mà thương người Việt và thương chính bản thân mình. Tết, thú vui ít đến nỗi phải đi trải nghiệm những phế phẩm văn hoá như vầy. Tôi hứa từ nay không xem phim nào của Trấn Thành!

Tôi cảm giác rất thất vọng đối với những nghệ sĩ mà tôi tôn trọng như Ngọc Giàu, Việt Anh, Công Ninh, vì họ không cần xuất hiện trong bộ phim này. Tôi cảm thấy chán nản với Trấn Thành, tôi nghĩ đẳng cấp của anh phải cao hơn, phải làm một cái gì đó mang tính tôn trọng khán giả hơn. Tôi nghĩ anh ấy đang lợi dụng kết hợp những sự nổi tiếng để kiếm tiền. Theo qui luật, nếu không trân trọng, danh tiếng đến rồi sẽ đi trong vội vã…

_____________

Nói thêm về Trấn Thành

Đối với Trấn Thành, tôi nghĩ đây là “ca lạ” mà cả chục năm mới xuất hiện một nhân vật đặc biệt như vậy trong làng giải trí. Cái gì Trấn Thành cũng làm, anh làm tốt và đạt thành công đáng ganh tị.

Tôi còn nhớ cái ngày Trấn Thành đi thi Người dẫn chương trình Truyền hình nhiều năm trước, giám khảo đưa câu hỏi đại loại giữa một người già và một phụ nữ cần sự giúp đỡ thì bạn giúp ai? Trấn Thành khiến tôi hơi bất ngờ: “Em không giúp ai cả, vì chân em bị cụt thì làm sao em giúp được”. Cách trả lời bỡn cợt của Trấn Thành lúc đó khiến tôi mơ hồ về “một phản xạ văn hoá lùn” và thật không thể ngờ được thành công của anh sau này.

Quả thật cho đến giờ, nhiều người vẫn mỉa mai về nhận thức văn hoá của Trấn Thành. Có điều, Trấn Thành lại đại diện thiết thực nhất cho những cái xấu tốt của văn hoá Việt, nhờ đó mà anh đi xa. Nhìn cách Trấn Thành đưa những khiếm khuyết cơ thể người khác làm trò đùa trên sân khấu sẽ thấy được cái xã hội vẫn xem nhẹ chuyện đó, hoặc nhìn những lời ra tiếng vào từ phim của Trấn Thành sẽ thấy được một xã hội đầy bất an và không có điểm tựa.

Nếu diện mạo có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp theo hướng tâm linh, Trấn Thành là trường hợp tiêu biểu. Nếu hôn nhân có thể cộng hưởng tích cực cho sự nổi tiếng, nhiều năm qua, không ai làm tốt hơn Trấn Thành.

Đôi khi Trấn Thành thể hiện sự lộng ngôn của người nổi tiếng, như vậy âu cũng bình thường. Thật vô lý khi đòi hỏi một nghệ sĩ phải có giá trị đạo đức như bậc chân tu trong khi trước mặt họ là muôn vàn hào nhoáng được tạo ra từ chính khán giả, những người nuôi họ. Chiều lòng khán giả là nhiệm vụ bất khả thi, dù bạn làm gì đi nữa cũng sẽ có người không vừa ý. Tôi thông cảm với Trấn Thành khi đứng trước dư luận.

Không thể phủ nhận, Trấn Thành là một nghệ sĩ chăm chỉ hoạt động và có thực tài. Tôi thích nhiều vở kịch có Trấn Thành trước đây, đặc biệt là vở Tô Ánh Nguyệt của Trung tâm Thuý Nga, mặc dù anh bị phạt vì chuyện này. Mặc khác, tôi không cảm được giọng hát của Trấn Thành, chất giọng “rất kịch”, không phải xuất phát từ tình cảm của một ca sĩ. Dù Trấn Thành có khả năng nhại giọng của nhiều ca sĩ khác, anh chưa bao giờ thể hiện được cái hồn của một ca khúc.

Từ ngày Trấn Thành trở thành anh “MC quốc dân”, ẩn sẵn trong tôi một cảm giác bội thực đối với Trấn Thành, do anh xuất hiện nhiều quá. Ở đời, cái hay xuất hiện nhiều sẽ tự nhiên dở. Bây giờ nhìn Trấn Thành diễn, tôi không còn cảm xúc như lúc xưa.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:

Nguyễn Đình Văn giới thiệu

Tác giả: Trung Kiên Nguồn: saigonnho

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét