MỜI ĐỌC:

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2023

CỐC CHỦ - Truyện ngắn Hồ Đình Nghiêm (Canada)

 


CỐC CHỦ

*

1.

(Tác giả Hồ Đình Nghiêm)

Lạ chỗ, tôi ngủ không tròn giấc. Đêm cũng như ngày, chốn này đều chìm trong tĩnh lặng. Yên ả tới độ cố dóng đôi tai đợi chờ một tiếng động chợt khuấy lên, để biết mình đang tỉnh thức, không mê muội. Độ mười giờ sáng, tôi gặp chút mừng vui khi nghe có tiếng còi tàu xe lửa gọi về từ chốn xa, trốn tìm trong cánh rừng chen chúc rậm lá thu nhỏ tiếng thì thào. Chừng khoảng trưa thiêm thiếp nắng vàng nặng trĩu cành tôi nghe đôi ba tiếng chim hót giọng thanh cao. Tiếng lãnh lót ngọt ngào kia muôn đời làm lòng người chùng xuống, tái tê. Nó bay đi, điền thế một khoảng lặng dây dưa chút bàng hoàng, biền biệt.

Dạ Thường thức giấc hồi nào tôi chẳng hay. Cô luôn làm sẵn bình cà phê và thông thường mỗi ngày tôi uống tới ba bình. Tôi xem thời sự trên TV thấy có ông bác sĩ bảo uống cà phê rất tốt, nhưng dẫu chất nước đen kia chứa lắm thứ độc hại thì thứ dung dịch tôi mãi dung nạp vào người không vì thế mà thuyên giảm đi. Sự vắng lặng, ly cà phê đen, cây viết xanh, vuông giấy trắng; hình như gom chúng lại một cách hài hoà để tôi an lòng cúi mặt tiêu pha khoảng thời gian chờ Dạ Thường xuất hiện.

Có lẽ là một thói quen, pha cà phê cho tôi xong thì Dạ Thường mang đôi giày Nike vào chân và cô chạy bộ gần cả giờ quanh những con đường tuyệt chẳng có bóng người, lòn lách dưới thâm u bóng cây độ lượng phủ che. Sau đó, êm thắm mở nhẹ cánh cửa sau nhà rồi tiếng mưa rào rơi xuống, từ phòng tắm, vắng xa. Thay đổi áo xống, trang điểm nhẹ lên khuôn mặt chẳng buồn vui, Dạ Thường chu toàn công việc một hướng dẫn viên chở khách đi thăm những nơi cần ghé xem ở thành phố này. Hơn một tuần thời khoá biểu ấy bị ngưng lại vì thôi tìm ra đích tới. Bảo tàng, hoa rộ công viên, tranh ảnh trưng bày, tượng danh nhân, sông dài biển rộng cũng như suối khe róc rách đều thưởng lãm xong. Thậm chí cả hai đã chui vào khu thương xá lớn rộng vui tay xáo tung từng đống áo quần đang giảm giá mất tới hơn nửa ngày. Hàng quán thì ăn gần hết những nhà hàng ngon nức tiếng. Và xong mười ngày giờ đây tôi ngồi yên cùng trang giấy trắng, cùng cái nặng ngàn cân của nỗi vắng lặng bủa vây. Mỗi ngày tôi cố viết xuống được hai trang giấy. Vẩn vơ để khỏi ngứa năm ngón. Ngưng lại khi có tiếng phong linh reo, gió không đủ mạnh để đánh thức nó. Nó phát tiếng mừng vui khi Dạ Thường tập xong bài “Suối nguồn tươi trẻ” và vung tay đánh hết bài quyền căn bản của Dịch chân kinh.

Đợi chủ nhà đi lo những điều lặt vặt nhưng riêng tư cần thiết của một người đàn bà, tôi lẻn ra ngoài khoảng sân trồng lắm hoa tìm chỗ thích hợp để hút thuốc. Nếu bảo Dạ Thường là người đại diện mẫu mực của bộ y tế thì tôi, đích thực là kẻ tội đồ phá hoại bao cản ngăn, lân la với độc dược. Người xem sức khoẻ là báu vật kia sẽ tha thứ tôi và Dạ Thường tôn trọng cách tôi quan niệm về đời sống. Bằng chứng là cô đã trao vào tay tôi cái lọ thuỷ tinh để làm gạt tàn thuốc. Tôi nhìn nhãn hiệu mắm ruốc Huế thượng hảo hạng made in Hong Kong mà chẳng dấu một nụ cười. Người Huế đi đâu cũng cố truy lùng ra ruốc, ớt. Và tôi, những ngày đến thăm người bạn cũ, ăn đậu ở nhờ đã được bạn cho cái gạt tàn chẳng đụng hàng, giú bên bờ cây bụi cỏ để nhìn “khói huyền bay lên cao”. Cái lọ thuỷ tinh đã được rửa sạch và mai này Dạ Thường có nhăn mặt không khi ngó ra một kỷ niệm chẳng mấy thơm tho? Tôi đã ăn bún bò do Dạ Thường nấu cũng như những thức cao lương mỹ vị khác. Cô bảo, để mình rửa chén bát cho, ra ngoài mà hút thuốc cho khỏi tanh miệng. Tôi ngó vành môi phai nhạt màu son và ra vườn tìm tới lọ ruốc chôn cạnh cây hoa thạch thảo.

Hôm nay mình nên ăn chay một bữa. Thịt thà hoài cũng ngán, đổi qua xơi toàn rau cho có chất xanh. Dạ Thường nói có bà người Việt trồng đủ loại rau trong khu vườn rộng, mình sẽ tới cái địa chỉ đầy sức thu hút ấy. Giá rẻ đã đành, nó tươi rói khi vừa bức hái lìa cành mơn mởn. Và thích ở điểm khác, mình được dầm thân dưới bóng dâm ngập sắc xanh màu diệp lục tới mát lạnh, đôi ba cánh bướm bay chập chờn quanh quất và rồi nghe được tiếng sốt sắng chuyện trò của người đồng hương kia.

Dạ Thường phải dùng máy định vị chỉ bày đường tới. Tuy cùng thành phố nhưng nó nằm ở quận hạt khác, khá xa. Cô nói khi cho xe chạy ra con đường lớn. Kinh nghiệm hơn ba mươi năm, bằng lái sạch chưa phạm một lỗi lầm nhưng Dạ Thường điều khiển xe như một kẻ ngày đầu vật lộn với chiếc Lexus. Ở con người cô, chẳng biểu lộ thứ gì nôn nả, sôi nổi, bồn chồn, dục tốc. Cô từ tốn, chậm rãi, đằm thắm tới mức khó hiểu. Cô biết cách chôn chặt những muộn phiền tận đáy lòng và khi cô nói thật vui khi gặp mặt tôi, đón về nhà cô ở mà chẳng lộ ra sự vồn vã. Tôi dấu cái ý nghĩ là bạn tôi nên đổi tên thành Lạ Thường. Căn nhà nhỏ, trống trải, quạnh vắng mà bạn ở là một điều khó hiểu khác.

 

2.

Trong các bộ truyện võ hiệp kỳ tình giả tưởng của văn chương Hong Kong, Đài Loan thỉnh thoảng gặp phải đôi ba hình ảnh của Tuyệt Tình Cốc, U Hồn Cốc, Cực Lạc Cốc… 

Ngoài đời, ở chốn này, bỗng dưng hiện lên tấm bạt phập phồng lấn chiếm bờ lề che chắn lưu giữ được một bóng dâm nhỏ có tên gọi Cà Phê Cốc. Khai sinh ra nó là người sớm xa lánh chẳng mặn mà với sách truyện, chị Sim tầm 35 tuổi nói về nguồn cơn: Ban đầu thì cà phê bụi, chữ bụi cũng hay, nhưng sau đổi thành cốc vì em nghe ra lời quyến dụ của khách ngồi quán nói trong điện thoại: Hãy tới Cà Phê Cốc làm một cốc cà phê. Em mết chữ cốc từ buổi ấy, nghe phê. Lúc nhỏ học dốt cũng bị thầy đưa tay cốc vào đầu, u một cục. Chữ cốc còn đi vào bài hát đồng dao của bọn trẻ con: Lốc cốc leng keng con gà mô béo để riêng cho thầy! 

Nói tới cốc, nghĩ ra một nơi chốn vắng tẻ, cô quạnh, sơn lâm cùng cốc. Nhưng, như một định luật tự nhiên, ở đâu có cà phê ở đó đâm chộn rộn lắm kẻ vào người ra. Đi lại trên giang hồ thời buổi này đa phần là phường bàng môn tả đạo, hắc bạch khó phân minh, tất thảy đều từng một lần tạt vào Cà Phê Cốc; lại có hạng người tuồng không màng thế sự ngồi so vai thu mình trong góc mãi lặng câm nhìn đời hiu quạnh trôi bên ngoài con đường thảng hoặc dấy lên đám bụi mờ. Khách dừng chân ghé thưởng thức chất nước đắng ngó tạp nhạp là thế nhưng toàn bộ ở chúng lộ hình sự đồng thuận: Cô Sim chủ quán khoác lên người một vẻ gì thật đáng yêu. Ba nhăm tuổi đầu mà nói chuyện cứ tự nguyện xưng em, ngọt hơn ba muỗng đường tộng cố xá vào cốc cà phê đen mà khuấy liên hồi kỳ trận, chừng hồ nghi bốn chữ mật ngọt chết ruồi. 

Chủ quán có giữ ý tứ cách mấy, dần dà bọn phàm phu tục tử kia cũng lần khân hay biết điều hệ trọng: Chị ấy chửa chồng. Sim có đứa em bà con không màng gian khó loay hoay kề cận giúp việc. Hắn mang tật cà lăm và có lẽ bọn khách háo sắc sẽ khai thác tin tức qua môi miệng ấp úng trầm trầy trầm trật của đứa con trai đang độ tuổi có thể đầu quân vào đội ngũ thanh niên xung phong. Đâu cần thanh niên có đâu khó có thanh niên. Một đứa có cái lưỡi chưa được uốn cong như nó có muốn làm vẹt cũng khó. Khó tồn tại trong một tập thể của loài sáo từng được lột lưỡi. Thanh niên nọ biết chạy đôn chạy đáo phục vụ cà phê cà pháo là đã giỏi rồi. Khéo ăn khéo nói lanh miệng lanh mồm thì hẳn đã có chị Sim bao thầu, làm phát ngôn viên chính thức trong Cà Phê Cốc.

Địa điểm nằm không xa với dòng sông mùa này đang hạn nước, sông hư hao thấp xuống như nhan sắc một người đàn bà mãi vô duyên chốn tình trường, Sim chẳng hạn, 35 tuổi chưa chồng nào khác gì khúc sông đang cực lòng chuẩn bị lao vào biển cả mặn muối. Con nước dùng dằng lưu lượng với bề mặt lăn tăn sóng nhăn. Sông cạn kiệt đổ xuôi nhưng người có thể ngoi đầu để đắm đuối mộng tới một sự đắp bồi. Không hôm nay thì mai hậu thế nào cũng tìm gặp cái cụng đầu để cùng trôi về một hướng. Trai khôn tìm vợ chợ đông mà Cà Phê Cốc ắt hẳn là cái chợ thu nhỏ chẳng hề vắng khách.

Chen giữa dòng sông và quán cà phê của Sim có cái công viên khá rộng diện tích. Qua bao dâu bể bãi cỏ xanh um vuông vắn ấy vẫn chưa hề có được một danh xưng. Thời trước người ta dựng nên bức tượng người chiến sĩ với nón đồng với ba lô với băng đạn với súng ống đặt ở giữa công viên không tên. Thời nay bức tượng đó đã bị bứng nhổ, xoá sổ và cỏ ở đấy vàng vọt một chu vi như tưởng tiếc cái vắng bóng oan uổng nọ. Chứng bệnh cà lăm nói vấp có thể chữa lành, nhưng một khi nó ám vào miệng lưỡi thằng em họ cô Sim thì vô phương. Nó vẫn lắp bắp diễn đạt một tình huống chỉ có xẩy ra trong những trang sách Liêu Trai Chí Dị: Đêm khuya thanh vắng có khi tai nghe tiếng quân trang quân dụng phát động khi bức tượng người chiến sĩ kia cắm cúi đi lùng sục quanh quẩn như kẻ mãi tìm thời gian đánh mất ở bờ cây bụi cỏ. Một ngày kia… một ngày kia… chị sẽ… chị sẽ… Hắn nói chẳng tròn câu và Sim bỏ ngoài tai tất thảy những thứ dính dáng tới chuyện dị đoan hồn ma bóng quế. Cực miếng ăn đã tối mặt tắt mày đâu thể cực lòng tưởng tới thứ hoang đường ngoài choáng váng đời thường.

Một tháng hai lần, hai tuần một bận, Sim phải moi ruột tượng ra đếm, vuốt thẳng những tờ giấy bạc cóp nhặt từ bá tánh cho vô phong bì để trao tay anh Tám. Luật bất thành văn, anh Tám là người đứng mũi chịu sào về sự tồn vong của Cà Phê Cốc. Anh Tám bỏ đi hay “bỏ đi Tám” thì mưu sinh của Sim cũng tợ như đời tàn trong ngõ hẹp. Kẻ sính thơ văn có thể cà khịa tới vấn nạn kia: “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen, lòng Sim đẹp nhất có tên Tám tàng”. Câu thơ rắn mắt nọ vấp nhiều sai lạc: Sen mọc ở Đồng tháp mười chưa hẳn đẹp nhất. Lòng Sim nào có ưa gì gã có thế lực ấy. Và Tám, hắn đâu có điên mảy may để gán ghép chữ tàng cho hắn. Một con cáo, người ta không nên ví với đứa tàng điên. Một con gà thì hoạ may bởi người đời từng vô cớ gọi là “tốc kê”: Gà điên!

Tám đi xe gắn máy có phân khối lớn, tiếng máy nổ rậm rật thị uy khó đụng hàng. Tám bước chân vô bóng im mát và quán dẫu đang chộn rộn hẳn phải ngưng bặt tiếng chuyện trò trong một khoảnh khắc. Sim biết thứ cà phê đặc biệt mà Tám thường uống và Sim ưu tiên giải quyết ngay cho ảnh khỏi phải ngồi đợi lâu. Nhưng tật của ảnh thì ưa cà kê, ảnh là người có vẻ không biết cách tiêu thời gian. Mỗi khi tới ảnh hút cả nửa gói thuốc có cán mới chịu rời đít. Ảnh chẳng buông lời trêu chọc tiếng ong ve tới Sim, ảnh ngồi lâu để lượng định số khách vào ra hòng qua đó ảnh đề xuất một con số thu nhập mới.

Kỳ kèo lời qua tiếng lại một đôi lần. Sim từng hụt hơi: Ép dầu ép mỡ sao anh nỡ ép em. Tay làm hàm nhai là việc đủ sống hôm nay, hôm sau theo quy định của anh thì con Sim này e phải tuyệt tích giang hồ, gỡ bảng hiệu xuống mà chí thú về quê cày sâu cuốc bẫm. Xa quê hương nhớ mẹ hiền đã lâu, anh chơi kiểu này chắc là tạo cho em một cái cớ để đoàn viên chăng? Tám có hơi nhíu mày trước sự đối kháng bất ngờ của Sim, ngồi rít khói thuốc ra chiều trầm ngâm nghĩ ngợi: Em liệu hét giá có được không? Từ 11 K một cốc cà phê nay ta hô là 15 K nhắm có ổn không? Sim cao giọng: Không, trăm lần không vạn lần không. 11 K mà đã có đứa cạy mặt hổng tới huống hồ 15 K. Con Sim này tuy vô học nhưng cũng biết chút đạo nghĩa giang hồ nghe anh Tám. Bán buôn mà rắp tâm đi mài con dao cho bén ngót thì đó không phải là nghề của nàng. Tám ngó vô dung mạo Sim: Sao đằng quán chị em cô chủ mồ côi ly cà phê đá có chút xíu nó tính tới 16 K? Í, mèn đét ơi, bị cả chị cả em nó khi bưng cà phê ra chúng thảy ở trần mát mẻ. Khi lộ hàng, chúng núp cái ô dù nào mà coi trời bằng vung?

 

3.

Tôi để trên bàn, gần bình pha cà phê, cái truyện ngắn viết dang dở trên cho Dạ Thường như lời cô đề nghị. Bà bán rau có khu vườn đầy trái ngọt đã kể cho tôi nghe chút chuyện đời đã trải và tôi viết lại có thay đổi chút ít. Dạ Thường hứa cô sẽ là người chung tay viết nốt phần sau. Cô sẽ bắt nhân vật Tám bị đày ải theo cách nhìn của cô. Bạn tôi sẽ thêm thắt về hoàn cảnh cô chủ quán Sim, lý do nào Sim sang đây, sống với một người nào đó và xắn tay làm chủ khoảng vườn đầy hoa màu, sống an nhàn với lợi nhuận thu nhập. Hôm ấy, khi gặp mặt nhân vật Sim tôi đã đùa cô bằng hai câu thơ của Bùi Giáng: “Yêu cầu cô bán cho tôi, một bó rau muống chịu chơi quê nhà”. Đùa mà không ngờ cô đã vui miệng kể về khoảng đời mưu sinh cũ. Và bó rau xanh kia giá chỉ bằng phân nửa so với giá mà mấy cái chợ sầm uất ngoài phố phường đề ra. Sim cũng chịu chơi rót nước trà mời uống, mắt long lanh ngó Dạ Thường lẫn khuất dưới giàn bầu, bí, mướp đắng, mướp ngọt, mồng tơi…

Dạ Thường chở tôi ra phi trường. Đổi vé lên máy bay xong hai đứa đứng ôm nhau trong khoảnh khắc. Mười ngày sống chung đụng gần nhau dưới một mái nhà yên hàn vô sự đây là lần đầu tiên chúng tôi để cho trái tim này nghe được nhịp đập của trái tim kia cách ngăn chỉ qua hai lớp vải mong manh che đậy. Tôi không ngợi ca Dạ Thường hẳn còn trẻ đẹp bởi cô từng cho hay khi chuyên cần tập luyện những bài thể dục kia nó sẽ trao cho mình những điều mầu nhiệm. Tôi chẳng khen tài bếp núc củi lửa của bạn mình bởi tôi sợ những lời nói kia sẽ xúi dục tôi đưa ra mệnh đề cuối: Tại sao bạn kén cá chọn canh để thui thủi đi về lẻ bóng mình ên?

Dạ Thường nói nhỏ bên tai tôi: Sẽ cố lắng lòng để viết xong đoạn cuối. Sẽ gửi cho đọc để xem mạch văn có được ăn ý và trôi chảy. Tôi tính nhờ một lữ hành đơn lẻ kéo hành lý ngang qua chụp giúp hai đứa một tấm hình nhưng đã trễ. Dạ Thường dùng tay đẩy vào lưng và tôi đi về cánh cửa mở hé dùng cách ly kẻ ở người đi. Tình bạn của chúng tôi trước sau vẫn có một đường ranh ngăn chia, không một bàn tay đan ngón, dùng dằng lôi kéo nấn ná. Và rồi thì máy bay nhấc mình lên cao đâm bổ vào đám mây mù, quánh đặc. Yêu cầu quý vị cài dây an toàn như quy định. Người tôi chao đi.

 

4.

Mất hơn hai tuần Dạ Thường gửi kèm email cái truyện chung đôi, sự hợp tác của hai đứa như ý tưởng Dạ Thường đề ra. Tôi đọc, sửng sốt bởi tài dụng văn của bạn và không khí cô dàn dựng hư thực khó lần ra. Tôi xin tóm gọn lại: Dạ Thường là tình nhân của cô Sim, ma đưa lối quỉ dẫn đường họ tình cờ gặp gỡ, cuốn hút nhau chẳng nghi ngại. Sim đã ghen tuông khi Dạ Thường chở tôi đến bữa đó. Để giải quyết bao vấn nạn, Dạ Thường sẽ treo bảng bán nhà rồi ôm đồ đoàn về khu vườn “kỳ hoa dị thảo” sống chung. Đoạn cuối cô cho hay gã đàn ông tên Tám bị dân giang hồ xử, bị thương tật nặng đành nghỉ hưu sớm. Đứa em họ Sim, mang tật cà lăm thì bị xe điên tông đến trào máu họng, chẳng ấp úng nói lời vĩnh biệt thế gian. Tất cả mọi người, ai trong chúng ta cũng đều giữ riêng cho mình một vở bi kịch. Dạ Thường chấm câu. Chúng tôi (Dạ Thường và Sim) sẽ bỏ công sang sửa để nới rộng chốn này làm nơi cung cấp rau quả xanh tươi an toàn thực phẩm cho toàn thành phố. Và chúng tôi quyết định dựng bảng hiệu: Âm Thịnh Cốc.

Tôi ngồi nhớ lại toàn bộ khung cảnh chốn ấy. Nhớ thể hình nuột nà cân đối của Dạ Thường, nhớ vẻ dửng dưng và chẳng quan ngại khi bạn cho tôi ăn ở trong căn nhà quạnh vắng dễ phát sanh bao tạp niệm ám tối. Tôi buồn bởi từ nay tôi mất đi cái địa chỉ êm đềm kia. Tôi buồn vì nghĩ e hai đứa tôi sẽ chẳng còn cơ hội gặp lại nhau. Tôi chẳng trả lời bức điện thư nọ và cũng chẳng đưa ý kiến về cái kết thúc lạ thường trong câu chuyện kia. Một lời chúc “hai người mãi hạnh phúc” cũng không tiện viết ra. Dạ Thường làm vợ hay cô ấy đóng vai chồng? Một người chồng công dung ngôn hạnh và sắc nước hương trời. Tôi đóng sập máy lại, đầu hè chẳng gợn chút gió heo may. Không tiếng mưa rào. Vắng tiếng phong linh reo ngoài hàng hiên. Không vọng tiếng còi tàu. Và tuyệt chẳng một con chim nào hót.  

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe ca khúc LY RƯỢU ĐẮNG CAY

của Trường Tân, qua tiếng hát Thành Nguyễn:

*.

HỒ ĐÌNH NGHIÊM

Địa chỉ: thành phố Montreal,

tỉnh bang Quebec, Canada.


 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật nguyên bản từ email nhà thơ Luân Hoán gửi ngày 14.06.2023

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

1 nhận xét: