MỜI ĐỌC:

Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

LẠI THÈM ĐƯỢC LĂN LÓC GIỮA VỒNG KHOAI LANG NĂM NÀO - Tác giả: Trần Hiền (Quảng Trị)

 


LẠI THÈM ĐƯỢC LĂN LÓC

GIỮA VỒNG KHOAI LANG NĂM NÀO

*

(Tác giả Trần Hiền)

Thật ra, rau khoai cũng có hoa, hoa của khoai lang rất đẹp và duyên dáng. Cánh hoa mỏng mảnh yểu điệu như mảnh lụa mỏng ấp ủ trong khóm lá. Sắc tím nhẹ bao quanh chân nhụy làm cánh hoa trắng mỏng thêm hồn hậu, đơn thuần như nét cười hồn quê. Tuổi thơ của tôi là những chiều gió nồm mát rượi, cùng bọn bạn lăn lông lốc giữa các vồng khoai lang.

Khoai lang nhiều dây, tua tủa lá, chỉ vài ngọn nhỏ thôi mà sinh sôi thành từng bụi rậm rạp, xanh non, sum suê cả vồng đất. Nội tôi vun từng vồng đất dài thẳng tắp, xen kẽ giữa các vồng là lối đi thấp trũng men theo các vồng khoai, tôi thích nhất là nằm dài trên những lối đi ấy, để cho những nhánh khoai lang phủ mơn man trên khắp da thịt. Đôi khi chơi trốn tìm, tôi nằm nấp ở đó mà bọn bạn đố hòng tìm ra. Chao ôi cái mùi đất thật thơm, nền đất mát rười rượi và lá khoai thơm thảo lạ lùng. Những đứa trẻ ở thôn quê chúng tôi hồn nhiên lớn lên, tinh khôi với đất ruộng quê hương. Cái mùi bùn tanh lạ, mùi rơm thơm nắng, và những vạt rau xanh mát rượi đến vô cùng.

Tôi nhìn những luống khoai dài tăm tắp, hái những bông hoa khoai đặt lên mũi hít hà, hoặc đôi lúc tinh nghịch hơn thì đưa bàn tay bé xíu gom những cánh hoa chụm lại rồi thổi tu tu, hà hơi vào đó. Có lúc thì ngắt cuống mỏng ra rồi ngậm giọt ngọt nơi đầu lưỡi, ngọt lịm cả cuống họng, tưởng như có thể thỏa được cả cơn khát sau một chiều chạy nhảy hét hò. Trời quê trong và xanh, gió quê mát rượi trong lành, tha hồ mà hít vào buồng phổi luồng khí thanh sạch thơm tho ấy. Bọn chúng tôi chơi trốn tìm, tè núp tích bắn, rồi lăn lông lốc cuộn tròn nơi vồng khoai lang cho đến khi ông nội hay bà nội la lên : này mấy đứa đừng làm nát lá khoai...Thế là cả bọn lại nháo nhào chạy trốn. Cười hi hi ha ha một cách sảng khoái và rộn rã cả xóm chiều, đôi khi làm mấy chị cào cào châu chấu phải giật mình bay vút.

Rau khoai có thể ăn cả lá, cả củ. Thân khoai để trồng cây mới, hoặc những thân già thì làm thức ăn cho gia súc như trâu, bò, heo,... Chú tôi còn bằm nhỏ thân lá khoai trộn với cám rồi đổ xuống hồ cho cá ăn. Lá khoai non nấu canh với ruốc, hay với tép khô, khuyeeec, tép tươi hay tôm thì cứ là hao cơm. Lá khoai còn luộc chấm ruốc, xì dầu, mắm nêm, nước mắm; hoặc rau khoai xốc tỏi, rau khoai xào nấm, rau khoai chiên dầu,... Rau khoai hiền, không kén người ăn, không kén bệnh kiêng, ai ăn cũng được. Cứ như vậy tuần hoàn một đời rau, có ích cho người, có ích cho đời. Rau khoai có thể giải cảm, tăng cường vitamin C, giúp nhuận tràng, chống táo bón. Củ khoai lang thì càng thơm ngon hơn, củ khoai cung cấp một lượng tinh bột không béo, vừa giúp no bụng, đẹp da, đẹp dáng, vừa không tăng cân. Củ khoai lang giúp nhuận tràng, tiêu hóa tốt, còn có thể làm ra nhiều món. Khoai lang luộc thơm mùi đồng nội. Khoai lang nướng thì chao ôi là thơm nồng mũi, thơm ngậy, thơm béo, thơm chi lạ lùng. Nhất là khi trời trở rét hay mưa lâm thâm, ngồi hơ tay bên bếp lửa, nướng củ khoai nói chuyện phiếm, chuyện nhà trên xóm dưới, chuyện trời, chuyện đất, chuyện yêu thương. Mắt nhìn mắt bên ánh lửa hồng, tay nướng khoai vương đầy nhọ nghẹ, quẹt lên má đẹp lòng thôn nữ, trêu đùa nhau nhọ nghẹ má hồng. Bà với ông mỉm cười tủm tỉm, lũ trẻ con tíu tít tranh giành, có đứa nhỏ khóc váng lên vì anh chia củ khoai không đều, nửa bên em sao mà ít quá. Cu anh vừa dỗ dành vừa bỏ tọt miếng khoai vào miệng, thôi anh nướng củ khác cho nghe.

Dưới gầm giường bao nhiêu là khoai, củ lớn củ bé, củ đỏ củ trắng, để dành khi đói lòng, để dành khi trời mưa. Khoai có củ bở củ trong, củ nhạt, củ ngọt. Có củ hình tròn tròn nhỏ nhỏ, có củ dài ngoằng lêu nghêu, có củ tròn trịa duyên dáng, cũng có củ bóc lớp vỏ mỏng ra thì toàn sâu là sâu. Ăn trúng củ khoai sâu cứ đăng đắng nhạt nhạt, vội chạy đi mách bà mách ông, khoai sao nhiều sâu vậy bà? Ông nội nhai trầu cười vang vang : Tổ cha bây biết chê khoai nữa. Mẹ dưới nhà mắt nhìn âu yếm, tội con bé ăn phải khoai sâu. Khoai luộc rồi ăn không hết, bà nội xắt lát mỏng đem đi phơi nắng. Nắng quê giòn, vàng rụm, những lát khoai phơi dần trở nên dai dai ngọt ngọt, quê tôi gọi tên là khoai gieo. Khoai gieo dẻo sần sật, được cất kỹ và đến mùa đông khi rảnh vụ mùa, lại lấy ra cùng nhau quây quần, nhai nhai trong miệng, cái ngọt của khoai, cái thơm của nắng nó tan mềm nơi đầu lưỡi, nuốt vào qua cổ rồi vẫn còn thấy vị ngọt thanh. Khai chưa luộc thì được xắt thành từng thanh nhỏ, đều tăm tắp, phơi nắng giòn. Món khoai này có thể cất được lâu, và khi đem ra nấu cùng với nước, cho thêm đường, hoặc nếu có thể thêm đậu đỏ và chút gừng, nấu thành một món ăn rất ngọt, gọi là khoai ngào đường. Lâu dần, chúng tôi bớt chữ “đường” đi và chỉ còn gọi tắt cái tên thân mật là khoai ngào. Bây giờ, củ khoai còn được xay nhuyễn làm nên loại bột khoai, có thể làm bánh tu huýt, quê tôi ngày xưa gọi là bánh cứt chó. Khi nhồi, người ta bỏ thêm chút nước và đường, cầm một chiếc đũa, quấn thứ bột dẻo dẻo mịn mịn ấy xung quanh một đầu đũa, sau đó nhẹ nhàng rút chiếc đũa ra, vậy là một chiếc bánh nhỏ, thon mảnh, không đặc ruột, bỏ vào hấp trong nồi cơm cho đến khi cơm chín thì truống xuống và gắp ra ăn. Khỏi phải nói cái mùi thơm của cơm, mùi ngọt của khoai nó hòa quyện tạo nên một món bánh “cứt chó” ngon cỡ nào. Cứ hễ trời trở gió, ông bà o chú ba mẹ tôi lại quây quần bên nồi cơm hấp bánh tu huýt, mùi khói nóng bốc lên thơm lừng, cái mũi tôi cứ hít hà hít hà mãi. Cứ thế mà bốn mùa khoai cõng cái đói cái nghèo đi qua, đi xa và xa dần.

Cây khoai lang còn gắn cới một câu chuyện cổ tích về lòng hiếu thảo của một cậu bé đối với người bà, truyện còn giải thích nguồn gốc cây khoai lang ngày nay. Ở bìa rừng có hai bà cháu nghèo khổ sinh sống. Hàng ngày, hai bà cháu phải đi đào củ mài để ăn. Một hôm, cậu bé nói với bà là cậu đã lớn, cậu sẽ đi kiếm củi đổi thóc giống và cây lúa để nấu cơm cho bà ăn. Nhưng chẳng may cả khu rừng bị cháy, nương lúa mà cậu chăm chút cũng cháy thành tro.

Cậu ôm mặt khóc núc nở. Bỗng bụt hiện lên và nói với cậu bé chăm chỉ rằng ông cho cậu một điều ước, cậu bé vội ước rằng “thưa ông, con chỉ mong bà của con không bị đói thôi”. Ông Bụt gật đầu rồi biến mất, sau đó cậu đào được một củ lạ, thơm lừng, khi bẻ ra ăn thì ngọt bùi ngon miệng. Cậu đem về cho bà ăn và đã nghe lời bà đi khoai giống khắp khu rừng. Cây này mọc lan ra khắp nơi nên được đặt tên là khoai lang, để nhớ về cậu bé chăm chỉ và hiếu thảo. Theo khoa học thì khoai lang có họ hàng với cây khoai tây, có nguồn gốc từ khu vực nhiệt đới châu Mỹ, và được con người trồng cách đây trên 5.000 năm .

Hoa của khoai lang nhỏ xinh, mọc thầm lặng trong những tán lá, không nồng nàn hương sắc, không gai góc rực rỡ. Phạm Toàn (Virginia, Mùa Đông 2014) đã viết bài thơ về hoa khoai rất hay như thế này:

Sao mãi tới giờ anh mới biết

Hoa không yểu điệu, chẳng mơ màng

Nhạt nhoà hương sắc không thắm thiết

Âm thầm hồn hậu cánh khoai lang

Trên vồng đất đỏ hoa thinh lặng

Bình minh gọi gió đón hương trời

Phớt phơ phấn tím pha sắc trắng

Đêm thanh dìu dịu ướp hương rơi

Ta đi lưu luyến bao màu sắc

Ca tụng ngàn hoa nét trang đài

Dịu dàng hoa nhỏ như thầm nhắc

Rằng nụ khoai lang thương nhớ ai.

Không mặn mà bung tỏa như hương bưởi sang thu, hoa khoai cuối vườn chỉ se sẽ cựa mình e ấp trong tán lá mỗi khi làn gió thấp vẩn vơ qua. Hoa dịu dàng, sắc trắng mảnh mai mong mùa no ấm. Ngay đến cái tên “hoa rau khoai” cũng thật hiền lành, đơn sơ và giản dị. Như mái nhà tranh cuối chiều vương làn khói trắng. Như tiếng kêu chiều của mẹ “Bé ơi về ăn cơm”...

Hương sắc hoa khoai mảnh dần trong trí nhớ, trong thực tại chẳng thể đưa tay hứng khẽ những cánh hoa, đếm hạt sương rơi trong veo phút tinh khôi ngày mới, chẳng thể cuộn tròn lăn lông lốc như hồi còn bé lăn mình vào đất và những bụi lá khoai. Lớn rồi, tất bật trong guồng quay cơm áo gạo tiền, trong tiếng con khóc, tiếng mẹ chồng mắng, tiếng chồng trầm ngâm...

Thỉnh thoảng, lại ra ngồi sau bếp củi, nhen ngọn lửa hồng, nhìn vào đó thật lâu để nước mắt không tràn ra khỏi mi mắt. Dẫu khóe mắt có đọng hạt nước long lanh nào, cũng có thể lấy cớ là khói lửa hun nhèm mà thôi, để mạnh mẽ mà gồng gánh những ưu tư của tuổi trưởng thành. Cuối đông giáp tết, mưa bụi bay lất phất, nhìn bó rau khoai mới mua ở chợ, lại nhớ quay quắt vườn rau chốn quê nghèo.

Bỗng chốc thức dậy cả miền ký ức, xao xuyến trước lá khoai lang, rung rinh hoa khoai đồng nội, để thấy cuộc đời sẽ lại dịu nhẹ và lấp lánh những yêu thương. Dẫu bàn chân ta đành hẹn một mùa xuân nào đấy vui đoàn viên, sẽ về…

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ

CUỒNG YÊU, thơ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

TRẦN HIỀN (Trần Thị Hiền)

Địa chỉ: Thôn Đùng Hói Bàu, xã Triệu Long,

huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Điện thoại: 091.833.73.69

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: nguyenhung967812@gmail.com ngày 13.04.2023.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

1 nhận xét: