LỜI RU BUỒN
*
Hà ngồi bó gối, mắt đăm đăm nhìn vào khoảng không trước mặt. Đứa bé bảy tháng tuổi đang mút ngón tay ngủ ngon lành ngay bên cạnh đống áo quần nhàu nhĩnh với lỉnh kỉnh vài món đồ sơ sinh rẻ tiền.
Đã quá trưa mà Hà vẫn không buồn nhúc nhích.
Những con
chuột nhắt bò vào cả cái bô góc phòng lục lọi linh tinh mà Hà cũng không thèm
để mắt tới. Ngày trước chỉ cần nghe tiếng chuột lích rích đâu đó là Hà đã sởn
gai ốc và bằng mọi cách đuổi đánh chúng. Bây giờ thì cô mặc xác chúng muốn làm
gì thì làm. Chúng có sục sạo suốt ngày cô cũng mặc kệ. Đến cô còn đói nữa huống
hồ là lũ chuột ranh kia.
Con bé
con vẫn thiêm thiếp ngủ. Đêm qua khát sữa, nó khóc cả đêm. Hà lục tìm trong
chiếc thùng cactong, vét được bò gạo cho vào ninh thành cháo đút cho con bé. No
nê, nó lăn ra ngủ. Cái miệng mút tay chẹp chẹp, thỉnh thoảng lại nhoẻn cười lơ
ngơ.
- Này,
mày không định cơm nước gì hả?
Hà giật
mình ngẩng lên. Cái Dung đứng sừng sững như trời trồng trước mặt:
- Mày làm
sao mà để con bé khóc nhiều thế, không định cho ai sống nữa à?
Vừa nói,
Dung vừa lôi Hà đứng dậy, chỉ vào con bé:
- Mày
nhìn xem, con bé có tội tình gì mà mày đày đọa nó. Không nuôi được thì gửi về
quê cho bố mẹ mày nuôi. Chỉ có đứa nào ngu mới muốn chết khi đời còn trẻ
thôi…Tiền đây. Cầm lấy, tao trông cho. Chạy ù ra phố mua cho nó hộp sữa không
thì đêm nay nó lại làm cả làng mất ngủ đấy!
Dung liến
thoắng một thôi một hồi rồi đẩy vào lưng Hà, bắt đi mua sữa. Hà thẫn thờ đứng
dậy, xòe tay nhìn nắm tiền lẻ mà Dung vừa đưa cho. Bất giác cô sụm xuống:
- Dung
ơi, tao khổ lắm. Tao….tao… ơn mày…
- Ơn huệ
gì, mày đi ngay đi. Tao cho con bé chứ không cho mày. Có đi không thì bảo?
Nói thế
nhưng Dung lại quay mặt đi, giấu những giọt nước mắt đang chực rơi xuống.
- Con bé
đang ngủ, mày đi nhanh rồi về. Chiều tao còn phải lên lớp…
Hà chần
chừ rồi lao nhanh ra cửa. Dung mở nồi cơm điện. Cái nồi còn lưng lửng bát cháo
hoa. Cô bước tới phía đặt chiếc thùng cactong. Chiếc cóng bằng nhựa lăn lóc bên
trong. Dung thở dài, mở cặp đặt lên bàn hai chiếc bánh mì pate và mấy quả cam.
…Hơn ba
năm trước Dung từ quê lên thành phố theo học đại học. Trong lúc chưa tìm được
nhà trọ, cô được Hà - người bạn đồng hương cùng huyện giờ cùng vào một trường
rủ đến ở cùng vì Hà may mắn có người quen ở thành phố giúp đỡ, tìm sẵn cho một
phòng trọ sinh viên. Cùng khoa cùng lớp, hai cô bé đồng hương nhanh chóng thân
thiết với nhau. Dung không được mặn mà, đằm thắm như Hà nhưng cô thông minh,
học giỏi, tính nết cương trực và luôn tranh hết mọi việc để Hà có thêm thời
gian học bài. Họ giao ước với nhau sẽ cố gắng rèn luyện để có kết quả học tập
tốt làm mát lòng cha mẹ ở quê. Hết năm thứ nhất, họ đều đạt được điểm khá. Hè
đến, họ rủ nhau ở lại thành phố kiếm việc làm thêm lấy tiền trang trải học phí
đỡ đần cho bố mẹ. Dung tìm được việc làm gia sư một cách nhanh chóng, thu nhập
cũng khá hơn. Còn Hà, cô xin chân chạy bàn cho một quán café sinh viên. Nét nhu
mì, hiền thục của Hà vô tình lọt mắt xanh một chàng trai công tử thành phố.
Chiều nào cũng vậy, Khanh đến quán café nơi Hà làm việc, ngồi lỳ ở đó hút thuốc
và kêu Hà phục vụ. Lúc đầu, Hà tỏ ra nhã nhặn, lịch sự khi chàng lãng tử hỏi
han và mời cô cùng ngồi thưởng thức café. Nhiều lần sau đó, Hà tế nhị rút lui
dần nhưng Khanh vẫn tới đều đặn, vẫn chỉ ngồi một chỗ và cũng không cố tình níu
kéo Hà ngồi cùng. Khanh đốt thuốc liên tục. Mắt đăm đắm dõi theo bóng dáng Hà
len lách qua từng dãy bàn ghế để mang café cho khách. Biết có kẻ trồng cây si
nhưng Hà vẫn bình tâm, thanh thản làm việc của mình. Mấy tháng hè trôi qua như
vậy. Hà kiếm được chút vốn liếng nho nhỏ trang trải cho việc học hành của mình.
Năm học
thứ hai bắt đầu. Buổi tối, trước khi chia tay quán café để trở lại giảng đường,
Hà và các bạn sinh viên tổ chức buổi tiệc nhẹ với nước ngọt, bỏng ngô, bim bim
và kẹo lạc…toàn những món mà sinh viên ưa thích. Như thường lệ, Khanh vẫn chọn
chiếc bàn nơi góc cửa sổ nhìn ra bờ hồ. Ngồi nơi đây, khách có thể bao quát gần
như toàn bộ họat động của quán. Nhóm sinh viên mời Khanh cùng tham gia. Rất
sành điệu, chàng trai chìa tiền nhờ người đi mua thêm hoa quả, bánh kẹo để cùng
vui với cánh sinh viên. Biết đó là “cây si” của Hà nên các bạn đùn đẩy cô ngồi
bên cạnh Khanh. Khanh tỏ ra khiêm nhường, lịch sự, không để mình thất thố trước
các bạn trẻ. Trong cuộc vui, Khanh xin phép hát tặng mọi người. Giọng hát trầm
ấm, tha thiết của Khanh len lỏi vào ngóc ngách tâm hồn Hà. Cô không ngờ chàng
trai thành phố này lại hát những bài hát quê mùa ngọt ngào đến thế…Hôm ấy, Hà
đồng ý để Khanh đưa về chỗ trọ vì anh cùng đường về với cô.
Một thời
gian sau đó, Hà nhận lời yêu Khanh. Sau mỗi buổi học, anh đến đón cô đi chơi.
Ngày nghỉ đi pic nic…Sức học của Hà giảm sút hẳn. Dung biết, ra sức động viên
nhưng vì quá say đắm với tình yêu của Khanh, Hà bỏ qua mọi lời khuyên nhủ của
cô bạn đồng hương. Vì muốn cho Khanh có không gian riêng, Hà tự nguyện rời
phòng trọ chung với Dung đi thuê một phòng trọ khác mặc Dung can ngăn. Khi chỉ
có hai người với nhau, Hà lao vào vòng tay Khanh như con thiêu thân, dâng hiến
tận cùng với mục đích sẽ cưới được Khanh và trở thành dâu thành phố. Cô sẽ
không phải trở về lầm lũi bên lũy tre làng với những đứa em nhem nhuốc của
mình. Ý tưởng ấy thôi thúc cô mãnh liệt. Và rồi Hà có thai. Cô vui mừng đem
chuyện đó ra tỉ tê với Khanh. Nghe tin, Khanh hăm hở ra mặt. Anh nói với cô chờ
một thời gian nữa rồi anh sẽ thưa chuyện với bố mẹ xin làm đám cưới cho hai
đứa. Tin tưởng vào người yêu, Hà không mảy may suy tính. Cô ngây thơ nghĩ cách
làm thế nào để xin bố mẹ Khanh cho vợ chồng cô ra ở riêng. Khanh làm kinh doanh
hẳn đủ sức mang lại một cuộc sống yên bình cho mẹ con cô. Cái thai được một
tháng, Khanh bảo anh phải vào miền Trung ký hợp đồng kinh tế nên hoãn lại
chuyến ra mắt của Hà với bố mẹ anh. Yêu nhau là thế nhưng Khanh chưa một lần
đưa cô về nhà, mà chỉ đưa cô đến nơi làm việc của anh hai lần. Cả hai lần ấy
đều đã khuya nên không còn ai ở lại xưởng. Vì thế, Hà chưa từng tiếp xúc với
các bạn cũng như bố mẹ, anh em của Khanh.
Trước khi
đi miền Trung, Khanh đưa cho Hà hai triệu đồng bảo cô bồi bổ sức khỏe. Những
ngày đầu, Khanh còn gọi điện động viên cô cố gắng dưỡng thai, đợi anh về. Sau
đó điện thoại cũng thưa dần. Nhớ nhung quặn thắt, Hà gọi vào cho Khanh thì
không liên lạc được. Một tháng, hai tháng trôi qua. Cái thai dần lớn trong bụng
Hà mà anh vẫn chưa về, cũng không tin tức. Hà lên lớp một cách uể oải. Người cô
xanh lét tựa hồ như người thiếu máu trầm trọng. Thay vì ngồi học, Hà ủ rũ gục
xuống bàn. Nhiều khi cô không đủ sức làm bài kiểm tra học trình, học phần. Thấy
bạn có những biểu hiện bất thường, Dung gặng hỏi nhưng Hà không nói. Cô chỉ bảo
đi làm thêm buổi tối nên mệt mỏi và buồn ngủ. Nhưng cái bụng lùm lùm nhô lên
sau làn áo mỏng của Hà đã mách Dung về một tương lai chẳng lành đang tới. Cô
lôi Hà về phòng trọ tỉ tê ngọn nguồn. Khi đã rõ mười mươi, Dung đưa Hà đến bệnh
viên phụ sản nhưng đã muộn. Cái thai đã được gần bốn tháng. Hà suy sụp tưởng
chừng như không gượng được dậy. Dung tìm cách đưa Hà trở về với mình nhưng Hà
xấu hổ, không muốn làm liên lụy đến Dung. Cô chỉ xin Dung đừng nói gì với bố mẹ
cô ở quê. Lâu không thấy con gái về thăm nhà, nhưng bận mải ruộng đồng bố mẹ Hà
không ra thành phố thăm con được. Dung cũng thưa về hơn vì cô không biết phải
đối diện thế nào với bố mẹ Hà. Vài trăm ngàn của bố mẹ tằn tiện gửi cho hàng
tháng không đủ để Hà trang trải. Cô phải kiếm việc làm thêm trong khi cái thai
càng ngày càng lớn. Sau đó, Hà phải làm thủ tục bảo lưu kết quả, chờ sinh con
xong sẽ đi học tiếp. Hàng ngày Dung qua lại giúp đỡ Hà cho đến ngày cô sinh nở.
Ngày khai hoa chỉ có Dung bên cạnh. Bế đứa trẻ đỏ hỏn trên tay, Hà khóc hết
nước mắt. Cô tủi thân, trách phận lại thương con sớm bị cuộc đời ruồng rẫy.
Dung phải nghỉ học để chăm bẵm cho mẹ con Hà. Nhìn cảnh ấy, Dung không cầm được
nước mắt. Có đồng nào tích cóp được, Dung mang ra sắm đồ, mua gạo cho bạn. Ra
viện, Dung đón mẹ con Hà về cùng phòng trọ ngày xưa nhưng bà chủ nhà trọ không
đồng ý. Vậy là Hà phải quay lại tổ ấm còn đầy hương vị tình yêu với Khanh. Lúc
còn bấy bớt có Dung bên cạnh, Hà lầm lũi, mắt lúc nào cũng mọng nước. Ngày Dung
lên lớp chỉ có hai mẹ con ở nhà, Hà ôm con khóc ròng. Trách kẻ bội bạc, trong
lúc nghĩ quẩn, Hà viết một lá thư để lại bên cạnh con gái và tìm cách quyên
sinh. Chưa kịp hành động thì Dung trở về. Hiểu được ý định của Hà, Dung ôm bạn
vỗ về:
- Đã sai
lầm rồi thì phải biết dừng lại, đừng để con bé bơ vơ một mình. Mày có chết cũng
không nhắm mắt được đâu Hà ơi!
Hai cô
bạn ôm nhau khóc lịm bên cạnh đứa trẻ ngây thơ non nớt.
Từ đó,
Dung thường xuyên túc trực bên Hà. Cô nhất định không cho phép bạn mình có ý
nghĩ tội lỗi một lần nữa. Tình cảm của Dung đã dần mang Hà trở lại với cuộc
sống. Dung vì mẹ con Hà mà gầy guộc trông thấy. Nhưng cô vẫn chăm chỉ học hành,
chăm chỉ làm gia sư nuôi mẹ con Hà. Con bé lớn dần. Ơn trời, nó chẳng mấy khi
ốm đau. Cứ ăn no là toét miệng ra cười. Con bé cứng cáp, Hà muốn đi làm thêm để
đỡ gánh nặng cho Dung. Nhưng ngặt nỗi, ở thành phố chi phí cho việc gửi một đứa
bé sơ sinh là việc làm quá sức đối với người mẹ trẻ ăn chưa no, lo chưa tới như
Hà. Cô suy nghĩ nhiều, đôi mắt thiếu ngủ luôn thâm quầng, mệt mỏi. Nhìn con
thay đổi từng ngày mà lòng Hà đau xót nghĩ đến kẻ bạc tình, quất ngựa truy
phong. Cô tự nhủ sẽ bằng mọi giá nuôi con khôn lớn. Hà địu con đi rửa bát thuê,
đi chạy bàn cho quán phở. Bà chủ quán thấy tình cảnh cô như vậy ra tay làm phúc
cho mẹ con cô được làm bán thời gian đặng kiếm miếng ăn hàng ngày. Cô làm việc
quần quật, không nề hà việc gì khi chủ quán cần. Thấy cô chịu khó lại thật thà,
cẩn thận, bà tin tưởng giao cho cô đứng thu ngân. Công việc đỡ vất vả hơn lại
được ăn uống khá đầy đủ nên Hà hồi phục khá nhanh. Bà chủ góa bụa, chỉ có một
mụn con nên rất quý con gái Hà. Mỗi lúc rảnh rỗi, bà lại đi qua chiếc nôi con
bé nằm, nhẹ nhàng thơm lên má nó. Mỗi lần như vậy, bà lại nựng yêu đứa bé:
- Mẹ cha
cái thằng mất dạy. Nhề, con nhề! Bé kháu khỉnh, dễ thương thế này mà nỡ lòng bỏ
nó. Trời có mắt con nhề…
Con bé
chẳng hiểu gì, cứ ngóng cái miệng hóng hớt sang phía bà mà cười toe toét. Bà
chủ mân mê ngón tay xinh xinh, trắng hồng của nó cứ như nó là một thiên thần
vậy.
…Dung bận
rộn với những tháng ngày đi kiến tập. Không thường xuyên đến được với mẹ con Hà
nhưng Dung yên tâm vì Hà đã được bà chủ ưu ái, cưu mang cả hai mẹ con. Nếu
không vì lỡ dở thì giờ đây Hà cũng đã cùng cô lên đường.
…Hà ngồi
ở quầy thu tiền. Cho con bú xong, cô đặt nó nằm vào nôi để làm việc. Đang lúi
húi với cây bút, cuốn sổ, Hà bỗng nghe thấy tiếng nói quen quen cất lên nhỏ nhẹ
ở phía trước:
- Em ngồi
đi!
Cô gái
ngồi xuống ghế, đặt chiếc túi xách sành điệu sang bên cạnh. Cô đưa tay hất mái
tóc màu hạt dẻ suôn mềm ra phía sau để lộ khuôn mặt khá xinh đẹp với cái cần cổ
trắng ngần. Người con trai đứng quay lưng lại phía Hà, một tay đặt lên vai cô
gái:
- Em ăn
gì để anh gọi. Phở cuốn nhé?
Cô gái
gật đầu:
- Vâng.
Em ăn phở cuốn. Còn anh?
- Anh
cũng ăn phở cuốn. Phở cuốn quán này ngon nhất thành phố đấy thưa tiểu thư xinh
đẹp!
Nói xong,
người đó quay mặt về phía quầy thu ngân, gọi:
- Hai
suất…
Tiếng nói
ngừng bặt khi ánh mắt người đó nhận ra người đứng ở quầy thu tiền. Vừa lúc Hà
kịp nhận ra…gã si tình dạo nọ, chàng trai thánh thiện có giọng hát mê hồn, cha
của con gái cô. Khanh! Đúng là Khanh rồi! Hà muốn chạy trốn nhưng đôi chân cô
đã bị đóng đinh tại chỗ. Ngay lập tức Khanh kéo cô gái tóc hạt dẻ đứng dậy, đi
như chạy ra khỏi quán. Bà chủ ngơ ngác nhìn theo, chép miệng:
- Lại khổ
đời với thằng lẻo lưỡi như rắn hổ mang thôi con ơi!
Chiếc xe
mô tô phân khối lớn nổ máy nhả ra luồng khói xanh lẹt. Hà tỉnh mộng, chạy ra
cừa quán thì chiếc xe đã mất hút trong dòng người đông đặc buổi sáng. Khanh để
lại mùi xăng chưa cháy hết đâu đây cùng luồng khói bụi bay lơ đãng bên đường!
Đôi mắt
lại trĩu nặng. Hà lảo đảo ôm ngực quay lại. Bà chủ không hiểu có chuyện gì xảy
ra, chỉ thấy mặt Hà tái mét, bước đi hụt hẫng, chới với như muốn ngã. Bà gọi
người làm bảo dìu Hà vào nhà trong, pha cho cô ly nước cam vắt nhưng miệng Hà
đắng ngắt, không nuốt nổi. Hai hàng nước mắt cứ thế tuôn trào. Tiếng nấc ứ
nghẹn trong cổ không thoát được ra ngoài. Bà chủ thấy cô cứ ôm ngực, căng người
với những lời nói không bật lên nổi trong khi nước mắt cứ chảy ra giàn giụa,
rơi cả xuống vầng ngực đang hối hả phập phồng loang sữa…
- Nó,
phải nó về đấy không? Phải thằng khốn nạn đấy không con???
Nghe bà
chủ thốt tiếng gọi cô bằng con, Hà òa lên nức nở:
- Cô
ơi….Cô ơi…con…
- Đừng
khóc, nếu vì thằng khốn nạn ấy thì đừng bao giờ nhỏ một giọt nước mắt nào. Trời
đánh thánh vật cái thằng bảnh mã ấy con ạ. Nếu vì mình thì con cứ khóc đi cho
nhẹ lòng. Ta không muốn thấy con khóc vì kẻ phản bội!
Hà vẫn
không thôi nức nở. Lâu rồi, vì xấu hổ với dân làng, mặc cảm có tội với bố mẹ và
các em mà cô trốn biệt không về quê chỉ với lá thư xin ở lại thành phố để đi
làm thêm kiếm tiền ăn học đỡ đần gánh nặng sinh nhai cho gia đình. Vì thế cũng
lâu lắm rồi Hà không được nghe bố mẹ gọi tiếng con tha thiết, trìu mến. Nay
thấy bà chủ gọi mình bằng con, niềm đau trong cô mới vỡ òa ra và được giải tỏa.
Tiếng khóc đau thương, tủi hờn, uất hận bấy lâu cô kìm nén trong lòng, bây giờ
mới trút ra được. Bà chủ kêu mọi người lui ra để cho Hà khóc cho hết, cho đã để
rửa cho sạch những ngu ngơ khờ dại đầu đời rồi đứng lên làm lại từ đầu.
…Đêm đó,
ôm con trong nhà trọ Hà không hề chợp mắt. Cô không thiết gì ăn uống. Nước mắt
đã cạn. Chỉ còn trái tim đau vẫn đang thổn thức trong lồng ngực. Nửa đêm con bé
đòi ăn, mẹ không đủ sữa làm con bé khóc ngằn ngặt. Hà ôm con vào lòng cất tiếng
ru hời một cách vô thức “Ầu ơ…con ngủ đi con/ Cha còn bận việc nước non…”. Đến
đây, lời ru ngưng bặt. Cô bưng miệng như đứa trẻ lỡ lời. Con bé vẫn không thôi
khóc cho đến khi Hà nấu được nồi cháo bón cho nó.
Dung đã trở về đúng lúc mẹ con Hà cần cô nhất!
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:
*.
VŨ KIM LIÊN
Địa chỉ: 9/3 ngõ 175, Minh Lang, Tiên Cát,
thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
…………………………………………………………………………
- Cập
nhật từ email: nguyenhung967812@gmail.com ngày 25.02.2023
- Ảnh
minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..
câu chuyện đầy thương cảm
Trả lờiXóa