MỜI ĐỌC:

Thứ Hai, 10 tháng 7, 2023

OAN HỒN TỊ NẠN - Tác giả: Lang Châu Nam (Sài Gòn)

 


OAN HỒN TỊ NẠN

*

Hồn Ma Về Ăn Giỗ

Có ba hồn ma chết oan chơi thân với nhau. Họ ở ba miền Nam, Trung, Bắc nhưng đồng cảm và sẻ chia nhiều câu chuyện vui buồn nhớ lại hồi còn ở trần thế.

Một hôm, ông Nam là người già nhất, rủ các bạn ngày mai về dự đám giỗ mình nhằm vào ngày thứ hai đầu tuần trên dương thế. Cả bọn háo hức vì lần đầu tiên mới về dự chung đám giỗ ở miền Tây sông nước hữu tình, nơi có bộ môn nghệ thuật cải lương làm mê đắm lòng người và tình người miền tây hiền hòa, dễ mến. Vui mừng được nhìn người trần, người thân, con cháu mình mạnh khỏe không, họ sống như thế nào và có hay nhắc đến mình không.

Vừa bước vô cổng nhà, không khí vắng lặng bao trùm, không thấy có ai cả. Trên bàn thờ nải chuối chín vàng ươm nằm án ngay trước tấm hình của ông. Ngoài vườn, con gà trống choai như còn ngái ngủ, cất tiếng gáy te te buồn não ruột. Cả ba thất vọng ngồi thượt người ra. Ông Nam phân bua:

- Chắc vợ con mình có chuyện đi đâu đó chứ mọi năm chúng đều cúng bài bản lắm, khách mời năm, sáu bàn. Có cả chương trình tân cổ nhạc hát với nhau nghe xôm tụ lắm mà. Hôm nay, chúng đi đâu hết vậy cà...

Bắc đi dạo thơ thẩn ra sân như cảm thông với ông. Chợt anh nhìn bên thềm thấy một đống vỏ lon bia, nước ngọt nằm lăn lóc và đống tàn tro còn mới như là ai đã đốt giấy tiền, vàng bạc chưa kịp dọn vậy. Anh hiểu ra nói vào với ông Nam:

- Hình như họ có cúng chú rồi đó, chắc chú nhớ lộn ngày mất của mình nên buồn lầm tội nghiệp thím và mấy em. Nói rồi Bắc nhìn xa xăm, ngậm ngùi:

- Chú còn có gia đình để về chứ con chẳng còn ai. Gia đình ly tán sau chiến tranh, chết sống ở đâu không rõ. Nhiều khi chỉ muốn về nhìn lại ngôi nhà mình thời thơ ấu, hình như ở gần sông Hồng, nhìn mấy anh em cho đỡ tủi thân mà không được. Nói rồi Bắc ôm mặt khóc rưng rức. Nam an ủi bạn :

- Chiến tranh mà, từ nay gia đình của mình cũng là của các bạn, hàng năm mình sẽ dẫn các bạn về đây ăn giỗ, thăm chơi để đỡ buồn và an ủi phần nào.

Ra vẻ hiểu chuyện dương thế thời 4.0, Trung mới phụ họa vào thêm (vì anh mới chết được hơn 3 năm) :

- Bây giờ họ chọn ngày chủ nhật để cúng cho đông đủ con cháu, bà con và khách mời đó mà. Mẹ của con thì luôn cúng giỗ đúng ngày vì cũng chẳng có khách khứa gì nhiều. Thôi ông đừng buồn, hẹn sang năm, canh chủ nhật kế gần ngày chết thì mình về nhé.

Họ cùng nhìn lên bàn thờ, tấm hình ông Nam hồi trẻ đẹp trai quá, phảng phất nét lãng tử của chàng trai Nam bộ. Ông ra đi vì tai nạn giao thông oan nghiệt, bỏ lại vợ và hai đứa con, nay chúng đã trưởng thành và lập gia thất hết rồi làm ông cũng an lòng.

Rồi đến ngày giỗ của Trung, cả bọn đêm hôm trước đều náo nức không ngủ được. Nghe anh kể về miền Trung nghèo khó nhưng rất đẹp với những bờ cát trắng chạy dài, những con sóng rì rào bất tận, ai nghe cũng mê mẩn. Đoạn anh kể về chuyện anh bị kết án oan phải lãnh án tử khi mới ngoài 20 tuổi làm ai cũng chùng xuống. Dù được mẹ anh bán hết nhà cửa để kêu oan cho anh nhưng đều không ăn thua. Gần 10 năm nằm phòng biệt giam, anh chỉ muốn chết đi cho rồi, tự tử vài lần nhưng không thành. Nghĩ tới mẹ già vò võ và em gái không ai chăm sóc nên anh cố sống hy vọng một ngày họ tìm ra hung thủ thực sự để anh được về bù đắp cho gia đình.

Rồi bỗng một ngày quản giáo nhìn anh hiền từ, bảo anh tắm rửa sạch sẽ, ăn một bữa cơm ngon cuối cùng để họ chuẩn bị đưa đi thi hành án. Anh biết sẽ đến ngày này nhưng nghẹn ngào nhớ tới mẹ mình, anh gục xuống nức nở, viết vội mấy dòng chữ tạ từ trong nước mắt :

- Mẹ ơi ! Con không về với mẹ được rồi ! Mẹ và em giữ gìn sức khỏe, Con bất hiếu quá mẹ ơi !

Hai người ôm vai Trung an ủi mà ai cũng rơm rớm nước mắt:

- Số mệnh mà, thôi ngày mai tụi mình được về thăm mẹ và em rồi, cầu mong gia đình mạnh khỏe, bình an.

Họ bay qua bao núi non, sông hồ đến một ngôi làng thấp thoáng dưới chân núi, đó là làng của Trung. Ngôi nhà tranh thân quen, thấp lè tè cuối ngõ cụt. Anh cảm thấy nao lòng, hồi hộp chuẩn bị gặp mẹ già và em gái. Xung quanh khu vườn quen thuộc của anh bị rào hết lại chỉ chừa túp lều tranh nhỏ lụp xụp do mẹ bán hết để lo cho anh những năm tù tội. Anh vén vạt cỏ tranh bước vào nhà. Trong nhà có gần chục người bà con và lối xóm đang lúi húi bày biện đồ cúng lên bàn thờ.

Như muốn đổ khụy xuống khi thấy di ảnh của mẹ bên cạnh mình, anh thảng thốt kêu lên:

- Mẹ chết rồi hả mẹ ơi? Sao mẹ không tìm con, mẹ ơi!

Cả ba ôm nhau òa khóc nức nở như những đứa trẻ.

Đứa em gái mang khăn tang đang sắp giấy tiền, đồ cúng, loay hoay đốt lại ngọn nến vừa tắt do gió thổi ngoài vườn vào. Nghe họ nói với nhau mẹ mất vừa tròn 100 ngày vào hôm qua. Em gái nghẹn ngào khấn vái mẹ có linh thiêng thì về dự đám giỗ anh. Mẹ và anh phù hộ cho con nha ! Nghe mà anh đau nhói trong tim. Ông Nam vỗ về bạn :

- Mẹ đã lên thiên đàng rồi, không còn về để gặp những oan hồn như chúng ta đâu. Thôi con đừng buồn nữa, mẹ lên miền cực lạc là chúng ta phải mừng chứ. Bà ấy hiền lương, một đời khổ quá rồi.

Cả ba quá xúc động chẳng ăn uống gì được trong không khí u uẩn, thê lương này. Ngoài vườn, gió đông về lạnh lẽo, mấy tàu lá chuối ố vàng phất phơ gợi lại cho anh bao kỉ niệm não lòng.

Đám giỗ thật buồn. Người sống không ai nói gì nhiều ngoài những câu động viên, an ủi em gái anh, thương tiếc một gia đình có quá nhiều khổ đau. Anh nhìn đứa em gái gầy guộc 17 tuổi, thương quá ! Không biết rồi em mình sẽ sống ra sao khi côi cút một mình. Lời hứa về chăm sóc cho em đã vĩnh viễn không thành. Ba oan hồn lặng lẽ, không nói với nhau câu nào mà ai nấy nước mắt đang lưng tròng.

Ai nói những hồn ma không biết gì, họ vẫn lặng lẽ về bên chúng ta, quan sát cuộc sống của người thân. Họ đau đớn có, hạnh phúc có... theo chúng ta nhưng không làm gì được, chắc họ cũng ấm ức và khổ tâm lắm. Họ cũng chẳng muốn mùng 2, 16 hàng tháng phải tủi thân lang thang kiếm ăn mà người trần gọi là cúng cho cô hồn.

Qua bao nhiêu thời gian không rõ để họ được xét lại tội, miễn tội hay được giải oan gì đó để lên thiên đường, xuống địa ngục hay đầu thai vào kiếp khác, chỉ có họ mới biết mà thôi!

 

Cúng Cô Hồn

Ba oan hồn cứ day dứt, lưu luyến mãi chưa chịu đi dù khách trần gian dự đám giỗ đã về từ lâu rồi. Họ ngồi lặng lẽ buồn hiu. Trung cứ nhìn di ảnh của mẹ mà khóc nấc liên tục. Đứa em gái dọn dẹp xong để ngày mai em trở lại làm osin cho một gia đình tốt bụng làng kế bên. Căn nhà sẽ đóng cửa, nơi bàn thờ hiu quạnh với hai tấm hình mẹ con bên nhau nhưng chẳng bao giờ họ được gặp lại. Coi như kiếp này duyên mẹ con đã hết. Cảnh vật về chiều, tiếng chim kêu thê lương vọng xa mơ hồ, mây sà sát núi âm u tĩnh mịch. Ông Nam giục hai bạn:

- Thôi mình đi, sắp hết ngày rồi. Sang năm mình lại về thăm em. Nhìn ai cũng ngậm ngùi nơi khóe mắt.

Trung soạn một số đồ ăn để mang theo dùng cho ba ngưòi vì chờ đến mùng hai nhận đồ cúng cô hồn còn hơn mười ngày nữa.

Theo kế hoạch, họ sẽ cùng nhau ra bắc để tìm manh mối gia đình của Bắc dù sẽ rất khó nhưng tất cả đều quyết tâm. Theo hồi ức của Bắc thì gia đình anh, ngoài ba mẹ có bốn chị em. Anh là con kế út. Khi đó tầm tám tuổi, vào một buổi chiều năm 1972, tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời, cả nhà chưa kịp đưa nhau xuống hầm thì một tiếng nổ kinh hoàng trong vườn nhà xóa sạch gần hết căn nhà. Anh mơ hồ nhận ra có tiếng ai đó nói:

- Chết bay mất hết rồi chỉ còn có một thằng nhỏ nhất đang ngất và cu cậu kế út nát bét thế này thì chắc không qua khỏi rồi. Tội quá trời ơi!

Rồi anh thiếp đi, trở thành con ma oan hồn đến bây giờ. Không biết đứa em trai mình lưu lạc nơi đâu, còn sống không, hay chết mà sao anh không hề gặp em. Nay em cũng đã ngoài 50 tuổi rồi.

Họ đi hết các các vùng quanh Hà nội, ven sông Hồng cả tháng trời để hỏi thăm từ các oan hồn khác nhưng đều vô vọng. Thời gian cũng quá lâu rồi, xóa mờ hết kí ức của tất cả oan hồn thổ địa. Họ đành thất vọng buồn bã trở về coi như Bắc là oan hồn mất gốc.

Lương thực mang theo không bao nhiêu nên họ vất vưởng qua ngày. Các tỉnh phía bắc lại ít cúng cô hồn, họ chỉ cúng rằm và mồng một. Đói quá, ba ông cháu đánh liều tìm đến các miếu thờ người bị tai nạn giao thông hoặc đứng trước cửa chùa xin ăn, may thay cũng có vong hồn thiện lương cho họ chút đỉnh.

Vốn dĩ ba ông cháu hiền lành nên việc tranh giành đồ cúng rất vất vả. Thường thì chỉ lượm chút đồ thừa đổ vãi ra như : xí muội, cóc ổi, kẹo bánh rẻ tiền... Những món ngon như: heo quay, gà, tôm cua... chẳng mấy khi ba ông cháu giành được. Nhìn họ ăn mà thèm chảy nước miếng trông đến tội nghiệp.

Mà cũng có nhiều người trần kì lắm, họ chưa kịp để cho cô hồn hưởng thì đã vội giật nhau tan tành, đèn nhang tắt hết coi như không cúng vậy. Đám cô hồn sống trẻ tuổi đông lắm mà trông chúng cũng dữ tợn. Nhiều lúc đánh nhau sứt đầu mẻ trán vì một con gà, miếng thịt quay hay mấy đồng tiền lẻ. Gặp những lúc như thế, họ đành ngậm ngùi ra về tay không.

Có nhiều gia đình vẫn cúng, khấn vái cho cô hồn nhưng lại để mâm cúng trong cổng nhà mình làm cô hồn chen lấn nhau bên ngoài nuốt nước bọt mà không sao vào được vì hai ông thần giữ cửa lăm lăm thanh long đao ghê quá. Chờ đã đời rồi cả đám văng tục bỏ đi. Đồ cúng họ tự để trong nhà xài luôn mà ban ơn khống cúng cho các cô hồn. Miệng thì khấn vái cầu mong cho các cô hồn các đản phù hộ độ trì cho công việc làm ăn, đừng quậy phá... Đủ thứ chuyện, thật chả ra làm sao!

Thực ra người trần mê tín và bất cẩn quá nên họ cứ đổ thừa cho cô hồn hại họ như: xô lật xe xuống đèo, dìm người chết đuối, làm đắm ghe thuyền... chứ như ba ông cháu nào có biết hại ai bao giờ. Hồn ma chỉ là cõi tâm linh phi vật thể, cảm nhận được mọi chuyện nhưng không làm được gì dù muốn hay không. Cũng có nghe nói một số oan hồn ác làm chuyện xấu nhưng cũng chỉ là lời đồn như người trần đồn nhau bị ngải, bị yểm bùa... cho bệnh chết vậy thôi. Số người chết nhiều ở những nơi đó là do địa hình hiểm ác hoặc bị ám ảnh nên tự gây ra mà thôi.

Chỉ có tháng bảy là họ cúng khắp nơi nên cũng là tháng thu nhập khá nhất của cô hồn và cũng cạnh tranh quyết liệt của cô hồn sống. Ba ông cháu chịu khó đi xa một chút cũng kiếm được kha khá, đồ khô thì để dành được nhiều ngày. Loay hoay là đến đám giỗ, cũng đắp đổi qua ngày.

Họ mắc kẹt giữa ba thế giới nên cuộc sống tị nạn của họ trôi qua ngày tháng đơn điệu như vậy, chỉ có nỗi buồn ai oán và tiếng thở dài của những oan hồn văng vẳng trong đêm kéo dài bất tận...

 

Giải Thoát Những Oan Hồn

Những nơi nào người chết vì bị thảm sát tập thể, bom đạn, tai nạn xe cộ, hỏa hoạn... thì oan hồn chất ngất kéo dài hàng chục năm làm ám ảnh triền miên người đang sống. Vào những đêm vắng vẻ, âm thanh, hình ảnh mơ hồ vang vọng từ hư vô như tiếng ai khóc lóc bi thương, oán trách... làm cho ta khiếp vía. Những tài xế xe khi đi qua những nơi này thần hồn nát thần tính nên dễ gây tai nạn, tiếp tục tạo nên những oan hồn. Những cung đường ma ám được truyền tai nhau nghe lạnh gáy.

Để tỏ lòng thương tiếc cho những nạn nhân vắn số đó, người thân làm lễ cầu siêu, cúng tế... Nhưng nên nhớ là chỉ an ủi, làm ấm lòng oan hồn, để nguôi ngoai bớt chứ họ chưa thể siêu thoát được đâu. Phải chờ căn cơ đến khi thiên đình cử phán quan xuống với hàng loạt chiếu chỉ. Họ sẽ phân loại tùy theo nghiệp chướng ở trần thế mà đưa oan hồn siêu thoát về thiên đàng, xuống địa ngục đọa đày hay còn phận số làm người sẽ được đầu thai về lại trần gian.

Sự hóa kiếp này sẽ dứt bỏ hết tiền kiếp, nghĩa là không ai nhớ gì trước kia nữa. Người tiêu diêu miền cực lạc, thái bình tiên cảnh không còn khổ đau. Người xuống hỏa ngục tùy theo tội trạng lúc còn sống sẽ bị tra tấn ở các tầng khác nhau mãi mãi đau đớn khó hóa giải. Người đầu thai làm người được bắt đầu cuộc sống mới với hạnh phúc và khổ đau đang chờ đợi họ từ khi cất tiếng khóc chào đời. Họ sẽ trả nợ hoặc hưởng hồng ân của kiếp trước mà họ không hề biết. Cũng có những trường hợp tự thân họ tu và cảm thụ giáo dục tốt ở trần gian mà ta hay gọi là đức năng thắng số hay tiền kiếp tốt nhưng tự sa ngã. Đó là phần tự quyết của cuộc đời mỗi con người.

Lại nói về ba ông cháu đang ngồi phiêu ở một khúc sông vắng vẻ sau một ngày đi nhặt đồ cúng cô hồn oải cả người. Ông Nam cất mấy câu vọng cổ : Tình Anh Bán Chiếu mượt mà sâu lắng. Hồi trẻ ông rất mê giọng ca của Út Trà Ôn và đạt được nhiều giải đờn ca tài tử ở miền tây. Nếu không là oan hồn có lẽ ông đã là một danh ca nổi tiếng rồi. Bắc và Trung nghe nhưng không thích lắm và chẳng hiểu bao nhiêu. Chúng chỉ vỗ tay khen chiếu lệ cho ông vui thôi.

Bỗng một hôm tất cả cô hồn trong vùng nhận được thông báo tập trung tại thung lũng để chờ được hóa kiếp. Một sự kiện rất lâu mới có một lần và không theo qui luật nào cả. Một vầng sáng rực đưa phán quan nhà trời xuống đứng trên đỉnh đồi.

Một ông tóc bạc trắng xóa, da dẻ hồng hào cầm cây gậy, trông hiền từ, đôn hậu. Nghe đâu là Thái Quân gì đó. Ông này có nhiệm vụ đưa những oan hồn lên thiên đàng. Bên ông có hai cận vệ còn trẻ, rất đẹp. Một ông cầm cuốn sổ và một tiên nữ dung nhan người trần khó sánh được.

Đứng phía bên trái là hai ông mặc bộ áo khoác rộng thùng thình màu đen, khuôn mặt dữ tợn, tay cầm lưỡi hái và sợi dây xích sắt to dài, tiếng kêu loảng xoảng nghe lạnh người. Đây là phán quan của diêm vương áp tải cô hồn ác về địa ngục.

Một ông đứng giữa mặt đồ trông như người trần. Áo dài hoa văn rất đẹp. Ông này là phán quan làm nhiệm vụ đưa oan hồn về đầu thai lại làm người. Ông kiêm luôn nhiệm vụ như MC chương trình của người trần trong các shown diễn lớn vậy.

Cô hồn bên dưới nhiều vô kể, đang láo nháo chờ hóa kiếp dù có muốn hay không cũng khó tránh khỏi.

MC đọc từ từ chậm rãi tên từng người trong không khí kẻ khóc than, người cười mừng nhưng tuyệt nhiên trong kiểm soát, không ai dám nổi loạn.

Ba ông cháu hồi hộp chờ đợi và tự tin mình sẽ nhận được kiếp lành. Danh sách cứ kéo dài nhưng vẫn chưa đến tên mình làm mọi người lo lắng quá.

Bỗng MC nhìn về phía ông Nam với nụ cười thân thiện, trìu mến:

- Nguyễn Nam ! Xét con một đời hiền hậu, tuổi xuân phơi phới nhưng vì oan nghiệt vụ tai nạn giao thông có yếu tố giết người. Trên đường từ cơ quan về nhà bị một công tử nhà giàu phóng xe hơi bạt mạng tông ông té xuống đường. Thay vì cứu người, gã lùi xe lại cán chết nạn nhân để xóa tội, gây nên thảm cảnh con thơ mất cha, vợ mất chồng. Duyên kiếp làm người của con đã hết, con sẽ được đưa lên thiên đàng. ông Nam gục xuống nức nở gọi tên vợ và hai con trong nước mắt hạnh phúc. Bắc và Trung ôm lấy ông vui sướng tột cùng. MC tiếp tục :

- Tay công tử năm xưa chạy chọt qua mặt luật pháp nên chỉ bị xử tù treo nhưng nhờ có luật nhân quả xử lại. Quả nhiên y bị chết vì tai nạn thảm khốc, hưởng dương 58 tuổi. Hôm nay y sẽ được phán quan của Diêm Vương đưa về địa ngục.

Bên dưới một lão già gào thét xin giảm nhẹ tội trông thật thảm não. Y phải trả giá cho kiếp trước ác nhơn của mình.

MC tiếp tục gọi tên nhẹ nhàng:

- Lê Trung ! Tương lai trần thế của con sáng ngời, đang là sinh viên đại học, rất hiếu thảo nhưng buồn thay lại vướng vào án oan của pháp luật. Duyên của con ở trần thế vẫn còn, con sẽ được đưa trở lại làm người. Được đầu thai vào gia đình khá giả, tử tế và trí thức. Mong con làm người hữu ích cho xã hội.

Trung ôm mặt rưng rức, những giọt nước mắt mừng tủi, anh luôn miệng gọi mẹ và em mình. Anh ôm lấy, chúc Bắc may mắn và vẫy tay về phía ông Nam bùi ngùi quyến luyến.

Bên dưới có bốn tên gập đầu khóc la xin được giảm bớt tội trạng vì liên quan đến vụ làm sai lệch hồ sơ, bức cung, tuyên án nhưng chứng cứ lỏng lẻo. Tuy chúng nhởn nhơ xem thường pháp luật sở tại nhưng luật nhân quả không tha. Một tên vì nợ nần phải tự tử. Một tên tự đâm người và xe vào trụ điện khi quá say xỉn. Một tên chết vì nhồi máu cơ tim khi đang trong tiệc cưới của con mình. Tên còn lại bị sa thải vì liên quan đến ăn tiền làm bậy ở vụ án khác. Y bị vợ bỏ nên chìm ngập trong rượu chè, trúng gió ra đi vào một đêm mưa bão. MC dõng dạc:

- Với tội ác tày trời của các ngươi đã đưa một thanh niên hiền lành vô tội vào vào vòng lao lý và bị xử tử đau đớn. Giao các ngươi cho Diêm vương xử thật nặng không cho cơ hội nào để hóa kiếp khác. Còn gần chục tên liên quan ít nhiều đến vụ án này còn trên trần thế, trong đó có tên đầu sỏ đang bị tai biến liệt nửa người và tên thủ phạm chính lọt lưới đang nghiện xì ke nặng, chờ ngày đưa xuống đây qui án.

Một loạt danh sách các cô hồn nghe xướng tên và được các phán quan đưa về ba phía khác nhau. Tiếng khóc la inh ỏi của đám cô hồn đền tội và những giọt nước mắt tủi hờn của những oan hồn vô tội trong một phiên xử lớn chưa từng có. Ông Nam và Trung lo lắng, bồn chồn hướng về phía Bắc vì thời gian cũng sắp hết rồi.

Mc gọi tên oan hồn cuối cùng đợt này trong sự vỡ òa sung sướng của ba ông cháu:

- Trương Bắc, một em bé ngây thơ và gia đình nông dân thuần phác đã chết sạch không còn một ai trong một trận ném bom sai lầm định vị của tay phi công người Mỹ. Ba mẹ đã lên thiên đàng từ lâu rồi, các chị em của con cũng đã đầu thai làm kiếp khác. Con sẽ được đầu thai vào gia đình mới cũng có bốn anh chị em, sống một cuộc đời mới, lành nhiều dữ ít.

Cố kìm những giọt nước mắt vui mừng, Bắc ngước hỏi phán quan:

- Con có thể tìm gặp mấy chị em của con ở trần thế được không ? phán quan dứt khoát:

- Con không thể! Hóa kiếp con sẽ không còn lưu giữ lại gì nữa. Hy hữu một vài trường hợp nhớ lại một vài chi tiết nhỏ tiền kiếp nhưng ở một thời điểm nào đó thôi. Đừng hy vọng con à, hãy nhận và sống tốt trong kiếp mới của mình.

Tay phi công này ân hận sám hối phải uống thuốc an thần suốt quãng đời còn lại. Tuổi già y chết trong bệnh tật đau đớn. Vì chưa kí kết luật dẫn độ tội phạm nên y được xử ở nước sở tại. Nghe đâu y vẫn còn là một trong số hàng triệu cô hồn lang thang vì chưa thể hóa kiếp được.

Phiên hóa kiếp khép lại với ba nhóm cô hồn lớn được đưa đi. Số còn lại cũng đông vô kể tiếp tục sống kiếp cô hồn tị nạn lang thang ai oán, chờ dịp tới.

Ông Nam xin được gặp hai bạn mình lần cuối để chia tay vì có duyên mới được gặp những oan hồn tốt ở khu tị nạn này. Họ đã sống tình nghĩa với nhau một thời gian dài như niềm an ủi của số phận. Họ bịn rịn chia tay nhau trong vui buồn lẫn lộn không biết kiếp mới mình như thế nào đang chờ phía trước.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:

*.

LANG CHÂU NAM (Nguyễn Thế Hưng)

Địa chỉ: 975 Quốc Lộ 1, phường Bình trị Đông A,

quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 090.382.86.78

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: nguyenhung967812@gmail.com ngày 11.03.2023.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

1 nhận xét: