YẾU TỐ PHI LÝ TíNH
TRONG THƠ
*
Trong nhiều định nghĩa về thơ từ trước tới nay, có một định
nghĩa của nhà thơ Nga Xô viết - Ôxíp Manđenxtam mà tôi cho là ứng nghiệm với đề
tài đang bàn: “Thơ là ý thức mình có lý” (*). Như vậy, cũng có
hàm nghĩa biện chứng một trong những đặc trưng của thơ là phi lý tính,
phải nhờ sự nhờ can thiệp của nhà thơ thì cái phi lý tính kia trở thành có lý.
Thơ được thể hiện khi không thể nào chọn được phương thức diễn đạt suy lý trong
một tình thế đầy mâu thuẫn. Thơ nhận ra sự bất túc của nhận thức lôgic trong
văn xuôi. Thơ chỉ bắt đầu khi văn xuôi kết thúc. Hướng tiếp cận của đề tài này
tập trung vào ba bình diện sau đây: Yếu tố phi lý tính thường hiện diện trong
thơ văn cổ truyền dân tộc; Những đặc trưng của phi lý tính trong thơ. Vai trò
của phi lý tính trong thơ hiện nay.
Lần theo yếu tố phi lý tính trong ca dao, thơ văn cổ truyền dân
tộc
Ca dao, dân ca phản ánh lịch sử, xã hội, con người, thiên nhiên
qua các thời đại. Ca dao cũng phản ánh tình yêu và muôn mặt đời thường của con
người. Để đến được với người đọc, thi pháp của ca dao gồm nhiều cách diễn đạt,
trong đó phổ biến là tiếng hát trữ tình của con người được miêu tả bằng những
biện pháp ngoa dụ, ẩn dụ, hoán dụ.v.v… mà thường mang yếu tố phi lý tính. Ở
biện pháp ngoa dụ phóng to ta đọc: Đàn ông một trăm lá gan/ Lá ở cùng
vợ, lá toan cùng người/ Khó khăn thì chẳng ai nhìn/ Đến khi đỗ trạng chín nghìn
anh em… Ở ngoa dụ thu nhỏ ta có: Ước gì sông hẹp bằng ao/ Bắc
cầu dải yếm qua trao ân tình/ Cô kia tát nước bên sông/ Muốn sang anh ngả cành
hồng cho sang.
Người sáng tác ca dao thường dùng biện pháp ẩn dụ nhân hóa sự
vật để nói lên tâm trạng nghịch cảnh đau đớn của con người: Lá vàng còn
ở trên cây/ Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời?
Với biện pháp hoán dụ, chúng ta đọc: Thấy anh như thấy
mặt trời/ Nói năng khó nói trao lời khó trao/ Trông anh nư thể sao mai/ Biết
rằng trong có như ngoài hay không?
Tất cả các biện pháp nói trên đều đưa lại bài học đạo đức, sự
việc diễn ra có lý. Ca dao mang trong mình triết lý dân gian, triết lý đó nói
lên lòng chung thủy của nghĩa vợ chồng (Thuyền về có nhớ bến chăng? Bến
thì một dạ khăng khăng đợi thuyền); hoặc cam chịu số phận (Đã mang
lấy cái thân tằm; Không tơ vướng nữa cũng nằm trong tơ)… Cảnh sắc thiên
nhiên ở ca dao thường được diễn tả bằng nhận thức lôgic, cũng có khi bằng biện
pháp phi lý tính: Gió đưa trăng, trăng thanh vằng vặc/ Trăng đưa gió, gió
mát hiu hiu… Mượn trật tự đầu phi lôgic (gió đưa trăng, trăng đưa gió… ) để
nói trật tự sau lôgic hơn (trăng thanh vằng vặc, gió mát hiu hiu). Để triết lý
về thời gian, ta có câu: Trăng bao nhiêu tuổi trăng già/ Núi bao nhiêu
tuổi gọi là núi non.
Trong truyện Nôm khuyết danh, yếu tố phi lý tính hiện diện ở
dạng tính kỳ, là phương tiện làm gia tăng kịch tính của câu chuyện. Câu
chuyện thường được xem như một bài thơ; ví dụ như truyện Hòn vọng
phu hoặc truyện Trầu cau. Nhiều nhà nghiên cứu
của văn hóa sử đã coi tính kỳ của truyện Lưu Bình - Dương Lễ nhuốm
màu huyền thoại, thể hiện ước mơ của người xưa về sự cao thượng của đạo lý làm
người, về sức mạnh tự thân vượt lên chính mình để làm được những nghĩa cử cao
đẹp. Đây là một tình huống lý tưởng, phi lý (chứ trong thực tế làm gì có một
người vì quý bạn mà gửi vợ mình đi nuôi bạn ăn học trong ngần ấy năm!). Câu
chuyện được phóng to đến mức cực đại, nhưng người đọc không ai băn khoăn gì về
các chi tiết; chỉ biết rằng, hạt nhân câu chuyện là tình bạn cao cả, nghĩa vợ
chồng chung thủy sắt son.
Trong thơ ca cổ điển dân tộc, đặc biệt trong Truyện
Kiều, Nguyễn Du đã vận dụng tài tình yếu tố phi lý tính vào phương pháp
phản ánh hiện thực xã hội. Chúng ta biết rằng, chất liệu nào của văn chương
cũng bắt nguồn từ cuộc sống tự nhiên, trần trụi, duy lý. Dưới bàn tay tài hoa
và sự tư duy lấp lánh hình tượng của nghệ sĩ, chất liệu được phi lý tính
hóa nhằm xây dựng một hình tượng tính cách, phát ngôn một triết lý sống,
tổng kết một kinh nghiệm lao động, đề xuất một thái độ ứng xử. v.v… Khi nhà thơ
đã vượt thoát chất liệu, không chịu sự ràng buộc của lôgic cuộc đời để đi vào
thế giới nghệ thuật với cảm hứng sáng tạo chân thật, thì hình tượng thơ trở
thành ma lực, ngôn ngữ thơ trở nên tỏa hương, ý nghĩa bài thơ hàm chứa triết lý
xanh rờn. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã vượt lên trên
những “Lời quê chắp nhặt dông dài” bước ra khỏi thi pháp miêu tả “những
điều trông thấy” đã làm cho 3254 câu thơ lục bát của Truyện Kiều được
kể theo lối truyện thơ mà hấp dẫn từ đầu chí cuối là nhờ đại thi hào không ngần
ngại sử dụng yếu tố phi lý tính trong thơ, thường là phi lý tính ẩn dụ. Để
miêu tả cuộc đời trầm luân bụi bặm, bèo trôi sóng vỗ của Kiều, nhà thơ đã khái
quát hóa cuộc đời là: Chốn bụi hồng, hồng trần, trần ai, đường xa bụi hồng…
(Sự đời đã tắt lửa lòng/ Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!). Vẽ chân
dung người đẹp, trong đó có chân dung Vương Thúy Kiều, người đọc bắt gặp những
nét son: má hồng, hồng nhan, cánh hồng, sắc tía, bóng hồng, sắc hồng… Ngay
cả một lĩnh vực tình cảm mênh mông là vậy, sâu thẳm là vậy, cũng được nhà thơ
dùng thủ pháp “lượng hóa” trong các câu: Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu
dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân/ Sầu đong càng lắc càng đầy/ Ba thu dồn lại
một ngày dài ghê… Còn tả cảnh thì mỗi cảnh là một bức tranh huyền
diệu: Gương nga chênh chếch dòm song/ Vàng reo ngấn nước cây lồng bóng
sân/ Bóng tà như giục cơn buồn/ Khách đà lên ngựa người còn ghé theo.
Đầu thế kỷ XX luồng gió mới cải cách nhiều bình diện xã hội
trong đó có văn chương học thuật. Cánh cửa sổ nhìn về văn hóa phương Tây ngày
càng mở rộng, Thơ mới ra đời. Thơ mới là một hiện tượng văn hóa mới lạ đã tạo
nên bước chuyển biến mới về nội dung lẫn hình thức.
Được như vậy có nhiều nguyên nhân; riêng trong lĩnh vực kỹ xão
thơ, sự sáng tạo ngôn ngữ thơ đó là sự mạnh dạn sử dụng yếu tố phi lý tính. Màu
thời gian của Đoàn Phú Tứ là một ví dụ: Màu thời gian không
xanh/ Màu thời gian tím ngắt/ Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh
thanh…
Thời gian chỉ đo bằng năm tháng, đo bằng chiều dài lịch sử, sao
lại đo bằng màu, bằng hương? Tứ thơ này chịu ảnh hưởng thơ Pháp là
đúng rồi, nhưng còn là sự tự biểu hiện tình yêu của chính nhà thơ đối với thiên
nhiên, đối với loài hoa màu tím. Cũng ảnh hưởng thơ Pháp, Xuân Diệu trong Vội
vàng đã không nén được dục vọng, nỗi đam mê ở tuổi đang yêu đã
muốn hưởng mọi lạc thú ở đời: Tôi muốn tắt nắng đi cho màu đừng nhạt
mất/ Tôi muốn buộc gió lại cho hương đừng bay đi… và tiếp theo là những
hành vi hưởng thụ: Ta muốn ôm (sự sống); Ta muốn siết (mấy
đưa và gió lượn); Ta muốn say (cánh bướm với tình yêu); Ta muốn tham
(trong một cái hôn nhiều) và hơn tất cả (ta muốn cắn vào ngươi) (Xuân
hồng). Trong bài thơ Thiên nhiên, Bôđơle đã có lần viết rằng, “màu
sắc, hương vị và âm thanh đều đối đáp lẫn nhau”. Có lẽ Xuân Diệu đã ảnh
hưởng nhà thơ Pháp bằng lối chơi màu sắc, hương vị với những yếu tố phi lý
tính.
Lưu Trọng Lư trong Tình điên (Hôm ấy trăng
thu rụng dưới cầu… ); Chế Lan Viên trong Điêu tàn (Sợ lời
than lay đổ bóng đêm thâu… ); Hàn Mặc Tử trong Ave Maria
(Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu?) Bích Khê trong Tình huyết
(Ô, Hay buồn vương cây ngô đồng, Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.v.v.); Quách
Tấn với Đêm thu nghe quạ kêu (Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng
vàng?) và nhiều nhà thơ khác đã mạnh dạn sử dụng yếu tố phi lý tính để tô
vẽ thiên nhiên thêm màu nhiệm, thoáng đượm mùi hương, làm cho hồn người bớt hiu
quạnh và nhịp đời thêm náo nức… !
Mấy đặc trưng của yếu tố phi lý tính trong thơ
Nếu chưa xác định được nhiều hơn, thì ít nhất có ba đặc trưng:
Sự liên tưởng, sức tưởng tượng và ý nghĩa triết lý.
Liên tưởng là một trạng thái của tư duy, là một phẩm chất
của con người. Trong từng hoạt động của não bộ, nhất là những hoạt động trí tuệ
thường xuất hiện sự liên tưởng. Trong sáng tạo nghệ thuật, sự liên tưởng giúp
nhà văn có thêm chất liệu để xây dựng hình tượng. Liên tưởng là hiện tượng trực
giác, nó có sức mạnh thuyết phục bằng tri giác, chứ không chứng minh bằng thực
nghiệm. Khi Huy Cận viết trong Tràng giang: Lòng quê dờn
dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà… thì người đọc biết
ngay tình cảm ngổn ngang nhớ quê của người xa xứ lúc chiều tà. Còn Xuân Diệu
nhìn thấy lá liễu thướt tha, là nghĩ ngay đến người con gái đẹp: Lá
liễu dài như một nét mi. (Nhị hồ). Vậy làm thế nào để liên tưởng đi
vào thơ một cách chân thật? Ở chỗ này nên nhớ đến ý kiến của Phơlôbe: “Đừng
bao giờ sợ sự phóng đại và xu hướng phóng đại… sự phóng đại vừa độ, hợp lý, hài
hòa”, tức là sự quát hóa và tính sinh động trong cách thể hiện liên tưởng.
Dùng sự liên tưởng trực tiếp để so sánh hiện tượng này với sự vật
kia. Ở đây những liên từ: như, tựa, hay, là, thường được sử dụng: Thời
gian đi, chóng tựa đưa thoi, (Hồ Chí Minh - Gửi Bộ chính trị) - Dưới
màu hoa như lửa cháy khát khao. (Thanh Tùng - Thời hoa đỏ) - Mắt
em như nước giếng thôn làng. (Quang Dũng - Mắt người Sơn Tây) - Biển
như một con tàu sắp sửa kéo còi đi (Hữu Thỉnh - Phan Thiết có anh tôi)
- Em là ai cô gái hay nàng tiên (Tố Hữu - Người con gái Việt Nam). Ngoài
ra, sự liên tưởng ẩn dụ giúp nhà thơ tìm kiếm cách nói độc đáo, gây
ấn tượng khi cảm hứng đang trào dâng: Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp
lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ. (Hoàng Cầm -
Bên kia sông Đuống), hoặc: Ôi cái gió Tuy Hòa/ Cái gió chuyên cần và
phóng túng (Trần Mai Ninh - Tình sông núi). Sức tưởng tượng của con
người là không giới hạn. Trí tưởng tượng xán lạn, óc phán đoán minh mẫn sẽ bổ
sung cho trí tuệ phong phú, năng lực tư duy mẫn cảm của con người. Sức tưởng
tượng chân chính bao giờ cũng sánh vai với lý tính. V.I.Lênin coi “tưởng
tượng là một phẩm chất, là một giá trị vĩ đại nhất của loài người”. Nhưng
cũng có loại tưởng tượng quái dị, điên rồ, sự bịa đặt vô cớ, vô bổ, thậm chí có
hại. Vì vậy mà có người nói sức tưởng tượng có khi là “con điên trong nhà”.
Chúng ta từ chối loại tưởng tượng kiểu đó. Con đường đúng đắn dẫn đến sức tưởng
tượng chân chính là sự kết hợp hai sức mạnh tự nhiên: Cái vô thức và cái
lý tính. Fr.Hebbel, nhà thơ Đức, (1813 -1863) có lần nói rằng, tưởng tượng có
thể chấp nhận được trong sự có mặt của lý tính… tưởng tượng chân chính thường
xuyên gắn kết với lý tính. Đúng vậy, sức tưởng tượng chỉ có thể làm gia tăng
sức mạnh của hình tượng nghệ thuật, chỉ khi nào nhà thơ tổng hợp được những tri
thức trực giác với sức tưởng tượng của trí tuệ và sự thăng hoa cảm xúc. Sau đây
là những ví dụ: - Ôi những cánh đồng quê chảy máu. Dây thép gai đâm nát
trời chiều. (Nguyễn Đình Thi - Đất nước) - Buổi sáng em lên
rẫy/ Thấy bóng cây Kơnia/ Bóng ngã che ngực em/ Về nhớ anh không ngủ… (Ngọc
Anh - Bóng cây Kơnia) - Đưa người, ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng
sóng ở trong lòng. (Thâm Tâm - Tống biệt hành) - Tình cờ anh
gặp lại vầng trăng/ một nửa vầng trăng thôi một nửa/ Trăng vẫn đấy mà em xa
quá/ Nơi cuối trời em có ngắm trăng lên (Hoàng Hữu - Hai nửa vầng
trăng). Sử dụng yếu tố phi lý tính trong thơ, nhà thơ muốn phát ngôn ý
nghĩa triết lý sống, thường được thể hiện dưới mấy dạng thức sau: Nói lên khí
phách anh hùng cá nhân: Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng
giữa trời mà reo (Nguyễn Công Trứ). Phát biểu một cách chân lý lao
động: Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành
cơm (Hoàng Trung Thông); Ký thác nỗi đau chia cắt đất nước vào một bức
tranh thiên nhiên: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời
mây núi có chia đâu!? (Tế Hanh); Khẳng định một thái độ sống, một nhân
sinh quan biện chứng… Ta đẻ ra Đời, sao khỏi những cơn đau… Hãy biết ơn
vị muối của Đời cho thơ chất mặn (Chế Lan Viên)…
Phi lý tính và thơ hôm nay
Ở trên chúng tôi có nói đẹp đến sự chật hẹp của lý tính, mà sự
sáng tạo của nhà thơ thì không dừng lại ở lý tính. Nhà thơ lớn nào cũng muốn ôm
cả chiều sâu lịch sử, chiều rộng cuộc đời, chiều cao tư tưởng cuộc đời mình.
Vậy nên các nhà thơ cũng một lúc vừa nhận thức bằng duy lý, vừa nhận biết bằng
trực giác. Nhiều nhà khoa học tổng kết rằng, con người không thể nhận thức thế
giới khách quan nếu không đi trên con đường trực giác và con đường duy lý. Một
mình suy lý, con người sẽ bất lực trước chân lý khách quan. Vì vậy, sự bổ sung
trực giác, tưởng tượng, phi lý tính có thể coi là quy luật. Người cổ đại thường
dùng thơ và văn chương hình ảnh trong các tác phẩm triết học. Vì sao vậy? Bởi
vì, khi khoa học còn ở buổi bình minh, chưa phát triển, người ta vay mượn nghệ
thuật để diễn đạt tính chân thật của thức giác, về sau trở thành đối tượng của
khoa học.
Muốn cho nghệ thuật thơ thực sự đổi mới, vượt kên trên lối kể lẻ
dài dòng, vần vè đơn điệu, vượt lên trên cái đã biết, cái đã quen, cái đã
thấy nhà thơ cần cấu tạo những hình tượng độc đáo, những vần thơ vi diệu,
có màu sắc có âm thanh… nơi mà suy lý lôgic không phát hiện được; chứ không
phải là sự lạm dụng ngôn ngữ, sự vay mượn tứ thơ bên ngoài, cố tình phá hủy
trật tự sự vật, làm rối loạn giác quan mình và giác quan người đọc,
Thực trạng thơ của chúng ta, bên cạnh nhiều cái được: Một khối
lượng tác phẩm thơ của đội ngũ nhà thơ chuyên nghiệp và nghiệp dư; sự xuất hiện
một số nhà thơ trẻ với tiếng nói mới, lạ; sự sung sức của những tài năng thơ
thời chống Mỹ; còn có ba cái yếu, đáng lo ngại, nhiều nhất là ở những người
viết mới vào nghề.
- Lý tưởng xã hội còn mờ nhạt, tư tưởng thẩm mỹ chưa định hướng. Lý
tưởng xã hội không phải là cái gì khác ở bên ngoài văn chương; không phải là áp
lực của một tổ chức xã hội nào đó áp đặt cho nhà thơ. Lý tưởng xã hội là cái
nằm trong bầu máu nóng, là lẽ sống đẹp nhất của tuổi trẻ; Từ ấy trong
tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim (Tố Hữu).
Nghề thơ ví như nghề làm việc thiện vì nó có thể cứu
rỗi tâm hồn người đọc. Danh hiệu “kỹ sư tâm hồn” mà các nhà thơ được ban tặng
có ý nghĩa như vậy. Để đạt tới lý tưởng xã hội tiên tiến nhà thơ cần có sự thôi
thúc của con tim, sự sưởi ấm ngọn lửa bên trong được coi là động lực sáng tạo.
Cũng như nhiều lĩnh vực lao động sáng tạo khác, nhà thơ cần viết cái mà xã hội
cần, chứ không viết cái mình có. Có thể viết cái tôi, cái riêng của
mình, nhưng phải phù hợp với cái ta, cái chung của cộng đồng. Muốn
vậy, nhà thơ cần nuôi dưỡng tình yêu nồng cháy đối với cái Đẹp, cái Thiện,
lòng căm thù đối với những hiện tượng suy thoái trong xã hội. Đó chính là lý
tưởng thẩm mỹ của nhà thơ. Đừng nhầm, nói lý tưởng, tư tưởng thì sẽ thui chột
tài thơ. Trái lại, chính lý tưởng sinh ra kỹ thuật, tài năng thơ ca. A.Puskin
đã hơn một lần nói đến quan hệ giữa lý tưởng và tài năng: “… Không có tư tưởng
thì cách biểu hiện có xuất sắc mấy đi nữa, vẫn không phục vụ được một cái gì
hết… Tư tưởng ánh sáng của thế kỷ đòi hỏi những món ăn cho tư duy. Trí tuệ
không thể bằng lòng với một trò chơi của sự hài hòa và sức tưởng tượng”. Để
hình thành lý tưởng thẩm mỹ của một đời văn thì trong ba điều bất hủ của đời
người: lập đức được coi là hàng đầu, rồi mới đến lập công và lập
ngôn. Văn chương thơ ca là sự nghiệp của nghìn đời, cái còn lại trong thơ ca
của một người là đạo, nhân tâm thế đạo, hướng về nhu cầu thưởng thức của số
đông. Không phải vô cớ mà các bậc túc nho thời trước khi làm thơ thường chú ý
cái đạo, cái chí, cái cốt cách, khẩu khí đối với xã hội, bởi có đạo đức là có
lý tưởng, có nội dung. Mà có nội dung thì thơ ca thịnh, phát đạt. Ngược lại thì
thơ ca suy, hỗn loạn.
- Thiếu sự chân thật trong cảm xúc hay thiếu sự liên kết giữa
cảm hứng chủ đạo và cảm hứng phản xạ.
Thực trạng yếu kém trong sáng tạo ở một số nhà thơ, ở một số bài
thơ, tập thơ được biểu hiện ở hai hướng: Hoặc đi quá sâu vào nỗi buồn cá nhân,
quan tâm hơi nhiều đến những đề tài vụn vặt, cá biệt, từ đó đi đến chỗ thoát ly
những vấn đề bức bách, những nhu cầu cấp thiết về tâm - sinh lý của đại đa số
người đọc, hoặc là: do nôn nóng muốn sớm được khẳng định mình, một số người đã
tung ra những dòng thơ đánh đố người đọc, những câu thơ cầu kỳ, tắc tị, mà cứ
tưởng phát hiện cái mới. Có một nhà thơ nói rằng, nghệ sĩ phải viết không chỉ
bằng bút mà bằng cả máu con tim và tinh lực của mọi giây thần kinh. Còn Hữu
Loan nói chí lý: “Sáng tạo là hiện tượng tâm sinh lý ác liệt, nhưng không mù
quáng, mà có lửa thần đưa đường…”. Lửa thần, theo tôi hiểu là lý tưởng xã
hội, lý tưởng thẩm mỹ của nhà thơ. Bất cứ trong tình huống nào, tâm trạng nào
nhà thơ trả lời cho được hai câu hỏi có tính công dân: Viết để làm gì? Và viết
cho ai? Ngoài ra trong cái hiện tượng tâm sinh lý kia còn có cảm hứng sáng tạo
của nhà thơ. Vậy cảm hứng sáng tạo là gì? Là sự thôi thúc nội tâm, sự đam mê
một đề tài nào đó. Nồng độ cháy sáng của lý tưởng và của cảm xúc chân thật giúp
nhà thơ có những định hướng lựa chọn đề tài, nhân vật… Thiếu cảm hứng thì nghệ
sĩ không hiểu, không sáng tạo được gì. Đó là cảm hứng chủ đạo thường
được duy trì thường xuyên ở nhà thơ. Nhưng phải đợi đến khi anh ta nảy
sinh cảm hứng phản xạ, tức là phút xao động trước một cảnh ngộ, một số
phận, một cành hoa đẹp… thường gọi là “tia chớp”, thì nhà thơ mới hình thành tứ
thơ mới, những từ ngữ lạ.
- Không có trí thức văn hóa, tri thức triết mỹ, các nhà thơ trẻ
khó có bài thơ hay. Có người nói, gốc của cây thơ là phù sa văn hóa, là tri
thức của nhiều lĩnh vực khoa học và sự lịch duyệt. Khác với nhiều nghệ sĩ khác,
nhà thơ mà cảm xúc bàng bạc, trí tuệ nông cạn, tầm khái quát thiếu hụt… thì dễ
dàng dẫn thơ đến tình trạng rối loạn hình tượng, nghèo nàn ngôn ngữ. Đó là chưa
nói tới sự bắt chước, sự săn đuổi kỹ xảo của một vài khuynh hướng thơ hiện đại
- hậu hiện đại ở nước ngoài. Giả dối là tối kỵ trong nghệ thuật, giả dối còn là
điều rất tối kỵ trong thơ, bởi ở đây nhà thơ và nhân vật trữ tình
thường trùng khít. Từ rất lâu, M.Gorki, khi nói chuyện với các nhà thơ trẻ, đã
phân biệt người thợ thơ và nhà thơ. Người thứ nhất thường bằng lòng trước
những sự kiện dồn dập của đời sống, sa đà vào lối miêu tả, liệt kê, kể lể, chắp
nối từ ngữ cho có vần vè… Còn nhà thơ thì phấn đấu để có tâm lý sự kiện, thân
phận con người, tính đa nghĩa, đa thanh, đa sắc của ngôn ngữ thơ.
Điểm tựa để thực hiện kỹ năng, kỹ xảo, các biện pháp tu từ ngôn
ngữ thơ là trình độ tư duy khái quát, chiều cao của trí tuệ, chiều rộng của tri
thức văn hóa và chiều sâu của cảm xúc nhân văn của nhà thơ. Nhà thơ là nhà nhân
văn chủ nghĩa. Không phải ngẫu nhiên mà trong thời đại mình, Cao Bá Quát gọi
“phẩm chất của người là phẩm chất của thơ; phẩm chất của người cao, thì phẩm
chất thơ cao”.
Phi lý tính trong thơ chỉ là một phẩm chất, nhưng là phẩm chất
đặc thù để phân biệt với những đặc trưng của mọi thể loại văn chương còn lại.
Thơ là tiếng nói của trái tim, của tình cảm, của tâm sinh lý, của bản năng con
người. Nó cần được sự hướng dẫn của lý trí, của trí tuệ. Nó có những cái lý
riêng mà lý trí thuần túy không hiểu được. Phi lý tính trong thơ khác với sự
lập dị, sự suy nghĩ mù quáng, quái dị, cường điệu vô mục đích trong cảm hứng
nhà thơ. Trái lại nó là phần khuất của tảng băng chìm trong dòng sông thơ. Nó
có lập luận riêng, mà chỉ đọc bằng lý lẽ thông thường thì không giảng giải
được. Nhưng khi hình tượng thơ đã được phi lý tính hóa một cách điệu
nghệ, có sự thôi thúc của cảm hứng dồi dào, sự chân thật tối đa của nhà thơ đối
với đối tượng miêu tả, thì câu thơ trở nên có cánh, hình tượng thơ trở nên lấp
lánh, tạo được sự nhập cảm, sức lan truyền của bài thơ đối với người đọc.
-----------
(*) Tiếng Pháp: “La poésie eslla consience d’ avoir raison”. Ở
đây có lý là cái chân lý nhưng không thể luận chứng, mà chân lý được tri giác
bằng trực giác. Nó được khẳng định vững chắc do nhà thơ chứng giải bằng yếu tố
phi lý tính.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ CẠN LÒNG:
Nguyễn Toàn Thắng giới thiệu
Tác giả: Hồ Sỹ Vinh - nguồn: Cửa Việt
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét