MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

CÓ PHẢI BÀI 'CÀNH HOA TRẮNG' CỦA PHẠM DUY ĐÃ 'VAY MƯỢN' BÀI 'HAMABE NO UTA' CỦA NARITA TAMEZO? - Tác giả: Hoàng Ngọc Tuấn (Australia)

 


CÓ PHẢI BÀI “CÀNH HOA TRẮNG” CỦA PHẠM DUY

ĐÃ “VAY MƯỢN” BÀI “HAMABE NO UTA”

CỦA NARITA TAMEZO?

*

1/ Ca khúc “Cành Hoa Trắng” (1950) của Phạm Duy và ca khúc 浜辺の歌Hamabe No Uta” (1916) của 成田為三 Narita Tamezō hầu như hoàn toàn giống nhau trong nét giai điệu (melodic contours) và trong các mô thức tiết tấu (rhythmic patterns).

2/ Cả hai bài đều mang cấu trúc A-B-A. Nếu so sánh từng nốt nhạc, thì đoạn A của bài “Cành Hoa Trắng” có đa số các nốt nhạc hoàn toàn giống bài “Hamabe No Uta”; và ở đoạn B thì giai điệu của bài “Cành Hoa Trắng” hầu như hoàn toàn là một bè quãng ba song song với giai điệu của bài “Hamabe No Uta” (từ câu “Không gian tràn dâng niềm thương...)

3/ Ngoài rất nhiều điểm giống nhau một cách hiển nhiên như thế, hai bài cũng có vài điểm khác nhau:

- Chủ âm của bản “Hamabe No Uta” thì ở cung trưởng (major) từ đầu đến cuối, còn chủ âm của bản “Cành Hoa Trắng” thì ở cung thứ (minor), có chuyển sang cung trưởng (major) ở đoạn giữa, rồi trở lại cung thứ (minor) ở đoạn cuối.

- “Hamade No Uta” được ký âm theo 6/8, còn “Cành Hoa Trắng” được ký âm theo 3/4.

 

VÀI ĐIỀU CẦN GHI NHẬN:

1/ Năm 1913, Hayashi Kokei viết bài thơ “Hamabe No Uta”; năm 1916, Narita Tamezō phổ nhạc bài thơ đó thành ca khúc “Hamabe No Uta” cho giọng hát và đàn piano. Năm 1918, ca khúc “Hamabe No Uta” được xuất bản, và lập tức trở thành nổi tiếng vì được cả giới ca nhạc sĩ cũng như công chúng yêu thích. Ca khúc “Hamabe No Uta” được trình diễn khắp nước Nhật Bản và nhanh chóng lan truyền ra ngoại quốc.

Năm 1922, Shigeaki Saegusa chuyển soạn ca khúc này cho dàn nhạc thính phòng và được Cleveland Orchestra Sinfonietta trình tấu và thu vào đĩa LP của hãng Philips, ký hiệu 30PC-24.

Năm 1937, Maurice Maréchal, danh cầm thủ người Pháp, đã trình tấu bài “Hamabe No Uta” trên đàn cello và thu vào đĩa LP của hãng Columbia, ký hiệu J5537.

Năm 1941, nữ danh ca kiêm diễn viên điện ảnh Yoshiko Yamaguchi đã trình diễn ca khúc “Hamabe No Uta” trên khắp nước Nhật Bản và đã thu vào đĩa LP của hãng Nippon Columbia, ký hiệu A1213.

2/ Từ năm 1940 đến 1945, Nhật Bản đóng quân ở Việt Nam, và họ đã phổ biến văn hoá phẩm của họ đến người Việt Nam. Cũng trong những năm đó, Phạm Duy đang tham gia gánh hát Đức Huy, và ông có nhiều cơ hội giao du với người Nhật Bản, nghe nhạc Nhật Bản, soạn và hát lời Việt cho các ca khúc của Nhật Bản... Trong cuốn “Ngàn Lời Ca”, Phạm Duy viết:

“Tôi rất yêu dân ca và không chỉ yêu dân ca Việt Nam mà thôi. Tôi đã soạn lời ca cho nhạc Nhật Bản trong thời gian tôi đi theo một gánh hát rong. Lúc đó, Quân Ðội Nhật đóng quân trên nước ta, do đó tôi đã từng hát rất nhiều ca khúc Nhật Bản như KOHAN NO YADO, MORI NO... với lời Việt do tôi soạn. Tôi còn nhớ là nhờ tài hát bài Nhật của tôi mà gánh hát đã được Quân Ðội Nhật chở đi từ Cà Mâu tới Rạch Giá giữa lúc Nhật đảo chánh Pháp ở Ðông Dương và sự giao thông của tư nhân bị gián đoạn. Rất tiếc là tôi không còn nhớ những lời ca tôi soạn cho ca khúc Nhật Bản hồi 1945 đó. Sau này tôi viết lời ca cho bài HOA ÐÀO CA để nhớ lại thời kỳ 1945.”

3/ Những năm 1940-1945 cũng là những năm mà ca khúc “Hamabe No Uta” trở thành một trong những ca khúc thịnh hành nhất ở Nhật Bản, đặc biệt sau khi “Hamabe No Uta” được nữ danh ca Yoshiko Yamaguchi trình diễn và thu đĩa.

4/ Chắc chắn rằng người Nhật Bản đã mang rất nhiều đĩa nhạc sang phổ biến ở Việt Nam, và nếu Phạm Duy đã được nghe và “đã từng hát rất nhiều ca khúc Nhật Bản như KOHAN NO YADO, MORI NO...”, thì chắc hẳn ông cũng đã từng nghe ca khúc nổi tiếng thời đó là bài “Hamabe No Uta”.

5/ Tháng 9 năm 1945, Nhật Bản rút quân ra khỏi Việt Nam. Năm 1950, Phạm Duy sáng tác ca khúc “Cành Hoa Trắng”, với rất nhiều điểm giống y như ca khúc “Hamabe No Uta”, nhưng ông chưa bao giờ đưa ra bất cứ một lời giải thích nào về điều này. Ông cũng chưa bao giờ nhắc đến ca khúc “Hamabe No Uta”.

6/ Nếu giải thích rằng đó là “tư tưởng lớn gặp nhau!”, thì khá nhảm vì trong âm nhạc người ta chỉ có thể viết giống nhau một câu chỗ này, một câu chỗ nọ, chứ không thể nào viết giống nhau gần... trọn bài như thế.

7/ Có lý hơn nếu giải thích rằng Phạm Duy đã nghe bài “Hamabe No Uta”, thích quá, rồi bị “nhập tâm”, đến khi viết bài “Cành Hoa Trắng” thì bài “Hamabe No Uta” vô tình... thò ra. Nhưng giải thích như thế thì cũng... kẹt, vì nếu Phạm Duy đã thích bài “Hamabe No Uta” đến độ “nhập tâm”, thì tại sao suốt đời còn lại ông đã không hề nhắc đến bài “Hamabe No Uta”?

8/ Mà cũng có thể là Phạm Duy lấy cảm hứng từ bài “Hamabe No Uta” để viết thành bài “Cành Hoa Trắng”, và khi viết thì ông đã cố ý sửa đoạn A của bài “Hamabe No Uta” từ cung trưởng (major) sang cung thứ (minor), rồi thay đổi vài nốt cho hợp với câu ca tiếng Việt của ông. Sau đó, ông cố ý giữ nguyên cung trưởng (major) của đoạn B, chỉ viết nốt thấp xuống như một bè quãng ba... vân vân. Nhưng giải thích như thế thì cũng... kẹt, vì nếu Phạm Duy lấy cảm hứng từ bài “Hamabe No Uta” để viết thành bài “Cành Hoa Trắng”, thì tại sao ông không ghi một chú thích về điều đó?

9/ Tôi cũng hình dung ra giả thuyết như thế này, rằng Phạm Duy cũng có thể đã tình cờ nghe “Hamabe No Uta” ở đâu đó, nhưng không biết tên bài hát Nhật này là gì, rồi bị “nhập tâm” từ lúc nào đó, đến khi viết bài “Cành Hoa Trắng” thì nhiều nét giai điệu và tiết tấu của bài ấy vô tình... thò ra. Phạm Duy cứ đinh ninh đó là ý nhạc của mình, và suốt đời ông không hề có dịp nghe lại một lần bài “Hamabe No Uta” ở bất cứ nơi nào nữa, nên ông cũng không thể có lý do gì để nhận ra sự giống nhau giữa bài "Cành Hoa Trắng" và bài “Hamabe No Uta”.

10/ Tiếc rằng bây giờ Phạm Duy đã qua đời. Nếu ông còn sống, thì chúng ta sẽ có dịp để hỏi ông về sự “giống nhau” quá ly kỳ này!

--------------

Mời các bạn nghe ca khúc “Hamabe No Uta” (1916) của Narita Tamezō, do nữ danh ca kiêm diễn viên điện ảnh Yoshiko Yamaguchi thu vào đĩa LP của hãng Nippon Columbia, ký hiệu A1213, năm 1941:

https://www.youtube.com/watch?v=4hvabmjhXFY

 

Mời các bạn nghe ca khúc “Cành Hoa Trắng” (1950) của Phạm Duy, qua tiếng hát của nữ danh ca Thái Thanh, thu âm trước 1975:

https://www.youtube.com/watch?v=PAHIZAg5278

 

Dưới đây là bản ký âm đối chiếu bài “Hamabe No Uta” và bài “Cành Hoa Trắng”.

Các bạn có thể download nguyên tác của bản “Hamabe No Uta” ở link này:

http://ks.petruccimusiclibrary.org/.../IMSLP69316...

 

Năm 2007, ca khúc “Hamabe No Uta” đã được đem vào tuyển tập một trăm bài ca Nhật Bản hay nhất (日本の歌百選 Nihon no Uta Hyakusen), gồm một bộ CD kèm một bộ sách nhạc, do Agency for Cultural Affairs và Nippon PTA ấn hành để phổ biến trong các trường học ở Nhật Bản.

===========

HẬU TỪ: Sau khi tìm tòi, phát hiện, phân tích, lý luận với những dữ kiện và chứng cứ như trên, tôi xin nói thêm rằng, đối với tôi, bản "Cành Hoa Trắng" vẫn hay tuyệt. Các bạn và tôi vẫn tiếp tục thưởng thức, vẫn tiếp tục hát, vẫn tiếp tục đàn bài "Cành Hoa Trắng". Còn vấn đề nó đã được sáng tác như thế nào thì thuộc về trách nhiệm của tác giả. Chúng ta chỉ biết để ghi nhận về một góc khuất của một sự kiện âm nhạc, và điều đó không có ảnh hưởng gì đến sự thưởng thức của chúng ta đối với tác phẩm đó.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:


Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

HOÀNG NGỌC TUẤN

Định cư tại: Normanhurst, thành phố Sydney

tiểu bang New South Wales, Australia.

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com ngày 16.09.2022.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét