MỜI ĐỌC:

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

ĐỌC BÀI THƠ 'BẾN MI LĂNG' - Tác giả: Nguyễn Thế Duyên (Hà Nội)

 


ĐỌC BÀI THƠ "BẾN MI LĂNG"

*

BẾN MI LĂNG

 

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,

Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.

Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,

Ông lái buồn để gió lén mơn râu.

 

Ông không muốn run người ra tiếng địch,

Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao.

Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch,

Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.

 

Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh

Tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng trăng,

Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,

Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.

 

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,

Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly.

Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả,

Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.

 

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,

Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng.

Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,

Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.

 

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng,

Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng...

Đừng hỏi bến Mi lăng ở đâu?

Đừng hỏi Bến Mi Lăng có thực hay không?

Hãy im lặng và đọc đi đọc lại bài thơ để cho cái ánh trăng vàng đầy mộng mị của Yến Lan rắc vàng trong lòng ta.

Đừng hỏi bài thơ muốn nói gì?

Đừng cố gắng đi cắt nghĩa bài thơ như có nhà phê bình văn học đã làm vì làm thế vô tình chúng ta đã đi dung tục hóa một bài thơ đầy mộng mị.

Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh

Tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng trăng,

Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,

Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.

Ở đâu có cái không gian này? Không đâu cả! Nó chỉ có trong tâm hồn thi sĩ.

Tnh lặng. Thời gian như ngừng lại để cho một nỗi buồn, một nỗi cô quạnh nhè nhẹ trùm lên hồn ta.

Đừng hỏi: ”Tơ gì vương trời” vì chỉ nghi ngờ một chút thôi là toàn bộ cái không gian huyền ảo của bài thơ trong ta sẽ biến mất.

Bài thơ này không để hiểu. Bài thơ này để cảm.

Chiều ngui ngút trôi về nẻo quạnh.

Nẻo quạnh ở đâu? Ở trong chính lòng thi nhân. Chao ôi hai từ “Ngui ngút”! Nó gợi trong ta một cái gì côi cút, lủi thủi và tĩnh lặng. Phải chăng chiều cũng biết cô đơn?

Bài thơ được làm trong phong trào thơ mới. Thời kì này một tầng lớp tri thức tiểu tư sản mới hình thành ở các đô thị việt nam còn nhỏ bé và yếu ớt hầu chưa có một vai trò gì trong xã hội. Chính vì vậy họ luôn cảm thấy lạc lõng và cô đơn trước cuộc đời. Chả thế mà Vũ Hoàng Chương đã kêu lên

Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bảy đứa,

Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,

Bể vô tận, sá gì phương hướng nữa,

Thuyền ơi thuyền! theo gió hãy lênh đênh>

Yến Lan cũng nằm ở trong tâm trạng đó. Và đấy là nguồn gốc của cái buồn, cái cô quạnh gần như là ngưng trệ của bài thơ.

Nỗi buồn vô cớ và cô đơn, đấy là tâm trạng chung của những thi sĩ thời bấy giờ. Xuân Diệu có: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Nguyễn Bính có: “Đời tôi sa mạc ôi sa mạc/ Hoa hết thơm rồi rượu hết say”. Nhưng những nỗi buồn ấy đều là những nỗi buồn thế tục. Xuân Diệu buồn vì: “Nhanh lên chứ vội vàng lên với chứ”. Nguyễn bính buồn vì: “Thủa xưa còn bé Nhi còn đẹp / Huống nữa giờ nhi đã đến thì”. Hình như chỉ có duy nhất Yến Lan có một nỗi buồn thoát tục trong bến Mi Lăng.

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,

Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng.

Hay.

Ông không muốn run người ra tiếng địch,

Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao.

Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch,

Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.

Ông lão lái đò là ai? Là Yến Lan đấy. Nỗi buồn thời thế trộn lẫn với nỗi cô đơn nhân thế đã tạo nên nhân vật ông lão lái đò. Hình ảnh ông lão lái đò phảng phất chút gì đó thoát tục của cái vô vi đạo lão. Nhưng hãy nhớ rằng lúc viết bài thơ này Yến Lan mới có mười sáu tuổi. Một chàng trai mười sáu theo tây học mang trong mình biết bao nhiêu hoài bão liệu có “Vô vi” nổi không? Và cái hình ảnh chàng kị mã “Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly.” Với:

Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,

Là cái gì đây? Tiếng gọi đò hay tiếng gọi của cuộc sống vọng đến bên chàng trai mười sáu đang muốn xa lánh cuộc đời?

Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.

Ngành trăng”! Không phải là vầng trăng. Một vầng trăng không có trong thực đang run rẩy trong tâm hồn thi sĩ vì một tiếng gọi đò.

Chao ôi! Chống lại cái quyến rũ đầy mộng mị của cuộc đời “Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly” Đối với một chàng trai mười sáu đâu có dễ dàng gì thế mà với Yến Lan thi sĩ vẫn:

Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách

Để thuyền hồn bơi khỏi bến Mi Lăng

Một không gian đầy hư ảo và mộng mị tạo cho ta một nỗi buồn nhè nhẹ khi đọc bài thơ nhưng có lẽ hay nhất lại là câu kết

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng,

Không có dấu chấm hỏi(?) đây là một câu hỏi không cần trả lời hay thi nhân tự hỏi chính mình?

Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng...

Hóa ra Yến Lan không thoát tục. Yến Lan đang chờ đợi! Chờ đợi một sự thay đổi lớn lao cho cuộc đời mình. Để dứt mình ra khỏi cái cuộc sống buồn tẻ, cô đơn và vô ích. Và trong đời thực ông đã thay đổi để hòa mình vào ngọn sóng cách mạng của dân tộc

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Thế Duyên0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ CẠN LÒNG:


NGUYỄN THẾ DUYÊN

Địa chỉ: số nhà 19 ngõ 695 phố Bạch Đằng,

Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

.

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 16.09.2023.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến      

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét