THẢM HOẠ VĂN HOÁ
*
Là Bộ Văn Hoá của một quốc gia, là bộ Lễ của một nhà nước mà từ
người đứng đầu đến cả bộ máy cơ quan Văn Hoá quốc gia, từ hành xử đến tư duy
đều phản văn hoá, đều không có một một chút xíu lưng vốn văn hoá.
Ông bộ trưởng bộ Lễ thay mặt nhà nước của nền văn minh sông
Hồng, thay mặt nhân dân của đất nước Văn Hiến đi đón thủ tướng nước ngoài đến
thăm Việt Nam. Khách đến thăm có phẩm hàm nhà nước cao hơn chủ nhà ra sân bay
đón khách. Không một lưng vốn văn hoá, ra sân bay đón nguyên thủ nước ngoài,
trong khi khách ở cấp cao hơn nhưng có văn hoá giao tiếp lịch lãm, luôn tươi
cười ngoái nhìn chủ nhà thì ông chủ nhà, bộ trưởng bộ Lễ mặt sắt lạnh lùng vênh
váo nhìn trời, chân nghênh ngang bước giữa thảm đỏ giành cho khách, đẩy khách
nguyên thủ quốc gia ra rìa thảm đỏ!
Ông bộ trưởng bộ Lễ Việt Nam gương mặt không thấy sự toả sáng
của văn hoá, chỉ thấy những múi cơ bắp cuồn cuộn nổi lên, đón khách mà mặt lạnh
tanh, chân nghênh ngang giữa thảm đỏ và vị thủ tướng nước ngoài bị đẩy ra khỏi
thảm đỏ vẫn tươi cười xã giao, thân ái nhìn chủ nhà. Hình ảnh đó không phải chỉ
lan truyền rầm rộ trên truyền thông Việt Nam mà còn tràn ngập trên truyền thông
thế giới là sự xỉ nhục cả nền văn hoá Việt Nam, là nỗi xấu hổ của mọi người dân
Việt Nam. Với người kinh kì Tràng An – Hà Nội “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
/ Chẳng thanh lịch cũng là người Tràng An” còn là nỗi đau!
Đêm 12 rạng ngày 13 tháng 9, 2023, toà nhà 9 tầng ở Khương Hạ,
Thanh Xuân, Hà Nội ngùn ngụt bốc cháy, giết chết 56 người dân. Có gia đình chết
cả nhà. Nỗi đau thương, mất mát bao trùm cả nước. Nỗi đau thương, tang tóc càng
đè nặng trái tim người Hà Nội. Dù nhà nước chưa ban hành quốc tang thì mọi
người Việt Nam yêu nước thương nòi, dù ở Hà Nội hay Sài Gòn, dù trên đỉnh núi
mù sương Lũng Cú Hà Giang hay ở ngoài đảo mù khơi Thổ Chu, Kiên Giang, dù ở
trong nước hay ngoài nước đều coi ngày 13.9.2023 là ngày quốc tang, ngày đau
thương của dân tộc Việt Nam. Không ai nỡ tìm tìm đến niềm vui trong ngày đó.
Không ai có được tâm trạng nhẹ nhõm, thanh thản trong ngày đó.
Buổi tối ngày 13.9.2023, cả nước chìm trong đau thương, tang tóc
thì bộ Văn Hoá lại hân hoan mở hội, lộng lẫy cờ đèn, tưng bừng hát múa ở Nhà
Hát Lớn Hà Nội. Bộ trưởng cùng những quan chức hàng đầu bộ Văn Hoá xúng xính lễ
phục, hớn hở mặt mày xem múa hát trong buổi lễ trao giải thưởng báo chí “Vì sự
nghiệp phát triển văn hoá thể thao du lịch” ở ngay nơi 56 người dân Hà Nội vừa
chết thảm trong toà nhà bốc cháy.
Bày ra giải thưởng báo chí “Vì sự nghiệp phát triển văn hoá thể
thao du lịch” chỉ là tự đề cao hoạt động văn hoá thể thao du lịch. Tối ngày
quốc tang, bộ Văn Hoá tập hợp báo chí cả nước về thủ đô hát bài đồng ca tán
tụng công trạng, thành tích hoạt động văn hoá thể thao du lịch thời ông bộ
trưởng đi đón quốc khách mà thô lỗ đẩy quốc khách ra rìa thảm đỏ.
Giải thưởng báo chí “Vì sự nghiệp phát triển văn hoá thể thao du
lịch” chỉ là một hình thức tự ngắm mình, tự khen mình. Chẳng làm được tích sự
gì để được cộng đồng biết đến thì phải tự khen mình để cộng đồng phải biết đến,
phải ghi nhận sự có mặt của mình trong đời sống cộng đồng. Dân gian gọi tên kẻ
vô tích sự chẳng được ai khen phải tự khen mình bằng câu thành ngữ “Mèo khen
mèo dài đuôi”
Tạo ra giải thưởng trao cho bài báo viết về hoạt động văn hoá,
thể thao, du lịch, bộ Văn Hoá, Thể thao và Du lịch đã tạo ra một tiền lệ, khởi
xướng ra một tệ nạn loạn giải thưởng, tầm thường hoá giải thưởng quốc gia như
xã hội đang loạn học vị, học hàm, tầm thường hoá học vị, học hàm.
Khi 17 bộ khác trong chính phủ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan
thuộc chỉnh phủ rồi 63 tỉnh thành trên cả nước cũng bày đặt ra những giải
thưởng “Vì sự nghiệp phát triển Lao động Thương binh Xã hội”, “Vì sự nghiệp
phát triển Uỷ ban Dân tộc”, “Vì sự nghiệp phát triển Cao Bằng” . . . Xã hội lại
có thêm hàng trăm lễ lạt.
Đất nước quanh năm lễ lạt. Túi tiền ngân sách lại thêm teo tóp
vì những khoản tiền tỉ chi lễ lạt, chi giải thưởng. Xã hội lại tràn ngập những
giá trị giả bởi những giải thưởng tự ngắm mình, tự khen mình.
Kém văn hoá không phải chỉ ở hành xử của quan chức văn hoá. Kém
văn hoá từ trong tư duy của những người lãnh đạo bộ Văn Hoá mà công văn số
3839/BVHTTDL-VP do thứ trưởng Tạ Quang Đông kí ngày 15.9.2023 là bằng chứng.
Loài người đã đi qua văn minh công nghiệp, bước vào văn minh tin
học. Hai nền văn minh vĩ đại đã cho mỗi con người, dù chỉ là dân thường đều có
tư thế công dân, có nghĩa vụ công dân, có vai trò, có trách nhiệm, có tiếng nói
với mọi diễn biến trong đời sống xã hội đất nước. Văn minh tin học còn cho con
người tư thế loài người, nghĩa vụ loài người, có trách nhiệm lo toan mọi vụ
việc, mọi vấn đề tác động đến đời sống con người, liên quan đến số phận con
người.
Người dân phải lên tiếng về những hành xử phản văn hoá, phản
nhân văn của lãnh đạo bộ Văn Hoá là quyền và trách nhiệm công dân của người
dân. Nhưng lãnh đạo bộ Văn Hoá Thể Thao và Du Lịch vẫn tư duy như thời trung cổ
coi người dân chỉ là bầy đàn nô lệ, chỉ biết chấp nhận và cam chịu, không có
quyền công dân. Vẫn tư duy sùng bái quyền lực, coi lãnh đạo có quyền lực quốc
gia như thần thánh, người dân chỉ được phục tùng chứ không được phán xét lãnh
đạo.
Người dân lên tiếng về những hành xử phản thẩm mĩ, phản văn hoá
được khái quát trong từ phản cảm của lãnh đạo bộ Văn Hoá thì công văn
3839/BVHTTDL-VP ngày 15.9.2023 của bộ Văn Hoá lại vu cho những tiếng nói trách
nhiệm công dân là “bình luận phản cảm”, đòi bộ Thông tin Truyền thông xử lí
người dân sử dụng quyền công dân, thực hiện trách nhiệm công dân.
Phải hiểu công việc mới có thể làm được việc. Phải có lưng vốn
văn hoá mới có thể làm văn hoá. Từ ông bộ trưởng bộ Văn Hoá đến cả bộ máy làm
văn hoá quốc gia đều hành xử và tư duy phản văn hoá, không hiểu thế nào là văn
hoá mà vẽ ra chương trình chấn hưng văn hoá rồi đòi ngân sách nghèo của nước
chi 350 000 tỉ đồng sẽ là thảm hoạ văn hoá như thảm hoạ kinh tế thời thủ tướng
Ba Dũng không có lưng vốn về kinh tế cũng vung tiền chi hàng trăm ngàn tỉ tiền
cho những quả đấm thép kinh tế, để những tập đoàn Vinashine của Phạm Thanh
Bình, tập đoàn Vinalines của Dương Chí Dũng rước về tàu Hoa Sen cũ nát, rước về
ụ nổi chỉ là đống sắt vụn.
Phạm Thanh Bình nhận án mười năm tù. Dương Chí Dũng nhận án tử hình. Thủ tướng Dũng bình yên về hưu mong làm người tử tế nhưng gây thảm hoạ kinh tế cho đất nước mà không chịu trách nhiệm làm sao có thể là người tử tế. Từ tấm gương của ông thủ tướng Ba Dũng, ông bộ trưởng Văn Hoá mà không có lưng vốn văn hoá nên từ chức tránh gây thêm thảm hoạ văn hoá cho đất nước.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:
Trần Chí
Cường giới thiệu
Tác giả: Phạm Đình
Trọng - nguồn: facebook Nguyễn Xuân Diện
Ảnh minh họa sưu tầm từ
nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét