BÓNG CHỮ CỦA LÊ ĐẠT
*
BÓNG CHỮ
Chia xa
rồi anh mới thấy em
Như một
thời thơ thiếu nhỏ
Em
về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy
mùa
mây mấy
độ thu
Vườn
thức một mùi hoa đi vắng
Em vẫn
đây mà em ở đâu
Chiều
Âu Lâu
bóng
chữ động chân cầu
1- Bóng chữ
Thật khó vận dụng cách
đọc thơ truyền thống, để giải nghĩa tên của bài thơ. Lâu nay, phần lớn tên thơ
thường chứa những thông điệp tương đối dễ nhận biết. Nhiều trường hợp, chỉ cần
đọc lên, cũng có thể nói trúng nội dung của bài. Qua cầu Hàm Rồng cảm tác (Tản
Đà): những cảm xúc, rung động, suy tư… khi đi qua cầu Hàm Rồng. Đây mùa
thu tới (Xuân Diệu): cảm giác, tâm trạng háo hức, trong thời khắc đất trời
chuyển thu. Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa (Nguyễn Duy): nỗi nhớ thương,
biết ơn, sự thành kính của người con đối với người mẹ đã khuất… Còn ở đây rất
khó tìm nghĩa theo cách ấy. Nếu đặt bóng trong trường nghĩa “vùng
không được ánh sáng chiếu tới bị một vật bị che khuất”(1) thì chỉ
thấy các cấu trúc: bóng đêm, bóng mây, bóng tối, bóng cây, bóng mát… Hoặc
trong trường “hình của vật trên nền hoặc do phản chiếu” (2) cũng chỉ
có: bóng người, bóng hoa… (trên vách, dưới nước, trong gương…). Nói
chung, bóng chữ rất mới rất lạ. Khó tìm ra “cái được biểu đạt” cho
“cái biểu đạt” ấy.
Cũng theo truyền thống:
tìm ý nghĩa của tên bằng cách khảo sát văn bản bài thơ. Dễ thấy dung
lượng Bóng chữ rất ngắn, chỉ 7 câu với 51 chữ, tính cả tên. Không
bằng một bài thơ thất ngôn bát cú. Nhưng dù đọc kĩ cũng chỉ thấy bóng
chữ được nhắc lại hai lần (ở cái tên và ở câu cuối), khó chỉ ra mối liên
hệ về nghĩa với tên bài. Hầu như nghĩa luôn trong tình trạng bị che giấu. Theo
cách lấy “tiểu sử tác giả” và “hoàn cảnh lịch sử xã hội” để giải thích, cũng
không hiệu quả. Rõ ràng ở đây có tình trạng “li thân” giữa chữ và nghĩa.
Theo hướng khác, đặt
trong quan hệ khác nghĩa, đối lập: hình / bóng. Hình được hiểu là hình hài, thể
xác, vật thể – cái được phản chiếu thành bóng (Có thành ngữ như hình với bóng).
Cho phép suy luận: cái bóng, chỉ là phần nổi, được nhìn thấy của “tảng băng
trôi”. Còn yếu tố trung tâm là hình, phần chính của tảng băng, với cái khối
lượng đồ sộ, đang chìm trong đại dương mênh mông. Đó cũng chính là lời thách đố
dành cho độc giả. Như vậy, nếu chỉ bó hẹp trong cấu trúc của 51 chữ ấy, thì
khéo lắm chỉ chộp được cái bóng, một kết quả ảo mà thôi. Phải chăng chìa khóa
để đọc Bóng chữ là: đuổi theo bóng để bắt hình. Và đọc Bóng chữ là
việc truy tìm cái phần hồn, phần xác bí ẩn, nhưng hết sức quý giá của bài thơ.
Trong khi người thám hiểm, lên đường chỉ có trong tay cái bóng làm
bằng vật liệu gồm 51 chữ.
Ta thử dùng chìa khóa
ấy vượt qua cửa ải chính – tên bài thơ, để tham dự vào một cuộc chinh phục bảy
cánh cửa – bảy câu còn lại. Hi vọng người đọc sẽ có một cuộc chơi, với những
cảm giác phiêu lưu, chiến thắng đầy hứng thú.
2- Chia xa rồi anh
mới thấy em
Câu thơ được cấu tạo
hai phần: Chia xa rồi / anh mới thấy em. Về ngữ pháp, rất
chỉnh. Có chủ (anh), có vị (mới thấy em), có trạng ngữ (Chia xa rồi). Dễ nhận
thấy cấu trúc kiểu câu: Nguyên nhân / điều kiện – kết quả. Thoạt nhìn, không có
gì là đánh đố, nội dung khá rõ: (Vì / do ) chia tay, (cho nên) anh mới thấy em.
Câu thơ được diễn đạt như lời nói thường, có vẻ “ít” chất thơ.
Trong phần sau: anh mới
thấy em, sự khó hiểu ở chữ thấy. Thấy là kết quả của hành động nhìn. “Nhận biết
được bằng mắt nhìn”(3). Mà mắt người chỉ có thể nhìn thấy đối tượng trong một
giới hạn nào đấy, còn khi đã xa rồi, nghĩa là khuất tầm mắt thì làm sao mà thấy
được. Trường hợp này chỉ chấp nhận thể phủ định: anh chẳng thấy em. Còn khẳng
định, thì có vẻ vô lí.
Tuy nhiên, ngẫm ra,
chuyện thấy khi chia xa chỉ vô lí khi tỉnh thức. Còn trong giấc mơ, con người
không chỉ nhìn thấy mà có thể cùng ăn uống, nói chuyện… trực tiếp với người
khác. Hơn nữa còn được mục sở thị nhiều cử chỉ, hành động rất mới của
những người đang cách khá xa, thậm chí đã chết. Chắc hẳn đây là câu thơ nửa
tỉnh, nửa mê. Hay nói cách khác, người tỉnh nói về giấc mơ của mình.
Còn có cách hiểu dễ
chấp nhận hơn: thấy là kết quả nhận thức cảm nhận đối tượng nào đấy bằng tâm
hồn và ý thức. Có nhiều từ cùng trường nghĩa ấy: biết, hiểu, nhớ, tỏ tường… Và
có thể gặp thấy với nghĩa này trong rất nhiều trường hợp. Như câu
thơ: Gần nhau tình cảm bình thường / Xa nhau mới thấy tình thương dạt dào (chưa
rõ tác giả). Hay cảm giác thấy luyến tiếc của người con trai trong
thơ Lê Thị Hàn: Sao xa rồi mới nhớ / Sao lúc gần không hay / Sao em
không ở lại / Để mình mãi bên nhau, (Xa em rồi anh nhớ); trong
bài thơ Xa ( Đoàn Phan Tòng): Em xa rồi…/… Lại tiêng tiếc / Những lời
chưa kịp nói!…; cũng vậy trong ca dao: Em có chồng rồi anh tiếc lắm
thay…
Thứ hai là phần
đầu Chia xa rồi. Trong cấu trúc, yếu tố này được đặt lên đầu. Mặt
khác xét trong tương quan: Chia xa rồi (a)/ anh mới thấy em (b),
thì vai trò chi phối lại thuộc về phần (a). Hóa ra, điều thú vị mà câu thơ gợi
cho ta biết là vai trò của sự chia xa trong tình yêu. Đó là
chất thử. Tình yêu giả dối: xa mặt cách lòng, có mới nới cũ… Còn tình
yêu đích thực: Chia xa rồi anh mới thấy em. Và khi ấy sự chia xa
không thể là trở ngại mà còn xúc tác, làm cho tình yêu thêm mới mẻ và nhiều đam
mê. Vì vậy, nhà thơ Trần Đình Chính đã coi chia xa không phải là sự lìa
tan mà chỉ là lúc hai người Ở hai đầu nỗi nhớ. Giữa họ, nỗi nhớ,
một sợi dây bền chặt, một bảo bối gắn kết tình yêu: Ở đầu này nỗi nhớ /
Anh mơ về bên em / …/ Ở hai đầu nỗi nhớ / Yêu và thương sâu
hơn / Ở hai đầu nỗi nhớ / Nghĩa tình đằm thắm hơn.
Như vậy, không phải là
khởi đầu, cũng không phải là chuyện tình quá khứ hay ở hiện tại, mà câu thơ làm
ta tỏ hơn về một thời khắc, một thử thách có thể làm cho tình yêu thêm đẹp thêm
mới, để câu chuyện tình được tiếp tục ở cường độ, cao độ và tần số mãnh liệt
hơn.
3- Như một thời
thơ thiếu nhỏ
Rất dễ nhận ra sự nối
mạch với câu thơ đầu qua chữ Như. Chia xa rồi anh mới thấy em / Như
một thời thơ thiếu nhỏ. Nhưng như thế vẫn chưa đủ dễ hiểu. Thời thơ /
thiếu / nhỏ, chỉ là những “mảnh vỡ” có phần rời rạc. Câu thơ đã cố tình
cản trở việc giải nghĩa. Ai như? Anh hay em? Rồi thơ thiếu nhỏ là gì? Thời ấy
như thế nào? Nhìn vào cái bóng chữ thật khó trả lời.
Ta hãy lần theo cái
bóng, cái dấu vết đó để tìm hình. Một thời chỉ có thể là quãng thời gian quá
khứ, là cái đã qua. Thơ, nói là thơ ca (4), cũng chưa mấy thuyết phục.
Thiếu: là thiếu thốn, là khó khăn, gian nan, cũng có thể coi là được. Nhưng
thiếu trong thời thơ thiếu nhỏ thì phần lớn là hàm nghĩa thiếu niên, thiếu nữ.
Nhỏ: có thể chỉ lúc còn bé ít tuổi, nhỏ dại, hoặc sự khởi đầu. Câu thơ là
sự hồi tưởng những kỉ niệm của riêng anh và em. Cái thủa ban đầu lưu luyến
ấy / Ngàn năm không dễ đã ai quên (Thế Lữ).
Quả là những cặp tình
khi xa nhau họ luôn sống bằng quá khứ. Kỉ niệm là nguồn dinh dưỡng cho tình
yêu. Càng nhiều kỉ niệm, tình yêu càng đậm đà bền chặt. Ngược lại, những chuyện
tình sớm nở tối tàn, chỉ vì không đủ thời gian tích lũy thứ quý báu nhất ấy.
Chỉ năm chữ một thời thơ thiếu nhỏ, vài đường nét thấp thoáng kiểu kí họa nhưng
đã phản chiếu một thế giới ăm ắp kỉ niệm của anh và em. Thế giới ấy được xây
đắp từ thủa thiếu thời, thủa ăn chưa no, lo chưa tới, tâm hồn trắng tinh như
trang giấy, và tình yêu trong sáng tựa ban mai. Có lẽ trong đời ai cũng có một
thời không dễ quên như vậy. Và đã có biết bao kẻ đang yêu, biết bao thi sĩ hồi
tưởng tiếc nuối về một thời thiếu nhỏ ấy: Yêu em từ thủa trong nôi / Em
nằm em khóc, anh ngồi anh ru (ca dao). Thuở còn thơ /… / Những ngày
trốn học / Đuổi bướm cầu ao/ Mẹ bắt được…/ Chưa đánh roi nào đã khóc! / Có cô
bé nhà bên / Nhìn tôi cười khúc khích… (Quê hương – Giang Nam). Bảy
năm về trước em mười bảy / Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng / Xuân Dục,
Đoài Đông hai cánh lúa / Bữa thì em tới bữa anh sang (Núi đôi –
Vũ Cao). … Anh nhớ em !!!/ Như con nít nhớ cà rem vậy mà / Như con dế
trống đi xa / Một hôm chợt nhớ quê nhà, gáy chơi / Con dế nó gáy một hơi /
Còn anh gáy hết một thời con trai (Thiếu nữ – Bùi Chí Vinh),…
Chính Lê Đạt có lần đã phải ngược thời gian lần tìm cái thời ấy qua
một bóng chữ khác: Anh tìm về địa chỉ tuổi thơ / Nhà số lẻ / Phố
trò chơi bỏ dở / Mộng anh hường / Tim môi em bói đỏ / Giàn trầu già /
Khua / Những át cơ rơi… (Át cơ).
Hóa ra, những kỉ niệm
thủa thiếu thời luôn là những dấu ấn, những năng lượng dễ phát sáng và đủ nuôi
dưỡng vĩnh hằng cho tình yêu đôi lứa.
4- Em
về trắng đầy cong khung nhớ
Cấu tạo câu thơ gồm ba
“mảnh ghép” chính: Em về / trắng đầy cong / khung nhớ, trong đó
có hai chữ rất lạ: khung nhớ. Có thể nói, câu thơ giữ người đọc ở lại cuộc chơi
ngôn từ bằng một “chiêu” rất tài tình. Khung nhớ là gì? Khung nhớ là
thuộc về anh hay của em? Rồi trắng đầy cong là thế nào? Câu thơ có màu “bí
hiểm”, tạo lực cản, làm khó cho hoạt động tri giác, nhưng lại kích thích mạnh
mẽ sự tò mò và hứng thú “hóa giải” của người đọc.
Trước hết cần “hóa
giải” khung nhớ. Đặt trong quan hệ đối lập: khung nhớ / không phải
khung nhớ, khó xác định được nghĩa. Còn trong hệ thống cùng trường nghĩa: “vật
có hình dạng nhất định dùng làm cái bao quanh các phía để lắp đặt lên đó một
vật khác”(5), sẽ cho các chữ: khung cửa, khung cửi, khung ảnh, khung gương…
cũng không thấy khung nhớ. Đúng thôi, nhớ không phải là một vật, mà là tâm
trạng, là cảm xúc. Quả thực, đóng khung cho nỗi nhớ, Lê Đạt tỏ ra một “phu chữ”
siêu hạng.
Tuy nhiên, dù siêu đến
đâu, Lê Đạt cũng không thể không lấy nguyên liệu từ các chữ có sẵn để tạo chữ
mới – cách ông thợ chữ nào cũng rất thạo. Có thể nhận ra, trong loạt từ cùng
trường nghĩa, khung nhớ ít nhiều có họ hàng với khung cửa, khung cửi. Phải
chăng, ngược về nơi chôn rau cắt rốn của khung nhớ có thể lần ra cái hồn vía
của nó?
Trước hết ta “thử ADN”
giữa khung nhớ và khung cửa. Khung cửa, là vật để lắp cửa, lắp cánh, khi mở con
người có thể ra vào, và còn có thể hứng ánh sáng vào trong nhà,… Có lẽ, là
chứng nhân mọi buồn vui của con người, nên khung cửa luôn có mặt trong văn
chương. Trong Hương thầm, cửa sổ là nơi khởi đầu của tình yêu, là con
đường để hương bưởi làm sứ giả nối kết tình cảm của hai cô cậu học
trò. Cửa sổ hai nhà cuối phố / không hiểu vì sao không khép bao giờ
/ Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp/ Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa (Hương
thầm – Phan Thị Thanh Nhàn). Khung cửa sổ của Xuân Diệu đẹp lên
biết bao vì gắn liền với dáng hình của người thương: Ôi cái khung cửa sổ /
Em thường đứng nhìn ra / Em là sao của cửa / Em là hồn của nhà. Cho nên
mỗi khi chia xa, người ở lại chín ngóng mười trông ở nơi khung cửa.
Người chinh phụ tựa cửa (nương song) đợi chồng nơi chiến địa: Sớm
lại chiều, dòi dõi nương song/ Nương song luống ngẩn ngơ lòng (Chinh phụ
ngâm)… Và trong Bóng chữ, nhớ em, anh nhìn ra khung
cửa. Nhưng em chẳng trở lại. Nỗi nhớ trào dâng vô tận, càng nhìn càng vắng,
càng vắng càng thêm thổn thức. Đêm ngày, trong cảnh cô đơn chỉ có khung cửa với
anh đồng hành cũng nỗi nhớ. Khung cửa trở thành khung cửa nhớ. Và cuối cùng chỉ
còn là khung nhớ, chất chứa cả một vũ trụ nhớ thương mênh mông vô tận, nỗi lòng
luôn hướng về em của anh.
Nhưng mặt khác lại có
thể nhận thấy “huyết thống” giữa khung nhớ với khung cửi khi hiểu ý câu thơ
theo một hướng khác: anh thương nhớ em, anh hình dung thấy ở nơi xa, em cũng
đang sụt sùi hướng về người ở lại. Và ngồi bên khung cửi dệt vải mà em tưởng mình
đang dệt bao nỗi nhớ thương, ngày lại ngày làm đầy thêm khung nhớ. Quả thật cái
khung nhớ của Lê Đạt như một nốt nhấn, làm bừng sáng lên những biểu tượng về
người phụ nữ miệt mài, cần mẫn, thướt tha và cũng thật cô đơn bên khung cửi tự
ngàn xưa. Rồi một khi phải chia xa, trong con tim những chàng trai, cái khung
cửi luôn hiện lên cùng với hình ảnh của những người phụ nữ thân thương ấy. Cho
nên, nhìn thấy khung cửi, người con nhớ về mẹ, về tuổi thơ: Đêm mùa đông
nghe một tiếng ru êm / Ta thấy nhớ những tháng ngày thơ bé / Bên khung cửi
tiếng mẹ đưa nhè nhẹ / Chở đời con qua gian khó gập ghềnh (Vũ Ngọc Thiện).
Và đây là chàng trai nhớ đôi tay tiên của cô gái Thái: Đụng vào khung cửi
vải thành hoa / Tung nắm tấm thành ra đàn gà (dân ca Thái). Hay nhớ người em
gái dệt vải nơi bản làng xa xôi thượng nguồn Tây Bắc: Đêm bản nhỏ trăng
nhòm cửa liếp / Em ngồi trên khung cửi đưa thoi /…/ Vẫn nhớ về sông Mã quê
em (Canh bon – Nguyễn Khôi); Nhặt mảnh hoàng hôn, chiều nghe
thông réo / Bên khung cửi già, ai dệt mối tình chung (Nhớ Hà Giang– Hà
My). Và người em gái đang dệt trắng khung nhớ trong Bóng
chữ, dường như cũng đang ngồi đưa thoi trong tiết Mưa xuân của Nguyễn
Bính: Em là con gái trong khung cửi / Dệt lụa quanh năm với mẹ già / Lòng
trẻ còn như cây lụa trắng / Mẹ già chưa bán chợ làng xa. Chỉ có điều
trong thơ Nguyễn Bính, khung cửi là khung cửi, lụa trắng vẫn là lụa trắng. Còn
trong thơ Lê Đạt em đang ngồi bên khung nhớ và không dệt lụa trắng mà đang dệt
những tấm nhớ tấm thương. Dệt mãi, dệt mãi, em đã làm cho trắng đầy cong
khung nhớ. Có thể nói khung nhớ của Lê Đạt chỉ là một giấc mơ về em, cũng giống
như có lần Phú Quang đã từng Mơ về nơi xa lắm. Ta mơ thấy em ở nơi
kia xa lắm /…/ Một mình em, một mình ta. / Tiếng lá rơi vô tình bên khung
cửi. / Em bơ vơ, ta thẫn thờ mong nhớ. /… / Em cô đơn, căn phòng trống cô
đơn.
Mai-a-cốp-xki coi làm
thơ là luyện quặng, phải nung hàng tấn quặng từ mới có một từ trong thơ. Còn Lê
Đạt coi đó nghề “phu chữ”, quả là đúng. Trường hợp khung nhớ này là minh chứng
cho ý của hai ông. Trong thơ ca, có lẽ, nhớ là một trong những trạng thái cảm
xúc được con người biểu hiện, khai thác nhiều không thể kể xiết. Nhớ có bề
rộng, có độ sâu (biển nhớ đày vơi); có màu tím (Sớm trông mặt đất thương xanh
núi / Chiều vọng chân mây nhớ tím trời – Xuân Diệu); có độ nóng cao (Nhớ
ai bổi hổi bồi hồi / Như đứng đống lửa, như ngồi đống than – ca
dao); có thể châm như lửa (Chờ anh / Châm nỗi nhớ / Em thắp vàng suốt
cả năm canh – Đoàn Thị Lam Luyến); nhớ rất khó cắt nghĩa (Gió sao gió
mát sau lưng / Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này – ca dao); cũng rất
cụ thể bình dị như một vật dụng (Như là nỗi nhớ / Suốt đời mang theo- Nguyễn
Nhật Ánh); nhớ có bờ (Con sông lớn chia đôi bờ nỗi nhớ – Diệp Minh Tuyền);
có thể nở hoa (Tháng năm ơi, nỗi nhớ đơm phượng đỏ – Duyên Hồng)… Điều
này cho thấy, để làm mới lạ nỗi nhớ trong văn chương là không hề dễ.
Cái nhớ được nén trong
khung của Lê Đạt vừa quen vừa rất lạ: có màu sắc (trắng), có thể chất chứa,
đong đếm được (đầy), có sức ép nặng làm biến dạng (cong) khung. Và đặc biệt có
năng lực kích hoạt cả một vũ trụ khôn cùng trong kí ức của nhân gian. Chỉ riêng
một chữ, một màu trắng, đã muôn vàn sắc thái, vừa là màu của lụa trong thơ
Nguyễn Bính, như ta đã nói ở trên, vừa có cái tuyết trắng cô đơn trong thơ Đỗ
Phủ (Tây Sơn tuyết trắng ba thành lính / Nam Phố sông trong một nhịp cầu /
Góc bể xa em mờ mịt bụi / Chân trời lẻ bóng tả tơi châu – Lê Nguyễn Lưu
dịch (6)); vừa gợi lại cái giá băng buốt nhói trong Lời kĩ nữ thơ
Xuân Diệu (giá băng tràn mọi nẻo / Trời đầy trăng, buốt lạnh suốt xương da);
cái tuyết trắng lạnh giá cô đơn trong thơ Hữu Thỉnh (Núi rét đêm qua chừng mất
ngủ / Sáng ra thêm bạc một nhành lau. / Ở đây tuyết trắng bên chăn mỏng/…/ Ước
gì có chút hương bồ kết. –Thư mùa đông); vừa có cái trắng lạnh rợn ngợp
trong thơ Phùng Quán, (Ngoài trời trăng như tuyết / Trắng lạnh đến thấu xương –
Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe); vừa có tuyết buồn chia li của Thiên Nhất
Phương (Đỉnh núi quanh nhà tuyết trắng phau / Như là vừa mới nhớ
thương nhau / Sông Tương nước chảy đôi dòng cạn – Buồn)…
Chế Lan Viên đã từng đề
xuất cách làm thơ: Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi / Còn một nửa cho
mùa thu làm lấy – Sổ tay thơ). Lê Đạt còn tiết kiệm hơn, “khiêm tốn” hơn.
Chỉ phác cái bóng, còn cái hình hài thơ, cả bài thơ, ông nhường cho người đọc
tự sáng tạo. Nhưng cũng chỉ cần có thế, một khung nhớ thôi, cũng đủ mở ra cả
biển trời nhớ thương rất giàu chất thơ trong kí ức muôn người.
5- Mưa mấy mùa/ mây
mấy độ thu
Bài thơ có nhiều âm
thanh lập cập như là nói nhịu: Thời thơ thiếu / thức một mùi / mưa mấy mùa
/ mưa mấy. Chắc nó phản chiếu nỗi lòng đang quá xúc động. Ở câu thơ này,
những chữ có phụ âm đầu là m, được lặp lại tới năm lần, chiếm tới 5/7 chữ trên
cả câu. Giống như âm thanh của những người đang mong nhớ, mong mỏi, mơ mộng,
mong muốn; rồi rơi vào trạng thái mộng mị, mơ màng, mê mệt, mê mẩn, mê mê man
man; trong một tình cảnh bị mất mát, mai một, mỏi mắt, mỏi mòn, mỏi mệt, mong
manh, muộn màng; với một cảm giác vô định tăm tối: mênh mênh, mang mang, mù
mịt, mây mù, mờ ảo, một mình,…
Lấy chủ đạo là màu đen
xám, với ba đường nét đơn sơ (mây, mưa, thu), nếu cố chắp nối cũng chỉ
được bốn “sự” (mưa thu, mùa mưa, mây thu, mây mưa) – câu thơ đúng là hình trạng
của một cái bóng. Nhưng đó là hình phản chiếu của một không gian mênh mênh mang
mang, mù mù mịt mịt, mây che tăm tối, mưa gió nặng nề. Và không chỉ thoáng chốc
mà dằng dặc trong thời gian thu bất tận. Mấy mùa, mấy độ là chỉ số lượng
dài nhiều lắm, không thể đo đếm được. Độ thường là đơn vị đo chiều
dài. Chiều dài của đường (Đi mấy độ đường). Độ còn để chỉ những điểm thời
gian nào đấy (Hoa vàng mấy độ. Em đi từ độ ấy…). Nói chung là số lượng
không xác định, khó xác định. Ở đây, từ khi chia xa rồi, nỗi nhớ mong của anh
triền miên, bất tận.
Độ thu chứ không phải
là ngày thu, tháng thu, mùa thu. Chữ độ có sức gợi rất lớn. Có hai chữ chỉ
quãng thời gian, thời điểm là dạo và độ. Nhưng dường như, khi cần đơn vị đo
chiều dài, đo thời điểm của tình cảm, của tình yêu, thị độ được dùng
nhiều hơn. Khi tình yêu bắt đầu: Và chúng mình yêu nhau,
bắt đầu từ độ ấy (Trần Hoàn); và lúc li biệt: Từ
độ em đi lập mộng đời / Nước dòng sông cũ chảy đầy vơi (?); Chim
quyên từ độ bỏ thôn Đoài / Quyên chẳng buồn thảm thiết gọi ai (Phạm Thiên
Thư); Vầng trăng từ độ lên ngôi, / Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ (Lưu
Trọng Lư). Còn đâu một thoáng hương xưa cũ / Từ độ em đi vắng tiếng
cười (Chánh Minh)… Có vẻ chữ độ chứa chất được nhiều nỗi niềm,
nhiều tâm sự. Cộng với vết gãy ở giữa: Mưa mấy mùa/ mây mấy
độ thu, đọc câu thơ nghe như có tiếng nấc.
Trong thơ ca phương
Đông, Thu đã trở thành một biểu tượng về cảnh chia li với bao hoài vọng nhớ
thương sầu muộn: Nỗi sầu thiên thu, sùi sụt mưa thu, thu sầu rụng… Trong Truyện
Kiều (Nguyễn Du), Kim Trọng nhớ Kiều: Ba thu dồn lại một
ngày dài ghê, Kiều nhớ Kim Trọng: Thấy trăng mà thẹn những lời non sông/ Rừng
thu từng biếc chen hồng. Người chinh phụ nhớ chồng: Trải mấy thu tin
đi tin lại (Chinh phụ ngâm). Trong văn chương, những người yêu nhau đặc
biệt nhạy cảm với thời điểm sang thu. Hình như độ thu là độ yêu, độ nhớ. Tiếng
thu, như là âm thanh của biết bao vương vấn: Em không nghe mùa thu /
Dưới trăng mờ thổn thức? (Tiếng thu – Lưu Trọng Lư). Là giây phút
thấy chạnh lòng: Người đi từ độ tuyết giăng đầy./ Vàng Thu thuở trước còn
vương vấn / Em có chạnh lòng trong phút giây?! (Mùa đã sang rồi em có
hay – Hoàng Ngọc Ẩn). Thu làm người bật khóc vì cô đơn: Thu đã sang
rồi em có hay /Chén buồn để cả một trời say / Tương tư giậu vắng hoa vàng
nở / Giọt lệ dầm sương cánh cánh đầy (?). Đêm thu không phải để ngủ
mà để những cặp tình chờ đợi: Ðêm thu nầy cũng như đêm
trước / Tôi vẫn chờ mong bóng một người / Gối chiếc chăn
đơn chừng nửa giấc / Giật mình khe khẽ gọi thu ơi. (Đêm thu –
Viễn Phương). Mùa thu tới là mùa tang thương: Rặng liễu đìu
hiu đứng chịu tang / Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng (Đây mùa thu
tới – Xuân Diệu). Có cả một dòng nhạc thu trong âm nhạc Việt
Nam, với những ca khúc nổi tiếng. Buồn tàn thu của Văn Cao vò xé lòng
ai những lời buồn da diết: Đêm mùa thu chết, / Nghe mùa đang rớt rơi
theo lá vàng. / Em ngồi đan áo lòng buồn vương vấn. Rồi bài Thu
quyến rũ của Đoàn Chuẩn – Từ Linh làm nhói con tim nỗi đau chia lìa: Mây
bay về đây cuối trời / Mưa rơi làm rụng lá vàng / Duyên ta từ đây lỡ làng. Hay
trong Tiếc thu – Hoàng Dương: Chiều tàn mây thu, lơ lửng về đâu?
/ Dừng chèo thuyền ơi, ta nhắn vài câu / Có biết lòng ai ưu sầu, /
theo bóng người đi bên cầu / mịt mờ xa khuất về đâu? Rồi Nhìn những
mùa thu đi – Trịnh Công Sơn), với những câu nghe sao cô đơn giá
buốt: Nhìn những lần thu đi / Tay trơn buồn ôm nuối tiếc / Nghe gió
lạnh về đêm / Hai mươi sầu dâng mắt biếc / Thương cho người rồi lạnh lùng
riêng.
Chữ đầu và chữ cuối:
mưa… thu. Mưa thu còn có thể gọi là mưa ngâu – gợi về một chuyện
tình Chàng Ngâu ả Chức đầy bi kịch. Hai vợ chồng chỉ được gặp
nhau một lần vào mùa thu. Biết bao nước mắt của họ đã tuôn mãi thành những cơn
mưa thu sầu thảm. Chinh phụ ngâm (bản dịch) có những câu: Khác
gì ả Chức, chị Hằng / Bến Ngân sùi sụt, cung trăng chốc mòng / …/ . Có
một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Đặng Thế Phong mang tên: Giọt mưa
thu, đã đã làm bao người phải khóc: Ngoài hiên giọt mưa thu thánh
thót rơi / Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi/ Nghe gió thoảng mơ hồ trong
mưa thu/Ai khóc ai than hờ! /…/ Gió xa xôi vẫn về / Mưa giăng mù lê thê/ Đến
bao năm nữa trời …/… Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu. Nói đến mưa thu, có người
còn nghĩ đến chuyện chết chóc: Trời mưa thu, mới hôm qua/ Ai đã
thấy cái buồn nghĩa địa (Chabbi Chabbi – Quang Dũng).
Với những ai đang trong
cảnh chim lẻ bạn, bến xa thuyền, câu thơ của Lê Đạt lại như đổ thêm mưa thu sụt
sùi thổn thức, lớp lớp mây thu vần vũ cõi lòng.
6- Vườn thức một mùi
hoa đi vắng
Về câu này và câu
sau Em ở đây rồi em ở đâu, có lẽ ai cũng đồng cảm
với một bạn trên mạng có nick là doanhdoanh:“nghe như mang mang sầu mang
mang nhớ mà không biết tại sao?”(6) . Dễ thấy bút pháp ẩn dụ trong
câu thơ này, nhưng thật khó dò tìm cái vế ngầm bí ẩn.
Xét về cấu trúc, câu
thơ có hai vế Vườn thức/ một mùi hoa đi vắng.
Ta hãy thử đặt ngược:
Vườn ngủ một mùi hoa ở lại. Sẽ bật ra một sự đối lập: bình
thường (vườn ngủ) / mất bình thường (vườn thức). Như vậy, câu thơ kể về một
chuyện bất thường.
Hơn cả bất thường, đây
còn là một sự cố, một sự kiện: Có bao nhiêu là hoa, mà cả vườn vẫn nhận ra một
mùi hoa đi vắng. Có bao nhiêu hương hoa mà vắng một mùi hoa, tất cả
đều mất ngủ. Rõ ràng, cái sự vắng ấy đã gây ra một sự xáo trộn lớn, một tổn
thương, một mất mát không thể đắp bù. Chắc rằng, vườn thức vì lo
lắng, vì cố đợi loài hoa ấy trở về.
Câu thơ của Lê Đạt rõ
là hình ảnh ẩn dụ về tình cảnh chia li, lòng tràn ngập cảm giác trống vắng cô
đơn. Như người con trai thức đợi trong câu thơ của Vi Thùy Linh: Đêm rơi
qua dải khăn mây / Gió đợi chở nhau thơ thác /…/ Mùa về thức đợi riêng em (Giấc
mơ đi qua). Như người vợ thức đợi chồng trong thơ Đoàn Thị Lam
Luyến: Em thắp vàng suốt cả năm canh. Như chiếc khăn trăn trở, như
ngọn đèn không ngủ trong ca dao: Khăn thương nhớ ai / Khăn rơi xuống đất
/…/ Đèn thương nhớ ai mà đèn không tắt. Âu cái chuyện tình là vậy, sự
trống vắng người thương làm cho cả vũ trụ cũng thành vô nghĩa, vô lí, vô hồn,
nhạt nhẽo, tang thương. Chẳng còn ai thiết gió mát, hoa tươi, xuân mới: Từ
ấy anh ra đi / Ngoài song không gió thoảng/ Hoa đào vắng mùi hương / Lòng em
xuân hờ hững (Nhớ nhung – Hàn Mặc Tử). Người ta bỏ bê công việc
thường ngày, bỏ mặc thể xác hao gầy:Từ ngày anh bước chân đi,/ Cái khung
dệt cửi chưa hề dúng tay./ Nhớ chàng như mảnh trăng đầy,/ Đêm đêm vầng
sáng hao gầy đêm đêm (Tự quân chi xuất hĩ – Trương Cửu Linh, bản
dịch của Ngô Tất Tố).
7- Em ở đây mà em ở đâu
Câu thơ là một câu hỏi,
cũng là một lời than của người vừa tỉnh vừa mê. Nửa đầu Em ở đây là lời
của vô thức. Là nỗi vui mừng vô hạn vì được gặp em trong giấc mơ. Nửa sau tỉnh
táo, lời của ý thức. Cho thấy tâm thần của anh trong tình trạng bị
dày vò dữ dội. Câu thơ thẳng thốt bất ngờ giữa một bên là mong muốn hy vọng
tươi đẹp, với bên kia là hiện thực cắt chia xa xót. Nỗi mừng vui được gặp em
trào dâng trong mộng bao nhiêu thì cảm giác cô đơn nuối tiếc hoảng hốt khi thức
giấc lại mênh mông bấy nhiêu.
Chuyện đời, người trong
mộng bao giờ cũng đẹp cũng lí tưởng nhất. Cho nên giấc mơ gặp người trong mộng
là những phút giây thăng hoa vô cùng hạnh phúc: Vừa chợp mắt đã
thấy người trong mộng. Em dịu hiền ghé lại viếng thăm anh./…/. Đôi môi
mọng nở nụ cười tươi thắm (Nhớ thương hờn giận – Nguyễn Đỗ); Dáng
em lay động ánh trăng ngà / Sao say sóng tiếc người trong mộng / Lồng lộng hồ
thu hồn ngân nga (Tình thu – Thanh Tùng); Hợp tan tri
kỷ người trong mộng. Rộng hẹp danh thân đất với trời! (Năm nét hữu
cảm – Tản Đà).
Nhưng đồng thời biết
bao tiếc nuối, khổ đau khi người ta yêu thương vụt biến đi cùng với giấc
mộng: Đêm qua ba bốn lần mơ / Chiêm bao thì thấy dậy sờ thì không (Ca
dao); Anh xa em mới hơn một tháng / Đêm mơ thấy em ba bốn lần / (…) Ôi
những giấc mơ buồn vui lẫn lộn (Giấc mơ Ngư Thủy – Phùng Quán); Đêm
qua mơ thấy bóng em /…/ Giật mình thức dậy mấy thu qua rồi (Mơ – http://poem.tkaraoke.com/10099/Bao_Cuong/ Bảo Cường); Bỗng thấy chiêm bao thấy những người /
Thấy người nói nói lại cười cười. Tỉnh ra lại tiếc người trong mộng (Chiêm
bao – Trần Tế Xương); Đêm mơ gặp gỡ người trong mộng /
Sáng ước được nghe giọng tâm tình (Chữ tình – Huyền Băng). Khi tỉnh,
không chịu nỗi những cảm giác cô đơn, buồn tủi, có người nẩy ý điên
khùng: Làm sao giết được người trong mộng? (Lang thang – Hàn Mạc
Tử). Để rồi khi không mộng gặp người mình yêu thương lại đau đáu vạn lần: Có
một lần anh không mơ thấy em / Là khi đó cả đêm anh thức trắng /
Trong tiềm thức điểm nào bừng sáng nhất / Là nơi em ngự trị – cánh
thiên thần (Thiên thần – Thanh Thanh Ngọc). Bởi vậy, người vợ
trong Xuân oán bực mình muốn đánh đuổi cái oanh vàng xinh đẹp chỉ vì
tiếng nó kêu làm thức giấc, không còn được gặp chồng trong giấc mơ: Đánh
đuổi cái oanh vàng đi /…/ Nó kêu thiếp ngủ giật mình / Chẳng yên giấc mộng tới
thành Liêu Tây. (Kim Xương Tự, Hải Vân dịch).
8- Chiều Âu Lâu/ bóng
chữ động chân cầu
Có thể nói đây là câu
thơ khó “nhằn” nhất trong bài. Có lẽ, chưa có ai rành rẽ xem nó là cái gì. Với
bốn “mảnh vỡ” (Chiều / Âu Lâu / bóng chữ động / chân cầu), dường như chúng
được tung ra và nằm cạnh nhau một cách ngẫu nhiên, trông rất “đầu Ngô mình Sở”.
Quả là khó mà đoán ra chuyện gì đã in thành những Bóng chữ ấy.
Trước hết, xét cấu trúc
nội tại của câu thơ, có thể lần ra một số nghĩa. Chiều: thời gian vào cuối
ngày; Âu Lâu: không gian bến sông (bến Âu Lâu ở Yên Bái); bóng chữ động: sự
việc diễn ra; chân cầu: địa điểm, nơi chốn xảy ra sự việc. Tạm suy
luận: có ai đó làm gì đó, có chuyện gì đó, sự cố gì đó đã xảy ra vào buổi chiều
tại chân cầu, ở bến sông Âu Lâu. Nhưng đó là chuyện gì, ai làm, thì chưa thể
xác định.
Đặt câu trơ trong cấu
trúc của cả bài: Ở phần trên, Anh rơi vào tình cảnh cô đơn: Chia xa/ Em
về/ mùi hoa đi vắng; đang trong trạng thái bị dày vò: nhớ/ thức / buồn; có lúc
không kìm được thảng thốt than thở: em ở đâu. Suy luận theo logic nhân – quả:
Nếu ở trên là nguyên nhân (anh cô đơn, buồn nhớ em), thì câu cuối là kết quả
(anh đã/đang làm một việc gì đấy (….) dưới chân cầu, bên bến Âu Lâu vào một
buổi chiều). Đoán thêm: chuyện dưới chân cầu là chuyện của anh.Trả lời được chủ
thể của hành động (Ai?) Nhưng bóng chữ động là chuyện gì, sự việc gì, vẫn chưa
cho lời giải.
Theo lí thuyết liên văn
bản: không có văn bản nào mà mọi yếu tố của nó lại chưa hề có mặt trong các văn
bản khác(7). Vậy có thể theo hướng “ngoại biên” là hướng ra bên ngoài để tìm ý
nghĩa câu thơ. Trên cơ sở cái bóng với các dấu hiệu: chiều, bến
sông (bến Âu Lâu), chân cầu, hãy cùng khảo sát trong những văn bản
khác.
Trong văn chương,
buổi chiều thường là tác nhân làm trào lên nỗi nhớ thương, li biệt.
Kim Trọng tìm không thấy Kiều: Gió chiều như giục cơn sầu, / Vi lô hiu hắt
như màu khẩy trêu (Kiều – Nguyễn Du). Nghe hát vào lúc chiều
buồn, người giã bạn như thấy đứt ruột: Chính vào lúc chiều buồn rã
rượi / Ai hát bài đứt ruột “Ly ca” / Không còn lòng dạ nghe qua! (Bá
Lăng hành tống biệt – Lí Bạch, bản dịch của Nguyễn Phước Hậu). Và ai
là người đưa tiễn mà không tan nát lòng trong cái buổi chiều đầy hoàng hôn trong
thơ Thâm Tâm: Đưa người ta không đưa qua sông / Sao có tiếng sóng ở trong
lòng / Bóng chiều không thắm không vàng vọt / Sao đầy hoàng hôn trong mắt
trong (Tống biệt hành). Trong âm nhạc, có thật nhiều những buổi chiều đầy
nhung nhớ: Chiều buồn nghe vọng Kim Lang / … / Em đi sao chẳng quay
về / Để cho tiếng nhạc não nề bi ai (Chiều buồn nghe vọng Kim
Lang – Ngọc Thành). Chiều hoàng hôn buồn, lang thang trên phố / Nghe
lá thu rơi, chân bước chơi vơi, thấy lòng bồi hồi. /…/ Cảnh vẫn còn đây, tình
đã lìa xa / Còn giấc mơ hoa nơi cuối trời (Lời bài hát Chiều
buồn, Nguyễn Trọng Tạo – phỏng thơ Trần Kim Lan)…
Âu Lâu vốn là tên của
một bến sông rất nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp ở Yên Bái. Ta đã từng
biết, nhờ gắn với những chuyện chia li,dang dở,nhiều cái tên bến sông từ cuộc
đời đã được các nghệ sĩ đưa vào văn chương và trở thành những biểu tượng thẩm
mĩ đầy xúc động: Đó là trường hợp bến Tầm Dương (sông Trường Giang, Trung Quốc)
được Bạch Cư Dị đưa vào Tì bà hành: Bến Tầm Dương canh khuya đưa
khách / Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu (Phan Huy Vịnh dịch). Bến Mi
Lăng (sông Côn (?), Bình Định) vào thơ Yến Lan: Tiếng gọi đò, gọi đò
như oán trách / Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng / Bến My Lăng còn lạnh bến
My Lăng / Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng. Cái tên bến Giang Đình (sông
Lam, Nghệ An) vang vọng biết bao ân tình trong bài hát Trên bến Giang
Đình của An Thuyên: Mênh mông bến Giang Đình / Chiều bến nước gọi bạn
tình / Tiếng đàn tích tịch tình tang. Bến Ninh Kiều (sông Hậu, Cần Thơ)
cũng vậy. Qua bài hát của Nguyễn Văn Hiên, Bến Ninh Kiều, sẽ mãi là một
cái tên nghe xao xuyến biết bao khi nhớ về một miền sông nước của đất phương
nam: Đêm nay qua bến Ninh Kiều / Nhớ về bóng dáng em yêu / Lòng nghe xao
xuyến bồi hồi /…/ Con nước ròng con nước lớn / Ai đành quên nhau!. Ở đây,
từ một địa danh lịch sử, nhờ Bóng chữ, bến Âu Lâu chắc chắn trở thành một
biểu tượng về tình yêu, và được cố định trong kí ước văn hóa nhân loại một cách
vĩnh viễn.
Chữ Lâu là từ
Hán Việt có nghĩa là lầu. Trong ngữ cảnh câu thơ: bóng / chân cầu, Âu
Lâu gợi nhớ đến hình ảnh giang lâu – lầu Âu bên sông,
nơi thường diễn ra những cuộc tiễn đưa, chuyện nhớ thương li biệt đầy nước
mắt. Giang lâu, nơi nhà thơ Triệu Hỗ, đời Đường bâng khuâng nhớ
bạn: Thơ thẩn giang lâu đứng ngậm ngùi / Trăng in đáy nước, nước in trời /
Người xưa cùng ngắm trăng đâu tá ? / Phảng phất đêm này tựa cảnh xưa (Giang
lâu thư hoài – Tương Như dịch). Hoàng Hạc lâu là chỗ Thôi
Hiệu nhớ tiếc người tiên. Ai cỡi hạc vàng đi đâu mất / Trơ lầu Hoàng Hạc
chốn này thôi (Hoàng Hạc Lâu, Khương Hữu Dụng dịch). Cũng là nơi Lí Bạch,
cảm nhận một nỗi mất mát vô tận khi tiễn bạn đi xa. Bạn từ lầu Hạc lên
đường/…/ Bóng buồm đã khuất bầu không / Trông theo chỉ thấy dòng sông trên
trời (Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng, Ngô Tất Tố dịch).
Trong Truyện Kiều (Nguyễn Du), lầu Ngưng Bích là nơi nàng Kiều bị
nhấn chìm trong những đợt sống cô đơn: Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
/…/ Ầm ầm tiếng sóng vây quanh ghế ngồi.
Đặc biệt, các yếu
tố chiều rồi bến sông / cầu thường gắn với những câu chuyện
tình, chuyện đợi chờ hết sức cảm động. Như chuyện Anh đứng trên cầu đợi em trong
thơ Vũ Quần Phương: Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm /…/ Đợi em. Em đến?
Em không đến?/ Nắng tắt, còn anh đứng mãi đây!/…/ Nước
chảy… Kìa em, anh đợi em (Đợi). Chuyện “ấp cây đợi bạn” của người Trung
Quốc: Vĩ Sinh hẹn gặp một người con gái dưới chân cầu, nhưng cô ta không đến.
Chàng vì giữ lời hẹn nên cả buổi tối cứ ôm chặt chân cầu mà đợi, nước dâng lên
vẫn không chịu rời. Cuối cùng bị ngập chết. Trong Truyện Kiều, Kim Trọng
muốn thể hiện lòng thủy chung với nàng Kiều có câu nhắc đến điển tích
này: Tháng tròn như gởi cung mây/ Trần trần một phận ấp cây đã liều. (Nguyễn
Du)
Chuyện cây cầu Ô Thước:
Nàng tiên Chức Nữ đi tắm dưới trần, vì bị mất quần áo nên phải lấy Ngưu Lang.
Họ có con với nhau, nhưng trời bắt Chức Nữ về tiên giới. Ngưu Lang nhớ vợ, cùng
hai con lên trời. Nhưng Chức Nữ không được phép sống cùng chồng. Trời lấy dòng
Ngân Hà mênh mông sâu thẳm để ngăn cách hai người. Duy nhất ngày 7 tháng 7 âm
lịch (có nơi nói ngày 15), những con quạ được phép bắc cây cầu Ô Thước, để
chàng và nàng có một lần sum họp. Còn cả năm Ngưu Lang đau đáu đợi chờ. Tương
truyền, hai người gặp nhau khóc lóc nhiều quá nên mưa thu thường sùi sụt lê
thê. Chinh phụ ngâm (bản dịch) có những câu: Nọ thì ả Chức
chàng Ngâu / Tới trăng thu lại bắc cầu sang sông.
Trên mạng cũng đang lan
truyền một câu chuyện thật xúc động, được nhiều người đọc: Ta sẽ đợi nàng
bên cầu Nại Hà (8) (không rõ tác giả), đại ý: Có đôi trai tài
gái sắc, yêu nhau rồi kết duyên vợ chồng. Họ hẹn nhau nếu già, ai chết trước sẽ
đợi người kia ở cầu Nại Hà (nơi người chết được ăn cháo lú để quên hết chuyện
trần gian). Không may, nàng bệnh và chết trước, chàng đau buồn rồi cũng chết
theo. Y hẹn, xuống âm phủ, chàng đứng đợi nàng ở cầu Nại Hà. Đã trôi qua 500
năm làm ma, nhưng chàng vẫn không chịu ăn cháo, để được đầu thai kiếp mới. Vì
chàng không muốn bị mất trí nhớ, quyết đợi để có thể được gặp lại người vợ yêu.
Trong khi cô nàng đã đi qua cầu từ lâu rồi (9) .
Có thể nói câu thơ cuối
của bài Bóng chữ có sức gợi mãnh liệt. Và từ những ký ức đầy xúc động
trong văn chương đã nêu trên, ta có thể đoán bóng chữ động chân
cầu là khúc xạ hình dáng của một người con trai đang đợi, anh đợi
em. Đặt trong ngữ cảnh toàn bài, càng thấy hình người con trai
hiện lên rõ nét: Lúc chia xa, em về, đi vắng / anh mới thực sự hiểu
rõ về em. Anh mang nỗi nhớ em trĩu nặng, qua bao năm
tháng. Anh không ngủ vì vắng em. Anh vui như thế nào khi
gặp em trong mộng, và buồn biết bao khi tỉnh giấc chẳng thấy em ở đâu.
Và giờ đây, ở chân cầu bến Âu Lâu, anh nguyện đợi em mãi mãi.
Điều đáng nói là dường
như trong dáng hình anh, người đợi em trong bài thơ này,
chứa chất mọi nỗi nhớ thương u sầu cũng như mọi sắc thái thủy chung son sắt của
biết bao người con trai trong đời, trong văn chương. Không chỉ đợi một buổi tối
như Vũ Sinh, cũng không chỉ một ngày, một đời như trong thơ Vũ Quần Phương;
không phải chỉ một kiếp như chàng Ngâu ở cầu Ô Thước; cũng không phải chỉ xuống
cõi âm mới đứng đợi ở cầu Nại Hà; anh trong thơ Lê Đạt đợi em ở
bất chấp thời gian: Mưa mấy độ / mây mấy mùa; và không gian: trước cửa,
trong vườn, bến sông, chân cầu, trong mơ, lúc tỉnh…; cho đến nay và
mãi mãi sau này, người đời đi qua bến Âu Lâu, vẫn còn thấy hình bóng một
con người đợi chờ trong sóng nước… Nước vốn có tiếng là vô tình, luôn quét sạch
mọi thứ. Ở đây, dường như có sự xúc động mà phá lệ. Tuy vùi lấp cái hình, cái
xác, nhưng nước vẫn lưu giữ muôn đời bóng dáng của một người son sắt chờ đợi
dưới chân cầu nơi bến Âu Lâu.
Có một điều thật thú
vị: Vọng phu, hình tượng về người phụ nữ thương nhớ chồng thường được đặt trên
núi cao. Còn về người con trai lại luôn được đặt nơi bến nước, chân cầu. Hay
người ta muốn lấy độ cao và độ sâu/rộng, cái dễ thấy và cái khó nhìn để phân
biệt nhỉ? Có điều chắc chắn rằng cả núi và sông nước đều là những gì thuộc về
vĩnh cửu.
Phải chăng, với Bóng
chữ, Lê Đạt đã dựng một biểu tượng thật đơn giản, tiết kiệm về đường nét,
nhưng lại có sức chứa đến vô cùng lòng thủy chung son sắt của cánh mày
râu?
-------------------
1, 2, 3 – Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt,
Nxb Khoa học xã hội – Trung tâm Từ điển học, Hà Nội, 1994. tr.72 , tr.896.
4- Mai Thảo Yên, Phân tích bài thơ Bóng chữ của Lê Đạt,
nguồn: lethithanhtam.wordpress.com/…/phan-tich-bai-thơ-bong-chữ
5- Hoàng Phê (chủ biên), Sđd, tr.496.
6- Nguồn: dasucoc.blogspot.com/2012/08/bong-chu.htm
7- Nguyễn Hưng Quốc, Văn bản và liên văn bản –
nguồn: www.tienve.org
8- Nguồn: forum.matngu12chomsao.com
9- Xem mục từ “Cầu Nại Hà” trong Điển cố văn học (Đinh
Gia Khánh – chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 69.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l
- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân
Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm
của Đặng Xuân Xuyếnl
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc
bài thơ PHÍA KHÔNG EM:
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến
đọc bài thơ CẠN LÒNG:
Nguyễn
Toàn Thắng giới thiệu
Tác giả: Lê Như Bình
- nguồn: vanvn
Ảnh minh họa sưu tầm từ
nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét