MỜI ĐỌC:

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2023

VỤ LUẬN VĂN NHÃ THUYÊN - Tác giả: Đông La (Hải Dương)

 


VỤ LUẬN VĂN

NHÃ THUYÊN

*

(Tác giả Đông La)

Luận văn Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoan) là luận văn thạc sĩ văn chương ca ngợi thơ của nhóm Mở Miệng, một loại thơ nổi loạn và tục tĩu, được làm ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, được hỗ trợ bởi Phạm Xuân Nguyên khi đương chức Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, và được một ban giám khảo là người ở Viện Văn học, Trường Đại học Văn hóa (Bộ Văn hóa) cho điểm 10.

Chuyện trên đã làm dư luận nổi giận, và tôi là người đã lên tiếng, góp phần dẫn đến quyết định thu hồi cái luận văn. Tôi đã viết: “Luận văn Nhã Thuyên giống như "một củ đậu" ném vào nền giáo dục và vào nền văn chương Việt Nam”.

Vậy mà đã có một danh sách “nhân sĩ trí thức” ký tên vào BẢN PHẢN ĐỐI chuyện thu hồi cái luận văn. Trong đó có những người luôn ở trên tuyến đấu chống đối như Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Phạm Xuân Nguyên, Tương Lai, Nguyễn Quang Lập.

*

Còn trên BBC tiếng Việt, Phạm Xuân Nguyên gọi vụ Nhã Thuyên là "chính trị hóa", "phi khoa học" của "những thế lực" nào đó. Mặc Lâm (RFA, Bangkok) cũng cho “Nhã Thuyên, nạn nhân của nền chính trị hướng dẫn văn học”.

Nhưng thực tế, trong luận văn của mình, chính Nhã Thuyên đã “Chính trị hóa” văn chương. Không ai cấm bàn chuyện chính trị, người ta chỉ cấm hoặc có thể xử tù những bàn luận sai trái, xuyên tạc, thổi phồng để chống đối. Tiếc là chính Nhã Thuyên có những sai trái như vậy. Cô viết:

nghiên cứu từ góc độ chính trị học văn hóa… có ý nghĩa gợi ý quan trọng với tôi trong quá trình thực hiện đề tài này… Soi chiếu vào Việt Nam hiện nay, có thể hiểu rõ hơn khái niệm “tự do” mà chúng ta có. Một hệ thống tư tưởng được cấu trúc trên cơ sở chủ nghĩa Marx không chấp nhận sự ngoại biệt đơn lẻ, không chấp nhận những hoài nghi, bởi khi chấp nhận những hoài nghi mang tính ngoại biệt, ý thức hệ này sẽ mất đi … quyền lực tuyệt đối, và tất yếu toàn bộ hệ thống chính trị và kinh tế sẽ bị sụp đổ”.

Như vậy, Nhã Thuyên đã viết với một giọng điệu y như của một kẻ chống cộng thứ thiệt. Cô hoàn toàn không hiểu nên đã xuyên tạc bản chất của Chủ nghĩa Mác. Bởi quy luật quan trọng nhất của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác là “Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập” là nguồn gốc của sự vận động và phát triển. Có điều để vận dụng sao cho đúng các quy luật vào thực tiễn cuộc sống là điều không dễ, nó phụ thuộc vào trình độ lý luận cũng như trình độ mọi mặt của xã hội.

Từ lầm lạc trên, Đỗ Thị Thoan không ngần ngại cho cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười là “bảo thủ”:

sau chấn thương Thiên An Môn tại Trung Hoa… Tại Việt Nam, Đỗ Mười được bầu làm làm Tổng bí thư, đánh dấu sự khôi phục quyền lực của Đảng với tư tưởng bảo thủ về văn nghệ, bằng cách… tái chế ‟định nghĩa của Nguyễn Văn Linh về Đổi Mới: - Văn học ta chỉ có thể Đổi Mới đúng hướng trong sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta theo hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của đảng”…Tinh thần của Đổi Mới đã bị bóp méo, hay là vo tròn lại” (Luận văn, tr.27).

Từ quan điểm như vậy, Đỗ Thị Thoan có những nhận thức ngược trước những hiện tượng văn chương “phản đạo lý” bị quan điểm chính thống phê phán:

Sau Đổi Mới, tác phẩm của những nhà văn tỏ thái độ không theo chỉ thị và đường lối, như Dương Thu Hương, bị dán một cái nhãn khác: văn nghệ chống Đảng, chống chế độ cộng sản… Đó rõ ràng là một cách nói bị áp chế bởi quan niệm chính trị… tính chất văn học đều không được đặt lên hàng đầu. Chúng là một thứ công cụ của tuyên truyền, về bản chất không có gì khác biệt”.

Những tác phẩm: Những thiên đường mù, Bên kia bờ ảo vọng, Đỉnh cao chói lọi không phải như Đỗ Thị Thoan viết “bị dán một cái nhãn khác: văn nghệ chống Đảng” mà là chúng đã bị “dán một cái nhãn đúng”. Dương Thu Hương đúng là đã chống đối chính trị một cách điên cuồng bằng văn chương nên đã bị chính trị trừng trị bằng pháp luật, nghĩa là bắt bỏ tù! Thế thôi!

Đỗ Thị Thoan tiếp:

Cao trào thời Đổi Mới bộc lộ tương đối rõ hai hướng đi: giai đoạn nỗ lực „nói sự thật‟ với Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, và nỗ lực cách tân lối viết, chẳng hạn Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Phan Huyền Thư trong thơ… Nhưng không khó thấy rằng việc chính quyền tạo ảo giác cho văn nghệ sĩ về việc “làm nghệ thuật một cách bình thường” “làm gì thì làm miễn không động đến chính trị” là một chiếc bánh vẽ của quyền lực (Luận văn, tr.30).

Rồi so sánh:

Việc Nguyễn Huy Thiệp nhét cứt vào miệng kẻ sĩ Bắc Hà để hạ bệ thần tượng hoàn toàn khác việc Mở Miệng đưa chuyện cứt đái ra nói công khai… Mở Miệng… thể hiện sự phản kháng bằng nhận thức rộng rãi hơn... Họ văng tục và nói về cứt đái nhưng muốn lật đổ hơn là xây dựng… vì niềm tin vào sự thật cũng không còn”; “Mở Miệng, sinh ra trong bối cảnh “thống nhất đất nước” đã tiếp thu cả hai nguồn nổi loạn ấy, để bị/được gánh vác thêm vai trò của “những kẻ phản đảng” bên cạnh ý hướng văn chương”.

Đỗ Thị Thoan đã cho nhóm Mở Miệng ra đời với sứ mệnh nổi loạn và lật đổ cái “xã hội không chấp nhận đa nguyên về ý thức hệ và tư tưởng”; “Cuộc chiến đấu để phá vỡ tính chất đơn nhất của ý thức hệ mà nhà nước muốn duy trì ít nhiều trở nên xa lạ với nhiều người trẻ, bởi ý thức hệ theo mô hình Marx Lenin này đã tự tan rã và phần nhiều chỉ là những tuyên truyền trống rỗng”.

Đỗ Thị Thoan cho biết thơ của nhóm Mở Miệng muốn lôi tuột những lý tưởng cao vời, những suy tư sâu xa xuống các vấn đề thực hữu, vui nhộn như một câu chuyện tiếu lâm dân gian”; “thực hành thơ của Mở Miệng … trở thành một huyền thoại… nơi tụ hội các anh em giang hồ, huyền thoại về sự thăm dò của an ninh, huyền thoại của những kẻ sẵn sàng “đái vào Chúa”… hình ảnh Mở Miệng: Phá phách, phá hỏng tiếng Việt, phản kháng về chính trị, chống đối chính quyền.

Họ là kết hợp của “Cách Tân và Phản Kháng”; “bức tường Berlin có thể chỉ mất một ngày để xây và mất mấy chục năm để phá. Vậy có nên ca ngợi sự phá của Mở Miệng?”

Đỗ Thị Thoan có những quan điểm phản thẩm mỹ, phi nhân tính, cũng với mục đích chống đối chính trị, cô viết:

Xin đọc lại một số bài thơ đầu tiên của các nhà thơ Mở Miệng … hé lộ phẩm chất của những kẻ có tài. Bùi Chát đem đến phong vị đầy thi tính của đời thường với những câu: “Tôi yêu những người đàn bà đang là chuột dưới cống/ Tôi thấy em mặc quần lót mười nghìn ba cái mua ở vỉa hè”; “Tôi kêu đòi chữ nghĩa/ Tôi tổ chức chiến tranh/ Tôi nam mô vị chúa trời”; “Tôi cải tạo âm hộ”.

Dường như giới thiệu như trên chưa đủ, cô bình thêm:

Những thi phẩm này (đúng là phải gọi bằng từ „thi phẩm‟) đều sạch, đẹp và giàu năng lượng lẫn cảm xúc” (Luận văn, tr.64-65).

Theo Nhã Thuyên có hai thứ rào chắn vào loại lớn nhất, nguy hiểm nhất trong các xã hội Việt Nam là Nói Tục và Chính Trị thì đều được các nhà thơ Mở Miệng xuyên thủng.

Theo tôi, thơ nói riêng và văn chương nói chung là sản phẩm văn hóa, tức từ cuộc sống bề bộn và bụi bặm, phải tinh lọc, phải chưng cất công phu qua tài và tâm của thi sĩ thì mới có thể có được. Con người khác con vật vì biết xấu hổ. Bị lột truồng giữa đám đông ai cũng phải thấy xấu hổ. Nên làm thơ bằng cách lột truồng chữ nghĩa một cách vô cảm cũng là mất nhân tính. Vậy mà Đỗ Thị Thoan khen loại thơ tục tĩu và dơ dáy đó là: “tài tình và hấp dẫn đến thế”. Cô cho là “mĩ học của cái tục”: “khi dùng một cách công khai các từ chỉ bộ phận sinh dục, hành vi tính giao như… là nỗ lực, theo họ, trả lại sự bình đẳng của từ ngữ”.

Đòi trả lại “sự bình đẳng của từ ngữ” là lý sự mất nhân tính, vì không thể lột truồng chữ nghĩa trong văn chương cũng như người ta không thể lột truồng trước đám đông. Kể cả cô Nhã Thuyên này tôi tin là cũng không dám cởi truồng để tiếp chuyện các nhà thơ nhóm Mở Miệng, những nhà thơ “tài tình viết loại thơ cởi truồng”, khi họ cởi truồng ngay giữa chốn đông người. Chỉ có súc vật và những người bị điên không còn biết xấu hổ thì mới có thể như thế mà thôi!

Đỗ Thị Thoan còn liều mạng bình tán một hành động liều mạng không kém đó là việc làm thơ diễu nhại cả tác phẩm của Bác Hồ, người được cả một đất nước tôn thờ:

Bùi Chát lật đổ các ảo tưởng được đóng đinh trong ngôn ngữ ý thức hệ. Chẳng hạn: “Đường Kách Mệnh Đi một ngày đàng, học [& hành] một giường khôn. Con đường nối những con đường. Dẫn tới các nhà thương. Ngồi một mình. Em nói như mưa. Thì tại sao chúng ta không lên giường. Để đào những cái mương. Giữ mãi lời thề xưa…”.

Nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu viết:

Giễu nhại một con người như thế là một việc làm vô đạo, thất đức, bất nhân, bất nghĩa. Chúng tôi muốn góp ý với các bạn đồng nghiệp là nhà văn Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học và nhà văn Văn Giá - Trưởng khoa Lý luận - phê bình văn học Trường Đại học Văn hóa (Bộ Văn hóa), hai thành viên Hội đồng chấm luận án và Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên - người đã đọc bản thảo “Những tiếng nói ngầm” cho Nhã Thuyên - rằng các bạn nên giữ sự trung thực cho ngòi bút của mình, nên tự trọng về nhân cách. Các bạn có thể xin ra khỏi Đảng, tự nguyện trả lại các chức danh và học vị mà thể chế này - do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập – đã phong tặng cho các bạn rồi làm một nhà văn tự do thì hay hơn”.

*

Luận văn của Đỗ Thị Thoan, những người đã cho cô điểm 10, và tất cả những cái kỳ quái của nhóm thơ Mở Miệng, tất cả đã dựa trên lý thuyết Hậu hiện đại.

Tôi đã viết: “đã có những nhóm cực đoan đúng là đã làm ra được văn chương hậu hiện đại thứ thiệt nhưng tiếc là chỉ mới ở dạng thấp nhất của nó. Ví dụ như tính phản kháng, phản kháng cao cấp tức là phải có khả năng phân tích sự yếu kém của cái cũ và đưa ra được cái mới tốt hơn thay thế, còn chỉ chống đối suông thì quá đơn giản, nó chỉ đơn giản là “quậy”, cái thái độ không cần đến nghệ sĩ mà những kẻ bất hảo vô học còn làm tốt hơn. Có quá nhiều sự thô bỉ, bẩn thỉu, nhầy nhụa và hằn học, lưu manh, trong văn chương “hậu hiện đại” này. Trong văn chương có hỗn loạn, thô tục, bẩn thỉu, bởi cuộc sống có phần như thế, nhưng coi chúng là “đặc trưng”, là “thi pháp” thì đã phi lý, phi mỹ, phi luân và cuối cùng là phi nhân hóa những đặc tính của văn chương”.

Họ làm ra một loại thơ đi ngược lại luân thường đạo lý, phản thẩm mỹ, nhạo báng cả lịch sử, cả lãnh tụ, cả Chúa, cả Phật! Muốn dùng “bên lề” để chống lại “trung tâm”, tức là dùng tư tưởng vô chính phủ chống lại nhà nước. Chính vì thế họ đã được lực lượng chống phá nhà nước tung hô.

Tôi đã viết:

Ngoài hành động kích động có tính chất phạm pháp của những kẻ nổi loạn, việc sử dụng tùy tiện hình ảnh các bậc thần thánh là hành động báng bổ của kẻ lưu manh, vô văn hóa, xúc phạm nghiêm trọng tín ngưỡng giáo dân. Giáo hội Thiên Chúa giáo và Giáo hội Phật giáo cần phải kiện những kẻ phạm pháp ra tòa!”

*

Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, cho phải đọc Luận văn của Nhã Thuyên “có lý thuyết và phương pháp”, không thể hồ đồ suy diễn “ngoài văn học, ngoài khoa học”. Tôi đã viết: “trong vụ Nhã Thuyên, nếu không thấy được cái bẩn thỉu, cái thô tục, sự báng bổ lãnh tụ, sự quấy rối, sự chống đối, sự làm loạn trong thơ Mở miệng; và không thấy Nhã Thuyên tung hô sai thì Nguyên đã đọc một cách “mù chữ”, mất nhân tính.

*

Với Đỗ Thị Thoan, một cô gái Tỉnh Đông (Hải Dương), cho biết mình viết vậy vì “Tôi apply grant (có mối quan tâm lớn) của ANA, một quỹ tài trợ nghệ thuật độc lập ở châu Á… và tôi muốn thử tìm các cơ hội tài trợ cho văn chương”.

Vậy là ý đồ làm tiền của Nhã Thuyên đã rõ ràng, và vì làm tiền mà Đỗ Thị Thoan sẵn sàng đi ngược lại những nguyên lý về thẩm mỹ và đạo lý của văn chương.

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

"CÔ" SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:


Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Đông La0

- Các bài viết của (về) tác giả Dương Thu Hương0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Quang Thiều0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Bình Phương0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Huy Thiệp0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

*.

Thành phố Hồ Chí Minh, 26-04-2014

ĐÔNG LA (tên thật: Nguyễn Văn Hùng)

Địa chỉ: quận Bình Thạnh, thành phố Sài Gòn

Email: donglasg@gmail.com

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com.vn, ngày 23.04.2023.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét