TỰ MÌNH KHÁC BIỆT
Cứ mỗi lần định đặt bút
định viết về Hồ Anh Thái tôi lại ngần ngại, hình như tôi chưa hiểu anh nhiều
lắm, mỗi lần đọc anh, tôi lại giật mình hoặc lo lắng điều gì đó. Nhưng làm thế
nào hiểu tường tận được một nhà văn, nhất là người ấy mang vẻ phức tạp, kín đáo
và từng làm ngành ngoại giao như Hồ Anh Thái?
Lần đầu tiên tôi liên
lạc với Hồ Anh Thái qua lá thư tay. Hồi đó tôi đang ở Quảng Ninh và mới viết,
những bước chập chững đầu đời luôn khó khăn và vô định. Biết gửi cho ai bây
giờ? Tôi tìm hiểu những người có thể tin cậy. Rồi cái tên Hồ Anh Thái hiện ra
trong những lần tìm kiếm. “Hồ Anh Thái khuynh trẻ”, “Hồ Anh Thái cấp
tiến”... đó là những từ khóa tôi thường thấy và tôi quyết định viết thư cho
anh.
Lúc đó không phải chưa
có email hay điện thoại nhưng tôi không tiếp cận được thông tin, cũng không
biết hỏi ai. Tôi chỉ biết Hồ Anh Thái khi đó là đương kim chủ tịch Hội nhà văn
Hà Nội và tôi tìm được hội sở ở phố Hàng Buồm, Hà Nội. Tôi liền viết thư vào
một tờ giấy phê đúp, kèm theo vài bản thảo truyện ngắn và gửi cho anh.
Lá thư gửi đi, chút ít
hi vọng nhưng nói thật là tôi không mong chờ nó được hồi âm. Bẵng đi mấy tháng,
tôi quên hẳn việc đó và nghĩ thư đã không đến địa chỉ hoặc anh cũng chẳng buồn
đọc nó. Rồi bỗng dưng tôi nhận được điện thoại từ máy bàn, Hồ Anh Thái gọi cho
tôi và nói đã nhận được bản thảo, anh bảo sẽ gửi đến một tờ báo nào đấy và cho
tôi địa chỉ email để tiện việc liên hệ bài vở.
Một thời gian không lâu
sau đó, tôi nhận được báo biếu và nhuận bút của tờ “Đại biểu nhân dân” một tờ
báo của Quốc hội. Còn niềm vui nào lớn hơn, truyện ngắn của tôi được đăng trên
một tờ báo có vị thế và nhuận bút của nó rất khá lúc đó. Tôi mừng vui đến mấy
ngày khi nhận được thành quả lao động của mình, tác phẩm được đăng trên một tờ
báo trung ương, oách quá!
Tờ “Đại biểu nhân dân”
được Hồ Anh Thái biên tập trong nhiều năm, anh giữ trang văn học và văn hóa và
nó trở thành một thế lực rất đáng kể. Trang văn văn học của báo không hề thua
kém những tờ báo chuyên ngành, thậm chí nhỉnh hơn và đặc biệt những tác phẩm “khó
nhằn” nhất tôi đều gửi cho Hồ Anh Thái và nhiều người cũng làm thế. Hồ Anh Thái
làm một bà đỡ rất mát tay và dũng cảm. Nhờ uy tín và sự vững chãi của anh,
nhiều tác phẩm cá tính được xuất hiệu, nhiều tác giả mới được tỏa hào quang.
Ai cũng biết chuyện Hồ Anh
Thái giới thiệu tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao” của Mạc Can và
sau đó tiểu thuyết này được giải của Hội nhà văn Việt Nam và Mạc Can trở thành
một cái tên đáng chú ý. Nguyễn Trí với “Bãi vàng, đá quý, trầm hương”
cũng giống y như thế. Tôi từng có những kỉ niệm đáng nhớ với những sự việc
tương tự. Khi tôi ngồi biên tập ở một tạp chí, tôi nhận được bản thảo truyện
ngắn “Kỳ nhân làng Ngọc” của Trần Thanh Cảnh ở Bắc Ninh gửi đến.
Tôi đọc xong rồi sướng quá, liền bốc máy gọi điện ngay cho tác giả nhưng rồi lại
hụt hẫng vì sức tôi lúc ấy chưa thể bảo lãnh cho truyện này xuất bản được. Bỏ
đi thì phí vì là một truyện ngắn hay. Tôi liên hệ với Hồ Anh Thái và nhờ anh
giúp đỡ. Hồ Anh Thái liền cho đăng truyện ngắn ấy bốn kì trên tờ Đại biểu nhân
dân, anh còn viết giới thiệu và sau này Trần Thanh Cảnh đã đoạt giải Hội nhà
văn Việt Nam với tập truyện cùng tên.
Tôi biết Hồ Anh Thái
còn ủng hộ nhiều người trẻ khác. Danh sách những người anh yêu quý còn có thể
kể vài cái tên khác như Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Thế Hoàng
Linh, Nguyễn Vĩnh Nguyên... Hồ Anh Thái thực sự trở thành thủ lĩnh của một nhóm
người trẻ ở một giai đoạn rất định. Anh cũng thân với những họa sĩ trẻ và những
cái tên họa sĩ quen thuộc bây giờ như Kim Duẩn, Đặng Hồng Quân đều là những người
gần gũi với anh.
Hồ Anh Thái ghé qua nhà
tôi hai lần khi anh đi chơi núi Yên Tử. Chuyến đi nào anh cũng rủ thêm vài
người bạn đi cùng, toàn là những người trẻ hoặc tính trẻ. Có lần là nhà văn
Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Thị Minh Thái, lần khác là những bạn hoạ sĩ trẻ. Anh cởi
mở và thực hiện đúng phương châm như những gì anh từng viết, những chuyến đi
đó, tôi thấy anh “cam - pu - chia” sòng phẳng và vui vẻ với những bạn đồng
hành. “Cam - pu - chia” để khỏi ai phải nợ ai và giống như trong một tiểu luận
anh đã viết, người được trả tiền là người chiến thắng, vậy ai cũng được chiến
thắng hoặc chiến thắng một phần, cả nhà đều vui!
Tôi chưa từng đến nhà
anh nhưng tôi biết anh có một giá sách ghê gớm lắm, anh đọc nhiều, chắc chắn
rồi, đọc văn của anh thì biết. Anh quý sách nhưng không giữ rịt nó cho riêng
mình, những sách hay anh thường mua tặng bạn bè. Anh từng tặng tôi những cuốn
sách của anh với lời đề tặng bằng nét chữ rất đẹp và sang, anh cũng không quên
tặng sách của những người khác nữa. Tôi nhớ anh đã tặng tôi hai cuốn rất hay là
“Mắt sói” của Daniel Pennac và “Lụa” của Alessandro
Baricco. Tôi hiểu trong cái ngụ ý anh khi tặng sách, hãy đọc những cuốn sách
hay để học hỏi làm nghề.
Hồ Anh Thái là một
người rất chuyên nghiệp, tôi ít thấy ai viết văn làm báo chuyên nghiệp như anh.
Anh từng đi sứ nước ngoài mà vẫn vận hành trang báo mình phụ trách chạy ro ro,
thỉnh thoảng anh lại gửi cho tôi bản thảo biên tập để tôi thấy cách làm việc và
học hỏi. Chữ nghĩa anh dùng cẩn trọng và kĩ càng lắm. Một người bạn làm biên tập
của tôi từng bảo, các ông nhà văn làm việc với chữ vậy thôi chứ nhiều người sai
câu cú và chính tả kinh khủng lắm, chỉ có hai người anh hầu như không phải động
vào bản thảo là Hồ Anh Thái và Tạ Duy Anh. Bản thảo hai người này gửi đến, nếu
in được thì dùng ngay, hầu như không phải động tay, thò bút.
Là nhà ngoại giao kì
cựu nhưng tôi thấy Hồ Anh Thái rất thoáng trong cách ăn mặc. Trang phục ưa
thích của anh là bên trong áo phông không cổ, bên ngoài áo vét, lưu ý là áo
phông chứ không phải sơ mi. Phong cách ấy tuy đơn giản nhưng tạo ấn tượng tới
mức một đôi lần tôi mặc theo kiểu đó thì có người bảo tôi rằng: Ái chà, kiểu
này của Hồ Anh Thái!
Hồ Anh Thái từng trao
đổi thư từ với tôi khá nhiều. Anh nói chuyện với tôi về văn chương và những thứ
xoay quanh văn chương. Tôi biết anh rất kính trọng Tô Hoài và sự lao động miệt
mài của anh là học từ Tô Hoài. Anh yêu quý và tôn trọng những người chuyên
nghiệp. Sự chuyên nghiệp là một tiêu chí rất quan trọng đối với anh, ta có thể
thấy anh nói điều này trong nhiều bài viết và từ tác phong của anh.
Hồ Anh Thái viết mau và
đều. Các cuốn sách của anh luôn ở danh sách bán chạy và được hâm mộ. Về tiểu
thuyết của anh nhiều người nói rồi, tôi không muốn nhắc lại, ở đây tôi muốn nói
đến tiểu luận của anh, một thể loại tôi nghĩ cũng rất đáng kể, thậm chí ngang
ngửa với tiểu thuyết của chính anh. Những trang viết bàn luận về cuộc sống, văn
chương của anh khiến người ta nghĩ ngợi lắm, thậm chí là giật mình. Đó là thái
độ ích kỉ khi sống chung ở tập thể, là trạng thái lẩm cẩm của người già, là
bệnh không biết cười, thói háo danh của người viết… Nhiều lắm. Có những vấn đề
ta nghĩ nó thoáng qua, không để ý nhưng dưới con mắt anh rõ ràng nó tiềm ẩn,
che giấu những thứ khác quan trọng hơn, đó là thái độ với cuộc sống, với con
người và công việc. Đọc tiểu luận của Hồ Anh Thái luôn khiến người ta giật
mình, liệu mình có giống thế không, mình đã bao giờ từng khiếm nhã hay bất cẩn
như thế. Trang viết của anh khiến người ta phải ngẫm ngợi, lo lắng hoặc giật
mình, tôi nghĩ như thế là nhà văn đã thành công rồi.
Hồ Anh Thái từng làm
quan chức, anh làm chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội mười năm liền, từng đi sứ nước
ngoài với chức vị quan trọng. Tất nhiên tôi không quan tâm tới điều ấy khi chơi
với anh, tôi quan tâm nhiều hơn đến những việc anh làm. Nhìn danh sách những
tác phẩm đoạt giải Hội nhà văn Hà Nội những năm anh chủ trì, tôi rất khâm phục.
Chúng khách quan, hiện đại, mới, đó là những điều khá hiếm trong các giải
thưởng mang tính hội đoàn. Những giải thưởng ấy mang dấu ấn của anh và cũng như
những những tác giả anh giới thiệu, tôi nghĩ Hồ Anh Thái có đóng góp về mặt đội
ngũ và nghề chuyên môn cho văn chương nước Việt.
Nhưng tôi biết cũng có
nhiều người không ưa anh, tất nhiên. Có những vinh dự tôi nghĩ anh xứng đáng
nhưng người ta đã không nhìn nhận đúng mức. Thì điều đó quan trọng gì, anh từng
từ chối cương vị lãnh đạo hội văn nghệ khi nhiều người mong anh làm, anh cũng
từng buông lửng một vị trí quyền lực nhưng láo nháo công việc, hành xử. Người
ta có thể coi anh kiêu ngạo, ngôi sao nhưng tôi biết tính anh vẫn thế. Anh quan
sát, suy ngẫm và có thái độ riêng của mình. Ngay cả tôi, khi ở Quảng Ninh xa
xôi hai anh em thường xuyên liên lạc và gặp mặt đôi lần nhưng khi về Hà Nội gần
hơn, liên lạc lại ít hơn và tôi không gặp anh lần nào nữa. Cũng một phần anh
bận rộn, anh đi sứ hết Iran đến Indonesia và cũng có thể khi tôi về trung tâm
thì anh đã có cảm giác khác. Tôi không bao giờ hỏi điều ấy và tôn trọng cá tính
của anh. Rất có thể bây giờ anh được nghỉ ngơi, không phải lo công việc nữa
nhưng anh cũng không có nhu cầu gặp nhiều người. Hồ Anh Thái là Hồ Anh Thái.
Anh cứ việc sống theo sự lựa chọn của mình. Anh cứ viết và viết. Và càng ngày
tôi càng thấy những trang viết của anh nén kĩ, bình thản và gợi suy ngẫm hơn.
Đó là một món rất đáng giá trong gia tài văn chương đồ sộ của anh và dù anh có
không gặp tôi đi nữa, tôi vẫn cứ đọc và kính trọng anh như một người bạn lớn
của mình.
Tự anh tạo ra sự khác
biệt.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l
- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm
của Đặng Xuân Xuyếnl
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
"CÔ" SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến
đọc bài thơ CUỒNG YÊU:
Nguyễn Đình
Văn giới thiệu
Sưu tầm: Uông Triều
- nguồn: facebook Thầy Uông
Ảnh minh họa sưu tầm từ
nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét