VĂN VÀ TRUYỆN
“Văn” và “truyện” là hai yếu tố cấu thành nên một tác phẩm văn
học theo cách nói của “dân” sáng tác. Đôi khi tác phẩm chỉ có truyện mà không
có văn hoặc có văn mà ít truyện, nếu sở hữu cả hai yếu tố ấy thì có thể gọi là
một tác phẩm thành công.
Truyện là gì? Hiểu theo cách đơn giản nhất đó là nội dung được
kể trong tác phẩm, là cốt, là cái xương sống để tác phẩm đi từ đầu đến kết thúc.
Truyện là yếu tố truyền thống, là thứ dễ được nhận ra và là sợi dây để độc giả
theo dõi câu chuyện và tác giả cứ việc theo trục ấy mà dẫn dắt và phát triển. “Thời
xa vắng” của Lê Lựu là một tác phẩm có truyện khá rành mạch, từ khi
Giang Minh Sài bị buộc lấy vợ lúc nhỏ, rồi đi bộ đội, ly dị vợ, ra quân, yêu
người khác và có cuộc sống mới. Người đọc dễ dàng theo dõi mạch truyện và thấy
được đời nhân vật chính diễn biến và đi theo hướng nào.
“Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài cũng có cốt truyện
rất dễ thuật lại, tác giả kể chuyện A Phủ bị bắt về nhà A Sử rồi Mỵ hồi tưởng
chuyện về làm dâu nhà thống lý Pá Tra ra sao, hai người khốn khổ ấy giải thoát
và yêu nhau thế nào. Một tác phẩm có cốt truyện mạnh và rõ ràng rất dễ kể lại
và các nhà văn cổ điển rất ưa thích cách kể này vì nó đơn giản, mạch lạc. Độc
giả truyền thống cũng thích những tác phẩm kiểu này vì sự cuốn hút và hấp dẫn
khá cao. Đọc xong là có thể kể lại được, dễ nhớ và thông hiểu.
Còn cái sự kể diễn ra như thế nào, từ ngữ, câu cú dùng ra sao có
thể hiểu là “văn”. Văn là thứ thể hiện sự tài hoa và lao động, công phu của
người viết. Vẫn là một câu chuyện ấy hoặc nguyên mẫu ấy, nhiều người biết và
cùng kể nhưng có sự hấp dẫn và thu hút rất khác nhau chính là sự biểu hiện của
văn. Văn là thứ khó đong đếm, khó nhận thấy nhưng là thứ quan trọng biến một
câu chuyện thông thường thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Ví dụ một người
đàn ông sinh ra , bố anh ta bị giết, để sống sót được anh ta phải nỗ lực hết
mình và tìm kiếm kẻ thù đã giết bố mình. Rồi anh ta yêu một cô gái, khi tình
cảm đang say nồng thì anh ta phát hiện bố cô gái là kẻ thù giết bố mình. Mâu
thuẫn và dằn vặt, cuối cùng anh ta quyết định tha thứ cho kẻ thù và bỏ đi...
Một câu chuyện kiểu như thế một người bình thường cũng có thể kể lại được,
nhưng kể sao cho hấp dẫn, ấn tượng, nâng tầm thành một tác phẩm nghệ thuật có
tính nhân văn cùng những thông điệp ý nghĩa đòi hỏi tài nghệ của người viết
hoặc một cách gọi thông thường là có văn, có nghệ thuật.
Nhiều người bảo, truyện nào mà chẳng có văn. Không phải, đôi khi
có những hiện thực hoặc sự kiện rất li kì, hấp dẫn, người viết chỉ cần tường
thuật nguyên xi, không cần gia giảm, câu chuyện đã lôi cuốn. Những trường hợp
này người viết không phải nhọc công, chỉ cần khéo léo một chút là đã dựng thành
một tác phẩm đứng được. Phần “nguyên liệu” đóng vài trò chính yếu trong việc
tạo thành tác phẩm. Cho nên thỉnh thoảng ta sẽ nghe những câu kiểu như thế này:
“Người ấy viết không có văn.”
Hoặc:
“Truyện thì không có gì nhưng được cái có văn.”
Đấy là cách phân biệt đánh giá giữa truyện và văn. Ngày trước
một tác phẩm gần như có một yêu cầu là phải có một cốt truyện mạnh. Ví dụ như “Chí
Phèo” của Nam Cao hay “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố đều có
những cốt truyện rất chắc và thông suốt. “Anna Karenina” của Lev
Tolstoy hay “Những người khốn khổ” của Victor Hugo là những tác
phẩm có cốt truyện rất dầy và hấp dẫn. Những tác phẩm đó đọc hàng chục năm vẫn
có thể nhớ chính xác được nhân vật và các tình tiết chính vì trục chính thông
suốt và mạch lạc. Bây giờ thì nhiều nhà văn không quá chú trọng vào cốt truyện
nữa, họ chú trọng vào cách kể hoặc tạo ra các thủ pháp mới. Họ đã không còn bị
cốt truyện ghì chặt xuống và bắt buộc phải đi một con đường duy nhất. “Đi
tìm thời gian đã mất” là một bộ tác phẩm lớn của Marcel Proust với hàng
vạn trang sách nhưng có một cốt truyện rất mỏng mảnh, nó gần như chỉ là một
dòng kí ức miên man của nhân vật chính kể về quá khứ của mình. Nếu tóm tắt bộ
sách vĩ đại này thì chỉ cần một đoạn ngắn là đủ nhưng rất khó kể lại từng chi
tiết hoặc cho đâu là những bước ngoặt thực sự. Điều này rất khác nếu so sánh nó
với kiểu truyện như “Anh em nhà Karamzov” của Dostoievsky hoặc “Bà
BôVary” của Flaubert chẳng hạn, với rất nhiều diễn biến và tình tiết
bước ngoặt.
“Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh có thể kể lại
khá dễ dàng nhưng “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương thì khó kể
lại hơn. Nguyễn Bình Phương đã không quá chú trọng vào câu chuyện mà để tâm
nhiều hơn vào không khí và cảm giác. Cả hai tác phẩm đều có văn đẹp và hấp dẫn
nhưng cốt truyện của Bảo Ninh thì thông suốt và dễ theo dõi hơn. Tất nhiên, ai
hiểu Nguyễn Bình Phương thì đều biết rằng anh ưa thích sự nhoè mờ, ẩn hiện, nhà
văn không chủ trương làm cho tác phẩm thật rõ ràng, thẳng suốt.
Tất nhiên cốt truyện mạnh vẫn là thứ được nhiều người ưa thích
đến tận bây giờ. Ma Văn Kháng là một người như vậy, các truyện ngắn, tiểu
thuyết của ông đều có trục nội dung thẳng và dễ theo dõi theo phong cách cổ
điển. Những nhà văn ở thế hệ trước hoặc không bị ảnh hưởng nhiều bởi các xu
hướng hậu hiện đại vẫn chọn con đường truyền thống. Lê Lựu, Dương Hướng, Nguyễn
Khắc Trường và nhiều người khác tự tin và thích thú đi trên chiếc bè cổ điển.
Những người tiếp theo như Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh và kể cả tôi đã không
còn quá đặt nặng vào cốt truyện nữa mà thích đi với những trò chơi, những đoạn
lắp ghép rời rạc, phân mảnh hoặc tung hứng...
Thực ra viết theo một mạch truyện có những dấu mốc rõ ràng thì
dễ viết và dễ đọc. Sự than phiền của độc giả thường dành cho những tác phẩm có
nội dung nhòe mờ hoặc quá mảnh. Một người bạn văn của tôi nói rằng, kiểu tác
phẩm không có cốt truyện hoặc nhoè mờ rất khó nắm bắt vì chỉ cần lơ là một chút
là không biết mạch truyện đã đi đến đâu. Đây là một phàn nàn đúng nhưng chưa
đầy đủ, vẫn là tâm thế của một người đọc cổ điển, luôn luôn đòi hỏi và chờ đợi
câu chuyện diễn biến cụ thể, chi tiết và có các dấu mốc. Tâm thế đọc hiện đại
người ta có thể đọc bằng cảm giác và tận hưởng những lát cắt riêng biệt của tác
phẩm. Nếu là một người đọc cổ điển muốn dò theo cốt truyện thì sẽ không tài nào
tiêu hóa được cuốn “Linh Sơn” của Cao Hành Kiện. Đó là một tiểu
thuyết hầu như không có cốt truyện, nhà văn chỉ có các đoạn ghép rời rạc, phô
bày cảm xúc và chất văn của mình. Nhiều nhà phê bình Trung Quốc khi “Linh
Sơn” mới ra đời đã bảo Cao Hành Kiện không biết viết tiểu thuyết, nhưng
sau đó cuốn sách ngày càng được độc giả hiện đại ưa thích và nó góp phần chủ
chốt giúp Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel văn học. Cuốn “Nếu một đêm đông
có người lữ khách” của Italo Calvino cũng là một trường hợp gần tương
tự.
Những tác phẩm kết hợp hài hoà giữa văn và truyện thường được
coi là thành công với sự đồng thuận cao. “Chùa Đàn” của Nguyễn
Tuân hay “Chí Phèo” của Nam Cao có thể coi là những ví dụ điển
hình của sự hài hoà của văn và truyện với mức nhuyễn gần như hoàn hảo.
Thông thường, người viết sẽ mạnh về truyện hoặc về văn. Những
nhà văn có vốn sống nhiều, từng trải lắm sẽ thường có những câu chuyện rất hấp
dẫn. Những người ấy thường mạnh về truyện hoặc có thiên hướng tập trung vào nội
dung. Những người khác có thể ưu thế về văn hơn, họ có thể không có những cốt
truyện hay hoặc không quá chú trọng vào nội dung mà xoáy sâu vào cách viết,
cách kể hoặc các trò chơi nghệ thuật. Tất nhiên cũng có những trường hợp do trí
tưởng tượng nghèo nàn hoặc trải nghiệm quá ít mà cố tình cầu kì làm văn, làm
dáng, uốn éo câu chữ. Tác phẩm chỉ có cái vỏ hình thức mầu mè mà thiếu sự
thuyết phục về ý tưởng và nghệ thuật.
Vậy giữa văn và truyện cái nào quan trọng hơn và với những người
có những thế mạnh riêng biệt thì ai tài năng hơn? Câu hỏi này khá khó trả lời
nhưng vẫn theo lời một người bạn viết của tôi, anh cho rằng, văn hay khó hơn
truyện hay. Bởi “truyện” là thứ thì ta có thể may mắn biết được, tích luỹ hoặc
gom góp dần nhưng “văn” là một phẩm chất mang tính thiên bẩm, không phải cứ rèn
luyện mà có được. Cho nên đôi khi thấy những người viết nhiều nhưng chất văn
rất ít, trong khi những người mạnh về văn dần dần cải thiện được truyện của
mình nhờ vốn sống được tích luỹ, quá trình quan sát và tìm hiểu. Tất nhiên,
hoàn hảo nhất là sự kết hợp được hai yếu tố nhưng đâu phải người viết nào cũng
may mắn được sở hữu tư chất thiên bẩm và môi trường thích hợp.
Cho nên tài năng bẩm sinh vẫn hết sức cần thiết và sự rèn luyện
trau dồi cũng quan trọng không kém nếu muốn tiến tới một sự hoàn hảo lí tưởng.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:
Nguyễn Đình
Văn giới thiệu
Sưu tầm: Uông Triều
- nguồn: facebook Thầy Uông
Ảnh minh họa sưu tầm từ
nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét