NGƯỜI ĐÀN BÀ TÂY TẠNG,
MỘT THÚ VỊ
Hôm ấy, trên đường từ Gyantse đi Shigatze, thành phố lớn thứ
hai ở Tây Tạng, và là “kinh phủ” của các vị Ban-thiền Lạt-ma (Panchen Lama),
chúng tôi ghé thăm một ngôi làng nhỏ
Đến thăm Tây Tạng nhiều lần, tôi từng nghe nói khá nhiều về
tục đa-phu ở đất nước này, nhưng chỉ tận mắt nhìn thấy một lần, do may mắn. Đó
là vào tháng 3, khi tôi đưa đoàn du-lịch “Tây Tạng mùa Xuân” đi thăm tỉnh tự
trị Tây Tạng ở Trung Quốc.
Hôm ấy, trên đường từ Gyantse đi Shigatze, thành phố lớn thứ
hai ở Tây Tạng, và là “kinh phủ” của các vị Ban-thiền Lạt-ma (Panchen Lama),
chúng tôi ghé thăm một ngôi làng nhỏ. Nói là “một ngôi làng nhỏ” bởi vì nó là
một tập hợp của khoảng một chục ngôi nhà xây dựng rời rạc hai bên con đường
tráng nhựa chạy giữa một dải thung lũng rộng và khô cằn.
Ngôi làng này trông có vẻ khá giả hơn nhiều so với những
ngôi làng mà chúng tôi nhìn thấy trên con đường đi lên hướng đông-bắc của thủ
phủ Lhasa. Chamba, anh hướng dẫn viên trẻ tuổi của chúng tôi, đề nghị chúng tôi
vào thăm căn nhà nằm ngay bên kia đường, đối diện với nơi chúng tôi vừa bước ra
khỏi xe. Trời tuy có nắng vào buổi trưa nhưng gió tháng ba thổi rất lạnh nên
chúng tôi ai nấy vội vàng băng qua đường và lách mình qua chiếc cổng nhỏ chỉ mở
hé một cánh để bước vào bên trong.
Ngôi nhà khá lớn, xây theo kiểu truyền thống nửa nhà nửa
trang trại của vùng Tsang (phía tây Tây Tạng). Nhà có tầng lầu và tầng trệt,
nhưng nhìn từ bên ngoài thì không biết là có hai tầng, bởi vì tầng trệt không
có cửa sổ mà chỉ có một vài lỗ thông gió, và mặt tường bằng đá sơn trắng xây
liền từ dưới lên trên. Chạy ra đón chúng tôi là một cô gái nhỏ trạc độ 14, 15
tuổi. Ngay trước cửa chính dẫn vào nhà, chúng tôi nhìn thấy một con trâu yack
lớn và hai chú trâu nhỏ, chắc vừa mới sinh được vài tuần. Chamba trao đổi vài
ba câu với cô gái, sau đó quay sang mời chúng tôi đi vào bên trong nhà. Bước
qua ngưỡng cửa, mọi người ngạc nhiên một cách thích thú về cấu trúc của ngôi
nhà. Tầng trệt được thiết kế như một gian phòng lớn và sử dụng làm chuồng cho
trâu yack, dê và trừu, đồng thời cũng là nơi chứa rơm vào mùa đông. Tầng này do
không có cửa sổ – ánh sáng duy nhất là từ chiếc cầu thang bằng gỗ ọp ẹp dẫn lên
tầng trên – nên vào mùa đông chắc là ấm hơn nhiều so với bên ngoài. Mùi phân
súc vật khiến vài người trong đoàn hơi khó chịu.
Chúng tôi leo lên tầng trên của ngôi nhà. Thiết kế của tầng
này cũng khá đặc biệt: các gian phòng để ở và sinh hoạt được xây liền nhau tạo
thành một hình vuông lớn khép kín, bao quanh một chiếc sân lộ thiên cũng vuông
vức nằm ở giữa. Một người đàn bà trạc 40 tuổi hơn (thật ra rất khó đoán tuổi
của người Tây Tạng, vì khí hậu cùng với cuộc sống khắc nghiệt thường làm họ già
đi trước tuổi, nhất là phụ nữ) đang đứng ngoài sân cùng cậu con trai nhỏ khoảng
4, 5 tuổi. Bà tươi cười chào chúng tôi, nhìn chúng tôi một cách hiền lành nhưng
có vẻ xăm xoi, và quay sang nói gì đó với Chamba. Chắc là bà ta hỏi về xuất xứ
và mức độ lương thiện của chúng tôi. Chúng tôi cũng mỉm cười với bà để bày tỏ
thiện cảm. Phía bên kia sân, đối diện với nơi chúng tôi đứng, có một người đàn
ông gương mặt lam lũ nhưng khá trẻ đang ngồi trên một chiếc ghế thấp, lưng dựa
vào tường. Anh ta nhìn chúng tôi như quan sát, miệng cắn một cọng rơm dài mà
anh cầm trên tay. Khi bắt gặp tôi nhìn lại anh và có ý muốn chụp ảnh, anh
ngượng nghịu khoát tay như bảo “đừng chụp!” tuy không tỏ vẻ gì là khó chịu. Tôi
hỏi Chamba người đàn ông trẻ tuổi ấy là ai, có phải là chủ nhà không, nhưng
cũng ngụ ý hỏi rằng anh ta là gì đối với người đàn bà đang tiếp chuyện chúng
tôi.
Và đây là câu chuyện trao đổi giữa tôi và người phụ nữ (Người
phụ nữ) nông dân Tây Tạng ở vùng Tsang, qua nghệ thuật phiên dịch của anh hướng
dẫn viên trẻ tuổi và thật thà (Chamba):
Trần Chính – xin
phép được hỏi tên của bà?
Người phụ nữ – (cười) Tsering.
Chamba
– Tsering có nghĩa là “sống lâu”.
Trần Chính – cô
bé kia là con gái của bà?
Người phụ nữ – vâng (cười).
Cô bé có vẻ e thẹn, không dám nhìn chúng tôi.
Trần Chính – ngôi
nhà này là của bà?
Người phụ nữ – vâng, của tôi... không, đúng
ra là của gia đình chồng tôi.
Trần Chính –
người đàn ông ngồi đằng kia là chồng bà?
Người phụ nữ – (quay nhìn người đàn ông
trẻ) vâng, anh ấy là chồng thứ ba của tôi.
Mọi người trong đoàn nhìn nhau, ngạc nhiên một cách thích
thú.
Trần Chính – tại
sao lại là “chồng thứ ba”?
Chamba
– bởi vì bà ấy lấy cả ba anh em ruột, trong cùng một nhà.
Mọi người lại nhìn nhau.
Trần Chính – cả
ba anh em đều là chồng của bà ấy?
Chamba
– vâng.
Mọi người bắt đầu xì xào; Những câu hỏi đủ loại bắt đầu bật
ra từ những cái đầu hiếu kỳ và hay nghĩ bậy của một vài người trong chúng tôi
(trong đó có tôi!).
Trần Chính – bà
lập gia đình đã lâu chưa?
Người phụ nữ – (suy nghĩ)... tôi lấy ông
anh cả cách đây 17 năm, lúc tôi 20 tuổi; Sau đó một năm tôi lấy người thứ nhì,
em trai của anh ấy.
Trần Chính – còn
người thứ ba?
Người phụ nữ – (quay nhìn người đàn ông trẻ
ngồi đang ngồi phía bên kia sân và cười) anh ấy là em út, tôi lấy anh ấy cách
đây 10 năm.
Người đàn ông mỉm cười, có vẻ lúng túng và xấu hổ; Anh ta
đứng dậy và bỏ đi vào nhà.
Trần Chính – ông
ấy nhiều tuổi hay ít tuổi hơn bà?
Người phụ nữ – anh ấy nhỏ hơn tôi 5 tuổi.
Trần Chính – còn
hai người kia?
Người phụ nữ – ông anh cả lớn hơn tôi 3
tuổi, người em kế hơn tôi 1 tuổi.
Trần Chính – họ
đâu cả rồi?
Người phụ nữ – cả hai đều đang làm việc
ngoài đồng.
Chamba
– những người ở vùng này phần lớn làm nghề nông và sống định canh định cư.
Trần Chính – khi
nào họ mới về nhà?
Người phụ nữ – họ thường về nhà vào lúc
chiều tối.
Trần Chính – tại
sao ông chồng trẻ nhất của bà lại ở nhà?
Có tiếng ai đó nói đùa “tại vì anh ta được bà ấy cưng nhất
cho nên không bắt phải làm lụng”, và mọi người ồ lên cười.
Người phụ nữ – hôm nay đến lượt anh ấy ở
nhà. Ba anh em thay phiên nhau, mỗi người ở nhà một ngày để trông nom vợ con.
Trần Chính – bà
có phải ra đồng để làm lụng không?
Người phụ nữ – có chứ, khi nào công việc
nhiều và họ cần đến tôi thì cả bốn vợ chồng đều phải đi ra đồng làm việc. Nhưng
bình thường thì tôi ở nhà vì tôi phải trông 2 đứa con còn nhỏ; Tôi cũng có rất
nhiều việc nhà phải làm.
Trần Chính – bà
có tất cả mấy đứa con?
Người phụ nữ – ba đứa. Con bé này lớn nhất,
14 tuổi (chỉ vào đứa con gái). Thằng nhỏ là em út của nó, mới 5 tuổi.
Trần Chính – còn
một đứa nữa ở đâu?
Người phụ nữ – nó là đứa thứ hai, con trai,
8 tuổi, đi học chưa về.
[Ở Trung Quốc hiện nay, chính sách “một con” chỉ áp dụng đối
với người Hán; Những dân tộc thiểu số, trong đó có người Tây Tạng, được quyền
có nhiều con hơn]
Trần Chính – cô
con gái lớn không đi học sao?
Người phụ nữ – hôm nay tôi bắt nó nghỉ học
vì em nó bị bệnh, nó phải ở nhà trông em để tôi làm việc nhà.
Trần Chính – việc
nhà của bà là gì?
Người phụ nữ – (cười) nhiều lắm; Nấu ăn,
xay bột lúa mạch để làm bánh tsampa, vắt sữa trâu yack, đánh sữa làm bơ, đôi
khi làm cả pho-mát.
Trần Chính –
pho-mát làm bằng sữa trâu yack?
Chamba
– pho-mát làm bằng sữa trâu yack là một món ăn đắt tiền, thường để dành ăn với
trà-bơ.
Trần Chính – ngon
không?
Chamba
– ngon hay không còn tùy người; Riêng tôi thì rất thích.
Người đàn bà nói gì đó với Chamba và đứa con gái; Cô gái nhỏ
đi vào nhà bếp ở gần đấy.
Chamba
– lát nữa đây bà ta muốn mời quý vị dùng thử món pho-mát Tây Tạng làm từ sữa
trâu yack.
Trần Chính –
trong ba người chồng của bà, bà yêu người nào nhất?
Người phụ nữ – (cười, có vẻ e thẹn)...
người nào cũng tốt và cũng đều làm lụng giỏi.
Trần Chính – họ
có bao giờ ghen với nhau không?
Người phụ nữ – không, ba anh em rất quý
nhau; Đôi khi họ cũng có chuyện qua lại, xích mích giữa đàn ông ấy mà... nhưng
ghen thì không.
Trần Chính –
trong ba người, bà yêu ai nhất?
Người phụ nữ – (cười)...
Trần Chính – bà
không muốn trả lời cũng được.
Người phụ nữ – người nào cũng thương vợ
con. (Nhìn về phía căn phòng nơi người đàn ông trẻ vừa đi vào) ông chồng thứ ba
của tôi rất tốt với tôi; Anh ấy thường ở nhà với tôi nhiều hơn.
Trần Chính –
chúng tôi có thể vào thăm bên trong nhà không ạ?
Người phụ nữ – (vồn vã) vâng, được chứ, xin
mời vào, mời vào...
Chúng tôi và Chamba theo chân người đàn bà bước vào thăm các
gian phòng trong ngôi nhà ở tầng trên. Cô gái nhỏ tay cầm một chiếc khay lớn
bằng nhôm đang từ trong nhà bếp bước ra thì chúng tôi bước vào. Người mẹ đỡ lấy
chiếc khay, chìa ra trước mặt từng người chúng tôi và ân cần mời mọc.
Chamba
– bà ấy mời quý vị ăn thử món pho-mát Tây Tạng, làm từ sữa trâu yack, và làm
tại nhà.
Chúng tôi nhìn vào chiếc khay rồi lại nhìn nhau. Trong khay
chất đầy vun lên những khoanh pho-mát nhỏ quăn queo màu trắng ngà, có vẻ hơi
cứng như loại pho-mát gruyère của Pháp, trông rất hấp dẫn. Nhưng do tôi đã đến
thăm Tây Tạng nhiều lần và đã có khá nhiều kinh nghiệm về “hương vị” của những
sản phẩm làm từ sữa và thịt của loài trâu yack, nên tôi đành lắc đầu từ chối
khéo, lấy cớ là bụng yếu, ăn vào sợ có chuyện. Một số người trong đoàn đưa tay
nhón một miếng pho-mát để ăn thử.
Nhà bếp chiếm cả một gian phòng khá rộng, tối mò mò và nồng
nặc mùi mỡ trâu yack. Chúng tôi tìm hiểu cách nấu nướng hay chế biến một số món
ăn chính của người Tây Tạng, xong kéo nhau đi qua “phòng ngủ chính”. Master
bedroom đây rồi! Sở dĩ mọi người chú ý nhiều đến phòng ngủ là bởi vì chúng tôi
đang đi thăm ngôi nhà của một người đàn bà lấy ba chồng!
Phòng ngủ chính là gian phòng lớn nhất trong ngôi nhà, hình
chữ nhật. Bước vào, chúng tôi để ý ngay đến một chiếc tủ với hoa văn và màu sắc
sặc sỡ dựng ở góc phòng dùng làm bàn thờ Phật. Ngay gần cửa ra vào đặt một máy
phát điện loại gia-dụng, made in China. Phần lớn diện tích tường là cửa sổ
kính, kể cả phần vách ngăn với những phòng bên cạnh. Hai chiếc giường với kích
thước dài hơn là rộng được kê hai đầu đâu lại với nhau thành hình chữ L. Giường
không có nệm mà được trải bằng những miếng thảm len rất dày. Trên giường có mấy
tấm chăn bông kiểu Tàu cuộn tròn và nhiều chiếc gối vứt ngổn ngang. Dưới đất
thì đồ đạc lỉnh kỉnh bày la liệt. Người ta đun trà ngay trong phòng ngủ để làm
trà-bơ, đồng thời cũng để sưởi ấm.
Trần Chính –
những ai ngủ trong phòng này?
Người phụ nữ – tôi và hai đứa con trai nhỏ.
Trần Chính – cô
con gái của bà ngủ ở đâu?
Người phụ nữ – nó ngủ ở phòng bên cạnh.
Trần Chính – còn
mấy ông chồng của bà?
Người phụ nữ – cũng vậy, họ ngủ ở phòng bên
cạnh với con gái chúng tôi.
Trần Chính – cô
bé ấy là con của ông nào?
Người phụ nữ – (cười)... tôi không biết
nữa... nhưng chắc chắn nó không phải là con của người thứ ba.
Trần Chính – còn
hai đứa con trai?
Người phụ nữ – (nói như phân trần) tôi cũng
không biết... làm sao mà biết được?
Tôi quay sang Chamba: “hỏi những câu hỏi hơi tò mò vào đời
tư của họ có sợ làm bà ấy phật lòng không?”, Chamba cười xuề xòa: “không sao
đâu, quý vị cứ tự nhiên hỏi”.
Trần Chính – tôi
nghĩ rằng bà ấy chắc phải biết đứa con nào là của ông chồng nào chứ?
Chamba và người đàn bà trao đổi qua lại với nhau, trong khi
tôi nghe có một người trong đoàn cười khúc khích và bảo: “ăn chung ở lộn như
vậy, nếu là tôi chắc tôi cũng chịu, làm thế nào mà biết đứa nào là con của ông
nào!”
Chamba
– bà ấy giải thích rằng bởi vì cả ba ông chồng đều sinh hoạt thân mật thường
xuyên với bà nên khi có bầu bà không thể biết chắc người nào là cha của cái bầu
ấy.
Trần Chính – ba
đứa nhỏ xưng hô thế nào với ba ông chồng của bà?
Người phụ nữ – cả ba đứa con của tôi đều
phải gọi ông thứ nhất là “cha”, bởi vì ông là anh cả trong ba anh em.
Trần Chính – thế
hai ông em thì chúng gọi là gì?
Người phụ nữ – là “chú”, cho dù họ có là
cha ruột của chúng đi nữa, bởi vì phong tục là như vậy; Nhưng thật ra chúng đều
xem cả ba người là cha của chúng.
Chamba
– và cả ba ông chồng đều xem chúng là con chung.
Chúng tôi đi sang phòng bên cạnh, cũng là phòng ngủ. Thực ra
người Tây Tạng không có khái niệm “phòng ngủ”, mà đúng ra nơi họ ngủ, dù lớn
hay nhỏ, cũng đồng thời là nơi họ ăn uống và sinh hoạt. Cách bài trí trong gian
phòng này cũng gần giống như “phòng ngủ chính” mà chúng tôi vừa thăm; Cũng có hai
chiếc giường dài kê đâu đầu lại với nhau, với đồ đạc lỉnh kỉnh vứt la liệt khắp
nơi, chỉ khác là không có cái bàn thờ tô vẽ lòe loẹt.
Chúng tôi đi sang phòng kế tiếp, phòng này có vẻ sáng sủa
hơn vì tường sơn màu vàng. Cũng lại là phòng vừa làm chỗ ngủ vừa làm chỗ sinh
hoạt. Bước vào, chúng tôi nhìn thấy người đàn ông trẻ – ông chồng thứ ba của bà
Tsering, bà “sống lâu để... hưởng!” – đang ngồi ở một mép giường. Anh ta đứng
bật dậy, gãi đầu và mỉm cười với chúng tôi, vẻ lúng túng. Chamba nói gì đó với anh,
hình như là chào hỏi. Anh trả lời Chamba, xong quay sang nói chuyện với người
đàn bà.
Chamba
– ông ấy hỏi quý vị từ đâu đến, và ngạc nhiên là tại sao người Mỹ mà lại không
phải là người da trắng.
Trần Chính – chắc
ông ấy không biết là có cả người Mỹ gốc Tây Tạng!
Có lẽ cảm thấy không được thoải mái khi bị chúng tôi đổ dồn
hết những cái nhìn hiếu kỳ vào mình, ông chồng trẻ của người đàn bà bỏ đi ra
ngoài. Thằng bé con trai bà cũng chạy theo “chú” nó.
Trần Chính – tại
sao bà lại lấy cả ba anh em? Ai quyết định điều ấy?
Người phụ nữ – anh em họ quyết định.
Trần Chính – bà
có bị ép buộc không?
Người phụ nữ – (đỏ mặt, cười) tôi cũng bằng
lòng.
Chamba
– phong tục không cưỡng bức người phụ nữ phải lấy nhiều chồng. Luật pháp của
Trung Quốc cấm tình trạng đa thê hay đa phu, nhưng trên thực tế ở Tây Tạng
không ai ngăn cản cả bốn người họ chung sống với nhau.
Trần Chính – tại
sao cả ba anh em lại muốn lấy một mình bà?
Người phụ nữ – họ muốn bảo vệ điền sản và
cả tài sản do cha mẹ để lại.
Chamba
– họ không muốn phải chia nhỏ những thứ ấy ra. Giữ chung đất đai và tài sản thì
dễ sinh lợi hơn.
Trần Chính – và
cưới chung một bà vợ thì thú hơn! Tôi nói đùa, anh làm ơn đừng dịch lại. Nhưng
ai làm chủ tài sản ấy?
Người phụ nữ – ông anh cả là người đứng tên
đất đai và mọi thứ tài sản. Nhưng tất cả mọi thứ đều thuộc về tất cả mọi người.
Trần Chính – đất
đai có thật sự thuộc về quý vị không?
Chamba
– ruộng đất thừa kế từ ông bà cha mẹ thì người ta có quyền đứng tên, dù rằng
trên nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu của Nhà Nước. Ở Tây Tạng người thì ít đất
đai thì quá nhiều, cho nên sở hữu ruộng đất không quan trọng bằng khả năng khai
thác chúng.
Trần Chính – tài
sản của gia đình bà gồm có những gì?
Người phụ nữ – ngôi nhà này, những máy móc
và vật dụng trong nhà và đàn gia súc.
Trần Chính – có
tiền mặt không?
Người phụ nữ – (cười) có chứ.
Trần Chính – ai
là người giữ tiền?
Người phụ nữ – ông chồng thứ nhất của tôi.
Trần Chính – bà
có giữ tiền không?
Người phụ nữ – (cười)... cũng có... nhưng
không nhiều.
Trần Chính – có
bao giờ xẩy ra xích mích giữa ba anh em vì tài sản hay tiền bạc không?
Người phụ nữ – thỉnh thoảng cũng có xích
mích, tôi không rõ là chuyện gì... nhưng nói chung ba ông chồng của tôi rất quý
nhau, họ là anh em ruột thịt mà!
Trần Chính – bà
có dành ưu tiên cho người nào được vào ngủ trong phòng của bà không?
Người phụ nữ – (đỏ mặt, cười) ai muốn vào
với tôi cũng được, nhà của chung mà.
Trần Chính – họ
có bao giờ xích mích vì dành nhau chuyện ấy không?
Người phụ nữ – không, lúc nào hai ông em
cũng nhường nhịn ông anh cả.
Trần Chính – xin
lỗi bà, có bao giờ mấy ông chồng dùng vũ lực với bà không?
Người phụ nữ – không, không bao giờ.
Trần Chính – bà
yêu người nào nhất?
Người phụ nữ – (cười) người nào cũng đối xử
tốt với tôi... ông thứ ba quý mến tôi nhiều nhất.
Câu chuyện trao đổi giữa tôi và người đàn bà nông dân Tây
Tạng ở vùng Tsang hình như kết thúc ở đấy... Wow! Tôi thật cũng không ngờ rằng
nội dung câu chuyện lại cởi mở và có thể đi sâu vào những vấn đề riêng tư một
cách thoải mái như vậy.
Đoàn chúng tôi từ giã người đàn bà đa phu, ông chồng thứ ba,
hai đứa con và ngôi nhà khang trang của họ để tiếp tục hành trình đi Shigatze.
Và đó là một trong những kỷ niệm lý thú và khó quên trong chuyến du lịch thăm
Tây Tạng của chúng tôi vào mùa xuân năm ấy.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
NGƯỜI VIỆT LẬP LÀNG Ở QUẢNG TÂY, TRUNG QUỐC:
Lê Khôi giới thiệu
Tác giả: Trần Chính - nguồn: 2artickles@gmail.com
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét