MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

NHƯ HẠT BỤI ĐỜI - Truyện ngắn Nguyễn Thế Hoàng ; Đinh Hoàng Long giới thiệu

 


NHƯ HẠT BỤI ĐỜI

 

Nắng buổi trưa thật gay gắt. Con đường đất đỏ lồi lõm bũn bụi xuyên qua khu rừng rậm đến Trại cải tạo chỉ còn hơn ba cây số theo ước tính của Thoa. Từ sáng đến giờ ba mẹ con đã lội bộ hơn năm cây số đường rừng mệt lả người, mồ hôi ướt đẫm với sức cố gắng phấn đấu vào Trại để thăm nuôi chồng. 

Lần thăm nuôi chồng đầu tiên cách đây hơn năm cũng đã một lần mệt lả người vượt qua đoạn đường này khi mà Định cũng như các quân công cán chính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa sau ngày 30/4/l975 lần lượt ra trình diện và được công an Phường động viên cố gắng đi dự lớp học tập khoảng mươi lăm ngày rồi về lao động làm ăn để hiểu rõ chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước. Nghe họ bảo chỉ mươi mười lăm ngày Thoa có ý mừng trong bụng. Nhưng Định bảo là em đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm. Tụi việt cộng xảo trá, điêu ngoa, tráo trở không biết thế nào mà lường được. Anh không tin như thế. Việt cộng cưỡng chiếm được miền Nam thì chúng ta đã mất tất cả rồi. Anh hiểu cho thân phận mình. Bây giờ chưa thể làm gì được. Hãy cố nhẫn nhục chịu đựng rồi tìm cơ hội. Anh đi chưa hẳn là chấm dứt. Mình thua một trận, chứ cuộc chiến này chưa thua đâu em.         

Buổi tối cuối cùng hôm đó trước ngày khăn gói đến Phường trình diện, Định gom góp vài vật dụng cần thiết cá nhân, ít bộ quần áo cũ mùng mền cho vào ba lô. Còn lại đồng hồ đeo tay, chiếc nhẫn cưới ngày cũ và tiền bạc giao cho Thoa cất giữ. Chôn dấu giấy tờ hồ sơ cá nhân trong đời quân ngũ ở một nơi an toàn, không muốn để rơi vào tay lũ cộng việt dành khi sau này có thể còn sử dụng.          

Đêm ấy, Định không tỏ lộ sự lo âu sợ hãi. Anh rất bình tĩnh trước mọi biến chuyển đã và đang xảy ra. Chàng ân cần dặn dò vợ:

- Anh đi, nhà không còn nhiều tiền bạc để cho mẹ con em. Chỉ có ít vàng em cất giữ phòng thân. Nếu sau mươi lăm ngày anh chưa được về em nên bán ngôi nhà này về dưới quê tá túc với Ngoại. Em sống một mình trong ngôi nhà rộng thênh thang đầy ắp kỷ niệm của chúng ta giữa cái xã hội bát nháo thay người đổi chủ hôm nay em sẽ cô đơn buồn chán. Nhớ lời anh dặn Thoa nhé. Anh không chắc là anh được về sớm. Anh biết cho thân phận mình mà không thể làm gì khác hơn. 

Thoa nức nở nghẹn ngào:

- Anh đừng nói nữa. Em sợ lắm. Anh Định ơi! Em sợ lắm! Anh đi, rồi nhà cửa sẽ tiêu điều vắng vẻ. Mẹ con em sẽ phải chịu cảnh sống cơ cực bơ vơ. Dù gì, em không bán nhà, em quyết tâm gìn giữ nó, chờ anh về. Cho dù năm, mười, hoặc hai mươi năm, anh Định ơi, em có đủ can đảm chịu đựng  và chờ đợi anh...!!

Giữa đêm tăm tối của tháng ngày chất ngất niềm đau tủi nhục mất nước, Định nắm chặt đôi bàn tay của Thoa áp vào ngực mình:

- Anh yêu em mãi suốt trọn đời. Tình yêu mặn nồng đầm ấm đầu ấp tay gối quấn quít bên nhau trong bao nhiêu năm anh đã hiểu rõ đức tính đảm đang tháo vát của em. Em cố gắng thay anh lo cho ba đứa con của chúng ta. Em cần giữ gìn sức khỏe. Dù cho có lâm vào hoàn cảnh bi đát nào chăng nữa trong cuộc sống em phải giữ thủy chung với nhau. Thoa nhé!

Đêm ấy, Thoa đã khóc sướt mướt từng giờ trong vòng tay thân thương của chồng, vòng tay gói trọn niềm hạnh phúc ước mơ của người con gái từ lúc bước vào đời.

Rồi một tuần, mười lăm ngày, một tháng, rồi hai tháng Định vẫn chưa thấy về. Thoa bồn chồn lo sợ. Nỗi lo sợ mọi thứ cứ bủa vây tâm trí Thoa. Bé Hạnh, bé Mai, cu Toàn cứ đeo theo hỏi ba đi đâu sao không thấy về. Nhất là cu Toàn vừa lên ba, đi lẩm đẩm, nhớ cha, biếng ăn, biếng ngủ khóc suốt ngày. Rồi nó bị lên cơn sốt, làm kinh, giật tay chân, Thoa phải thức trắng mấy đêm chăm lo cho con, người phờ phạc khờ khạo!

Định vừa đi là Thoa nghĩ ngay đến sinh kế. Phải làm gì để nuôi con, nuôi chồng đây? Tháng trước Định và Thoa còn lãnh lương. Bây giờ kể từ tháng này và trở đi vĩnh biệt đồng lương, nguồn lợi tức duy nhất đảm bảo hạnh phúc gia đình. Giờ phải làm gì? Suy nghĩ, tìm kiếm, Thoa được một người bạn  rũ nhau hùn hạp mua bán xăng dầu. Xăng dầu mua của bọn bộ đội ăn cắp bán lại. Thoa và Hồng chung vốn mua góp dự trữ để bán lại cho các đầu nậu tổ chức đưa người vượt biển. Mỗi chuyến chở hằng trăm phuy lớn vừa dầu vừa xăng trên những chuyến xe ba-lua ra đến tận miền Trung, hoặc xuống Vũng Tàu, vùng lục tỉnh để giao. Hàng đi ban đêm vào giờ khuya qua mặt các Trạm kiểm soát, các nút chặn khám xét lưu động trên lộ. Cơ cực lắm lúc phải ngủ rừng ngủ bụi, đói khát dọc đường trong mỗi chuyến hàng phải mất mấy ngày đêm, có khi cả tuần lễ. Thật cực kỳ gian nan đuối sức và vô cùng cam go nguy hiểm, tràn trề lo âu sợ hãi. Những lần đi, Thoa phải gởi con ở nhà một người quen và trả tiền công cho họ. Những ngày ấy chúng nó bữa đói, bữa no. Đã vắng cha, giờ thỉnh thoảng lại vắng mẹ tạo cho chúng một ấn tượng cô đơn bơ vơ trong lứa tuổi măng non.

Những đêm nghỉ không chuyển hàng, ở nhà, từng đêm trong ngôi nhà vắng lạnh đầy ắp kỷ niệm yêu thương, Thoa nhìn các con say sưa giấc ngủ hồn nhiên. Thoa đã khóc, và khóc mùi mẫn trong nỗi nhớ chồng xa vắng, nỗi xót xa hẩm hiu cho thân phận cuộc đời, cho hạnh phúc gia đình đang đi dần đến tương lai mù mịt đen tối.

Những chuyến hàng đầu được trót lọt. Một vốn hai, ba lời. Thoa mừng rỡ hăng say trong công việc làm ăn và dự tính đi thêm đôi chuyến nữa rồi nghỉ, không thể kéo dài mãi vì cực kỳ nguy hiểm và cơ cực quá mức. Nhưng hai chuyến sau cùng bị điềm chỉ, bọn quản lý thị trường theo dõi bắt và tịch thu toàn bộ số hàng đang sắp chuyển lên xe. Thoa và Hồng phải tháo chạy bán sống bán chết để thoát thân không dám ra mặt nhận chủ hàng vì sẽ phải bị tù và phạt vạ gấp đôi.

Thế là tiền bạc đi đứt. Mãy cây vàng mà hai vợ chồng dành dụm được trong bao nhiêu năm giờ tan theo mây khói. Lần đầu tiên trong đời Thoa đánh mất một số lớn của cải do mồ hôi nước mắt tạo ra, Thoa cảm thấy thật chán chường, nằm trên giường vật vã mấy ngày liền biếng ăn biếng nói đến mụ người.

Giờ lại phải làm gì để lo cho chồng cho con? Định đã đi hơn sáu tháng rồi vẫn chưa thấy về. Có lẽ bọn cộng phĩ sẽ giam giữ anh nhiều năm, hoặc mút mùa, hoặc có thể không có ngày về như lời nhân gian đồn đãi. Nếu quả sự thật phũ phàng như thế thì em đâu còn can đảm để sống! anh Định ơi! Còn con cái của chúng ta!? Việt cộng gian manh, bịp bợm, mỵ dân. Bây giờ Thoa mới nhìn thấy rõ bản chất lưu manh khốn nạn của chúng. Dụ dỗ mọi người đi học tập chỉ mươi ngày rồi về, vậy mà đâu thấy có ai về! Láo thật!! Xã Hội Chủ Nghĩa đúng là Xạo Hết Chỗ Nói!!!

Dù sao cũng phải một lần đi thăm chồng và cho các con được gặp mặt cha. Tiền bạc mất sạch. Giờ chỉ còn lại duy nhất đôi xuyến một lượng. Đi thăm nuôi ra tận miền Trung mua một ít thực phẩm và vật dụng cần thiết cho chồng có tiện tặn dè xẽn lắm cũng mất 5 chỉ vàng. Những người đi thăm nuôi vừa rồi bảo thế. Cho dù thế nào cũng phải đi. Nỗi nhớ niềm thương xao xuyến  tâm cang từng giờ từng phút trôi qua. Hãy rũ chị Thuần cùng đi vì chồng chị ấy ở cùng Trại với Định và chị đã một lần đi thăm nên đã biết đường xá.

Nhưng lần thăm nuôi năm ngoái đó Thoa đã không gặp được Định. Thoa còn nhớ rất rõ nét mặt sắt đá vênh váo lạnh lùng đến độ tàn nhẫn của tên công an áo vàng nhóc con phụ trách thăm nuôi nói với Thoa như mủi dao nhọn đâm thấu vào ruột gan :''Vì lý do đặc biệt anh Định chưa thể được phép gặp người nhà. Đồ vật thăm nuôi của anh ấy tôi nhận chuyển. Chị về lo lao động cho thật tốt để anh ấy sớm được về. Nghe rõ? Dứt lời, tên công an nhóc con ra lệnh cho hai người tù nhận đồ thăm nuôi rồi hắn đi thẳng một mạch. Một trong hai trại viên nói nhỏ cho Thoa vừa đủ nghe, anh Định bị chúng tra tấn dã man, hành hạ bỏ đói, cùm chân và biệt giam . Chị an tâm, có chúng tôi, bề nào chúng tôi cũng phải đùm bọc với nhau. Vừa nghe nói, tay chân Thoa run lên, cảnh vật như quay cuồng, Thoa thét lên trong tiếng nấc nghẹn ngào..! Ba đứa con thấy mẹ khóc chúng cũng khóc theo, miệng kêu ơi ới... ba ơi!  ba ơi! thật thảm thương rã rời! Thoa ngồi bệt xuống đất ôm cu Toàn vào lòng vừa vỗ về vừa khóc rấm rứt. Mãy tên công an áo vàng giữ trật tự bãi thăm nuôi thấy vậy hét ầm lên: Thăm nuôi rồi đi về. Muốn khóc ông cho vô nhà giam mà khóc. Liệu hồn ...Lần thăm nuôi ấy sức khoẻ suy giảm, tinh thần căng thẳng ngột ngạt Thoa ngã bệnh cả tuần lễ. Cu Toàn bị nhiễm thương hàn phải đi khám tại bệnh viện mấy lần tiêu tốn hết một mớ tiền.                                                                     

Nghề giáo của chế độ cũ không được bọn cầm quyền mới lưu dụng trong đó có Thoa. Đa số đều cho nghỉ việc và thay thế những người từ Bắc vào và thành phần ''cách mạng 75'' . Đã không được lưu dụng việt cộng lại ra thông cáo răn đe tầng lớp giáo chức phải lo “lao động tốt, lao động là vinh quang”. Phải phát hiện và khai báo các ''tổ chức ngụy quân, ngụy quyền'' phản động. Hạn chế việc đi xa, nếu ai cần phải khai báo với nhà cầm quyền địa phương. Một số giáo chức bị đày ải trong các trại tù, tuy nhiên vẫn có một số trở cờ tố giác điềm chỉ để được lưu dụng. Thật bỉ ổi, nhớp nhúa quá! Thoa lo sợ cho bản thân mình sống trong cảnh dầu sôi lửa bỏng ngột ngạt. Thoa ớn sợ nhất là bọn mang băng đỏ mệnh danh ''cách mạng 75'' . Bọn này thường lui tới  dòm ngó gia cảnh của Thoa và những gia đình chúng gọi là ''ngụy quân ngụy quyền''. Chúng là những hung thần vô cùng độc ác chuyên quấy nhiễu đời sống người dân trong giao thời tranh tối tranh sáng. Ai cũng kiêng nể né tránh sợ hãi chúng, và còn nơm nớp run sợ bọn việt cộng tay sai nằm vùng đã xuất đầu lộ diện đang nắm trong tay quyền lực sinh sát theo ý thích vừa để trả thù vừa thỏa mãn cá nhân .Đêm đêm nếu có tiếng gõ cửa hoặc có tiếng chân người, tiếng rù rì to nhỏ bên ngoài nhà thì gia cảnh ấy thế nào cũng có đại họa. Không bắt bớ thủ tiêu, thì hãm hiếp, cướp của giết người, hoặc hù dọa, trù giập, tống tiền. Chính lũ việt cộng chính hiệu cá mập không ớn mà người dân quá ớn lạnh lũ đầu trâu mặt ngựa ''cách mạng 75'' và bọn ''nằm vùng'' đang chui đầu trỗi dậy khắp đó đây.

Từng đêm trong ngôi nhà thênh thang vắng lạnh, bốn mẹ con Thoa cảnh giác cửa đóng then gài, co rút vào một gian phòng nhỏ với tư thế sẳn sàng chịu đựng mọi hiểm nguy đưa đến trong tinh thần hết sức căng thẳng. Những hiểm họa bất hạnh triền miên vây hãm kiếp sống con người trong địa ngục trần gian.

Lo sợ những tai ách bởi đất nước vừa thay người đổi chủ, nhưng đói rách thì đầu gối phải bò. Thời gian vật vã tiền bạc mất trắng, Thoa đã suy tính chỉ còn cách ngồi bán thuốc lá lẻ trên lề đường. Nghĩ là làm. Làm bất cứ chuyện gì để có đồng tiền nuôi con, nuôi chồng trong tù. Bây giờ không phải thời gian ngồi đắn đo suy tính về thể diện, sự thấp hèn. Thân phận nhà giáo còn vinh dự gì đâu, giờ đen như mõm chó. Bốn giờ sáng thức dậy, đạp xe đạp đến lò bánh mì lấy bánh đi bán dạo khắp mọi nẽo đường trong khu phố cho đến khi mặt trời lên cao thì về nhà dọn tủ thuốc ra lề đường. Bé Hạnh mới mười tuổi phải nghỉ học ở nhà coi em. Mỗi buổi trưa nó phải ra thay mẹ trông coi tủ thuốc để Thoa về lo cơm nước, giặt giũ, tắm rửa con cái, Hằng ngày tiền lời của tủ bán lẻ thu vô chỉ đủ cho hai bửa ăn và bánh trái trong ngày. Nếu bệnh đau hoặc may sắm thì không biết tìm đâu ra. Thật sống dở chết dở. Có cơm cháo ngày hai bửa là giỏi lắm. Ngưng bán một ngày là ngày mai thâm vốn. Nếu như thế này thì không biết đến khi nào có tiền để thăm nuôi chồng.

Mỗi buổi tối, Phường tập họp dân để học tập cái gọi là chủ trương chính sách của ''chính quyền cách mạng'' cũng như thông báo các việc cần thiết do trên đưa xuống như là một số gia đình sẽ được đưa đi lập nghiệp ở vùng kinh tế mới và danh sách đang thiết lập, nếu có ai tình nguyện thì ghi tên. Mỗi  gia đình mỗi năm phải đi lao động xã hội chủ nghĩa 30 ngày, đi làm thủy lợi 15 ngày. Ai không đi phải đóng tiền trả công. Những gia đình có người thân đi học tập cải tạo phải lo lao động cho thật tốt, chấp hành nghiêm chỉnh ''chính sách cách mạng'' thì sẽ được sớm khoan hồng trở về với gia đình. ''Cách mạng'' đang truy xét một số nhà cửa để tịch thu. Nhà của ngụy quân từ cấp tá, của ngụy quyền từ cấp trưởng ty hoặc của thành phần ác ôn có nợ máu được chú ý đến. Những ai bị tịch thu nhà phải đi vùng kinh tế mới. Ngôi nhà của Thoa lại nằm trong diện bị tịch thu. Không biết họ thi hành luật lệ nào như vậy? Thật tàn nhẫn! Người sống có nhà, người chết có mồ. Các khu nghĩa trang họ đang ủi bằng để xây dựng nhà cửa hoặc lập khu kinh tế. Ai có tội bản thân người ấy chịu, hà cớ chi phải chiếm nhà, ủi mồ mã của người ta.

Ngôi nhà của Thoa do hai vợ chồng cùng tạo dựng vài năm nay, rộng rãi, khang trang, đầy đủ tiện nghi . Bây giờ nhà có bán cũng không ai dám mua. Không phải riêng Thoa mà còn rất nhiều người run sợ chủ trương ăn cướp này. Suy tính đắn đo mãi vẫn chưa tìm ra lối thoát. Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, việc gì đến sẽ đến, có lo rồi chẳng giải quyết được điều gì.

Sau hơn nửa tháng ngồi bán thuốc lá lẻ trên lề đường, Thoa đặc biệt chú ý đến một khách hàng. gã là một đàn ông trung niên, thường mặc thường phục và thường đi trên chiếc xe jeep nhà binh của chế độ cũ bỏ lại. Ngày hai bận sáng chiều gã thường ghé lại mua thuốc hút và thăm hỏi dăm ba câu chuyện thường tình vớ vẩn.

 

Rồi một hôm, Thoa nhớ rõ ngày ấy, Thoa vừa dọn tủ thuốc xong thì đột nhiên chiếc xe jeep của gã cập sát tủ thuốc. gã nhìn Thoa mỉm cười thân mật, nói giọng Nam lơ lớ miền Bắc:

- Thoa cho anh gói ba số.       

Nghe người khách lạ gọi đúng tên mình,  Thoa rất đổi ngạc nhiên, nhìn gã chăm chăm:

- Xin lỗi sao ông biết tên tôi, vì tôi và ông chưa hề quen biết?

Gã cười hì hì:

- Không những anh biết tên của Thoa mà còn biết cả gia cảnh của Thoa.

Gã bật lửa châm điếu thuốc rồi tiếp:

- Anh biết chồng của Thoa là thiếu tá Định, sĩ quan quân báo ngụy và làm việc cho CIA đúng không Thoa?

Nghe gã nói, Thoa chột dạ, hơi lo sợ và cảm thấy có chút gì e dè:

- Dạ..dạ...thưa ông...Chồng tôi đang đi học tập cải tạo, Phường bảo chừng mươi ngày thì về, nhưng mãi đến nay đã gần năm chưa thấy về. Tội nghiệp cho gia đình chúng tôi ông ạ!  Mấy đứa con dại bơ vơ nheo nhóc!

Gương mặt gã đanh lại. gã trề dài môi khinh khỉnh thật khó ưa:

- Hừm! Về sao được mà về. Loại ác ôn có nợ máu với nhân dân phải học tập cải tạo mút mùa mà rất có thể sẽ không có ngày về...đó...người đẹp.

Nghe gã nói, Thoa chết điếng người, tay chân run lên, muốn ngộp thở trong lúc gã khách hàng chăm chăm nhìn Thoa đầy thỏa mãn thích thú.

Thoa run rẩy ngập ngừng:

- Xin lỗi...ông là ai? Ông đã nói đùa cho vui đấy chứ? Chồng tôi là lính Việt Nam Cộng Hòa, không có làm quân báo hay CIA gì cả. Xin lỗi...có phải ông làm ...''cách mạng'' không ?

Gã vênh váo bộ mặt đáng ghét :

- Anh là Tạo. Thoa cứ gọi anh là anh Tạo. Anh là “chính quyền cách mạng”. Anh không nói đùa mà là nói thật. Nói như vậy có nghĩa là Định đã được hưởng ''chính sách khoan hồng của cách mạng'' rồi đấy. Nếu không thì cũng đã xanh cỏ rồi, chẳng có ngày về với vợ con.

Nghe Tạo nói, Thoa suýt bật cười cho cái gọi là ''chính sách khoan hồng'' của bè lũ việt cộng là như thế sao, sao thấy nó không giống ai hết. Đày ải người ta trong lao tù đến mút mùa không có ngày về còn nói là khoan hồng cái nỗi gì?

Thoa nhắc lại với ý tò mò muốn dọ hỏi tìm hiểu:

- Ông Tạo, ông làm ''cách mạng'' hả?  Sao ông  biết rõ gia cảnh của tôi?

Tạo vẫn vênh nét mặt khinh khỉnh trông phát tỡm:

- Không làm ''cách mạng'' chứ làm cái gì đây?  Làm  ''cách mạng'' lâu rồi  ở trong Nam , tập kết ra Bắc 54 và vừa mới hồi kết, hiện đang quản lý khối hồ sơ ngụy quân nên biết rõ gia cảnh và lý lịch của từng gia đình nhất là gia đình của Thoa.

Thoa bồn chồn:

- Gia cảnh của tôi có gì đặc biệt mà ông Tạo chiếu cố dữ vậy?

 Tạo ra vẻ bí mật:

- Đó là chuyện phải làm. Nói cho đúng hơn là ''lệnh'' của ''chính quyền cách mạng'' sau khi tiếp quản thành phố được ''chỉ thị đặc biệt'' cho những người làm ''cách mạng'' như anh đây. Riêng anh thì...rất có cảm tình và thích thú khi nghĩ đến Thoa và gia cảnh của Thoa nên mới có sự quan tâm của anh.

Trước câu trả lời úp mở  có vẻ bí mật và nghe hơi hướm không mấy lịch sự, bộc lộ sự sàm sỡ, Thoa muốn phản ứng vài câu sửa trị cho bỏ ghét. Nhưng nghĩ lại, chưa thể được, vì qua gã này, Thoa có thể may ra biết thêm được về thân phận hiện tại của chồng mình.

Thoa ướm lời mở đầu câu chuyện:

- Xin cám ơn ông Tạo. Gia đình tôi đâu có gì đặc biệt mà ông Tạo quan tâm. Hơn nữa, giữa tôi và ông chưa được quen biết và hiểu nhau nhiều tôi xin ông đừng bận tâm. Tôi là đàn bà có chồng, chồng tôi đang đi học tập cải tạo, gia cảnh đơn chiếc, khó khăn, nếu ông thương cho gia cảnh neo đơn của chúng tôi, ông có thể có cách nào giúp cho chồng tôi sớm được về với vợ con. Chúng tôi hết sức biết ơn và hậu tạ.

Tạo cười hềnh hệch:

- Vì vậy, hôm nay anh đến đây cũng mục đích là vậy. Hy vọng Thoa hãy cho anh được tới lui thường xuyên và Thoa cần gì anh sẳn sàng giúp đỡ.

Dứt lời, Tạo liếc nhìn Thoa nở nụ cười rất tình rồi phóng xe đi thẳng. Thoa nhìn theo chiếc jeep nhà binh quen thuộc mà Định trước đây cũng thường sử dụng đang mất hút ở cuối đường với nổi chơi vơi vừa nuối tiếc những điều cần biết mà chưa được thỏa mãn.

Ngày lại ngày, mỗi buổi sáng cũng như chiều tối Tạo vẫn ghé vào tủ thuốc bên lề đường để mua thuốc lá và trao đổi đôi câu chuyện với Thoa. Những gì Thoa cần biết về chồng mình, Thoa tìm đủ mọi cách moi tin nơi Tạo, nhưng Tạo không bao giờ nói thêm một điều gì mới lạ về Định và cứ quanh quẩn trả lời thẳng thừng mỗi khi Thoa hỏi về Định :''Anh đã nói với Thoa nhiều lần, đừng bao giờ nghĩ đến cái tên ngụy quân ác ôn nợ máu với nhân dân ấy nữa. Hắn sẽ học tập mút mùa và sẽ không bao giờ có ngày về như Thoa mơ ước và trông đợi. Thoa bây giờ còn quá trẻ, đẹp, nhu mì, đầy nét duyên dáng, tương lai cuộc đời còn  dài hãy lo bản thân và nên làm lại cuộc đời...''

Hừ! đâu phải dễ dàng chối bỏ mọi thứ để được sung sướng cho riêng bản thân. Tình nghĩa vợ chồng trong bao nhiêu năm chung thủy có nhau không thể một sớm một chiều trở trái làm mặt. Vì vậy, Thoa thường phản ứng mạnh mỗi khi nghe Tạo  nói năng sàm sỡ :'' Ông Tạo ơi, ông đừng bao giờ xúi dại tôi những điều không tưởng như vậy. Tôi yêu cầu ông chớ bao giờ gieo những suy nghĩ bất hạnh cho gia đình chúng tôi. Nếu không, chúng ta đừng bao giờ gặp nhau và xin chấm dứt tới lui chỗ tôi buôn bán hằng ngày''. Những lần như thế, Tạo lại cười làm lành, xin lỗi, nói những lời dịu ngọt, vỗ về khiến cho Thoa có giận cũng trở lại vui cười làm lành.

Đã vậy, thời gian sau đó, mỗi lần ghé lại Tạo thường mang theo quà cáp, vật này món nọ biếu Thoa và cho các con của Thoa, mặc dù Thoa luôn  từ chối. Từ đó, sự giao tiếp ngày thêm thân mật, thường xuyên gần như thói quen, nếu hôm nào chậm trễ hoặc vắng mặt thi gần như có sự trông đợi.

Trước hoàn cảnh vui buồn lẫn lộn của cuộc sống xa vắng chồng triền miên tiếp diễn hằng ngày với bao nỗi nhớ thương mong đợi chồng chan hòa nước mắt, tím cả tâm cang, Thoa hằng tự nhủ lòng hãy quyết tâm gìn giữ thật vững vàng trách nhiệm làm vợ, làm mẹ trong gia đình, đừng vì hoàn cảnh nào đó mà làm vẩn đục nghĩa tình chung thủy với Định.

Nhưng thực tế cuộc sống thì thật vô vàn mọi khó khăn bủa vây. Những nhu cầu tối thiểu và rất cần thiết cho đời sống của bốn mẹ con Thoa hằng ngày thiếu trước hụt sau. Tủ thuốc lá lẻ bên lề đường thật nhỏ nhoi ít vốn và thùng bánh mì nóng mỗi sáng tinh sương đạp xe đi bán dạo mọi nẽo đường trong khu phố chỉ đủ cho cơm cháo ngày hai bữa. Bánh trái cho các con ngày có ngày không. Hôm nào có ký heo quay, vịt quay, ký lạp xưỡng , gìò chả...trái cây, bánh trái...của Tạo biếu thì các con của Thoa vui hẳn lên và nhìn chúng ăn uống no nê ngon miệng trong sự thích thú hồn nhiên của tuổi thơ, Thoa ứa nước mắt cho nỗi bất lực của người sinh thành dưỡng dục chúng nó.

Niềm đau tủi nhục cho thân phận mình, cho đất nước biến đổi cảnh tang thương, Thoa đã khóc, khóc vật vã trong từng đêm dài cô đơn mệt mỏi. Anh Định ơi, anh đi rồi, chưa biết ngày nào anh trở về lại với mẹ con em. Trách nhiệm em chưa chu toàn cuộc sống gia đình. Con cái chúng ta nheo nhóc, thiếu thốn, thất học. Nhà cửa rồi sẽ bị tịch thu, em phải đi kinh tế mới, em phải làm thủy lợi, làm lao động xã hội chủ nghĩa ...Anh hãy tha thứ cho em. Lạy Trời xin phù trợ gia đình con. Không biết ngày nào em có đủ khả năng đi thăm anh đang bị hành hạ đói khổ trong tù. Gần hai năm rồi còn gì, mẹ con em chưa được gặp mặt anh ! Em vô cùng thèm khát được nhìn thấy anh dù chỉ trong giây lát! Vậy mà, em đang phải bất lực trong nỗi ước mơ nhỏ nhoi đó!

Vào một buổi tối tháng trước, Thoa đang chuẩn bị dẹp hàng ra về, thì Tạo cập xe sát lề đường bên tủ thuốc, tắt máy, xuống xe đến ngồi trên chiếc ghế nhỏ cạnh Thoa. Tạo nhìn Thoa hăm hở hỏi:

- Còn sớm mà Thoa định dọn hàng về?

- Vâng. Hôm nay mệt, choáng váng nhức  đầu khinh khủng, phải về nghỉ ngơi sớm một chút.

Tạo vồn vã:

- Anh chở Thoa đi bác sĩ nhé? Trở trời, sức khỏe yếu, không khéo ốm nặng nguy hiểm.

- Cám ơn anh Tạo. Em chỉ cần uống thuốc cảm là khỏe ngay, có gì đáng lo lắng để làm phiền lòng anh.

Vừa nói Thoa vừa loay hoay sắp xếp những gói thuốc lá vào giỏ xách. Tạo rút điếu thuốc châm lửa, rít từng hơi dài, nhả khói, nhìn Thoa:

- Thoa,  anh hỏi thật. Thoa thích buôn bán như thế này phải không? Chán lắm. Vừa mệt mỏi suốt ngày đến tối mà thu nhập không là bao cả.

Thoa ỡm ờ:

- Vậy chứ em biết phải làm gì bây giờ đây anh Tạo?  Trong thời buổi này với hoàn cảnh của em khó mà tranh đua với ai được.

Tạo hỏi dồn:

- Không lẽ Thoa đành chấp nhận cuộc sống mãi như thế này vậy sao?

Thoa cúi mặt như có ý che dấu nét thãm bại đang hằn sâu trên gương mặt. Tiếng nói Thoa nghe mệt mỏi chán chường:

- Đành vậy thôi... anh Tạo...đến đâu hay đến đó. Em cũng chẳng còn lối nào mà suy tính.

Im lặng giây lát, Tạo cất tiếng hỏi:

- Thoa à ! nếu có phương tiện kinh doanh làm ăn khác khá hơn, Thoa có muốn không?

- Nghĩa là gì?..Thoa ngập ngừng ...bản thân và gia đình em hiện thời khó có thể, trừ khi nào chồng em được trở về may ra...sẽ làm lại từ khởi đầu mà thôi.

Tạo đứng dậy bước đến gần Thoa đang đứng dựa lưng vào thân cây lớn mắt nhìn bâng quơ cảnh vật trên đường. Tạo nói nhỏ:

- Chuyện Thoa cứ nói chồng sẽ trở về là hão huyền không bao giờ phải xảy ra, Thoa đừng nghĩ viễn vông xa rời thực tế.

Tạo vừa nói, vừa đưa cho Thoa một gói nhỏ:

- Thoa hãy cầm lấy cái này để “định hướng làm ăn mới”. Thoa đừng từ chối.

- Anh đưa cho em cái gì thế, anh Tạo? Thoa hỏi nhanh.

- Thoa cứ mở ra xem.

Thoa ngập ngừng,chần chờ trong trạng thái thản nhiên và im lặng, tay vẫn còn cầm gói giấy nhỏ cho đến khi Tạo giục lần nữa , Thoa làm theo như cái máy , mở vội lớp giấy bọc bên ngoài lộ ra chiếc hộp nhỏ màu đỏ hình chữ nhật. Thoa mở vội chiếc hộp nhỏ và những thẻ vàng óng ánh xếp bên trong. Thoa trố mắt ngạc nhiên:

- Vàng! Này...anh đưa cho em làm gì? Em...em không dám nhận và cũng không đủ tư cách nhận đâu. Anh hãy giữ lấy...anh Tạo.

Thoa vội trả chiếc hộp đựng vàng cho Tạo, nhưng Tạo phác tay bảo:

- Anh tặng Thoa 5 lượng vàng để làm vốn buôn bán hoặc sử dụng gì đó tùy nghi theo ý Thoa. Chút ít vậy thôi, mong Thoa thực sự hiểu lòng anh và nhận lấy.

- Em đã nói em không đủ tư cách để nhận quà tặng của anh. Em vẫn còn đủ sức chịu đựng cuộc sống thiếu hụt hiện tại...cho đến lúc chồng em trở về...anh Tạo.

Tạo mỉm cười đấn điệu :

- Thoa vẫn cứ xa vời thực tế. Nếu Thoa không nhận của anh biếu thì Thoa cứ xem như anh cho Thoa mượn tạm, lúc nào dư dã sẽ tính sau.

Dứt lời, Tạo bước vội ra xe, nổ máy, phóng xe nhanh trên hướng đường phố. Thoa đứng lặng người tay vẫn còn đang cầm giữ chiếc hộp đựng vàng xinh xắn mà cõi lòng ngỡ ngàng, chơi vơi. Nàng không cảm giác được mình đang vui hay buồn. Tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Phấn khởi, chán chường đảo lộn trong suy nghĩ của Thoa. Cầm hộp vàng trong tay, Thoa cảm thấy mình đang tiến gần đến tội lỗi. Món quà tặng này là mủi tên tẩm thuốc độc đang ghim sâu vào lòng trung trinh chung thủy của Thoa đối với Định. Rồi những gì sẽ xảy ra cho mình sau này? Xấu xa? Tốt đẹp? Hãy chấp nhận cuộc đời với những gì đang có trong tầm tay. Hãy trả vàng lại cho Tạo. Thoa suy nghĩ và thề quyết phải như thế.

Những ngày kế tiếp Thoa chờ Tạo đến để trả lại món quà, nhưng biền biệt hai mươi ngày rồi Tạo vẫn không thấy ghé lại. Có lẽ anh ta bận đi công tác xa.  Tình cảm con người thường bị chi phối và chuyển biến trong tầm mức suy diễn. Thực tế và mơ mộng cuống hút nhau, quấn quít rồi quật ngã trong những lúc mềm lòng yếu đuối. Hai mươi ngày vắng Tạo, Thoa cảm thấy bồn chồn mong nhớ. Tình cảm mới lạ manh nha đang như có những lối rẽ. Thời gian như phương cách huyền diệu đủ phân tích lý lẽ để đắn đo cân nhắc theo đòi hỏi nhu cầu cuộc sống dần dần nghiêng ngã về thực tế. Mà cuộc sống bây giờ là cơm, áo, gạo, tiền . Cảnh nhà neo đơn thiếu thốn quẩn bách không lối thoát. Con cái nhỏ dại bơ vơ. Ngoại cảnh xã hội chèn ép, chực chờ vây hãm mọi thứ. Nhà cửa rồi sẽ bị tịch thu. Đi làm thủy lợi. Đi lao động xã hội chủ nghĩa. Đi khu kinh tế mới. Mọi người trong khu phố, cũng như các nơi đang lần lượt và rồi sẽ đến phiên Thoa. Chạy trời không khỏi nắng. Rồi còn những đóng góp quỷ bảo trợ những gia đình liệt sĩ thương binh, những thứ thuế  mà họ ban bố và còn nhiều thứ đắng cay lạ đời của cái xã hội mạnh được yếu thua luôn luôn kiềm kẹp người dân thấp cổ bé miệng kêu trời không thấu.

Hơn hai năm chưa thấy mặt chồng, các con chưa nhìn thấy cha. Nỗi nhớ niềm thương tím cả ruột gan, hừng hực xói mòn nội tâm từng giờ từng phút. Dù gì đi nữa, đã hai năm rồi cũng phải đi thăm nuôi Định một lần nữa để cho tâm trí có thể được quân bình, tâm hồn có được chút bình yên, cho dù Thoa vẫn hiểu rằng trong thế lực của kẻ tự nhận là chiến thắng Tạo đã sử dụng vật chất, vàng bạc và bằng mọi cách bao vây chiếm đoạt mình cho bằng được. Thoa đã có kết luận sự việc kể từ lúc khởi sự quen biết Tạo cho đến hôm nay, mà con đường đi tới thì thôi, mọi sự để hạ hồi phân giải, bây giờ liều lĩnh...cứ nắm bắt lấy phương tiện vừa có trong tay để thỏa mãn mơ ước đang cần thiết trước mắt... 

*   *   *

Mệt mỏi lả người. Mồ hôi vã ra như tắm. Bé Hạnh mười hai tuổi, mặt mày đỏ lưởng đang còng lưng mang trên đôi vai gầy yếu chiếc gùi nhỏ đựng bị gạo trắng mười ký đi thăm nuôi ba. Nó bước đi từng bước chập choạng dưới ánh nắng gắt xế chiều. Bé Mai chín tuổi, đi chân đất, đầu đội chồng bánh tráng cồng kềnh được gói bằng giấy dẩu, lê lết đôi bàn chân nhỏ trên mặt đường phì phọt bũn bụi. Chuyến thăm nuôi lần này Thoa phải gởi cu Toàn cho người hàng xóm và đã lẻn trốn nó để đi trong đêm khuya. Phần Thoa đang phải gắng sức chịu đựng chiếc đòn gánh đè nặng trên vai  với hai chiếc giõ nặng hai đầu đựng đầy thực phẩm và các vật dụng cần thiết. Gồng gánh đối với Thoa giờ đây là một sự hành xác. Được sinh ra, lớn lên trong cuộc sống chưa bao giờ Thoa phải kê vai gánh xách một thứ gì. Hai vai Thoa tê nhức và người như muốn lụn xuống, bước đi lựng khựng, thân người cứng ngắt, đôi tay thong thỏng rất ngượng nghịu. Vậy mà Thoa vẫn cố sức chịu đựng từ sáng khi chiếc xe đò chở khách ngừng lại ngoài đường lộ bỏ ba mẹ con Thoa lội bộ vào quãng đường rừng này.

Con đường đất đỏ vào Trại thật vắng. Thỉnh thoảng mới có chiếc Honda hoặc xe đạp lướt qua rồi mất hút sau các lùm cây. Mệt mỏi, ê ẩm cả người, cả Thoa, bé Hạnh, bé Mai, không cảm thấy đói, và cứ thế, đi một quãng xa ngừng lại nghỉ chân, rồi tiếp tục đi cho đến khi mặt trời gần lặn ba mẹ con mới đến được Trại.

Trại tù cải tạo nằm trên một vùng đất rộng, nhiều dãy nhà lợp bằng tôn được bao bọc chung quanh là rừng rậm âm u trùng điệp bát ngát. Thỉnh thoảng thấp thoáng có bóng người đi lại. Thật im vắng và trầm lặng lạ thường.

Ngôi nhà thăm nuôi cách cổng Trại khá xa. Mặt sau có con sông lớn, nước chảy mạnh trong vắt. Ba mẹ con đã vào đến nhà thăm nuôi. Nhà lợp bằng tranh, vách dựng bằng những cây dầu tươi ghép lại. Bên trong có hai dãy sàn dài được bện bằng tre. Phía trước sân là một dãy bàn dài, hai bên có băng ghế dài để ngồi dùng cho thân nhân gặp người nhà đang cải tạo. Thoa đã quen thuộc cảnh này khi đi thăm nuôi chồng lần đầu năm ngoái. Nhà thăm nuôi cũng thật vắng, bên trong tối tăm, ẩm thấp. Thoa để đồ vật trên bàn. Ba mẹ con ngồi xoãi dài trên dãy ghế nghỉ sức.

- Chừng nào ba mới ra gặp mình hả má? Con nhớ ba quá à má.

- Tối nay mình ngủ ở đây hả má? Trông tối tăm âm u ghê quá đi !

- Ừa, ngày mai các con mới gặp được ba các con. Bây giờ tối rồi không ai cho mình gặp đâu. Thoa vui vẻ trả lời các câu hỏi của con. Ngồi nghỉ một chập, chúng ta xuống sông rửa ráy.

Sau khi ở dưới sông lên lại nhà thăm nuôi, bé Mai, bé Hạnh kêu đói Thoa lấy bánh mì cá hộp cho con. Thoa vẫn mệt chưa thấy đói. Vừa ăn xong chúng đòi đi ngủ. Thoa sắp xếp lại đồ đạc vào bên trong sàn tre trong dãy nhà gần sát cửa ra vào và để cho hai con ngủ. Thoa cẩn thận lấy áo đắp cho chúng. Bóng tối chan hoà cả bên trong và bên ngoài nhà thăm nuôi. Không một ánh đèn. Không một đóm lửa. Nhìn vào trong khu Trại cải tạo chỉ là bóng tối mênh mông dày đặc. Lưa thưa một hai ánh đèn le lói, mờ mờ ở dãy nhà phía trước. Cổng Trại đóng kín không người gác. Chỉ duy nhất có một tháp canh cao ở phía bên khu rừng, có lẽ có người trên đó. Trông thật rợn người. Thoa cảm thấy ớn lạnh, ghê sợ cảnh vật chung quanh. Thân phận đàn bà yếu đuối trong cuộc đời chưa bao giờ Thoa bị lạc lõng giữa đêm đen trong rừng sâu thanh vắng xa xôi như thế này. Giờ đây chung quanh mình là mọi sự hiểm nguy đang rình rập bũa chụp. Thoa rùng mình đứng nép bên mép cửa cạnh hai đứa con đang say sưa giấc ngủ mệt mỏi. Thỉnh thoảng Thoa đưa mắt nhìn sâu vào bóng tối bên trong dãy nhà thăm nuôi rồi lại nhìn chăm chú từng khối dày đặc tối đen bên ngoài. Trong vùng tối mênh mông đầy tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái côn trùng rên rỉ, và thỉnh thoảng những tiếng động, tiếng kêu kỳ lạ vang lên từ đâu đó. Thoa cảm thấy mình quá liều lĩnh. Có bề gì bất trắc xảy đến biết phải kêu cứu với ai. Giờ đây, chiếc đòn gánh là vũ khí tự vệ duy nhất. Thoa cầm chặt lấy nó như một sức mạnh bảo vệ bản thân. Lần thăm nuôi năm ngoái đi với chị Thuần có tổ chức mướn xe cùng đi cùng về. Lần thăm nuôi này vì quá nhớ thương chồng tê dại cả thân xác và tâm hồn nên Thoa đột xuất đi một mình, chỉ quyết mong sao để nhìn thấy mặt Định. Anh Định ơi, khoảng cách chúng ta có là bao mà vẫn chưa được gần nhau. Thật oái ăm vô lý quá!

Đột nhiên, Thoa chú ý có dạng người ở phía xa đang di động trên lối đi vào nhà thăm nuôi. Thoa chăm chú nhìn, lòng lo sợ và ớn lạnh cả người. Thoa cầm chặt chiếc đòn gánh trong tay để giữ vững tinh thần. Dạng người đang di động và tiến lại gần. Bóng hai con người. Thật im lặng và nhẹ nhàng. Người hoặc ma? Khiếp quá! Toàn thân phát run nỗi da gà, tay chân luống cuống lập cập! Thoa nép sát người vào cạnh khung cửa hai tay kiềm giữ chặt chiếc đòn gánh. Bóng người đến gần hơn và chợt ánh đèn pin bật sáng rọi vào chỗ Thoa đứng.

- Ai đó? Tiếng đàn ông quát rùng rợn.

- Dạ...dạ...tôi...tôi đi thăm nuôi chồng. Thoa lắp bắp trả lời.

- Sao đi thăm nuôi ai chừng này?

- Chồng tôi tên Định. Tôi đi bộ nên đến không kịp. Dạ...dạ...thưa ông.

Ánh đèn pin ngừng lại trên người Thoa từ đầu đến chân trong vài giây rồi soi vào bé Hạnh, bé Mai và đồ đạc trên sàn tre. Bị ánh đèn pin phản chiếu  Thoa không còn nhìn thấy gì nữa và chơi vơi trong bóng tối. Thoa không nhận diện được họ là thành phần nào, có lẽ là bọn công an trong Trại đi tuần tra. Thoa lờ mờ thấy hai người đi sâu vào trong dãy nhà thăm nuôi và khi trở ra trên tay có chiếc đèn lồng. Họ để đèn trên bàn dài và bật lửa thắp sáng. Đúng là hai tên công an áo vàng của Trại mặt mủi non choẹt. Thoa có phần vững bụng. Một trong hai tên hỏi tên họ người thân trong Trại rồi dặn dò:

- Chị hãy treo đèn lồng này trước cửa và yên tâm nghỉ ngơi. Nhớ đừng đi lại trong đêm xung quanh nhà thăm nuôi. Chín giờ sáng mai chúng tôi sẽ cho gặp người nhà. Nhớ giữ vệ sinh và đừng phóng uế bừa bãi. Phải thi hành nghiêm chỉnh nội quy Trại và lao động thật tốt để anh ấy sớm được về đoàn tụ với gia đình. Nghe rõ?

Dứt lời, chúng bỏ đi ngay về hướng cổng Trại. Thoa suýt bật cười cho ''luận điệu dạy đời'' thật nhàm chán của cái chế độ tàn ác dối trá này mà nơi nào cũng nghe thấy. Hai tên công an áo vàng đi rồi, Thoa cũng vẫn còn đứng nép sát bên cạnh khung cửa hồi lâu, rão mắt định hình cảnh vật chung quanh. Giờ có được chiếc đèn lồng treo trên cửa tỏa ánh sáng le lói vàng bệch giúp cho Thoa dần dần làm quen được khung cảnh lờ mờ trống vắng bên trong dãy nhà và khoảng sân hạn hẹp phía trước. Thoa cảm thấy bớt lo sợ. Nàng nhìn hai con và đồ vật thăm nuôi. Chúng đang ngủ say hơi thở khò khè mệt nhọc. Thật tội nghiệp cho chúng. Thoa ngồi sát đầu sàng tựa lưng vào vách nhà duỗi thẳng hai chân tìm sự thoải mái. Chiếc đòn gánh vẫn nằm ép bên cạnh là vũ khí duy nhất để tự vệ giúp cho Thoa thêm vững tinh thần. Đêm tối càng dài, càng sâu thẳm. Từng cơn gió rít trong rừng cây xung quanh nghe ớn lạnh cả người. Từ hôm qua đến giờ ngồi xe mấy chặng rồi lội bộ, thân thể rã rời mệt mỏi. Bụng cảm thấy đói mà không buồn ăn, thèm một giấc ngủ dài nhưng không thể nào chợp mắt. Thoa chỉ còn trông sao cho trời mau sáng để được gặp mặt chồng. Những vui buồn kỷ niệm của ngày tháng sống hạnh phúc, những diễn biến cuộc đời kể từ lúc mất nước, rồi Định đi, mọi thứ mọi chuyện xảy đến cho Thoa, những bất ngờ quen biết Tạo cứ triền miên đi qua trong vùng tối lờ mờ trước mặt Thoa trong một trạng thái xáo trộn, chấp nối, xô bồ chèn ép lẫn nhau.

Qua hai năm xa vắng chồng, giờ sắp được gặp mặt, Thoa phải nên suy tính những gì cần nói với Định và những gì không thể nói. Thoa cố gắng không muốn than vãn về cuộc sống khó khăn của gia đình, những gút mắt éo le của cuộc đời, những thua lỗ trong sinh kế, những ngoại cảnh phức tạp, xô bồ của xã hội, mong sao để cho Định vẫn có một sự an tâm như ngày đầu tiên chàng rời khỏi gia đình bước chân vào tù. Một ngày trong tù tội lao lý dài bằng trăm năm ngoài đời thì sự kham  khổ bên ngoài có nghĩa lý gì đối với cảnh tù đày ải đói khát, thiếu thốn và mất tự do. Thoa phải tỏ rõ một niềm tin và sự đảm đang quán xuyến của mình để cho chồng vững dạ mà cố gắng phấn đấu vượt qua những ngày tháng xa cách.

Giữa đêm tăm tối nơi rừng núi xa lạ, trong tầm suy nghĩ tiếp nối hình ảnh và tình thương yêu chồng thì mọi sự quen biết với Tạo vẫn chen lấn rạch ròi thôi thúc. Quen Tạo gần tròn năm từ khởi đầu giữa kẻ mua người bán, giữa tình người giao tiếp giờ đã tiến dần đến thân mật với những tình cảm nẩy nở. Có thể là cảnh nhà đơn chiếc, cuộc sống thiếu hụt mọi mặt bằng những giúp đỡ thực tình của Tạo trong suốt thời gian qua đã khơi cho Thoa một cảm tình chân thật biết ơn mà Thoa thường lưu tâm suy nghĩ. Nếu thực sự đúng hẳn như thế thì chỉ là sự thường tình của người thọ ơn. Thoa cố gắng ép giữ lòng trong một chừng mực giới hạn. Nhưng vừa rồi Thoa lại nhận vàng của Tạo. Nhận trong cưỡng ép, thôi thúc và vô điều kiện. Trả lại không nhận, chẳng lẽ vứt vào thùng rác. Có đem sử dụng thì càng mang ơn và rồi thế nào Thoa cũng đoán biết sẽ còn nhận thêm những món quà khác nữa. Từ đó, Thoa rất có thể phải đánh đổi một bù đắp nào đó mà chắc chắn rằng không thể từ chối được. Nhận vàng của Tạo, Thoa có phương tiện đi thăm nuôi chồng để quân bình lại tình cảm nhớ thương thì cũng đành chịu vậy cho việc phải làm, lại còn có thể chuyển đổi công việc làm ăn thu nhập khá hơn giải quyết phần nào những khó khăn cuộc sống. Thực tế không chối cải. Nhận ơn nghĩa của kẻ thù của chồng là phản bội lý tưởng của chồng, là đồng lõa. Thoa hết sức thấu hiểu những suy nghĩ, nhưng luôn luôn bị dằn co bởi nhu cầu thực tế trong một trực giác suy tính cuộc đời đang bị bần cùng hóa giữa xã hội băng hoại.

Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời đã lên cao, ba mẹ con Thoa đã sẳn sàng mọi thứ để sắp được gặp chồng, gặp cha sau hai năm xa cách. Bé Hạnh, bé Mai vui vẻ, cười nói líu lo khiến cho Thoa cảm thấy lòng vui vui ấm áp. Có vài gia đình đến thăm nuôi bằng xe Honda thồ. Họ đi từ sáng sớm và là người địa phương nên trông họ không lộ vẻ mệt mỏi đang cười nói vui vẻ.

Đã 9 giờ. Từ phía cổng Trại, hai tên công an áo vàng đang tiến ra nhà thăm nuôi. Thoa và mọi người hồi hộp chuẩn bị. Một trong hai tên công an ra lệnh mọi người phải ngồi ngay ngắn thứ tự trên băng ghế dài phía bên trong bàn và sắp xếp đồ thăm nuôi ngay ngắn trước mặt.  Hắn hỏi tên họ từng người và tên họ người học tập cải tạo để ghi vào tập giấy cầm sẳn trên tay.

Khi đến lượt Thoa, nàng khai báo, tên công an cũng ghi vào tập giấy. Ghi xong, hắn cắn bút ngần ngừ suy nghĩ vài giây rồi đưa tập giấy cho tên công an kia nhìn vào. Chúng thì thầm như đang hội ý một điều gì. Chỉ vài giây sau, cả hai cùng gật gật đầu như tỏ rõ xác định vấn đề gì đó. Tên công an kênh kiệu hỏi lại Thoa:

- Chồng chị là Lê Duy Định, ngụy quân như chị đã khai báo...có phải không?

Thoa linh tính như có sự gì bất trắc, lòng bồn chồn lo lắng :

- Thưa cán bộ, đúng vậy. Có gì trở ngại không cán bộ? Đã hai năm, tôi chưa gặp mặt được chồng tôi.

Tên công an áo vàng nhìn thẳng vào mặt Thoa, điềm nhiên trả lời tỉnh bơ, tay nhịp nhịp cây viết vào tập giấy đang cầm ở tay:

- Tôi báo cho chị biết, anh Lê Duy Định đã chuyển Trại ra Bắc được tháng nay. Loại ác ôn có nợ máu với nhân dân, đánh phá ''cách mạng'' cần phải được cải tạo dài hạn cho đến khi nào cải tạo tốt mới cho về sum họp với gia đình. Chị muốn đi thăm nuôi anh ấy, hãy về địa phương làm đơn trình xin các cấp khi được chấp thuận hãy đi.

Cả bầu trời tối tăm như đang sụp đổ trước mặt Thoa. Thoa luống cuống:

- Thưa cán bộ, tôi đâu biết Trại nào, ở đâu mà đi? Cán bộ không cho tôi biết được sao?

- Chị về làm đơn họ sẽ cho chị biết. Điều cần thiết tôi nhắc chị là muốn cho chồng được về sớm, chị phải lo lao động cho thật tốt và chấp hành nghiêm chỉnh “chính sách đường lối của chính quyền cách mạng''. Chị nghe rõ?

Dứt lời hai tên công an áo vàng cười hì hì như thỏa mãn bản tính kiêu ngạo của kẻ gọi là chiến thắng, vừa bước đi vừa chỉ chỏ vào số người còn đang chờ thăm nuôi:

- Mấy người này chờ đây, chốc nữa sẽ được thăm. Nhớ đừng đi lại linh tinh, giữ vệ sinh và không được phóng uế bừa bãi. Nghe rõ?

Thật là tàn nhẫn! Bao dự tính và sự mong đợi thăm chồng trở thành bọt nước. Những lời nói của tên công an áo vàng như nhát búa bổ vào đầu Thoa tối tăm mày mặt. Thoa không còn khả năng để khóc trong sự nhớ thương như lần thăm nuôi năm ngoái đã không gặp Định. Thoa đứng lặng người, mím chặt môi như cố dồn nén sự căm tức, uất hận, điều thua thiệt đang ngùn ngụt sôi sục trong lòng. Bé Mai, bé Hạnh đứng tiu nghĩu nhìn Thoa chăm chăm hỏi tới tấp. Tại sao mình không được gặp ba hả má? Ba đi xa chừng nào về? Má ơi, con nhớ ba quá! Sao ba không ra đây hả má? Thoa ậm ừ trả lời, ôm hai con vào lòng trong vòng tay yêu thương mẫu tử giờ đây chỉ còn lại duy nhất trong tầm tay. Hồi lâu Thoa bảo:

- Thôi, chúng ta về.

Nói xong, Thoa soạn lại đồ vật thăm nuôi, lấy lại vài món cần thiết cho vào một giỏ xách. Còn lại bao nhiêu Thoa điều đình với hai người đàn ông Honda thồ nhận lấy giùm để chở ba mẹ con Thoa ra đến đường lộ sớm cho kịp đón xe về Saigon.

Thế là hết. Biết đến bao giờ Định mới trở về, không lẽ ở tù mút mùa. Những kết tội vô cùng hiểm độc như là thành phần ác ôn, có nợ máu với nhân dân, đánh phá''cách mạng'', cải tạo dài hạn, học tập mút mùa,  không có ngày về ...mà Tạo, rồi mấy tên công an áo vàng, rồi miệng lưỡi thế gian rêu rao liên tục cùng khắp, Thoa nghe thật rờn rợn người và rất có thể sẽ trở thành sự thật không chừng. Những ấn tượng vô cùng xấu xa tồi tệ ấy đã lung lạc đày đọa tâm tư Thoa vô cùng ác liệt qua từng chuỗi ngày gian nan trong cuộc sống tạo một dấu ấn khũng khiếp, hụt hẫng,  cho cuộc đời đang như đánh mất niềm tin.

*   *   *

Đã mấy ngày rồi Thoa vật vã với căn bệnh sốt rét rừng lâu lâu lại tái phát hậu quả của những năm sống chui rúc khốn khổ ở vùng kinh tế mới. Vì không còn đủ sức chịu đựng nỗi cuộc sống trầm kha nơi đèo heo hút gió, rừng thẳm núi cao, mà lũ cộng việt khốn nạn này đã áp đặt cho mỹ từ ''vùng kinh tế mới'' để đày ải ''những thành phần đáng quan ngại'' của tầng lớp người chế độ cũ  tách ra khỏi thành phố, làng mạc, Thoa đã phải lén trốn về lại thành phố mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo và sống lây lất ở nhà Liên, người bạn đồng nghiệp cũng nghèo xác xơ đồng chung cảnh ngộ. Bệnh hành hạ sức khoẻ Thoa ngày suy yếu, thuốc thang chữa trị thiếu thốn, ăn uống thiếu dinh dưỡng đã làm cho Thoa kiệt sức.

Nghỉ bệnh hơn tuần lễ, hôm nay Thoa gắng gượng cầm tập vé số trở lại trên các nẽo đường. Gần quá trưa, mệt lã người Thoa ghé vào một quán nước bên đường nghỉ chân. Vừa ngồi xuống ghế đã nghe mấy người ngồi bàn kế bên đang bàn tán xôn xao về tin tức có một số đông tù cải tạo ngoài Bắc vừa được thả về trong mấy hôm vừa qua. Vừa nghe thấy thế, Thoa hơi giật mình, chợt tỉnh hẳn người, tinh thần chao đảo. Thoa cố gắng tỉnh trí nghe ngóng. Họ bảo là đông lắm, mấy mươi người thuộc thành phần chế độ cũ đã cải tạo mười sáu mười bảy năm gì đó giờ mới  được khoan hồng cho về với gia đình. Có người còn nêu danh tánh một số người tù cải tạo được tha về nhưng Thoa không nghe nhắc đến Định. Thoa suy đoán mơ mơ màng màng có thể có Định về cùng chuyến này. Đầu óc Thoa bấn loạn rã rời cho một thực tế hết sức phũ phàng cùng kiệt. Mười bảy năm xa Định, mười bảy năm chao đảo lầm than vất vả sa cơ và bị cướp đoạt toàn bộ.

Thoa không còn nghe thấy gì những lời bàn tán điều này chuyện nọ của số người ngồi bàn bên cạnh về những chi tiết thực thực hư hư quanh câu chuyện tù cải tạo từ Bắc về. Cảnh vật chung quanh lúc này thật mờ ảo và nước mắt Thoa chảy dài trên gương mặt bơ phờ mệt mỏi. Tháng năm đường dài trong thương đau tăm tối của mười bảy năm xa chồng như một ác mộng triền miên.

Từ một năm sau ngày thăm nuôi chồng không gặp mặt vì Định chuyển trại ra Bắc, tinh thần Thoa bị lung lay chao đảo trước những ấn tượng hãi hùng mà lũ việt cộng đã rêu rao kết tội một cách độc ác đối với lớp người phục vụ chế độ cũ. Cạnh đó, cuộc sống khó khăn trăm bề trong hoàn cảnh xã hội chuyển đổi đầy dẫy bóc lột, bất công và trước sự dụ dỗ chinh phục ráo riết của Tạo, Thoa đã ngã lòng làm vợ của Tạo.

Về làm vợ Tạo, cuộc sống vật chất, tiền bạc khá đầy đủ. Tạo đã gầy dựng cho Thoa làm chủ một sạp bán vải tại chợ Saigon. Các con của Thoa được cắp sách đến truờng. Nhà cửa của Thoa không bị tịch thu theo án lệnh nhờ có Tạo đỡ đầu, nhưng sau đó, Tạo yêu cầu Thoa phải sang tên cho Tạo để cho vững vàng hơn về mặt pháp lý. Thoa vui vẻ chấp nhận và tin tưởng có gì đi nữa cũng là nhà của mình còn nguyên vẹn và đang sử dụng. Cuộc sống ngày càng khá hơn, hằng năm không phải đi làm thủy lợi, không đi lao động xã hội chủ nghĩa, không còn ác mộng đi kinh tế mới, không phải đóng góp quỷ này quỷ nọ một cách bất công phi lý, mà lại trong tay còn có chút thực quyền nhờ vào thế lực của Tạo trong cơ quan nhà nước.

 Những năm chung sống với Tạo, Thoa đã có với Tạo một đứa con. Cuộc sống hạnh phúc không còn những lo lắng suy nghĩ như trước, mặc dầu Thoa vẫn biết Tạo đã có gia đình vợ con còn đang ở ngoài Bắc. Đối với Tạo, cũng yêu thương Thoa, và thỉnh thoảng Thoa có hỏi tin tức về Định nhưng vẫn bị Tạo gạt đi  lắm lúc còn nhiếc mắng Thoa là ảo tưởng mơ mộng rỡm . Đôi lúc Tạo nhắc đi nhắc lại câu nói: Anh chiếm đoạt được em hôm nay, nghĩa là anh đã “hoàn thành nhiệm vụ”, đồng thời vợ con anh ngoài Bắc cũng không có quyền ghen tương anh ''. Mỗi lần nghe Tạo nói thế, Thoa thấy lờ mờ khó hiểu và Thoa có hỏi, yêu cầu giải thích Tạo chỉ cười im lặng không nói thêm lời nào. Mãi rồi, Thoa chẳng còn bận tâm chuyện đó trong cuộc sống bận rộn hằng ngày trong gia đình, con cái , và công ăn việc làm bên ngoài.

 Tuy nhiên, con người vẫn có những giây phút im ắng tĩnh mịch để cho cõi lòng lắng động trong suy tư riêng rẽ với những phản bác của lương tâm. Thoa tự tra vấn mình, có phải mình đã phản bội chồng con, phá vỡ hạnh phúc gia đình, thất hứa lời thề ước với người vắng mặt. Lời thề ước còn văng vẳng bên tai mà 17 năm về trước Thoa đã thỏ thẻ với chồng '' Dù gì, em không bán nhà, em quyết tâm gìn giữ nó chờ anh về, cho dù năm, mười hoặc hai mươi năm. Anh Định! em có đủ can đảm chịu đựng và chờ đợi ...và mãi mãi là vợ của anh. Nghĩ thế, Thoa ứa nước mắt, tủi thẹn, rồi tự bào chữa, đổ lỗi vì hoàn cảnh, vì cuộc sống, vì sự yếu hèn lòng dạ đàn bà, vì đam mê mọi thứ, vì đời người có giới hạn...vì...và mọi thứ vì, bởi, tại ...mà gây nên. Rồi Thoa tự bào chữa bản thân trong hoàn cảnh xã hội hôm nay, các bạn bè của Thoa như chị Hồng, chị Liên,Thủy, Đào, Yến, Hương, Uyên, Hoa...và còn nhiều người đàn bà khác ở khắp nơi cũng đã ngang nhiên đạp đổ gia đình đi lấy người đàn ông khác trong lúc chồng đang bị đày ải trong lao tù cải tạo của cộng sản. Mà lạ thay, không hiểu tại sao mình cũng như họ chỉ lấy bộ đội, lấy cán bộ, lấy đảng viên cộng sản không ngoài ai khác. Thoa tra vấn, suy nghĩ trong loanh quanh, lẩn quẩn không lối thoát để rồi đương nhiên u mê chấp nhận một hiện trạng phải có. Thoa lại càng cảm thấy không cô đơn trong thực trạng mình đã làm và nếu có kết hợp cũng thành một tập thể ... một tập thể chỉ như những hạt bụi đời tăm tối!

Sống với Tạo qua nhiều năm, khi đứa con của Thoa và Tạo lên 8 tuổi thì tính tình Tạo bắt đầu thay đổi. Tạo trở nên thầm lặng, ít nói, cau có, ích kỷ và xiết chặt tiền bạc chi tiêu. Thường xuyên trong gia đình xảy ra những bất hòa, gây gỗ và Thoa đã phải thường xuyên lãnh nhận những trận đòn nhừ tử man rợ của Tạo. Bé Hạnh vừa tròn 21 tuổi, xinh đẹp, duyên dáng Tạo buộc phải bỏ học nửa chừng, ở nhà nấu ăn, giặt giũ chăm sóc nhà cửa. Tạo đê hèn tìm cơ hội làm chuyện dâm loạn, hãm hiếp bé Hạnh khiến cho nó bỏ nhà đi hoang cho đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy tung tích đứa con yêu quý. Thoa vô cùng đau đớn, thương con quyết làm cho ra lẽ, đưa Tạo ra tòa án, nhưng đã bị hắn hăm dọa đến tính mạng qua các trận đòn nhừ tử, Thoa đành chịu lép vế cũng vì nghĩ đến những đứa con còn lại. Mất đi miếng mồi ngon béo bở chưa thỏa mãn thú tính dâm dật đê hèn, Tạo càng lồng lộn ngược đãi Thoa ra mặt.

Họa vô đơn chí, tai họa dồn dập xô đến phủ xuống đầu Thoa tối tăm mày mặt như những ngọn sóng thần khũng khiếp phũ chụp đại dương. Vợ con của Tạo từ ngoài Bắc vào ngang nhiên chiếm đoạt nhà cửa, của cải, tiền bạc và đứa con riêng của Tạo và Thoa, rồi xua đuổi Thoa, bé Mai, cu Toàn ra khỏi nhà với sự hỗ trợ của Tạo.

 Trước tình trạng đối xử cực kỳ man rợ của vợ chồng con cái của Tạo, Thoa liều mạng không rời khỏi ngôi nhà của mình và tìm mọi cách đối phó. Nhưng Tạo đã âm thầm sắp xếp công việc để tránh ảnh hưởng xấu cho bản thân hắn trong gia đình và ngoài xã hội.

Bất ngờ, vào một buổi sáng có xe công an đậu trước nhà và được Tạo ra tiếp đón. Rồi mấy tên công an áo vàng vào nhà gọi đích danh ba mẹ con Thoa ra nhận án lệnh. Án lệnh kết tội Thoa là vợ của ngụy quân ác ôn, có nợ máu với nhân dân, và bản thân của Thoa là giáo chức dưới chế độ cũ đã dạy dỗ nhồi sọ học sinh chống phá ''cách mạng'', tác hại đến công cuộc chống Mỹ cứu nước, phản bội dân tộc. Nay đương sự cần phải được tập trung học tập cải tạo. Nhưng “chính quyền khoan hồng” cho phép được đi lập nghiệp tại vùng kinh tế mới dưới sự giám sát của an ninh địa phương. Đương sự phải ra sức lao động, làm nên của cải vật chất giúp ích cho bản thân và xã hội, chuộc lỗi lầm trong quá khứ và để cho chồng cải tạo sớm được trở về đoàn tụ với gia đình. Đương sự sau khi nghe án lệnh, ký tên và nghiêm chỉnh chấp hành lệnh tức khắc, nếu phản kháng sẽ bị trừng trị theo luật pháp.''

Sự đời là như vậy, mạnh được yếu thua! tráo trở! điêu ngoa!  khốn nạn! Tiến thối lưỡng nan. Trong cô thế thấp cổ bé miệng không thể cựa quậy được gì khi đã lọt vào chiếc rọ sắt. Đột nhiên, Thoa bật cười lớn một cách hồn nhiên vô tư lự và sẳn sàng ký tên chấp nhận cái gọi là ''án lệnh'' trước nỗi kinh ngạc vừa vui mừng của vợ chồng con cái của Tạo và mấy tên công an áo vàng kênh kiệu.

Vùng kinh tế mới ở tận miền Trung xa xôi trong rừng núi đèo heo hút gió, khô cằn sỏi đá, xa cách làng mạc hằng trăm cây số. Tại đó cũng đã có một số gia đình đang sinh sống trong cuộc sống hết sức tồi tệ thiếu thốn mọi mặt. Thoa được cấp phát vài vật dụng để dựng một mái chòi nhỏ che nắng đụt mưa, cuốc xẽng, hạt giống gieo trồng, một số tiền nhỏ, hai bao gạo ẩm mốc, vài chai nước mắm và ít ký muối hột. Chỉ chừng đó thôi cho cuộc sống tự lực mưu sinh trên vùng đất hoang vu dày đặc cây rừng, thú dữ, muỗi mòng, rắn rít. Một địa ngục của trần gian cách biệt hẳn thế giới loài người bên ngoài. Hằng tuần một lần, có một chiếc xe hàng nhỏ ra vào mua bán đổi chác. Xa xôi, hẻo lánh, nhưng vẫn có mặt bọn an ninh theo dõi trông chừng mọi hành động gọi là bất chính của người dân bị đày ải.

Ngày tháng trôi nỗi cười ra nước mắt trong cuộc sống mà mọi thứ tồi tệ khốn cùng tại khu “kinh tế mới”, nhiều lúc Thoa đã tức giận đấm ngực, nghiến răng tại sao không phản kháng tố giác hành vi bất chính thô bạo cướp của hại người của Tạo và trách cứ mình quá dễ dàng chấp nhận cuộc sống đày ải này.

 Năm sau, bé Mai bỏ trốn khỏi vùng kinh tế mới. Nó để lại vài hàng báo cho Thoa biết, nó sẽ đi tìm cha nó bằng mọi cách. Lạy Trời xin phù hộ cho con tôi được an lành. Bé Mai bỏ đi thì cu Toàn ngã bệnh sốt rét rừng sau đó đến lượt Thoa cũng bị bệnh hành hạ. Không thuốc men, chỉ chữa trị tạp nhạp bằng các loại lá cây rừng, thiếu ăn, rách rưới lạnh lẽo, cu Toàn đã chết sau hơn năm nhiễm bệnh. Thoa khóc lăn lóc, chết giấc hằng giờ và được bà con trong khu kinh tế giúp đỡ cứu sống.

 Thoa như gốc cây khô cháy đứng bơ vơ giữa trời cao. Chồng con, nhà cửa, tài sản, danh dự, và quyền sống con người đã mất trắng, thân tàn ma dại, không một điểm tựa, không một hy vọng, một ước mơ... Thoa chán đời, quyên sinh lại cũng được bà con khu kinh tế cứu sống lần thứ hai. Thoa bỏ trốn về lại Saigon, lang thang trên các vỉa hè, may mắn gặp Liên, người bạn đồng nghiệp cũ cũng có chồng đi cải tạo, ở nhà lấy bộ đội, bị tên sở khanh cướp đoạt nhà cửa tài sản rồi tống cổ ra khỏi nhà, nhưng may mắn không bị đày ải vùng kinh tế mới như Thoa.

Gặp lại Liên, được bạn đưa về tá túc trong căn nhà vách lá chật chội vùng ngoại ô Bình Chánh rồi cùng giúp nhau đi bán vé số dạo sinh sống qua ngày...

*   *   *

Đẩy nhẹ cánh cửa liếp bước vào nhà, Thoa đã nghe tiếng Liên hỏi vọng ra:

- Thoa về đấy hả, bồ có nghe gì không?

Thoa ỡm ờ:

- Nghe cái gì?

Giọng Liên chậm rãi thật buồn:

- Nghe họ bảo mấy hôm nay tù cải tạo ngoài Bắc về đông lắm, nghe có cả anh Thức của mình cũng về và hình như cũng nghe có cả anh Định nữa thì phải?

Thoa phân vân:

- Mới vừa nghe mọi người bàn tán ngoài phố và Thoa cũng nghĩ là có thể có anh Định về, vì ở cùng trại với anh Thức.

Hai người im lặng trong cùng suy nghĩ. Có tiếng thở dài, Thoa dọ dẫm bạn:

- Vậy chị tính sao?

- Tính...tính cái quái gì bây giờ? Nhục nhã ê chề! Xấu hổ ghê tởm!  Còn mặt mủi nào mà nhìn chồng nhìn con chứ!

Thoa bào chữa:

- Đâu phải riêng gì mình, còn có nhiều người đồng cảnh ngộ như mình. Từ lâu rồi  Thoa đã có suy nghĩ có thể họ đã bũa giăng một chiến dịch vô cùng thâm độc.

- Một chiến dịch? Chiến dịch gì?  Liên lẩm bẩm trong ngờ vực.

- Trước đây, đôi lúc Tạo có úp mở chuyện này mà đã có lần Thoa kể cho Liên nghe. Cũng như khi ở vùng kinh tế mới Thoa có nghe mấy người ở đó rỉ tai cho nhau rằng sau khi cưỡng chiếm được miền Nam bọn giặc cộng phát động một chiến dịch vô cùng độc ác bằng cách phá nát gia cang đối với thành phần quân công cán chính với khẩu hiệu “Tụi nó ta đày - Vợ nó ta lấy – Con nó ta trị”.  Hồi đó, Thoa không chú ý, bây giờ nhìn rộng ra mới vỡ lẽ. Thoa đinh ninh có thể là như vậy.

Liên cười dòn, trách cứ:

- Mình cũng đã nghe phong phanh như vậy. Đó cũng có thể là một nguyên do. Nhưng chung quy cũng do bọn đàn bà mình ra cả. Ai bảo cứ tèm hem...thòm thèm làm chi...có đúng không nào?  Họ có bám theo chọc ghẹo, tán tỉnh, tìm cách này cách nọ tấn công mình tới tấp để cố chiếm đọat mình, nhưng mình cứ giữ thái độ im lặng, nghiêm chỉnh, đứng đắn, phớt lờ, hoặc phản ứng mạnh  thì làm gì có chuyện...phải thế không?

- Biết vậy chứ, nào có ai chối cãi đâu. Ngặt họ đeo mình như đỉa. Lòng dạ đàn bà yếu đuối dễ...sa ngã, dễ sai đường lạc nẻo lắm!

Liên thú nhận:

- Chính là như vậy. Ở Liên đây đã giữ lòng chừng mực, giới hạn tình cảm đúng nơi đúng lúc nhưng mà không hiểu tại sao chỉ một phút yếu lòng dễ sa chân. Nói thì nghe được lắm, nhưng khi đụng chuyện thì... hỏng bét, cả Thoa cũng thế, có khác gì đâu.

Thoa phân trần:

- Có nói gì thì nói, chúng ta phải nhìn nhận đã phản bội chồng con, phá vỡ hạnh phúc gia đình, đánh mất niềm tin, lòng chung thủy trung trinh trong lúc chồng đang bị đày ải trong lao tù cải tạo. Số người hư hỏng như chúng ta hôm nay không hẳn là ít, phải không Liên? Thử hỏi phải do từ đâu đã biến thể chúng ta trở nên hư hỏng. Ngày xưa, Liên cũng như Thoa và như những người khác, chúng ta là những con người tư cách,  đức hạnh, từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Ai cũng có cuộc sống tốt đẹp, lương thiện,  mẫu mực. Đột nhiên, vận nước tang thương, thay người đổi chủ, xã hội xáo trộn, nhiễu loạn. Rồi từ đó đã thui nướng chúng ta hư hỏng. Chính ''hắn'' là quỷ đạo hận thù, môi trường xúc tác tạo điều kiện hư hỏng hết thuốc chữa, Liên nghĩ đúng không?

Thoa ngừng nói, cơn ho kéo đến ngột ngạt khản cả tiếng, mệt phờ người. Trốn khu kinh tế mới về đây lâu rồi, mà chứng sốt rét rừng đến hôm nay chưa dứt hẳn, lâu lâu bệnh lại hành hạ Thoa. Liên đang nằm dài trên võng đong đưa qua lại kẽo kẹt, đầu óc nặng chĩu theo từng lời nói của Thoa và đang có những suy nghĩ đồng thuận với bạn.

Thoa gượng gạo phân trần:

- Cuộc đời chúng mình hư hỏng đáng chê trách. Bây giờ cảm thấy thèm được cuộc sống ngày xưa nhưng làm sao có lại được. Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, vẫn có đa số những người đàn bà bền gan phấn đấu trước cuộc sống khó khăn, giăng đầy cạm bẫy, tần tảo sớm hôm nuôi con, nuôi chồng trong lao tù cải tạo. Họ đã vượt thoát ra được bao cạm bẫy thâm độc trong một mẫu mực chịu đựng bền bĩ. Giờ thì họ đã và đang đón nhận nguồn hạnh phúc trong niềm vui tự hào để tiếp đón chồng từ trại tù cải tạo trở về, chứ không phải trốn lánh lo sợ như chúng ta. Chính họ là những người đàn bà Việt Nam mẫu mực đáng được vinh danh và kính phục. Chúng ta lại thua kém họ...tại sao vậy?...thế nghĩa là thế nào!?

Liên khuyên giải:

- Chuyện dĩ lỡ, có than trách cũng không làm được gì. Đời chúng mình coi như chấm hết. Mấy ổng về có thông cảm hiểu cho mình hay không là tùy mấy ổng, ai biết được.

Thoa đoán chừng :

- Nếu như các anh ấy thực sự đã về trong mấy hôm nay, đi tìm vợ con nhà cửa không thấy có lẽ cũng thất vọng chán chường. Không biết rồi ăn đâu, ở đâu. Liên có nghĩ là các ông lùng sục tìm bọn mình không nhỉ?

Liên ngồi chồm dậy xì một tiếng lên mặt:

- Gớm..! lại còn tơ tưởng mơ mộng cái nỗi gì? Thân phận như hạt cát hạt bụi cuối đường lầy lội tăm tối, lắm lúc muốn sử dụng liều thuốc ngủ vĩnh viễn ngàn thu, vậy mà không đủ can đảm! Hỏng hết!

Thoa nhìn bạn nguýt dài:

- Thôi đi chị hai ơi, nghe mà ghê thấy mồ! Trong bao rũi ro vẫn còn có cơ may kia mà. Chị Liên có biết không, chúng ta đã đánh mất cơ hội đi Mỹ, tiếc thật! Anh em tù cải tạo H.O 1, H.O 2 đã rời khỏi Việt Nam đi định cư tại Hoa Kỳ gần năm rồi đấy. Các anh ấy về thế nào cũng làm giấy tờ xin đi, chứ sống ở xứ này chịu sao cho nổi với chúng nó. Vậy là mình tuột...tuột dốc...rồi!

Liên cười hì hì:

- Khéo nói không, chứ còn bám víu vào đâu mà không tuột...là cái chắc. Ngày trước lũ việt cộng vừa cưỡng chiếm miền Nam, có những người đã tỏ ra thái độ không mấy thân thiện đối với thành phần quân công cán chính chế độ cũ đang sa cơ thất thế, rồi bị hốt gọn vào tù không biết ngày về nên giá trị thân phận của họ ngày càng sa sút rẻ rúng.   Bây giờ thì mỗi người tù cải tạo được thả về lại được vinh danh ngưỡng mộ rất có giá, vô cùng hấp dẫn. Miễn có ở trong tù từ ba năm trở lên là có quyền xin đi định cư tại Hoa kỳ, nhất là các ông độc thân, hoặc chết vợ, hoặc vợ bỏ lại là đối tượng luôn luôn được chiếu cố của phái nữ. Gần đây đã có nhiều trường hợp các ông độc thân ghép các bà vào để làm hồ sơ xin đi. Nhưng mà phải có tiền mới được, vì các ông mới đi tù về đói rách, cần tiền chi phí và cũng cần người  "đỡ đần sớm tối'' với nhau.

Thoa hỏi khích bạn:

- Thế bồ có thích đi Mỹ không?

- Thích chứ. Đi Mỹ ai lại không thích, mà chỉ đi Mỹ Tho, Mỹ Thiện thì có. Nghèo rớt mồng tơi, chồng chê con bỏ, thân tàn ma dại mà cứ mơ mơ tưởng tưởng chuyện đâu đâu...buồn cười thật!

Thoa ngáp dài mệt mỏi, cảm thấy khó thở, đứng dậy lửng thửng bước đến cửa sổ chống cánh liếp cửa lên, nhìn ra ngoài để xua tan những ngột ngạt đè nặng trong lòng, buông lõng tâm sự:

- Thật chán cho cái đời...tàn phế, ngốc ngếch này! Xã hội này đã hại đời ta.

Nắng buổi trưa gay gắt chói chang. Trời đứng gió. Khí trời oi bức. Thoa đưa mắt ra hướng con đường đất bụi từ xa. Đột nhiên, Thoa chăm chú nhìn thấy dáng ba người đang di chuyển trên đường đất và mỗi lúc tiến về hướng căn nhà lá. Thoa càng nhìn họ và mỗi lúc dáng dấp quen thuộc như gờn gợn đi vào trí nhớ. Thoa lẩm bẩm, không lý nào nhầm lẫn. Thoa vội kêu Liên đến để cùng nhìn xem cho rõ.

Khi Liên đến cạnh Thoa thì ba người đã đi đến gần hơn. Liên thốt lên bồi hồi xúc động :

- Trời...! Đúng rồi. không lẽ...

Thoa cùng tâm trạng:

- Không thể nào nhầm lẫn. Anh Định, Anh Thức, và cả chị Thuần nữa. Có lẽ họ đang tìm mình đó Liên ơi!

Ba người đang di chuyển trên con đường đất chỉ còn cách căn nhà lá độ trăm thước. Liên sững sờ hai tay ôm ngực ngó quanh quẩn, toàn thân như run bắn lên:

- Làm sao bây giờ? Thoa? Làm sao đây? Trời ơi! Liên tủi nhục quá! Gặp anh ấy Liên không dám nhìn mặt... Liên sợ lắm!..Trốn đi Thoa. Đừng... đừng mở cửa.

Thoa cũng hồi hộp run rẩy lo lắng tột cùng, nhưng cố trấn an bạn:

- Bình tĩnh đã nào! Không lẽ mấy ổng chém giết mình hay sao? Đừng hớt ha hớt hãi như vậy.

- Tại sao chị Thuần biết nhà mà dẫn đến đây hả?

Thoa không chú ý câu hỏi của Liên. Niềm vui, nỗi nhớ, xen lẫn lòng lo sợ hồi hộp, nỗi tự ti mặc cảm tội lỗi qua 17 năm ngùn ngụt xáo trộn tâm trí Thoa ngột ngạt đến như muốn đứng tim. Nhìn dáng vẻ của chồng vẫn còn nét tráng kiện oai hùng ngày xưa, Thoa xót thương chồng vô vàn và càng chê trách thân phận mình yếu hèn hư hỏng. Thoa muốn nắm tay Liên mở cửa chạy ra ngoài để đón Định và Thức, rồi qùy xuống chân chàng tạ lỗi. Nhưng Liên giằng lại:

- Từ từ cái đã, để coi mấy ổng tỏ thái độ như thế nào.

 

Dứt lời, Liên kéo sụp cánh liếp cửa sổ xuống, rồi đứng tựa lưng vào vách lá, hai tay ôm lấy ngực thở mạnh, mặt mày tái tê lo sợ khiến cho Thoa cảm thấy thương hại bạn. Thoa không biết phải làm thế nào nên cũng đồng bệnh với Liên, ngẫn người nghĩ lại bản thân mình với một thể xác ô uế, một tinh thần bạc nhược, một cuộc sống hư hỏng có đáng được chồng yêu thương qúy trọng không? Thoa gần muốn bật khóc cho sự xấu hổ, nhục nhã.

Thoa nghe rõ tiếng chân người đã đến ngoài cửa. Tiếng chị Thuần hỏi vọng vào:

- Có ai trong  nhà không?

Liên và Thoa nín thở, ngơ ngáo đứng chết trân. Cánh cửa liếp bật mở, ánh sáng từ ngoài lùa vào. Định bước vào nhà rồi đến Thức. Hai người rảo mắt nhìn một vòng trong căn nhà lá chật hẹp ánh sáng mờ mờ rồi dán mắt chăm chăm vào Liên và Thoa đang đứng tiu nghỉu e thẹn cạnh vách lá trong góc nhà. Định bước vội tới bên Thoa ôm chặt vợ trong vòng tay và tiếp theo Thức cũng cùng động tác.

- Em Thoa! Anh đã về rồi!  Em không mừng cho anh sao?

Cùng lúc, Thức không nói năng vội chồm đến ôm choàng người vợ yêu qúy xiết chặt trong vòng tay thương nhớ trong bao năm xa cách. Thoa ngước nhìn Định với đôi mắt ướt đẩm, giọng nói run rẩy:

- Anh Định...em mừng cho anh. Nhưng giờ thì...em là người đàn bà hư hỏng không vuông tròn thiên chức làm vợ làm mẹ như những người đàn bà khác trong lúc vắng anh. Gặp anh, em xấu hổ vô cùng. Em không còn đáng để anh yêu thương qúy trọng như ngày xưa.

- Anh không quan tâm những điều em vừa nói. Định xiết chặt hai vai vợ, nhìn đắm đuối vào đôi mắt thâm quầng ướt sũng nước mắt của Thoa:

Thoa bật khóc lớn, van xin:

- Anh tha tội cho em. Em xin lỗi anh.  Anh tha thứ cho em.

- Em không có tội. Em không có lỗi. Em vẫn là người vợ yêu qúy mà anh hằng thương nhớ trong 17 năm xa cách.

- Nhà cửa tài sản đã tiêu tán. Con cái thất lạc chết chóc. Thân em nhơ nhớp, tinh thần bạc nhược. Anh không ghê tởm sao?

 Đó không phải là những lỗi lầm sai trái của em. Thoa ơi, anh đã hiểu trọn vẹn vấn đề từ những ngày còn ở trong tù mà anh không biết phải làm thế nào. Nếu nói là trách nhiệm không chu toàn để cho nước mất, nhà tan, gia đình ly tán, chính là phần trách nhiệm của bọn anh. Anh nói, và em hãy hiểu cho anh. Anh quý mến em. Anh yêu em ... yêu em... yêu lắm Thoa ơi! em vẫn là vợ của anh.

Định nhìn sang hai người bạn. Liên và Thức đang thì thầm to nhỏ trong vòng tay thương yêu và thật âu yếm. Định càng xiết chặt Thoa trong tình thương đong đầy gói trọn nghĩa tình phu thê.

Thoa run rẩy tê dại cả người trong nụ hôn say đắm của chồng trên đôi môi tràn trề hạnh phúc đã rất vắng từ lâu:

- Mười bảy năm anh trong tù đói khổ xa vợ con, em đã hờ hững chưa một lần đi thăm anh. Anh có giận em không?

- Do hoàn cảnh ngoài ý muốn, anh không buộc em điều đó. Điều mong muốn của chúng ta nhờ Ơn Trên phù hộ chúng ta vẫn còn sống sót để có được ngày gặp nhau hôm nay. Những gì đã mất mát trong chuỗi ngày đen tối vừa qua, thì hôm nay với đôi bàn tay này chúng ta sẽ khởi đầu làm lại tất cả. Thoa! Hãy cùng anh xây dựng lại từ đầu. Rồi chúng ta đi tìm lại con chúng ta thất lạc. Anh đủ bản lĩnh để xoay chuyển cuộc đời. Em  hãy tin vào anh. Dù gì em vẫn là vợ yêu quí của anh. Thoa ơi! em nghe anh nói không?

Thoa úp mặt vào ngực chồng lắng  nghe tiếng lòng thổn thức từ nhịp đập của hai quả tim tràn trề niềm vui mới. Thoa xúc động:

- Con xin cám ơn Trời Phật đã ban ân phước cho con trong quãng đời còn lại. Em cám ơn anh đã tha thứ trọn vẹn cho em. Anh đã khai mở nguồn vui sống cho em có lại từ đây.

 Trong lúc mấy người bạn gặp nhau mừng mừng tủi tủi  sau bao năm xa cách, thì Thuần im lặng lẽn vào sau bếp với giỏ xách đựng bánh trái được mang theo. Thuần nấu nước sôi pha trà và trong im ắng nàng bày biện mọi thứ lên chiếc bàn nhỏ. Công việc vừa xong, Thuần lên tiếng vui đùa:

- Xin mời...qúy thực khách. Nào...! em mạn phép chị Liên là chủ nhà mời các anh các chị chúng ta quây quần lại đây uống trà mừng ngày sum họp.

Vừa lúc có tiếng nói của Thức giục:

- Thôi chứ...có gì chúng ta sẽ tâm sự sau...chuyện đời còn dài. Hôm nay là ngày vui đoàn tụ.

Định và Thoa rời tay nhau nhìn sang hai người bạn cười tủm tỉm. Thức, Liên nắm tay cùng đến gần Thuần, Định và Thoa.

Liên vồn vã mở lời:

- Xin lỗi chị Thuần. Em cám ơn chị. Lâu lắm em mới gặp được chị, lại còn mang theo bánh trái trà lá. Sao chị Thuần biết nhà mà đến vậy?

Định đỡ lời:

- Phải mất hai ngày đi dò hỏi, chị Thuần mới tìm ra nhà.

- Nhờ chị Hồng cho biết và chỉ đường đến đây. May quá! Thuần giải thích. Đáng lẽ hôm nay Hồng cũng đến đây nhưng rồi bị bận.

Thoa kéo tay Định ngồi xuống cạnh đầu giường kê gần chiếc bàn nhỏ đang bày các món ăn, và nói:

- Hai anh còn nhớ chị Hồng không, vợ của thiếu tá Quang bị chết trong trại tù ngoài Bắc hồi năm 85 đó. Ở nhà, chị bị tên chủ tịch Phường dụ dỗ hãm hiếp ép làm vợ bé, chiếm đoạt hết tài sản nhà cửa xe cộ rồi xô đuổi chị ra khỏi nhà xơ bơ xấc bấc, quá ư là thảm thương chẳng khác gì chúng em đây. Em còn nhớ lúc anh Định vừa đi tù, em và chị Hồng rũ nhau buôn bán xăng dầu bị bọn quản lý thị trường rượt bắt chạy hụt hơi, mất toi cả vốn liếng. Giờ nghĩ đến thấy còn sợ muốn chết.

Liên rót nước trà ra từng ly, than thở:

- Em cũng như chị Thoa, chị Hồng và những người đàn khác mà em biết được, chúng em luôn luôn gìn giữ lòng mình, ý tứ chừng mực mọi chuyện trong cuộc sống khó khăn khi vắng xa chồng vậy mà vẫn bị sa cơ hư hỏng.

Nghe hai bạn cỗi mở tâm sự, Thuần góp thêm:

- Sẵn nghe chị Liên, chị Thoa nói em mới nói là em thấy nhiều ông chồng đi tù, vợ ở nhà trước sau gì cũng bị bọn chúng dụ dỗ chiếm đoạt đủ mọi cách. Nhiều người bị như vậy chứ không phải ít. Không nói chi đâu xa, ngay trong Phường em ở đếm cũng hơn chục người. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đàn bà ''cứng cựa'' lắm mới thoát khỏi cạm bẫy của chúng. Xã hội trước năm 75 đâu đã có tình trạng băng hoại đến như thế.

Thoa tươi cười nhìn bạn:

- Em khen ngợi chị Thuần. Chị là một trong số người đàn bà ''cứng cựa'' như chị vừa nói đó, rất đáng khâm phục.

Thuần thú nhận:

- Hồi trước em cũng bị tên Trưởng Công An Phừơng bám sát và dụ dỗ bằng mọi cách, nhưng em hết sức lỳ lợm. Lúc nào hắn giở trò là em mắng xối xả chẳng sợ, chẳng ngán gì cả. Hắn đâm ra thù ghét rồi hăm dọa tìm cách này cách khác hãm hại em. Em chả sợ đánh liều, cuối cùng hắn mới ''rớt đài''.Tuy vậy, em vẫn ngơm ngớp lo sợ ngày đêm, đâu phải chỉ tên Trưởng công an Phường mà còn những tên khác cứ đeo theo tán tỉnh quyết chiếm thể xác của mình cho bằng được. Khổ tâm lắm. Em cứ phớt lờ làm ngơ, giả câm giả điếc. May mà năm ngoái anh Hòa của em bị tù ngoài Bắc được thả về em mới bắt đầu yên tâm trong cuộc sống.

Thuần hớp ngụm trà, tiếp lời:

- Em nghĩ, có ở trong hoàn cảnh ấy mới thấm sâu nỗi khổ tâm ê chề của người đàn bà trước cái cảnh mà có thể nói là một sự quậy phá huỷ hoại gia cang và lòng chung thủy của những người đàn bà có chồng đang bị giam cầm đày ải trong lao tù cải tạo cộng sản.

Ngồi lắng nghe những trao đổi của người thân, Thức lên tiếng :

- Nhận xét của chị Thuần rất ư là chính xác. Anh em chúng tôi tuy ở trong tù, tuy xa cách nhưng hiểu rất rõ từng chi tiết sự việc nhờ tin tức bên ngoài nhất là tin tức của các gia đình thăm nuôi chuyển vào. Biết rất rõ và biết từng gia đình một. Chúng tôi hết sức căm phẫn trước quỷ kế vô cùng thâm độc, quá ư là hèn hạ của chúng đang bủa giăng vợ con của anh em chúng tôi ở nhà với mục đích là phá nát gia cang, chiếm đoạt vợ con, cướp sạch tài sản, nhà cửa đất đai của những người thuộc chế độ cũ đang bị chúng cầm giữ trong lao tù của chúng.

 Liên nheo mắt nhìn chồng:

- Như vậy lúc ấy là anh cũng đã biết rõ mọi sự gì đã xảy đến cho em phải không, anh có chê trách em không?

Thức trìu mến nói:

-Biết rất rõ nhưng anh không trách cứ mà càng xót thương em vô cùng. Anh em trong tù đồng một lòng như thế. Vấn đề hôm nay là cũng do một phần lỗi không chu toàn trách nhiệm của bọn anh.

Định tiếp lời:

- Biết được mưu mô thâm độc của giặc cộng, anh em chúng tôi đã có một kết luận đồng nhất và một chuẩn bị tinh thần nhập cuộc. Không oán trách giận hờn vợ con, luôn luôn cầu xin mọi sự an bình cho gia đình để còn có ngày được sum họp mà tái tạo gia đình. Chúng tôi không đặt vấn đề lên án những vết xấu mà vợ con đã vướng phải bởi đó là do nguyên nhân từ một chế độ bẩn thỉu hèn hạ và rất đê tiện tạo nên...ngoại trừ một thiểu số nhỏ nào đó do ham mê bã danh lợi vật chất quay lưng trở mặt với chồng, đồng lõa trong chiến dịch tạo nhiễu loạn băng hoại xã hội của chúng.

Thuần cười vui trong nhiệt tình đầy xúc động:

- Hoan hô các anh trước tấm lòng bao dung cao cả đối với chị em chúng tôi đã và đang là nạn nhân thời cuộc và cũng chính là những chứng nhân cho một thảm họa bị sa lầy trong qủy kế thâm độc do cái gọi là ''một chế độ ưu việt'' tác động. Lạy Trời, xin cho thế hệ mai sau thông cảm những tình tiết và xóa đi ''những hạt bụi đời '' đã làm vẩn đục truyền thống luân lý và đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam.

Thức nâng ly trà nóng, vui vẻ:

- Xin chúc mừng! Xin chúc mừng ngày vui sum họp. Con đường đi tới còn vô số bao công việc phải làm để giải cứu quê hương Việt Nam thân yêu, làm lại cuộc đời mỗi người trên nền tảng gia đình, an bình xã hội trong bao dự tính đầy gian lao thử thách đang chờ đợi.  Nào!  chúng ta hãy vui lên để tẩy xóa những âm u đen tối đang vây hãm chúng ta.

Mọi người đồng thanh cùng chúc mừng trong ánh mắt tràn trề niềm tin cho một tương lai Đất Nước tươi sáng đang mong chờ phía trước...

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ ĐÊM CUỒNG SAY:

Đinh Hoàng Long giới thiệu

Tác giả: Nguyễn Thế Hoàng - nguồn: honviet

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét