VUA CHÚA VIỆT NAM
CHỐNG THAM NHŨNG
Đặng Xuân Xuyến giới thiệu
Nạn tham nhũng ở nước Việt được ghi chép từ thời Hùng vương
Nạn tham ô, nhũng lạm gần như hiện diện trong tất cả các triều
đại, như một "nội nạn". Tuy nhiên, do vấn đề tư liệu, nên mức độ đề
cập của sử sách đến vấn nạn này nhiều hay ít tuỳ vào từng triều đại.
Thời
nào cũng có
Nạn tham ô, nhũng lạm, hay tham nhũng là “quốc nạn”, “nội nạn”
của bất kỳ một triều đại, một thiết chế chính trị nào. “Quốc nạn” này, còn gọi
là nạn sâu dân, mọt nước đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự thịnh suy của triều
đại mà nó can dự. Đồng thời, vấn nạn tham nhũng phản ánh sự thịnh đạt hoặc suy
thoái của triều đại nào đó trong từng thời điểm lịch sử, cũng như hiệu lực quản
lý của bộ máy nhà nước, tính răn đe của pháp luật ở từng thời điểm lịch sử cụ
thể.
Xét trong lịch sử dân tộc ta, các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê sơ…
hầu như triều đại nào cũng có nạn sâu dân, mọt nước. Vấn đề là, nạn tham nhũng
có sự hiện diện ở mức độ khác nhau làm suy yếu tiềm lực của quốc gia, dân tộc,
xuống cấp đạo đức xã hội, thể chế chính trị cũng theo đó bị gãy đổ nền móng…
Cũng bởi mối nguy hại ấy mà bất kỳ thể chế, triều đại nào cũng đều muốn bài
trừ, tận diệt loại giặc nội xâm cực kỳ nguy hiểm này.
Vậy, người xưa nhìn nhận về tham nhũng như thế nào? Tham nhũng
là gì? Theo quan điểm của người xưa, thì “tham nhũng” được hiểu là hành vi lợi
dụng chức vụ, quyền hạn đã có để nhũng nhiễu, hạch sách tiền của của nhân dân,
tham ô, bòn rút của công nhà nước (“biếm công vi tư”). Những hành động ấy nhằm
mục đích làm giàu cho cá nhân, vun vén lợi ích cho bản thân một cách không
chính đáng.
Khi tìm hiểu qua những chiếu chỉ của vua, những tấu sớ của quan
lại, những vụ tham nhũng cụ thể thời xưa, cùng với những điển chế, luật pháp có
liên quan, chúng ta thấy tham nhũng diễn ra chủ yếu ở đối tượng là những người
có quyền hành, mà thường là những người “quyền cao chức trọng”. Thế nên Bãng
nhan Lê Quý Đôn trong phần “Châm cảnh” (Khuyên răn) của Kiến văn tiểu lục mới
có câu rằng : “giữ chức cao thì việc đầu tiên là ăn của đút”. Những trường hợp
cụ thể trong sử cũ có thể minh chứng như việc tham ô của Hành khiển Đỗ Tử Bình,
An phủ sứ Hồ Tông Thốc… đời Trần, Thái phó Lê Văn Linh, Quốc lão Nguyễn Xí… đời
Lê sơ là những người lợi dụng chức tước, vị thế mình có trong quan trường,
trong xã hội để thực hiện hành vi làm giàu bất chính thông qua việc ăn hối lộ,
mua quan bán tước, tham ô tài sản nhà nước. Hành vi tham ô, nhũng lạm của họ
còn được thể hiện ở cả việc tư lợi về thời gian của kẻ dưới quyền để phục vụ
lợi ích của mình, hoặc dùng nhân lực công của Nhà nước để làm lợi riêng…
Ta có thể điểm xét qua tác phẩm Từ thụ yếu quy của Đặng Huy Trứ
(1825 - 1874) thời Nguyễn, với cái nhìn của một vị quan thuộc ý thức hệ phong
kiến, chúng ta ghi nhận được cái nhìn của người xưa về nạn tham nhũng có một
phạm vi bao quát lớn. Theo đó có 104 điều hối lộ không thể nhận (từ), nếu nhận
sẽ trở thành kẻ tham nhũng. Có 5 trường hợp có thể nhận (thụ) mà không sợ là
tham nhũng. Những điều nhận và không nhận này là đa phần dành cho kẻ làm quan,
là những người đại diện cho Nhà nước, cho vua để cai trị dân. Họ đều là những
kẻ nằm trong bộ máy công quyền cả.
Tổng
quan tham nhũng thời Bắc thuộc
Là “nội nạn” của hầu hết vương triều, chế độ nào, nên hiện trạng
tham ô, nhũng lạm gần như đều hiện diện trong các triều đại. Tuy nhiên, do vấn
đề tư liệu, nên mức độ đề cập của sử sách đến vấn nạn này nhiều hay ít tuỳ vào
từng triều đại.
Ở thời dựng nước đầu tiên, tức thời Văn Lang – Âu Lạc, hay còn
gọi là văn minh sông Hồng, theo ghi nhận của Đại Việt sử ký toàn thư, và xa hơn
nữa là cuốn sử được xem xưa nhất còn giữ lại được đến nay là Việt sử lược, ta
không ghi nhận trường hợp tham nhũng cũng như ý kiến, quan điểm nào về tham
nhũng, hối lộ của thời này (thế kỷ VII TCN - II TCN). Bởi, như ghi chép về thời
Hùng Vương dựng nước, Việt giám thông khảo tổng luận có đánh giá là: “chăm ban
đức huệ để vỗ yên dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, không lo can qua chinh
chiến”… “buộc nút dây mà làm chính sự, dân không gian dối, có thể thấy được
phong tục thuần hậu quê mùa vậy”.
Sau khi nước Âu Lạc của An Dương Vương bị rơi vào tay Triệu Đà
năm Nhâm Tuất (179 TCN), dân tộc ta đã trải qua thời gian hơn 1.000 năm phong
kiến Trung Hoa đô hộ. Với mưu đồ thống trị, đồng hóa, các quan lại phương Bắc
đã dùng quyền uy của kẻ cai trị để vơ vét của cải tư lợi cho bản thân. Theo ghi
chép của sử cũ, hành vi tham ô của quan lại cai trị phương Bắc nhiều trường hợp
được thực hiện lộ liễu tới mức độ cao hơn nữa là cướp bóc, chiếm đoạt, như Việt
sử thông lãm có ghi:
Trên tham nhũng dưới càng tham nhũng,
Lớn gian tà, bé cũng gian tà.
Thầy buông tớ chẳng đành tha,
Quan trên thít một, sai nha thặng mười.
Thời Bắc thuộc, hành động tham nhũng được ghi nhận với đối tượng
chủ đạo tham ô, nhũng lạm vơ vét tiền tài, vật lực của dân ta không ai khác,
chính là những tên quan đô hộ đứng đầu nước ta cùng những kẻ dưới quyền.
Về những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nạn tham nhũng của những
quan cai trị phương Bắc đối với dân Việt, đó là từ chức vụ cao của họ, lại ở
cách xa chính quyền trung ương nên quyền hành lớn, cùng với đó là sự dồi dào
tài nguyên của nước Việt, mà Đại Việt sử ký toàn thư đã dẫn chứng: “Trước đây
những người làm Thứ sử thấy đất châu có các thứ ngọc trai, lông trả, tê, voi,
đồi mồi, hương lạ, gỗ tốt, nhiều người không liêm khiết, vơ vét của cải cho
đầy, rồi lại xin đổi đi”. Về việc này, nhà sử học Lê Văn Hưu đã nhận xét: “Xem
sử đến thời nước Việt ta không có vua, bị bọn thứ sử người Bắc tham tàn làm
khổ, Bắc Kinh đường xa, không biết kêu vào đâu”. Ngay đến cả Thứ sử Giao Châu
là Chu Thặng khi đến nước ta nhận chức, theo An Nam chí lược cho biết, khi nhìn
thấy thực trạng này, đã phải viết thư về Trung Hoa với đại ý là đất Giao Châu
là nơi xa xôi, tập tục phổ biến có sự tham ô, bọn cường hào, trưởng sử thì bạo
ngược, hà hiếp bóc lột muôn dân.
Các quan thái thú tham nhũng hút máu người dân Việt
Đời sau khi tìm hiểu về thời Bắc thuộc, đã phải than oán rằng:
Quan lại Ngô cũng bầy lang sói/Cũng tham ô, cũng thói dâm tàn".
Kéo dài hơn 1.000 năm, thời Bắc thuộc là một thời kỳ nhân dân ta
liên tục nổi dậy đấu tranh giành độc lập dân tộc, phản kháng lại mọi sự áp chế,
bóc lột, thống trị của ngoại bang. Còn kẻ cai trị, thì dùng trăm phương nghìn
kế không chỉ để đồng hóa dân Việt, không chỉ để nhập bản đồ nước Nam vào bản đồ
phương Bắc, mà còn làm sao vơ vét cho đầy túi tham nhân tài, vật lực của dân
ta.
Tham
nhũng thời thuộc Hán
Ở đây chỉ cả thời Tây Hán (202 tr.CN – 9 s.CN) và Đông Hán (23 -
220). Thời Tây Hán chia nước ta làm châu, quận, đặt quan Thứ sử, Thái thú trấn
trị. Chúng tham ô, nhũng lạm dân ta không kể xiết nên thời Hán Vũ đế (141 - 87
TCN) đã phải đặt ra 6 điều trong chiếu thư để kiểm soát hành vi tham nhũng của
Thứ sử. Việt sử cương mục tiết yếu cho hay, 6 điều đó là: “1. Cường tộc, hào
hữu, ruộng đất vượt quy chế; 2. Quan thái thú không biết vâng theo chiếu thư,
vơ vét gian trá; 3. Quan thái thú không tra án ngờ, giết hại người; 4. Quan
thái thú chọn lựa, tiến cử người không công bằng, chỉ lấy người mình ưa thích;
5. Con em quan thái thú cậy thế vênh vang, xin xỏ, thỉnh thác; 6. Quan thái thú
vào hùa với bọn cường hào, thông đồng biếu xén đút lót”.
Thời Đông Hán, sử ghi nhận đầu tiên là trường hợp Thái thú Giao
Chỉ Tô Định khi cai trị dân Việt thì “tính tham lam mà hung dữ” (Trích An Nam
chí lược), “Hiếp dân lấy của đem binh hại người” (Trích Thiên Nam ngữ lục). Từ
đó góp phần mà khởi phát nên cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm Canh Tý (40).
Ngoài trường hợp trên, nhiều viên quan đô hộ phương Bắc cũng bị lên án về sự
tham ô, nhũng nhiễu. Theo ghi nhận của Việt Nam sử lược, trong thời Đông Hán
“những quan lại sang cai trị Giao Chỉ thường có lắm người tàn ác, tham nhũng,
bắt dân lên rừng xuống bể để tìm những châu báu”.
Ở đời vua Hán Hiển Tông (57 - 75), Lê Tắc trong An Nam chí lược
cho hay, có Trương Khôi “làm Thái thú Giao Chỉ, vì ăn hối lộ bị tội, của bị
tịch thu vào kho”. Không chỉ quan viên lớn của châu, quận tham nhũng, mà những
người đứng đầu các địa phương như huyện lệnh cũng “vét đầy túi tham”. Hậu Hán
thư có cho hay: “Trước kia, huyện lệnh Cư Phong là người tham lam, tàn bạo,
không biết thế nào là chán. Người trong huyện là bọn Chu Đạt họp nhau với dân
Man đánh giết huyện lệnh”. Năm Canh Tý (160), nhà Hán phải sai Hạ Phương làm
Thứ sử mới yên được.
Thời Hán Hiến đế năm Kiến An thứ năm (200), Chu Phù được cử làm Thứ sử nhưng
lại “phần nhiều cho người làng như bọn Ngu Bao, Lưu Ngạn chia nhau làm trưởng
lại, vơ vét của dân, một con cá vàng thu thóc một hộc. Trăm học oán ghét làm
phản, kéo đi đánh phá châu quận” (Trích Toàn thư). Sau hắn phải trốn chạy vì bị
dân đánh đuổi.
Tham
nhũng thời thuộc Ngô, Lương, Tùy, Đường
Thời Tam quốc (220 - 280), nhà Đông Ngô cai trị dân ta, hàng ngũ
quan lại cai trị cũng một bọn tham lam tàn bạo như Việt Nam sử lược ghi: “những
quan lại nhà Ngô thì thường là người tham tàn, vơ vét của dân”, đến nỗi đời sau
khi tìm hiểu về thời Bắc thuộc, đã phải than oán rằng:
Quan lại Ngô cũng bầy lang sói,
Cũng tham ô, cũng thói dâm tàn.
Trường hợp Tôn Tư làm Thái thú Giao Chỉ của Đông Ngô là một dẫn
chứng, hắn vì “tham bạo, làm hại dân chúng”, tự tiện bắt dân phải cống nộp nặng
nề, lại bắt hàng nghìn thợ thủ công giỏi tay nghề sang Kiến Nghiệp (tức Nam
Kinh) của nhà Ngô đến nỗi năm Quý Mùi (263) dân oán giận nổi dậy mà giết đi.
Thời nhà Tống cai trị, có Hoàn Hoằng làm Thứ sử Giao Châu mà
tiền của kể đến hàng vạn. Sang thời nhà Lương, cái tệ đục khoét vẫn tiếp diễn:
Quan lại Lương cũng dòng khu khoét,
Cũng túi tham vơ vét cho đầy.
Chẳng từ áo rách khố dây,
Moi xương móc tuỷ đọa đầy Giao dân.
Theo Việt sử yếu, thời Lương có Thứ sử Tiêu Tư là người tham
lam, bạo ngược vô cùng, làm cho “dân ta lao khổ lầm than lâu ngày” (Trích Việt
sử diễn nghĩa), đến nỗi một lực lượng lớn nhân dân do Lý Bí cầm đầu nổi dậy
khởi nghĩa chống lại, còn Tiêu Tư phải đem vàng bạc đút lót rồi chạy về châu
Quảng.
Sang thời nhà Tùy đời vua Tùy Dạng đế (605 - 616), Khâu Hòa làm
Thái thú Giao Chỉ như miêu tả của Toàn thư: “cậy uy thế nhà Tùy, thường đi tuần
các khe động ở biên giới, ở châu hơn 60 năm, Lâm Ấp và các nước tặng cho Hòa
những ngọc minh châu, sừng tê văn và vàng bạc của báu, cho nên Hòa giàu như
vương giả”.
Thời nhà Đường cai trị nước ta, nhà sử học Trần Trọng Kim đánh
giá là “Từ khi nước ta thuộc về nước Tàu, chỉ có nhà Đường cai trị là nghiệt
hơn cả”. Bởi thế chăng mà sử ghi lại có nhiều trường hợp tham nhũng nhất ở
triều đại này đối với dân Việt ta. Trong đó có Lý Thọ khi làm Đô đốc Giao Châu,
vì tham ô mà bị xử tội năm Mậu Tý (628). Lại lúc Khúc Lãm làm đô hộ ở đời Đường
Trung Tông (705 - 710) vì tham lam, bạo ngược mất lòng dân mà bị giết.
Khi Cao Chính Bình làm Đô hộ, đánh thuế rất nặng, làm cho dân ta
rơi vào cảnh lầm than khổ cực, từ đó mà dẫn tới khởi nghĩa Phùng Hưng đến nỗi
Cao Chính Bình lo sợ mà phát bệnh chết trong thành Tống Bình năm Tân Mùi (791).
Tiếp đó là Lý Tượng Cổ làm An Nam Đô hộ, bị Toàn thư phê là: “tham bạo hà khắc
mất lòng dân chúng”, bị Dương Thanh khởi binh giết chết năm Kỷ Hợi (819).
Về cuối đời nhà Đường, quan lại phương Bắc phần nhiều chỉ vì tư
lợi bản thân mà ức hiếp nhân dân, chẳng hạn có quan Đô hộ Lý Trác đời vua Đường
Tuyên Tông (847 - 859) bị Đại Việt sử ký tiền biên phê phán là “hà khắc tham
lam tự tư tự lợi, cưỡng mua của người Man một con bò chỉ trả cho họ một đấu
muối, lại giết tù trưởng Man là Đỗ Tồn Thành”, đến nỗi người Mường, người Mán
không chịu nổi liên kết với người Nam Chiếu đánh vào An Nam phủ. Thời Thôi Lập
Tín làm An Nam Đô hộ, con rể hắn làm quyền nhiếp chức Thứ sử Hoan Châu, được
biết đến là kẻ tham lam quá độ.
Suốt thời Bắc thuộc, ghi nhận nhiều trường hợp quan cai trị
phương Bắc, nhất là thời nhà Đường đã tham nhũng, vơ vét của cải, là một trong
những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các cuộc nổi dậy, hoặc khởi nghĩa của nhân
dân ta do Hai Bà Trưng, Lý Bí, Dương Thanh, Phùng Hưng… lãnh đạo. Như nhận định
của Lê Tắc: “Đương thời ấy ở đất Giao Châu có nhiều của báu, các quan Thứ sử bổ
tới, lớp trước cũng như lớp sau, không ai giữ được nết trong sạch, nên lại
thuộc và nhân dân đều oán mà làm phản”. Tất nhiên, nhiều cuộc khởi nghĩa có mục
đích chính trị rõ ràng chứ không chỉ mang tính địa phương từ nguyên nhân trực
tiếp là bọn tham quan ô lại. Điều này, trong Giá trị tinh thần truyền thống của
dân tộc Việt Nam, GS Trần Văn Giàu cũng nhận xét về các cuộc khởi nghĩa thời
Bắc thuộc, ngoài tính chất dân tộc với mục đích lớn nhất là đánh đổ bọn thống
trị giành lại độc lập, thì nguyên cớ trực tiếp để khởi nghĩa là chống tham quan
ô lại, chống thuế nặng sưu cao từ chính bọn đại diện cho chính quyền đô hộ đang
tâm cướp bóc, chiếm đoạt của dân lành.
Nhà Lý oai hùng thắng Tống nhưng lại chịu thua trước 'sâu mọt'
Nhà Hậu Lý (1009 - 1225) bước lên vũ đài chính trị, ghi tên mình
vào sử nước kế tiếp nhà Tiền Lê, hiện tình tham nhũng đã được ghi nhận trong
một số đời vua Lý. Và mức độ ảnh hưởng của nạn sâu dân mọt nước là to lớn khi
ảnh hưởng tới cả sự suy vi của triều đại đất Cổ Pháp vào cuối thời Lý.
Bước qua đêm dài Bắc thuộc, thế kỷ X tính ra, là thế kỷ mà các
triều đại nối tiếp nhau ra sức củng cố nền độc lập, nhất thống mới giành được.
Điểm mặt tham nhũng thời này, sử liệu không cho ta được bằng chứng gì cho sự
hiện diện của nạn sâu dân, mọt nước.
Điểm này, xuất phát từ những thực tế lịch sử của hiện tình bấy
giờ. Bởi buổi ấy nào nhà Ngô (938 - 965), tiếp nhà Đinh (968 - 980), lại nối
nhà Tiền Lê (981 - 1009), các triều đại này ta thấy có thời gian tồn tại không
được dài. Nhà Ngô trải 3 vua, mới lập nền tự chủ, nhà Đinh thì dẹp loạn 12 sứ
quân đang lo ổn định quốc gia, nhà Tiền Lê thì lo cho sự an nguy quốc gia từ
mối đe dọa nơi phương Bắc của nhà Tống, thế nên việc củng cố nền độc lập, củng
cố chính quyền trung ương là mối quan tâm hàng đầu lúc bấy giờ.
Ta lại thấy như thời nhà Đinh trị nước, vua Đinh Tiên Hoàng khi
trị dân thì theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho hay, đã “đặt vạc
dầu lớn ở sân, nuôi hổ dữ ở cũi, hạ lệnh rằng: “Hễ kẻ nào vi phạm thì bắt bỏ
vào nấu trong vạc, hay cho hổ ăn thịt”. Ai nấy sợ hãi, không dám phạm pháp”.
Biện pháp cứng rắn này đã góp phần làm cho tính răn đe, áp chế các trọng tội có
tác dụng lớn, mà Việt sử diễn nghĩa có ghi là:
Trị thiên hạ, muốn lấy oai,
Nuôi hùm, bày vạc răn loài tội nhân.
Nhà Hậu Lý (1009 - 1225) bước lên vũ đài chính trị, ghi tên mình
vào sử nước kế tiếp nhà Tiền Lê, hiện tình tham nhũng đã được ghi nhận trong
một số đời vua Lý. Và mức độ ảnh hưởng của nạn sâu dân mọt nước là to lớn khi
ảnh hưởng tới cả sự suy vi của triều đại đất Cổ Pháp vào cuối thời Lý. Cư điểm
xét qua một số vụ tham nhũng dưới đây hẳn rõ.
Tháng 9 năm Mậu Ngọ (1138), vua Lý Thần Tông (1127 - 1138) mang
bệnh sắp mất. Trước đó, tháng 5 năm Nhâm Tý (1132), hoàng thứ trưởng tử Lý
Thiên Lộc được sinh ra, dù là con của một người thiếp nhưng do các bà hoàng hậu
khác chưa sinh con trai, nên Thiên Lộc được chọn làm người kế vị. Nhưng đến
tháng 4 năm Bính Thìn (1136), hoàng trưởng tử là Lý Thiên Tộ được Lê Hoàng hậu
sinh.
Khi Thần Tông bệnh nặng, theo Đại Việt sử ký toàn thư cho hay,
ba bà vợ của vua là “Cảm Thánh, Nhật Phụng, và Phụng Thánh muốn đổi lập thái tử
khác, mới sai người đem của đút cho Tham tri chính sự Từ Văn Thông, nói rằng
nếu có vâng mệnh thảo di chiếu thì chớ bỏ lời của ba phu nhân. Văn Thông nhận
lời”. Lúc này, vua Thần Tông biết mình ốm nặng khó qua khỏi, sai Văn Thông soạn
di chiếu để chọn người kế vị, nhưng Văn Thông đã nhận của đút, cầm bút mà lưỡng
lự không viết. Ba vị phu nhân kia thừa dịp đến bên long sàng của vua mà dùng
nước mắt đàn bà, khóc lóc cùng cái lẽ rằng xưa nay, lập người kế vị ngai vàng
phải lấy con trai trưởng chứ không thể lấy con thứ… Vua mủi lòng liền xuống
chiếu rằng “Thiên Tộ tuy còn nhỏ nhưng là con đích. Hãy để Thiên Tộ nối ngôi
của Trẫm”, liền lập Thiên Tộ làm Thái tử” (Trích Việt sử cương mục tiết yếu).
Vậy là tham nhũng đã dự phần cho cuộc thay đổi ngôi vua thứ sáu của nhà Lý. Thế
nên trong Ngự chế Việt sử tổng vịnh, vua Tự Đức mới phê phán:
Huống lúc truyền hiền đương tựa ghế,
Văn Thông dừng bút chẳng ghi danh.
Thời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175), khi vua còn nhỏ tuổi, Đỗ Anh
Vũ là em của Đỗ Thái hậu cậy thế lực của chị nên lên giữ chức cao, trở thành kẻ
quyền thân lũng đoạn triều chính, uy quyền che lấp cả vua. Hắn và Lê Thái hậu
lại lá gió cành trăng với nhau làm việc mèo mả gà đồng. Năm Canh Ngọ (1150),
Điện tiền đô Chỉ huy sứ Vũ Đái, Hỏa đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá, Phò mã
lang Dương Tự Minh… để cứu nguy cho chế độ mình phụng sự, bèn cùng hợp lực bắt
giam Đỗ Anh Vũ để xử tội. Lê Thái hậu thương xót người tình, bèn giấu vàng
trong cơm đút lót cho Vũ Đái, nhờ đó Anh Vũ giữ được mạng. Nhưng sau này hầu
hêt những quan lại bắt hắn đều bị hắn ra tay trả thù, kẻ chết, người bị đi đày.
Trong Việt sử mông học, đã chê trách rằng:
Mẹ vua là Lê thị,
Dâm đãng đáng chê cười.
Thông dâm với Anh Vũ,
Thực trái đạo làm người.
Đem đày xa phò mã,
Vàng bạc mua chuộc người.
Bất nhân và đại ác,
Tiếng xấu để muôn đời.
Đỉnh điểm cho nguy cơ nạn sâu dân, mọt nước làm suy vong nhà Lý
chính là thời vua Lý Cao Tông (1175 – 1210). Khi vua Anh Tông băng hà năm Ất
Mùi (1175), Long Trát lên ngôi vua, có sự giúp rập của Thái úy Tô Hiến Thành
lúc này quyền bính lớn nhất triều. Việt sử lược cho biết, Chiêu Linh Hoàng Thái
hậu đã đút lót cả mâm bạc cho vợ lẽ của Tô Hiến Thành là bà Lã Thị hòng mong
cho Lý Long Xưởng (con cả bị phế vì tội thông dâm) được lên làm vua thay Lý Cao
Tông. Nhưng việc ấy không thành, bởi tính thanh liêm và sự cương nghị của quan
họ Tô, thể hiện ngay ở lời nói của ông với vợ mình, được Lịch triều hiến chương
loại chí ghi là: “Ta là bậc đại thần, chịu mệnh vua ký thác giúp ấu chúa; nay
nhận hối lộ mà bỏ người nọ dựng người kia, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở
dưới suối vàng?”.
Biết mưu của mình không thành, Thái hậu lại vời ông đến trực
tiếp lấy danh lợi mà dụ dỗ, mua chuộc. Lấy cái lẽ là:
- Ông đối với nước đáng gọi là trung đấy. Song tuổi ông cũng đã
về chiều, mà lại thờ vua non tuổi, những việc ông làm thì ai biết cho? Chi bằng
lập trưởng quân, thì người đó sẽ mang ơn ông, mà cho ông giàu sang lâu dài, há
có phải hay không?
Nhưng lời mật ngọt mà trái đạo nào dễ lọt tai, ông cũng khẳng
khái nói:
- Bất nghĩa mà được giàu sang, đó không phải là điều người trung
thần nghĩa sĩ vui làm. Huống hồ di chúc của tiên vương, lời nói còn văng vẳng
bên tai thì đối với công nghị sẽ làm sao? Thần không dám phụng chiếu.
Nhờ có sự cứng cỏi của ông, mà mối nguy việc hối lộ, tham nhũng
thay quyền, đoạt vị chưa làm suy yếu nhà Lý. Ngai vàng suýt một phen đổi chủ.
Thế nên, trong Sử Nam bốn chữ khi nhắc đến ông là nói đến đức liêm không tham
“hơi đồng”:
Hiến Thành nhận chiếu,
Phò dựng ngôi trời.
Khinh vàng trọng ngãi (nghĩa).
Phụ chánh một người.
Tuy nhiên, khi quan họ Tô mất, vua Cao Tông thiếu người đỡ đần,
và rồi… Việt sử tiêu án nhận định nhà Lý suy vong từ thời điểm Cao Tông, bởi
“vua thì chỉ chăm về tiền của, ngày ngày cùng bọn cung nữ dong chơi, quần thần
đều công nhiên hối lộ”, nên nạn tham nhũng theo đó mà hoành hành, làm cho nhà
Lý ngày một đi xuống, đúng như lời ca thán trong Đại Nam quốc sử diễn ca:
Dấu xe quanh khắp giang san,
Chính hình lỗi tiết du quan quá thường.
Lại thêm thổ mộc cung tường,
Mua quan bán ngục nhiều đường riêng tây.
Cuối thời Cao Tông, đất nước bị loạn lạc, một phần bởi tham
nhũng mà nên khi năm Đinh Mão (1207) Đoàn Thượng, Đoàn Chủ làm phản, vua sai
Đàm Dĩ Mông, Phạm Bỉnh Di và các tướng đi dẹp. Việt sử lược cho hay Đoàn Thượng
“ngầm sai người đến đút lót cho Thượng phẩm phụng ngự Phạm Du, xin đem đồ đảng
theo Du”. Nhờ đó mà Đoàn Thượng được sống. Mối họa nội loạn của Đoàn Thượng vì
sự nhúng tay của hối lộ, tham nhũng mà chưa dẹp được. Năm sau, Phạm Du được cử
làm quan coi châu Nghệ An nhưng lại làm phản, vua Cao Tông phải sai Phạm Bỉnh
Di đi đánh.
Năm Kỷ Tỵ (1209), Bỉnh Di dẫn quân đánh Phạm Du, rồi tịch thu
gia sản nhà Du đốt hết, Du căm tưc lắm, nên như Khâm định Việt sử thông giám
cương mục viết: “Phạm Du mới ngầm sai người đến kinh đô đem vàng bạc đút lót
cho người trong nội, nói rõ Bỉnh Di tàn khốc, giết hại những người vô tội”. Bọn
quan lại thân cận bởi tham hơi đồng nên thay đổi sự thật, người có công trở
thành kẻ có tội. Khi Phạm Bỉnh Di về triều, lập tức bị bắt và sau đó bị giết.
Từ ấy mà loạn Quách Bốc trả thù cho chủ diễn ra. Rồi nạn Đoàn Thượng sau đó
hoành hành khiến cho vua Lý Cao Tông phải chạy loạn khắp nơi. Biến loạn thời
Cao Tông chính là cơ hội để anh em họ Trần hưng khởi và dần xác lập vị trí của
mình để sau này lập triều đại mới thay triều Lý.
Xét ra, hậu quả tham nhũng thời Hậu Lý thật to lớn. Thực trạng
tham nhũng ấy chứng tỏ sự đi xuống trầm trọng không chỉ về đạo đức, cương
thường cuối thời Lý, mà một phần nguyên nhân góp vào sự suy vi của triều đại do
Lý Thái Tổ sáng lập từ cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII chính do sự dự phần của
nạn sâu dân mọt nước. “Tham nhũng, ăn chơi trác táng và phung phí là những nét
quen thuộc ở mọi cấp bậc của triều đình” – Nhận định trên của Giáo sư Lê Thành
Khôi trong Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX khi viết về thời
này, thực chẳng ngoa chút nào.
Nhà Trần đánh quan tham nhũng bằng gậy để bêu nhục
Tham nhũng thì hầu như thời nào cũng có. Và khi “cơ thể bị
bệnh”, thì rõ ràng phải tìm “thuốc” (biện pháp) để “chữa bệnh”. Nhà Trần cũng
thế, và những biện pháp khả dĩ nhất đã được thực hiện.
Có một điểm đáng lưu ý có có tác dụng lớn đối với tư cách đạo
đức quan lại nhà Trần, đó là ở bình diện chung về đạo đức quan lại, những gương
quan lại thanh liêm có rất nhiều. Họ đa phần là những người tài giỏi, có uy tín
cao trong triều đình và tên tuổi những gương sáng ấy, đến nay vẫn còn được hậu
thế tưởng nhớ, ngợi ca. Tỉ như An phủ sứ Thiên Trường Trần Thì Kiến thời Trần
Anh Tông từng móc họng trả cỗ không nhận hối lộ để tạo thuận lợi cho kẻ cầu
cạnh; Nội thư hỏa chánh chưởng phụng ngự Nguyễn Bính thời Trần Minh Tông nộp
lại tiền bổng cho triều đình sau khi đi làm việc công. Những người theo nghĩa
tôn quân như thế, chính là cơ sở, gốc nền cho sự thanh sạch nơi quan trường
thời Trần.
Thời Trần, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi không chỉ được biết đến với
Ngọc tỉnh liên phú, với danh vị “lưỡng quốc trạng nguyên”, mà cao cả hơn, ông
là viên quan không tham vàng, mờ mắt vì bạc tiền. Mạc Đĩnh Chi làm quan liêm
khiết, không a dua, cảnh nhà rất thanh đạm. Vua Trần Minh Tông biết hoàn cảnh
của ông nên ban đêm sai người đem 10 quan tiền bỏ vào nhà ông. Đến hôm sau Mạc
Đĩnh Chi vào chầu, tâu ngay với vua việc ấy. Vua bảo: “Không ai đến nhận, cho
khanh lấy mà tiêu”. Trong Ngự chế Việt sử tổng vịnh, vua Tự Đức có thơ khen ông
là:
Nãi ông bất khẳng vi tiền lộ,
Kỳ hóa an tri hậu duệ tư.
Nghĩa là:
Bạc tiền chẳng chịu làm nô lệ,
Của lạ dè đâu để cháu con.
Chu Văn An sống liêm khiết và đầy trách nhiệm với nước khi dâng
Thất trảm sớ khuyên vua giết bảy tên nịnh thần hại nước… Bên cạnh đó, như Phong
tục sử (Lịch sử phong tục và danh nhân nước Nam có viết: “Tính An ngay thẳng
trong sạch, tu luyện khổ tiết, không cầu lợi đạt”... “Có khi được ban thưởng,
sau khi bái tạ xong bèn lấy đem cho người, thiên hạ cho ông là rất cao thượng”.
Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An là những “hiền lương” cả về tài năng và nhân cách cho
nhà Trần.
Đối với tội tham nhũng, luật lệ thành văn thời Trần nay không
còn, nên ta không rõ tường tận, cụ thể việc xét xử tội trạng này như thế nào.
Nhưng với những gì còn lại từ sử cũ, tội đục khoét của dân, của nước ấy cũng
chẳng nhẹ đâu. Cứ như ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, đơn cử từ trường
hợp Phí Mạnh thì rõ. Theo đó năm Nhâm Thìn (1292), Phí Mạnh làm An phủ Diễn
Châu “giữ chức chưa được bao lâu, có tiếng đồn là tham ô, vua triệu về, đánh
trượng”. Vậy là ở trường hợp này, vua Trần đã có hành động cụ thể trừng trị tội
tham ô, đó là “đánh trượng” kẻ tham nhũng bị dân tố cáo. Đó không chỉ là việc
phạt kẻ có tội, mà còn đòn trượng giáng xuống, cao hơn hết là đánh vào lòng tự
trọng, làm cho kẻ phạm tội hổ thẹn.
Phí Mạnh sau đó hối cải, từ bỏ con đường “vinh thân phì gia” bất
chính để theo đường ngay lối thẳng. Và vua Trần không bỏ hẳn ông ta, mà ngược
lại, vẫn giữ làm An phủ sứ ở Diễn Châu, tức là tạo điều kiện để chuộc lỗi, một
biện pháp được xem là nhân văn. Kết quả đã rõ khi sử còn những dòng ghi nhận
trường hợp Phí Mạnh ở trên sau được dân Diễn Châu ngợi ca là: “Diễn Châu an phủ
thanh như thủy” (An phủ Diễn Châu trong tựa nước). Dễ đâu từ kẻ bị dân tố cáo,
sau lại được dân ca ngợi nếu không phải là biết “quay đầu là bờ”.
Quan lại giữ mình liêm khiết được tôn vinh, trân trọng. Còn nhớ
tới gương Thái sư Trần Thủ Độ (1194 - 1264) thời đầu triều Trần, dù quyền lực
thực tế cao hơn cả vua, nhưng đặt lợi ích quốc gia, dòng tộc cao hơn lợi ích
bản thân, không hề dùng quyền thế để làm lợi riêng cho mình. Sử sách còn truyền
lại việc có người thân quen muốn làm chức câu đương (chức dịch trong xã, giữ
việc bắt bớ, giải phạm nhân) mà nhờ cậy vợ ông là Linh từ Quốc mẫu Trần Thị
Dung xin cho, ông đồng ý nhưng với điều kiện phải chặt một ngón chân với lý do
người này nhờ cậy mà được chức, để phân biệt với những câu đương khác. Dĩ nhiên
việc xin ấy sau không thành. Hay trong Trần Thủ Độ - Danh nhân truyện ký của
Trúc Khê cho hay, khi vua Trần Thái Tông định dùng anh ruột ông là An Quốc làm
Tể tướng, Thủ Độ đã trình bày ý mình rằng nếu An Quốc tài giỏi thật sự, thì ông
xin về hưu để nhường cho anh, còn nếu cho rằng mình giỏi hơn An Quốc, thì không
thể lại dùng cả An Quốc, bởi hai anh em cùng làm Tể tướng sẽ sinh ra cái tệ
lũng đoạn triều chính. Nhờ thế mà với nhà Trần, Trần Thủ Độ được xem là người
có công lớn tột bậc, và trong buổi đầu triều đại, kỷ cương phép nước được tạo
lập, củng cố.
Nhà Trần, để phòng chống nạn tham nhũng, cũng đã có một số biện
pháp đáng chú ý khác như trong xét xử các vụ án, pháp luật thời Trần cho phép
người coi ngục đi báo tin vụ kiện được lấy tiền cước lục tùy quãng đường xa
gần, ty xét án được lấy tiền bình bạc (tiền xét án). Điểm này ở thời Lý chưa
có. Vậy là những viên quan liên quan đến lĩnh vực hình án được nhận tiền công
công khai khi đi báo tin, khi xét xử. Biện pháp này khuyến khích ở mức độ nhất
định trách nhiệm, lòng hăng hái của họ để tận tâm trong công việc.
Nếu như thời Lý có tiến hành biện pháp khảo khóa quan lại 9 năm
một lần. Thì thời Trần cũng có kế thừa biện pháp này với quy định việc xét
duyệt quan lại 15 năm một lần. Theo Nhà Lê sơ (1428 - 1527) với công cuộc chống
nạn “sâu dân, mọt nước”, biện pháp khảo khóa rõ là nhằm cất nhắc quan lại thực
tài, liêm khiết lên vị trí cao, phù hợp năng lực, phẩm chất, hạ bậc, thải loại
quan lại yếu kém. Nhưng rõ là như Lịch triều hiến chương loại chí cho hay,
quãng thời gian 15 mới xét duyệt ấy quả là quá dài với đời làm quan của những
kẻ đội mũ, đi hia.
Thời Lý, quan lại được cấp lương bổng chỉ giới hạn theo lĩnh vực
hạn hẹp, thì thời Trần đã có lệ cấp lương bổng cho quan viên thực hiện ngay từ
đầu triều đại, và tiền đó được lấy từ thuế thu của dân, như Đại Việt sử ký toàn
thư ghi về năm Bính Thân (1236): “Mùa xuân, tháng Giêng, định lệ cấp lương bổng
cho các quan văn võ trong ngoài và các quan ở cung điện, lăng miếu, chia tiền
thuế, ban cấp theo thứ bậc”.
Tham nhũng nhà Trần và chuyện vua Minh Tông xử chết cha vợ
Sau thời Lý, dòng họ Đông A ngồi ngai vàng, trong 175 năm góp
mặt vào sử Việt, làm nên ba chiến thắng oanh liệt trước quân xâm lược Mông –
Nguyên, nhà Trần tạo biết bao dấu ấn riêng như chế độ thái thượng hoàng cùng
vua trị nước, cho phép hoàng thân, quốc thích có điền trang, thái ấp, quân đội
riêng cùng tham gia chống giặc… Ấy, còn riêng việc chống nạn tham nhũng, cũng
có đôi điều để nói.
Khi dòng vua xuất thân từ nghiệp chài lưới bắt đầu năm Ất Dậu
(1225), sử ghi nhận thời vua Trần Thái Tông (1225 - 1258) ở ngôi dài 33 năm,
rồi tới vua con Trần Thánh Tông (1258 - 1278) cũng 20 năm trị vì chứ đâu ít,
nhưng hiện tượng tham ô, nhũng lạm của cải chưa thấy hiện diện.
Quãng thời gian này, rõ là việc lo xác lập, củng cố ngai vàng
cho dòng họ rất ư quan trọng, nên từ vua chí quan tận tâm, tận lực mà dẹp phản
loạn còn vương vấn nhà Lý, còn nuôi mộng đế vương để dựng nghiệp nhà cho vững.
Lại thêm việc cố kết sức mạnh dòng họ, dân tộc để chống xâm lược Mông Cổ, lo
cho sự yên nguy của nước trở thành nhiệm vụ hàng đầu.
Thế nhưng từ thời vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293) hiện tượng
đục tiền, khoét của đã có chép trong sử xưa. Dẫu vậy, những vụ tham nhũng nhỏ
lẻ ở thời nhà Trần xét suốt chiều dài 175 năm tồn tại không thấy được ghi lại
nhiều và cũng không diễn ra thường xuyên lắm.
Qua việc tổng hợp trong sử cũ, hiện tượng tham nhũng vặt có một
số trường hợp như Đại Việt sử ký toàn thư có chép việc vào năm Nhâm Thìn
(1292), Phí Mạnh làm An phủ Diễn Châu “giữ chức chưa được bao lâu, có tiếng đồn
là tham ô, vua triệu về, đánh trượng”. Hay trường hợp Hồ Tông Thốc tham nhũng
tài sản của dân đến nỗi tội trạng bị phát giác mà Khâm định Việt sử thông giám
cương mục có đề cập vào năm Bính Dần (1386).
Không chỉ có quan lại tham ô, nhũng lạm của cải, mà trong giới
hoàng thân quốc thích, việc đó cũng xảy ra. Đơn cử như có vụ của bà Trần Thị
Thái Bình vốn là cung tần của Thượng hoàng Trần Anh Tông tính tham lam, đã dùng
vị thế của mình có được chiếm đoạt ruộng đất dân lành, sau bị khởi kiện phải
trả lại cho dân vào đầu thế kỷ XIV. Còn lại, hầu như không thêm trường hợp cụ
thể nào ghi về những vụ tham ô, nhũng lạm thường thấy nữa.
Có một điểm đáng nói ở đây là về tư tưởng hưởng lợi từ chức
tước, vị thế của đội ngũ quan lại thời Trần. Điều đó được biểu hiện rất rõ qua
sự trần tình của An phủ sứ Hồ Tông Thốc với vua Trần Nghệ Tông.
Ấy là khi làm An phủ sứ, Hồ Tông Thốc có lấy của dân, sau bị
phát giác. “Nghệ Tông lấy làm lạ hỏi ông. Ông lạy tâu: “Một con chịu ơn vua, cả
nhà ăn lộc trời” (Trích Việt sử cương mục tiết yếu). Sự giãi bày ấy nay vẫn còn
thấy bóng dáng trong câu ngạn ngữ “Một người làm quan, cả họ được nhờ” của dân
Việt ta
Vua Nghệ Tông vốn tính không cương quyết, khi nghe viên quan
tham nhũng họ Hồ trả lời vậy thì lại không trách phạt, răn dạy gì mà ngược lại
còn tha cho cái tội tham ô, phong cho chức Hàm lâm học sĩ phụng và kiêm coi
Thẩm hình viện.
Tư tưởng của kẻ bề trên nghiễm nhiên được lấy của kẻ dưới còn
được nhìn thấy qua lăng kính của một tôn thất nhà Trần là Nhân Huệ Vương Trần
Khánh Dư, người có tiếng là tham lam, thô bỉ từng bị dân Bài Áng bất bình thưa
kiện năm Bính Thân (1296).
Khi sự việc đưa lên vua Trần Anh Tông xem xét, Đại Việt sử ký
toàn thư có cho hay, Khánh Dư với vị trí của kẻ là tôn thất nhà vua, đã ngạo
mạn mà đã trả lời rằng: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi
chim ưng thì có gì là lạ”. Câu trả lời ấy dĩ nhiên vua không hài lòng, còn
Khánh Dư thì cũng lưu lại kinh thành chỉ bốn ngày rồi về ngay vì sợ ở lâu vua
khiển trách.
Như trên là một số vụ tham nhũng nhỏ lẻ được ghi lại, cùng với
đó là tư tưởng ăn của bất chính từ đội ngũ quan lại, hoàng thân quốc thích thời
Trần. Trong thời gian tồn tại 175 năm của dòng họ Trần, sử còn ghi lại có hai
trường hợp mà vì tham nhũng, đã gây nên hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, làm ảnh
hưởng trực tiếp tới chính sự nhà Trần. Mà xét ở một mức độ nào đó, cũng là góp
phần cho sự đi xuống của dòng họ Đông A trong nghiệp chính trị.
Theo Nhà Lê sơ (1428 - 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân,
mọt nước” có lược thuật, vào năm Mậu Thìn (1328), vua Trần Minh Tông đã giết
oan cha vợ là Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn.
Nguyên do cái chết oan của Quốc Chẩn là bởi vua tuổi đã cao mà
Hoàng hậu chưa có con, Cương Đông Văn Hiến hầu (con Thái sư Trần Nhật Duật)
muốn lật đổ hoàng hậu để Hoàng tử Vượng (vua Trần Hiến Tông sau này) thay, nên
Quốc sử toản yếu chép “mới đem của đút cho gia thần Quốc Chẩn là Trần Phẫu 100
lạng vàng, bảo Phẫu vu cáo cho Quốc Chẩn về việc mưu phản”.
Vua Trần Minh Tông không xét kỹ nên lệnh bắt giam cha vợ, sau đó
Trần Quốc Chẩn phải chết oan. Việt sử diễn âm còn kể:
Bởi nghe Khắc Chung tôi gian,
Cho nên Quốc Chẩn tội oan thấu trời.
Về sau, bởi vô tình không phát giác sớm âm mưu ấy mà vua Minh
Tông bị chê là:
Nhưng không rõ ngay gian,
Ấy là điều đáng tiếc.
(Trích Việt sử mông học)
Ngoài vụ tham nhũng mà làm thiệt thân cha vợ vua Trần, thì đặc
biệt nghiêm trọng là việc tử trận của vua Trần Duệ Tông (1373 – 1377) khi đánh
Champa lại có nguyên do gián tiếp từ việc tham nhũng của quan lại mà nên.
Thời vua Trần Duệ Tông ngồi ngai vàng trị nước, thì ở Champa
(Chiêm Thành) vua Chiêm bấy giờ là Chế Bồng Nga đang tại vị, thường đem quân
lấn cướp đất đai biên giới Đại Việt.
Để phòng bị việc biên giới phía Nam, vua Duệ Tông sai Hành khiển
Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ đất Hóa Châu. Vua Chiêm Chế Bồng Nga lo bị quân ta
đánh, nên như lời thuật của Đại Việt sử ký toàn thư, y đã sai người “đem 10 mâm
vàng dâng lên vua. Tử Bình ỉm đi, cướp làm của mình, nói dối là Bồng Nga ngạo
mạn vô lễ, nên đem quân đánh. Vua giận lắm, quyết ý thân chinh”.
Chính từ việc tham nhũng của tên quan đại diện triều đình coi
giữ biên ải, vì 10 mâm vàng sống làm cho lóa mắt, lo vinh thân cho mình, mà hại
đến vận nước, đến muôn dân, góp phần dẫn tới cuộc chiến tranh Việt - Chiêm.
Còn vua Trần Duệ Tông khi đánh vào đất Chiêm Thành đã tử trận
năm Đinh Tỵ (1377), chết trong đám loạn quân không tìm thấy xác. Từ sau sự kiện
ấy mà về sau, quân Chế Bồng Nga thừa cơ nhà Trần trên bước đường suy vi, đã
liên tục vào nước ta đánh cướp, thậm chí tiến quân đến Thăng Long tới ba lần
làm vua tôi nhà Trần phải chạy loạn. Tình hình chính trị không ổn định, triều
Trần cũng dần đi vào buổi mạt vận.
Không phải là tham nhũng đã dự phần to lớn làm cho nghiệp chính
trị của dòng họ xuất thân nghề chài lưới đi đến sự vãn hồi, kết cục đó sao?
Chuyện quan lại tham nhũng bán thông tin cơ mật cho phương Bắc
Tuyên phủ sứ Nguyễn Tông Trụ nhận riêng đồ lễ của quan nhà Minh
tiết lộ việc Lê Thái Tổ vì nghe lời gièm pha mà giết hại các công thần Trần
Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo cho viên quan Lã Hồi của Long Châu biết.
Là triều đại tạo được ấn tượng tốt đối với hậu thế bởi những
thành tựu đạt được trên nhiều mặt. Nhưng nạn tham nhũng vẫn hiện diện và là một
“ung nhọt” nguy hiểm mà các vị vua nhà Lê sơ (1428 - 1527) tìm mọi biện pháp để
khắc chế, diệt trừ.
Nạn tham nhũng thời Lê sơ bắt đầu manh nha thời vua đầu triều Lê
Thái Tổ và khởi phát từ thời vua Lê Thái Tông trở về sau, dần hiển hiện rõ nét
vào thời hậu kỳ của nhà Lê sơ, tương ứng với thời vua Lê Uy Mục và các đời vua
sau. Tức là khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ XVI.
Trong 100 năm tồn tại của nhà Lê sơ, sử cũ ghi lại khoảng hơn 30
vụ việc lớn nhỏ liên quan tới tham nhũng, hối lộ của quan lại, tôn thất nhà Lê
sơ. Hơn 30 vụ án hay việc liên quan đến tham nhũng, hối lộ thuộc về 40 năm đầu
thời Lê sơ. Thời trị vì của vua Lê Thái Tổ (1428 - 1433) ghi nhận có vụ tham
nhũng của Cầm Quý dựa vào hành động cát cứ. Toàn thư có ghi: “Quý là người tham
lam, tàn bạo, cấm dân không được trồng trọt tranh với mình, xây dựng cung thất
lớn, lấy đồng làm cột, vợ cả vợ lẽ phải kể hàng trăm, bắt dân đóng góp nặng,
nói láo là để nộp cống, nhưng thực ra là vơ vét hết về mình. Thái Tổ định giết
hắn, nhưng vì bấy giờ còn đương có việc, nên chưa rảnh tính đến”.
Vụ án tham nhũng cuối cùng được sử chép trong 40 năm đầu thời Lê
sơ là vụ án của nội quan Phan Tông Trinh cùng đồng bọn xảy ra tháng 11 năm Mậu
Tý (1468) thời vua Lê Thánh Tông. Những nội thần gồm Nguyễn Thư, Chu Đức Đại,
Dương Minh Phong, Ngô Át và Phan Tông Trinh hầu cận trong cung vua, nhưng nhiều
lần ăn hối lộ, bị phát giác và khép vào tội chết. Sau đó vua Lê Thánh Tông xem
xét và có mức xử cụ thể cho từng người.
Trong khoảng 30 vụ tham nhũng, hối lộ sử cũ ghi chép lại, thì
chủ yếu là những vụ xảy ra với quan lại trong triều. Ở cấp địa phương được ghi
chép ít hơn nhưng không phải là không có. Điển hình là sự kiện năm Ất Mão
(1435) được Việt sử cương mục tiết yếu ghi lại, vua Lê Thái Tông cho người đi
khắp cả nước bí mật điều tra, bắt và xét hỏi tới 53 kẻ tham quan ô lại bao gồm
những Tuyên phủ, Chuyển vận, Tuần sát các lộ, trấn, huyện.
60 năm cuối nhà Lê sơ từ niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497) của
vua Lê Thánh Tông cho đến thời vua Lê Cung Hoàng (1522 - 1527), chính sử không
ghi rõ số vụ, việc tham nhũng, nhưng chắc chắn tình trạng tham nhũng đã gia
tăng và tính chất ngày càng trầm trọng. Bởi, với một Lê Uy Mục dùng ngoại thích
tạo điều kiện cho những kẻ bất tài như Thừa Nghiệp vốn là kẻ chăn trâu mà coi
phủ Tôn nhân, Tử Mô làm nghề bán cá lại trông quân Túc vệ… Một Lê Tương Dực về
cuối thời trị vì chăm lo việc thổ mộc, bòn rút sức lực, tiền tài của dân xây
điện trăm nóc, Cửu trùng đài… Vua Lê Chiêu Tông (1516 - 1522) và Lê Cung Hoàng
tài năng hạn chế, không có thực quyền trị nước, chắc chắn tham nhũng, hối lộ
càng có cơ hội để phát triển nhiều hơn khi mà trên không ngay, dưới ắt chẳng thẳng.
Ngay như vua Lê Hiến Tông nối nghiệp vua Lê Thánh Tông trị nước cũng được xem
là sáng suốt thế, còn phải tỏ ra lo lắng với nạn tham nhũng ở thời trị vì của
mình thì lấy gì làm hi vọng sự công bằng, thanh sạch ở những vị vua đức kém,
tài hèn về sau.
Đánh giá về “phong độ sĩ phu” thời Lê sơ mà Lê Quý Đôn gọi là
Tiền Lê, qua đó thể hiện một phần hiện trạng xã hội, trong Kiến văn tiểu lục,
ông cho rằng: “Từ năm Đoan Khánh (niên hiệu của Lê Uy Mục – Người dẫn) trở về
sau, lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh mỗi ngày một thịnh, người có
chức vị ít giữ được phong độ thanh liêm nhún nhường, trong triều đình không
nghe có lời can gián, gặp có việc thì rụt rè cẩu thả, thấy lúc nguy thì bán
nước để toàn thân, dầu người gọi là bậc danh nho, cũng đều yên tâm nhận sủng
vinh phi nghĩa, rồi nào thơ ca nào trao đổi, khoe khoang tán tụng lẫn nhau, tập
tục sĩ phu thối nát đến thế là cùng, tệ hại biến đổi lần này không thể nào nói
cho xiết được”.
Có nhiều vụ tham nhũng liên đới trực tiếp tới nhiều công thần,
đại thần. Tiêu biểu trong những trường hợp tham nhũng đó có Thái phó Lê Văn
Linh cho người làm quan để nhận hối lộ riêng vào đời Lê Thái Tông, Lê Nhân
Tông; Thái úy Lê Thụ sắm lễ cưới cho con trai là Lê Quát năm Mậu Thìn (1448)
bằng cách nhận lễ vật của quan lại cấp dưới, nên mới gây nên cảnh còn chứng cứ
ở Khâm định Việt sử thông giám cương mục: “những kẻ bon chen xu phụ đua nhau
đem lễ đến dâng”… “Các trấn, các lộ nhân đó bắt dân đóng góp cung ứng để mua
lòng Lê Thụ”…
Những đại thần ở chức vụ Thái phó, Thái úy như trên, theo Lê triều quan chế đều
là những chức giữ trọng trách cao nhất trong hàng ngũ đại thần thời Lê sơ.
Trong khi ấy, Đô đốc thuộc hàng Chánh nhất phẩm, còn Thượng thư sáu bộ thuộc
hàng Tòng nhị phẩm, đều là những phẩm hàm cao trong hàng cửu phẩm thời Lê sơ.
Việc lợi dụng chức vụ để tham nhũng của những viên đại thần không chỉ diễn ra
một lần là dứt. Sũ cũ còn chép việc Nguyễn Nhữ Soạn phạm tội tham ô đến ba lần,
hay Lê Thụ đều ít nhất hai lần tham nhũng năm Giáp Dần (1434) khi là Tổng quản
tiền quân và năm Mậu Thìn (1448) khi là Thái úy. Thậm chí như cha con công thần
Nguyễn Xí còn đều cùng nhau phạm tội tham ô.
Các vụ tham nhũng thời Lê sơ đa phần lợi dụng chức vụ để vơ vét
của công hoặc nhận quà, tiền biếu xén của cá nhân với mục đích kinh tế là chính
hòng làm giàu cho bản thân. Những trường hợp của Tổng quản lộ An Bang Nguyễn
Tông Từ cùng Đồng tổng quản Lê Dao bán trộm hàng hóa, chiếm riêng mỗi người 100
quan tiền năm Giáp Dần (1434), hay Chuyển vận sứ Nguyễn Liêm của huyện Thủy
Đường (thuộc Hải Dương) nhận hối lộ hai tấm lụa năm Ất Mão (1435)… không phải
là việc hiếm. Hoặc các viên quan lợi dụng việc công mà làm việc tư. Thế nên mới
có sự thể là Kim ngô vệ đồng tổng tri Lê Quát sai 70 tên lính làm thuyền riêng,
phí tổn tới 18 quan tiền của quân đội vào năm Bính Tý (1456).
Hiện tượng tham nhũng rất nguy hại còn hiện diện trong lĩnh vực
ngoại giao, thể hiện ở trường hợp đầu năm Giáp Dần (1434), Tuyên phủ sứ Nguyễn
Tông Trụ trong chuyến đi sứ sang nhà Minh cầu phong cho vua Lê Thái Tông không
giữ được thể diện của kẻ đại diện nhà nước. Ngược lại, y còn nhận riêng đồ lễ
của quan nhà Minh ở đất Long Châu (thuộc tỉnh Quảng Tây) rồi tiết lộ việc Lê
Thái Tổ vì nghe lời gièm pha mà giết hại các công thần Trần Nguyên Hãn, Phạm
Văn Xảo cho viên quan Lã Hồi của Long Châu biết. Không chỉ phạm tội lợi dụng vị
trí sứ thần để tư túi riêng cho bản thân ở nước người, Tông Trụ còn phạm cả tội
làm lộ bí mật quốc gia.
Cũng trong lĩnh vực ngoại giao, sử còn ghi lại việc nhiều viên
quan to thời vua Lê Nhân Tông gồm: Tư khấu Lê Khắc Phục, Tả hữu nạp ngôn Nguyễn
Mộng Tuân, Hữu ty thị lang Đào Công Soạn, Trung thừa Hà Lật (thuộc Ngự sử đài),
Tây đạo tham tri Nguyễn Thúc Huệ, Thẩm hình viện phó sứ Trịnh Mân, Nội mật viện
tham tri Lê Văn năm Mậu Thìn (1448) được triều đình giao trọng trách lên biên
giới miền Đông đạo để hiệp đồng xem xét tình hình biên giới với các quan trấn
thủ Quảng Đông của nhà Minh. Khi đi, các viên quan được ban cho tiền theo thứ
bậc. Nhưng khi việc hiệp đồng hai bên không diễn ra, những viên quan đại diện
nhà nước thay vì trả lại tiền cho triều đình, lại lấy tiền được ban mua hàng
hóa của Trung Hoa rồi về.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Thế thái nhân
tình qua thơ Đặng Xuân Xuyếnl
- “Tưng tửng” 7
chuyện cùng Nguyễn Đăng Hànhl
- Bạn đọc cảm nhận
bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
- Hôn quân Lưu Tử
Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệtl
- Vài cảm nhận khi
xem phim BỐ GIÀ (web drama) của Trấn Thànhl
Mời nghe nhạc phẩm TẾT QUÊ HƯƠNG
của Minh Vy, qua tiếng hát Cẩm Ly:
Tác giả: Trần Đình
Ba - nguồn: Một Thế Giới
Ảnh minh họa sưu tầm từ
nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét