VUA CHÚA VIỆT NAM VỚI
“TỰ DO” VÀ “CHÂN THẬT”
Đặng Xuân Xuyến giới thiệu
Vua không xem quốc sử
Dưới chế độ quân chủ ngày xưa, của Trung Hoa cũng như của Việt
Nam, có một biệt lệ: Người viết sử (sử quan) làm việc độc lập, không tuân theo
các chỉ thị của vua chúa. Nguyên tắc này được áp dụng nhằm bảo đảm tính khách
quan của sử sách, không phụ thuộc vào ý muốn của người đương quyền.
Các bậc minh quân đều tôn trọng nguyên tắc đó. Nhưng các hôn quân
thì không, bởi vậy mà đã có không ít sử quan thà chết chứ không chịu bẻ cong ngòi
bút. Các vua chúa (tất nhiên là minh quân) cũng không được phép xem các sử quan
đang viết những gì về mình. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ thú vị.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Quang Thuận thứ 8 (1467),
vua Lê Thánh Tông sai nội quan đến Hàn lâm viện gặp riêng sử quan Lê Nghĩa để mượn
Thực lục (tài liệu ghi chép chuyện hàng ngày của vua) về cho vua xem.
Nội quan hỏi: “Trước kia, Phòng Huyền Linh làm sử quan, Đường Thái
Tông muốn xem Thực lục, Huyền Linh không cho xem. Nay ngươi với Huyền Linh thì
ai hơn?”. Lê Nghĩa đáp: “Sự kiện cửa Huyền Vũ, Huyền Linh lại không thẳng thắn
ghi lại. Đường Thái Tông phải bảo ghi rồi sau mới ghi, như thế e rằng cũng chưa
phải là hiền thần”.
Nội quan nói: “Vua muốn xem ghi chép hằng ngày từ năm Quang Thuận
thứ 1 đến năm thứ 8 (là 8 năm Lê Thánh Tông làm vua)”. Lê Nghĩa trả lời: “Vua mà
xem quốc sử, hẳn không phải là việc hay. Những việc làm của Đường Thái Tông và
Phòng Huyền Linh đã bị đời sau chê bai đấy!”
Nội quan nói: “Vua bảo là xem những ghi chép hằng ngày để biết
trước đó có lỗi gì còn có thể sửa được”. Lê Nghĩa vẫn kiên quyết: “Chỉ cần bệ hạ
gắng làm điều hay thôi, việc gì phải xem quốc sử!”
Nội quan dụ bảo nhiều lần, Lê Nghĩa mới nói: “Thánh chúa nếu biết
sửa bỏ lỗi lầm thì đó là phúc lớn vô hạn của xã tắc”. Nói rồi dâng những ghi chép
hằng ngày lên. Vua xem xong trả lại cho Sử viện.
Vua không xem quốc sử (phần viết về mình) là điều quá hay của người
xưa. Nhưng ngoại lệ như Lê Thánh Tôn, muốn xem quốc sử, không phải để “định hướng”,
để can thiệp bẻ cong ngòi bút của sử gia, mà để biết mình có lỗi lầm gì nhằm kịp
thời sửa chữa, cũng là chuyện hay không kém. Ông Lê Nghĩa không câu nệ nguyên tắc,
cũng là một hiền thần, là một sử quan tốt.
Về trường hợp của Đường Thái Tông. Là một vua giỏi của Trung Quốc,
ông xem quốc sử cũng không phải để bẻ cong ngòi bút của sử quan mà để “uốn” lại
cho thẳng. Sự kiện cửa Huyền Vũ (Huyền Vũ Môn) là sự kiện ông chủ mưu giết những
người anh em ruột của mình (Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát) trong cuộc đấu đá
quyền lực. Dưới cái nhìn thông thường thì đây là một vết nhơ trong sự nghiệp của
ông, nhưng nhìn toàn cục chính trị của nhà Đường lúc bấy giờ thì ông không còn
cách nào khác. Phòng Huyền Linh đương nhiên là một hiền thần, vị sử quan này không
phải sợ Đường Thái Tông mà ông ngại đời sau nghĩ xấu về vị minh quân nên chỉ
ghi mập mờ, tránh không ghi chi tiết tương tàn huynh đệ. Đường Thái Tông xem quốc
sử và bảo phải ghi đúng sự thật, khi ấy ông mới ghi.
Tóm lại, hơi khác với trường hợp của Lê Thánh Tông xem quốc sử “để
biết mình có lỗi lầm gì sửa cho kịp”, Đường Thái Tông xem quốc sử để yêu cầu viết
cho đúng, dù cái đúng đó có thể làm tổn hại đến uy tín của mình.
Tuy cả hai trường hợp nói trên đều vô hại, nhưng vua Minh Mệnh của
triều Nguyễn không tán thành. Ông bảo “Đường Thái Tông xem quốc sử, lại tự tay
tước bỏ, trẫm không cho là ông phải”. Theo ông, người viết sử “chép đủ việc hay
việc dở, vua không nên xem”. Ông chỉ lưu ý: “Người có chức trách cầm bút ghi việc,
phải nghĩ làm thế nào cho muôn đời về sau tin được”.
Ngày nay ở nước ta không có các sử quan viết Thực lục “chép đủ
việc hay việc dở” như ngày xưa, thay vào đó là toàn bộ các hồ sơ lưu trữ vô cùng
đồ sộ tại các cơ quan lãnh đạo và quản lý Nhà nước sẽ giúp các sử gia dựng lại
các bộ “Thực lục” của từng thời kỳ, sau khi các hồ sơ này được giải mật. Tuy
nhiên, tinh thần của nguyên tắc vua không xem quốc sử, không can thiệp để bẻ
cong ngòi bút của sử gia vẫn mang tính thời sự.
Tất nhiên nguyên tắc người viết sử độc lập với nhà cầm quyền chỉ
là một trong những biện pháp ngăn chặn sự sai lệch chứ chưa đủ để bảo đảm cho
những ghi chép lịch sử hoàn toàn chân thực. Người viết sử còn bị chi phối bởi
xu hướng tư tưởng, quan điểm chính trị, trình độ và thậm chí cả cá tính của chính
mình. Ngay đến ông Tư Mã Thiên khi viết về Tần Thủy Hoàng trong bộ Sử Ký, ông là
sử thần nhà Hán, vốn ghét Tần, nên đã đưa vào một lời đồn vô căn cứ, rằng Tần
Thủy Hoàng là con của Lã Bất Vi, khiến cho các nhà nghiên cứu lịch sử đời sau tốn
rất nhiều giấy mực tranh cãi. Nói là “lời đồn”, vì chi tiết này được đưa ra từ
những “tài liệu tuyên truyền”, đó là những bài hịch “phạt Tần”. Chi tiết “tuyên
truyền” đó thật phi lý, bởi vì Tần Thủy Hoàng được mang thai trong thời gian
Triệu Cơ (mẹ Tần Thủy Thoàng) đã về làm vợ Tần Trang Tương Vương (bố Tần Thủy
Hoàng), nếu nói Triệu Cơ mang thai với Lã Bất Vi trước khi về với Tần Trang Tương
Vương thì cái thai đó phải mang hơn 1 năm, còn nói Triệu Cơ lén lút đi lại với
Lã Bất Vi thì sử gia nào theo dõi chuyện phòng the của người khác mà biết được
? Nếu không bị định kiến yêu ghét khi đọc sử, người đọc dễ dàng nhận ra sự phi
lý đó.
Sự 'hèn nhát' vĩ đại
Trong các bộ chính sử nước ta, có không ít những ghi chép gây
tranh cãi, nhưng tốn nhiều giấy mực tranh cãi nhất có lẽ là những ghi chép về
nhà Mạc.
Đại Việt sử ký toàn thư phần liên quan đến nhà Mạc,
do các sử gia Lê – Trịnh viết, đã không đưa nhà Mạc thành một Kỷ riêng mà chỉ
ghép làm một phần phụ của nhà Lê trung hưng, coi nhà Mạc là “ngụy” tiếm quyền.
Các sách khác như Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, Khâm định Việt sử thông giám
cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn, Lịch triều hiến chương loại chí của
Phan Huy Chú… khi đề cập đến nhà Mạc cũng dùng những lời lẽ không mấy tốt đẹp.
Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, có thể thấy Đại Việt sử ký toàn thư và các
bộ sử nói trên vẫn ghi nhận tương đối khách quan một số việc làm của nhà Mạc đối
với đất nước. Riêng cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim thì
chê bai nhà Mạc cực kỳ thậm tệ và lược bỏ hết những việc làm tích cực của nhà Mạc,
trừ bản di chúc của Mạc Ngọc Liễn mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần dưới.
Ông Trần Trọng Kim viết về Mạc Đăng Dung: “Đối với vua là nghịch
thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn-ở của loài người, là không có
nhân-phẩm; một người như thế ai mà kính phục? Cho nên dẫu có lấy được giang-sơn
nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh-vực mặc lòng, một cái cơ-nghiệp dựng
lên bởi sự gian-ác hèn-hạ như thế, thì không bao giờ bền-chặt được”.
Việt Nam sử lược là cuốn sử đầu tiên viết
bằng chữ quốc ngữ. Trước đó, tất cả các bộ sử đều được viết bằng chữ Hán (cũng
có cuốn viết bằng chữ Nôm như Đại Nam quốc sử diễn ca, nhưng cuốn này chỉ nêu sự
kiện và nhân vật, không có nhiều chi tiết). Số đông người Việt chúng ta trong
thế kỷ 20 đều biết lịch sử dân tộc từ cuốn sử bằng chữ quốc ngữ này. Một thời
gian dài cuốn sách được dùng làm sách giáo khoa hoặc dựa vào đó để viết sách giáo
khoa lịch sử.
Khoảng vài chục năm gần đây, một số nhà sử học đã thu thập tài
liệu trong và ngoài nước và đánh giá lại nhà Mạc, thẳng thắn và có sức thuyết
phục nhất là ý kiến của giáo sư Trần Quốc Vượng. Tuy vậy, những đánh giá khách
quan này chỉ được công bố tại các cuộc hội thảo và đăng lẻ tẻ trên các phương
tiện truyền thông, không đủ lấn át sự ảnh hưởng rộng lớn và sâu đậm của Việt
Nam sử lược. Đến nỗi, gần đây chính quyền thành phố Hà Nội đã lấy hai vị vua Mạc
đặt tên cho hai con đường của Thủ đô, nhưng trước khi quyết định vẫn vấp phải sự
phản đối của một “nhà sử học” có tên tuổi đối với trường hợp Mạc Đăng Dung.
Tôi bắt đầu nghĩ khác về nhà Mạc khi thầy dạy sử của tôi ở Trường
Đại học tổng hợp Huế nói vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước: “Thời nhà Mạc,
nước ta đã bỏ ngăn sông cấm chợ”. Tôi nhớ mãi câu nói này, vì trước đó tôi học
trường Sĩ quan chính trị ở Bắc Ninh, anh bạn cùng lớp mỗi khi đi phép bao giờ cũng
tranh thủ mang một ba lô khoai tây từ Hà Nội về Đà Nẵng bán kiếm được một khoản
chênh lệch kha khá. Cả nước lúc đó ngăn sông cấm chợ, đến nỗi chúng tôi không dám
nhắc tới việc bạn mình đã “buôn lậu” mấy ki-lô khoai tây, còn Bí thư Thành ủy thành
phố Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ phải bật đèn xanh xé rào cho bà Ba Thi “buôn
lậu” đưa lúa gạo về thành phố bán cho dân để cứu đói với lời bảo đảm “Nếu chị đi
tù, tôi sẽ đưa cơm”. Sau này khi nghĩ đến công cuộc đổi mới, tôi lại nghĩ đến
nhà Mạc. Gần 500 năm trước, cha con ông Mạc Đăng Dung đã thực hiện những chính
sách kinh tế mà ngày nay chúng ta phải thử nghiệm, phải xé rào, phải vượt qua
biết bao gian truân mướt mồ hôi sôi nước mắt mới làm được, đó là các chính sách
của công cuộc đổi mới.
Không chỉ xóa ngăn sông cấm chợ, các vua Mạc còn khuyến khích phát
triển chợ búa, khuyến khích giao thương với nước ngoài. Nông nghiệp và tiểu thủ
công nghiệp trở thành sản xuất hàng hóa, các sản phẩm hàng hóa này được giao thương
với hàng chục nước trên thế giới (có tài liệu ghi 28 nước).
Dù coi nhà Mạc là “ngụy”, nhưng Đại Việt sử ký toàn thư
vẫn phải chép : “Họ Mạc ra lệnh cấm người các xứ trong ngoài cầm giáo mác và
dao nhọn. Ai vi phạm thì cho phép ty bắt giữ. Từ đấy, người buôn bán và kẻ đi đường
đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem
về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là
gia súc nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng
ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên”.
Giáo sư Trần Quốc Vượng nhận xét: “Sau khi lên ngôi, Mạc Đăng
Dung đã chấm dứt thời kỳ “ức thương”, mở rộng giao thương với nước ngoài. Ông đề
cao hoạt động thương mại, và thực sự đã có nhiều chính sách mới mẻ. Minh chứng
cụ thể là đồ gốm sứ trở thành mặt hàng được nhiều nước mua. Hiện nay, đồ gốm sừ
thời Mạc có mặt ở bảo tàng nhiều nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,…và con tàu
đắm ở Cù lao Chàm mới được tìm thấy có rất nhiều đồ gốm sứ thời này. Điều đáng
nói là các sản phẩm gốm sứ thời Mạc đều có khắc tên người làm, địa chỉ xưởng sản
xuất và nơi cung tiến. Tôi cho rằng, nếu nhà Mạc tiếp tục tồn tại và phát triển,
Việt Nam có thể đã có một cuộc cải cách giống như thời Minh Trị của Nhật Bản,
nhưng từ rất sớm” (Trích bài trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải Phóng,
6-11-2004)
Việc Mạc Đăng Dung “cướp ngôi” nhà Lê đã mục nát khi ấy là hợp
quy luật, ngày nay không có gì phải tranh cãi, nhưng sự kiện gây tranh cãi nhiều
nhất là việc ông quỳ gối đầu hàng nhà Minh. Đại Việt sử ký toàn thư
chép: “Mùa đông, tháng 11 (năm 1540), Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và
bề tôi (…) qua trấn Nam Quan, mỗi người đều cầm thước, buộc dây ở cổ, đi chân
không đến phủ phục trước mạc phủ của quân Minh quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu
hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước để chờ phân xử,
dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh
An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu. Lại xin ban chính sóc, cho ấn
chương, để kính cẩn coi giữ việc nước…”.
Sở dĩ có việc “đầu hàng” này là do trước đó đám quân thần nhà Lê
vừa “trung hung” sang tố cáo và rước quân Minh về. Lợi dụng “lời mời” này, nhà
Minh đã cử Cừu Loan và Mao Bá Ôn đem đại quân sang “hỏi tội”. Đất nước đối mặt
với họa xâm lăng từ phương Bắc. Khác với bối cảnh cuộc kháng chiến chống Tống
thời Lê Hoàn và cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông thời Trần, Mạc Đăng Dung
không đủ sức vừa đối phó với nội chiến bên trong vừa chống xâm lược bên ngoài. Ông
buộc phải chọn cách chịu nhục để giữ nước. Nếu đánh thì chắc chắn ông không thắng
được giặc, ông có thể tuẫn tiết như một anh hùng nhưng dân tộc phải bị dày xéo
dưới ách quân xâm lược. Còn việc ông “dâng đất” cho giặc thì sao ? Những khảo cứu
sau này cho thấy, những cái động ông dâng cho nhà Minh là “dâng khống”, biên giới
lúc ấy không rõ ràng, các tù trưởng khi thì theo bên này khi thì theo bên kia và
trong thực tế những vùng này không do ta quản. Đầu hàng giả, dâng đất khống, chịu
nhục với sử sách để bảo vệ độc lập thật cho đất nước, Mạc Đăng Dung là hèn nhát
hay vĩ đại ? Câu trả lời còn tùy vào những cách nhìn, tùy vào cách đọc lịch sử.
Đối với tôi, nếu gọi ông là “hèn nhát” thì sự “hèn nhát” đó cũng thật là vĩ đại.
Cuối cùng, sau khi nhà Mạc bị quan quân Lê-Trịnh truy cùng giết
tận, con cháu họ Mạc nhiều người phải đổi họ để sinh tồn, một số phải lánh nạn
sang Trung Quốc, nhưng trước sau nhà Mạc không nhờ vả ngoại bang, càng không rước
ngoại bang về dày xéo quê hương. Sự nhất quán đó thể hiện ở lời di chúc của Đà
Quốc công Mạc Ngọc Liễn dặn vua Mạc Kính Cung trước khi lâm chung: “Nay khí vận
nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng, đó là số trời. Dân ta là dân vô tội mà để
phải mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế ! Bọn ta nên tránh ra ở nước khác, chứa
nuôi uy sức, chịu khuất đợi thời, xem khi nào mệnh trời trở lại mới có thể làm được.
Rất không nên lấy sức chọi sức, hai con hổ tranh nhau tất có một con bị thương,
không được việc gì. Nếu thấy quân họ đến thì ta nên tránh, chớ có đánh nhau, nên
cẩn thận mà giữ là hơn. Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta để dân
ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng” (Đại Việt sử ký
toàn thư).
Có lần gặp thiền sư Lê Mạnh Thát, tôi hỏi ông đánh giá như thế nào
về nhà Mạc, ông bảo hãy nhìn ông Nguyễn Bình Khiêm, dù học rộng tài cao nhưng dứt
khoát không chịu đi thi dưới triều Lê bấy giờ đã ruỗng nát, ông chỉ đi thi khi
nhà Mạc lên thay, lúc đã hơn 40 tuổi và làm quan cho nhà Mạc. “Nguyễn Bỉnh Khiêm
chính là hình ảnh của nhà Mạc”, thầy Lê Mạnh Thát nói.
Tự do yêu đương thời nhà Trần
Nhà Trần là triều đại khoan dung và tự do nhất trong lịch sử dân
tộc. Tự do yêu đương chỉ là một trong những biểu hiện.
Đọc lịch sử ít ai để ý vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần
Quốc Tuấn có một “vết xấu” mà các sử gia Lê - Nguyễn chê bai. Đó là chuyện ông
yêu công chúa Thiên Thành, nhưng Thiên Thành lại bị vua đem gả cho Trung Thành
Vương. Trần Quốc Tuấn không chịu, “đương đêm lẻn vào tư thông với công chúa” (Đại
Việt sử ký toàn thư). Chuyện “hủ hóa” này không những không bị vua Trần Thái Tông
trị tội mà còn đem Thiên Thành gả luôn cho ông. Vua Trần Thái Tông tôn trọng tự do yêu đương,
nhưng Ngô Sĩ Liên cho đây là cuộc “hôn nhân bất chính”, còn Khâm định Việt sử
thông giám cương mục của Quốc sử quán nhà Nguyễn thì bình luận: “Trần Quốc Tuấn
là người văn võ toàn tài, đủ cả trung lẫn hiếu, duy phải một vết xấu này, nên
không được là người hoàn toàn. Có lẽ thói chung chạ của nhà Trần đã
ăn sâu vào đầu óc người ta, đến nỗi họ cho việc ấy là tự nhiên, không có gì là
quái lạ”.
Chuyện bắt đầu từ Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, người mà giáo
sư Trần Quốc Vượng bảo là đã để cho dòng họ mình “bám váy” vào triều đình, từ đó
khai sinh ra nhà Trần. Bà Trần Thị Dung có nhiều mối tình lãng mạn trước khi trở
thành hoàng hậu của nhà Lý và sau khi nhà Trần thay nhà Lý bà lại tái giá với
thái sư Trần Thủ Độ. Hai người con gái của bà với vua Lý Huệ Tông là công chúa
Chiêu Thánh (tức nữ hoàng đế Lý Chiêu Hoàng) lấy Trần Cảnh, sau đó nhường ngôi
cho Trần Cảnh, và công chúa Thuận Thiên lấy anh của Trần Cảnh là Trần Liễu. Vì
lo lắng cho tương lai của triều Trần khi Chiêu Thánh chậm sinh con, Trần Thủ Độ
và bà đã bàn với nhau ép Trần Liễu nhường công chúa Thuận Thiên khi ấy đã mang
thai về làm vợ Trần Cảnh, rồi ép Trần Cảnh phế hoàng hậu Chiêu Thánh, đem Chiêu
Thánh gả cho Lê Phụ Trần. Kết quả của cuộc cưỡng ép hôn nhân trái khoáy nhất
trong lịch sử này là công chúa Thuận Thiên trở thành mẹ của vua Trần Thánh Tông
và là bà nội của vua Trần Nhân Tông. Bà Trần Thị Dung chính là bà ngoại và bà cố
ngoại của hai ông vua anh minh này. Bà không những có công khai mở triều Trần mà
còn có công lớn đối với đất nước, là người trực tiếp tổ chức hậu cần cho cuộc
kháng chiến chống Nguyên – Mông.
Các sử gia nho sĩ thời Lê – Nguyễn đã lên án kịch liệt “thói
chung chạ” này, gọi đó là “đầu têu dâm loạn”. Chuyện Trần Thủ Độ vì quốc gia đại
sự mà ép Trần Cảnh lấy chị dâu của mình ngày nay có thể còn nhiều tranh cãi, bản
thân Trần Cảnh lúc ấy cũng phản đối cuộc hôn nhân trái khoáy này, nhưng việc bà
Trần Thị Dung và công chúa Chiêu Thánh tái giá thì rõ ràng là thể hiện sự tôn
trọng khát vọng làm vợ làm mẹ chính đáng của người phụ nữ.
Phải thừa nhận vua quan nhà Trần rất “thông thoáng” trong chuyện
trai gái, điển hình là chuyện của Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy. Trần
Khánh Dư là một vị tướng quân tài giỏi, vua Trần Thánh Tông vì mến tài nên nhận
làm con nuôi (Thiên tử nghĩa nam), được phong làm Nhân Huệ Vương. Công chúa Thiên
Thụy là vợ của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, là con dâu của Hưng Đạo Vương Trần
Quốc Tuấn, thế mà Trần Khánh Dư lại ngang nhiên “thông dâm” với công chúa Thiên
Thụy. Tội lớn đó không thể tha, vua lại sợ làm phật lòng Trần Quốc Tuấn, nên “sai
đánh chết” Khánh Dư, nhưng lại dặn đánh nhẹ tay không để chết, sau đó tước hết
quan chức đuổi làm dân thường, về làm nghề đốt than và buôn bán ở Chí Linh. Sau
này Khánh Dư được vua Trần Nhân Tông phục chức, ông đã lập công lớn bằng việc đánh
chìm đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ ở Vân Đồn, bẻ gãy xương sống của quân
xâm lược, tạo bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông. Trong chuyện
“thông dâm” này rõ ràng không thể là chuyện đơn phương của Trần Khánh Dư mà chắc
chắn là phải có sự chủ động của công chúa, điều này cho thấy những người con gái
thời Trần “thông thoáng” như thế nào trong chuyện yêu đương, chẳng khác mấy so
với con gái bây giờ.
Dù “thông thoáng” trong chuyện yêu đương trai gái nhưng nhà Trần
lại hết sức chú trọng bảo vệ sự bền chặt của gia đình. Bản thân các vua Trần là
tấm gương về lòng hiếu thảo, về tình anh em. Không những vậy, vào tháng 5-1315,
vua Trần Minh Tông ngay sau khi lên ngôi đã ban chiếu “cấm cha con, vợ chồng và
gia nô không được tố cáo lẫn nhau”. Lần đầu tiên trong lịch sử đã có một chiếu
lệnh nhân văn như vậy. Đến thời Lê, vua Lê Thánh Tông đã kế thừa truyền thống đó
và đưa vào bộ luật Hồng Đức. Tiếc rằng, truyền thống nhân văn này một thời gian
dài đã bị bãi bỏ gây ra biết bao nhiêu bi kịch, điển hình là việc con tố cha vợ
tố chồng thời cải cách ruộng đất, mãi cho đến năm 1999, Quốc Hội nước ta mới đưa
tinh thần “người thân không tố cáo nhau không có tội” vào Bộ luật hình sự năm
2000 để kế thừa truyền thống nhân văn của tổ tiên.
Cần biết, thời nhà Trần, nho giáo chưa thống trị xã hội, tự do cá
nhân chưa bị câu thúc, những người khai sinh triều Trần lại xuất thân là những
người đánh cá có cuộc sống phóng khoáng. Bản thân vua Trần Thái Tông không muốn
làm vua, ông coi ngai vàng như “chiếc giày rách”, ông từng rời bỏ nó lên Yên Tử,
do Trần Thủ Độ và quần thần đến cầu khẩn, lại được thiền sư Viên Chiếu khuyên “phàm
làm bậc nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm
lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình” (Dẫn từ Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Thái
Tông, Nhà xuất bản Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh, 1999), ông đành miễn cưỡng lên
ngôi vua trở lại, nhưng ông cũng chỉ ở ngôi đến 40 tuổi thì thoái vị. Theo gương
ông, các vua Trần không ai tham quyền cố vị, không ai ở ngôi quá tuổi 40, trừ
trường hợp đặc biệt là Trần Nghệ Tông 49 tuổi mới làm vua nhưng chỉ ở ngôi 2 năm
thì nhường lại cho con.
Và người coi ngai vàng như “chiếc giày rách” đó đã mở ra một triều
đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc với ba lần đánh thắng đội quân xâm lược hùng
mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ là quân Nguyên - Mông. Nhà Trần còn là triều đại
khoan dung và tự do nhất trong lịch sử dân tộc mà tự do yêu đương chỉ là một
trong những biểu hiện.
Vua Minh Mệnh và tự do ngôn luận
Một trong những điểm lạ lùng độc đáo của vua Minh Mệnh là chủ trương
mà ngày nay chúng ta ghi trong Hiến Pháp: tự do ngôn luận. Quốc sử quán triều
Nguyễn khi biên soạn bộ Minh Mệnh chính yếu đã dành hẳn một thiên, gọi là “Quảng
ngôn lộ”, nghĩa là mở rộng đường ngôn luận.
Dưới sự trị vì của vua Minh Mệnh, nước Việt ta không những là quốc
gia có cương thổ rộng lớn nhất trong lịch sử dân tộc, bao gồm đất liền và biển đảo,
trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn là quốc gia cường thịnh nhất ở châu Á
thời bấy giờ, vượt xa cả Nhật Bản.
Là một minh quân, có lẽ Minh Mệnh là vị vua để lại nhiều di sản
nhất cho dân tộc về cương vực lãnh thổ, về kinh tế và văn hóa, về quốc phòng, về
ngoại giao và các chính sách an dân… Những di sản ấy không chỉ được ghi trong sử
sách, mà ngày nay chúng ta còn có thể nhìn thấy trong thực tế, có thể “sờ mó” và
thụ hưởng chúng. Các địa giới hành chính, hệ thống phòng thủ biên giới, bờ biển
và hải đảo qua các giai đoạn tuy có dịch chuyển, tăng cường, gia cố, nhưng về căn
bản đã được thiết lập dưới thời vua Minh Mệnh. Ngày ấy nước ta mạnh đến mức có
người chặn xa giá dâng thỉnh nguyện xin nhà vua đem quân lấy lại vùng Lưỡng Quảng,
vốn thuộc đất Lĩnh Nam của ta từ thời Hai Bà Trưng, về lại cho Việt Nam. Tất
nhiên nhà vua không làm cái chuyện tiêu tốn máu xương và thiếu khả thi đó nên bảo
người ấy là “cuồng ngôn”, nhưng ông thừa sức khiến cho Trung Quốc không dám động
đến một sợi lông chân của người Việt, không dám xâm phạm một ngọn cỏ của nước
Việt. Đối với các nước lân bang, ông thực hiện chính sách hòa ái, vỗ về che chở,
chứ tuyệt đối không ức hiếp. Ông còn phong quan tước cho các hậu duệ của hoàng
tộc Chiêm Thành và trân trọng tấm lòng của họ đối với cố quốc.
Một trong những điểm lạ lùng độc đáo của vua Minh Mệnh là chủ trương
mà ngày nay chúng ta ghi trong Hiến Pháp: tự do ngôn luận. Quốc sử quán triều
Nguyễn khi biên soạn bộ Minh Mệnh chính yếu đã dành hẳn một thiên, gọi là “Quảng
ngôn lộ”, nghĩa là mở rộng đường ngôn luận. Nhiều bậc minh quân ngày xưa từng
xuống chiếu cầu lời nói thẳng, nhưng thường là hư văn, ít tính khả thi. Vua
Minh Mệnh thì khác, ông rất ghét hư văn, ông hành xử một cách chân thành để đảm
bảo thực chất.
Ngay sau khi lên ngôi, nhà vua hạ tờ sắc cho 6 bộ phải nộp tất cả
các tờ tấu từ các nơi gửi tới, dù có “hợp lẽ” hay không, bởi vì trước đó các bản
tấu dâng lên vua phải lập thành 2 bản, Bộ mở ra xem trước 1 bản, nếu thấy không
cần thiết thì giữ lại không dâng lên. Ông làm vậy là để phòng ngừa các quan ở Bộ
che lấp nhà vua, tự ý bác bỏ những lời ngay thật. Vua dụ bảo quan Thượng thư Bộ
Lại Nguyễn Hữu Thận: “Bề tôi thờ vua có thể phạm đến nhà vua chứ không được ẩn
giấu điều phải, điều trái, điều nên làm hay không nên làm, mọi điều nhất thiết
phải nói thực”.
Đại thi hào Nguyễn Du lúc đó giữ chức Hữu Tham tri Bộ Lễ. Là một
bậc tài danh nhưng Hữu tham tri Nguyễn Du lại nhút nhát ít khi dám tâu bày sự
thật, khiến cho nhà vua phải nhắc nhở: “Ngươi cùng quan Hữu tham tri Bộ Lại đã được
trẫm tri ngộ, đều nên hết sức mà tỏ lòng thành thật, nếu đã biết thì không điều
gì là không được nói, dâng điều phải bỏ điều trái để làm tròn chức vụ, nếu chỉ
nín lặng không nói thì còn có ích gì”. Liền theo đó, nhà vua đã ban chiếu tìm
người nói thẳng. “Người muốn thấy hình dáng của mình phải nhờ đến gương tỏ, vua
muốn biết lỗi lầm của mình phải đợi kẻ trực thần”, tờ chiếu viết, “lời nói các
ngươi như vàng ngọc, được nói thẳng những điều lầm lẫn của trẫm mà không phải
kiêng kỵ”. Ông không những kêu gọi các bề tôi, những “kẻ sĩ dám trái với nhà
vua” mà còn “tìm đường ngôn luận cho đến cả người cắt cỏ, kiếm củi” nói thẳng sự
thật về chính sự, về nỗi khổ của dân chúng và về sự sai trái của bản thân hoàng
đế.
Do vậy mà vào thời của ông, có rất nhiều bản tấu thẳng thắn của
các quan và thường dân, thậm chí có người còn đón xa giá để tâu trình trực tiếp.
Mọi lời tấu đều được ghi nhận, điều gì hợp lý được đem thi hành ngay, những lời
nói sai thì được nhắc nhở chứ không bắt tội (tất nhiên là trừ những lời quỉ quái
hoặc vu cáo sai sự thật xuất phát từ ác tâm, gây tổn hại cho người vô tội).
Năm Minh Mệnh thứ hai, vua ngự đến một trường thi, có người ở trấn
Kinh Bắc dâng “15 điều quốc sách”, phần lớn là những điều vu khoát (những lời
viễn vông không thực tế), người này bị quan sở tại bắt giữ, nhưng nhà vua nói: “Trẫm
mở đường cho dân chúng được ngôn luận, đâu có vì câu nói mà bắt tội người ta”,
rồi tha cho người ấy.
Năm Minh Mệnh thứ tám, có sự kiện Thái Lan đem quân đánh nước Lào,
triều thần nghị bàn không nên can thiệp, khi nào Thái Lan đem quân đánh vào nước
ta thì mới tấn công. Quan Tham tri Bộ Lại Hoàng Kim Hoán dâng sớ hiến kế không
thể bỏ rơi nước Lào, mà phải đem quân đến biên giới để nước Lào biết là có quân
viện trợ mà hăng hái phục thù, sau đó ta đem quân tiến vào cùng với quân Lào hợp
lực đại trương thanh thế tấn công Thái Lan, sau đó trả lại quốc hiệu và kén người
bề tôi để bảo hộ nước Lào, nước Thái sẽ thế suy sức yếu không dám chống lại nước
ta nữa. Đình thần nghị bàn cho rằng “Kim Hoán bàn việc binh trên tờ giấy, về lý
lẽ, về tình thế, về địa hình nhiều điểm không thi hành được”. Nhà vua bảo đình
thần nói đúng, nhưng ông cho rằng sự tâu trình của Hoàng Kim Hoán cũng là hết lòng
lo toan việc nước, chẳng qua đó là “ý kiến của một người không tự biết là không
hợp lẽ” mà thôi. Dù tờ sớ bị bác bỏ nhưng nhà vua vẫn lưu ý đình thần không nên
vì vậy mà lui bước trong việc nói thẳng.
Vào năm Minh Mệnh thứ mười bốn, quan Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn
Khoa Minh tâu rằng, trước đây có một số quân dân Nam bộ do bị ức hiếp nên phải
theo giặc (chỉ cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi), nay giặc yên đã ra thú tội để được
trở về quê quán, thế mà quan địa phương vẫn nã bắt tra tấn, việc đó gây bất an
cho dân. Nhà vua bảo ông đã giáng tờ dụ không trị tội những người bị bắt hiếp
phải theo giặc mà nay còn bắt bớ tra tấn và chưa ai nói với ông việc đó cả, “nay
Nguyễn Khoa Minh đem việc ấy tâu bày thật đáng ban khen”.
Minh Mệnh là ông vua quan tâm đặc biệt đến nỗi khổ của dân chúng.
Suốt 21 năm làm vua, năm nào ông cũng giảm thuế cho dân, không năm nào tăng thuế,
khi giá lúa lên dân gặp khó khăn thì xuất lúa kho bán rẻ cho dân để bình ổn giá,
khi dân gặp hoạn nạn thì lập tức xuất kho cứu tế. Những gì gây phiền hà cho dân,
dù là chuyện nhỏ nhất ông cũng kiên quyết bãi bỏ. Quan Nội vụ lang trung Lê Vạn
Công thấy dân Quảng Bình phải lấy đá hoa cương cho Nhà nước rất khổ cực, nhân đó
tâu: “Việc lấy đá ở tỉnh Quảng Bình không tiện cho dân chúng”. Vua cho kiểm tra
thấy đúng, nên lập tức ra lệnh bãi bỏ, phạt quan địa phương và thưởng cho Lê Vạn
Công. Nhân đó, giáng tờ dụ cho các quan: “Lê Vạn Công theo chỉ dụ đi bán thóc
cho dân, đi quan tỉnh Quảng Bình mà để ý đến điều đau khổ của dân chúng, về
kinh bảo trẫm, trẫm rất hài lòng, cho nên đặc cách hậu thưởng để nêu cho những
người nói thẳng”.
Dẫn chứng cho việc triều đình cần những lời nói thẳng đến mức nào,
nhà vua bảo trước đây ông đã cho trải chiếu trên điện để người muốn tâu việc gì
thì quỳ xuống đó cho khỏi lạnh lẽo, nhưng ông không hiểu vì lẽ gì mà suốt hai năm
không có ai đến quỳ vào chỗ ấy, cho đến khi gặp mưa to gió lớn ông sai cuộn chiếu
đi thì thấy ở dưới còn có lớp chiếu bằng mây, ông mới biết quỳ vào đó đau đầu gối
nên không có ai quỳ. Nhân đó ông kết luận: “Đến một việc nhỏ ngay trước mắt mà
sự thông minh của trẫm còn không nghĩ tới, huống gì là việc khác”.
Minh Mệnh không thích người ta tâng bốc. Ông là nhà thơ lớn, đã để
hàng ngàn bài thơ hay, trong đó có nhiều bài là kiệt tác thi ca, nhưng quan niệm
thi ca của ông rất khác với các văn nhân đương thời và đến ngày nay vẫn còn mới
mẻ. Có lần nhân lúc tan chầu sớm, vua làm bài thơ “Bồn mai thịnh khai” (Chậu
mai nở nhiều hoa), rồi gọi các đại thần là Phan Huy Thực, Lê Văn Đức, Hà Quyền đến
bình chú. Các ông này tâu : “Học của bậc thánh uyên thâm, lũ hạ thần nông cạn này
không thể mong bằng được một phần trong muôn phần”. Vua cười, nhân đó bảo: “Lúc
nhàn rỗi vui cười nếu thấy sự việc gì cũng nên nói thẳng, trẫm đâu có đem chữ
nghĩa cùng với lũ ngươi tranh hơn kém”. Thời đó, ở Trung Quốc có vô số các vụ án
văn chương, nhiều văn nhân thi sĩ vì chữ nghĩa mà bị triều đình nhà Thanh bức hại,
trong khi ở nước ta thời vua Minh Mệnh không hề có văn nhân nào vì chữ nghĩa mà
bị triều đình gây khó dễ. Nhà vua bảo: “Trước ông Dạng Đế nhà Tùy, nhân câu thơ
‘Không hương lạc yến nê’ (Chỗ bờ đập vắng người con chim yến rơi xuống bùn) của
Tiết Đạo Thành mà đem lòng nghi kỵ, trẫm rất khinh bỉ”.
Chúa Sãi và tự do thương mại
Sự thịnh vượng của Sài Gòn, có thời được thế giới vinh danh là Hòn
Ngọc Viễn Đông, có thể nói xuất phát từ một nguyên nhân căn bản: tự do thương mại.
Tư tưởng tự do thương mại, từ đó dẫn đến sự thịnh vượng của Sài Gòn, khởi nguồn
từ tầm vóc của một con người vĩ đại: Chúa Sãi.
Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên – 1563-1635) để lại nhiều di sản đồ
sộ cho dân tộc, trong đó có 3 di sản bất diệt mà hễ ai là người Việt Nam đều không
được phép quên: Đem Sài Gòn và Nam bộ về cho Tổ Quốc một cách hòa bình, xác lập
và thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa-Trường Sa (cùng các hòn đảo khác trên biển
Đông) và đặt nền móng đầu tiên cho một nền kinh tế thị trường.
Xem sử sách mọi người đều biết Đào Duy Từ xuất thân từ gia đình
một “con hát” ở Đàng Ngoài. Do xã hội Đàng Ngoài của chúa Trịnh duy trì những
giá trị Nho giáo bảo thủ, trong đó có quan niệm “xướng ca vô loài” nên với cái
lý lịch thành phần “con hát”, Đào Duy Từ không được thi cử. Với tài năng và chí
khí của mình, ông không yên phận, nên đã “vượt biên” vào Nam theo chúa Nguyễn. Đào
Duy Từ không chỉ học rộng hiểu nhiều mà còn có tài kinh bang tế thế. Chúa Sãi
không những trọng dụng ông mà còn tôn ông làm quân sư, tức là làm thầy mình. Ông
có công rất lớn giúp chúa Nguyễn mở nước an dân, không có việc gì là không giỏi.
Duy có một điều ông không hiểu và không tán thành với Chúa Sãi, đó là việc Chúa
mở cửa cho tàu buôn nước ngoài tự do đi lại và vô cùng trọng thị các thương nhân,
đến mức gả luôn con gái cho một nhà buôn Nhật Bản. Giai thoại kể rằng, Đào Duy
Từ canh cánh trong lòng nhiều năm về điều đó nhưng không tiện nói, đến cuối đời
ông mới nói với Chúa nỗi ưu tư. Chúa Sãi không trả lời ông mà đưa cho ông xem bảng
cân đối ngân sách quốc gia. Nhìn thấy phần lớn nguồn thu là từ các tàu buôn đó,
Đào Duy Từ mới nhận ra là mình không có tầm nhìn bằng Chúa Sãi.
Lê Quý Đôn, người ở “phía bên kia” (Đàng Ngoài), vẫn phải nhận xét:
“Đoan quận công (Chúa Sãi) … chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho
dân, phép tắc công bằng…; thuyền ngoại quốc đến buôn bán, việc giao dịch phân
minh, ai cũng cố gắng, toàn cõi nhân dân an cư lạc nghiệp” (theo Phủ biên tạp lục).
Nhân dân mến đức Nguyễn Phúc Nguyên nên gọi ông là Chúa Sãi hay Phật Chúa. Xét
trên quan điểm ngày nay, “chính sự khoan hòa”, “phép tắc công bằng” không có gì
khác hơn là việc để cho dân tự do làm ăn buôn bán, không lạm thu thuế má, mọi
người đều bình đẳng trước pháp luật.
Thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Hội An trở thành một thương cảng nổi
tiếng thế giới. Trong cuốn sách "Xứ Đàng Trong năm 1621", Christoforo
Borri, một giáo sĩ Dòng Tên người Ý đến sống ở nước ta vào thời đó đã nhận xét:
“Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật, người Tàu chọn một địa điểm và nơi thuận
tiện để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán... Thành phố này gọi là Faifo
(Hội An), một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố,
một phố người Tàu và một phố người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai
trị riêng, và sống theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người
Tàu và người Nhật cũng vậy. Hơn nữa, chúa Đàng Trong không đóng cửa trước một
quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc, người Hà
Lan cũng tới như những người khác, cùng với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ”.
Borri còn khẳng định: “Phương châm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra
sợ một nước nào trên thế giới. Thật là hoàn toàn trái ngược với vua Trung Hoa, ông
này sợ tất cả, đóng cửa không cho người ngoại quốc vào và không cho phép buôn bán
trong nước ông”.
Cần nhớ là câu chuyện mà Borri kể diễn ra hơn 100 năm trước khi ông
tổ của học thuyết kinh tế thị trường Adam Smith ra đời (1723) và 155 năm trước
khi cuốn The Wealth of Nations (Của cải của các quốc gia) của Adam Smith được
xuất bản ở phương Tây với luận điểm “bàn tay vô hình” nổi tiếng. Có thể nói tư
tưởng tự do kinh doanh, tự do thương mại (laissez-faire) hàm chứa trong thiết
chế Nhà nước ở Việt Nam bắt đầu từ Chúa Sãi, từ đó tạo thành truyền thống hàng
trăm năm. Qua những cuộc bể dâu của lịch sử, truyền thống đó đã len lỏi, dịch
chuyển, chòi đạp để bảo tồn và phát triển. Sài Gòn-Hòn ngọc viễn đông là kết quả
của sự phát triển đó. Truyền thống này như những hạt mầm ủ trong lòng đất, nó
không hề bị thủ tiêu dưới chế độ quan liêu Nho giáo cũng như dưới gọng kiềm kế
hoạch hóa. Và việc “xé rào” để Đổi Mới vào những năm 80 của thế kỷ trước chính
là sự phát quang cho những hạt mầm đó sinh sôi phát triển.
Rất tiếc là sử sách triều Nguyễn chỉ viết vắn tắt về Chúa Sãi. Đại
Nam thực lục (tiền biên) chép về ông rất sơ sài, chủ yếu nói về việc xây dựng
chính quyền, việc phòng thủ để đối phó với chính quyền Đàng Ngoài, với Chiêm Thành
và các lân bang cũng như việc “mở cõi an dân” chung chung. Cũng có nguyên nhân
là các sử gia triều Nguyễn từ thời vua Minh Mệnh đã thu thập được quá ít tài liệu,
nhưng nguyên nhân chính là các sử gia Nho giáo không nhìn được tầm nhìn của chúa
Sãi và không hiểu được ý nghĩa của những việc ông làm.
Chúa Sãi còn có công lao vĩ đại trong việc đem Sài Gòn và vùng đất
Nam bộ về cho Tổ Quốc, nhưng có một đầu mối hết sức quan trọng là việc gả công
chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp (Campuchia) thì có lẽ vì “nhạy cảm” nên các sử
gia triều Nguyễn không nhắc tới. Sài Gòn chính là món quà mà vua Chân Lạp tặng
cho gia đình vị hoàng hậu Ngọc Vạn yêu quý của mình và vùng lục tỉnh được giao
cho các chúa Nguyễn quản lý cũng là việc trả ơn các chúa Nguyễn đã giúp triều đình
Chân Lạp chống ngoại xâm và dẹp loạn, do đó cả Sài Gòn và Nam bộ đã trở thành lãnh
thổ của Việt Nam một cách hòa bình và hoàn toàn hợp pháp. Câu chuyện này chúng
tôi sẽ đề câp tiếp ở kỳ sau.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Thế thái nhân
tình qua thơ Đặng Xuân Xuyếnl
- “Tưng tửng” 7
chuyện cùng Nguyễn Đăng Hànhl
- Bạn đọc cảm nhận
bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
- Hôn quân Lưu Tử
Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệtl
- Vài cảm nhận khi
xem phim BỐ GIÀ (web drama) của Trấn Thànhl
Mời nghe ca khúc TẾT NGUYÊN ĐÁN của Phương Uyên, qua tiếng hát Đông Nhi,
Ông Cao Thắng, Kyo York, Hoàng Tôn, Đàm Phương Linh, Yumi Dương:
Tác giả: Hoàng Hải
Vân - nguồn: Một Thế Giới
Ảnh minh họa sưu tầm từ
nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét