THỂ TÍNH HIỆN SINH VÀ THỜI GIAN
TRONG “ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH”
CỦA NGUYỄN DU
Thi bá Nguyễn Du là bá chúng nhân gian, không
còn ai để sánh. Tiên Điền là nhà thơ như muôn triệu nhà thơ khác. Nhưng thi ca
của người nói lên cái tài, cái mệnh, cái đức, một ứng dụng thâm hậu không còn
là biên giới thời gian. Nguyễn Du một tư tưởng gia, lấy thơ để biến mình thành
triết thuyết. Là một tổng thể nhân sinh qua mọi thời đại, một triết lý tồn lưu
muôn đời, sống thực với đời để đi vào đời một cách hiện thực. Đó là cái lý sống
hiện sinh vĩ đại và đa dạng trong một nội thức siêu lý ; đó là tác phẩm
Đoạn Trường Tân Thanh tuyệt xuất của ông. Nguyễn Du có mặt giữa cõi đời nầy,
bất diệt. Ngày nay thi hào Nguyễn Du là thi bá thế giới như Dante, Homer,
Goethe, Shakespeare. Kể cả Phương đông như Lý Bạch, Đổ Phủ, Vương Duy. Nhưng
chúng ta có một cái nhìn chủ quan về Nguyễn Du; vì người là đỉnh cao trí tuệ của
dân tộc, có một tính chất ‘toàn năng’ trong ngôn ngữ, một ngữ thuật uyên thâm
mới sáng tạo ra như vậy.
Thời gian ‘ba trăm năm sau’ của Nguyễn Du
được đánh giá cái lý siêu nhiên không những
cho dân tộc ta mà ngày nay Nguyễn Du đã trở thành thi bá thế giới. Để
hiểu chiều sâu triết lý của Nguyễn Du không phải dễ và chưa có ai dám nhận rằng
mình hiểu Nguyễn Du trọn vẹn ý nghĩa của người, không ít thì nhiều, người ta
chỉ cảm thức được cái hồn thơ của Nguyễn Du là đủ lắm rồi, ngay cả người nước
ngoài chỉ nhìn Nguyễn Du như một nhận thức siêu nhiên của một nhà thơ. Nguyễn
Du đã đưa ngôn ngữ đi vào cái ‘tính’ ; đó là Việt tính siêu việt một liễu
quán bao la diệu vợi , một triết lý đạo đức và hiện sinh. Nội hai chữ
« Tài Mệnh » là cả tính triết lý trong đó ; gồm dân tộc tính và
thế giới tính. Đó là cái nhìn từ bản thể mà ra. Một cái nhìn hiện hữu, một hiện
tượng của con người, một cái nhìn nhị nguyên : đó là thảm trạng cuộc đời
hạn hữu và thảm trạng khước từ cuộc đời hạn hữu. Chỉ 6 chữ mở đầu là đối tượng của
sự hiện sinh cho con người trong vũ trụ ngày nay, nó biến hình thành văn chương
bình dân cũng như văn chương bác học thể hiện trên đầu môi, trước lưỡi, như câu
nói bình thường và thực tế. Không có gì rườm rà cả. Một thứ triết lý đơn thuần:
Trăm năm trong cõi người ta
Trăm năm là một đời người. Là một mệnh đề ta
thán, một nhấn mạnh của con người tại thế, một cái gì mang nặng tính nhân bản
vừa ẩn dụ vừa hiện hình được thể hiện
qua từng câu thơ, sống thực, vượt thời gian qua mọi giới trong kiếp người của
cuộc đời này.
Lời và ý như nhắc nhở sự hứng chịu của định
mệnh an bài, từ khi sanh ra cho tới trăm tuổi đều nằm trong qui trình của ‘tương đố’. Ý nghĩa chính yếu của thời
gian trung thực là giới hạn, một thời gian tính ; đó là thể tính thời gian hiện sinh.
Nguyễn tiên sinh một thi bá lỗi lạc mới ý thức và bắt gặp thảm
trạng ấy của thân phận làm người trong
một ý thức chiếm cứ và trong một ý muốn hoài vọng; đó là lối mơ về cũng như lối
thoát cuộc đời để đi tới nếp sống hiện sinh, mà trong mỗi chúng ta đều mang nặng
tâm tư ấy. Hiện sinh là gì? là để vượt thoát ra khỏi tàn tích, ra khỏi mọi tình
huống bí tỉ để tìm thấy con đường giải thoát của hiện sinh, có nghĩa là trung
thực trong con người đầy sáng tạo của bản thể hiện sinh. Chiếm cứ đó không ai
có thể làm ra, không ai có thể có được ;nó chỉ đòi hỏi một ý thức tuyệt
đối trong cuộc đời và trong ta , nó chỉ
đến một lần như mỗi chiếm cứ của bản
chất tình người trong lẽ sống hiện sinh .
Bản thể và hiện tượng dung thông trong mọi
kiếp của trần gian nầy. Cho nên chi hiện sinh trong thơ Nguyễn Du là ‘Ngộ’ như
một nhận thức sâu sắc. Tổ Đạt-Ma và thi sĩ Vũ Hoàng Chương có cái nhìn tương tợ
và gần như hổ tương từ tương đối đi đến
tuyệt đối. Tổ nói: ‘Khi mê thì thấy có thế gian để thoát, khi ngộ thì không
thấy thế gian để mà thoát ‘ (Ngộ tánh luận).Thi sĩ Vũ Hoàng Chương nói:
‘Khi chưa thấy ta hề thì đường đi thênh thang. Đến khi thấy ta hề thì đường đi
chông gai’ .
Trở lại với 6 câu đầu ‘Trăm năm trong cõi
người ta’. Tiên sinh đã nói đi nói lại nhiều lần, từ cái bình thường đến cái
siêu lý, đó là sự nhận thức thông thường
của đời sống giữa không gian và thời gian hiện sinh. Do đó không gian và
thời gian có hai bề mặt hữu thể : một là thời gian trăm năm và một là
không gian cõi người. Chẳng thế; quan niệm nầy đưa chúng ta vào ý niệm của
thuyết nhị nguyên đối với tính thể hiện hữu và tính thể hiện sinh trong văn
chương của thi bá Nguyễn Du. ‘Trăm năm trong cõi người ta’ là một mệnh đề có
tính siêu thể vừa siêu nhiên hay có tính siêu-hình-học ; nghĩa là cấu kết
trong sự vận hành của triết học để đi tới triết thuyết; đồng thời giải thoát
toàn thể để đi tới thể tính hiện sinh của con người.
’Trăm năm trong cõi người ta’
Và
‘Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi’
Cuộc đời trôi chảy không thể vượt được thời
gian, hay chính thời gian lôi cuốn cuộc
đời trôi chảy. Thời gian là yếu tố phát sinh và hủy diệt. Cho nên không có thi
ca hiện hữu vì hiện hữu chỉ là đối tượng ; mà thơ là hình ảnh, có thể là
hình ảnh tượng trưng hay siêu thực mà ở
đây thơ của Nguyễn tiên sinh là thể tính nhân sinh tức nhân bản chủ nghiã. Thi
ca trong biến dịch thời gian có thể xem là một lối quay về quá khứ để có một dự
phóng tương lai ‘cõi người ta’ ; chính là cõi mơ về rêver/dreaming-day
trước một hiện hữu truân chuyên, chính cái đó là vai trò của hiện sinh là thời
gian của thân phận.
Thử
đưa 4 câu thơ mở đầu cho một giòng đời mà Nguyễn Du đã nhận ra thế nào là con
người và thời gian, một vận hành như dấn thân của định mệnh đã trút xuống cho
con người:
‘Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là khác nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng’
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Đó là một liên trình biện chứng, thể hiện
được tất cả kinh nghiệm của con người, của cuộc đời qua con người hiện hữu, bao
hàm cả một thời gian hiện sinh. Sở dĩ như vậy vì sống có nghĩa là chuyển vần,
theo sau nhịp thở của vũ trụ ngoại giới, đó là niềm đau của con người cũng như
nỗi bi đát của thân phận; vì con người là vật thể mang nặng tính thời
gian. Kéo dài và không dứt của vũ trụ giới mà con người nằm trong qũi đạo ấy.
Đoạn Trường Tân Thanh mở đầu như thế đó.
Nguyễn Du báo trước cái hiện-hữu-tính-không của thời gian biến dịch vào cái ‘Không’’ của vũ trụ bao la ; bởi
sự xê dịch thời gian vô hình nhưng hữu hình và vô phương để chận đứng sự hiện
hữu của thời gian. Đời thường nói ‘ thời
gian thật là tàn nhẫn’ khi nói như thế tức thời gian hiện hữu mà thời gian hiện
hữu là mơ hồ chỉ còn lại con người hiện hữu với thời gian và ở trong chúng ta,
cũng như trong mọi thực thể khác. Ý thức hay vô thức đều có một biến trình động
tác đổi thay.Thời gian là bản chất của đời người, thân phận làm người đồng hóa
với thời gian. Thời gian chuyển vần
trong Đoạn Trường Tân Thanh được hiện hữu qua ba nhân vật chính ( Thúy
Kiều, Thúy Vân và Kim Trọng) là chức năng hiện sinh mà Tố Như diễn đạt một cách
sống thực tài tình cái bản ngã như nhiên của con người. Mỗi nhân vật đại diện
cho thời gian, kể cả nếp sống hiện sinh đi qua từng giai đoạn cuộc đời, một gắn
bó dài lâu, một thôi thúc, một đoạn trường ; đó là trọng điểm để được giải
phóng cho sự mơ về.
Trở lại với ý thức siêu lý của Nguyễn Du để
thấy cái dân tộc tính đầy sáng tạo của thi ca mà ít ai nhận ra từ những chất
liệu đơn sơ ; một khả tính thời gian và tâm lý trong thi tứ của Tố Như, nó
chứa đựng hai bề mặt ; thời gian hiện sinh và thời gian của hố thẳm, quấn
vào những câu thơ đượm màu triết lý thi ca tư tưởng :
‘Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao’
Rồi :
’Mai sau dầu có bao giờ’
Đốt lò hương ấy so tơ phiếm đàn’’
Cả hai câu lục bát trên Nguyễn Du đã đưa
chúng ta vào mê hồn trận của thời gian ; ’bây giờ là bao giờ’ và ‘mai sau
dầu có bao giờ’ đó là một quần thể của thời gian, Nguyễn Du nhắc đi nhở lại cái
hiện hữu của thời gian, tuy vô hình nhưng một đụng chạm trực tiếp với con
người. Kiều đụng độ chính là đụng độ với thời gian hiện sinh, vì rằng ; lẽ
sống của Kiều là đại diện một tâm thể bức xúc, một trầm thống mà tiên sinh muốn
đặc nó như ‘cái mệnh’ mà con người phải gánh chịu không ta thán. Cho nên ngân
nga từng thơ-khúc của Nguyễn Du để thấy
được thể tính hiện sinh ‘ bây giờ là bao giờ’ một câu hỏi tự tại, đó là cái gì
thâm hậu của thời gian, mà cứ ngỡ ‘còn là chiêm bao’ cái thực thể dân tộc tính
có cái gì sâu hoáy trong những vần thơ vi diệu của Nguyễn Du. Ẩn dụ hay trừu
tượng ? Không ! tất cả là sự thật của đời người trong những biến
trình va chạm thực tế. Có lẽ những tương quan nầy về sau như : Jaspers,
Hoederlin, Heidegger, Kiekegaard hay Nietzsche nhận ra giá trị thời gian và thân
phận con người trước vũ trụ biến dịch ; cái sự ấy dẫu sao cũng đi
sau thi bá Nguyễn Du cả ngàn dặm…
Cái ý thức vô biên đó chính là cái ‘ba trăm
năm sau’ của Nguyễn Du. Một hiện diện thường hằng của thời gian tính. Cứ cho
như là ‘rapprochement des extrêmes. Participation total et solitude’ để rồi
giữa chúng ta đồng cảm với Thúy Kiều như một tha nhân hiện hữu, thời gian sống
của Kiều giữa ba thì của cuộc đời
là thời gian của Nguyễn tiên sinh
gắn bó với đời ; đó là ý thức sâu xa sự chuyển vần phi lý của thời gian.
Cho nên nhận thức đó của Kiều là tri giác tình cảm, một thứ tình cảm lo lắng
đưa tới bóng thời gian, bóng chiều của buổi Thanh minh, Kiều bừng dậy trong ý
thức rằng cái sự lý đó là chuỗi thời
gian tàn tạ trước mắt cũng như về sau :
’Bóng chiều đã ngã, dặm về còn xa’
‘Dặm về’ một hoài cố của Kiều về với Kim
Trọng chính là hoài Lê của Nguyễn Du. ‘dặm về’ là cứ điểm của thời gian, Kiều
cũng như tiên sinh sống trong nỗi nhớ của thời gian. Đó là sự vận dụng tài tình
trong phút giây siêu hình để cưỡng lại tiền đề của thời gian hiện sinh là sự
chuyển vần giữa hiện tại và tương lai. Cuối cùng lời thơ như an ủi thân phận,
chấp nhận truân chuyên và giữ một lòng trung quân để được sống hiện thực và coi
đó như thử thách của ‘tài mệnh’ :
’Bắc phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao’
Đó là một nhận thức xúc cảm và một ý thức bản
năng của nhà nho, bởi vì; Nguyễn Du là con người có cái nhìn tiếp giáp vào hiện
sinh, không nhìn liên trình của thời gian ngoại tại như hình thái của sức mạnh
siêu hình mà thời gian siêu hình chỉ thoáng hiện rồi vụt đi mà chỉ để lại cho con người một
giòng thời gian liên tục qua ý thức về cuộc sống. Cho nên thời gian siêu hình
không tương hợp với nhịp sống hiện sinh.
Căn bản sâu xa của hiện hữu có lẽ là tri giác
không gian, tri giác nội tại, tri giác đối tượng, tri giác bản ngã; tất cả được
qui định như tính cách hiện hữu thời gian tính và hiện sinh tính. Suôt một
‘hành trình’ 15 năm của Kiều, bất cứ ở đâu Kiều cũng minh định được hiện hữu
của mình; vào ra cửa Khổng sân Trình cũng là sinh mệnh tức định mệnh theo đuổi
thời gian của Nguyễn Du. Đó là tất cả biến dịch của hiện hữu và thời gian. Kiều
tài sắc vẹn toàn nhưng phải nhận những bi thương của cuộc đời, đó là ‘Tài Mệnh»
đó là ‘Bỉ sắc’:
’Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi
Hết hạn nọ đến hạn kia
Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần
Trong vòng giáo dựng gươm trần
Kề lưng hùm sói gửi lưng tôi đòi’
Đấy là ý thức sâu xa của Kiều về cuộc đời và
chính là ý thức sâu xa của người hiện sinh trước sự biến dịch của thời gian,
một cuộc đời mang nặng hai tâm tư. Một hiện hữu
dân tộc tính và một hiện hữu thế giới tính .Trạng thái của tài mệnh và
bỉ sắc là thế, vì hai cái thứ đó thuộc về mệnh lệnh, có tài thì mệnh yểu, bỉ
sắc tư phong thì coi như thua kém cái gì thì được bù lại cái khác . Nhưng tất
cả là mệnh lệnh của thiên ý. Kiều là hiện hữu thực thể cho nên bi đát và trầm
trọng hơn bao giờ:
‘Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ’
Thành thử qua sự chuyển vần ngoại tại và qua
ý thức hiện hữu của con người, thời gian hiện sinh đã qui về trong hai đặc
tính: thời gian và ý thức.
- Thời gian tâm lý của hiện sinh vẫn luôn
luôn là thời gian hướng đến bao nhiêu hiện hữu mới mẻ giữa đời, nhưng đồng thời
cũng hướng đến những biến trình thời gian. Đấy là sự bắt gặp giữa hiện hữu qua
thời gian mơ về của Thúy Kiều.
- Ý thức của con người vừa chấp nhận đổi
thay, vừa quan sát đổi thay, cho nên ý thức khách thể là một hiện tượng biến
dịch, thì ý thức chủ thể là ý thức duy nhất để nhận ra mình giữa cuộc sống đó
là ý thức hiện sinh của Nguyễn Du:
’Giật mình mình lại thương mình xót xa’
Đấy là ý thức chủ thể (mình lại) và ý thức
khách thể (thương mình) vì khách thể đang chịu tác dụng của cuộc đời như một
hiện tượng, trong khi đó ý thức chủ thể lại đứng ngoài. Cho nên chi, ngoài thời
gian hiện sinh bao hàm hiện hữu tính của con người nằm trong lãnh vực đó.
Trong Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du đã nêu
cao giá trị vô-tri-tính và vô-vi- tính trong hiện-hữu-tính về thời gian hiện
hữu và thời gian hiện sinh, xem hiện hữu như một hình thái quyết định vô tri vì
đã đồng nhất hoá thời gian khi qui về cùng một bản thể. Cũng từ giòng tâm lý
của con người, chúng ta thấy xuất hiện thêm một trạng thái khác không kém phần
quan trọng: ấy là sự chán chường, lao lý đẩy con người vào một tâm trạng khó
khăn để rồi biến mình vào con đường tu thân như cái đạo tự nhiên để giữ
tính-tâm-hư tức một tâm hồn thanh cao không bị vướng đục.
Nguyễn tiên sinh đưa đạo vào đời, thừa nhận
sự hiệp nhất Thiên-Điạ-Nhân, đó là quan niệm nhân sinh quan mà con người phải
tuân phục như Đạo lý. Đạo ấy đạt được do từ Tâm thì gọi là Đức, những thứ đó
hoà nhập vào nhau như hiện hữu tính và thời gian tính thì gọi là cái thế của
Đạo; là Hư-vô và là cái dụng Vô-vi. Cuối cùng Nguyễn Du nhận ra cái cõi Hư và
Vô, Nguyễn tiên sinh âm thầm đi vào cõi lặng, giả từ mọi thứ phồn vinh, giả từ
chốn lầu son gác tiá, giả từ hết thảy để được trở về trong cái tự tại an nhiên,
nhập tâm để lắng đọng trong lẽ tự nhiên. Tịnh làm chủ cái Động, không là chủ
cái Có “Hữu sinh ư vô” để rồi Thúy Kiều thối thác, trả lại cho đời những gì
Kiều đã đi qua, để trở về với hiện thể sống động của VÔ-VI, vô vi ở đây không
có nghĩa là ‘không làm’ mà có nghĩa là huyền nhiệm ; Nguyễn Du cho đây là một
siêu lý giữa hiện hữu và thời gian được ghi dấu: “Đạo thường vô vi, nhi vô bất
vi” (Đạo dường như bất động, không làm gì cả nhưng thật sự không việc gì là
không làm) (Đạo Đức Kinh).
Nhưng đôi khi hiện hữu thời gian trở nên một
hiện hữu phi lý. Pascal cho rằng: sở dĩ như vậy vì con người ở trong một trạng
thái TỊNH, không còn hoạt động. rồi từ đó trở nên cô đơn, thấy lạc lõng và
trống trải mà cứ thấy hiện hữu và thời gian kéo dài thêm ra. Đó là trạng thái
mơ về của Thúy Kiều cái sự cố đó là hiện hữu thời gian vây phủ quanh cuộc sống
hiện sinh của Kim Trọng và Thúy Kiều mà cả hai mong cất bước ra đi để xa cái hiện hữu thời gian dày xéo,
đó là mộng trở về sum họp không đạt, mộng hoài Lê không đạt, chỉ còn lại thương
mong:
’Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người
Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi’
‘Dời chân đi’ là một động từ của dời và đi,
nhưng hoàn toàn bất động trước một tình huống trống không ,vô vị đó. Vì bản
thân bất động sẽ làm cho con người của mình trở thành một hiện hữu bi thảm, để
bung mình ra khỏi chạm trán của đời thường, để sống thực với hiện sinh, vượt ra
khỏi những va chạm nghiệt ngã với chính thân phận vô nghĩa trên đời. Cho nên
chi những nhân vật thường trực quanh đời Thúy Kiều từ Kim Trọng, Đạm Tiên, sông
Tiền Đường, Bạc Bà, Bạc Hạnh , Mã Giám Sinh, Từ Hải, Thúc Sinh, Sở Khanh,Tú Bà
Lầu xanh… tất cả không có thực chất, tất cả giả dối và vô nghĩa, tất cả là hiện
hữu vô lý và hành động lừa bịp để che đậy bản ngã của mình.
Pascal và Vladimir Jankélévitch phân tích
luận cứ đó là biện chứng siêu hình về con người hiện hữu qua mọi thời gian hiện
sinh, đó là niềm xao xuyến phức tạp, vô vọng trước một hiện tại phi lý. Dự
phóng như thế, con người tự nhiên biểu lộ nỗi sợ hãi thảm thương về đời người
và cuộc sống, về thời gian hiện sinh trong trạng thái tâm lý mà mình phải chịu
nhận. Dự phóng nầy của Kiều do từ bất mãn, chán chường của hiện hữu phi lý mà
ra, chỉ còn lại tiếng vang nội tại, một thoáng mơ về đồng vọng tương lai qua
nhận thức của tri giác để rồi cảm xúc hóa mà ngậm ngùi:
’Buồng riêng riêng những sụt sùi
Nghĩ than mà lại ngậm ngùi cho thân’
Cho nên chi Kiều đang sống với thời gian hiện
hữu, đối đầu với chán chường, cô đơn, lẻ bóng, vô lý, vô nghĩa đó là ý thức bất
mãn nội tại của Kiều mà nàng không chịu được những giới hạn của phút giây đang
hiện có và phút sống bấy giờ. Elle n’accepte pas les limites du ici et du
maintenant.
Thời gian ngoại tại cứ tuần tự theo sự chuyển
vần tạo nên mối tương khắc sâu xa với thời gian tâm lý. Kiều cũng vọng lại,
nhưng vọng lại cái chết; phải chăng cái nợ tiền kiếp mà Kiều phải nhận trả, đó
có là cái nhận lãnh với nhà Nguyễn của Nguyễn tiên sinh ?. Thành ra vọng lại
cái chết trên cái trục vô cực thời gian, một sự chờ đợi bao la vô vọng mà Kiều
đã bằng lòng chấp nhận như hai chữ tài mệnh chuốt vào thân và mong sao trả hết nợ cho xong cuộc đời này:
‘Lây than mà trả nợ đời cho xong’
Từ cái ngày trầm mình ở Tiền Đường được cứu
sống hai lần chết là một ý thức đưa lại tuyệt vọng cho Kiều. Cái chọn lựa đó
cũng do từ sức ép của nội tại và ngoại tại mở ra, rồi liệng vào trong tuyệt
vọng để ngậm đắng với đời. Con người Chánh Huệ đã bị Tà Huệ vùi dập và đẩy vào
không biết bao nhiêu khổ lụy, phiền não mà đời dành cho Kiều. Cuối cùng chỉ còn
than thân, trách phận, bèo giạt hoa trôi:
’Thân sao than đến thế nầy’
Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi’
Những giòng thơ trong Đoạn Trường Tân Thanh
là một luận chứng luân lý, một triết thuyết nhân bản chứa đựng cái thể tính
hiện sinh và thời gian vây quanh giữa hai hoàn cảnh nội tại và vũ trụ ngoại
giới . Do đấy chúng ta chỉ nên xem con người hiện sinh như là con người đứng ra
chấp nhận lẽ sống, dù lẽ sống đó đi ngược với hiện hữu thời gian; nói đến đây
cho ta liên tưởng cái qui trình thời gian hiện sinh của thi sĩ Bùi Giáng năm
xưa, người đã biến mình thành tha nhân của con người hiện sinh, có nghĩa rằng
chấp nhận bi thương để hoàn thành chức năng nhiệm vụ của thiên mệnh trao trút,
một trao trút hẩm hiu như Kiều :
’Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi’
Vũ trụ con người ở đây không phải chỉ dành
cho trăng sao, đêm ngày, mưa nắng bốn mùa. Vũ trụ con người chính là thời gian
nội giới với sự chuyển vần của giòng tâm thức đang hướng đến một bản thể tự tại
của thể tính hiện sinh mà mình đang dung thân. Kiều là nạn nhận dung thân hiện
thực, trải dài và đại diện cả giòng đời cho dù giòng đời trôi chảy mà hiện hữu
thời gian không trôi chảy.
*
Khi viết lên Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du
đặc trọng tâm vào Tài Mệnh vừa luân lý vừa triết lý một định lý muôn đời đã nói
đến. Kinh Thi cũng nói đến cái sinh mệnh bất biến đó; “Cổ lai tài mệnh lưỡng
tương phương”(Xưa nay Tài, Mệnh chẳng hoà nhau). Đó là biện chứng vận dụng con
người mang một thời gian tính.
Nguyễn Tiên Điền đã vận dụng tài tình hai chữ
tài mệnh qua mối liên hệ giữa thời gian nội tại và thời gian ngoại giới liên
kết trong một thể tính hiện sinh.
Đi từ một nhận định khái quát, để phối hợp
giữa hai vũ trụ nội giới và ngoại giới tạo nên một thời gian tính của đời và
thời gian tính xã hội. Kiều sống trong hai trạng thái thời gian đó, một vũ trụ
riêng biệt dưới mọi hình thái khác nhau của Thực và Ảo, đồng thời xâm nhập cả
giáo lý để lý giải cái chân như tối thượng của triết thuyết nhân bản, một sự
vượt thoát, một cuộc cách mạng toàn diện từ vô thể đến hữu thể, biến đổi con
người đi đến vô nhiễm, nâng cao tấm lòng ‘thanh cao’ đó là thực tướng trong tác
phẩm vĩ đại của nhân loại ngày nay. Nguyễn Du đã dành cho chúng sanh một học
thuyết đạo đức luân lý làm người. ‘Trăm năm trong cõi người ta’ là thế đó !
Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn. Đó là bản thể
hiện ra dưới hình thái của sắc nước
khuynh thành, nhưng không phải đó là thăng hoa; Nguyễn Du cho rằng đó là tài mệnh tương đố. Thời gian hiện hữu là nhân
chứng. Thể tính hiện sinh là chấp nhận thương đau. Để rồi dấn thân, để rồi mơ
về, để rồi lụy rồi khổ. Bản thể trở nên ngây ngô, vô tư trước cuộc đời, không
còn biết mình là hiện hữu thời gian đang ngự trị, biến mình như kẻ vô tội phải
đương đầu, đó là nỗi lòng ai oán. Không còn nhận ra mình thuộc về hình thái nào
ngưòi hay vật.” Dans l’innocence, l’homme n’était pas animal et n’était pas
advantage homme” (S. Kierkegaard).
Nỗi lòng đó là thời gian hiện hữu trong chúng
ta. Ngay trong thời đại mà chúng ta đang sống của một thời hiện sinh.
Nguyễn Du đang lắng nghe tiếng khóc của đời
cho mãi đến bây giờ…
-------------------
SÁCH
ĐỌC:
Thi Ca Tư
Tưởng (Sổ Đoạn Trường) của Bùi Giáng. NXB Ca Dao. Sàigòn 1969.
Nguyễn
Du- Đại Thi Hào Dân Tộc của Phạm Công Thiện. Viện Triết Lý Việt Nam và Triết
Học Thế Giới. CA. USA 1996.
Thân Phận Lưu Đày Trong Vai Trò của Thúy Kiều. Bài viết của Võ Công Liêm (ca.ab. 2/2010)
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Kim Yến đọc truyện
ngắn
“CÔ” VƯƠNG CƯỚI VỢ của Đặng
Xuân Xuyến:
*.
VÕ CÔNG LIÊM
Địa chỉ: thành phố Calgary.
tỉnh Alberta, Canada.
Email: lvocong@hotmail.com.
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả
gửi ngày 15.03.2024
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm
từ nguồn: internet.
-
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét