MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

BÀI THƠ ‘ĐỢI’ CỦA BÀN KIM QUY - Tác giả: Hà Huy Hoàng (Quảng Ngãi)

 


BÀI THƠ ‘ĐỢI’

CỦA BÀN KIM QUY

*

ĐỢI

 

Trời đã muộn rồi em ơi!

Trăng đã lên rồi em ơi!

Trâu đã vào chuồng, gác mõ

Gà thôi không còn bới nữa

Sao em vẫn chưa về?

 

Nước nhớ em khô cả ống bương

Lửa nhớ em bếp trong bếp ngoài lụi tắt

Con nhớ em, con ra hè ngồi khóc

Gió nhớ em lên núi tìm em về

 

Ngoài kia chưa nghe tiếng chân em

Gió chưa mang về mùi mồ hôi của em

Chưa nghe tiếng vỏ dao kêu lách cách

Chưa nghe tiếng nựng con từ dưới sàn nhà

 

Trời đã muộn rồi, em ơi!

Anh ngồi đợi em cửa nhà ta mở rộng

Anh ngồi nhớ em

Bóng in lên vách từ chiều nắng

Bóng in xuống đất lúc trăng lên

Con khóc hoài đã ngủ yên

Anh đợi em

Sao em vẫn chưa về?

*.

BÀN KIM QUY

LỜI BÌNH

(Tác giả Hà Huy Hoàng)

Từ bao đời nay, trong văn chương viết về nỗi đợi chờ thì thường là người con gái đợi người yêu, người vợ đợi chồng. Đợi đến hao gầy, héo hắt. Đợi đến tóc trắng thời gian. Đợi đến hóa đá nghìn năm trơ xương cùng tuế nguyệt.

Thế nhưng, theo tâm lý, nếu như người vợ đợi chờ chồng ta thương cảm đến bảy, tám thì người đàn ông mỏi mòn chờ đợi vợ sẽ khiến lòng ta xúc động, xót buốt đến chín, mười. Thậm chí còn nhiều hơn thế nữa.

"Đợi" - tên một bài thơ của nữ sĩ Bàn Kim Quy viết về một người đàn ông như thế.

"Trời đã muộn rồi em ơi!

Trăng đã lên rồi em ơi!

Trâu đã vào chuồng, gác mõ

Gà thôi không còn bới nữa

Sao em vẫn chưa về?"

Chỉ qua vài nét phát thảo, cách sử dụng ngôn ngữ, hơi hướm cùng thi ảnh ta dễ dàng nhận biết ngay đây là vùng núi, nơi quê hương của người đồng bào anh em chúng ta đương sinh sống. Và, có lẽ nữ sĩ cũng là người vùng cao thì phải?

Em ơi, từ ngày em xa vắng, biết bao đổi thay đang hiện hữu ở nơi này:

"Nước nhớ em khô cả ống bương

Lửa nhớ em bếp trong bếp ngoài lụi tắt

Con nhớ em, con ra hè ngồi khóc

Gió nhớ em lên núi tìm em về

Ngoài kia chưa nghe tiếng chân em

Gió chưa mang về mùi mồ hôi của em

Chưa nghe tiếng vỏ dao kêu lách cách

Chưa nghe tiếng nựng con từ dưới sàn nhà"

Với những dòng thơ thật thà như đếm này, ví như ta muốn tìm ở đây tính văn chương bay bướm cùng những lời hoa mỹ thì ta sẽ hoàn toàn thất vọng. Thế nhưng, vì sao những dòng thơ này lại gây ám ảnh, xúc động mạnh trong ta? Đơn giản bởi vì nó thành thật, sự thành thật được nhuần nhuyễn hóa trong cảm xúc, thể như ta được nhấm nháp thứ rượu lá, rượu ngô nơi miền sơn cước vậy. Với chất men rất riêng của nó, có ai dám bảo rượu lá rượu ngô là thứ rượu tầm thường không hề gây chếch choáng, ngất ngây?

"Trời đã muộn rồi, em ơi!

Anh ngồi đợi em cửa nhà ta mở rộng

Anh ngồi nhớ em

Bóng in lên vách từ chiều nắng

Bóng in xuống đất lúc trăng lên

Con khóc hoài đã ngủ yên

Anh đợi em

Sao em vẫn chưa về?"

Em đi đâu thế nhỉ? Em phụ rẫy chồng con, tham phú phụ bần để theo người đàn ông giàu có khác? Em bị bệnh hoặc tai nạn thương tâm nên đã lặng lẽ một mình đi về bên kia thế giới? Em sang đất nước Trung Hoa tỉ dân để buôn bán, làm thuê hay em đi bán sức người nơi xứ Hàn xứ Nhật...?

Sự thật tôi không hề nghĩ, không muốn tin em là con người bội bạc.

Cái hay, cái khéo và sự tinh tế của nữ sĩ Bàn Kim Quy là chị không để cho người đàn ông vừa dỗ dành con vừa khóc theo con, hay sa vào chán nản rượu chè. Chị "đạo diễn" cho mỗi mình em bé khóc vì nhớ mẹ thôi, còn người cha thì nước mắt lặng lẽ chảy ngược vào trong. Bởi "nước mắt chảy ngược vào trong", nên câu thơ "Gió chưa mang về mùi mồ hôi của em" thì đủ cho ta thấy tình nghĩa vợ chồng nó thiêng liêng, mặn nồng và khắng khít đến nhường nào, nỗi đớn đau của người đàn ông nó nhức buốt ra sao. Và, chị cũng không hề "bật mí" cho chúng ta biết người vợ trong bài thơ này đi đâu, làm gì, còn sống hay đã mất. Cứ để cho mỗi người đọc có cách lý giải, suy đoán tùy theo cảm quan của mỗi chúng ta.

Tôi không phải là tín đồ của "chủ nghĩa bi quan", nhưng bằng linh cảm của mình - tôi tin, người vợ sẽ không bao giờ trở về với buôn làng nữa, nơi mái nhà sàn có người chồng cùng đứa con tội nghiệp đang ngày đêm mong ngóng, đợi chờ trong khắc khoải nhớ thương...

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

.

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ TRAI LÀNG RA PHỐ:

*.

HÀ HUY HOÀNG

Địa chỉ: Thôn Nga Mân, xã Phổ Cường,

huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 098 328 26 79

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật nguyên bản từ sách tác giả gửi tặng tháng 10 năm 2023.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến       

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét