MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

VÙNG TRỜI NHA TRANG - Truyện ký Trần Đức Phổ (Canada)

 


VÙNG TRỜI NHA TRANG

 

(Tác giả Trần Đức Phổ)

Vào đến Nha Trang việc đầu tiên mẹ tôi đã làm là tìm mua một căn nhà để ở. Có an cư thì mới lạc nghiệp. Bà qua lại Núi Sạn, xóm Cồn Giữa, xóm Bóng. xóm Cù Lao... nhiều lần. Cuối cùng, bà quyết định mua ngôi nhà sàn mái tôn vách ván tại xóm Cồn Giữa thuộc phường Xương Huân.

Sau khi dọn về nhà mới, mấy chị lo tìm việc làm. Mẹ sắm đôi quang gánh mua bán rau quả. Hàng ngày, bà dậy từ ba bốn giờ sáng đi đến tận chợ bán sĩ trên Thành (Thành Diên Khánh cũ) mua sỉ rồi đem về bán lẻ ở chợ gần nhà. Anh em tôi chưa đi học vì còn chờ nhà trường khai giảng năm học mới. Chúng tôi bỏ học đã gần một năm qua, do trường ở Sa Huỳnh đóng cửa, thầy giáo di tản.

Mỗi ngày không có gì làm, tôi la cà, rong chơi với bọn nhóc mới quen nơi vùng đất lạ. Gần chỗ tôi ở có một khoảng đất trống, bên mé sông. Mùa đông mưa lũ nước ngập trắng băng, nhưng mùa hè khô cạn, bãi cát hiện ra, là chỗ để bọn trẻ con đá banh, chơi đùa, chia phe đánh lộn. Trong đám bạn tứ xứ, có thằng Xê, cao hơn tôi nửa cái đầu, thân hình mập ú, chơi rất thân với tôi. Một hôm chỉ có hai đứa, nó bỗng dưng hỏi tôi: 

- Ê này, Thư mày có biết bác Hồ là ai không?

Tôi không để ý gì đến câu hỏi, và cũng chẳng thèm nhìn nó, đáp cộc lốc:

- Không!

Nó cười, chửi tôi:

- Mày ngu bỏ mẹ! Bác Hồ mà cũng không biết!

Lần này, tôi hơi tò mò:

- Sao? Bác nào thế? Mày biết ông ta à?

Thằng kia bĩu môi:

- Ừ, biết... nhưng chẳng thèm nói với mày!

- Mày xạo ke! Không biết thì nói không biết đi! Đừng làm bộ ta đây!

Bị tôi chọc tức, nó ghé vào tai tôi nói nhỏ:

- Tao biết đấy! Bác Hồ là chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là người rất cao lớn, tài giỏi, có râu dài... Nhưng tao nói ra sợ cảnh sát nghe, nó bắt tao... Chỉ nói cho mình mày nghe thôi. Cấm mày nói tùm lum! -  Nó nói một thôi dài, nét mặt vô cùng nghiêm nghị, không cười giỡn như lúc bình thường.

 Thằng này lớn hơn tôi chỉ một vài tuổi, nhưng đã sống trong vùng “giải phóng” nên khôn ngoan, và biết nhiều chuyện về cách mạng. Nó từng nói với tôi đã tham gia vào đội thiếu niên nhi đồng gì đó. Nó mồ côi cả cha lẫn mẹ, được bà nội đưa từ ngoài quê vào sống chung với ông cậu, anh trai mẹ nó.

Những điều nó nói thật là mới lạ đối với tôi. Lần đầu tiên tôi được nghe đến hai tiếng Bác Hồ. Vậy là cái tật xấu muốn biết chuyện này chuyện kia của tôi không kiềm chế được. 

- Ông bác... Hồ... của mày bây giờ ở đâu?

Nó suỵt suỵt bảo tôi:

- Mày nói nho nhỏ thôi! – Nhìn dáo dác xung quanh, rồi nó tiếp:

- Ở Hà Nội.

- Vậy Hà Nội ở đâu?

- Ở Liên-xô! 

Đến đây thì tôi đành chịu thua, vì Hà Nội và Liên-xô là cái quái gì, tôi chưa từng nghe ai nhắc đến bao giờ. Tôi khâm phục thằng Xê này ghê lắm! Nó thấy tôi nhìn nó với ánh mắt đầy “ngưỡng mộ” thì mặt mày vênh vênh, hớn hở, cười vui.

Thành phố Nha Trang ngày nay, năm 1972 vẫn còn là một thị xã. Dĩ nhiên dân cư không đông đúc như bây giờ. Dân tình hiền hòa, chân chất. Đời sống yên lành và thanh bình khác xa với vùng xôi đậu Sa Huỳnh. Nha Trang có con đường đẹp nhất, đó là đường Duy Tân (nay là Trần Phú), chạy dài từ hữu ngạn cửa sông Cái đến Chụt, Cầu Đá. Ngày đó trên đoạn đường từ Viện Pasteur tới hành cung của vua Bảo Đại có nhiều cây cối và bãi cỏ. Những chiều hoàng hôn mùa hè. bọn trẻ con chúng tôi thường hay lang thang trên khúc đường này để tìm bắt những con dế than, dế lửa về nuôi, rồi cho chúng đá nhau.

Khi màn đêm buông xuống, những chú dế vô tư thi nhau cất tiếng gáy, đâu có ngờ đó là tín hiệu để nói rằng ‘lạy ông tôi ở bụi này’ với mọi người. Chúng tôi chia nhau tuần hành men theo bìa cỏ xanh hai bên đường, hễ nghe tiếng gáy nơi đâu thì lao tới đó. Nghe động, các chú dế giật mình nhảy phốc lên, nhưng bị chói mắt bởi ánh đèn đường, ngay lập tức đáp xuống chưa kịp hoàn hồn, nằm im như chết. Thế là bọn tôi nhào đến chụp lấy, bỏ vào bao ny lông, mang về nuôi. Sau đó tụ họp lại, cho các chú dế tranh tài cao thấp. 

Ngoài việc lùng bắt dế, chiều chiều tôi còn theo thằng Xê, đến khu chợ chồm hổm gần bến xe Lam, lượn quanh các đống rác bỏ phế lâu ngày để nhổ những cây cà, cây ớt con con mọc hoang dã đem về trồng. Đây là một công việc thích nhất đối với tôi lúc đó. Cứ mỗi lần đứa nào tìm được một cây ớt hoặc một cây cà mập mạp, khỏe mạnh, lá xanh như ngọc thì vui mừng reo lên. Bọn tôi cẩn thận lấy cái que xới đất xung quanh, rồi mới bứng cả rễ và đất gói vào mảnh giấy báo mang về. Không có chậu, tôi tìm cái lon sữa bột em bé thật to, đục lỗ dưới đáy rồi trồng cái cây vào. Ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm ngủ dậy là tôi chạy ra hiên nhà để xem thử mấy cái cây lớn lên được bao nhiêu. Mỗi lần có chiếc lá mới nhú ra là thêm một niềm vui nho nhỏ. Sung sướng nhất khi cái cây mình trồng bắt đầu ra hoa, kết trái. Ngắm nghía những chùm bông ớt, bông cà nhỏ xíu, cái trắng muốt, cái tim tím lòng tôi lâng lâng khó tả. Chẳng bao lâu sau, những trái ớt, trái cà non tượng hình, niềm vui đơn sơ của tuổi nhỏ cùng với hoa quả kia lớn dần lên mỗi ngày. Nhìn những mầm xanh từ chính tay mình tự trồng trong lòng dạt dào khoan khoái, dễ chịu. Niềm vui nào cũng quá ngắn ngủi. Ba tháng hè qua nhanh. Chúng tôi tạm ngừng những ngày tháng lêu lổng để trở về chuẩn bị cho mùa học mới.

Từ đường Phan Đình Phùng đi về hướng sông Cái, băng qua cây cầu Ván, (thường được gọi là Cầu Xanh), bắc ngang con rạch chạy dọc theo đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, là khu vực Cồn Giữa. Tuy rằng thuộc thị xã Nha Trang nhưng nơi đây chỉ là một khu dân cư tự phát, chưa hề được quy hoạch. Nhà cửa cất tạm bợ, đa phần là nhà sàn, mái tôn, vách ván ép. Lác đác mới thấy có một căn nhà xây gạch khang trang. Khi mới tới nhìn thấy những căn nhà sàn tôi cũng hơi lạ lùng. Về sau mới biết công dụng của chúng. Cồn Giữa vốn là một khu đất trũng ven cửa sông Cái nên năm nào cũng bị ngập lụt. Nhà sàn là cách chống lụt hữu hiệu, ít tốn kém nhất. 

Ngay đầu Cầu Xanh có con đường đất chạy về phía biển khá rộng rãi. Đó là đường chính của xóm Cồn Giữa. Trường Tiểu học tư thục Đức Hòa,, hàng quán, chợ, phòng mạch bác sĩ... đều nằm trên trục đường này. Còn lại là những con hẻm nhỏ, ngang dọc, ngoằn ngoèo, len lỏi trong những khu nhà chật chội của những người dân nghèo tứ xứ đến định cư.  

Tại ngã ba trường Đức Hòa, men theo lối rẽ đi ra hướng bờ sông Cái, lội qua một lạch nước cạn có lót vài tấm gi sắt, cứ tiếp tục đi thêm độ hơn trăm mét nữa, sẽ đến bến đò ông La. Con đò này chạy bằng máy ép, chở người qua lại giữa hai xóm cồn. Đây là lối bộ hành ngắn nhất nối Cồn Giữa với Cồn Cỏ. Tôi vẫn luôn thắc mắc mãi không hiểu tại sao người ta gọi cái cồn bên mé hữu ngạn, nơi tôi đang ở là Cồn Giữa? Trong khi đó cái cồn ở giữa sông lại gọi là Cồn Cỏ?

Từ bến đò đi men theo bờ sông, băng con lạch cạn thứ hai là đặt chân lên một doi đất hẹp nằm kẹp giữa sông Cái và khu đầm lầy. Đầu doi đất có cái trụ điện cao thế hình tháp, được làm bằng những thanh sắt bắt chéo nhau. Chân trụ đổ bê tông thành một cái ụ to đùng, vuông vức. Đỉnh trụ hình bánh ú. Chiều chiều bọn trẻ con thường tụ tập ở đây để chơi giỡn, nói dóc, leo trèo lên cái trụ điện. Có lần tôi xém bị mất mạng cũng tại chỗ cái trụ điện này. Hôm đó, sau trận bão to, có một sợi điện cao thế bị đứt. Nhà đèn chưa kịp nối lại. Dây điện nằm vắt ngang trên mặt đất như con rắn lớn bằng ngón chân cái của đàn ông. Bên trong lớp nhựa đen nhánh thò ra lõi đồng vàng khè. Buổi trưa đi học về nhìn thấy, tôi cất sách vở rồi cầm lấy lưỡi cưa nhỏ, loại dùng để cưa sắt, chạy ra chỗ sợi dây điện. Tôi ngồi xuống cưa một khúc, định bụng rút lấy cái lõi đồng đem bán nhôm nhựa mua cà-rem ăn. Đang lui cui, hý hửng cưa đứt lớp vỏ cao su bọc ngoài thì giống như có ai đó đập mạnh vào sau vai tôi. Người tôi giật bắn lên, rung bần bật. Hoảng quá tôi tưởng là bị ma quỷ đập vào người để trừng phạt vì tội cưa trộm dây điện. Bỏ cả cưa, tôi chạy một mạch về nhà, trốn luôn vào phòng ngủ, đóng cửa lại. Sau này mới biết luồng điện cao thế trong sợi dây chưa ngắt hết, tôi lại dùng cưa sắt chạm vào nên bị giật. Hú hồn! Gần trụ điện là cây keo tây khá lớn, tới mùa trái chín đỏ rực, nhưng cành lá gai góc nên ít ai trèo hái. Kế tiếp cây keo già là một dãy nhà sàn, trong đó có ngôi nhà mới mua của gia đình tôi. 

Căn nhà đầu tiên của dãy, chủ là ai tôi không quen biết. Căn thứ hai của chú Đạo, một ngư dân còn trẻ nhưng đầu đã hói, có một vợ và hai đứa con. Đứa con gái lớn học chung lớp với tôi. Kế vách là nhà tôi. Căn thứ tư của bác Liêm già, góa vợ, làm thợ cắt tóc dạo. Nhà bác có ba cô con gái chưa chồng, cậu con trai út tên Sơn đang học lớp Đệ Thất. Cuối dãy, một ngôi nhà khá đồ sộ nằm hơi chếch về phía cái đầm cạn là nhà của cậu thằng Xê, chủ tàu đánh cá. Nhà đó có ba anh em, và một bà mẹ già. Người anh lớn nhất đã lập gia đình, nhưng không có con, hai cậu em còn độc thân. Tôi ít trông thấy họ vì họ thường vào Kiên Giang, Rạch Giá để làm biển, mỗi năm chỉ về vài lần. Ở nhà còn mỗi hai người đàn bà, và thằng Xê.

 Nhà tôi có hai cái cầu thang để lên xuống sàn. Một ở phía trước hướng ra bờ sông Cái, cái còn lại ở phía sau hướng ra khu đầm cạn. Ngay chân cầu thang có lối dẫn đến nhà cậu thằng Xê. Căn nhà chúng tôi ở rất nhỏ, chỉ có hai phòng ngủ, một phòng khách, bếp và phòng ăn chung, không có nhà vệ sinh. Căn nào cũng giống như nhau, ngoại trừ nhà thằng Xê có nhiều phòng ngủ hơn. Lúc cần thiết mọi người sử dụng mấy cái toilet công cộng ngay chỗ cột điện, do năm nhà cùng góp tiền làm, xả uế thẳng xuống con sông Cái, giống như kiểu nhà vệ sinh ở miền Tây.

Tuy cuộc sống mới có hơi chật vật và lạ lẫm mọi điều nhưng đêm đêm được ngủ thẳng giấc, không bị tiếng ca-nông làm giật mình hỏang sợ nên mặt mày ai nấy cũng rạng rỡ, tươi vui. Tôi càng vui hơn khi được học trong một ngôi trường mái ngói tường vôi, và còn quen biết một số bạn mới. Ngoài thằng Xê, và con gái chú Đạo học cùng lớp, tôi chơi thân với thằng Đua nhà ở cạnh con hẻm, chỗ cái lạch có lót mấy tấm gi sắt. Chuyện tôi làm quen với thằng này cũng từa tựa như chuyện “anh hùng võ hiệp, không đánh không quen nhau.” 

Số là một hôm tan học tôi và thằng Đua cãi cọ điều gì đó, tôi không còn nhớ nữa. Mấy đứa quỷ sứ lại đổ thêm dầu vào lửa. Thế là hai thằng nhóc lao vào đánh nhau túi bụi. Thằng Đua to khỏe nhưng lùn hơn tôi. Mỗi đứa có một lợi thế riêng. Kẻ tám lạng người nửa cân, cuối cùng cả hai lỗ mũi đều ăn trầu, cái đầu nổi u. Nhưng chỉ mấy hôm sau lại làm huề xí xóa chuyện đã qua và kết bạn thân.

Một đứa bạn khác là thằng Tèo lai da đen. Nó nhỏ hơn tôi ba bốn tuổi, không đi học, nhưng nhà ở chung xóm. Nó thường hay la cà, leo trèo chỗ cái trụ điện cao thế. Tôi làm bạn vì thấy tính tình nó vui vẻ. Đầu tóc nó xoăn tít, cái miệng rộng hoác, cười lộ cả hai hàm răng sún bên trong cặp môi dày. Nó mê phim Lý Tiểu Long lắm. Hễ coi phim xong về nhà cứ bắt chước múa tay, đá chân, trông cứ như chú khỉ. Không cần bảo, nó cũng thường múa quyền cho tôi xem. Mỗi lần nhìn nó đánh võ tôi cứ ôm bụng cười ngất.

Dù học ở trường Đức Hòa chỉ có một năm nhưng đến bây giờ tôi vẫn chưa quên ngôi trường này. Trường gồm hai dãy nhà ngói, tường gạch, phết vôi vàng, hình chữ L. Một dãy quay lưng về phía con hẻm, dãy kia hướng mặt ra đường Cồn Giữa. Hai dãy ôm gọn lấy cái sân rộng, lát gạch. Trong sân có cây cột cờ cao. Mỗi sáng thứ Hai chúng tôi đều xếp hàng chào cờ trước khi vào lớp. Cổng trường gắn một tấm biển sơn xanh. Hai chữ Đức Hòa màu đỏ to đùng, bên trên có ghi hàng chữ màu vàng nhỏ hơn: “Trường Tiểu Học Tư Thục.”

Tôi học lớp Hai, do cô Lầm phụ trách. Cô có dáng người đậm, nhưng cao ráo, nổi tiếng nghiêm khắc nhất trường. Đứa nào không thuộc bài hoặc không làm bài tập cô bắt nằm dài trên ghế đánh từ năm đến mười thước gỗ. Bọn học trò lớp lớn đồn rằng mấy năm trước cô đánh một đứa rướm máu cả mông. Bọn nhóc tôi đứa nào cũng sợ cô. Quả nhiên suốt cả năm học tôi thấy có nhiều đứa bị đòn, nhưng không đến nổi chảy máu mông. Tôi là đứa trẻ sợ roi nên luôn chăm chỉ học hành. Vì thế đã không bị ăn đòn mà thỉnh thoảng được ghi tên lên bảng danh dự, lúc bằng mảnh giấy màu xanh, lúc màu vàng.

Ba năm sống ở Nha Trang, tôi có đi xem xi-nê vài lần ở các rạp Tân Tân, Tân Tiến với các anh chị. Lần khác, vào khoảng đầu năm 1975, tôi và thằng Xê đang xem phim ở rạp Tân Thanh thì bỗng dưng có ai đó hô to: “Bom!” Thế là cả rạp đứng lên, ùn ùn bỏ chạy. Nhiều người bị mất cả dép guốc. Khi ra đến ngoài đường tôi mới biết mình cũng bị mất một chiếc dép. Thằng Xê nhìn tôi đi dép một chân cười hô hố.

Trước ngày Nha Trang bị giải phóng thị xã vô cùng hỗn loạn. Những toán hôi của tỏa ra mọi ngả đường. Chúng vào các cửa hiệu buôn, tiệm thuốc tây, các nhà kho... đập phá lấy đồ. Thỉnh thoảng có tiếng súng trường nổ râm ran. Nhưng là súng của bọn hôi của chứ không phải đánh nhau.

Hôm Việt cộng tiến vào thị xã, thằng Xê rủ tôi đi coi xe tăng. Nó dẫn tôi lên đường Quốc lộ 1A đoạn bên này cầu Hà Ra, gần chỗ Ty Thông Tin. Lúc đi trên đường Phan Bội Châu, tôi thấy tấm ảnh ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nằm chình ình trên mặt đường, cúi xuống định nhặt lên. Thằng Xê đánh mạnh vào tay tôi, nó nói to:  

- Mày lượm làm gì? Coi chừng bị bắt đó! 

Nó nói bị bắt hay bị bắn, tôi không nghe rõ nhưng cũng thôi không nhặt nữa. Tiếp tục đi theo nó đến ngã ba Ty Thông Tin. Nơi đó có một đám đông đang tụ tập, đa phần là phụ nữ và những đứa trẻ choai choai. Lác đác thấy có một vài ông mặc áo sơ mi, quần tây, chân mang giầy da đen đứng xen lẫn vào. Một đoàn xe tăng có nòng pháo dài ngoằn ngụy trang bằng vài chùm lá chạy qua. Trên nóc mỗi thùng xe có một vài bộ đội đang ngồi vắt vẻo, đưa tay vẫy vẫy. Dân chúng hai bên đường nhao nhao vẫy tay reo hò. Thằng Xê nắm tay tôi chạy ra một chiếc xe tăng, đưa tay bắt với một anh bộ đội. Nó vui mừng cười toe toét khi được người lính chìa tay bắt lấy. Năm đó, nó đã cao lớn rồi nên mới chìa tay bắt được, còn tôi thấp bé không thể làm như nó.  

Xem chừng một lúc lâu, thấy chán, tôi giật áo nó rủ về. Nó hất tay, bảo tôi về trước. Tôi bỏ về một mình do không muốn mẹ ở nhà lo lắng vì mình vắng mặt quá lâu trong thời buổi loạn lạc. Lúc tôi đi ngang qua trụ sở phường Xương Huân nhìn vào trong thấy có treo một lá cờ nửa đỏ nửa xanh, chính giữa là ngôi sao vàng. Ngay cửa ra vào có hai người lính bồng súng gác. Lòng tôi trống rỗng, chẳng vui mà cũng chẳng buồn. 

Chiều hôm đó có hai chiếc máy bay phản lực lướt qua vòm trời Nha Trang. Một tiếng nổ to vang lên, một cột khói và lửa bốc cao bên phía bắc cầu Xóm Bóng. Hàng loạt tiếng súng phòng không phát hỏa đì đùng. Bầu trời có những cụm mây nhỏ màu trắng bung ra như những bông hoa tuyết đang nở

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Trương Ngọc Tuân đọc truyện ngắn

CHÀNG LÙN NỂ VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

TRẦN ĐỨC PHỔ

Địa chỉ: 819 Kleinburg Dr, London

tỉnh bang Ontario, Canada.

Email: ducphot946@gmail.com

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 27.02.2024.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét