THÁNG NĂM, NHỚ MẸ
Nếu tôi không lầm, thì những năm lớp Nhì, lớp Nhất, khi còn ở miền
Bắc, chưa di cư vào Nam, thì tôi đã học thuộc lòng bài thơ “Nắng
Mới” này của Lưu Trọng Lư:
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng gợi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không
Tôi nhớ Mẹ tôi thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi
Hình dáng mẹ tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa
Mẹ tôi cũng thế, cũng có nụ cười đen nhánh vì bà nhuộm răng đen
theo thói xưa, nhưng mẹ tôi đã kịp tẩy trắng khi còn ở Hà Nội, vì ở Hà Nội, mà
cười nhe hàm răng đen ra, thì chẳng làm ăn gì được cả. Sau khi trốn đấu tố ở Hà
Đông, mẹ tôi ra Hà Nội, và đi buôn chuyến, nhưng không thành công, nên bà dắt
cả nhà về Bùi Chu núp lánh 2 năm, rồi lại líu ríu đàn con sáu đứa ra Hải Phòng.
Hồi đó, chưa có chương trình di cư, nên mẹ tôi mở tiệm Phở Bắc ở đường Lý Quốc Sư,
đối diện tiệm thuốc Kim Tân. Tôi nhớ tiệm thuốc Kim Tân có cái tủ kính to đùng
ngay trước cửa. Khi mùa Trung Thu đến, thì trong tủ kính có mấy cô Tiên bằng
giấy chạy ra, múa vài điệu lả lướt rồi lại chạy vào theo cái vòng tròn có máy
chạy bên trong. Tôi cứ đứng say mê ngắm các cô tiên đó cho đến khi Mẹ tôi gọi
lớn thì mới chạy về.
Mẹ tôi có khiếu nấu ăn, nên tiệm phở của mẹ tôi rất đông khách,
nếu không có vụ di cư, chắc nhà tôi giầu lắm. Những ai ăn Phở Bắc, đều phải nhớ
“nước dùng” là quan trọng nhất, không phải thịt tái, thịt chín, lá sách hay
gầu, vè, mà là “nước dùng”. Một tô phở đầy ắp mà “nước dùng” ngậy mỡ, hoặc mặn,
hoặc lạt, hoặc nhiều bột ngọt đều đáng đổ đi. Phở Bắc kỵ bột ngọt, sau này tôi
mới hiểu là “nước dùng” mà chứa nhiều bột ngọt thì ăn xong môt lúc là khát
nước, khó chịu vô cùng! Phở mà Mẹ tôi nấu không bột ngọt mà có vị thanh thanh,
ít mùi hồi, nhưng thơm lừng. Bánh phở mà bà mua cũng thanh thản, không dầy,
không mỏng, vừa phải, trắng bóc, như làn da các cô tiên, để nhìn vào đã thấy thèm
nuốt ừng ực. Rất tiếc vì vụ di cư nên mẹ tôi đóng cửa tiệm, đi thuê tạm một căn
nhà nhỏ ở Hải Dương, chờ ngày ra đi.
Sau khi vào Nam, vì không có tiền để mở tiệm, Mẹ tôi lại làm bánh
nếp đem bán (loại bánh này hình như không còn nữa). Bánh nếp cũng được gói
giống bánh giò Bắc Kỳ, gói bằng lá chuối, hình củ ấu, nhưng bên trong thay vì
bột tẻ, mà là bột nếp dính dính, chứa nhân là thịt băm với nấm mèo, nhân đã
được nêm vừa phải cũng không mặn, không nhạt. Khi bóc cái lá chuối gói bánh ra,
thì bánh dính dính lại lá gói, nhưng không dính chặt làm vỡ cái bánh, mà có vẻ
như muốn lưu luyến chút ít, cũng giống như người thiếu nữ khi muốn gỡ tấm yếm
ra môt cách ngại ngùng, e thẹn.
Để làm bánh nếp, Mẹ tôi thức dậy từ rất sớm, bà nấu bột làm nhân
từ khi mặt trời còn ngủ trong mây, để lúc sửa soạn xong tất cả mới đánh thức
chị em chúng tôi dậy, ngồi vây quanh cây đèn dầu để gói bánh. Khi gói xong, bà
bảo chúng tôi dọn dẹp rác rưởi, còn bà thả bánh vào nồi đang xôi xùng xục trên
lò. Tay bà luôn gắp bánh ra, đảo qua đảo lại cho đều. Tôi ngồi xổm, nhìn mặt mẹ
tôi đỏ bừng vì ánh lửa, nhìn những lưỡi lửa bùng lên, xẹp xuống, mà tưởng như
trong ánh lửa đó, các cô tiên nhẩy múa trông đẹp tuyệt vời.
Sau khoảng nửa tiếng gì đó, Mẹ vớt ra, để giàn bánh còn nóng hổi
trên một cái mẹt lớn cho ráo nước rồi bà bưng ra ngoài ngõ, ngồi đó chờ khách
mua, nếu hết bánh, bà lại gọi với vào trong nhà, để lũ nhỏ chúng tôi đưa thêm
bánh ra cho Mẹ.
Khoảng vài tháng chi đó, Mẹ tôi thuê được căn nhà ở Khánh Hội. Nhà
sàn, đặt trên sình hôi kinh khủng, mỗi khi nước thủy triều rút, lộ ra rác rưởi
và các thứ phóng uế, cùng lũ chuột cống nhào lên nhào xuống ăn rác, ăn phân.
Mới đầu thì chúng tôi khiếp hãi lắm, nhưng dần rồi quen mùi, không thấy khó
chịu gì nữa. Lúc đó, Mẹ tôi chưa kiếm được việc gì làm, nên suốt ngày nấu cho
chúng tôi nhiều món ăn mà bây giờ nhớ lại vẫn thấy hình như hương vị ngọt ngào
của mấy món ăn đó còn đọng trên lưỡi tôi, cho dù là các món ăn dân dã như canh
rau ngót nấu tôm, canh rau đay nấu cá, canh cá thì là, canh cà chua… tôi vẫn
“mê li cu tơi”. Những món sang sang mà tôi thích nhất là Bún thang với những
miếng trứng tráng thái thật mỏng, giò thái mỏng chỉ nhỉnh hơn que tăm, và thịt
giò có mộc nhĩ. Chao ôi, nước dùng của Mẹ tôi nấu thì vừa phải, không có đường
mà ngọt ngọt, nên khi lùa mấy sợi bún kèm sợi trứng, sợi giò vào miệng thì thấy
đời như lên tiên. Nhìn mẹ tôi thái trứng và giò nhanh tăm tắp, tôi thèm nhỏ
nước dãi, và đợi khi Mẹ hốt tất cả trứng, giò, đặt vào đĩa là tôi chụp vội
những miếng thừa ở cạnh, nuốt cái ực.
Khi bà làm thịt gà để nấu cháo gà, thì tôi nhanh tay chụp vội mấy
cái chân gà mập mạp, chạy biến ra cửa để gặm. Thấy tôi chộp nhanh quá, Mẹ chỉ
lườm tôi một cái và nói: “Cái thằng…”
Thật ra, tôi không thể nhớ bà nấu bao nhiêu món, vì ngoài đủ loại
canh ra, còn có các món kho, cá kho, thịt kho, gà kho. Tết đến, bà lại gói giò
thủ, bánh chưng. Trời ơi! Miếng giò thủ bà nấu, phải nói là tuyệt luân, dòn
dòn, bùi bùi, thơm thơm, cắn vào thấy đã đứa!
Chúng tôi ở đấy hơn môt năm gì đó, rồi lại dọn về Trương Minh
Giảng. Không biết khi di cư, Mẹ tôi cất tiền ở đâu mà bây giờ bà có tiền mua
môt căn nhà ngay trong ngõ đối diện nhà thờ Vườn Xoài. (Thật ra, gọi khu này là
Vườn Xoài là không đúng vì đó chỉ là địa danh từ xửa xừa xưa. Khi chúng tôi đến
đây, khu này không có cây xoài nào ngoài cây xoài trước cửa nhà tôi, vì thiên
hạ đã cho chặt đi hết để làm nhà ở.) Bà cho người đào thêm cầu tiêu, làm mương
thoát nước, rồi sửa sang sao đó, mà chúng tôi ở đó thật thoải mái. Từ đấy, bà
mới trổ tài làm đủ thứ. Bà làm bánh Quế, bỏ vào trong hộp sắt đem đi bán. Nhưng
bánh quế chỉ bán được vào thời Tết, nên bà lại đổi nghề: làm bột sắn! Trước cửa
nhà có khoảng vườn khá rộng, bà cho trồng hoa huệ để bán Tết. Nghĩa là bà làm
đủ nghề, nhưng có lẽ số bà khổ nên không nghề nào thành công lớn, chỉ đủ cho
chị em tôi đi học.
Từ nơi này mà tôi lớn lên, và dần dần bước vào đời. Từ đó mà ít
được Mẹ nấu cơm ngon cho ăn nữa, vì các anh chị tôi đi xa cả, còn mình bà lam
lũ để sống còn, không còn cơ hội nấu món ngon, vật lạ cho tôi thưởng thức,
ngoài những trận đòn tê người, bất tỉnh, vì tính tôi thích chơi với bạn hơn ở
nhà, không nghe lời Mẹ, cãi Mẹ, và “chôm” tiền Mẹ đi xi nê, bà giận dùng gậy
sắt, gậy gỗ quất tôi. Nhiều lần phải kêu xích lô chở tôi vào bệnh viện cứu cấp.
Tuy bị đòn đau như thế, và tuy giận Mẹ để bỏ nhà đi bụi đời gần 2 năm, tôi vẫn
thương Mẹ tôi nhất nhà. Mỗi lần rời Mẹ đi xa, tôi lại khóc nức nở khi quay nhìn
lại căn nhà chỉ có mình người Mẹ cô đơn. Đến bây giờ Mẹ tôi khuất núi rồi, mỗi
khi nhớ Mẹ, ông già tóc bạc là tôi lại nước mắt chan hòa. Mẹ ơi! Con thương và
nhớ Mẹ lắm!
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Cuộc chiến tranh
Biên giới 1979l
- Những bài thơ
chống giặc Tàul
- Không được quên
tội ác của bá quyền Trung Quốcl
- Trận chiến cầu
Khánh Khê và giờ học lịch sửl
- Vị Xuyên ơi! Nỗi
đau không quên!l
- Bàn thêm về nước
Nam Việt của Triệu Đà và lịch sử nước Việt Naml
- Gạc Ma - Nỗi đau
không được quênl
- Vai trò của Mao
Trạch Đông trong chiến dịch tiến chiếm Hoàng Sa năm 1974l
- Cuộc chiến chống
quân Trung Quốc xâm lược: Hoàng Sa năm 1974l
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ SỚM:
CHU TẤT TIẾN (sinh năm 1945 tại Hà Nội)
Định cư tại: Quận Cam, California, Hoa Kỳ.
Email: vietnguyen2016@aol.com.
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản từ messenger tác giả gửi ngày 23.06.2025.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét