BÀN THÊM VỀ NƯỚC NAM VIỆT
CỦA TRIỆU ĐÀ VÀ LỊCH SỬ VIỆT NAM
Nước Nam Việt (南越国 hoặc 南粤国) là một vương
quốc ở vùng đông nam Trung Quốc do Triệu Đà lập ra năm 204 TCN. Sử Trung Quốc
coi vương triều Nam Việt là một chính quyền cát cứ địa phương, không thuộc
vương triều chính thống. Có lẽ vì thế mà tư liệu về nước Nam Việt đã rất ít lại
quá sơ sài.
Dù chỉ tồn tại 93 năm và đã biến mất 21 thế kỷ
qua nhưng Nam Việt quốc vẫn còn duyên nợ với Việt Nam ta. Phải chăng vì hai
nước có tên gọi giống nhau hay vì ở liền kề nhau? Cớ sao một số nhà chính trị
và sử gia nổi tiếng Việt Nam xưa và nay coi nhà Triệu là vương triều đầu tiên
của nước ta, nhưng giới sử học chính thống Việt Nam hiện nay lại coi nhà Triệu
là kẻ đầu tiên xâm chiếm nước ta, mở đầu thời kỳ Bắc thuộc?
Cuốn “Lịch sử nước Nam Việt” (南越国史 Nam Việt
quốc sử) [2] đã phần nào đáp ứng yêu cầu đó. Tuy Nam Việt quốc sử đã
tham khảo 975 tài liệu, gồm 113 tài liệu nước ngoài (60 của Việt Nam) nhưng các
tài liệu ấy có chỗ chưa nhất quán với nhau, sao chép lẫn nhau và lời lẽ khó
hiểu, lại viết quá sơ sài về nước ta. Sách cổ sử Trung Quốc chủ yếu viết về
hành trạng của các nhân vật, ít viết các vấn đề tổng quan, đã thế cách viết lại
khó hiểu. Đọc Nam Việt quốc sử cùng các tài liệu liên quan, chúng tôi
cảm thấy dường như việc nghiên cứu nước Nam Việt nên dựa trên suy luận, phỏng
đoán hơn là dựa vào thư tịch.
Với suy nghĩ như vậy, dưới đây xin nêu ra vài ý
kiến về mối quan hệ Nam Việt – Việt Nam. Các ý kiến này khó tránh khỏi có sai
sót, mong được bạn đọc chỉ bảo.
Đất Nam Việt và đất Việt Nam
Sách cổ sử Trung Quốc ít chú trọng vấn đề cương
vực, ít lập bản đồ. Sách Nam Việt quốc sử 503 trang không có lấy một
bản đồ nước Nam Việt. Dù sao ai cũng biết rằng trước khi có cái tên Việt Nam
thì trên dải đất dài hẹp được núi và biển bọc kín bốn mặt ở phía nam nước Nam
Việt từ cổ xưa đã tồn tại một tộc người về sau gọi là người Kinh-Việt Nam, tức
tổ tiên chúng ta. [3] Tộc người này có các tố chất chủng tộc, ngôn ngữ và
văn hóa khác hẳn các tộc người sống trên vùng đất liền kề ở phía bắc, về sau
được gọi là Trung Quốc. Sự khác biệt ấy khiến cho người Kinh-Việt Nam sau khi
bị người Trung Quốc đông dân và mạnh hơn xâm chiếm đã không ngừng đấu tranh
đánh đuổi kẻ xâm lược và cuối cùng giành độc lập trọn vẹn.
“Sử ký” chép: năm thứ 33 (214 TCN), Tần Thủy
Hoàng chiếm Lục Lương tức Lĩnh Nam và chia làm 3 quận Quế Lâm, Nam Hải và
Tượng. Theo Nam Việt quốc sử, cho tới nay giới sử học vẫn chưa nhất trí về
vấn đề quận Tượng đời Tần có ở trên đất Việt Nam hay không - nghĩa là
nhà Tần có chiếm Việt Nam hay không. Ở đây có hai quan điểm khác nhau.
Một quan điểm cho rằng quận Tượng đời Tần gồm Bắc
bộ và Trung bộ Việt Nam. Sau đó nhà Tần diệt vong nên [tên gọi] quận Tượng biến
mất nhưng đất của nó vẫn bao gồm 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (do Hán Vũ
Đế lập năm 111 TCN); nước Nam Việt thời kỳ đầu (Hán sơ) cũng sở hữu đất 3 quận
đó. Nói cách khác, quận Tượng đời Tần nằm trên đất Việt Nam, nghĩa là nhà Tần
đã chiếm Việt Nam. Nam Việt quốc sử gọi quan điểm này là Thuyết Ba
Quận. Đây là quan điểm chính thống của sử học Trung Quốc trước năm 1916.
Một quan điểm khác được Nam Việt quốc sử gọi
là Thuyết Hai quận do sử gia Pháp Maspero [4] ở Viện Viễn đông Bác cổ Hà
Nội đưa ra năm 1916, cho rằng quận Tượng do nhà Tần lập ra là ở hai quận Uất
Lâm (Yulin) và Tang Kha (Zangke) thuộc Quảng Tây. Lâm Trần [Linchen] nơi đặt
trụ sở chính quyền quận thì ở quận Uất Lâm. Nói cách khác, quận Tượng đời Tần ở
trên đất Trung Quốc, nghĩa là nhà Tần chưa hề chiếm Việt Nam. Nam Việt
quốc sử cho rằng hai thuyết trên trái ngược nhau là do khác nhau về khảo
chứng các sử liệu.
Maspero có tham khảo “Hán thư - Chiêu
đế kỷ”, “Hán thư - Cao đế kỷ”, “Giao châu Ngoại vực ký”. Ông nói đất Giao Chỉ
(lưu vực sông Hồng) không ở quận Tượng mà ở phía nam quận Tượng, vốn là nước An
Dương của Hoàng tử Thục [Thục Phán?]. Thời Lữ Hậu (195-180 TCN) hoặc Hán Văn Đế
(180-157 TCN), nước Nam Việt diệt nước An Dương rồi đặt hai quận Giao Chỉ và
Cửu Chân trên đất Việt Nam; nghĩa là không có việc chia quận Tượng làm hai quận
Giao Chỉ, Cửu Chân khi thành lập nước Nam Việt.
Theo Nam Việt quốc sử, sử gia Đào Duy Anh và
các sử gia Trung Quốc Mông Văn Thông, Đàm Kỳ Tương, Châu Trấn Hạc tán thành
Thuyết Hai quận; còn đa số sử gia Trung Quốc theo Thuyết Ba quận.
Nam Việt quốc sử cho rằng Thuyết Ba quận hợp
lý vì dựa theo “Hán thư – Địa lý chí” của Ban Cố. Trong đó từ “Nhật Nam quận”
có ghi chú 11 chữ “故秦象郡,元鼎六年开,更名” [Cố Tần Tượng quận, Nguyên Đỉnh lục niên
khai, cánh danh]. Tạm hiểu: “(Quận Nhật Nam) trước kia là quận Tượng đời Tần,
(quận Nhật Nam) lập năm Nguyên Đỉnh 6 (tức năm 111 TCN), đổi tên (từ quận
Tượng) mà thành.” Vì quận Nhật Nam ở Trung bộ Việt Nam nên quận Tượng đời Tần ở
trên đất Việt Nam.
Theo chúng tôi, chỉ dựa vào 11 chữ ghi chú của
Ban Cố mà suy ra kết luận đó là chưa đủ thuyết phục. Vả lại quận Nhật Nam là do
Triệu Đà lập ra sau khi chiếm Âu Lạc (179 TCN), không phải do Vũ Đế lập ra năm
111 TCN.
Nam Việt quốc sử viết: Tuy các sách sử khác
đều không viết về vị trí quận Tượng, nhưng do “Hán thư” có uy tín cao nên
Thuyết Ba quận trở thành quan điểm chính thống của Trung Quốc suốt hơn 2000
năm… Các ghi chép lịch sử cho thấy quân Tần đã vào tận Trung bộ Việt Nam
(khoảng vĩ tuyến 13-16) và đặt quận Tượng ở đây. Sách “Hoài Nam Tử-Nhân gian
huấn” chép: Quân Tần giết được Dịch Dụ Tống [Yi Yusong] vua nước Tây Âu, người
Việt không chịu để bị quân Tần bắt mà vào rừng sống chung với cầm thú… đêm đến
ra phục kích quân Tần, hạ sát Đồ Tuy, giết mấy chục vạn lính Tần… Vì Nam
Việt quốc sử coi Tây Âu là Việt Nam, nên việc quân Tần giết vua Tây Âu có
nghĩa là nhà Tần đã chiếm Việt Nam.
Nhận định trên cũng thiếu tin cậy, bởi lẽ chưa
sách nào nói rõ vị trí nước Lạc Việt, nước Tây Âu và lai lịch Dịch Dụ Tống.
Trong bài “Giải mật Tây Âu quốc – nước thứ tư của 10 đại cổ quốc Quảng Tây” [5]
thì Tây Âu (còn gọi Tây Việt) là nước bộ lạc ở vùng lưu vực sông Quế Giang, Tầm
Giang thuộc Lĩnh Nam - nghĩa là ở Quảng Tây. Các tư liệu trên mạng
baidu cũng viết như vậy. Sử sách Việt Nam chưa hề nói tới cái tên “Dịch Dụ Tống
vua nước Tây Âu” và địa danh Lâm Trần. Thực ra Lĩnh Nam cũng như Việt Nam hồi
ấy là đất của nhiều bộ lạc, chưa có khái niệm quốc gia (nước) và sự phân định
biên giới. Nam Việt quốc sử chưa nói rõ đất Việt Nam ngày ấy gọi là
Tây Âu, Tây Ẩu, Lạc Việt hay Âu Lạc? Tây Âu quân [vua] Dịch Dụ Tống có phải là
người Kinh-Việt Nam không? Khi còn chưa biết rõ vị trí địa lý và tộc người Việt
Nam sao có thể nói nhà Tần chiếm Việt Nam?
Sách “Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt” [6]
cũng không viết về việc quân Tần chiếm Việt Nam, mà chỉ cho biết: khi bị quân
Tần tấn công, người Lạc Việt ở Quảng Tây [không nói là người Việt Nam] đã vào
rừng đánh du kích, giết Đồ Tuy. Sách sử Việt Nam cũng chưa hề viết Đồ Tuy bị
giết trên đất Việt Nam.
Nam Việt quốc sử nhận định: nhiều di vật
khảo cổ khai quật được tại Việt Nam chứng minh các lực lượng chính trị Trung
Quốc đời Tần đã vào đến Việt Nam. Theo chúng tôi, lập luận này chưa xác đáng vì
trong 1.000 năm Bắc thuộc cũng như trong các lần xâm lược Việt Nam, người Trung
Quốc có thể đem những đồ vật làm từ đời Tần chôn ở nhiều nơi trong nước ta để
đánh dấu họ từng đến đây (tại Malaysia từng có chuyện tương tự).
Nam Việt quốc sử viết: các thư tịch cổ
Maspero trích dẫn không tin cậy. Chuyện An Dương Vương dùng nỏ thần chống quân
Triệu Đà, chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy… đều là thần thoại. Thực ra là Hoàng tử
Thục [Thục Phán?] dẫn bộ tộc mình di chuyển từ tây sang đông thì xung đột với
bộ tộc Lạc Việt. Thục chiến thắng, trở thành thủ lĩnh bộ tộc Lạc Việt và tự
xưng An Dương Vương. Thuyết Hai quận nói một thời gian sau ngày lập quốc, Triệu
Đà dẫn quân đánh chiếm Lĩnh Nam, bộ tộc An Dương Vương chống lại, gây cho Đà
nhiều tổn thất nhưng cuối cùng Đà thắng – chuyện đó xảy ra vào thời Lữ Hậu, Văn
Đế.
Nam Việt quốc sử cho rằng nhận định đó thiếu
căn cứ. “Sử ký” có chép việc Tây Âu, Lạc Việt lệ thuộc Nam Việt, nhưng đó không
phải là kết quả xung đột quân sự mà là do Triệu Đà hối lộ các nước này, và sách
cũng không nói rõ tộc Lạc Việt đó có phải là tộc An Dương Vương hay không. Hơn
nữa do thi hành “Hòa tập Bách Việt” nên Triệu Đà không thể dùng chiến tranh để
giải quyết vấn đề dân tộc trong nước mình. Ngược lại, sách sử cho biết cuộc
chiến chiếm hai quận Quế Lâm và Tượng do Triệu Đà tiến hành (chắc là vào năm
205 TCN) thì xảy ra trước khi Triệu Đà lập nước Nam Việt.
Theo chúng tôi, quận Tượng đời Tần toàn bộ ở trên
đất Trung Quốc, không ở đất Việt Nam; nhà Tần chưa hề chiếm nước ta; nhà Triệu
là vương triều Trung Quốc đầu tiên thôn tính Việt Nam.
Lý do: sau khi chiếm Lĩnh Nam, nhà Tần không còn
đủ sức tiến đánh Việt Nam. Trước khi đánh Lĩnh Nam, nhà Tần đã làm 2 con đường
từ Trung Nguyên tới Lĩnh Nam thế mà vẫn không tiếp tế kịp lương thực ra mặt
trận. Phần trên đã nói, “Hoài Nam Tử” kể: Trong trận tấn công Quảng Tây, nhà
Tần thất bại thảm hại, thương vong mấy chục vạn quân và phải ngừng tấn công, bỏ
ra mấy năm đào kênh Linh Cừ nhằm giải quyết việc chở lương thực từ Trung Nguyên
ra mặt trận. Việt Nam ở rất xa Lĩnh Nam, lại càng xa Trung Nguyên. Từ Lĩnh Nam
đi Việt Nam không có đường, chỉ có chặt cây leo núi qua thập vạn đại sơn, không
thể bảo đảm tiếp tế lương thực. Sau thiệt hại lớn ở Quảng Tây, nhà Tần còn lính
đâu, sức đâu mà tiến xuống Việt Nam. Chỉ sau khi lập nước Nam Việt ít lâu,
Triệu Đà mới chiếm Việt Nam, và có lẽ Đà không gây chiến mà dùng cách mua
chuộc. Việc này chưa có tư liệu xác thực làm căn cứ. Giới sử học nước ta có lý
khi cho rằng thời kỳ Bắc thuộc bắt đầu vào khoảng năm 179 TCN. Tác giả Nam
Việt quốc sử chưa chú ý tới quan điểm này.
Người Nam Việt và người Việt Nam
Sử Trung Quốc cổ đại gọi tộc người sống ở Trung
Nguyên (lưu vực Hoàng Hà và Trường Giang, về sau gọi là Trung Quốc) là người
Hoa Hạ - trong bài này, để tiện, sẽ gọi không chính xác là người Hán - các
tộc còn lại là Man Di. Người Hán gọi tất cả các tộc người ở phía nam Trường
Giang là tộc Việt, người Việt (Việt tộc, Việt nhân). Không may là bộ tộc người
Kinh - Việt Nam ở vào vị trí địa lý ấy nên bị gọi vơ đũa cả nắm là
người Việt. Từ đó trở đi sử Trung Quốc và sử ta ngày xưa (chủ yếu chép theo sử
Trung Quốc) đều nói người Kinh - Việt Nam là người Bách Việt hoặc Lạc
Việt; nói mãi, tự nhiên quan điểm đó trở thành chính thống!
Việt tộc trong sử Trung Quốc là một khái niệm tù
mù, có những giải thích khác nhau. Theo Nam Việt quốc sử, Việt tộc ở Lĩnh
Nam có các tên gọi: Bách Việt, Dương Việt, Ngoại Việt, Lục Lương, Nam Việt, Tây
Âu, Lạc Việt… . Tộc Tây Âu hoặc Tây Ẩu chủ yếu sống ở Quảng Tây, nhưng sử gia
Đào Duy Anh nói họ cũng sống ở Việt Nam (thượng lưu sông Lô, sông Cẩm[?], sông
Cầu, sông Thương). Nam Việt quốc sử không phân tích các yếu tố làm
nên bản sắc của mỗi dân tộc, như tiếng nói, phong tục tập quán… mà viết liều:
Tộc Lạc Việt sống ở Quảng Tây, Quý Châu và châu thổ sông Hồng Việt Nam - nói
như vậy Nam Việt quốc sử coi người Lạc Việt là người Kinh - Việt
Nam, bởi lẽ người ở châu thổ sông Hồng chỉ có thể là Kinh - Việt Nam.
Nhưng nói người Kinh - Việt Nam sống ở Quảng Tây, Quý Châu là sai sự
thực. Hơn nữa tài liệu [7] viết: Người Lạc Việt là tổ tiên của người Tráng
Quảng Tây; và ta biết ngôn ngữ Tráng khác xa ngôn ngữ Kinh-Việt Nam. Tóm lại, Nam
Việt quốc sử đã hoàn toàn sai khi coi người Kinh-Việt Nam là người Lạc Việt.
Cái tên gọi chung “Việt” ấy đã gây ra sự nhầm lẫn
người Việt ở nước Nam Việt với người Kinh-Việt Nam. Như khi sử Trung Quốc viết
Triệu Đà theo phong tục Việt, lấy vợ người Việt, Lữ Gia là người Việt [thực ra
là người Bách Việt] nhưng có sử gia ta quả quyết rằng Đà lấy vợ người làng Đồng
Sâm huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình, Lữ Gia là người Quốc Oai, Sơn Tây (xem chú
thích 1; chuyện ấy có thể xuất phát từ tâm lý ưa gắn kết Việt Nam với Trung
Quốc).
Chỉ cần xét vài lý do sau đây là đủ thấy sự hư
cấu này thậm vô lý: Sau ngày bắt đầu Bắc thuộc (179 TCN) ít nhất dăm chục năm,
chữ Hán mới được dạy cho dân ta; thời đầu nhà Triệu, dân ta chưa ai biết tiếng
Hán, sao lại có người (Lữ Gia) giỏi Hán ngữ làm tới chức Thừa tướng 3 đời vua
nhà Triệu? Mãi đến thế kỷ 18 Nguyễn Công Trứ mới đưa dân ra lập huyện Tiền Hải
(Thái Bình), bởi lẽ trước Công nguyên, tỉnh Thái Bình còn ở dưới đáy biển (xem
hình dưới), sao mà hồi ấy đã có làng mạc trù phú sinh ra những cô gái xinh đẹp
giỏi tiếng Hán được vua Triệu kén làm vợ?
Nguồn: Tana Li, “A Historical Sketch of the
Landscape of the Red River Delta”, TRaNS: Trans-Regional and -National Studies
of Southeast Asia, Volume 4, Special Issue 2 (Water in Southeast Asia)July 2016
, pp. 351-363. Sự tiến hóa trong lịch sử của đồng bằng châu thổ Sông
Hồng. (BP: Before present – trước đây/cách nay). Thước tỷ lệ cho thấy 2000 năm
trước, vùng đất cách bờ biển hiện nay 40 km trong tỉnh Thái Bình đều ngập dưới
mặt nước biển. Triệu Đà sống cách nay 2260 năm, lúc đó mực nước biển càng cao hơn.
Xét về địa lý, tộc Kinh-Việt Nam sống trên mảnh
đất cách xa cộng đồng Bách Việt hàng ngàn dặm, lại có núi và biển ngăn cách,
sao có thể là thành viên của cộng đồng ấy được? Hơn nữa tiếng nói của người
Kinh-Việt Nam (thuộc ngữ hệ Nam Á) khác xa người Bách Việt (thuộc ngữ hệ
Hán-Tạng), sao có thể sống chung trong một cộng đồng được?
Thực ra “người Việt” trong sách sử Trung Quốc là
người Bách Việt, có ngôn ngữ gần gũi với Hán ngữ của người Hán (cùng ngữ hệ
Hán-Tạng), một số tộc như Dương Việt, Mân Việt… nói các phương ngữ của Hán ngữ.
Vì thế nên người Bách Việt nhanh chóng học được tiếng Hán và chữ Hán. Còn tộc
Kinh-Việt Nam dù bị người Hán ra sức đồng hóa suốt 1.000 năm nhưng do dị biệt
ngôn ngữ quá lớn (và do các nguyên nhân khác) nên về cơ bản chẳng hề bị Hán
hóa. Riêng một sự thực lịch sử bất hủ ấy đủ chứng tỏ tộc Kinh-Việt Nam hoàn
toàn không thuộc cộng đồng các tộc Bách Việt, không phải là “Việt nhân” của
nước Nam Việt (vấn đề này chúng tôi sẽ viết riêng trong một chuyên luận khác).
Triệu Đà với Việt Nam
Nam Việt quốc sử viết rất ít về mối quan hệ
này, có lẽ vì Triệu Đà chẳng quan tâm tới xứ Việt Nam xa xôi cách trở. Theo
chúng tôi, nước Nam Việt quốc khi mới lập quốc hoàn toàn ở trên đất Trung Quốc.
Sau lần thứ hai thần phục nhà Hán (179 TCN), khi không còn nguy cơ bị Hán tấn
công nữa, Triệu Đà mới chiếm Âu Lạc (tức Việt Nam?). Vì thế có thể coi thời kỳ
Bắc thuộc bắt đầu từ năm 179 TCN. Nam Việt quốc sử viết: Triệu Đà sau
khi xưng vương đã cho quân đánh An Dương Vương và chinh phục bộ tộc Lạc Việt,
nhưng sau đó cũng để họ tự trị.
Đối với người Việt Nam thì Tần Thủy Hoàng, Triệu
Đà, Hán Vũ Đế đều là kẻ ngoại bang; kẻ nào xâm chiếm nước ta đều như nhau. Thời
ấy người Hán đều ngại sang Việt Nam làm việc, triều đình thường cử các quan lại
bị cách chức hoặc phạm tội sang ta. Bọn họ số người đã ít, sang đây lại đều lấy
vợ Việt Nam, hòa nhập với người bản xứ và bị Việt hóa, vì thế một số người đối
xử tốt với dân ta, cai trị tương đối lỏng lẻo.
Cần thấy rằng Triệu Đà thi hành chính sách Hòa
tập Bách Việt tại Nam Việt và Việt Nam đâu phải vì ông ta tốt bụng, mà chỉ vì
hai vùng này ít người Hán trong khi các bộ tộc bản xứ có thế lực mạnh. Hơn nữa
người Hán ở đây không phục Đà, vì y là tướng nhà Tần mà không phò Tần, về sau
lại chống Hán - tức chống vương triều trung ương. Do đó Đà phải dựa
vào người bản xứ và để họ tự trị một phần.
Nhà Triệu đóng đô ở Quảng Châu rất xa biên giới
Trung Quốc - Việt Nam; quan lại và quân đội của triều đình đều là
người Hán hoặc người Bách Việt, không hề có người Kinh-Việt Nam, rõ ràng là kẻ
xâm chiếm và thống trị nước ta, không thể coi là vương triều của nước ta. Sử
gia Ngô Thì Sĩ, các học giả Phan Khôi, [8] Phạm Quỳnh cũng từng nói như
vậy.
Đúng là ở ta có những đền miếu thờ người Trung
Quốc như thờ Triệu Đà, Lữ Gia v.v…Điều đó không có gì lạ. Suốt hàng nghìn năm
trong và sau Bắc thuộc không ít quan lại các vương triều Trung Quốc bị lật đổ
hoặc con cháu họ phải trốn sang Việt Nam định cư rồi bị Việt hóa, làm thành các
dòng họ Triệu, Lữ (Lã) v.v…và họ dựng đền, tạc tượng thờ tổ tiên mình. Các đền
và tượng ấy lâu nhất chỉ mới ra đời vài trăm năm nay. Những người được thờ
không phải là người Việt Nam; vì thế chớ nhầm lẫn coi đó là tín ngưỡng của dân
ta.
Tóm lại, Nam Việt quốc sử và sách sử
Trung Quốc đều truyền bá quan điểm người Kinh-Việt Nam thời cổ là người Lạc
Việt thuộc tộc Bách Việt trong cộng đồng Hán tộc. Ngày nay Bắc Kinh đang dùng
quan điểm đó để phục vụ mục đích chính trị. Năm 2014, khi dân ta mạnh mẽ phản
đối Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam, Nhân
dân nhật báo Trung Quốc đăng bài “Trung Quốc khuyên Việt Nam lãng tử hồi đầu”;
thâm ý muốn nói Việt Nam vốn là con em trong đại gia đình Bách Việt, về sau
“lãng tử” hư hỏng này tách ra độc lập, nay nên “hồi đầu” (ăn năn hối lỗi trở
lại) đại gia đình xưa.[9]
Chúng ta cần cảnh giác bác bỏ luận điệu thâm hiểm
ấy và khẳng định một sự thực lịch sử: Người Kinh-Việt Nam không phải là hậu duệ
của người Bách Việt hoặc Lạc Việt.
----------------
Chú thích:
[1] Nhà
Triệu-Mấy vấn đề lịch sử. Trương Sỹ Hùng, Nguyễn Khắc Mai. Nxb Hội Nhà văn,
2017.
[2] 南越国史.
Trương Vinh Phương, Hoàng Miễu Chương 张荣芳, 黄淼章. Nxb Quảng Đông,
9/2008.
[3] Việt
Nam có 54 dân tộc, trong đó DT Kinh (Việt) chiếm hơn 86%, còn lại 53 DT thiểu
số. Ngôn ngữ của dân tộc Kinh thuộc ngữ hệ Nam Á, khác hẳn ngôn ngữ của người
Trung Quốc thuộc ngữ hệ Hán-Tạng.
[4] Henri
Paul Gaston Maspero (1883-1945), gốc Do Thái, nhà Hán học, sử học.
[5] 360doc.com/content/18/1006/07/30558861_792336194.shtml.
[6] 骆越方国研究.
Chủ biên: Lương Đình Vọng nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Dân tộc Trung ương và Lệ
Thanh nguyên Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Sử Địa Biên cương Viện KHXHTQ. Sách
gồm 2 tập, 1,4 triệu chữ, Nxb Dân tộc xuất bản. Nội dung trình bày kết quả đề tài
“Nghiên cứu Phương quốc Lạc Việt”, là đề tài trọng điểm của Quỹ KHXH nhà nước,
thực hiện bởi Viện KHXHTQ, ĐH Dân tộc Trung ương, Hội Nghiên cứu văn hóa Lạc
Việt Quảng Tây.
[7] Như
trên.
[8] http://lainguyenan.free.fr/pk1936/HayBoTrieuDa.html
[9] http://nghiencuuquocte.org/2019/08/04/bac-bo-luan-dieu-lang-tu-hoi-dau/
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:
*
NGUYỄN HẢI HOÀNH
Địa chỉ: phố Lê Thánh Tông, phường Phan Chu Trinh
quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà
Nội.
........................................................................................
- Cập nhật từ
email: quanboyman1992@yahoo.com.vn ngày 13.10.2020
- Ảnh dùng minh
họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết
không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
LỜI BỘC BẠCH CỦA NGHỆ SĨ THÀNH LỘC VỚI NHỮNG NGƯỜI MẾN MỘ
Trả lờiXóa"Hồi còn làm Ban Giám Khảo của VN’s Got Talent đến mùa thứ 2 thì có một bạn hâm mộ tại Hà Nội đã lấy chân dung tôi, Huy Tuấn, Thuý Hạnh và MC Thanh Bạch ghép vào hình ảnh nhóm thầy trò đường tăng Tam Tạng đi thỉnh kinh trong Tây Du Ký để bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Tôi có nói với bạn ấy (qua facebook thôi) rằng tôi cảm kích lòng ngưỡng mộ của bạn ấy dành cho chương trình và riêng BGK&MC, nhưng xin đừng ghép tôi vào cái nhóm văn hoá Trung Quốc vì tôi không muốn trông thấy hình ảnh chính mình lại khoác bộ trang phục của họ để cổ suý cho một nền văn hoá của một quốc gia đang xâm lấn lãnh thổ và làm hại người dân nước tôi mỗi ngày trên biển đảo!
Bạn ấy bảo tôi cực đoan, chính trị là chính trị mà nghệ thuật là nghệ thuật! Tôi nói trước đây tôi cũng đã từng nghĩ như vậy nhưng bây giờ thì không vì chính Trung Quốc cũng đã không nghĩ như vậy, họ là những kẻ xảo ngôn nên ta không cần phải tôn trọng và hãy lấy hình ảnh tôi ra khỏi bức ảnh ấy, người bạn này đã tỏ ra thất vọng và miệt thị tôi khá nặng! Lúc đó tôi có nghĩ chắc bạn này là một dư luận viên.
Trong đợt kỷ niệm cho sự kiện của một hội chuyên ngành về sân khấu, người ta muốn dựng lại một số vở kịch lừng danh của nhà hát sân khấu nhỏ 5B mà một thời tôi đã gắn bó tài nghệ mình nơi đó, chỉ là một đợt hoạt động mang tính sự kiện thôi nhưng trong đó có vở Lôi Vũ (tác giả Tào Ngu - Trung Quốc) mà tôi đã thành công nhiều với vai Chu Xung. Tôi từ chối tham gia cũng vì lý do trên, không thể khác!
Không thể viện lý do nghệ thuật khác với chính trị để chính mình tự làm tổn thương lòng tự trọng dân tộc của mình. Khi hai quốc gia còn là bạn bè tôn trọng chủ quyền của nhau thì nghệ thuật còn làm thăng hoa nhau được, chứ ai lại có thể đi tôn vinh văn hoá của một quốc gia nó bắn giết dân ta, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của ta từng ngày từng giờ được? Tôi đã nói rõ quan điểm của mình như vậy với ban tổ chức và không hiểu sao sau đó đợt sự kiện đó cũng ngưng lại luôn, chắc vì không có kinh phí chứ không phải là từ tôi, tôi chỉ là hạt cát trong cái sa mạc showbiz Việt nhu nhược nầy!
Cũng như có lần tôi từ chối làm đại sứ hình ảnh cho một sản phẩm của Trung Quốc (họ đài thọ tôi du lịch miễn phí bên đó) thì cũng có vài người bảo tôi dại đã để vuột khỏi tay 1 cây cờ!!!
Rồi bây giờ là một danh sách dài ngoằng các tài tử minh tinh điện ảnh và nghệ sĩ của Trung Hoa lục địa mà “thần dân” xứ Việt chết mê chết mệt đã lên tiếng ủng hộ cái gọi là “đường lưỡi bò” láo xược trên biển Đông của chính quyền Trung Quốc, họ phản đối phán quyết của toà án quốc tế, bất chấp luật pháp và đi ngược lại với lương tri thế giới. Những cái tên như Phạm Băng Băng, Triệu Vy, Huỳnh Hiểu Minh, Lục Tiểu Linh Đồng… vốn đã xem chúng ta là thần dân của họ, tài nguyên nước ta là tài sản của quốc gia họ từ bao đời nay rồi! Vậy có đúng là nghệ thuật kinh tế đi trước để lót đường cho chính trị và xâm lược đi sau không?
Các văn nghệ sĩ, các fans hâm mộ những soái ca, tỉ tỉ, những thứ ngôn tình hay nam thần ngọc nữ gì đó…..hãy tỉnh táo và sáng suốt mà lo bảo vệ những giá trị văn hoá Việt còn sót lại trong mong manh và chỉ có chúng ta mới là những người phải thể hiện lòng tự tôn dân tộc mình. Tôi không kêu gọi kỳ thị mà tôi kêu gọi sự thức tỉnh!"
Thành Lộc