CHỬ VĂN LONG - THI SỸ HỒN QUÊ LẠC LOÀI RA THÀNH PHỐ - Tác giả: Nguyễn Thanh Lâm (Hà Nội)

Leave a Comment
- Tác giả Nguyễn Thanh Lâm -
CHỬ VĂN LONG
THI SỸ HỒN QUÊ LẠC LOÀI RA THÀNH PHỐ
---***---
Là bạn với nhà thơ Chử Văn Long gần 20 năm, đã chọn nhau là tri âm tri kỷ, chuyện thơ chuyện đời gắn bó sẻ chia. Nhưng viết về anh tôi tự dặn lòng mình phải thật tâm vượt qua những tơ vương tình cảm. Viết là viết cho tôi, cho anh và viết để người đọc hiểu thêm khát vọng thơ anh mong dâng hiến cõi người.
"Tuyển thơ văn chọn lọc" của Chử Văn Long (năm 2012, nxb Hội nhà văn), nhà thơ Chử Văn Long không sắp xếp theo trình tự thời gian, anh sắp xếp theo chủ đề cảm xúc vui buồn. Nhưng tôi đọc là nhận ra thời gian xuất xứ của từng bài, từng chặng đời. Tôi nhắm mắt lại hồi tưởng về anh và thơ anh tự thủa ban đầu cho đến hôm nay, cả những bài thơ không in trong tuyển tập.
Trước những năm 80 của thế kỷ trước là chặng thời gian các nhà thơ đàn anh như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận ảnh hưởng lớn đến các nhà thơ trẻ của thời ấy như Chử Văn Long, Vũ Quần Phương, Bằng Việt... và các nhà thơ khác. Thời gian này là thời gian đất nước đang dốc toàn lực cho cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ và giành độc lập toàn lãnh thổ, xây dựng tổ quốc.
Thời cuộc sinh ra những nhà thơ thời cuộc. Thời chống Mỹ sinh ra những nhà thơ chống Mỹ.
Năm 1976 "Nguồn Yêu Thương" của nhà thơ Chử Văn Long ra đời, chậm nhịp thời gian, anh như người đến sau. Hình như số anh không gặp "thời! "Thời" không mỉm cười với anh như nhiều nhà thơ thời đánh Mỹ đã thành danh như "Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh..." nhưng so với bao người anh vẫn là người may mắn. Thời ấy ra một tập thơ rất khó. Mặc dù anh đã nhập đời mình vào đội ngũ công nhân, vào đời thanh niên xung phong, dù đã cố gắng bao nhiêu vẫn không viết được thơ về đề tài xây dựng, chiến đấu. Thi thoảng anh đã có những câu thơ lóe sáng. Lóe sáng và bị khuất chìm!
Ngẫm cho cùng tài năng mới là quan trọng. Con tim dù cùng nhịp đập với thời cuộc nhưng thiếu tài năng không thể có thơ hay, khi có tài năng, có thơ hay, dù bị thời cuộc khuất lấp nhưng ở thời khác nó sinh lại và trường tồn.
Còn cái "tạng" nữa, tạng người như anh khó hòa nhập với đời muôn mầu và trắc ẩn. Anh ngây thơ, chân chất, thôn quê. Cái chân chất hiền lành thường bất khuất khi bị dồn vào chân tường. Ý nghĩ ở anh mộc mạc, hồn thơ mộc mạc và anh bị đau đòn trả giá...
Ở Quảng Ninh, anh bị đòn hiểm của giám đốc cơ quan từng nói: "Cho anh đi viết văn, sau này ai bổ óc anh ra mà rửa". Ở nhà máy bị tai nạn thơ, ở báo Người Hà Nội cũng bị tai nạn thơ, rồi bị nghỉ việc ăn lương đi tìm những câu ca dao ế 'Nhà thơ bị vô hiệu hóa'. Ở nhà thì vợ ốm con đông, anh kiếm tiền không đủ nuôi con, mua chiếc áo mới cho con cũng phải đắn đo ngẫm nghĩ, và phải "Liều": "Lần này cha dũng cảm như người dũng cảm bước lên bàn mổ". Nhà thơ phải đi buôn rau, đón hàng ở chợ Bắc Qua về mong kiếm đồng tiền còm cõi cho con no bữa!
Thơ ơi!lúc này thơ ở đâu?
Có lẽ vì hoàn cảnh gia đình, vì trắc trở trong cuộc sống mà thơ anh buồn và phẫn trí.

Thương anh thì nói vậy nhưng nhìn xa trong đời anh vẫn còn may mắn. chỉ so với bạn anh là nhà thơ Hoàng Cát vì "Cây táo ông lành" mà tưởng chừng tàn lụi, phải mười bốn năm gác bút ngồi vỉa hè để kiếm sống, để lại bàn chân nơi chiến trường, trở về ngồi bán nước chè. Nhưng nghĩ sâu hơn, cùng một cái khổ nhưng cảm thấu nỗi khổ ở mỗi người và mỗi thời khác nhau, thơ viết về những nỗi buồn cũng khác nhau. Đấy là tạng thơ, tạng người.
Tạng thơ của Chử Văn Long buồn, lúc cô đơn: buồn, lúc vui: cũng thấm buồn, nỗi buồn mộc mạc hồn quê!
Từ "Nguồn yêu thương" năm 1976 đến "Bông hồng bỏ quên" năm 1991 là nỗi buồn trong trẻo "Có một ngày anh bỗng nhớ về em/ Ơi bông hồng bị bỏ quên/ Nở và tàn nào ai biết". Bông hồng bỏ quên trong trang sách của Puskin và bông hồng của Chử Văn Long có hương vị buồn và đẹp như nhau, mà khác nhau. Người thưởng hoa, thưởng thơ tinh mới thấy.
Nhà thơ Chử Văn Long thường có nỗi buồn vô cớ: "Nỗi buồn trong trẻo như nguồn suối/ Sớm mai róc rách chảy qua hồn" và chính nhà thơ cũng không biết nỗi buồn từ đâu "Tôi mãi lần theo mà chẳng gặp/ Nơi nao suối ấy đã bắt nguồn". Dần dần... nỗi buồn thấm sâu hơn với thời gian. Từ tập "Ru Những Trăm Năm" - năm 1997 NXB Thanh Niên, nỗi buồn không còn trong trẻo nữa, nó thấm vị đời! Thơ Chử Văn Long cũng mang chiều kích rộng hơn, xa hơn: "Ngày tháng lạc loài nơi phố xá/ Mùa xuân về thăm lại làng quê/ Ơi cánh bướm vàng đang mê mải/ Có hay chăng bạn cũ sớm nay về". Nhà thơ "Chìm giữa một trời mơ với thực/ Ngẩng lên hoa bưởi trắng trên đầu". Cảnh quê hồn quê, quá khứ, hiện tại nhập vào hồn nhà thơ, đấy là giây phút thăng hoa như Liệt Tử nói: "Ta cưỡi gió hay gió cưỡi ta". "Hồn quê" là bức tranh thực và mộng giao hòa, cái đẹp của cảm, của thực và mộng, nhà thơ say trong tỉnh thức "Mới biết lòng vừa qua rất đẹp/ Bướm vàng theo mộng đã bay đâu". Bài thơ hay tự nó đã hay như bông hoa đẹp tỏa hương đâu cần lời khen của người thưởng hoa. Nhưng yêu hoa thì chắc là hoa không cấm.
Giá như bài thơ nào cũng như "Hồn quê" thì sướng biết bao. Bao "Ngày lạc loài nơi phố xá" trở về mà tắm gội tẩy trần bằng hồn quê - xông Hương thì nhà thơ Chử Văn Long chẳng còn gì tiếc nuối. Anh sẽ nhìn đời bằng đôi mắt "Hồn quê", không bao giờ nghĩ "Đời lắm lúc nhí nhăng, đùa chơi nhầm lẫn/ Chỉ tại ta quá say đắm yêu đời/ Đã đi tìm tình yêu tuyệt đích/ Qua cả vai hề phút chốc mua vui".
Chỉ có người chân chất ngây thơ mới đi tìm tình yêu tuyệt đích và trong "Tháng ngày lạc loài nơi phố xá" đời đã dạy anh: "Vào xưởng thủy tinh/ Gặp toàn chai lọ/ Lòng bỗng phập phồng/ Điều chi dễ vỡ".
"Hồn quê" ở anh đã nhuốm màu cảnh giác, thấp thoáng lo xa. Anh nhận ra không có tình yêu tuyệt đích, nhận ra: "Vui thì cũ mà nét buồn thật mới", nhận ra: "Ta đã để lọt qua tay mình bao niềm vui rất thực/ Bây giờ ngồi tiếc nuối ngẩn ngơ", anh nhìn anh rất rõ "Một chút thông minh, đầy những dại khờ" và trong "Giấc mơ mùa xuân" "Anh đã chết bao lần trong đau khổ/ Lại hồi sinh trong đó bao lần" anh phải: "Quên đi mình tồn tại" vượt qua bản ngã "Giữa cuộc đời đầy ắp âu lo", để ngộ ra một điều đơn giản, một tình yêu nhỏ bé không phải tình yêu tuyệt đích: "Anh yêu em một tình yêu nhỏ bé/ Như bao điều nhỏ bé ở xung quanh/ Không mong ước lớn lao, không mơ gì vĩ đại/ Ngoài đơn xơ mái ấm nhà tranh".
Thơ Chử Văn Long thấm đẫm buồn! Nỗi buồn của thi sỹ hồn quê, hồn quê thuộc về anh, tạng anh hợp với "Những người chân đất". Anh tạc chân dung của người chân đất bằng thơ: "Cả khi có dép rồi họ vẫn đi chân đất/ Chân đất đã quen, chân đất tự do hơn". Ôi cái "Tự do" bản năng thơ ngây và thi vị. Tự do gọi tự do!
Anh thổi vào hồn họ sự hồn nhiên nhi nhiên: "Không đọc sách và không mơ mộng/ Dễ tin người cả những chuyện tào lao/ Họ có thể ngồi bên cỗ quan tài nghe thổi kèn và uống rượu/ Uống thật tự nhiên uống đến say mèm/ Trong cơn say nhìn vào dễ hiểu/ Họ cũng cần đôi lúc để lãng quên". Nếu Lão Tử sống lại chắc sẽ gật đầu, và ông sẽ giật mình khi cái chất phác hồn nhiên nhi nhiên ở thời nay không còn, người nông dân thời nay cũng am tường sách vở và cũng thực dụng.
Chất nghênh ngang thuần phác của người chân đất nhập vào anh "Nghênh ngang mấy chú xe thồ/ Chở bao nhiêu nỗi giày vò đi theo". Có lúc anh nhập vào thuyết bình đẳng của nhà Phật, anh buồn cùng "Cây cỏ", "Hòn đá vô tri". Vạn vật và con người trong đôi mắt Phật đều bình đẳng không kể sang hèn "Người dưng quen thuộc chi nhau/ Mà tôi thương nỗi dãi dầu nắng mưa". Thực ra câu thơ mang tính Phật anh không hề hay biết và tất cả các nhà thơ ở trần gian này khi viết nhưng câu thơ tình người mang tính Phật không hay biết. Nhưng bản tính thương người 'Phật tự tâm' và thơ cũng là thuộc tính của tình người. Tình yêu thương và tài năng cho con người trở thành thi sỹ.
Anh nhập hồn mình "Nói thay lời các em bé quê" khi thấy cảnh "Làng em cơn bão đi qua/ Vườn xanh chết rụi, mái nhà ngói bay"... "Vậy mà mây trắng nhởn nhơ/ Trời xanh như chửa bao giờ bão giống". Mây nhởn nhơ, trời xanh vô tư nhưng lòng anh không thể vô tư với cảnh đời! Nhưng lạ thay khi anh ngồi "Trong phòng họp", sự đời ở đây "Tai nghe mà chẳng rõ/ Hồn đang ở nơi nào", khi anh nhìn ra thế giới "Thế giới đau nỗi đau tan vỡ/ Liệu có gì tiếp nối với tương lai", nhìn thế giới xa xăm anh thấy: "Thế giới như thể bàn cờ, bày ra, dập xóa/ Những bàn tay đeo găng trắng muốt, chơi cờ trên số phận nhân dân". Anh đi qua nhà thờ: "Tháp thì cao, cửa thì cong/ Khóa im ỉm giấu bên trong điều gì", anh viết "Thơ tình cửa Phật" "Thân nằm trong tháp vô vi/ Hồn còn khật khưỡng bước đi bên ngoài". Năm hòa bình 1975, anh đã có câu thơ in ở báo Nhân dân:" Sao tim tôi lại gióng còi báo động/ Khi từ lâu mặt đất đã báo yên". Có lúc anh hồ nghi cả chính mình, hỏi mình kiếp xưa mình là ai? "Có lẽ kiếp xưa mình là cá"... "Có lẽ ngày xưa mình là chim"... "Hay là kiếp trước mình thi sỹ/ Toàn mơ mộng hão vẫy vùng chơi". Tưởng tượng kiếp xưa, nghĩ phận kiếp này, cuộc đời ngắn ngủi. Anh ước được sống: "Ước gì sống đến trăm năm/ Để ru mặt đất nhọc nhằn sớm khuya/ Ru người lúc tỉnh lúc mê/ Sương như nước mắt đầm đìa năm canh".
Nhớ lần tôi đến thăm anh 'Khi anh bị ngã xe máy gẫy tay', bàn tay bó bột chắp vào bàn tay lành. Dáng anh khom, mái tóc dài buông xòa trán, anh đứng trước ban thờ thắp nén hương khấn vợ, anh thầm khấn điều gì không nghe rõ... Khói hương bay chờn vờn bồng bềnh tỏa lan hình như đã thấm vào tập thơ "Ngôi sao đã khóc". Anh khóc vợ bằng thơ, 30 bài thơ khóc vợ đã làm rơi nước mắt của bao người trong đêm "Thơ - nhạc - Chử Văn Long - Huy Thục" ở phố Lương Văn Can. Những giọt nước mắt ấy an ủi đời thơ Chử Văn Long, cái mơ ước sống trăm năm có thể không tới, nhưng ru con người... lúc tỉnh lúc mê long lanh nước mắt cảm thông thì đã là hiện thực!
Có người bất bình khi anh để trong "Ngôi sao đã khóc" 30 bài thơ khóc vợ cùng với thơ viết tặng Quỳnh Hoa. Anh im lặng không giải thích, anh biết con người quen nếp nghĩ đời thường, quen theo sách vở, thậm chí họ hay bàn về "Vô ngã" nhưng họ biết đâu khi cao giọng bàn về "Vô ngã" thì đã "Ngã" rồi.
Thơ tình Chử Văn Long là thơ buồn "Đẹp và buồn" viết thơ tặng vợ đã buồn, viết về Quỳnh Hoa tưởng vui mà cũng buồn. Đời buồn thơ có bao giờ vui được!
Nhưng nỗi buồn sâu thẳm nhất của Chử Văn Long là khát vọng thơ! Khát vọng được người biết mình, hiểu mình muốn thơ "Ru những trăm năm". Khát vọng ấy cũng là khát vọng của những nhà thơ, nhưng có lẽ ở nhà thơ Chử Văn Long cồn cào hơn, say hơn. "Hồn anh như thác như ghềnh/ Đã lao lao đến tan tành vẫn lao/ Con tim còn giọt máu nào/ Giành cho thơ với ngọt ngào cho em". Nhà thơ Chử Văn Long rất tin ở thơ mình, anh đặt lên lòng tay những bài thơ hay của anh và những bài thơ hay của các nhà thơ cùng thời để có cớ để tin, và anh tự nhủ: "Và ta biết có ngôi sao đã tắt/ Triệu năm rồi ánh sáng còn bay/ Nên tin lắm cả khi ta đã khuất/ Hồn thơ ta còn thổi gió trong cây".
Nhưng sao phải đợi khi đã khuất? Hôm nay, bây giờ thì sao? Anh biết mình và tin mình nhưng đời đánh giá thơ anh ở tầm cao nào, tầm cao cũng nhiều tầm lắm! Tôi hiểu khát vọng thơ là nỗi buồn sâu thẳm của anh biết vì sao anh "Tự đùa", khi hàng ngày đi qua nghĩa trang Văn Điển: "Có lẽ mình bất tử cũng nên".
Anh tự biết mình, biết thơ mình và tự thú: "Vì sao cùng lứa các nhà thơ chống Mỹ, thơ tôi lại nghiêng về những số phận nhỏ nhoi, khuất lấp, u buồn", anh chọn con đường riêng cho thơ anh. Anh nói "Với thơ": "Anh yêu và đến với em không thể theo lối cũ mòn/ Người đã hái hết hương hoa trên nẻo ấy". Anh tìm xuân về trên mộ hai người lính: "Mùa xuân về trên mộ hai người lính/ Một phía bên kia, một phía bên này/ Những ngọn cỏ gà bò lan chầm chậm/ Như những bàn tay tìm gặp bàn tay". Anh tìm thấy mình ở "Thị xã bên bờ biển đẹp": "Thị xã như con tàu neo lại bên bờ vịnh đẹp/ Mạn còn vỗ sóng Hạ Long xanh" và: "Mười năm sống ở đây/ Hòn Than cho tôi nếp nghĩ/ Để tỏa sáng phút giây phải triệu năm trong lòng đất âm thầm". Anh tìm thấy mình trong hồn "Người thổi sáo" và "Vĩ nhân chết đi bao hay dở để lại ở đời/ Người thổi sáo chỉ để lại mơ hồ tiếng sáo/ Tiếng sáo đã ra ngoài ống sáo".
Tuổi cao, nhà thơ Chử Văn Long biết mình biết người hơn. Một lần ở quê cụ Nguyễn Du về anh bảo: "Để người đời đánh giá đúng thơ mình thật khó!".
Thế rồi như số phận: Anh gặp người ngưỡng mộ thơ anh. Trong quyển "Cảm nhận thi ca" nxb văn học năm 1999, tác giả Trần Văn Lý đã xếp anh "Ngồi cùng chiếu với nhà thơ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Tố Hữu, Nguyễn Bính" thành 5 ngôi sao của thế kỷ 20 đã làm bao nhà thơ không chịu nổi, cũng vì khát vọng thơ mà anh rơi vào tai họa. Có phải vì thế mà anh viết "Thiên tài là cái gì không chịu nổi"? Có phải vì thế mà anh viết về Patenak, Exenhin, Puskin. Không! Patenak anh in ở "Ru những trăm năm" - NXB Thanh Niên 1997, trước cái thời tai họa vì chiếc "Ghế thơ". Người ta lấy cớ bảo anh kiêu ví mình là thiên tài. Nếu người đời đọc kỹ sẽ thấy Patenak là nỗi buồn của lòng anh muốn chia sẻ, chia sẻ với nỗi buồn của Exenhin và Puskin "Tôi như nghe thấy tiếng thở dài/ Những thế kỷ đi cùng bóng tối/ Từ đây đã mọc lên/ Những mặt trời Puskin, Exenhin".
Nỗi buồn của khát vọng thơ bật lên như câu hỏi cùng lịch sử thành nỗi buồn chung nhân thế: "Lịch sử sao mà nghiệt ngã/ Luôn chứa ở trong mình dối trá/ Đã ở đâu tìm được công bằng/ Ai nói rằng lịch sử của nhân dân/ Nhân dân đã bao giờ tự tay cầm lấy" Tầm tư tưởng của thơ! Thiết nghĩ nếu Exenhin, Puskin chẳng tâm đắc sao.
Không nhập được với những bon chen cuộc sống, anh thích "Chuyện trò cùng các vì sao" nhưng có vì sao nào nghe thấu, có lúc buồn anh nghĩ chắc phải đợi đến lúc "Đóng nắp ván thiên" đời mới hiểu mình! Không phải thế đâu hỡi nhà thơ của "Hồn quê", thơ anh có một "Thánh địa" riêng, thánh địa của những số phận nhỏ nhoi khuất lấp u buồn, thánh địa của những người chân đất - những người chân đất chiếm đa phần ở hành tinh này, họ đang cần anh, anh cứ hát những bài hát đồng quê - thơ anh cho dịu nỗi buồn của họ. Thơ anh có nhiều bạn đọc đó là sự thực, dù người không yêu anh cũng phải tin.
"Hồn quê" thì cứ "Hồn quê", đàn bầu thì cứ là đàn bầu, dù đàn bầu chơi được nhạc Mozart thì hãy chờ thời gian cho công chúng luyện tai đã. Nhưng chơi đàn bầu cũng cần kỹ thuật, thơ cũng cần kỹ thuật, xong kỹ thuật quá sẽ thành thợ thơ, thợ gẩy đàn bầu. Hồn thơ - hồn nghệ sỹ mới là gốc, gốc khỏe bám sâu hút mạch tiên thiên. Thơ Chử Văn Long ấm áp nhuần nhụy hồn quê, hồn quê dẫn mạch tiên thiên trong thơ anh thấm vào hồn người đọc, và người đọc đồng cảm với nỗi buồn của anh. Buồn vì nghèo túng, buồn vì "Hồn quê" "Lạc loài nơi phố xá", buồn vì khát vọng thơ sâu thẳm ở trong anh, "Ru những trăm năm". Trăm năm thì chưa biết thế nào nhưng hôm nay đời  đã đọc thơ anh với tấm lòng đồng cảm.
*.
NGUYỄN THANH LÂM








........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 14.12.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.    

0 comments:

Đăng nhận xét