NHÀ TƯỚNG SỐ NGÔ HÙNG DIỄN - Tác giả: Trần Quang Quyền ; Đỗ Việt Phương giới thiệu

Leave a Comment

 


NHÀ TƯỚNG SỐ NGÔ HÙNG DIỄN

 

Cụ Ngô Hùng Diễn, thường được gọi là “thầy bói Diễn”, là một nhà tướng mệnh học nổi tiếng từ cuối thập niên 1930 cho tới khi cụ qua đời vào năm 1974.

Cụ sinh năm 1905 tại một làng quê thuộc tỉnh Quảng Yên, là thứ nam trong một gia đình theo truyền thống Nho học. Người anh cả là cụ Ngô Văn Thuật, bút hiệu Văn Thuật, là nhà báo kiêm kịch tác gia, một trong số những người viết kịch, diễn kịch đầu tiên cùng thời với Vi Huyền Đắc và Thế Lữ. Cụ Văn Thuật cũng là người đem bộ môn Chèo cổ từ miền Bắc phổ biến tại miền Nam sau năm 1954.

Trước khi trở thành nhà tướng học, cụ Diễn làm việc cho Ngân hàng Đông Dương chi nhánh Hải Phòng, lúc đó cụ chưa tới 20 tuổi. Do cơ duyên mà cụ gặp và học hỏi được nhiều môn huyền bí do chính một thầy Tàu truyền thụ. Nhưng sở đắc của cụ là các môn tướng mệnh học, phong thủy và hoán đổi phương vị sao để cứu người (còn gọi là “hành sao”). Môn thứ ba (hành sao) trong đời cụ chỉ thực hiện vài lần, trong đó có lần cứu đứa cháu trai (con của người anh ruột). Đứa cháu yểu tướng, èo uột có số chết non, nhờ cụ áp dụng môn chuyển hoán phương vị sao nên tới nay vẫn còn sống và khỏe mạnh.

Quan niệm về tướng số của cụ rất rõ rệt: “Xem tướng xem số là để làm điều lành, tránh điều dữ”. Cụ rất phiền hà khi có người muốn nhờ cụ đem phú quý vinh hoa tới cho mình, kiểu “muốn gỡ nhà người khác đem về làm chuồng heo!”. Theo cụ thì nghề thầy số là nghề… tổn âm đức, vì trong mọi tình huống khi đã xem cho ai, hướng dẫn người xem làm này tránh kia đều là “tiết lộ thiên cơ”. Có lẽ vì vậy nên cả đời cụ chẳng bao giờ dư dả, chỉ đủ ăn đủ mặc và không có con trai nối dõi (chỉ sinh duy nhất có một bà con gái, hiện vẫn còn ở Việt Nam).

Vì quan niệm trên (tổn âm đức) nên cụ không có học trò theo đúng nghĩa. Tuy không nhận bất cứ ai là đệ tử nhưng vẫn có một số người theo cụ để học hỏi, và được cụ chỉ dẫn cho một số điều căn bản, với ý hướng chọn bạn tốt, làm điều lành. Những người được cụ chỉ dẫn đều có cách tướng nhân hậu, không tham lam, không dùng môn học do cụ chỉ dẫn làm phương tiện mưu sinh. Một số người hiện ở hải ngoại đều có nghề nghiệp khác để sinh sống, tuyệt đối không ai mở văn phòng xem bói hoặc đăng quảng cáo đại ngôn.

 

1. Về trường hợp vua Bảo Đại

Năm 1945, Việt Minh nắm chính quyền, vua Bảo Đại thoái vị trở thành công dân Vĩnh Thụy, cụ tiên đoán thời của vua Bảo Đại hãy còn. Một hôm trong hàng chả cá Lã Vọng ở Hà Nội gặp vua Bảo Đại, cụ cúi mình chào “Hoàng Thượng”. Vua Bảo Đại rối rít đỡ cụ và nói ông không còn làm vua nữa, nhưng cụ một mực gọi “Hoàng Thượng” và mách cho vài điều về mệnh vận trong vài năm sắp tới… Quả nhiên sau đó vài năm (1949), vua Bảo Đại thành vị Quốc trưởng của chế độ Quốc Gia Việt Nam.

 

2 Về trường hợp Trần Lệ Xuân

Trần Lệ Xuân sinh ngày 22-8-1924 trong một gia đình quyền quý. Cha bà là luật sư Trần Văn Chương, con trai cả của Đông các Đại học sĩ Trần Văn Thông. Mẹ bà là quận chúa Thân Thị Nam Trân, con gái của Đông các Đại học sĩ Thân Trọng Huề. Ông Chương là đại địa chủ và là luật sư đầu tiên của Việt Nam có bằng tiến sĩ luật của Pháp. Cụ Ngô Hùng Diễn xem tướng cho Trần Lệ Xuân vào năm 1940, khi người con gái tài sắc này mới tròn 16 tuổi, xem ngay tại nhà riêng của luật sư Chương ở Hà Nội.

Lời phán của thầy Diễn cho Trần Lệ Xuân như sau: “Cô là một người phụ nữ danh giá. Chồng cô chỉ đứng sau một người và trên cả triệu người. Nhưng trong cuộc đời, cô tuyệt đối không được rời xa nhà chồng. Nếu cô rời xa nhà chồng thì cả gia đình nhà chồng sẽ gặp đại họa”. Và cuộc đời của Trần Lệ Xuân đã diễn ra đúng như vậy.

Mười tám tuổi, Trần Lệ Xuân lấy chồng và đó là Ngô Đình Nhu, em trai Ngô Đình Diệm. Sau này Ngô Đình Nhu trở thành cố vấn đặc biệt của Ngô Đình Diệm, đúng là dưới một người và trên cả triệu người. Nhưng biến cố năm 1963 cũng xảy ra khi bà Trần Lệ Xuân rời gia đình sang Mỹ. Chồng cùng gia tộc họ Ngô gần như bị tận diệt. Rõ ứng với những gì cụ Diễn đã tiên đoán.

Trước đó các lần đảo chính của phe chống ông Ngô Đình Diệm thì đều được bà chuyển dữ thành lành. Thậm chí là lúc tổng thống bị ném bom tại Dinh Norodom cũng chẳng làm gì được gia đình bà. Biến cố năm 1963 âu cũng là một định mệnh không thay đổi được.

 

3. Về chuyện biệt thự gần Dinh Độc Lập

Gần Dinh Độc Lập có một biệt thự của Pháp để lại, biệt thự khá lớn, nhưng không ai có thể ở lâu được, vì trước sau người ở cũng gặp chuyện bất hạnh. Cụ có tới coi và nói: “Nhà này chỉ có tướng tinh như Đức Thánh Trần Hưng Đạo mới ở được mà thôi”. Sau 1-11-1963, tướng Dương Văn Minh mời cụ lại và cười tự đắc hỏi: “Bây giờ cụ thấy sao? Tôi ở được chứ?”. Không muốn đẩy đưa với tướng Minh, cụ đáp cho xong chuyện: “Bây giờ ngài đã là quốc trưởng rồi mà!”. Câu nói bỏ lửng ở đấy. Nhưng về nhà cụ nói với con cháu “Chết đến nơi rồi mà vẫn còn tự đắc!”. Quả nhiên sau đó không lâu có cuộc chỉnh lý và tướng Minh bị hạ bệ. Sau này biệt thự thuộc chủ quyền một nhà tỷ phú Việt Nam. Biết thân biết phận, nhà tỷ phú này xin ý kiến cụ. Cụ bảo: “Có thể ở, nhưng không được ở phòng khách và toàn bộ ngôi nhà trên… Nơi đây chỉ có thể tiếp khách, làm văn phòng, còn ăn ngủ thì xuống nhà dành cho… bồi bếp!”. Nhà tỷ phú nghe lời cho sửa lại khu nhà phụ cận để ở và không gặp chuyện rủi ro nào, ngoài cái rủi ro mất cả miền Nam chứ không phải chỉ mình ông.

 

4. Về chuyện tìm đất xây chùa của các tăng ni

Cụ được hầu hết các nhân vật chính trị lẫn quân sự thời đó mời tới hỏi ý kiến. Hồi sinh thời, cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt, mời cụ xem vị thế chùa Xá Lợi. Cụ nói chùa cần xây cổng về hướng con đường nhỏ bên cạnh, nếu không sẽ có đổ máu. Cụ Mai Thọ Truyền và ban quản trị đều không tin. Khi có vụ Phật giáo tranh đấu đưa tới cuộc đảo chánh 1-11-1963, chùa Xá Lợi trở thành bãi chiến trường người ta mới tin lời cụ. Sau này chùa được sửa sang lại, làm thêm chiếc cổng bên hông. Cổng chính chỉ mở vào dịp lễ lớn ở mặt đường Bà Huyện Thanh Quan, còn hàng ngày ra vào đều dùng cổng bên hông.

Sau đảo chánh 1-11-1963 các vị tăng ni muốn tìm một vùng đất rộng để xây dựng một trung tâm Phật giáo. Thượng tọa Thích Tâm Giác mời cụ đến hỏi ý kiến. Sau nhiều ngày đi trực thăng xem đất, cụ chỉ vào một khu thuộc Thị Nghè. Lúc đó xa lộ Biên Hòa chưa làm xong, cầu bê-tông nối từ Văn Thánh sang phía ấp Thảo Điền và xã An Khánh, Thủ Đức chưa có… Lúc đó, Phật giáo không biết nghe ai bàn, quyết tâm xin bằng được miếng đất ở số 16 đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3-2). Cụ lại được mời tới coi. Cụ hoàn toàn không đồng ý, vì lẽ khu đất này “hăng tê”, vua chúa Triều Nguyễn khi xưa đã dùng nơi đây làm pháp trường. Thượng tọa Tâm Giác một mực khăng khăng nói: “Phật tới đâu, lành tới đó”. Khi ngôi chùa Việt Nam Quốc Tự dựng xong với gỗ và tôn thì nội bộ Phật giáo bắt đầu lủng củng, rắc rối. Thật ra thì sự lủng củng này đã có từ trước, nhưng vào thời gian đó mới vỡ tung ra. Cụ thường nói nơi thờ cúng cần chỗ đất tốt, vì quy tụ nhiều người lễ bái. Thế đất 16 đường Trần Quốc Toản có một con lạch như mũi dao đâm sâu vào trong, nhất là tam quan chùa Việt Nam Quốc Tự làm bằng gỗ và tôn có dáng dấp như cổng nghĩa trang thì dữ nhiều lành ít. Sau này Thượng toạ Tâm Giác dù có quyết tâm xây ngôi bảo tháp nhưng vẫn không thể hoàn thành. Thời gian trước khi cụ Diễn qua đời, Thượng toạ Tâm Giác tỏ ý hối tiếc về chuyện đã qua và ngỏ lời xin lỗi. Về miếng đất cụ Diễn “cắm” cho nhà chùa, sau này trở thành khu Tân Cảng rộng lớn với sông nước hữu tình… thì ai nấy đều tiếc hùi hụi.

 

5. Về ông Nguyễn Văn Thiệu

Cụ nói tướng cách Nguyễn Văn Thiệu tai bạt hậu nên không chịu nghe ai, hạ đình bị phá cách nên hậu vận hư hết. Trong thời kỳ Nguyễn Văn Thiệu làm tổng thống, cụ thường được mời vào Dinh Độc Lập dùng cơm và nói chuyện thời thế, cụ chỉ yên lặng và nghe nhiều hơn nói. Lần Nguyễn Văn Thiệu độc cử, cụ có tìm cách khuyên khéo, nhưng Nguyễn Văn Thiệu là người chỉ thích làm theo ý mình (duy ý chí). Về bà vợ thì cụ khen là người nhã nhặn, có giáo dục và vượng phu ích tử.

Đầu năm 1973, khi hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam được thi hành thì cụ đã tiên đoán rằng tương lai miền Nam Việt Nam sẽ sụp đổ.

 

6. Về các chính khách đặc biệt

Cụ đề cập đến 3 nhân vật đóng vai trò then chốt là Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền và Vũ Văn Mẫu. Cụ nói: “Khi Việt Nam Cộng Hoà chỉ cần một trong ba bộ mặt sau đây lên nắm vận mệnh thì cầm chắc trong tay ngày mất nước đã tới. Đó là mặt ướt Dương Văn Minh, mặt sưng Vũ Văn Mẫu và mặt tuột Nguyễn Văn Huyền”. Vào ngày 28-4-1975, đúng lúc trời đang sáng sủa bỗng tối sầm lại, đài phát thanh Sài Gòn loan tin chính phủ mới thành lập, một lúc xuất hiện ba bộ mặt định mệnh trên thì việc sụp đổ là điều đã được Thiên cơ an bài rồi vậy.

Cụ thường trốn khách, nhất là những vị khách cầu danh cầu lợi. Cụ hay coi chiếu bóng, không giải trí mà để tìm xem những nét tướng không thấy ở ngoài đời. Có phim cụ xem tới 5-6 lần, ngồi liên tục trong rạp chiếu “thường trực” từ sáng đến tối mịt mới về nhà. Trong túi cụ ít khi có tiền. Có tiền cụ mua vé xem chiếu bóng hoặc cho trẻ con mua quà bánh. Tướng cụ cao lớn, dáng đi lắc lư, hai tay ve vẩy, là một trong các cách tướng rất xấu: cách tướng của người hành khất. Nhưng nhờ có những nét tướng khác bù đắp nên cuộc đời cụ tuy không giàu sang, nhưng lúc nào cũng phong lưu. Cụ nói xem tướng không khó, sửa tướng mới khó. Đối với môn địa lý cũng vậy. Có những ngôi nhà người tới ở thường bị đau yếu, nhờ cụ giúp đỡ, cụ chỉ cần thay đổi giường nằm, bàn thờ, hoặc có khi là vị trí cầu tiêu thì tự nhiên đời sống phấn chấn, hanh thông hẳn lên.

Cụ Ngô Hùng Diễn mất năm 1974 tại Quân y viện Cộng Hòa, an táng tại nghĩa trang Phước Hòa, Gò Vấp, Gia Định. Cụ không có con trai, nhưng khi qua đời cũng vẫn có người chống gậy, là đứa cháu trai gọi bằng chú được cụ “hành sao” cứu mạng năm xưa. Ngoài ra cụ còn có vô số người nhận làm cha nuôi. Thành phần tham dự ngoài thân nhân họ hàng không quá 50 người, còn lại đều là bè bạn và những người đã từng chịu ơn cụ.

*

*                *

Sau 9 năm theo học Cụ Ngô Hùng Diễn và 45 năm áp dụng những điều học được để giúp bạn hữu và những người quen biết khi cần một vài ý kiến thuộc lãnh vực “huyền bí”, tác giả đã có ý định viết quyển “Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn”. Năm tháng qua đi, nay quyển sách đã được viết xong. Tác giả coi đây là một lễ vật để tạ ơn người Thầy, đã như hình với bóng, như tấm gương để noi theo cho suốt cuộc đời. Tác giả cũng hy vọng tài liệu này được chấp nhận như một đóng góp khiêm tốn vào lãnh vực nhân tướng học, nói chung và như một viên gạch để xây nền móng cho khoa nhân tướng của Việt Nam, nói riêng.

Là một kẻ hậu sinh, đã được mắt thấy tai nghe lời vàng ngọc của cụ, nay cụ cũng đã đi rồi, gọi là có đôi lời thương tiếc, xin hương hồn cụ rộng thứ.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về chăm sóc sức khỏe0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

Đỗ Việt Phương giới thiệu

Tác giả: Trần Quang Quyền - nguồn: facebook

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét