MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

ĐẾN VỚI BÀI THƠ: NỖI BUỒN VỎ TRẤU của nữ sĩ Bùi Cửu Trường - Tác giả: Phạm Chí Thiện (Sài Gòn)


ĐẾN VỚI BÀI THƠ:

NỖI BUỒN VỎ TRẤU

của nữ sĩ Bùi Cửu Trường (Diệu Sinh)

*

NỖI BUỒN VỎ TRẤU

 

Xúc nỗi buồn vỏ trấu

Đắp điếm sầu đơn côi

Nhặt tà dương rớt giọt

Nhen đống rấm ủ giời

 

Sương lạnh se môi lạnh

Em nép mình khuya đêm

Buốt tê bờ vai mảnh

Gió bấc xơ xác thềm.

 

Trấu ráp hai nửa vỏ

Ấp hạt tình xa xăm

Giá rét hằn đôi má

Nhợt nhạt màu băng thanh.

 

Nến buồn rơi lệ giọt

Sương buồn bết tóc mai

Trăng buồn len kẽ lá

Nét buồn vương nỗi ai...

 

Bỏ lại muôn năm cũ

Em về khêu lửa lòng

Bỏ ngàn xa sầu muộn

Thung thăng dạo tang bồng...

 

Xúc nỗi buồn vỏ trấu

Em tãi vàng bến sông

Ngắm cá đàn giỡn sóng

Giữa mướt xanh rêu rong...

*.

BÙI CỬU TRƯỜNG

LỜI BÌNH

(Tác giả Phạm Chí Thiện)

Trí tuệ, bản lĩnh và tài thơ thật đáng khâm phục, đáng học hỏi. Nhưng sao vẫn chưa ra khỏi Khối Mâu Thuẫn Lớn?

Xưa nay chưa từng có nhà thơ nào có đươc hình ảnh, ví von "Xúc nỗi buồn vỏ trấu"? Tiền nhân từng nói tới "khối tình lớn, khối tình con", nó có thể chắp cánh ước mơ cao đẹp và cũng có thể đè bẹp, xóa đi tất cả sự hiện diện của một sinh linh khỏi cuộc đời này!

Trời ơi, còn ở đây, hàng trăm ngàn thực thể hạt trấu, như một loai côn trùng kinh khủng chen chúc vào mỗi tế bào, mỗi hồng cầu của một con người hình thể nhỏ bé trước trời đất bao la này! Thế mà mới chỉ đủ "chứ đâu có đẩy ra hết nổi khỏi tâm trí" nỗi đơn côi"?

Đáng ngưỡng mộ hơn nữa là động thái nhà thơ mô tả người con gái khi gần như kiệt sức nhưng bản năng và ý chí con người đã: "Nhặt tà dương rớt giọt" để "Nhen đống rấm ủ giời" !!!

Rồi hinh ảnh "Nến buồn rơi lệ giọt", "Sương buồn bết tóc mai", nghe rất lạ lùng, lay động thẳm sâu, tê tái lòng người mà xưa nay chưa một thi nhân nào từng mô tả tài tình đến như vậy!

Tôi từng lặng ngăm hình mẹ tôi gầy guộc, chầm chậm nhẹ nhàng khêu bấc đèn dầu mà ngọn lửa đang lụi dần cho sáng lên nên tôi nghẹn lòng khi nhà thơ viết: "Bỏ lại muôn xưa cũ", "Em về khêu lửa lòng". Hai dòng thơ tiếp đó, tuy tác giả như gồng mình tự tin, tự nhủ: "Bỏ ngàn xa sầu muộn", "Thênh thang bước tang bồng", thì thực chất là sự đau xót đến tột cùng; vì chẳng dễ gì "bỏ xa ngàn sầu muộn" nổi. Mà cứ cho là "bỏ" được, để rồi "thênh thang bước tang bồng" thì chỉ là ảnh ảo, mây khói tan mau trong chớp mắt mà thôi!

Khổ kết của bài thơ, đọc lướt, nhân vât "em" trong bài thơ có vẻ đã bước ra một vùng trời trong sáng, hy vọng tràn trề với một sức sống hồi sinh trong lành mới: "Xúc nỗi buồn vỏ trấu", "Em TÃI vàng bến sông", "Ngắm cá đàn giỡn sóng", “Giữa mướt xanh rêu rong..." ; nhưng tôi lại có cảm nhận ngược lại:

Vốn là người lớn lên từ đồng quê, những con sông quê, cả tuổi thơ tôi biêt bao lần chứng kiến đàn gà TÃI đống thóc lép kiếm tim xem còn hạt mẩy nào để sinh tồn không, nên hình tượng: "Xúc nỗi buồn như trấu. Em tãi vàng bến sông"- Nó thật đơn côi, nhỏ nhoi, bất lực chẳng khác gì cô gái trong truyện cổ tích dì ghẻ đổ chung hai loại hạt bắt con riêng của  chông lượm riêng ra từng loại xong sẽ cho đi dự hội. Cứ cho rằng "Em" có kiên trì, nhẫn nại đến mấy cũng khó có thể TÃI vàng cả bến sông nổi!

Ngay cả hình ảnh tươi vui nhất trong bài thơ - đoạn kết:

"Ngắm cá đàn giỡn sóng”, “Giữa mướt xanh rêu rong..." ,"cũng là vui vậy kẻo mà"!

Bởi trong thực tế tự nhiên, khi đã có "cá đàn" đùa giỡn ắt phải có những loại cá tôm nhỏ hơn quẩn quanh chúng hoặc xủi tăm chi chít từ dưới sâu lên mặt nước. Còn "cá đàn giỡn sóng" của Em lại "Giữa mướt xanh rêu rong" thì là thân phận của đàn cá trong bể cá cảnh chứ có chút gì vui sướng đâu?!

Rốt cuộc, như ý nhà thơ đã đề cập: "Trấu ráp HAI NỬA VỎ" - vẫn là lời tự nhủ, như bâng quơ, chẳng nhằm vào ANH nhưng lại quá thâm sâu.

Như lời ca của nhạc sỹ thiên tài Trịnh Công Sơn: "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau"; hình tượng "Trấu ráp hai nửa vỏ" tuy hơi chìm; vì dẫu có ráp (ghép lại) thì hình thù cũng lớn bằng hạt thóc thôi, nhưng lại như sát muối thêm vào lòng người đoc.

Vì cả bài thơ chỉ là lời tự sự, bày tỏ tình yêu trong sáng, sâu đậm, da diết, mãnh liệt của nàng. Sở dĩ nàng phải "tự sự" giãi bày là do "trục trặc" từ "nửa vỏ" trấu bên kia.

Cả bài thơ không hề thấy một chữ nào thể hiện sự trách móc oán than hoặc hằn học, phẫn nộ, lên án. Vậy mà đọc rồi  ai cũng phải bật dậy, khắc khoải không yên!

Như tôi đã bàn ở trên, tuy chỉ phớt qua nhưng tác giả đã đưa ra quy luật của muôn đời: Trời yêu Đất; Cá yêu Nước; Bướm yêu Hoa... và Như Đũa có Đôi. Cái "nửa vỏ trấu" phía anh phải ngắm lại mình; thực tình, bền lâu hay chỉ là giao hảo cho vui?... Phải chăng Em không xinh, không đức hạnh, giỏi giang, đảm đang?...

Em cũng chẳng ép buộc anh quay lại!

Đấy là những cốt lõi về hình ảnh người con gái trong bài thơ mà tài, đức, nhân ái, độ lượng biết nhường nào!

Và đấy cũng chinh là những cái mới, cái hay, cái lạ, cái quý hiếm khiến con người tốt đẹp hơn lên mà nhà thơ muốn đem tới cho người đọc.

Cuối cùng, tôi xin nói nhỏ với nhà thơ:

"Rằng hay thì thật là hay

Xem ra ngậm đắng nuốt cay thế nào " .

Yêu thơ gắng tỏ đôi câu

Lỡ "bình" có "loạn", chớ rầu tôi nha!

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ SAY YÊU:

*

PHẠM CHÍ THIỆN

Địa chỉ: 2596/22A Huỳnh Tấn Phát, Phú Xuân.

huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 086.575.29.10

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 15.07.2017.

- Ảnh minh họa bìa: Nhà thơ Bùi Cửu Trường thứ 2 từ phải sang trái.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét