TÌNH XUÂN
*
Thằng Liêm rồ máy xe vô
nhà, không thèm bật chống mà thả “ành” cái xe quây cà tàng xuống mớ tre trúc,
sắt, kẽm mà mẹ của nó đang đan lầu bầu “Ông thầy khó thấy ghét, nghỉ!”
Mẹ Liêm dừng tay gõ mấy
cái quai cần xé, giọng yêu thương:
- Sao vậy con? Mẹ thấy
bác Hai thương con lắm mà? Chắc tại đồ làm nhiều nên ổng cộc, cứ trở tính con
nít giận dỗi thì còn học hành gì?
- Ổng khó như quỷ! Mơi
giờ con tháo không nổi cái bánh xe cũng chửi, kiếm không ra mấy con ốc cũng
chửi, ăn cơm chậm cũng chửi!
- Vậy à? Thì con ăn cơm
nhanh lên, ráng kiếm cho ra mấy con ốc, bánh xe tháo không nổi thì nói mấy anh
tháo phụ.
- Có anh nào đâu, một
anh mẹ bệnh xin nghỉ, một anh hôm qua cái mỏ lết văng vào chân cũng nghỉ!
Chị cười xòa khi nhìn
thằng con cầm ly trà tắc hút rồn rột. Cái nết tham ăn trẻ con vẫn còn dù cậu
chàng đã cao to như gấu.
Thằng Liêm 14 tuổi mà
nặng sáu mươi ký, cao một mét sáu lăm. Dáng vóc khỏe mạnh vậy, tuổi tác đó,
đáng ra đang học lớp 9 nhưng thật ra nó đã nghỉ từ cuối lớp 5. Lý do, ba mẹ nó
ly hôn, sau cuộc chiến giành con oằn quại thì mẹ nó thắng và “giành” được nó,
ba nó “thua keo này” nên ổng “bày keo khác” bằng cách không cắt khẩu cho thằng
nhỏ về bên mẹ, cũng không chuyển học bạ về bên mẹ cho thằng nhỏ đi học.
Mẹ Liêm ức, hơn 10 năm
làm trâu làm ngựa cho nhà chồng, ba giờ sáng đã ra đồng cùng mớ bầu bí, dưa,
cải… đến tối mịt mới về nhà, rồi điệp khúc chờ chồng đến nửa đêm rồi lau ói,
thay đồ cho con ma men ấy để thấy trên cổ áo chồng là mấy vết son môi, trên
ngực chồng là mấy dấu tay mèo cào, mấy dấu răng chuột cắn. Bao năn nỉ ỉ ôi đều
không lay chuyển, ba nó nói “Trẻ không chơi/ già hối hận”, giờ ổng trẻ quá mà,
mới hơn ba mươi chứ mấy. Giờ mà hông ăn chơi thì mai mốt sáu, bảy chục tuổi làm
sao mà “quậy”? Mẹ nó cằn nhằn khóc lóc, bà nội nó nhảy đổng đổng “Con tui đẻ,
tui nuôi mấy chục năm còn chưa dám nói nặng một câu, cô là vợ chứ là cái quái
gì mà dám chửi con tui? Ở được thì ở, không thì thôi”.
Đà bà già đẩy lên,
thằng chồng được nước lòi ổ con bồ nhí múp như chùm nho ra. Nguyện vọng duy
nhất của người vợ là ly hôn và được nuôi con chứ nắm níu quái gì nữa. Tòa giải
quyết ổn rồi nhưng ba nó níu kéo kiểu “vợ kiếm thêm chứ ai lại đi bỏ bớt” bằng
cách làm khó thằng nhỏ vậy đó. Ô sờ kê, chị cứ ra đi theo quyết định của tòa,
chồng cũ không cho chuyển khẩu, không cho rút học bạ thì cho thằng con nghỉ
học.
Đưa con về vùng cửa
khẩu Vạt Sa này theo lời truyền miệng của người ta. Rằng cửa khẩu mới thành
lập, mua bán cái gì cũng đắt hàng. Nhất là ngành mây tre lá, một cái cần xé
cũng lời vài chục ngàn, mớ tầm vông làm đòn khiêng, mỗi khúc 2m hai mươi lăm
ngàn, trong đó đã có mười hai ngàn tiền lời.
Công việc đan lát là
nghề của chị từ thời trẻ thơ đã biết chẻ nan phụ mẹ đan bồ, đan rổ, đan rế nhắc
nồi. Giờ đan cần xé, cứng tay một chút, nan nguyên cọng cắt đứt tay hoài, cái
nào cũng méo miệng đủ hình thù, nhưng không sao sao, có méo sẽ có tròn. Rồi đan
thêm mê bồ cho người ta vừng vách, đan giỏ đựng cá, đan nia phơi cá khô….
Ba năm nay, chị về vùng
Vạt Sa này, miếng đất người quen cho ở đậu đã xanh um thêm mớ rau cải tự trồng,
thêm vài tiếng gà ó o phía sau nhà. Thằng con mười tuổi gầy gò ngày nào giờ nhờ
sương nắng biên cương đã rắn rỏi da, phổng phao dáng đầy khỏe mạnh và theo học
nghề sửa máy cày ở một ông thầy cách nhà 1km.
Liêm là một cu nhóc
siêng năng chăm chỉ, nó biết cùng mẹ chẻ trúc ra từng sợi nan, phân loại nan
đan mê bồ, nan đan cần xé, nan đan nia, rổ…Liêm róc tầm vông vù vù, cắt từng
khúc 2m, 4m, 6m theo yêu cầu của khách. Gần đây Liêm còn biết đóng “chuồng” em
bé tuy chưa sắc xảo nhưng cũng được mắt người mua.
Vùng cửa khẩu này nhiều
nhất là công việc mua bán nông sản, từng chuyến máy cày đi qua nhà Liêm hàng
ngày nhiều không đếm hết. Song song đó, máy cày hư cũng không ít. Bung thùng,
đứt xích, bể bánh…có mấy chiếc “nằm đường” trước cửa nhà Liêm chờ xe bạn tới
sang hàng, có nhiều chiếc thợ máy phải đến tận nơi xe hư để sửa chứ không làm
sao kéo xe đến gara.
Vậy là khi bác Hai máy
cày đến sửa, Liêm đã lăng xăng giúp bác lấy cái kềm, cái búa, con đội... khiến
bác hài lòng “Chà, tướng mày làm thợ sửa máy cày là ngon nhen! Làm đệ tử tao
đi, miễn học phí”
Mẹ Liêm nghe hết cả,
chị vẫn mong con mình có một cái nghề ổn định nhưng với cậu bé 14 tuổi thì hãy
còn ăn chưa no, lo chưa tới. Nay nghe bác Hai máy cày nói vậy, chị khấp khởi
mừng, lòng thầm chọn ngày tốt đem con gà lít rượu đến nhà bác Hai cho con chào
thầy.
Rồi Liêm thành học trò
của bác Hai máy cày bằng sự háo hức của tuổi trẻ
Vậy mà…
Mười giờ đêm hôm đó,
vùng biên thanh vắng lắm, xa xa vẳng tiếng chim gì kêu quàng quạc, bốn bề tối
như bưng thì có tiếng gọi cửa gấp gáp:
- Thúy! Thúy ơi! Mở cửa
cho anh! Mở cửa cho anh với!
Âm giọng quen quen,
nhìn vào điện thoại, chị phát hiện qua camera ngoài lớp rào B40 là …ba thằng
Liêm và hai người đàn ông nữa. Ổng đến đây chi vậy trời? Ủa mà làm sao ổng biết
mình ở đây? Nửa đêm đến nhà đàn bà con nít là có ý gì? Lỡ…có gì bất trắc thì
sao nhỉ? Trong trí người đàn bà đa đoan chạy dài những bất an mà không biết gọi
ai giúp đỡ, thằng con nằm trên giường thì ngủ ngon lành
Khẽ khàng bấm số ông
thầy dạy nghề của con, giọng ngái ngủ bên kia gắt gỏng “Ai vậy trời? Mệt quá!
Nửa đêm nửa hôm…”. “Tui…tui…mẹ thằng Liêm đây anh Hai ơi! Anh có thể tới giúp
tui không? Tự dưng có ba bốn đàn ông đứng trước cửa kêu tên tui hoài, tui sợ…”.
“Yên tâm, mười phút tui với thằng đệ tới ngay”.
Mươi phút thôi, nằm
trong nhà chị hồi hộp tưởng chừng như mươi thế kỷ. Lòng tưởng tượng những bất
an vô chừng, chẳng biết sao đời mình vẫn chưa được bình an? Rồi tiếng xe máy
thắng lại, giọng anh Hai máy cày hỏi vang:
- Mấy anh mua gì?
Im lặng, không ai trả
lời
- Tui đi sửa máy cày
ngoài khẩu, nghe bà xã kêu về gấp có mấy anh mua đồ. Giờ nửa đêm rồi, sáng mai
mấy anh trở lại mua nhen!
Nói đoạn, anh tháo túi
đồ nghề trên xe lấy ra chiếc mỏ lết dài khoảng 70cm dứ dứ trước mắt thằng đệ tử
“Mai mày đi ven răng cây này cho tao coi, răng cỏ gì mòn hết, xiết mấy quận mới
ăn hà!”. Thằng đệ gật gù “Lãnh lương, con sắm cây mới cho dễ chơi nha sư phụ”
Mấy bóng đàn ông sững
lại loay hoay, người sửa áo khoác, người tháo mắt kính ra lau lau. Rồi một
giọng ngài ngại:
- Anh nói…Thúy là vợ
anh hả?
- Chứ không lẽ vợ mày?
Có cần tao đưa giấy kết hôn ra không? Hay là kêu công an tới giải quyết thắc
mắc này nha!
- Dà…em xin lỗi…thôi
mai e trở lại mua tầm vông…
- Ờ, không tiễn nha!
Tiếng xe máy rồ đi, chị
nằm trong nhà theo dõi qua camera mà thở phào nhẹ nhỏm. Trời ơi chuyện khó khăn
gút mắc vậy mà anh ta giải quyết gọn hơ. Anh Hai còn ý tứ nói vống vào:
- Anh ra khẩu sửa cho
xong cái máy cày rồi về nha!
Vùng biên trở lại sự
thanh vắng vốn có nhưng chị không ngủ được. Đàn bà một thân một mình bôn ba nơi
xứ lạ quê người biết rồi cuộc đời sẽ còn gặp chuyện gì nữa. Tưởng làm lụng nuôi
con với cần cù siêng năng là đủ, nhưng ngày nay chồng cũ tìm tới để làm gì?
Biết ngày nào anh ta sẽ tìm nữa? Chuyện lành hay chuyện dữ cũng chưa biết được.
Rồi chẳng lẽ lần nào chị cũng nhờ người ta “giải cứu” hay sao?
Tuy biết hoàn cảnh nhau
đều đã từng gãy gánh, nhưng mơ mộng một người đàn ông chung vai gánh vác cuộc
đời với mình thì chị không dám. Nỗi đau do chồng cũ mang lại vẫn còn âm ỉ trong
trái tim bé mọn của người đàn bà. Chị như con chim bị ná thấy cành cong là sợ…
Mà chắc gì ông thầy thợ
máy của thằng Liêm ưng chị. Cơ ngơi người ta mê mê bề bộn thế, thợ thầy kính lác
chục thằng dư ăn dư để. Chịu nhận con chị học thí công là may mắn lắm rồi, ai
lại vác luôn bà mẹ về cho…chật nhà.
* *
*
Thằng Liêm rồ máy xe
vào nhà, ồn ào líu lo:
- Có cơm chưa mẹ? Đói
quá…đói quá….mình ăn cơm đi!
Chị vẫn luôn tay chẻ
mấy sợi nan trúc, không âu yếm cũng chẳng vồn vả, giọng ơ hờ:
- Cơm, canh chua muối
ớt có sẳn…mẹ ăn rồi…
- Ủa mẹ sao vậy? Con
nghe bác Hai nói hồi khuya nhà mình có biến, ổng phải giải cứu mẹ. Mệt! Mẹ cứ
cưới đại ổng đi, khỏi ai làm phiền nữa!
Thằng con nói huỵch tẹt
rồi cười hì hì làm chị ngại quá chừng:
- Nói bậy nói bạ! Ai mà
thèm ưng mẹ của mày, vừa già, vừa xấu lại còn có con riêng!
- Vậy lỡ có người thèm
thì sao? Bác hai nói với con mấy lần, con mà gả mẹ cho ổng đó nha, là ổng dạy
nghề nhưng hông chửi con nữa!
- Mày làm sao cho bác
Hai chửi rồi đòi gả mẹ thế chân hả thằng khỉ kia?
- Lêu….lêu….có người đỏ
mặt kìa…Ăn cơm xong con qua nói bác Hai cưới mẹ liền!
- Vô duyên!
Bác Hai máy cày cũng đỏ
mặt khi thằng Liêm kể về sự thẹn thùng của mẹ nó. Lòng người đàn ông có dáng vóc
xù xì, đôi tay gân guốc ấy bỗng dưng mềm đi vì thương người phụ nữ gian truân
ấy. Và thương cả đời mình
Vợ anh không phải mẫu
đàn bà xây tổ ấm. Dù anh làm ngày làm đêm, tay chân rã rời vì những chiếc thùng
xe, xích xe, ốc vít….để đổi lấy từng chục ngàn nhưng với vợ anh, tiền chỉ là
vật ngoài thân bởi những chiếu bạc bất tận ngày đêm. Vợ anh cho rằng, làm ra
tiền là để xài, hết rồi sẽ có, đời người có mấy năm vui vẻ khỏe mạnh mà phải
tích cóp. Cứ cái nết trùm sò của anh rồi đến già sẽ chết trên đống tiền chứ
ngoài bù lon con tán ra sẽ chẳng biết cái gì nữa. Đặc biệt là cái đẹp đẽ vi
diệu của những quân bài xanh đỏ càng đem lại niềm hưng phần phiêu diêu ghê gớm.
Vì bài bạc, vợ anh đã
làm tan nhà nát cửa bởi những dãy số tiền mượn cứ dài ra nhiều con số không.
Cho đến một ngày nhóm thanh niên xăm trổ tới nhà anh. Anh buông tay sau 15 năm
chung sống.
Ra đi với túi đồ nghề
và bàn tay chai vì bao năm xiết ốc, vặn vít…Anh trôi về cửa khẩu này theo lời
gọi của bè bạn rằng đất cũ đãi người mới, nghề của anh không thể sống ở thị
thành.
Vậy là đi, ba lô nhẹ
tênh và một chiều cuối năm lộng gió. Chỉ nỗi lòng là oằn nặng không biết đường
đời sẽ trôi giạt đến đâu. May anh và vợ bao năm qua không sinh đứa con nào nên
chẳng có ai làm “tội báo oan gia” cho xã hội.
Thằng Liêm nhảy tưng tưng
trong bữa cơm chiều cuối năm:
- Hay là mình là
mình…mình cưới nhau đi…Thương nhau rồi để chi ba ơi…
Cả tháng nay nó không
gọi ông thầy dạy nghề bằng Bác Hai nữa, mà chuyển qua gọi “ba” cho gọn. Mẹ nó
lừ lừ mắt, nó tếu táo “Gì mà mẹ mắc cỡ, coi như ba nuôi cũng được mà”. Bác Hai
chêm vô “Ừ thì ba sẽ nuôi con tới thành thợ thành thầy luôn”
Bữa cơm chiều cuối năm
hôm nay nhà ba thằng Liêm rất đông khách, mớ thùng xe, bánh xe, xích xe máy cày
ám bụi bùn đất đỏ đã được mấy công thợ dọn ra sân sau từ hôm trước.
Hôm nay là “lễ tuyên
hôn” của ba mẹ thằng Liêm, vùng biên nên còn thưa thớt dân cư, nói vậy chứ cũng
10 bàn có dư, thêm mấy ông lái mì, lái mía của ba nó cũng được mời. Mấy bà bạn
hàng giao tre trúc, tầm vông, tiệm điện sắt chuyên giao kẻm, đinh cho mẹ Liêm
cũng được mời chung vui
Ba Liêm nói, ra giêng
sẽ dời cửa hàng mây tre lá của mẹ Liêm về gần gara máy cày của ông luôn “Để
không thôi đêm hôm có thằng cà chớn nào tìm bà, tui mắc công tỉnh ngủ đi giải
quyết, mệt”. Chú rể sơ mi không cà vạt, cô dâu cái áo dài không cài hoa nhưng
ánh mắt của họ long lanh như mùa xuân đang đến.
Thằng Liêm cũng áo sơ
mi trắng, cổ thắt nơ đỏ, tay cài băng-sết trang trọng và luôn theo trêu ghẹo ba
nó “Ba, ba thấy không? Con thiếu chút xíu nữa là đẹp bằng chú rể rồi đó! À mà
ba nhớ nha, con gả mẹ con cho ba thì lúc ba dạy nghề đừng có chửi con nữa nha!
Nhức đầu lắm”.
Khách mời và cô dâu chú
rể đều cười ầm vì sự trẻ con của thằng bé. Lời thật mích lòng mà, ai chẳng biết
anh Hai giỏi nghề nhưng khi dạy học trò là hay chửi tụi nó “như ve kêu” luôn.
Mùa xuân long lanh đang
về khắp nơi, vùng biên giới nắng bụi mưa lầy và thanh vắng này cũng đang rộn
ràng đón từng cơn gió mới.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến -
Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
“CÔ” SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:
*.
ĐÀO PHẠM THÙY TRANG
Địa chỉ: 875B Nguyễn Văn
Linh, xã Trường Đông,
thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây
Ninh.
Điện
thoại: 098.499.72.65
.............................................................................................................
- Cập nhật từ email:
nguyenhung967812@gmail.com ngày 27.02.2023.
- Bài viết không thể
hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Ảnh minh họa cho bài
viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
rất hấp dẫn
Trả lờiXóa