MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

TRĂNG TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ - Tác giả: Vân Khánh ; Ngô Nguyễn giới thiệu

 


TRĂNG TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ

*

Có một con người mà khi sinh ra cuộc đời dường như gắn chặt mảnh đất miền Trung của đói nghèo, của nắng gió và rất nhiều thi sĩ- ấy là Hàn Mặc Tử. Chính những đối cực của miền đất ấy đã giao ứng với nhau và thăng hoa hồn thơ. Sự tương sinh tương khắc khôn lường giữa chúng tạo nên một cặp đối cực cuối cùng của sự song sinh tột đỉnh: đau thương và sáng tạo.

Hàn Mặc Tử là một hồn thơ mãnh liệt nhưng luôn quằn quại đau đớn, dường như có cuộc  vật lộn giữa linh hồn và thể xác. Linh hồn muốn thoát khỏi xác phàm để bay tới cõi siêu nhiên sáng láng, thơm tho tinh khiết nhưng thực ra vẫn gắn bó với cuộc đời thực. Ông tạo ra cho mình hai hình tượng sống động như hai nhân vật: hồn và trăng- biết cười biết khóc, biết gào thét… Bên  cạnh những  vần thơ điên loạn là những hình ảnh tuyệt mĩ và hồn nhiên trong trẻo đến lạ thường.

Có thể nói trong thi ca Việt Nam hiện đại thì thơ Hàn Mặc Tử là tiếng thơ lạ lùng nhất. Chế Lan Viên đã đồng cảm “Chúng ta cần có người tả trăng là trăng. Nhưng cũng cần có người vượt lên lề thói tập đoàn mà xẻ trăng ra làm hai nửa… Cần truyền thống nhưng cũng cần biến dị”, cần nói những điều chưa ai nói.

Hôm nay còn một nửa trăng thôi

Một nửa kia ai cắn vỡ rồi

Ba biểu tượng trăng - hồn - máu ăn sâu vào trong tâm khảm nhà thơ là những gì kinh dị nhất nhưng cũng lộng lẫy nhất mà thơ ca có được. Trăng chẳng hạn:

Trăng tự tử

Trăng sắp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu

Trăng vàng, trăng ngọc

Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ

rồi đến:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay

“Đau thương đã biến chủ thể thơ điên thành một chủ thể sinh hoá mầu nhiệm kì khôi” (Chu Văn Sơn)

Cả một miệng ta trăng là trăng

Cả lòng ta vô số gái hồng nhan

Ta nhả ra đây một nàng

Cho mây lặng lờ cho nước ngất ngây

Một vẻ đẹp kì dị của trăng nữa mà “tôi toan hớp cả váng trời… Ta cắn thơ để máu trào. Ta há miệng cho hồn thơ trào vọt. Cười no nê sặc suạ cả mùi trăng… Hồn tôi mớm cho tôi muôn ánh sáng. Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa. Vỡ tan thành vũng, đọng vàng khô. Ta nằm trong vũng trăng ấy, sáng dậy điên cuồng mửa máu ra…” Thơ điên muốn xé rào ra để tìm kiếm cho thơ những miền cảm giác mới- cảm giác mạnh, đẩy cái kinh dị đến cùng.

Ở thơ điên, cũng có một lớp ngôn từ đối nghịch gay gắt, có những tiếng rên xiết thê thiết của một thân xác bị dày vò đau đớn:

Trời hỡi! Làm sao cho khỏi đói

Gió trăng có sẵn làm sao ăn

Như vậy, trăng xuất hiện như cái gì rất thực lại rất hư, hiện hữu mà lẩn khuất, trong trẻo nên thơ cũng có khi kì dị, vây bủa  bám riết lấy thi sĩ, có khi gần gũi bằng xác thịt, với tất cả sự thể hiện tinh xảo của một tâm hồn thơ đang đứng giữa hai bờ hư thực.

Ở các thi sĩ trăng chỉ là nét chấm phá, điểm thêm cho vẻ đẹp trong thơ. Trăng là một cái gì rất xa xôi, là  vật thể bí ẩn của vũ trụ, khó có thể khai thác, hiểu thấu đáo:

Trăng sáng, trăng xa, trăng lạnh quá     

Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ

(Xuân Diệu)

Ở Hàn Mặc Tử, trăng và hồn thơ thi sĩ hoà quyện với nhau, cùng nhau vì nhau mà tồn tại. Trăng là nơi chia sẻ, cảm nhận, đón nhận những đau thương từ thẳm sâu tâm hồn thi sĩ. Trăng như đối tượng để nhà thơ hướng đến, cầm, nắm, bắt rồi tóm gọn nó làm theo ý mình, có khi xa quá, cao quá, rộng quá nó lại là không gian. Trăng như một tố chất  không thể thiếu được trong cuộc sống của ông, lúc gần, lúc xa, lúc lơi lả gợi tình, lúc dịu dàng đáng yêu, hơn hết lôi cuốn thi sĩ đến một thế giới huyền diệu đầy quyến rũ.

Trong thơ ông, một bài có thể coi là điển hình cho số phận và phong cách tâm linh của nhà thơ là “Đây thông vĩ dạ”. Phải nói rằng đó là cả một biểu tượng tâm linh để thực hiện hiện thực cuộc sống của mình. Trong bài thơ, hình tượng trăng là một biểu tượng độc đáo được nhà thơ sử  dụng với:

Thuyền ai đậu bến  sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay

Trăng là biểu tượng của thế giới ngoài kia, đầy sự sống. Bàng bạc khắp tác phẩm là ánh trăng.

Với tính chất hai mặt: hiện thực và huyền ảo, ma quái kì dị- trong trẻo tươi tắng, trăng mang tất cả tâm trạng, tính cách như một con người thường- là nơi gửi gắm tâm tư của tác giả.

Trăng có khi mang tính cách của một con người trần tục.Trăng là đối tượng tác giả hướng đến, làm tác giả cũng cảm thấy đau đớn khi thấy trăng chết, trăng quằn quại, úa tàn.

Ta hoảng hồn, hoảng vía, hoảng thiên 

Nhảy ùm xuống giếng vớt trăng lên

(Trăng tự tử)

Có lúc trăng với tính chất là không gian. Trăng phủ, trăng bọc, trăng vây bủa lên vạn vật thành vạn vật trăng, sông trăng, thuyền trăng…Trăng đôi khi là khách thể, nhà thơ chiêm ngưỡng, nhận xét, cảm nhận vẻ đẹp thanh khiết, tươi tắn của ánh trăng…

Trăng hiện lên với tất cả các vẻ khác nhau, từ hình dạng, kích thước, trạng thái, từ thực đến mộng, đến tâm linh, từ gần gũi đến xa xôi, cách trở… Trăng hoà nhập với Hàn Mặc Tử, là tâm hồn, cuộc sống, tồn tại cùng với ông, trong những tháng ngày đau khổ. Trăng là thứ ánh sáng- một thứ ánh sáng mà con người cảm nhận bằng thị giác nhưng nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung thì nó không còn là ánh sáng của mắt, mà sẽ là thứ thuộc về cảm giác, khứu giác, vị giác… Và Hàn Mặc Tử đã là người thơ làm được điều kì diệu ấy.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ SAY YÊU:

Ngô Nguyễn giới thiệu

Tác giả: Vân Khánh - nguồn: toquoccom

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

1 nhận xét: