VỀ TÌNH YÊU
*
Thơ của những nhà thơ
nữ xuất hiện trên thi đàn luôn gợi cho bạn đọc một thoáng thích thú lẫn tò mò. Chúng
ta từng làm quen những nhà thơ nữ xuất hiện với một giọng điệu thơ lạ khiến độc
giả rất ấn tượng trong quá khứ, nối tiếp họ giờ đây là một nhà thơ nữ xứ
Nghệ, nổi bật với một vệt thơ tình yêu mới mẻ đầy nữ tính Quệt lên
mắt tháng ba, Một vết màu xoan tím. Năm 2017, Nguyễn Thị Hạnh Loan đã để
lại dấu ấn đặc biệt với độc giả khi cùng lúc xuất bản hai tập thơ “Hãy
nói yêu khi hoa hồng nở” và “Khoảng trời sau cửa sổ”. Sau
thành công của hai tập thơ, năm 2018, Nguyễn Thị Hạnh Loan tiếp tục ra mắt độc
giả tập thơ thứ ba có tên gọi “Sải cánh giữa chiêm bao”, một tập thơ đề tài chủ
yếu là tình yêu góp phần đưa chị vào hàng ngũ các nhà thơ nữ có nhiều “fan” hâm
mộ ngoài đời cũng như trên những trang “facebook”.
Nhiều nhà phê bình đã
chỉ ra những phát hiện về tình yêu trong thơ Hạnh Loan mang nét riêng trong
cách nhìn và tứ thơ rất mới. “Sải cánh giữa chiêm bao” là một tập
thơ lạ, gây nên sự thích thú và hấp dẫn đối với người đọc. Nhiều câu thơ viết
rất độc đáo và dữ dội: Em đã hộc thành thơ rồi anh ạ,, Máu tim em quyện
phủ huyết tim anh… (Xóa nợ). Hay: Bỏ lại ta một kẻ cũ rích với
những rụt rè định kiến, Kẻ tự buộc mình vào sợi dây cột chặt những thói quen
bổn phận, Và cả những vỏ bọc đạo đức dối lừa… (Chạy trốn).
Thơ Hạnh Loan rất thành
thực đôi khi như là một sự tự nghiệm đượm sắc màu suy tư, như là một hệ lụy:
Tự làm mới mình bằng ly
rượu say,
Trong cay đắng nhấm
nháp nhiều vị ngọt,
Ta mới lạ mỗi khi ta
sống hết,
Thấy mình cạn rỗng đáy
chai,.
Nhà thơ suy tư một cách
riêng nhưng cũng khá thuyết phục khi cho rằng: tình yêu như chai rượu cạn rồi
mới tìm thấy điều mới mẻ, tình yêu tột cùng đau khổ thì sẽ có sự đổi thay. Khác
với nhiều cây bút đương thời, thơ tình Hạnh Loan không thiên về sự yếu ớt, than
thở, hoặc buồn thương kiểu trữ tình “bôlêrô” mà có sự mạnh bạo, mạnh mẽ, biểu
hiện đòi hỏi nữ quyền, ngang bằng trong tình yêu, dẫu đôi khi là một lời
thẳng thắn có phần chân thật, thô ráp. Chị luôn đi đây đó, gặp mặt nhiều lớp
người, nhất là phụ nữ, giúp chị cảm nhận được sâu sắc những đổi mới trong tâm
hồn người phụ nữ, bên cạnh với tâm hồn một nữ sinh yêu văn chương từ bé, nhiều
mơ mộng từ thuở học đường, đã kết hợp hài hòa thành một tâm cảm vừa mềm mại vừa
cứng cỏi trong tiếp cận đời sống để tạo nên những mạch thơ lạ mà cũng rất gần
gũi. Độc giả trân trọng sự thành thật đó trong thơ chị, đó là yếu tố giúp trái
tim đến với trái tim. Sau những va chạm những căng thẳng tưởng như lìa xa phân
rẽ, thơ nối lại bằng gián tiếp một triết luận về đời sống tuy nghiệt ngã nhưng
giàu yêu thương tạo chiều sâu suy lý mang âm hưởng triết học cao hơn về tình
yêu! Có nhà phê bình gọi thơ chị “một lối đi của hoa hồng” là vậy, xen
lẫn hương thơm, màu sắc và gai nhọn có lẽ là vì sự kết hợp hài hòa đó!
Trong thơ Hạnh Loan, ta
bắt gặp một tình yêu được lấp đầy những cảm thức mới mẻ, cảm thức “chiêm bao”
không phải lúc tình nồng mới có thơ, lúc tình yêu chết, cũng sẽ có những câu
thơ chân thành bay lên:
Tự làm mới mình bằng
những câu thơ buồn,
Như cây khô hồn lang
thang hoang mạc,
Một ngày nào cạn mạch
ngầm cây sẽ chết,
Những ngôn từ vổ cánh
bay lên
(Tự làm mới mình)
Chị thổ lộ về kiểu tình
yêu lý tưởng chỉ một lần duy nhất :
Một tình yêu chỉ một
lần đánh mất,
Là mãi mãi phù vân,
Một con đường không có
hai lối rẽ,
Một dòng sông không ai
tắm hai lần
(Hai Lần)
Dẫu vậy, trong tập thơ
bên cạnh những câu thơ “chiêm bao” mơ màng là những câu thơ hiện thực
đầy lo lắng, nhớ nhung, những tình cảm nảy nở trong cuộc sống khó khăn hằng
ngày:
Người đàn bà đã gấp
khúc tuổi hai mươi vào trong những đêm dài mệt mỏi,
Cơm áo đời thường và
những đưá con….
Ta hiểu một điều. Đâu
phải yêu là đi cùng trời cuối đất,
Mà đơn giản chỉ là ta
sống cùng nhau…
(Như là cổ tích )
Có khi là những khao
khát đời thường của người đàn bà “từng phong kín mình bằng những nghịch lý
không gọi thành tên”.
Khi bản romance
tình yêu cất lên,
Anh có nghe,
Vũ khúc của đôi tay ghì
xiết,
Những da thịt trùng
điệp,
Đòi được yêu từng
centimet
(Đi qua những màn đêm)
Tác giả dựng lên những
đối thoại của hai nhân vật trữ tình anh - em, qua đấy giãi bày nỗi
niềm, ý nghĩ của mình, bộc lộ sự mạnh mẽ, ý thức cá nhân, đòi hỏi một sự
bình đẳng trong tình yêu lứa đôi, em tìm thấy sự ngang bằng trong
tình yêu với anh. Trong mối tương quan em – anh, em không
là nữ hoàng cũng không là nô lệ, anh không là hoàng tử hoặc mặt trời,
mà chỉ là lứa đôi, đợi chờ nhau, san sẽ nhau, tự do nhau và cả “đánh cắp” nhau.
Những vần thơ phóng khoáng
đề cao một tình yêu ân tình sâu nặng nhưng không lệ thuộc hoặc u buồn chịu
đựng, tác giả đã xử dụng một lối thơ thật khoáng đạt mạnh mẽ trong cấu tứ, xây
dựng hình tượng cũng như ngôn ngữ. Đó là các bài Sao em mãi chờ anh, Lạc
mất anh, Chạy trốn, Đánh cắp, Hãy đi đi... Lối thơ tự do với những hình ảnh đầy
tính biểu tượng Mây, gió, Mặt trời, Sa mạc, Ngựa hoang… Cảm xúc
mới lạ của tác giả về một thứ tình yêu đẹp đẽ như chú ngựa hoang trên đồng
cỏ, tự do chính là khuôn khổ, là lề thói của nó…
Hãy đi đi,
Hỡi người tình của bóng
đêm,
…Hãy đi đi,
Trói buộc của ái tình
chính là tự do,
lúc con tim chạy lồng
như ngựa hoang trên đồng cỏ,
chính là lúc ta buộc
mình vào khuôn khổ,
Lúc ngựa hoang chồn
chân, mỏi gối sẽ quay về
(Hãy đi đi)
Những mệnh đề: trong
tình yêu chờ đợi không thuộc về một phía, chạy trốn cũng là một sự giữ lại tình
yêu, tình yêu là sự “đánh cắp” nhau làm của riêng và chia xa lạc mất nhau là để
gần thêm dài lâu sau đó… Những suy cảm theo kiểu nghịch dị, tình yêu trong sự
biến đổi và mâu thuẩn làm nòng cốt cho những bài thơ có cấu tứ mới lạ hoặc song
song, hoặc tương phản, hoặc điểm đọng chốt vào câu cuối… Đọc thơ Nguyễn Thị
Hạnh Loan không thấy đơn điệu hoặc trùng lặp mà luôn thấy mới lạ như lạc vào
một khu vườn đâu đó. Gặp những mô đá, những hồ nước, những cây xương rồng bên
khóm hoa cúc xanh… nhưng sau rốt vẫn thú vị và bình yên.…
Từ ngày lạc
mất anh
Tim em đầy cỏ dại
Lạc vào
thời đã mất
Bỗng thấy mình vẫn
trong
Biển một thời vẫn xanh
Em một thời vẫn anh..
(Từ ngày lạc mất
anh)
Tên tập thơ Sải
cánh giữa chiêm bao, là sự thổ lộ gián tiếp của tác giả về nhiều cung
bậc của một tình yêu đầy phóng khoáng tự do nhưng chủ yếu là sự mong ước về sự
hạnh phúc hòa hợp. Tập thơ có nhớ nhung, có giận hờn, có những mâu thuẩn lưá
đôi cũng như khó khăn của gia đình trong cuộc đời đầy biến động nhưng trên hết
là âm hưởng của một tình yêu thủy chung trong trẻo, có những khi mơ màng tưởng
như trong chiêm bao. Tên tập thơ hình như đã cố gắng cô lại cái cảm giác tổng
thể về cả tập, về hiệu ứng thẩm mỹ của nó đối với độc giả, trong cái bể bộn bề
của đời sống và tình yêu hiện hữu. Ngoài đời chị quen dấu kín thân phận mình
nhưng thơ đã nói hộ!
Ngoài làm thơ chị còn
viết nhạc, là ca sĩ tự do, điều đó ảnh hưởng ít nhiều đến việc viết lách.
Thơ chị thấm nhuần một âm nhạc tự thân kín đáo, phóng khoáng và mới mẻ. Giàu
chất trữ tình, thơ chị lại nhiều hình ảnh biểu cảm giàu sức liên tưởng; nhịp
điệu phóng khoáng, tự do; ngôn ngữ giản dị tươi mát... Các kiểu leo thang, vắt
dòng, điệp câu, điệp vận cũng góp phần tạo sẵn nhạc tính cho thơ. Có lẽ những
tiền đề đó đã giúp cho hàng chục bài thơ chị được các nhạc sĩ phổ nhạc ngoài
những bài chị tự phổ lấy.
Trong nhiều ý thơ tác
giả đã bộc bạch suy nghĩ của mình về thi ca, nghệ thuật, khẳng định vai trò của
người đọc đối với tác phẩm: Bằng sự tái sáng tạo người đọc luôn làm mới cho tác
phẩm. Sự yêu mến của độc giả chính là nguồn cổ vũ to lớn cho sức viết của tác
giả. Chị luôn mong như vậy, với tập thơ này ta cũng mong cho chị như vậy, dẫu
hiện hữu tất cả đang ”sãi cánh giũa chiêm bao”,.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về Chuyện làng văn0
- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l
- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân
Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm
của Đặng Xuân Xuyếnl
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc
bài thơ ĐÊM CUỒNG SAY:
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến
đọc bài thơ ĐỢI EM:
Đỗ Đức
Thắng giới thiệu
Tác giả: Yến Nhi
- nguồn: Văn Chương Việt
Ảnh minh họa sưu tầm từ
nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét