MỜI ĐỌC:

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

KHÔNG CÓ CHUYỆN PHAN KHÔI 'BÀI XÍCH TRUYỆN KIỀU' - Tác giả: Lại Nguyên Ân ; Đinh Như Quang giới thiệu

 


KHÔNG CÓ CHUYỆN

PHAN KHÔI “BÀI XÍCH TRUYỆN KIỀU”

 

Tôi đang làm việc trên laptop thì bỗng có tin nhắn trong Messenger: Chú ơi, có ai viết đâu đó rằng học giả Phan Khôi (1887-1959) đã từng “bài xích Truyện Kiều” khiến người nhà cụ Phan viết cả một bài để phản bác. Chú biết chuyện đó không?

Tôi đáp luôn: Chú từng làm sưu tập gần như toàn bộ những bài Phan Khôi viết đăng báo, trong suốt cuộc đời viết báo của ông (từ 1917 đến 1958). Chú thấy Phan Khôi trích dẫn Truyện Kiều hàng trăm lần, trong văn nghị luận cũng như trong văn tiểu phẩm, hài đàm.

Có thể nhận định: Phan Khôi xem Nguyễn Du là bậc thầy cổ điển lớn nhất của văn chương tiếng Việt, văn học người Việt. Phan Khôi đã từng tham gia những cuộc tranh luận liên quan đến Truyện Kiều. Nói Phan Khôi từng phản bác những người “bài xích Truyện Kiều” thì đúng, chứ không khi nào thấy ông “bài xích” kiệt tác ấy cả.

Thế nhưng ở đâu ra cái ý gắn Phan Khôi với cái việc gọi là “bài xích Truyện Kiều”? Hóa ra là trong một bài thơ tương đối dài của một nhà thơ là Nguyễn Hữu Hồng Minh. Trong bài thơ viết cuối năm 2023 nhan đề “Lưu tích Phan Khôi” của anh Hồng Minh có đoạn này:

[…..]

Phan Khôi, Phan Khôi

Nhà Nho duy tân hay Tây học uyên bác

Tiền chiến như tình chiến

Đỗ tú tài chữ Hán năm mười chín tuổi

Bậc thâm nho Hán cựu vẫn mở lối Duy Tân

Tri thức để đánh thức, khai phong mở lối

Phê phán thói hư tật xấu

Đối thoại sát sườn học giả

"Dân quạ đình công"

Vào Nam ra Bắc

Ra Hà Nội tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục

Viết cho Đăng Cổ Tùng Báo

Cãi nhau với Phạm Quỳnh từ bỏ cộng tác với Nam Phong

Về quê hương hoạt động phong trào Văn Thân

Ngự sử văn đàn", "Chương dân thi thoại"

"Việt ngữ nghiên cứu"

Dịch Kinh Thánh và bài xích Truyện Kiều

Chủ nhiệm Nhân Văn, viết cho Giai Phẩm

Nắng được thì cứ nắng

Cho dẫu nắng chiều cũng lưu danh tuổi tên

Cho đến cạn những ngày tàn Bắc Việt

"Ngưng tim bặt óc lặng dòng tình"

[…….]

Hai từ “Lưu tích” trong nhan đề hẳn là muốn kể ra để giữ lại những sự tích, thành tích của nhân vật đang được nói đến.

Với nhân vật Phan Khôi thì nhắc tới những nhận định của dư luận đương thời như “nhà nho duy tân”, “tây học uyên bác”, hay những chi tiết tiểu sử như “đỗ Tú tài chữ Hán năm 19 tuổi”, cho đến “chủ nhiệm Nhân văn”, “viết cho Giai phẩm”, hoặc những tên tác phẩm hoặc chuyên mục ông viết như “Dân quạ đình công”, “Ngự sử đàn văn”, “Chương Dân thi thoại”, “Việt ngữ nghiên cứu”, -- đều đúng.

Song, tác giả bài thơ đôi khi dựa vào những thông tin không chính xác nên đã đưa vào sự tích nhân vật cả những điều không có thật trong tiểu sử Phan Khôi. Có những chi tiết sai do những thông tin xưa cũ đã sai ngay từ đầu nhưng vẫn lưu truyền, chẳng hạn:

Ra Hà Nội tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục

Viết cho Đăng Cổ Tùng Báo

Từ khá lâu người ta đã truyền nhau mấy thông tin này, tuy vậy đây là thông tin sai.

Nếu đọc kỹ chính những bài “Phan Khôi tự truyện” sẽ thấy, lần đầu tiên Phan Khôi trong nhóm mươi thành viên trẻ tuổi được các đàn anh trong Duy tân hội Quảng Nam đưa ra Hà Nội để bồi bổ kiến thức mới, là đầu năm 1908. Nhưng họ ra đến Hà Nội thì trường Đông Kinh nghĩa thục đã giải tán rồi. Phan Khôi và cả nhóm ấy (trong đó có Lê Dư, Nguyễn Bá Trác, Mai Dị, v.v.) đương nhiên không thể vào học cái nghĩa thục đã giải thể! Tờ Đăng Cổ Tùng Báo ra số cuối cùng vào ngày 14/11/1907; cho nên Phan Khôi và nhóm thanh niên xứ Quảng cũng không ai có thể viết bài đăng trên tờ báo này. Vả chăng, bộ sưu tập Đăng Cổ Tùng Báo hiện có lưu hành trên mạng; bạn nào thử dò xem trong đó có bài nào của Phan Khôi hay không?

Đến câu thơ: Dịch Kinh Thánh và bài xích Truyện Kiều thì bạn Hồng Minh đã “lưu tích” cùng lúc một thông tin rất đúng và một thông tin hoàn toàn sai!

Việc tham gia dịch Kinh Thánh của đạo Thiên Chúa thì chính Phan Khôi đã tự thuật trong một số bài báo. Từ đầu năm 1921 đến cuối năm 1925, ông nhận lời mời tham gia nhóm dịch Kinh Thánh (Bible) của hội Tin lành Hà Nội. Đây là công việc đã khởi sự từ năm 1914, người chủ trì là bà mục sư Grace Hazenberg Cadman (1876-1946) và chồng là mục sư William Charles Cadman (1883-1948).

Chính Phan Khôi từng nói về việc này: “Tuy họ coi tôi là người trọng yếu lắm trong việc dịch, nhưng dầu đến một câu trong đó họ cũng không để toàn quyền về tôi. Gặp câu nào nghĩa hơi khó một chút thì bà Cadman đem nhiều bổn sách ra mà đối chiếu, - vì bà biết đến 13 thứ tiếng - để chọn lấy nghĩa nào đúng nhứt. Phần chúng tôi dịch chỉ có bộ Tân ước và một phần ba Cựu ước thôi, song mất đến năm năm mới thành”.

Dẫn giải như vậy để thấy việc Phan Khôi tham gia nhóm dịch Kinh Thánh là có thật; song ông chỉ có tác quyền tập thể đối với các phần mà nhóm này đã dịch trong 5 năm ấy; vậy thôi.

Còn vụ việc “bài xích Truyện Kiều” thì sao?

Những năm 1920s quả là có vụ việc có thể gọi tên như vậy, nhưng Phan Khôi không can dự.

Khởi đầu là, nhân ngày giỗ Nguyễn Du (ngày 10 tháng 8 âm lịch) Hội Khai trí tiến đức tổ chức lễ kỷ niệm tôn vinh Nguyễn Du và kiệt tác Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều). Tổng thư ký Khai trí tiến đức đồng thời là chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí “Nam phong” là Phạm Quỳnh (1892-1945) đọc diễn văn ghi nhận công lao “tác thành cho tiếng nước nhà” của Nguyễn Du, cho rằng Truyện Kiều là “quốc hoa, quốc túy, quốc hồn” của nước Việt; “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”, v.v.

Nhận thấy phong trào tôn sùng Truyện Kiều có nguy cơ khiến dân chúng xao lãng tinh thần ái quốc chống thực dân, một số cựu chí sĩ mà tiêu biểu là Tiến sĩ Nho học Ngô Đức Kế (1878-1929) đã lên tiếng, bằng bài báo “Luận về chính học cùng tà thuyết. Quốc văn – Kim Vân Kiều – Nguyễn Du” (“Hữu thanh”, H., s. 21, ngày 1/9/1924). Ngô Đức Kế cho rằng, khi vận nước suy đốn thì tà thuyết thịnh hành; theo ông, phong trào tôn sùng Truyện Kiều như tinh thần bài diễn văn của Phạm Quỳnh chính là biểu hiện sự lưu hành của tà thuyết!

Phạm Quỳnh không đáp lại sư phê phán của Ngô Đức Kế.

Phan Khôi có quen biết và giao thiệp với cả Ngô Đức Kế lẫn Phạm Quỳnh. Thời gian ấy Phan Khôi đang ở Hà Nội, chủ yếu tham gia làm việc trong nhóm dịch Kinh Thánh, ít khi viết báo; một vài bài ông đưa đăng Thực nghiệp dân báo là các bài thơ; hoặc đăng tạp chí Hữu thanh là các bài nghị luận về các đề tài khác.

Những năm 1928-1933, Phan Khôi vào Sài Gòn, viết cho ba bốn tờ báo tại đây và cả cho mấy tờ báo ở Hà Nội. Chính ông đã nêu lại việc Phạm Quỳnh hồi năm 1924 không trả lời ý kiến bài xích Truyện Kiều của Ngô Đức Kế. Phan Khôi cho thái độ im lặng kiểu Phạm Quỳnh hồi đó là thái độ “học phiệt”, một thái độ không nên có trong “học phong sĩ tập” (thái độ, lề thói của giới kẻ sĩ). Bài báo của Phan Khôi đã khơi nên một cuộc thảo luận rộng rãi trên báo chí ba miền, với ý kiến của nhiều tầng lớp trí thức cũ và mới khác nhau, có tác động khai sáng cho nhiều tầng lớp công chúng.

Quả thật, việc bạn Nguyễn Hữu Hồng Minh đưa thông tin “bài xích Truyện Kiều” vào bài thơ “Lưu tích Phan Khôi” là một sai lầm lớn!

Với loại thông tin nhận định, khi đưa nhận định sai, người ta có thể bảo lưu, cho là nhận định ấy nảy ra tại một thời kỳ khác, vậy thôi. Nhưng kiểu thông tin “bài xích Truyện Kiều” gán cho Phan Khôi, là kiểu thông tin sự kiện. Không có sự kiện ấy mà vẫn “lưu tích” cái gọi là sự kiện ấy thì đó là cái sai không thể bảo lưu, không nên bảo lưu!

-----------

Nguồn:https://www.facebook.com/nguyenan.lai/posts/pfbid02AEJykxkL1VdM2UWLg33r78e3NkEgU8tfA8jEXRJTL6YnXoBmVdqjUXFoHPsXqY3hl

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Các bài viết về chăm sóc sức khỏe0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Trương Ngọc Tuân đọc truyện ngắn

CHÀNG LÙN NỂ VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

Đinh Như Quang giới thiệu

Tác giả: Lại Nguyên Ân - nguồn: facebook

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét