CHUYỆN VỀ SẾP CÔNG TƯ PHÂN MINH - Tác giả: Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
Chuyện về sếp 
CÔNG TƯ PHÂN MINH
*
Có thể nói Chi là một cô gái có khả năng tiếp thu nhanh và ham học hỏi. Cô dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc cũng như công việc mới. Tuy nhiên, Chi lại không khéo léo trong giao tiếp, đôi khi cách nói thẳng tuột, không kiêng dè và đôi khi hơi “vô duyên” của cô làm cho nhiều người thấy khó chịu, phật lòng. Học với nhau bốn năm đại học nên chúng tôi thầm hiểu, thông cảm và không để bụng kiểu ăn nói của Chi. Nhưng khi ra ngoài xã hội thì lại khác, Chi đã phải tự nghỉ làm ở một công ty chỉ vì bị hết thảy mọi người có “ác cảm” chỉ sau hai tháng làm việc.
Lần này, cô được một công ty mỹ nghệ tuyển dụng. Rút kinh nghiệm
(Tác giả Nguyễn Thị Hồng)
lần trước, Chi tỏ ra ít nói hơn rất nhiều vì sợ “lỡ mồm”. Bởi vậy, cô nhanh chóng chiếm được cảm tình của mọi người bởi khả năng tiếp thu nhanh, cung cách làm việc nhiệt tình và chịu khó học hỏi. Sếp của cô mới ngoài 30 tuổi, là một thanh niên còn khá trẻ và năng động. Anh rất hay trò chuyện vui vẻ với nhân viên nên Chi thấy ở đó, mọi người đều rất quý mến và nể phục anh. Thấy Chi chịu khó học hỏi và nhanh nhẹn nên anh cũng hay hỏi chuyện cô. Chẳng lẽ Sếp hỏi lại không nói? Hỏi gì nói đấy hoặc im lặng thì không được nên dần dần, Chi quên mất “tật xấu” của mình nên vui vẻ hỏi chuyện lại Sếp
- Sếp đã có gia đình chưa ạ?
- Ừ, mình cũng đang cố gắng… tại mải làm ăn quá
Không để ý đến khuôn mặt đang đỏ dần lên của Sếp và điệu bộ lúng túng của anh khi đề cập đến chuyện lập gia đình, Chi vẫn vô tư
Trời ạ, nhìn anh có “đui què mẻ sứt” gì đâu mà sao đến giờ vẫn ế vợ thế nhỉ? Để em làm mai cho một cô bạn em…
Chỉ đến khi các nhân viên khác ngó cô chằm chằm đầy khó chịu, Chi mới hoảng hốt nhận ra mình lại “lỡ mồm”. Nhưng đã muộn, Sếp đã đi về phòng… Từ hôm ấy, anh ít nói chuyện với Chi và mọi người cũng e dè cô hơn. Chi nhủ thầm đợi đến cuối tháng thì xin nghỉ vì nếu không, anh cũng đuổi cô thôi. Nhưng Chi vẫn cố gắng làm việc cho thật tốt. Cô không ngờ, đến cuối tháng, anh không những không đuổi việc cô mà còn khen ngợi về năng lực của cô trước toàn thể công ty và còn ký quyết định chính thức nhận cô vào làm việc. Tuy nhiên, anh cũng ôn tồn nhắc nhở riêng với cô: “Là con gái, cái duyên nói chuyện rất quan trọng. Em hãy cố gắng rèn luyện cách nói chuyện của mình sao cho ý tứ hơn nhé. Tuy là Sếp và hôm ấy rất không hài lòng về những điều em nói nhưng anh vẫn phải thừa nhận rằng em là nhân viên rất có năng lực. Cố gắng lên nhé!”
Giờ Chi mới hiểu Sếp mình là một người công tư rất phân minh, việc công không để tình cảm riêng tư xen vào. Thảo nào mà tuy còn rất trẻ, Sếp đã được nhân viên yêu quý đến vậy.
- Lời bàn
Làm việc dưới sự lãnh đạo của một người rõ ràng, việc nào ra việc ấy như Sếp của Chi khiến nhân viên luôn an tâm và nể phục. Họ sẽ không phải lo ngại người này giỏi nịnh Sếp hơn nên được tăng lương hay người kia khéo lấy lòng Sếp nên được công việc nhàn hạ. Chi tuy ăn nói bỗ bã, không để ý khiến Sếp mếch lòng và không còn muốn trò chuyện với cô nữa, nhưng anh vẫn đủ sáng suốt để nhận ra đó là một nhân viên có năng lực. Anh không vì tình cảm riêng tư mà trù ém, ghét bỏ cô. Sếp vẫn sẵn sàng nhận Chi vào làm việc lâu dài nhưng cũng không quên nhắc nhở cô phải học cách cư xử khéo léo hơn, như một người anh trai khuyên nhủ em gái mình. Nếu là Chi, bạn có thấy cảm động và nể phục một người lãnh đạo như vậy không?
- Lời góp ý:
+ Đối với cấp dưới
Nếu Sếp bạn là người công- tư phân minh, bạn sẽ không phải lo một ngày nào đó nhận quyết định nghỉ việc vì một lý do không đâu như: quên mất ngày sinh nhật Sếp, không biết khen chiếc áo Sếp mới “tậu”, không kịp chào khi Sếp xuất hiện ở cửa công ty… Bạn cũng không phải gồng mình lên để “thi đua” lấy lòng Sếp với những người khác trong công ty. Khi bạn lo nghĩ điều gì đó mà quên mất sự hiện diện của Sếp nhưng công việc vẫn đảm bảo hoàn thành tốt thì cũng không phải quá lo lắng, Sếp sẽ không để bụng đâu. Chỉ cần sau đó, tìm một dịp thích hợp để nói rõ cho Sếp hiểu thì sẽ nhận được sự thông cảm từ Sếp thôi.
Thế nhưng, điều đó cũng không có nghĩa là ngoài công việc ra, bạn chẳng cần quan tâm gì đến mọi người xung quanh nữa. Tuy Sếp hiểu và không trách bạn nhưng các mối quan hệ xã hội, nhất là quan hệ nơi công sở là tối cần thiết đối với mỗi người. Biết quan tâm và cư xử với mọi người xung quanh sẽ khiến bạn có thêm nhiều người bạn sẵn sàng chia sẽ công việc khi bạn gặp rắc rối. Hãy coi công ty như gia đình thứ hai của bạn thì bạn chắc chắn sẽ có những giờ phút cực kỳ thoải mái sau một ngày làm việc hết mình.
Và nhất là, hãy là một nhân viên tận tụy, trung thành dưới sự dẫn dắt của những ông Sếp công- tư phân minh vì bạn sẽ không bao giờ phải ân hận vì quyết định của mình đâu.
+ Đối với cấp trên
Có một câu chuyện như thế này: Dưới quyền một vị Giám đốc có năng lực và uy tín có tới hàng trăm nhân viên. Ông luôn sâu sát và nắm bắt về công việc và cuộc sống của nhân viên dưới quyền mình. Tuy nhiên thời gian gần đây, ông nhận thấy có một nhân viên kho có biểu hiện làm việc lơ đãng, mắc một số sai lầm không đáng có trong công việc. Điều này chưa từng xảy ra vì nhân viên này vốn rất chăm chỉ và làm việc hiệu quả nên được mọi người yêu mến. Tìm hiểu ra, ông mới hay vợ anh ta gần đây bị bệnh nặng, không đi lại được. Vừa chăm vợ, lại phải nuôi con cộng với bao lo toan khiến anh trở nên bê trễ trong công việc. Biết được điều này, ông rất cảm thông với hoàn cảnh của anh nhưng vẫn ký quyết định sa thải vì đó là những lỗi quá sơ đẳng mà một nhân viên không bao giờ được phép mắc phải. Đồng thời, ông cũng xin giúp anh ta làm việc ở một nơi gần nhà để tiện việc chăm sóc gia đình, thời gian làm lại linh hoạt và mức lương cũng khá cao. Người nhân viên này vô cùng xúc động trước tình cảm ấy của Sếp, còn các nhân viên khác thì không ngớt lời ca ngợi cách xử sự vừa lý trí, vừa tình cảm của ông và không còn gì để thắc mắc nữa.
Bạn nghĩ sao về câu chuyện này?
Nếu bạn là một cấp trên sáng suốt như vậy thì có thể yên tâm về đội ngũ nhân viên của mình rồi đấy. Họ sẽ luôn tin tưởng, nể phục và trung thành với một người lãnh đạo như bạn. Hãy luôn nhớ: Đừng bao giờ để trái tim lấn át lý trí trong công việc. Trong cuộc sống, một nhân viên trong công ty có thể là anh em, bạn bè, người thân hay chỉ đơn thuần là người bạn yêu quý, nhưng ở công ty, nếu anh ta mắc khuyết điểm như: uống rượu trong giờ làm, không hoàn thành công việc… thì bạn vẫn phải nghiêm khắc xử lý như đối với tất cả các nhân viên khác. Có như vậy bạn mới khiến nhân viên nể sợ và giữ được kỷ luật công ty. Có vị lãnh đạo, đối với người thân của mình còn xử lý nghiêm khắc hơn cả các nhân viên khác để làm gương. Từ đó, nhân viên của ông không bao giờ dám bê trễ công việc, yên tâm công tác và dám thẳng thắn phê bình những người có thái độ làm việc chưa tốt mà không phải dè chừng xem họ có quan hệ thế nào với Sếp.
Cấp trên cũng nên thưởng, phạt nhân viên một cách phân minh và rõ ràng. Xét về tâm lý chung thì ai cũng thích được thưởng chứ không mong bị phạt. Tuy nhiên, là lãnh đạo, bạn nên nhấn mạnh cả hai biện pháp này đồng thời thưởng khi có thành tích và phạt khi mắc lỗi là cách để các nhân viên học được tinh thần trách nhiệm trong công việc và cũng có tác dụng củng cố, khuyến khích thái độ làm việc của họ. Bạn nên đặt ra các quy định, điều lệ chặt chẽ của công ty để ai vi phạm thì xử lý theo đúng điều lệ chung quy định thế nào thì nhất định phải xử phạt như thế.
Còn khi bạn thấy ác cảm với một nhân viên nào đó về cách ăn mặc, nói năng, ngoại hình… của họ thì sao? Nếu họ vẫn là một nhân viên tốt, có trách nhiệm và được việc thì đừng vì thế mà cũng tỏ ra trù dập, ghét bỏ, xem thường họ khi bàn về công việc. Hãy để tình cảm sang một bên và chú tâm vào những gì họ thể hiện và trình bày. Chỉ cần quan tâm xem họ làm việc có tốt không, kế hoạch họ đưa ra có khả thi không mà thôi. Như thế, bạn mới thực sự là một nhà lãnh đạo khôn ngoan và sáng suốt.
Vì tình cảm riêng tư, bạn nhận cô em vợ, thằng cháu ở quê… không có chuyên môn, nghiệp vụ gì vào làm việc. Bạn hy vọng sau một thời gian đào tạo, người thân của mình sẽ quen việc và hoàn thành trôi chảy công việc được giao. Thế mà… 3 tháng trôi qua, họ vẫn không làm được việc, lúng túng trong cách xử lý. Trong công ty, các nhân viên khác bắt đầu khó chịu và xì xầm bàn tán. Vậy thì, đây là lúc bạn phải cương quyết để giữ uy tín của một Giám đốc doanh nghiệp. Bạn đã cho người thân của mình cơ hội mà họ không biết tận dụng thì nên quyết định cho họ thôi việc. Như vậy, không ai có thể trách cứ bạn điều gì đâu. Sau đó, bạn có thể giúp họ bằng cách khác, như tìm cho một công ty khác phù hợp hơn… Giữ một nhân viên tồi trong công ty sẽ là cách đóng cửa công ty nhanh nhất! Đó là bài học mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã rút ra được trong quá trình điều hành công ty của mình.
Khi nhân viên mắc sai lầm, bạn cũng nên trách mắng công khai trước toàn thể công ty. Như vậy, bạn vừa tạo dựng được uy quyền cho mình, vừa giúp các nhân viên khác rút ra bài học kinh nghiệm cho chính họ, đó còn gọi là cách xử lý một người mà răn dạy được nhiều người khác. Tuy nhiên, khi trách mắng nhân viên, bạn cũng cần chú ý nghiêm túc lựa chọn cơ hội để phê bình, đồng thời vẫn phải tôn trọng người bị chỉ trích. Đặc biệt, sau khi phê bình và họ đã biết nhận lỗi thì bạn nên cho qua mọi việc và không để bụng điều gì nữa để họ khỏi mặc cảm hoặc ngại ngùng khi gặp bạn.
Nên nhớ: Trong cuộc sống, không ai là hoàn hảo. Ai cũng phải có lần mắc lỗi. Điều quan trọng là bạn phải biết sống độ lượng và bao dung trước lỗi lầm của cấp dưới.
*.                                      
NGUYỄN THỊ HỒNG
…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét