Những người đàn bà TRONG THỂ XÁC ĐÀN ÔNG - Tác giả: Giáp Kiều Hưng (Bắc Giang)

Leave a Comment
(Ca sĩ Ngọc Sơn - Nguồn ảnh: Internet)
NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ
TRONG THỂ XÁC ĐÀN ÔNG
(Nhân đọc MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ)
*
Đồng tính luyến ái là một vấn đề xã hội khá nhạy cảm và là một đề tài hấp dẫn của văn chương, báo chí, điện ảnh, đây không phải là một đề tài mới.
Các nhà điện ảnh Mỹ, Đài Loan, Thái Lan đã dựng nhiều bộ phim hay về đề tài này, trong đó có hai phim nổi bật là Philaddenpjhia (Mỹ) và "Bốn đám ma và một đám cưới" (Đài Loan). Ở những tác phẩm nghệ thuật này thì trái tim đa cảm của người nghệ sĩ luôn có xu hướng đứng về những người đồng tính luyến ái, kêu gọi đấu tranh về một sự cảm thông xã hội đối với những con người bất hạnh. Ở Việt Nam, tiểu thuyết "MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ" là tác phẩm văn học đầu tiên phản ánh vấn đề này. Không nằm ngoài cái "gu" chung của nghệ thuật khi miêu tả cuộc sống vật chất và tinh thần của những người đồng tính luyến ái, nhà văn Bùi Anh Tấn đã bỏ rất nhiều công sức, tình cảm để tìm hiểu, thấu biết và cảm thông với những con người bất hạnh. Chính những xúc cảm mang nhiều tính nhân văn ấy đã xuyên suốt toàn bộ tiểu thuyết và tác giả đã cố công "thổi" nó sang với độc giả không nằm ngoài mong muốn xây dựng một cuộc sống thân ái và nhân bản hơn.
Nhìn nhận giá trị của một tiểu thuyết người ta thường dựa vào ba tiêu
(Tác giả Giáp Kiều Hưng)
chí: Phải có một tư tưởng tốt, phải có một cốt truyện hấp dẫn và phải được thể hiện dưới một bút pháp sáng tạo, linh động. Xét một cách toàn diện thì MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ của Bùi Anh Tấn đã đạt được những tiêu chí đó. Tuy nhiên, tôi sẽ không áp đặt những "điều kiện" cần và đủ này để đánh giá về cuốn sách vì sẽ tốn rất nhiều thời gian mà chỉ xin được nói đôi điều cảm nhận của cá nhân mình sau khi đọc xong tiểu thuyết này. Điều đáng trân trọng đầu tiên có lẽ phải kể đến cái tâm của người viết. Đó là một cái tâm văn sĩ rất trong sáng và nhân bản. Cái tâm ấy giúp nhà văn đã dũng cảm để cất công tìm hiểu một cách kỹ lưỡng cuộc sống của những người đồng tính luyến ái với một cái nhìn đầy hiểu biết và cảm thông. Người đọc khi thưởng thức nhiều trường đoạn trong tiểu thuyết, phải giật mình vì sự am hiểu quá tường tận của tác giả về đối tượng phản ánh, thậm chí sẽ không ngoa khi không ít người đọc tỏ ý nghi ngờ chính... nhà văn! Tôi nghĩ đây là một sự thành công. Điều đáng ghi nhận thứ hai là tác giả dụng công xây đắp một nhân vật có xương, có thịt, có linh hồn và đặc biệt điển hình với quá trình phát triển của số phận tạo những dấu ấn đậm nét cho sự hình thành nhân cách, tâm lý. Người đọc như bị cuốn vào cuộc đời của giáo sư Phạm Hồng Bàng với những đau đớn, dằn vặt, mặc cảm của một con người luôn luôn phải đóng kịch trong cuộc đời thật để che dấu thân phận thực trong con người mình. Không được sống đúng với con người thực của mình là một cuộc sống bất hạnh nhất mà Phạm Hồng Bàng đã phải chịu đựng. Quá trình phát triển tâm lý của một người đồng tính luyến ái có học được tác giả miêu tả rất hợp lý và logic. Từ chỗ mặc cảm, tự ty trước cuộc đời tới nghị lực vươn lên để khoả lấp những nỗi đau của tạo hóa, tới những kìm nén đến mức ngột ngạt của dục vọng bản thân. Đây là một nhân vật đa chiều, có giận, có thương, có ân, có oán và tôi tin rằng đây là một nhân vật có đất diễn lý tưởng cho một diễn viên điện ảnh nếu tác phẩm văn học này được dựng thành phim. Điều đáng ghi nhận thứ ba về công lao của Bùi Anh Tấn trong tiểu thuyết này là những phân tích, tổng hợp rất xác đáng về dư luận xã hội đối với những người đồng tính luyến ái. Sự tan vỡ của gia đình nhân vật Hoàng mà đặc biệt là phản ứng tới mức cực đoan của nhân vật Nguyễn Lân - Anh trai Hoàng là bi kịch mang tính phổ biến trong cuộc sống gia đình của một người đồng tính luyến ái. Tỉnh táo hơn Nguyễn Lân khi nhìn nhận về những người đồng tính luyến ái, nhân vật nhà báo Việt không phản ứng một cách gay gắt nhưng là một con người bình thường anh không thể tránh khỏi cảm giác "rùng mình" khi tiếp cận với giới này. Cách nhìn nhận ấm áp và nhân văn hơn thuộc về hai nhân vật: Hải - Bạn của Bàng và bác sĩ Sơn. Người đọc nếu đã thực sự cảm thông với những người đồng tính luyến ái sẽ cảm thấy rất dễ chịu khi hai nhân vật này xuất hiện. Đáng tiếc, nhà văn đã không bỏ công "tô vẽ" thêm cho hai nhân vật này, bác sĩ Sơn chỉ đơn thuần như một "cái loa" phát ngôn những tri thức về tính dục mang nhiều tính học thuật hơn là một nhân vật văn học; còn nhân vật Hải lại quà mờ nhạt trước nhân vật Bàng, nếu được bồi đắp thêm về số phận và tính cách, về quan điểm cũng như hành động thì nhân vật này sẽ có sức sống hơn rất nhiều vì trong MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ hai nhân vật này có vị trí khá quan trọng, nó mang các tư tưởng nhân văn của tác giả dành cho những người đồng tính luyến ái và qua hai nhân vật đó phần nào "định hướng" được những định kiến khắt khe của xã hội.
Nhân đây cũng xin nói đôi nét về những điều mà có thể khi thưởng thức người đọc chưa thực sự đồng ý với nhà văn. Đó là cách vào đầu hơi vụng và chưa thực sự có nghề. Người đọc sẽ rất thắc mắc vì sao tác giả lại miêu tả nhà báo Việt đi điều tra về sự mờ ám của một doanh nghiệp, về ông tổng biên tập báo Sức sống, về một vài vị lãnh đạo cao cấp tha hoá... một cách quá kỹ lưỡng, dài dòng khiến cho phần đầu của tiểu thuyết rất lạc lõng so với tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Hai nhân vật đồng tính luyến ái khác chiếm khá nhiều diện tích tiểu thuyết nhưng tính cách và số phận chưa được rõ nét, điển hình là Trung và Hoàng, đặc biệt là ở phần kết thúc tiểu thuyết. Không phủ nhận được bút pháp rất sáng tạo đầy nhân bản của nhà văn nhưng phần kết thúc như vậy khá gượng gạo. Một điều nữa là khi đọc xong tiểu thuyết này tôi cứ có cảm giác mình vừa đọc xong một phóng sự dài kỳ của báo chí chứ không hẳn là một tiểu thuyết, đặc biệt là những đoạn đối thoại giữa Việt và Hoàng, giữa Việt với bác sĩ Sơn. Phải chăng đây là một sự sáng tạo của Bùi Anh Tấn?
Nói sao thì cũng không thể phủ phận được giá trị của MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ. Tôi không hề có ý định chạy theo cái cách phê bình đang rất "thịnh hành" hiện nay là cứ khen một tý, rồi lại chê một tý... mà đây chỉ là những thiển nghĩ của một đọc giả bình thường. Bạn có thể không đồng ý với những cảm nhận của tôi thì bạn có thể đọc và suy nghĩ thật kỹ về MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ của Bùi Anh Tấn. Và có một điều chắc chắn rằng sau khi đọc tiểu thuyết này, bạn - nếu là một người đàn ông bình thường - sẽ có cái nhìn ấm áp hơn về những người đồng tính luyến ái, còn nếu bạn không may đứng trong "hàng ngũ" ấy thì bạn hãy tin rằng vẫn có những người cảm thông với bạn, ít ra là những người đã tạo nên MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ!
*.
Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2001
GIÁP KIỀU HƯNG
.











…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét