NƠI MẶT TRỜI LẶN - Truyện ngắn Nguyễn Cẩm Hương (Thanh Hóa)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
NƠI MẶT TRỜI LẶN
*
Anh vẫn như xưa. Cảm giác đầu tiên khi cánh cửa phòng bật mở, tôi bước vào sau câu giới thiệu oang oang của người nhân viên hành chính: "Có chị nhà báo dưới thành phố muốn gặp anh". Anh ngẩng lên nhìn tôi ngỡ ngàng rồi bỗng dịu lại ngay như có làn gió thổi, nhường cho một nụ cười thật xã giao.
Anh cán bộ hành chính thủ tục vài câu rồi ý tứ rút lui. Anh cũng mải cọ mấy mấy cái chén cáu bẩn để che giấu một sự lúng túng nào đó. "Em đi công tác?". Tôi gật, không thể nói thêm rằng đó chỉ là cái cớ. Tôi đã phải trở thành kẻ "man mát" để được nhận chuyến đi này.
Anh vẫn từ tốn pha trà, chậm rãi rót cho tôi, cho anh. Tôi bắt đầu ngại không biết uống xong chén trà, anh sẽ nói gì với tôi.
"Em chắc mệt, đường lên đây xấu lắm". Tôi lại gật nghẹn lời không muốn kể cho anh rằng: Chuyến xe có đến hai phần ba số người bị nôn mửa. Còn tôi lại không. Thực ra tôi không còn tâm trí đâu để mà nghĩ đến đường với xá. Tôi chỉ nghĩ đến cái giây phút gặp anh.
Một cô gái thập thò ngoài cửa, anh quay lại bảo tôi: "Bây giờ em về phòng nghỉ kẻo mệt. Sáng mai hãy bàn kế hoạch làm việc".
Anh cùng tôi đi theo cô gái phục vụ. Căn phòng khách ẩm thấp, có dễ
(Tác giả Nguyễn Cẩm Hương)
cả năm chưa hề có ai đến ở. Vừa mở cửa tôi đã được "thưởng thức" một luồng hơi mốc thếch, khiến tôi hắt xì hơi liền mấy cái. Anh nhìn tôi ái ngại: "Trên này ít khách, với lại huyện còn nghèo, phòng khách chưa được trang bị hiện đại như ở dưới xuôi". Cô gái phục vụ cầm cái chổi lau cũng mốc meo khua khoắng một hôig để xua muỗi làm bụi bay mù mịt. Xong cô cầm khay nước đi rửa.
Tôi bước vào, rón rén ngồi xuống giường, ngao ngán nhìn căn phòng. Anh chỉ tay ra phía ngoài: "Giếng nước ở đằng kia, en ra đó rửa. Có nhà tắm đấy".
Thấy anh cứ luýnh quýnh khổ sở, tôi đâm thương hại "Anh cứ lên làm việc đi, mặc em". Giọng anh thểu não: "Chiều nay anh phải tiếp đoàn Truyền hình tỉnh, em thông cảm...".
Tôi cắn chặt vành môi, muốn anh đi nhanh khỏi để tôi còn thả phanh cho những giọt nước mắt đang chực lăn xuống má.
Ra đến cửa anh bỗng quay lại, nhìn tôi với ánh mắt nhìn kỳ lạ. Chân tôi run lên, tôi đang có cảm giác như sắp khuỵ xuống. Nếu như anh bước lại phía tôi chỉ một bước nữa thôi, có lẽ tôi sẽ đổ nhào vào anh như một thân cây bị đốn gốc.
Nhưng anh không bước lại, chỉ thấy cặp môi anh khẽ run run, chắc anh định nói điều gì nhưng ngay lập tức anh quả quyết bước đi.
Chuyến công tác của tôi đợt này mang trọng trách là phải viết cho được một bài phóng sự điều tra về tệ nghiện hút đang thành mối nguy kịch ở các bản vùng cao trong tỉnh. Hơn nữa lại có nguồn tin, các băng hình "tươi mát" cũng đang tràn lên cả thị trấn miền núi heo hút này. Lạ thật, viết phóng sự điều tra mà Tổng biên tập báo tôi lại gọi điện lên huyện báo trước; Ông nói: "Yên trí, cô lên sẽ được đón tiếp chu đáo". Trước khi đi ông phó Tổng biên tập chào tôi bằng cái cười nhếch mép: "Chúc cô hoàn thành được nhiệm vụ". Còn anh bạn cùng phòng, đáng lẽ là phần việc của anh thì luôn nheo mắt nhìn tôi rồi buông lửng một câu: "Rất cảm ơn bạn". Tôi chẳng hơi đâu bận tâm về họ, tôi đang nóng lòng, tôi đang khấp khởi...
Cô bạn thân cùng cơ quan tiễn tôi ra bến xe buýt mới hỏi nhỏ: "Chắc mày định cho ông ấy một vố hả?". Tôi bực mình quát lên: "Im đi, cả lũ chúng mày...". Tôi định nói cả lũ chúng mày như loài chó đói, chỉ chờ dịp để vồ nhau. Nhưng sợ bạn tôi giận đành im lặng. Tôi không thể tâm sự với ai. Ai thông cảm cho tôi? Một người đàn bà đã có chồng. Anh cũng vậy, đã hơn mười năm, chắc anh cũng yên ổn cả rồi. Vậy mà từ bấy đến nay tôi vẫn canh cánh một nỗi ước ao được gặp lại anh dù chỉ một lần, để làm gì nhỉ? Để xem anh sống ra sao, có hạnh phúc không? Chưa hẳn thế. Nhưng đơn giản là tôi mong gặp anh đến khốn khổ.
Anh vẫn đẹp, dù ở cái xứ rừng thiêng nước độc. Mà sao anh không già đi nhỉ. Hay là tôi đã già?
Hai ngày làm việc với Uỷ ban huyện, tôi như thượng khách. Hết phó Chủ tịch lại đến Chủ tịch gặp gỡ tiếp đón, chủ yếu là ăn tiệc. Hết ăn sáng đến ăn trưa, chưa nguôi bụng lại phải ăn chiều.
Đó là chưa kể các trưởng ban còn muốn mời riêng tôi tại nhà. Có lẽ họ muốn tăng thêm phần thân thiết.
Tôi chưa bao giờ thấy mệt như những buổi "làm việc" thế này. Có lẽ nếu ai gặp phải trường hợp như tôi mới biết thương các sếp. Đừng tưởng làm sếp là sướng lắm đấy.
Tôi đóng chặt cửa phòng, duổi người trên tấm đệm mốc xì, nhưng vẫn sảng khoái hơn phải ngồi trong các phòng khách để nghe mà chửng nghe được gì, để cười như cười trước ống kính, để nói những lời không phải của mình. Kiều này có lẽ tôi phải điện về cơ quan xin hoãn bài phóng sự chứ nghe bản báo cáo của phó Chủ tịch phụ trách văn xã thì tôi phải viết bài cơ ngại mới đúng.
Anh vẫn như cái bóng, lảng xa tôi, hay anh nhường tôi cho các lãnh đạo? Mà oan cho anh, tôi cũng như con lắc, chẳng biết mình đang lắc theo cái máy nào, cứ luẩn quẩn trong dãy nhà của Uỷ ban huyện. Nhưng công việc của tôi cần anh, anh là trưởng phòng văn hoá.
Có tiếng gõ: "Cộc, cộc...". Tôi vờ ngủ không lên tiếng. Bên ngoài tiếng chị phục vụ nhắc khẽ: "Chị ấy mệt ngủ say, trưa nay em thấy mấy bác ép chị uống nhiều bia quá". Bước chân nhẹ nhàng xa dần. Tôi nhận ra anh. Dù đã mười lăm năm nhưng tôi vẫn nhớ như in tiếng bước chân của anh khoan thai, nhẹ nhõm.
Hồi ở ký túc xá sinh viên vào mùa thi, bọn con gái chúng tôi dặn nhau: Hễ người yêu đứa nào đến thì hé cửa ra bảo: "Nó không có nhà". Khi tiếng chân xa dần chúng tôi mới cười phá lên rồi kháo nhau như mồ bò: "Khổ thân chàng, phải đạp xe những bốn năm cây số cơ đây, mà hôm nay trăng lại đẹp thế". Anh biết thừa những trò của chúng tôi, nhưng không giận.
Anh học bên trường Sư phạm, tôi học Tổng hợp. Cả hai cùng dân xã hội. Anh khoa Sử, còn tôi khoa Văn. Nghe có vẻ chéo giò thế nào. Đáng lẽ anh phải học Tổng hợp, còn tôi Sư phạm mới đúng. Bọn cùng phòng lúc nào cũng nhiếc tôi: "Rồi đời mày cũng thành cô giáo làng mất thôi". Tôi lại chúa ghét nghề giáo. Không phải tôi không yêu trẻ, chỉ vì tôi ngại đứng trên bục giảng. Tôi thích bay nhảy, đi đây đi đó... Thỉnh thoảng đi bên anh tôi cũng thấy lo lo. Nhỡ may anh phải về một làng quê nào đó, liệu tôi có theo nổi anh không? Nhưng hồi đó chả cái gì lấn át được tình yêu. Chúng tôi thường xuyên gặp nhau vào những chiều thứ bảy, hoặc có khi suốt cả những buổi tối trong tuần. Học khoa văn cũng nhàn. Chỉ khi vào mùa thi mới phải học ngày học đêm. Chúng tôi đi chơi thành kỷ lục, từ sáu giờ tối đến hai giờ sáng. Khoa văn chúng tôi thì coi đó là thường, nhưng bên Sư phạm anh có vẻ khổ sở hơn, ít ra anh cũng phải chịu cái "búa rìu" trêu chọc.
Lần tôi sang trường anh chơi, bọn con trai nói kháy nhau: "Mày biết không, thằng Hưng đã đẩy được 'niên đại' đi chơi với người yêu lên tới ba giờ sáng rồi nhé". Tôi thẹn đỏ mặt, còn anh chỉ cười trừ.
Bọn con gái phòng tôi ghét cái mác Sư phạm của anh, nhưng cũng phải công nhận: Tôi may mắn. Anh là bộ đội đi học, vốn là kính Hải quan. Người anh chắc lẳn như cá dưa, nước da nâu sậm. Khuôn mặt đầy ấn tượng. Bọn bạn có đứa tấm tắc: "Trông đẹp như Thần Đa - Vít". Tôi thì "chết" vì đôi mắt anh. Một đôi mắt có tròng hơi nâu trông êm như màu biển nắng, đôi lúc nó lại cháy lên như lửa.
Anh quả là người của biển, từ dáng người đến tính cách. "Dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ"*. Tôi gặp anh trong ngày lễ mùng tám tháng ba được tổ chức tại phòng ký túc xá sinh viên. Anh đi cùng với người bạn và trở thành nhân vật mới lạ trong đám bạn trai của cả phòng chúng tôi. Hôm ấy tôi có đến ba bạn trai mang hoa đến tặng, người nào cùng kèm thêm ánh nhìn tha thiết.
Tôi chia đều nụ cười cho cả ba. Ai cũng tưởng mình được, nhưng ai cũng ngấm ngầm nỗi ghen tuông. Lúc chia tay ra về, anh chàng đi bộ đội đen kịt trong góc phòng chẳng ai để ý, đến trước mặt tôi nói một câu xanh rờn: "Chủ nhật sau tôi đến thăm Hân nhé". Thế mời liều chứ. Chưa ai dám làm quen với tôi kiểu ấy. Tôi nhếch mép cười kiêu ngạo và thích thú.
Chủ nhật sau tôi bỗng quên bẵng, theo mấy đứa bạn ngoại trú về nhà chúng nó làm bún riêu cua. Mãi tối tôi mới về. Bọn bạn trong phòng tranh nhau trách tôi: "Hôm nay mày để cái Thảo mất béng ngày chủ nhật". "Sao?". "Nó phải tiếp khách thay mày chứ sao nữa". "Ông bộ đội ấy à, có phải khách của tao đâu?". "Chúng tao cũng tưởng thế, hoá ra tìm mày". "Nhìn kỹ đẹp giai ra phết nhá, mỗi tội hơi 'si đèn đèn' thôi". "Lính Hải quân phải đen chứ". Cái Thảo bênh vực: "Tao chúa ghét con trai mà da cứ trắng bung bủng". Rồi nó lại gần tôi nói thì thầm: "Tối mai đừng đi đâu đấy nhé. Anh ấy hẹn". Tôi nguẩy mặt: "Ôi dào, thây kệ".
Nhưng tối đến, tôi lại ngấm ngầm trang điểm, ăn mặc tươm tất rồi leo lên giường đọc sách, chờ đợi. Cả tiếng chẳng giở được trang nào, tôi sốt ruột vì muộn mà anh chưa đến. Bọn bạn bấm nhau cười rúc rích: "Dạ thưa ngài Linh mục, hôm nay ngài đi giảng đạo mà quên đeo cây thánh giá ạ". Tôi biết mình bị lộ tẩy, quăng quyển sách bỏ ra ngoài. Vừa chạy xuống hết chân cầu thang đã thấy anh lững thững trước mặt: "Ơ kìa, sao anh đến muộn thế?". "Anh đến lâu rồi, nhưng ngại lên phòng. Biết em thế nào cũng xuống". Thôi chết, lại để lộ bem cả sự chờ đợi của mình, thật vô duyên quá. Tôi lúng túng định giở lại cái bài "muôn thuở" của nữ sinh viên: chủng chẳng, lạnh lùng trước một gã trai đang muốn "trồng cây si". Nhưng muộn rồi, không trở lại được nữa. Hình như anh cũng hiểu được điều đó, anh kéo tôi ra khỏi cơn bùng nhùng của lý trí. Như có ma lực, tôi đồng ý đi chơi với anh mà chẳng cần anh phải tốn công nài nỉ. Ngay cái tối hôm đó, buổi làm quen đầu tiên, tôi đã bị anh chàng ăn sóng nói gió nhấn chìm bằng những nụ hôn điên cuồng như bão biển.
Chúng nó bảo tôi: "Chắc cái Hân ăn phải bùa yêu". Suốt ngày tôi ngẩn ngẩn, ngơ ngơ như kẻ mắc chứng hoang tưởng. Suốt ngày làm thơ về biển. Đầu giường tôi treo đầy các mảnh tranh cắt dán có hình ảnh biển. Tôi nghiện hôn anh, lúc nào cũng nghĩ gặp anh để hôn. Cái hôn mặn chát như muối, môi tôi rộp lên như ăn phải ớt, nên lần nào đi chơi về cũng không giấu được.
Nhưng anh không phải sinh ra từ biển mà từ một miền rừng xa lắc xa lơ.
Quả bom đầu tiên ném vào tình yêu của chúng tôi là cái quyết định nhận công tác của anh. Anh được phân về Sở giáo dục tỉnh nhà. Tôi khóc sưng mắt. Đêm cuối cùng đi chơi chúng tôi tự đẩy "niên đại" từ sáu giờ tối đến sáu giờ sáng, kịp cho anh đi chuyến tàu bảy giờ. Anh không ôm hôn tôi cuồng nhiệt mà lặng lẽ xiết vòng eo tôi bằng đôi tay cứng như sắt.
Hai năm sau chỉ là những lá thư, những nụ hôn qua giấy cùng lời yêu như những câu cải lương.
Anh trở thành thầy giáo vùng cao. Tôi cũng xin về tỉnh nhà, nhưng ở một tờ báo lớn của thành phố. Quê tôi rộng, có đầy đủ cả miền biển lẫn miền rừng. Anh cùng tỉnh nhng chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Tôi chờ đợi anh, anh chờ đợi tôi. Cả hai cùng mệt mỏi và quả bom thứ hai ắt phải nổ.
*    *
*
Mới bảnh mắt, tôi còn chưa kịp rửa mặt. Anh nhân viên hành chính đã chỉnh tề khúm núm trước cửa phòng tôi: "Mời chị đi ăn sáng, hôm nay đồng chí phó Chủ tịch dặn mời chị tới dự cuộc họp của đoàn thanh niên các xã bàn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng". Tôi hoảng quá vội vàng thay đổi nét mặt tỏ vẻ rầu rĩ: "Hôm nay tôi bị mệt, choáng đầu lại lâm râm đau bụng. Anh cho tôi xin phép miễn ăn đi. Nhờ anh báo với các anh cho tôi nghỉ ngày hôm nay".
"Vâng, để tôi nói lại, à chị có cần gì không? Y tá?". "Không, tôi tự chữa được. Tôi có mang theo thuốc đây, à tôi muốn nhờ anh...".
"Chị cứ nói".
"Anh nhắc anh Phong là tôi muốn gặp anh ấy có chút việc".
"Được, chị yên tâm".
Không phải đợi lâu, anh đến ngay như đã chờ sẵn.
"Em bị ốm?". Tôi lắc đầu cười cho anh yên tâm: "Em mệt mỏi cái trò này rồi. Em muốn đi chơi, thật tự do. à, vùng quê anh cũng gần đây nhỉ. Bố mẹ anh có còn ở đấy không?".
"Em không tưởng tượng nổi đâu, bố anh là ông ké, mẹ anh là bà mế. Các em gái anh, mặc áo cánh, quấn váy, đội khăn...".
"Thì làm sao? Em càng thích. Em chưa bao giờ được biết một bản vùng cao thực sự. Mang tiếng lên miền núi mà cứ luẩn quẩn ở cái phố huyện này chán chết".
"Vậy em thực sự muốn đi?".
"Liệu cái 'Min khù khơ' của anh có đưa em đi được không đấy?".
"Được chứ, nếu em không chê".
"Nhưng anh phải bí mật đấy nhé".
Anh hẹn đón tôi ở chân dốc của thị trấn. Tôi phải lùi ra khỏi Uỷ ban như kẻ chạy trốn. Cả hai lấm lét vội vã hệt hai kẻ ngoại tình.
Cái "Min" của anh té ra khoẻ như con sói rừng, xông xáo, len lách được hết mọi chỗ. Tôi chưa phải đi bộ đoạn nào. Mặc dù đường đất ở đây mà để các nàng "Người tình trăm năm" hay "Nữ hoàng áo đỏ" thì phải gục từ lâu rồi.
Chỉ có lưng anh là đẫm mồ hôi. Hồi xưa anh đèo tôi đi chơi trên chiếc xe đạp Thống Nhất "không chuông, không phanh, không gác-đờ-bu", lưng anh cũng ướt đẫm như thế và tôi áp má mình vào đó rồi bảo: "Để nó sang cả mình em". Chúng tôi cười rung cả xe, anh nói: "Má em làm anh mát hẳn". Bây giờ tôi thở dài nhìn từng dòng mô hồi đang chảy rịn qua áo anh.
Đường đến bản kể ra cũng không xa lắm, nhưng ngoằn ngoèo khúc khuỷu, lên dốc xuống dốc chúng mặt. Tôi đau ê ẩm cả người mà không dám kêu ca. Mặt trời đứng bóng chúng tôi mới đến nơi. Đám con nít túa ra tồng ngồng trố mắt nhìn tôi. Một vài phụ nữ ngừng việc kín đáo dõi theo, ánh mắt không ra thân thiện cũng chẳng ra ác cảm.
Anh đưa tôi lên sàn. Mẹ anh chạy ra đón. Hai mẹ con núi líu ríu với nhau bằng tiếng địa phương. Bà kéo tôi vào nhà rồi bỏ ra ngoài đi đâu không rõ. Anh nói: "Mẹ anh đi kiếm cái gì ăn đấy". "Sao lại phải đi kiếm?". "Nhà ăn cơm rồi, bây giờ sang nhà em gái anh, nó lo được".
Tôi cũng đã đói ngấu, nên không thấy áy náy gì. Với lại không hiểu sao đến đây tôi thấy thoải mái như ở nhà. Bà mẹ anh cũng phúc hậu và hiền khô như mẹ tôi. Cả nhà anh cũng vậy, trở về nơi chôn rau cắt rốn anh như thành một người khác hẳn, một trai bản thực thụ.
Chúng tôi ăn cơm lam chấm muối vừng. Anh bảo có thịt ướp khô nhưng sợ em ăn không quen, dễ đau bụng. Tôi bảo: "Em ăn thế này ngon chán". Vừa ăn tôi vừa quan sát căn nhà, nom không khác lắm những ngôi nhà sàn mà tôi đã được thấy trên phim ảnh. Chỉ tội đồ đạc tuềng toàng xơ xác quá. Có lẽ bố mẹ anh nghèo. Phải thôi, từng ấy năm anh đi xa, từng ấy người con đã yên bề gia thất. Hỏi bố mẹ anh còn lại gì cho riêng mình? Mãi không thấy ông cụ đâu, tôi bèn hỏi. Anh đổi sắc mặt buồn bã nói: "Ông cụ ở ngoài chòi kia cùng với em rể anh". Nhận ra trong lời nói của anh có gì u ẩn, tôi nảy ý tò mò: "Em đi thăm cụ có được không?". Anh im lặng, cúi mặt rầu rầu rồi miễn cưỡng đưa tôi đi.
Cha anh giống con kỳ đà phơi khô, cong queo, mốc thếch. Chỉ có hai hố mắt là biểu hiện của sự sống nhưng cũng chỉ như hai đốm hương tàn. Người chồng của cô em gái thì khá hơn. Hắn còn đủ sức khoẻ để trợn mắt và quát nạt người vợ nếu không vừa ý. Cả hai đều dúm dó xộc xệch trong đống chăn đệm hôi rình, xung quanh bừa bãi những dọc tẩu và bát đĩa đen kịt.
"Bản này nhiều người nghiện lắm, em có muốn đi quan sát không? Đủ cho em viết đến ba bài phóng sự đấy". Giọng anh cay đắng. Tôi hiểu ý thở dài, cảm thấy không còn hứng thú gì nữa.
Chiếc Min lại nhảy chồm chồm, tôi nín thở tím lấy áo anh. Có lần tôi tuột tay suýt văng xuống đất. Anh quay lại bảo: "Không túm chặt là lăn xuống vực đấy". Đến đoạn đường bằng bỗng anh dừng xe tắt máy. Tôi ngơ ngác. Anh bảo: "Nghỉ chút, mệt quá, đằng nào tối cùng về tới nhà, anh đi quen rồi lo gì". Nhưng tôi lo, không phải lo trời tối mà lo cho tôi và anh.
Anh đẩy xe vào rệ đường, chỉ tổi ngồi cạnh một gốc cây si. Anh cũng ngồi xuống đó, tựa lưng vào thân cây. Trời chiều tím ngắt, hoang vu. Nắng đã tắt sau các mỏm núi nhưng bầu trời vẫn sáng, xanh trong, bồng bềnh những cụm mây trắng xốp như bông. Tôi cũng ngả lưng vào thân cây nghển mặt nhìn những con chim rừng tao tác gọi nhau về tổ: Anh nghĩ gì, có nhớ đến những kỷ niệm xưa chăng? Ngày ấy nếu ngồi thế này anh chẳng để tôi yên. Thiên nhiên kể cũng đa tình nên nó cũng đồng loã với ý nghĩ tội lỗi của tôi. Gió mơn man như bàn tay ve vuốt, không gian tĩnh lặng như tờ. Có thể nghe được cả tiếng thở sinh sôi của muôn loài trong bạt ngàn xanh thẳm. Người ta bảo đấy là tiếng rừng, cũng âm u tha thiết, cũng ào ạt sục sôi. Đừng tưởng chỉ có biển mới có những âm thanh mang nỗi khát khao thôi đâu.
Hình như anh đang xoay người lại. Bàn tay thô tháp của anh đặt hờ lên vai tôi. Và tôi nhận ra cái mùi đàn ông ấy, cái mùi nồng khét mồ hôi nhưng quyến rũ như men. Không thể tỉnh táo, tôi quên đứt mười lăm năm đã trôi qua, chỉ còn biết nhắm mắt cồn cào chờ nụ hôn rát bỏng thuở nào. Nhưng rồi trời đất bỗng tối sầm lại, tôi chơi vơi như đang rơi xuống vực, ngạt thở như đang chìm xuống sông. Tôi hét lên: Không, cứu tôi với, tôi phải sống.
Tôi cố mở bửng mắt. Vùng vẫy khỏi vòng tay anh lao điên dại vào một lùm cây rập rạp, bàn chân như không chạm đất, chỉ nghe tiếng tim đập loạn xạ như muốn vỡ toang lồng ngực, rồi tôi đổ sụp xuống, hai bàn chân xây xước tứa máu. Nhưng tôi hiểu, anh đã ở cách xa tôi, tôi hoàn hồn, vì mình đã "sống", đã không "rơi xuống vực", không "chìm xuống sông".
Anh lẳng lặng hái lá bóp chân cho tôi rồi giục tôi lên xe về kẻo tối. Hoàng hôn rừng rờn rợn như ở vương quốc ma quỷ. Chúng tôi tiếp tục lên đường, run rẩy và lạnh lẽo. "Con sói rừng" lại nhẫn nại làm cái công việc của mình.
"Bao giờ thì em về, công việc đến đâu rồi".
"Có lẽ ngày mai, tư liệu cũng tàm tạm. Em sẽ viết một bài ca ngợi thành tích văn hoá huyện anh".
Anh cười khùng khục trong cổ họng. Tôi ngồi sau không sao đoán nổi nụ cười lạ lùng ấy mang ý nghĩa gì. Anh quàng tay ra sau nắm lấy tôi rồi kéo sát vào người: "Ôm chặt vào, ở đây chỉ có rừng biết tôi". Tôi áp má vào lưng anh cảm thấy lòng ấm lại.
Bỗng "con sói rừng" lao ầm ầm xuống một đoạn dốc đầy sỏi đá. Tôi sợ hãi ôm chặt lấy anh. "Trời tối rồi, anh đi từ từ thôi kẻo cho cả hai xuống vực đấy". "Không rơi xuống vực được đâu. Tay lái anh vững lắm. Vả lại có rơi thì cũng rơi rồi phải không em?".
Lại những cái bắt tay nhớt nhát lành lạnh, lại sủi ngầu bia bọt, gần hết buổi sáng tôi mới hoàn thành xong thủ tục chia tay với lãnh đạo huyện. Ai cũng tỏ ra lưu luyến trong ánh mắt đỏ bia. Ai cũng giành giật lời chia tay trong những khuôn miệng bóng nhầy thịt mỡ.
Anh đưa tôi về thăm nhà. Vợ anh khá trẻ, cười hiền ngây ngô, mời tôi thật niềm nở. Bầu vú căng sữa ướt dấp dính trên ngực áo. Hai đứa bé nhìn tôi ngơ ngác. Tôi chia kẹo cho chúng rồi hỏi một trong hai đứa: "Cháu học lớp mấy rồi?". "Lớp hai ạ". "Còn cháu?". Chị vợ nhanh nhảu đáp thay con: "Cháu chưa học lớp nào cả, còn con chị đang đi học lớp năm". Tôi ngạc nhiên nhìn anh, cảm thấy thương cho chị.
Bước ra khỏi nhà anh, tôi thấy lòng bỗng dưng trống vắng. Phố huyện giữa trưa đường vắng ngắt. Tôi thơ thẩn dạo qua các dãy hàng quán. Nơi đây đang tấp tểnh bước vào "công cuộc" đô thị hoá vùng rừng. Cũng dàn nhạc xập xình, ka-ra-ô-kê oe oé, cũng biển quảng cáo phoóc mi ka xanh xanh đỏ đỏ. Những chiếc váy tây bay phần phật trên thân thể các ma-nơ-canh. Thỉnh thoảng một chiếc xe tải chở đầy các sản phẩm của rừng hối hả chạy qua, ném vào hai dãy hàng lớp bụi như thể "ân huệ" của thời "mở cửa". Tôi hình dung đến một ngày nào đó những khu rừng trước mặt kia cũng biến thành những con đường, những dãy nhà ngập bụi như thế này. Rừng phải nhường chỗ cho con người, cho những kẻ chiến thắng.
"Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu".
Tôi rẽ vào một cửa hiệu cho thuê băng hình, lèo tèo khoảng vài chục cái băng để trong tủ kính đã xỉn mờ. Bên ngoài là một sạp hàng bán văn hoá phẩm, cũng cũ kỹ không kém. Chị bán hàng chào mời đon đả đến nỗi tôi nghĩ mình không thể lại đi ra không.
"Ở đây cho thuê băng hình có chạy không hả chị?".
"Cũng kiếm được, cả thị trấn có vài cái đầu vi đi ô nhưng họ mượn luôn ấy, đến nỗi chả còn băng cho họ mượn nữa".
"Thường phim loại nào là chạy nhất hả chị?".
"Băng chưởng Hồng Kông".
"Thế ở đây họ không kiểm tra băng hình à".
"Có đấy, chúng tôi cũng không dám chứa các loại băng xấu, nhưng chả cấm được. Thằng con trai ông phó Chủ tịch Khúc nó chứa cả đống, tôi phải thuê lại của nó nếu có khách cần".
Anh dong xe đi giữa đường nghiêng ngó tìm tôi. Tôi chạy ra gọi bị anh cau có một cách vô lý.
"Em còn đi đâu nữa thế. Anh tìm mãi. Muộn rồi, mau lên xe, anh đưa ra bến. Chỉ còn mỗi chuyến cuối cùng trong ngày, nói mãi tay lái xe mới chịu đợi đấy". Tôi cuống cuồng theo anh. Bến xe đã vãn người. Chiếc ô tô buýt duy nhất ttrên bên xe đang bóp còi inh ỏi. Mấy bộ mặt ló qua cửa xe tỏ vẻ khó chịu.
Đến trước cửa xe, anh giữ tôi lại nói ngập ngừng:
"Hân này, thông cảm cho anh. Anh không có quyền gì. Vợ anh sau kỳ cữ sẽ được biên chế chính thức ở Văn phòng Uỷ ban. Còn anh...".
"Nhanh nhanh lên các vị ơi, chia tay gì mà lâu thế".
"Thôi em hiểu rồi anh đừng nói nữa".
Tôi giằng cái túi du lịch trên tay anh nhảy vội lên xe. Chiếc ô tô nổ máy, rung lên sòng sọc như con thú bị trọc tiết, phụt lại đằng sau đám khói mù mịt làm nhoè mờ cả khuôn mặt anh.
*.
NGUYỄN CẨM HƯƠNG
Địa chỉ: 248 Trần Phú, phường Ba Đình
thành phố Thanh Hoá, Thanh Hóa
Điện thoại: 091.203.0414

.





…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 25.07.2015 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét