TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU Ở VIỆT NAM - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
TÍN NGƯỠNG
THỜ MẪU Ở VIỆT NAM
*
(trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT, 
Đặng Xuân Xuyến ; Văn Hóa Thông Tin ; 2006)

Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được dân gian cho là có chức năng sáng tạo, bảo trợ và chở che cho sự sống của con người (như trời, đất, sông, nước, núi rừng…); hoặc thờ phụng các vị thái hậu, hoàng hậu, công chúa là những người khi sống tài giỏi, có công với dân với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho người an vật thịnh. Các vị nữ thần này được tôn vinh với các chức vị: Thánh Mẫu (Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chúa xứ Thánh Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu), Quốc Mẫu (Quốc Mẫu Âu Cơ), Vương Mẫu....
Tục thờ Mẫu ra đời trên cơ sở tục thờ nữ thần. Các Thánh Mẫu đều là nữ thần, được thờ trong đền, chùa, miếu, điện, phủ. Do ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển và hình thành tín ngưỡng Tam Phủ (Thiên Phủ - miền Trời có Mẫu Cửu Trùng cai quản; Sơn Phủ - miền núi rừng có Mẫu Thượng Ngàn cai quản; Thủy Phủ - miền sông nước có Mẫu Thoải cai quản), Tứ phủ gồm ba phủ trên (tức Tam phủ) và Phủ trần gian, có Mẫu Liễu Hạnh cai quản.
Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ Phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành, đó là đạo Mẫu (còn gọi là đạo Nội).
So với tín ngưỡng thờ nữ thần, thờ Mẫu, đạo Mẫu đã có bước phát triển, bước đầu hình thành một hệ thống tương đối nhất quán về điện thần với các phủ, các hàng Điện Thần của Đạo Mẫu có hàng chục vị thần linh nhưng đều quy tụ dưới sự điều chỉnh của Tam Tòa Thánh Mẫu. Trong đó có một vị thần Mẫu cao nhất, mang tư cách là một vị giáo chủ - Thánh Mẫu Liễu Hạnh, được xem như là hoá thân của Mẫu Thượng Thiên. Những nghi lễ của Đạo Mẫu đã bước đầu được chuẩn hoá, trong đó nghi lễ hầu bóng là một điển hình.
Điện thờ Mẫu có ở khắp mọi nơi, từ đồng bằng lên miền núi và cả ở trong khu cư trú của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ở một số nơi, ban thờ Mẫu chỉ là một ban thờ nhỏ khiêm tốn đặt tại một góc trong ngôi chùa,  hoặc một điện thờ nhỏ trong gia đình, nhưng có nơi lại tồn tại như một điện phủ nguy nga. Cho nên, người ta chỉ nhận diện trong từng kiến trúc tổng thể của điện (ban) thờ, nhất là ở sự bày bố điện (ban) thờ và nghi lễ thờ cúng, chứ không căn cứ vào chi tiết cụ thể của tín ngưỡng thờ Mẫu. Chính những nét riêng ấy đã làm nên những đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu khiến cho tín ngưỡng này là một hình thức tín ngưỡng thuần phát đặc biệt của người Việt Nam.
Cấu trúc nơi thờ Mẫu:
Trong tâm thức dân gian của cư dân nông nghiệp: Dòng sông, con suối, hồ nước... là những nơi có nước mang tính nữ (Âm). Vì vậy hầu hết các điện mẫu thường được xây dựng cạnh sông, suối, hồ, biển (cửa biển)... Và các cửa điện (ban thờ) Mẫu bao giờ cũng được đặt quay về phía nguồn nước - những nơi tụ thuỷ, tụ phúc, hàm chứa những mong ước làm ăn phát đạt. Vì vậy, nếu như không chọn được thế đất lành tự nhiên có sông, hồ ôm bọc thì bao giờ trong khuôn viên dựng điện Mẫu người ta cũng làm hồ, ao, giếng... để dựng lại một không gian cần phải có, ứng với thuật phong thuỷ của người xưa.
Cũng để tạo tính âm, nhiều điện mẫu ở vùng cao thường được dựng trong các hang động hoặc xây dựng theo các hòn non bộ với những ngọn đá mọc lên từ đất hoặc dầm chân trong nước.
Cấu trúc không gian trong điện thờ Mẫu:
Vị trí chư vị Thánh được sắp xếp theo 3 tầng: Tầng trên không, tầng ngành trên ban, bệ thờ và tầng trệt.
Ở tầng không là sự hiện diện của đôi mãng xà (còn gọi là ông Lốt), tượng trưng cho quan lớn Tuần Tranh. Một con màu trắng, một con màu sẫm quấn trên sà ngang phía trái bên trên bàn thờ.
Ở tầng ngang bên trên ban (bệ) thờ có khi chỉ có một bàn, có khi là một dãy bàn từ ngoài vào cao dần (tùy từng nơi), là nơi ngự của các thánh Mẫu (cũng có khi chỉ là một tượng Mẫu) và các chư vị Thánh.
Ở hạ ban (tầng trệt) bao giờ cũng thờ ông Năm Dinh hay Ngũ Hổ tướng quân, với biểu trưng là tượng hoặc bức tranh hổ; phía trước tượng hoặc tranh, đặt một bát hương.
Trước ban thờ Mẫu bao giờ cũng treo tầng lớp những đồ vàng mã, nhưng phổ biến và không thể thiếu là nón, hài, thuyền rồng, đèn lồng đủ màu, với nhiều kích cỡ khác nhau. Sở dĩ có treo những đồ vật ấy vì trong đạo thờ Mẫu, từ Thánh Mẫu tới hàng quan, hàng chầu, ông Hoàng, các Cô, các Cậu đều gồm các vị thần linh có gốc gác từ chốn rừng núi cao, nơi ven biển xa xôi, ở mọi miền của đất nước.
Tam Tòa Thanh Mẫu:
Trong các điện thờ, người ta thờ cúng rất nhiều thần linh, nhưng đều quy tụ dưới sự điều chỉnh của Tam Toà thánh Mẫu. Vì vậy, nơi điện thờ chính thường có ba pho tượng thờ, mà tín ngưỡng gọi tôn kính là Tam Tòa Thánh Mẫu.
- Tượng Mẫu Đệ Nhất, mặc áo đỏ, trùm khăn đỏ tức Thánh Mẫu Liễu Hạnh được đặt ở giữa.
- Bên trái là mẫu Đệ Nhị (mẫu Thượng Ngàn), bà chúa của Sơn Lâm, mặc áo xanh, khăn xanh.
- Bên phải là mẫu Đệ Tam, tức mẫu Thoải, mặc áo trắng, trùm khăn trắng.
Văn khấn lễ Tam Tòa Thánh Mẫu:
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)
- Con kính lạy Đức Hiệu Thiên chí tôn kim quyết Ngọc Hoàng Huyền cung cao Thượng đế.
- Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con xin kính Cửu trùng Thanh Vân lục cung công chúa.
- Con kính lạy Đức thiên tiên Quỳnh Hoa Liễu Hạnh Mã Hoàng Công chúa, sắc phong Chế Thắng Hoà Diệu đại vương, gia phong Tiên Hương Thánh Mấu.
- Con kính lạy Đức đệ nhị đỉnh thượng cao sơn triều mường Sơn tinh công chúa Lê Mại Đại Vương.
- Con kính lạy Đức đệ tứ khâm sai Thánh Mẫu, tứ vi chầu bà, năm tòa quan lớn, mười dinh các quan, mười hai Tiên cô, mười hai Thánh cậu, ngũ hổ Đại tướng, Thanh Hoàng Bạch xà đại tướng.
Hôm nay là ngày:   tháng:   năm:  Đệ tử con là:  Ngụ tại:
Đến nơi Điện (Phủ, Đền) ......... chắp tay kính lễ khấu đầu vọng bái, lòng con thành khẩn, thiết tha, kính dâng lễ vật, cúi xin các Ngài xót thương phù hộ độ trì cho gia chung chúng con sức khỏe dồi dào, phúc thọ khang ninh, đắc tài, đắc lộc, vạn sự hanh thông, gặp nhiều may mắn.
Đệ tử con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

    
Mời thư giãn với nhạc phẩm MƯA BAY THÁP CỔ
của Trần Tiến, qua tiếng hát Tùng Dương:
           
. .....................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét