*
Phần I
(Nhầ văn Nguyễn Cẩm Hương) |
Nhàn vẫn vô tình nghe mấy chú tán tễu với nhau: "Con bé Nhàn sau
này
lớn lên khối anh chết"; "Tướng con bé ấy ấy mà, vô phúc cho anh nào
chân yếu tay mềm, còn anh nào cứng vía thì cứ gọi là sướng hơn tiên". Hí
hí, ha ha, họ cười bả lả hể hả cứ như nàng là một đề tài hấp dẫn lắm. Cũng có
khi nàng nghe được những lời tử tế hơn: "Con bé Nhàn có đôi mắt ướt và cặp
môi mọng là đào hoa lắm đấy, nhưng cũng khổ". Nhàn không hiểu vì sao...
lại khổ.
Học cấp ba Nhàn đã có một thân hình hoàn hảo thiếu nữ, trong khi bọn con
gái khối đứa vẫn phẳng như cá thờn bơn. Nhàn bắt gặp những ánh nhìn lén của bọn
con trai. Nếu chẳng may có gã trai nào ngồi cạnh Nhàn thì chúng như bị
phong.
Hồi đó gần nhà Nhàn có ông họa sĩ tuổi đã trung niên nhưng dáng vẻ vẫn rất
trẻ trung hào hoa. Mỗi lần đi học về là Nhàn lại chạy sang nhà ông để xem ông
vẽ và nghe kể chuyện về nền hội họa trên thế giới, về cái đẹp vĩnh hằng của
nghệ thuật.
"Cháu có thân hình của nữ thần Aphrodied. Đó là tuyệt tác của tạo hóa,
cũng là tài sản vô giá của nghệ thuật". Ông họa sĩ bảo với Nhàn như vậy
khi nàng đồng ý làm người mẫu để ông lưu lại một tuyệt tác của tạo hóa. Nhưng
Nhàn không bao giờ được nhìn thấy "nàng Aphrodiet" hiện hình trên tấm
phông của người hoạ sĩ. "Trong nghệ thuật, sự chỉn chu có khi lại trở
thành tai họa. Cháu có biết cả thế giới nát óc để tìm cho Thần Vệ Nữ một đôi
cánh tay hoàn hảo không? Thật nực cười khi họ nhận ra rằng bức tượng ấy thật
tuyệt vời khi thiếu đôi tay".
Nhàn được biết có một người đàn bà đẹp đã bay khỏi bức tranh của ông.
"Cháu biết không, ngưòi đàn bà thực sự đẹp khi không nhận ra cái đẹp của
mình, sự hồn nhiên bao giờ cũng là cái đẹp vĩnh cửu". Nhưng Nhàn đã đánh
mất vẻ hồn nhiên vì Nhàn đã biết yêu thân thể mình từ cái nhìn của ông hoạ sĩ.
Nàng yêu ông họa sĩ bằng một tình yêu con trẻ.
Có thể cứ là như thế, có thể sẽ là khác đi, nếu không có sự đột nhiên biến
mất của ông. Nhàn đi học về, thảng thốt đứng trước cánh cửa khóa im ỉm của căn
nhà ông họa sĩ. Ghé mắt vào bên trong, nàng chỉ thấy những tấm vải phủ kín
những bức tranh vẽ dang dở, đồ đạc đã gọn ghẽ.
"Chú Tiến đi thực tế thực tiếc gì ấy. Chú ấy gửi cho con mấy bức tranh
kia kìa, bảo thích thì đóng khung mà treo" - Mẹ đang nấu cơm trong bếp nói
vọng ra.
Cầm cuộn giấy buộc bằng một sợi dây vải, Nhàn mở ra. Đó là những bức tranh
phong cảnh, tuyệt không có bức nào là tranh thiếu nữ và nhất là bức mà nàng
đang mong. Mảnh giấy với những dòng chữ to nguệch ngoạc như cố tình thờ ơ:
"Cháu Nhàn, chú đi xa một thời gian. Bức tranh vẽ cháu chú vẫn chưa hoàn
thành. Còn cháu, chú luôn mong cháu có một hạnh phúc tròn đầy".
Đêm đêm, nàng mơ thấy ánh mắt thăm thẳm của người họa sĩ, mơ những ngón tay
dài vung vẩy chiếc bút lông như múa trên tấm toan. Mơ vành môi rộng phủ kín lên
môi nàng ngọt ngào ấm áp. Ngực nàng căng tức đau đớn vì thèm muốn bàn tay mềm
mại của người họa sĩ vuốt ve lên thân thể nàng như đã từng vuốt ve trên những
bức tranh màu. Nàng đã biết yêu với một tình yêu đàn bà, nhưng người đàn ông ấy
không trở lại.
Người hoạ sĩ ấy không trở lại một lần nào. Nhàn nghe người ta bảo chú bị
một căn bệnh nan y, nên phải trở về quê để người thân chăm sóc. Một buổi sáng
nàng quặn lòng nhìn người nhà chú Tiến đến thu dọn đồ đạc, có một vài bức tranh
hình như là còn dang dở, họ đem đốt đùng đùng cùng với những rác rưởi ở trước
cửa. Nàng chui vào một góc kín, khóc. Không hiểu nàng thương những bức tranh
hay thương người họa sĩ.
Nàng kiên quyết thi vào Đại học Mỹ thuật, mặc mọi người trong gia đình gàn
và năm đầu nàng bị trượt.
Tranh của anh là cạm bẫy vô hình
Cho mắt em sa vào trong đó
Tâm hồn anh là cửa phòng rộng mở
Em bước vào lạc lối, bơ vơ.
Nàng đề mấy câu thơ vào bức tranh nhỏ nhất của chú Tiến, luôn treo ở đầu
giường suốt mấy năm học đại học. Nàng không yêu ai được, lạ thật. Nàng trở
thành đề tài bàn tán. Một thân thể phồn thực như thế mà suốt tối thứ bảy và
ngày chủ nhật chỉ để lăn ra học vẽ. "Tại nó chẳng có năng khiếu gì cả mà
cũng đòi học cái môn đòi hỏi tài năng". Nàng im lặng, nàng thờ ơ. Không có
một người con trai nào khiến trái tim nàng rung động. Đêm đêm nàng lại mơ,
những giấc mơ ân ái với người đàn ông đã đánh thức bản năng đàn bà trong
nàng.
*
Phần II
Đã hơn 20 năm trôi qua, Nhàn đã có tất cả những gì mong muốn, nhưng thực ra
Nhàn lại chẳng có gì ngoài những giấc mơ. Đôi khi Nhàn cũng thấy cô đơn, nhưng
chỉ thoảng qua vì nàng quá bận rộn với công việc của một lãnh đạo cơ quan văn
hóa. Có thể Nhàn vẫn tự bằng lòng như thế, nếu như...
Vâng nếu như không có cái buổi chiều hôm ấy, cái buổi chiều như thường lệ
Nhàn vẫn lên tập thể dục trên cái ban công phía sau tầng hai, nơi chỉ để phơi
quần áo và đặt vài chậu cây cảnh cho mát mắt. Trời bỗng nổi gió sau một ngày
nóng ngột ngạt. Nhàn bước ra đứng sát vào lan can để tận hưởng cơn gió chiều
hứa hẹn một trận mưa.
Chưa bao giờ Nhàn để ý nhìn xuống khu nhà phía dưới, nơi có những khoảnh
sân hẹp, những căn bếp cũ kỹ cùng những vòi nước chảy rả rích suốt ngày. Nhưng
hôm nay nàng lại nhìn xuống, có thể vì tiếng dội nước khá mạnh, thật hiếm hoi ở
khu thiếu nước này. Và nàng chợt giật lùi lại, bởi ở phía dưới ấy, nàng đã kịp
nhìn rõ một thân thể đàn ông đang tắm, trần truồng. Nhàn nhăn mặt bực mình, tại
sao anh ta không tắm trong nhà tắm....
Nhàn vội lẻn vào nhà, nhẹ nhàng như sợ có ai nhìn thấy. Nằm vật ra giường,
nàng nhắm mắt lại như để quên đi cái hình ảnh chỉ như một cái chớp mắt, thế mà
sao nó cứ hiển hiện thật rõ nét, dù chỉ nhìn được từ phía sau lưng, nhưng cũng
đủ để nàng nhận ra một thân thể đàn ông với những thớ thịt cuồn cuộn, nâu bóng
dưới làn nước chảy.
"Cộc cộc cộc..." - tiếng gõ cửa, nhẹ nhàng và nhẫn nại. Nhàn
thoáng khó chịu vì sáng nay là chủ nhật. "Chị gì ơi, có phải nhà chị rơi
cái áo tối qua không?". Chết rồi, đêm qua mưa to gió mạnh, nàng quên mất
là nàng còn có đầy một dây phơi quần áo chưa kịp lấy vào.
- Của chị phải không? Nó rớt sang nhà tôi, nguyên cả cái mắc đấy - Người
đàn ông nói khi chị vừa kịp ló đầu ra.
- Vâng, đúng rồi, cám ơn anh.
"Không có chi". Người đàn ông cũng vội vã quay đi và vào căn nhà
ngay bên cạnh. Té ra là người đàn ông tắm hôm qua. Một khách thuê mới, hay là
một chủ mới? Căn nhà đó ọp ẹp ẩm thấp lắm, đến nỗi sinh viên cũng không muốn
thuê cơ mà. Nhàn biết chủ chính của căn nhà đó đã vào Sài Gòn từ lâu, để lại cho
một người bà con trông coi và nhờ bán, nhưng người này không chịu bán mà muốn
kéo dài thời gian để cho thuê kiếm tiền nên căn nhà không được sửa chữa. Nàng
chợt thấy xấu hổ, chẳng biết anh ta có phát hiện ra cái ban công nhà nàng và
chính nó là nguyên nhân khiến nàng quên rút quần áo vào không?
Hôm đó nàng về muộn vì có nhiều cuộc tiếp đãi khách khứa. Thực ra nàng cũng
rất ít khi ăn cơm nhà. Có một mình nấu nướng cũng lích kích. Nàng về đến nhà
thì trời đã tối om, sờ tay bật điện, sao thế này? Mất điện ư? Không phải, xung
quanh các nhà khác vẫn sáng trưng. Nàng mở toang cửa đẩy xe vào, một mùi khét
lẹt bốc lên, mùi khét của cháy điện. Nàng lần tìm cái đèn tích điện, bật
lên.
Chà, lúc này nàng mới sực nhớ ra, sáng nay đi làm vội quá, nàng đã quên rút
cái ấm điện. Trời ơi, biết làm thế nào đây, nàng rất sợ đụng đến điện, nàng
định rút điện thoại nhắn tin cho cậu em trai đến sửa. Nhưng nàng chần chừ vì
bỗng nghĩ đến người hàng xóm mới.
May quá, nhà bên mở cửa, nàng rụt rè gọi: "Anh gì ơi!". Một cậu
thanh niên còm nhom đang ngồi trên giường với cái bàn học nhỏ xíu ngẩng lên:
"Cô hỏi gì ạ?", "À à, cô muốn nhờ sửa điện giúp cô với, cô không
biết gì về điện cả nên...". "Điện thế nào ạ?" - Người đàn ông từ
dưới bếp chạy lên, xoa bàn tay ướt vào vạt áo.
Rồi anh ta quay ngay vào trong nhà lôi đủ những dụng cụ cần thiết cho việc
sửa chữa, lạ thật cứ như anh ta đã biết trước việc này". “Chị soi đèn để
tôi nối cầu chì nhé, cháy cầu chì thôi mà", "Xong rồi", đèn bật
sáng. Sáng đến nỗi nàng cảm thấy ngượng ngập. "Cám ơn anh, anh mới chuyển
đến đây ạ, lát nữa mời anh sang uống nước nhé". "Vâng, không có
chi". Nàng tắm rửa dọn dẹp qua loa rồi pha một ấm trà, nhưng không thấy
anh ta sang. Sáng sớm khi nàng dắt xe ra ngoài thì đã thấy nhà khóa cửa. Họ đi
đâu mà sớm thế?
Dạo này nàng hay thích về nhà nấu cơm ăn chứ không ăn linh tinh ở ngoài
nữa. Có hôm nàng về rất sớm, mua hẳn một con cá to, kỳ cạch nấu nấu nướng
nướng, cứ như chuẩn bị thi nấu ăn, rồi nàng múc một bát canh to bưng sang nhà
anh hàng xóm. Cho mà nói như phân bua: "Tôi thèm ăn canh dấm cá, mua con
nhỏ thì không ngon, mua con to thì ăn không hết, nên tiện thể tôi nấu
luôn...".
Chủ yếu nàng muốn cám ơn những việc mà anh đã giúp nàng. Nào là cái quạt
điện vẫn kêu sòng sọc, vào tay anh một loáng đã êm ru. Cái ấm điện cháy, nàng
định vứt đi, anh bảo đưa anh đi thay, chỉ mất chục ngàn. Cái ổ cắm điện bị
lỏng, cắm phích cứ phải ấn ấn xoay xoay mãi mới vào điện, anh kỳ cạch một lúc
là đâu vào đấy.
Đó là chưa kể cái cửa sổ đã lâu rồi đóng không khít, anh bào bào sửa sửa
thế nào mà đóng khít khao như cửa mới. "Sao mà anh làm cứ như thợ ấy"
- Nàng tấm tắc. "Thì tôi vốn là thợ mà lị, trước khi làm một thợ xe ôm
lành nghề thì tôi vốn là một thợ tiện lành nghề của một xí nghiệp cơ khí lớn
nhất tỉnh. Sau đó xí nghiệp ít việc, lương không đủ sống, tôi bỏ đi làm thuê
linh tinh, làm mộc làm nề, nên mới biết lắm nghề thế". "Bố con anh
thuê căn nhà này làm gì, ở như vậy ảnh hưởng đến sức khỏe lắm?".
"Chúng tôi ở tạm thôi, cháu nó có tiêu chuẩn ở trong ký túc xá, nhưng vì
bà mẹ tôi ốm nặng đang phải nằm ở bệnh viện K, tôi phải ra đây chăm sóc cụ, nên
thuê nhà để hàng ngày có chỗ đi đi về về. Cháu nó cũng đến ở cho vui
thôi".
*
Phần III
Té ra nàng cũng là người thích nấu ăn và nấu ăn cũng ngon ra phết. Mỗi khi
bố con anh hàng xóm tấm tắc khen những món ăn nàng đem sang, nàng thấy sung
sướng như chưa hề có một niềm hạnh phúc nào như vậy.
Tuy nhiên anh hàng xóm chạy xe ôm lắm khi cũng đến khuya mới về. Đã thế,
mấy hôm nàng để ý không thấy anh ở nhà, dấu hiệu là không nghe thấy tiếng tắm
rửa oàm oạp phía sau. Từ hôm bắt gặp anh tắm nuy đến nay, Nhàn không dám lên
ban công một lần nào vào buổi chiều nữa.
Nhiều khi nàng nhận ra nàng chỉ nhìn thấy anh ta với một thân thể nâu bóng
cuồn cuộn những bắp thịt chứ không phải bằng bộ quần áo bộ đội cũ kỹ. "Bố
cháu phải ở luôn trong bệnh viện, mấy hôm nay bà cháu mổ" - Cậu con trai
trả lời không mấy mặn mà, làm nàng không dám hỏi cặn kẽ.
Nàng mua hai hộp sữa bột, đứng đợi trước cổng bệnh viện suốt cả buổi chiều.
Nàng đoán không sai, chắc chắn anh phải đi ra ngoài mua cái gì đó. Và nàng đã
gặp anh. "Chị, cám ơn chị" - Anh run run nói, mắt không dám nhìn
nàng. "Không có gì, tôi thật vô tâm, không biết bà cụ lại nặng
thế".
Nàng rủ anh cùng đi ăn chiều. Nàng đã từng ăn cùng với nhiều đàn ông, nhưng
sao lần này nàng lại thấy hồi hộp đến thế. Một bữa cơm bình dân ngoài quán,
nhưng nàng có cảm giác như đang được ăn trong một gia đình. Nàng được gắp thức
ăn mời anh, hỏi anh món này món kia ăn có được không? Tất cả điều này hình như
trước đó là người khác dành cho nàng.
Cơn bão lớn sắp đổ bộ vào thành phố, chỉ trong vòng đêm nay. Đài truyền
hình thông báo khẩn cấp. Tuy nhiên sống giữa thành phố, chẳng mấy ai quan tâm
cho lắm, người ta chỉ sợ nhất là mất điện. Nàng cũng ngại mất điện nên về sớm,
qua chợ mua ít thức ăn chuẩn bị cho bữa chiều và có thể cho cả ngày mai, nàng
cố ý mua cho cả bố con anh hàng xóm.
Trời vừa sập tối, thì những cơn gió mạnh đã va đập những cánh cửa ầm ầm, và
điện vụt tắt. Nàng bật công tắc chiếc đèn tích điện để bàn rồi đóng chặt cửa,
nằm dài trên giường, chẳng còn lo gió thổi tắt đèn như dạo trước. Thật giá trị
nhất chuyến đi Móng Cái vừa rồi là mua chiếc đèn này, chứ không như một lô các
đồ điện tử đã lần lượt giở chứng.
Rồi nàng bỗng bật dậy, xách vội cây đèn sang nhà anh hàng xóm. Khi cửa vừa
mở, chút sáng duy nhất lập lòe trong nhà vụt tắt ngấm, nhưng nàng nhận ra, cậu
sinh viên đang ngồi trước chiếc bàn với ngọn nến vừa tắt còn vương một làn khói
mỏng. "Cháu dùng chiếc đèn tích điện này mà học, cô không làm gì tối nay
cả". Mắt cậu sinh viên sáng lên: "Vâng, cháu cám ơn cô, sáng mai cháu
phải thi hết môn rồi". Nàng quay về, cũng chợt nhận ra, nhà nàng chẳng có
một cây nến nào. Đang mò mẫm nhờ những tia chớp bên ngoài, chợt nàng nghe tiếng
anh hàng xóm đứng trước cửa: "Chị cầm cây nến mà thắp chứ, tối thế biết
lối nào mà lần. Tôi biết chị không trữ nến đúng không?". "Vâng, vâng,
anh cho tôi mượn, để tôi tìm cái bật lửa đã". "Tôi mang sẵn đây, để
tôi thắp luôn cho chị".
Anh bật máy mấy lần nhưng ngọn lửa không đậu được. "Để tôi đóng cửa
cái đã, gió quá" - Nàng vội vàng chạy ra đóng cửa. Nhưng vội thế nào mà
nàng va vào ngưòi anh, làm anh tưởng nàng vấp ngã nên giơ tay đỡ, trong một
tích tắc, nàng đã chạm sát vào người anh, cũng trong tích tắc nàng nhận ra cái
thân thể rắn chắc nóng ran, có mùi xà phòng thơm rẻ tiền nhưng nồng nàn sạch
sẽ. "Ối chết, xin lỗi" - Nàng lập cập nhoài khỏi tay anh, anh rời ra
rồi bỗng dưng níu lại ôm choàng lấy nàng. Hơi thở anh gấp gáp nóng hổi. Nàng
cũng thở gấp gáp nhưng không muốn thoát khỏi anh, nàng áp vào ngực anh, mặc kệ
cho vòng tay anh ghì chặt.
Tất cả diễn ra trong im lặng, chỉ có tiếng thở nhẹ cùng tiếng gió ào ào bên
ngoài, giật tung những chiếc lá khô rơi xào xạc. Vũ điệu của hai đôi bàn tay cứ
mỗi lúc một xoắn xuýt hơn, bấu chặt hơn như không tải nổi cơn cuồng phong trong
hai thân thể. Họ lăn ngay ra cái nền lát gạch hoa lạnh tanh vẫn không dập được
sức nóng của dục tình.
Anh chỉ còn kịp nhoài tay đóng vội cánh cửa rồi lao vào nàng khi đó chỉ còn
là một Eva... "Em..." - "Anh..." - Tiếng nói bật ra khi vũ
điệu cơ thể sắp kết thúc, như tiếng gọi sơ khai của loài người. Hình như bên
ngoài gió đã thôi gào thét, những hạt mưa lộp bộp rơi xuống, bão đã tan, ở
thành phố ít khi phải chịu những cơn bão lớn.
Nàng rã rời như vừa trên thiên đường rơi xuống mặt đất. Anh cúi xuống nói
khẽ khàng: "Chị Nhàn, tha lỗi cho tôi, tôi... tôi không thể kiềm chế
nổi". "Anh về đi" - Nàng quay mặt giấu những giọt nước mắt nóng
hổi từ từ ứa ra.
Đã mấy ngày rồi nàng tránh mặt anh, mà hình như anh cũng vậy. Chẳng lẽ buổi
sáng anh đi thật sớm và cố tình về thật muộn? Mà thực ra nàng đâu có giận anh.
Đã một tuần trôi qua, nàng không thể chịu nổi. "Bố có nhà không, cô muốn
nhờ sửa cái lò vi sóng, nó bị..." - Nàng chưa nói hết câu thì cậu con trai
đã trả lời cộc lốc: “Bố cháu không có nhà". "Vậy khi nào bố
về...".
"Bố cháu không về đây nữa, bố cháu đưa bà cháu về nhà rồi, à cháu gửi
cô cái đèn". "Thôi cháu cứ cầm lấy mà dùng, cô có cái khác rồi".
"Không, cái đèn này ngồi học nhức mắt lắm". "Hay tại hôm đó cháu
học khuya quá, chứ thỉnh thoảng dùng khi mất điện thì ...". "Hôm đó
cháu cũng đâu có dùng, học một lúc thấy nhòe mắt cháu phải tắt đi đấy".
Nàng thấy chân như sắp khuỵu xuống. Nàng cố nói thật tự nhiên: "Thôi, cháu
cứ để đấy, cô về đây".
Nàng nằm trên giường không biết đã bao lâu, nhưng không tài nào ngủ được.
Mắt nàng mở trừng trừng nhìn lên trần nhà. Trên đó là hình ảnh người đàn ông
đang tắm, thân thể bóng loáng lăn tăn những hạt nước đọng trên bờ vai nâu sậm.
Nhiều đêm nàng đã muốn ghì siết lấy cái thân thể ấy.
Không giống với những đêm nàng ân ái với hình bóng người họa sĩ của nàng.
Nó không đẹp đẽ lãng mạn, nhưng lại quá sôi sục và ngọt ngào. Nàng bật dậy và
nàng muốn vẽ, một ngọn lửa đam mê nghệ thuật bùng cháy trong lòng. Tại sao
không phải là một bức người đàn ông tắm nhỉ. Xưa nay người ta cứ bận tâm với
những vẻ đẹp muôn kiểu của đàn bà khỏa thân, mà không biết đến sự khỏa thân của
đàn ông tắm mới tuyệt làm sao.
Nàng biết từ khi là một họa sĩ đến giờ, nàng chưa hề vẽ nổi một bức tranh
nào cho ra hồn. Vậy mà nàng vẫn đang lãnh đạo cả một nhóm họa sĩ có tầm cỡ hẳn
hoi kia đấy. Nàng ngồi bật dậy, lấy giá vẽ và vẽ như lên đồng. Những đường cọ
cứ vung vẩy, lúc miết một cách quyết liệt, lúc lại run rẩy như không dám chạm
vào tấm toan. Đến gần sáng thì nàng gục xuống thiếp đi.
Bức chân dung một người đàn ông vừa như rõ nét lại vừa như nhòe đi trong
làn nước đang chảy từ trên vai xuống. Nàng đi làm mà tâm trạng để hết ở nhà.
Bao giờ về đến nhà nàng cũng vội chạy lại chỗ bức tranh để ngắm, mà như không
phải để ngắm. Nàng hồi hộp muốn xem nó thế nào, như một cậu bé trồng cây, hàng
ngày sốt ruột muốn đến xem cây đã lớn chưa. Nàng cảm thấy như một ngày nào đó
người đàn ông trong bức tranh sẽ bước ra...
Một ngày, nàng đi về và nhặt được một phong thư, không tem, không tên người
gửi, người nhận, nó được nhét vào khe cửa nhà nàng. Trong thư là một dòng chữ
rắn rỏi:
"Chị Nhàn, tôi đã trả nhà và dọn
về quê rồi. Tôi biết chị giận tôi lắm vì tôi đã không gặp chị để chào một lời
từ biệt. Nhưng có lẽ như vậy tốt hơn cho chị. Tôi ra đi thực sự rất thương chị,
và cả nhớ nữa, mặc dù có thể chị không thèm tình thương của tôi. Nhưng điều này
tôi phải nói. Tại sao chị phải như vậy. Tại sao chị không sống đúng với bản
thân mình. Tôi luôn mong chị có một hạnh phúc mà đáng ra chị phải có. Tha lỗi
cho tôi.
Chào chị".
Nàng lại chỗ bức tranh, gạt tấm vải phủ. Người đàn ông đẹp như tượng thần
Davit, nhưng quay lưng lại phía nàng. Vẫn chỉ là bức tranh. Nó không bao giờ
trở thành cái thân thể đã đem lại cho nàng những giây phút ngọt ngào, sự rung cảm
đê mê của thể xác, cái niềm sung sướng mà bao nhiêu năm nàng vẫn chỉ tưởng
tượng mơ hồ. Nàng cũng chợt hiểu rằng vì sao người họa sĩ năm xưa đã không vẽ
trọn bức tranh nàng khỏa thân và ra đi không hề trở lại.
*.
NGUYỄN CẨM HƯƠNG
Địa chỉ: 248 Trần Phú, phường Ba Đình
thành phố Thanh Hoá, Thanh Hóa
Điện thoại: 091.203.0414
.
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 12.08.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét