NHỮNG “SỢI DÂY” NÍU GIỮ HẠNH PHÚC - Tác giả: Trần Tiến (Hà Nội)

Leave a Comment

NHỮNG “SỢI DÂY” NÍU GIỮ HẠNH PHÚC
                                                 .

Tình yêu là nơi khởi nguồn của hạnh phúc gia đình. Xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, vì các cụ ít coi trọng tình yêu đôi lứa sẽ làm nền tảng cho mái ấm gia đình, còn ngày nay, cuộc sống hiện đại người ta bàn về tình yêu như một đề tài muôn thuở. Tình yêu đưa đôi trai gái gần gũi nhau hơn, giúp họ vượt qua những trở ngại để tiến tới hôn nhân, xây dựng mái  ấm gia đình. Tình yêu là gì? Là sự hoà hợp sự thích thú, sự rung động giữa hai  người nam và nữ. Qua tương tác tìm hiểu, họ càng thấy thích thú, mong muốn sống bên nhau. Tình yêu trong hôn nhân, ban đầu đôi lứa tự do luyến ái  nhờ yêu nhau mà tiến tới hôn nhân và tình yêu vẫn tồn tại trong hôn nhân hạnh phúc. Có thể đến khi đã lấy nhau, tình yêu chuyển dạng sang một thứ tình cảm khác mà không đơn thuần như tình yêu tiền hôn nhân, nhưng tình yêu đã làm cho vợ và chồng gắn kết với nhau hơn, nhìn nhau bằng con mắt cảm thông hơn.
Theo một số nhà tâm lý tình yêu chỉ tồn tại khoảng 5 năm chung sống đầu tiên, rồi chuyển dạng thành tình thương đặc biệt, trách nhiệm đặc biệt. Các cụ vẫn nói: “Không còn tình thì còn nghĩa”, để chỉ đời sống tình cảm của hai vợ chồng sau khi tan vỡ là thế. Mặt khác tình yêu đôi lứa ban đầu kể cả trai cả gái đều mong muốn sống bên nhau, lãng mạn, mơ mộng nhiều hơn khi bước vào hôn nhân. Bước vào hôn nhân trải qua thời gian chung sống, họ nhìn thấy cả những thói xấu của nhau, có những đối lập về quan điểm về lối sống khiến tình yêu trong họ giảm đi, hoặc cùng với thời gian trái  tim họ đã no đủ tình yêu giờ nguội lạnh dần. Đó là một quy luật chuyển biến của tình cảm không thể tránh khỏi. Tuy nhiên sợi dây bền chắc và cụ thể hơn níu giữ con người  là tình thương và trách nhiệm.

- Tình thương
Qua giai đoạn yêu đương cuồng nhiêt họ có thời gian để gần gũi nhau hơn, nhìn kĩ nhau hơn. Giữa họ, những con người  có thể còn e dè xa lạ, giờ bỗng tiếp xúc với nhau nhiều và có nhiều mối  quan hệ, mối quan tâm ràng buộc nhau khiến họ thương nhau hơn. Thương nhau nên họ thương cả những thiếu sót, khiếm khuyết của nhau. Chấp nhận sống với nhau đến trọn cuộc đời.
Có gia đình mà người vợ không có khả năng sinh con nhưng người chồng thương vợ vẫn sẵn sàng chung sống với vợ đến hết cuộc đời. Hoặc có người vợ sẵn sàng chung thuỷ với người chồng bị tai nạn làm méo mó khuôn mặt, hoặc người chồng vì những lý do nào đó mà không còn khả năng để “làm đàn ông”…
Nhưng cũng thật oái oăm, có những người vợ, khi chồng ốm đau không thèm quan tâm, chăm sóc. Chồng đau nhức xương cốt không đi lại được cũng không thuốc men, cơm nước mà chỉ lo đi chơi bời, trong khi chồng là trụ cột chính của gia đình, lo lắng, bao bọc vợ con hết lòng. Chồng có phàn nàn thì gân cổ: - "Anh còn trẻ con nữa đâu mà cần người phục dịch. Anh đừng làm to chuyện khi chuyện chỉ bé như con muỗi." Người chồng ấy, sau vài lần như vậy buộc phải nhờ nhân viên chăm sóc cho mình những khi ốm đau, mỏi mệt. Một người vợ không quan tâm, lo lắng cho chồng lại lấy thú vui chơi làm đầu thì làm sao gia đình có hạnh phúc? Một gia đình như thế làm gì có chút hương vị của tình yêu? Theo thiển nghĩ của chúng tôi, cuộc hôn nhân nào cũng vậy, nếu không có tình yêu (chí ít nhất cũng là tình thương) thì sớm hay muộn cũng buộc phải nói lời chia tay. Đó là hậu quả tất yếu của những cuộc hôn nhân kết nối không phải bằng tình yêu mà bằng những toan tính của đời thường.
Muốn gia đình hạnh phúc, lẽ tất nhiên, người  phụ nữ phải là người hiền thục, hết lòng vén vun cho mái ấm gia đình, làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ. Còn người chồng, bên cạnh việc đảm đương vai trò "cột cái" của gia đình, phải biết đồng cảm những vất vả, cực nhọc, sự hy sinh vì chồng con của người vợ. Tình thương chan hòa giữa các thành viên trong gia đình sẽ làm nên độ bền vững của mái ấm gia đình.

- Tác giả Trần Tiến và phu nhân Đặng Thị Hồng Rỡ -
- Trách nhiệm
Nhiều gia đình đứng bên bờ vực của sự đổ vỡ vẫn có thể được cứu vãn khi các thành viên có trách nhiệm với  nhau. Dù người  vợ không còn yêu chồng thậm chí ghét chồng vẫn chấp nhận hy sinh cuộc sống của mình vì con cái. Hoặc ngược lại, người chồng không thể tha thứ cho sự lăng loàn, thói mất nết của người vợ, nhưng vì con cái vẫn “cắn răng chịu đựng”, coi như mình ngu, mình “hèn” để cho con cái được hạnh phúc.
Nhưng oái oăm thay, bên cạnh những người  phụ nữ như vậy, còn có một vài người phụ nữ khi tình yêu dành cho chồng không có (hoặc đã hết) thì cư xử với chồng thật tệ bạc: nói xấu chồng trước mặt con cái, người thân, thậm chí còn vu oan cho chồng, bắt con mình phải nói sai sự thật về chồng. Tồi tệ hơn, có người vợ còn tìm mọi cách để ly gián con mình với chồng và gia đình nhà chồng. Ngay đến ngày giỗ bố chồng, mẹ chồng, người vợ cũng cố tạo lý do để không chỉ riêng mình mà cả con mình cũng vắng mặt cho chồng "bẽ mặt". Nếu người chồng có đả động đến chuyện đó thì cô ta sẽ tiếp tục gây sự bằng cách cố tình dựng nên lý do để nguỵ biện, để đổ tội cho chồng một cách trắng trợn, mà điều đó cô ta thừa biết, những người đàng hoàng, tự trọng sẽ không bao giờ cư xử như vậy.
Người chồng dù không còn yêu vợ nhưng vì nghĩ đến trách nhiệm với gia đình mà vẫn gắng gượng chịu đựng; dù vợ chồng xô xát vẫn không nỡ phá vỡ cuộc sống gia đình để tìm tổ ấm khác. Có gia đình, người chồng hết lòng vì vợ vì con, mải  mê với sự nghiệp chỉ mong muốn vợ con mình được hạnh phúc, đủ đầy nhưng người vợ chỉ nghĩ đến hưởng thụ, chơi bời, không ngó ngàng đến việc nhà, chăm chăm ăn chơi phè phỡn, dù chồng vất vả tối ngày cũng không thèm đoái hoài, thậm chí, cả ngày đi "đàn đúm", cơm canh chồng phần "không thèm ăn" còn cho là "ngứa mắt" rồi kiếm cớ gây sự với chồng. Người chồng có mắng sự vô lối của người vợ thì cô ta kiếm cớ chửi lại, rồi xông vào đánh chồng. Một người phụ nữ như vậy thì làm sao có thể giữ được hạnh phúc gia đình? Làm sao có thể được coi là phái đẹp: dịu dàng và nhân hậu? May thay, trong xã hội, đó chỉ là hiện tượng cá biệt, kiểu con sâu làm rầu nồi canh khi mạn đàm về tố chất tốt đẹp của người phụ nữ. Còn người chồng trong trường hợp như vậy thì sao? Có người thì sẽ "thẳng tay cho biết lễ độ" rồi đường ai nấy đi. Có người thì nhẫn nại  chịu đựng vì tương lai của con cái. Nhưng theo thiển nghĩ của chúng tôi, những người tiếp tục kéo dài cuộc hôn nhân chỉ còn trên danh nghĩa với những người vợ “độc nhất vô nhị” đó chỉ còn tính theo năm, theo tháng, dẫu anh ta có yêu con cái đến mức nào!
Lại có trường hợp, người vợ hỗn láo với chồng, sau đó để bảo vệ mình liền vu oan, nói xấu chồng đủ điều để bôi nhọ thanh danh và tìm cách mọi cách trả thù chồng, mặc cho lỗi lầm của bản thân quá lớn, mặc cho sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình do chính mình gây ra.
Để giữ được hạnh phúc gia đình, đương nhiên không thể có hình bóng người vợ xấu xa như trên, dù chỉ là phảng phất đôi chút. Người  phụ nữ trong cuộc sống gia đình có trách nhiệm hơn người đàn ông nhưng đó là trách nhiệm ràng buộc người chồng bằng tứ đức: công - dung - ngôn - hạnh mà ông cha ta đã đúc kết.

- Sự tôn trọng lẫn nhau
Mặc dù Khổng Tử coi: “Tiểu nhân và đàn bà là hạng khó bảo” nhưng khi bàn về quan hệ vợ chồng thì ông lại đề cao sự tôn trọng lẫn nhau trong tình chồng nghĩa vợ: - “Vợ chồng quý nhau như khách”. Quan điểm đó được người xưa trân giữ khi xét tới mối quan hệ vợ chồng. Ngày nay sự tôn trọng ấy phải được hòa quện với sự gần gũi. Vợ chồng phải tôn trọng nhau như chính bản thân mình thì mới đạt được sự hoà hợp.
Một số ít phụ nữ, khi nói chuyện với bạn về chồng, thường dùng những từ ngữ thô thiển, hạ thấp nhân cách của chồng bằng những câu: "Ôi dào, cái thằng nhà quê, chó ngáp phải ruồi, may mắn mới được vậy.", hay "Cái thằng nhà quê ăn cân sắt thải ra cân đinh, chẳng được tích sự gì ngoài tính tinh vi, bủn xỉn. Kệ cha lão, rồi sẽ có ngày tôi cho lão ra đê mà ở." Cô ta không thể ngờ những người bạn “nối khố” đó vì bất bình thay anh chồng nên đã kể lại cho người chồng nghe. Người thứ nhất, người thứ hai, thứ ba tâm sự, người chồng có thể to tiếng lại với họ vì cho rằng đó là chuyện thị phi, đơm đặt, nhưng rồi theo năm tháng, nghe quá nhiều và chứng kiến cũng không ít lối cư xử của người vợ mà người chồng giật mình, hãi sợ.
Thậm chí, có người vợ, khi nhân viên của chồng khen ngợi tài năng, đức độ của chồng là quay ra dè bỉu, chê bai chồng đủ điều, rồi ca thán mình như thế này mà lấy ông chồng “nhà quê gàn dở”, thua kém quá xa chồng của chúng bạn ...v.v và v.v... Rõ ràng, sự ngộ nhận về bản thân, sự vô lối trong nhận thức và sự thiếu hụt trong văn hóa của một số phụ nữ đã đẩy gia đình họ, lẽ ra sẽ là một gia đình lý tưởng đến sự đổ vỡ, chia tay.
Đã là vợ chồng phải biết sống vì nhau, vì tương lai của con cái. Sự so sánh, đòi hỏi về người chồng phải như thế này, như thế nọ, lại không ngẫm xem mình đã làm tròn bổn phận bằng những người vợ của những gia đình khác chưa, thì thật đáng trách. Càng đáng trách hơn khi người phụ nữ ca thán rằng: “Lẽ ra chồng tôi phải là người như thế này ... chứ không phải là anh” mà không nghĩ một điều người chồng cũng đang chết điếng người vì sự sai lầm, vội vàng trong việc chọn vợ. Anh ta có quyền đòi hỏi vợ của anh ta phải thế này, thế khác nhưng anh ta lặng im vì anh ta hy vọng rồi người vợ sẽ thay tâm đổi tính, sẽ làm tròn bổn phận của người làm vợ, làm mẹ, và điều quan trọng nhất, anh ta không muốn gia đình tan vỡ, con cái sẽ bị thiệt thòi về tình cảm. Sự cam chịu của người chồng trong trường hợp này có thể lý giải: đó là sự nhẫn nhục chịu đựng vì tương lai của con cái. Nhưng thưa bạn, sự chịu đựng đó sẽ kéo dài được bao lâu?
Cổ nhân từng nói: Nhân bất thập toàn nên làm vợ phải biết quý trọng những điều tốt đẹp, hơn người của chồng, không được soi mói, tỏ thái độ khinh khi những khiếm khuyết của chồng. Phải tự nhìn nhận đánh giá thật khách quan về con người mình mà trân trọng những gì mình đang may mắn có được, đừng mơ mộng hão huyền những gì không phải của mình, không thuộc về mình. Làm được vậy, người phụ nữ mới làm chủ được gia đình, thực sự tạo dựng được một gia đình hạnh phúc.
Sự hoà hợp giữa vợ và chồng, giữa các thành viên với nhau sẽ đưa gia đình đến hạnh phúc. Nếu coi thường vợ bởi những nguyên nhân như phận nữ nhi, hoặc vợ coi thường chồng bởi kì thị dòng tộc, xuất thân hoặc so bì chồng mình với người khác đều là không nên. Ca dao có câu:
Chồng em áo rách em thương
Chồng người  áo gấm xông hương mặc người
Sự thương quý ấy là sự tôn trọng, đặc biệt không so bì với người khác. Có được sự tôn trọng nhau sẽ giảm được nhiều mâu thuẫn và hoà hoãn được những mâu thuẫn. Nhiều khi mâu thuẫn rất nhỏ nhưng vì thiếu tôn trọng nhau, mâu thuẫn trở nên lớn hơn. Do đó rất cần sự tôn trọng nhau trong đời sống vợ chồng.

- Sự hoà hợp - tương xứng
Sự hoà hợp là tiền tố quan trọng cho một tình yêu bền vững. Hoà hợp ở các lĩnh vực (bao gồm hoà hợp về tình dục), tiến tới hoà hợp mọi lĩnh vực là điều kiện quan trọng cho hai người hoà quện làm một và là sợi dây bền chặt cho đời sống vợ chồng.
Sự hoà hợp có thể bắt đầu từ sự tương xứng. Sự tương xứng là sự ngang bằng nhau nhưng xét trên góc độ tương đối và có sự can thiệp của tình cảm. Nó không nhất thiết phải  1 +1 = 2 mà có thể chỉ là một sự tương ứng tương đối  nào đó để không đến nỗi trở thành “đôi đũa lệch so sao cho bằng”. Nếu người chồng vất vả đêm ngày kiếm tiền nuôi  vợ nuôi con thì người vợ ngoài việc vun vén cho mái ấm gia đình còn phải hiểu và quan tâm tới  chồng nhiều hơn.
Trong gia đình hiện đại, sự hoà hợp, tương xứng về trình độ văn hóa, khả năng giao tiếp và tính cách giữa vợ với chồng là điều cần có, phải  có. Với những gia đình có chồng là người thành đạt ở một lĩnh vực nào đó, thì yêu cầu này trở thành quan trọng nhất.
Nếu một gia đình mà người chồng miệt mài  lo lắng cho hạnh phúc gia đình còn người vợ chỉ mải mê hưởng lạc thú cho riêng mình; một gia đình mà người chồng luôn tôn trọng sự thật còn người vợ lại luôn cố tình bóp méo sự thật; một gia đình mà người chồng mải mê kiếm tiền lo cho mái  ấm gia đình còn người vợ luôn tìm cách gây “quỹ đen” cho mình ... thì đương nhiên đó không thể gọi là gia đình, mà chỉ là địa ngục đang đày ải người chồng, không hơn không kém. Tất nhiên, sự tồn tại của nhữnggia đình kiểu như thế sẽ chỉ tính theo ngày, theo tháng.
&
Trên đây là những yếu tố là sợi dây bền chắc níu giữ gia đình bền chặt, nó xuất phát từ cả chủ quan và khách quan. Nếu là người phụ nữ yêu quý gia đình, hơn ai hết, bạn phải hiểu rõ những yếu tố cơ bản mà chúng tôi vừa mạn đàm.
.
*.
TRẦN TIẾN






.
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 19.01.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét