(Nguồn ảnh: Internet) |
GỬI NGƯỜI VIẾT
BÀI:
LỆCH CHUẨN HAY LỆCH
TÂM
Một sớm đến toà soạn, anh bạn
tôi đưa cho tờ báo “Có bài viết về ông đây!” nhìn bạn tủm tỉm tôi hơi lạ. Cầm
tờ phụ san “Văn nghệ Quân đội” giở đọc mới hay, một người tôi chưa được nghe
tên bao giờ đã viết bài “Lệch chuẩn hay lệch tâm” bàn về văn chương nhưng lời
lẽ bỗ bã, ngổ ngáo như thể ngôn ngữ chợ giời… Bài viết của ông ta định phủ nhận
quyển tiểu luận “Cảm nhận thi ca” của Trần Văn Lý đang được dư luận khen chê…
không tìm ra lý luận thuyết phục gì, lại quay sang mạt sát tôi là kẻ có tên
trong sách… Càng đọc càng buồn cười vì thứ văn chương như vậy mà được một tờ
báo đứng đắn cho in!
Rồi một lần có việc qua tạp
chí Văn nghệ Quân đội, gặp nhà văn Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân. Anh cười nói
rằng: “Vì mình đi công tác vắng nên mới xảy ra việc này, sẽ cho họp kiểm điểm
rút kinh nghiệm!”. Và anh đề nghị tôi viết lá thư ngỏ dưới đây.
Tôi chưa biết ông là ai, và có lẽ ông chưa hiểu thơ tôi nên ông mới dùng những
từ ngữ hài hước, mạt sát tôi và những nhà thơ trong bài viết của ông đến vậy.
Việc viết sách công bố chính kiến, việc đem lý luận phê bình nhằm gợi mở
những thưởng thức cho độc giả, công nhận hay bác bỏ chính kiến khác là quyền
của mỗi người, của mọi người, đã thành nếp sống văn hoá được pháp chế bảo vệ.
Việc ông không công nhận luận điểm mà quyền “Cảm nhận thi ca” của Trần Văn Lý
trình bày, ông có thể phủ nhận hoặc bác bỏ nhưng phải thông qua lý luận của
mình để thuyết phục người đọc. Sao ông lại nhằm vào tôi, một nhà thơ được Trần
Văn Lý ca ngợi để nổ súng?
Hơn nửa năm nay một số nhà thơ đã công kích tôi, viết bài, tham luận, in
báo, nhưng là ở những tờ báo không văn chương gì… Những nhà thơ công kích tôi
thì còn hiểu được vì họ nhầm tưởng có chiếc ghế nhà thơ lớn thế kỷ 20 Trần Văn
Lý đã kê tôi ngồi mất còn ông thì vì lý do gì mạt sát tôi thậm tệ đến vậy. Lại
được tờ phụ san “Tạp chí Văn nghệ Quân đội” một tờ báo văn
chương đứng đắn lâu nay lại duyệt cho in.
Trong bài “Lệch chuẩn hay lệch tâm” này, ông nhằm
xác lập lại “chuẩn”, “tâm” cho văn hoá, văn chương mà ông lại đem những hình
tượng ngôn ngữ thiếu văn hoá, văn chương đến vậy? Vì danh dự tối thiểu của
mình, với lòng tôn trọng độc giả yêu thơ ca bởi vẻ đẹp cao sang, tôi buộc phải
viết những dòng này.
Tôi xin trích ra đây vài câu, để ai chưa đọc bài viết “Lệch chuẩn hay lệch
tâm” của ông sẽ thông cảm cho tôi, muốn lặng yên mà không yên lặng được:
“…nhiều người không hề có khả năng
thực hiện quyền phê bình của mình đã nhảy ra ngồi xổm trên các mặt sách báo”.
“…xếp một người mà
thơ ít được biết đến (…) cùng trong một cái rọ với Hàn Mặc Tử tiên sinh”.
Để chê tác giả Trần Văn Lý dám ca ngợi năm nhà thơ: Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu,
Nguyễn Bính, Tố Hữu, Chử Văn Long ông đã viết: “Không thể là nhốt một con đại bàng, một con phượng hoàng cùng với vài
ba chú gà què chuyên ăn quẩn cối xay”.
Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, đã thành người thiên cổ, còn những ai
là vài ba chú gà què ăn quẩn cối xay? Câu ngạn ngữ “gà què ăn quẩn cối xay” chỉ
dùng cho kẻ ăn mày, ăn xin, la liếm, trộm cắp vặt… mà cũng còn phải đắn đo
trước khi thở ra lời, bởi kẻ ăn mày, ăn xin nhiều khi là số phận đâu hẳn là
xấu. Liệu ông có thể chứng minh, ai trong những nhà thơ trên đã làm điều gì
không tốt đẹp cùng đất nước này?
Còn về học thuật ông bàn “…Một bộ
phận công chúng còn chưa rành rẽ am hiểu văn chương nhưng lại chuộng lạ, nghiện
sách như nghiện ma tuý…”. Hoặc ông ví người viết không hợp ý ông là kẻ đốt
đền. Đọc lại chính bản thân ông cũng sẽ thấy bất ổn theo cách nói thuận mồm này
lại tưởng ví von hay… bởi nghiện sách đâu có xấu. Và ai có thể đốt nổi “ngôi
đền văn chương” đích thực? Có lẽ ông vẫn chưa hình dung được ngôi đền ấy rộng,
hẹp thế nào mới nói ào như vậy, như sợ cháy đền!
Khi viết “Lệch chuẩn hay lệch tâm” liệu ông có xác định được tâm thơ hiện
nay ở đâu? Và chuẩn của thơ đang áp dụng chuẩn gì, bắt đầu từ bao giờ? Chuẩn
của ông đang vận động hay đứng yên, cố định? Trong khi quan niệm, nhận thức
thông qua cảm xúc về cái đẹp cái hay của văn chương mỗi thời đại lại sàng lọc,
kế thừa, tiếp nhận và làm phong phú thêm những cảm nhận của con người. Chữ
“chuẩn” mà ông và một số người quen dùng không chứa nổi nội dung kia.
Người cầm bút, trước tiên phải cố biết mình, thận trọng nói về người khác.
Nên tôi không nhận xét gì về khả năng “lý luận, phê bình” của ông. Còn tôi luôn
ý thức, mình - một anh chàng chân đất bước vào làng văn (chân đất theo đúng
nghĩa đen của nó). Ngày hai lượt đạp xe hơn hai mươi cây số từ ngoại thành vào
Hội Văn nghệ Hà Nội , phố Hàng Buồm làm việc. Ngày nào cũng qua ngả rẽ nghĩa
trang Văn Điển. Ngày nào cũng gặp tiếng khóc biệt ly của những con người. Tiếng
khóc dễ làm ta sụp xuống. Tôi đã phải gồng mình lên cố tìm lại nụ cười. Hơn hai
chục năm đạp xe đã cho tôi mấy câu thơ:
Hà Nội lấy Văn
Điển lập nghĩa trang
Người Hà Nội từ
lâu kiêng nói về Văn Điển,
Tôi hàng ngày hai
lần đạp xe đi về qua đất chết
Có lẽ mình bất tử
cũng nên!
Ai mà bất tử cho được! Nói vậy để vui, để động viên mình, động viên con
người: Dù khổ đau đến đâu vẫn cứ nên hy vọng mà sống. Còn tài năng thi ca ở
đời, sau ảo ảnh vinh quang, tôi nhìn thấy cái giá phải trả cho những câu thơ
tuyệt vời là lớn lắm! Nhiều khi phải đổi cả cuộc đời mình. Không ai có thể
giành giật cạnh tranh.
(*) Thư ngỏ - Văn nghệ quân đội, phụ san số 68
tháng 6/2000)
Ghi thêm: Sau bài viết này,
hơn một năm sau, tôi có công việc ghé qua báo “Sức khoẻ và đời sống”. Tôi đang
ngồi ở bàn tiếp khách, một người gương mặt có những nét riêng gây ấn tượng cho
ai mới gặp lần đầu, đi ngang qua nhận ra tôi, anh ồ lên vui vẻ, tất bật sai
người pha nước tiếp tôi rồi nồng nàn cười phá vô tư giới thiệu là tác giả bài
viết: “Lệch chuẩn hay lệch tâm”. Tôi từ tốn nói: “Người mạt sát tôi là ông đấy
ư?”. Anh ta cười nói cứ như chơi: “Tôi chửi anh làm cho anh nổi tiếng đấy mà!”.
Nghe đến đấy thì cả tôi cũng bật cười, đúng như các bậc tiền nhân đã dạy: Có lẽ
suy cho cùng thì văn chương cũng là một cuộc chơi, chỉ có người chơi sang,
người chơi nhảm…
*
CHỬ VĂN LONG
Địa
chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.
Điện thoại: 01658818263
Email: haicv08@gmail.com
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 31.01.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét