Truyện vụ án: CÁI CHẾT THẢM THƯƠNG CỦA MỘT SIÊU NGƯỜI MẪU - Tác giả: Phương Việt Kháng (Quảng Ninh)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
Truyện vụ án: 
CÁI CHẾT THẢM THƯƠNG CỦA
SIÊU NGƯỜI MẪU

*
Tháng 11-1976, một siêu người mẫu gốc Pháp đồng thời là thành viên của lực lượng du kích cánh tả chống lại chế độ độc tài quân sự đã bị mật vụ Argentina bắt giữ, cưỡng hiếp rồi tra tấn đến chết và vứt mất xác. Tháng 8-2000, tức là 24 năm sau, thủ phạm trực tiếp gây ra vụ sát hại này đã bị bắt giữ tại Ý về tội danh diệt chủng. Đến tháng 4-2001, y bị dẫn độ sang Pháp để trả lời trước pháp luật về tội đã trực tiếp gây nên cái chết của 13 công dân Pháp đang sinh sống tại Argentina vào thời kỳ đó, trong đó có siêu mẫu Marie Anne.
Siêu mẫu Marie Anne Erize sinh trưởng trong một gia đình miền Nam nước Pháp, cả gia đình cô đều sinh sống tại Argentina hồi đầu thập niên 50. Vì có một khuôn mặt đẹp, thân hình mảnh mai, lại giỏi ca hát nên năm 1971, khi mới 19 tuổi, Marie Anne đã trở thành một siêu người mẫu không những nổi tiếng ở Argentina mà cả vùng Mỹ Latinh và được tạp chí thời trang Siete Dias trao tặng danh hiệu "Siêu người mẫu hấp dẫn nhất năm 1972". Mặc dù đã ở đỉnh cao của nghiệp thời trang, có đầy đủ điều kiện về vật chất nhưng Marie Anne vẫn không quên quá khứ nghèo khổ của gia đình trong thời gian đầu mới nhập cư đến Argentina. Đặc biệt cô không thể quên sự giúp đỡ quý báu của láng giềng trong khu ổ chuột Mouroe ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires nơi gia đình cô sinh sống. Bởi vậy, Marie Anne luôn đi đầu trong các chương trình công tác xã hội do lực lượng cánh tả đối lập với chế độ độc tài quân sự đang cai trị Argentina lúc đó tổ chức. Năm 1973, Marie Anne quyết định từ chối một hợp đồng quảng cáo độc quyền cho Công ty nước giải khát Coca-Cola của Mỹ trị giá hàng triệu USD để dấn thân vào hoạt động xã hội.
Đến năm 1974, siêu mẫu Marie Anne chuyển đến sống tại thị trấn Belgrano, phía Bắc thủ đô Buenos Aires. Sau vài tháng, cô hoàn toàn chinh phục cảm tình của giới lao động nghèo tại thị trấn ổ chuột này. Cũng chẳng biết từ bao giờ trong cô đã hình thành tư tưởng phản kháng lại chế độ độc tài đang cai trị Argentina với "bàn tay sắt", nhất là từ mùa hè năm 1974 khi cô gặp người đàn ông của đời mình là Daniel Rabanal, một chỉ huy du kích cánh tả Montoneros. Bắt đầu từ thời điểm này, hai người di chuyển từ khu ổ chuột này đến khu ổ chuột khác để gây dựng phong trào du kích. Năm 1975, cả hai được cấp trên điều động đến hoạt động tại thành phố Mendoza, cách thành phố Buenos Aires vài chục km. Sau đó vài tháng, Marie Anne nhận được lệnh quay về thủ đô để hoạt động hợp pháp trong vai trò một hướng dẫn viên của Công ty du lịch Sol Jet. Đây cũng là lần chia tay định mệnh của cặp tình nhân Marie Anne và Rabanal, vì đến tháng 2-1976 Rabana bị mật vụ "Inteligencia" của thành phố Mendoza bắt giữ và tuyên án 8 năm tù biệt xứ.
Mặc dù vô cùng đau đớn, nhưng Marie Anne vẫn cố nén đau thương để quay về thành phố San Juan hoạt động trong lực lượng du kích Montoneros có quân số đông đến 200 người. Tháng 3-1976, mặc dù mới 24 tuổi nhưng Marie Anne đã là một trong những chỉ huy du kích ở San Juan với mật danh "Lucia". Tuy nhiên, nếu như hoạt động của Marie Anne càng sôi nổi chừng nào thì hồ sơ nằm tại Cơ quan mật vụ Inteligencia của thành phố San Juan càng dày lên chừng đó.
Các nhân viên mật vụ, dưới sự điều hành của viên sỹ quan cảnh sát đặc biệt Jorge Olivera, ráo riết truy lùng, bắt giữ du kích và cả những ai có cảm tình hay chứa chấp người của lực lượng Montoneros. Tháng 5-1976, mẹ của Marie Anne là bà Francisca đã từ Buenos Aires lặn lội đến tận San Juan. Bà biết con gái mình đang đối mặt với nguy hiểm nên đã lặn lội tới tận đây để van nài con gái nên trốn về Pháp để tránh sự truy lùng của mật vụ nhưng đều gặp sự cương quyết từ chối của cô.
Đến tháng 9-1976, sau chuyến thị sát của viên tướng chỉ huy chính phủ độc tài quân sự tại Argentina là Jorge Videla tại thành phố Suan Juan thì các cuộc truy nã, bắt giữ, bố ráp càng diễn ra khẩn trương hơn. Trưa ngày 15-10-1976, khi Marie Anne từ một cửa hàng bán xe đạp nằm ở góc đường Hacha và Tapia - một cơ sở liên lạc của du kích băng qua đường thì bị bắt giữ bởi một nhóm mật vụ do chính Jorge Olivera chỉ huy. Sau đó, người ta giam giữ Marie Anne tại Trại cải huấn La Marquesita của lực lượng Inteligencia. Ngay tối hôm đó, Juan Carlos Campora, giáo sư đại học và là cảm tình viên của du kích cũng bị bắt giữ bởi mật vụ Inteligencia vì tội đã chứa chấp Marie Anne, sau đó ông bị thủ tiêu mất xác. 6 ngày sau khi Marie Anne bị bắt, tại thủ đô Buenos Aires, một nhóm mật vụ đã đột nhập vào căn hộ của cha mẹ Marie Anne. Bọn chúng khống chế cả gia đình bằng súng rồi lục soát lấy đi tất cả hình ảnh, tư liệu, tài sản có liên quan đến Marie Anne. Cũng kể từ đó, Marie Anne - siêu người mẫu nổi tiếng và là nữ chỉ huy du kích Montoneros xinh đẹp - không còn hiện diện trên thế gian nữa.
Mãi tới tận năm 1985, tội ác của một số nhân vật trong chính phủ độc tài trước đó mới được đưa ra ánh sáng công lý để xét xử, tuy nhiên tất cả bọn họ đều được xoá tội bởi Luật khoan hồng của chính phủ mới ban hành vào năm 1987. Mặc dầu vậy, đối với Chính phủ Pháp thì tội ác của mật vụ Inteligenci gây nên cái chết bí mật cho 13 công dân Pháp - trong đó có Marie Anne - vẫn luôn được quan tâm theo dõi trong một hồ sơ đặc biệt để săn lùng 140 nhân viên mật vụ Inteligencia, do quan toà hình sự Le Loire phụ trách.
Một ngày đầu tháng 8-2000, quan toà Le Loire đột nhiên chú ý tới một cuộc phỏng vấn do Đài truyền hình TF1 thực hiện đối với một luật người Argentina. Vị luật sư này đã đích thân đến tận thành phố Strasbourg của Pháp đệ đơn kiện lên Toà án liên minh Châu Âu về việc vi phạm nhân quyền của cựu nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher trong vụ đưa quân chiếm đóng quần đảo Malouines của Argentina vào đầu thập niên 80. Ông ta cho biết tên mình là Jorge Olivera, trước đây chỉ huy lực lượng cảnh sát mật vụ Inteligencia ở thành phố San Juan vào thập niên 70. Ngay lập tức, những thông tin cũng như lý lịch tư pháp của viên luật sư Jorge Olivera được Toà đại sứ Pháp ở Argentina xác định rồi kết luận đây chính là tên tội phạm diệt chủng. Jorge Olivera chính là kẻ đã trực tiếp gây nên cái chết và mất tích của 80 người trong thời kỳ hắn ta còn là chỉ huy lực lượng Inteligencia ở thành phố San Juan. Ngày 20-8-200 lệnh bắt giữ Jorge Olivera đã được ban hành đến tận Ý khi y và vợ đang ở đó tham quan. Hai ngày sau, Cảnh sát Ý đã bắt giữ hắn ta về tội danh diệt chủng theo lệnh của Toà án Pháp.
Sau khi biết tin này, hàng chục người ở thành phố San Juan sẵn sàng bỏ công ăn việc làm sang tận Pháp và Ý để làm nhân chứng kết tội Jorge Olivera. Hai cha con ông Domingo Palacio, người chủ cửa hàng xe đạp tại góc đường Hacha và Tapia đã tố cáo đích danh Olivera trực tiếp chỉ huy vụ bắt giữ Marie Anne. Ngoài ra còn có Eloy Camus - cực nhân viên mật vụ đã bỏ sang hàng ngũ phe du kích Montoneros vào năm 1977 cho biết, ông sẵn sàng làm nhân chứng để tố cáo hành vi cưỡng hiếp, tra tấn rồi thủ tiêu Marie Anne với sự tham gia trực tiếp của Olivera.


Mời thư giãn với nhạc phẩm THẬT BẤT NGỜ
của MewAmazing, qua tiếng hát Trúc Nhân:
*.
PHƯƠNG VIỆT KHÁNG
Địa chỉ: Lô nhà số 5, phường Trần Hưng Đạo,
thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Email: datinh_1974@yahoo.com

..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 14.03.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét