(Nguồn ảnh: Internet) |
ẨN
SĨ GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Trong đội ngũ
những người cầm bút những năm đầu thành lập Hội Văn nghệ Hà Nội , Nguyễn Quốc
Thái thi thoảng xuất hiện thơ và bài viết in trên các báo chí, còn thì làm nghề
kiếm sống bằng bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc gia truyền.
Bỗng dưng năm 1995
anh cho ra đời cuốn sách “Hán tự giải mã thư”, ở Nhà xuất bản Văn học. Giám đốc
xuất bản, lúc ấy là nhà thơ Lữ Huy Nguyên, một người chín chắn và mạnh dạn, dám
chịu trách nhiệm để ủng hộ cái mới, đã góp ý cho tác giả một cách khéo léo, bên
cạnh đề từ chữ Hán trên, ghi thêm dòng chữ nhỏ bằng tiếng Việt: ”Một phát hiện
hay là trò chơi khiêm nhường”, vậy mà vẫn bùng nổ cuộc tranh luận quyết liệt
với nhiều người có địa vị thâm niên trong lĩnh vực Hán học. Người ủng hộ sự táo
bạo của anh thì hoan nghênh việc anh dám đưa ra luận cứ, tìm cấu trúc, cấu tạo
của chữ Hán… Theo phương pháp này có thể đọc và học chữ Hán tương tự đọc ghép
vần của chữ La tinh. Nếu trước đây học theo lối cũ, học giả Trung Hoa biết
nhiều chữ nhất cũng không biết quá mười ba nghìn chữ như Quách Mạt Nhược, thì
nay, theo phương pháp giải mã, có thể đào tạo ra hàng loạt người biết vài ba
vạn chữ.
(Nhà thơ Chử Văn Long) |
Thời gian sau anh
lại vắng mặt trên báo chí, tưởng anh chỉ chịu chơi đến thế. Có người thỉnh
thoảng gặp anh tìm đọc các văn bia ở những chùa chiền cổ vùng Tây Hồ.
Bẵng đi mấy năm,
bỗng dưng năm 1998 Nguyễn Quốc Thái cho in liền 3 quyển sách dịch chữ Hán: Vạn
bệnh hồi xuân - Nxb. Y học (568 trang); Hình tượng Cát Tường - Nxb. Văn hoá Dân
tộc (343 trang); Khổng Minh Gia Cát Lượng đại truyện - Nxb. Văn hoá Thông tin
(950 trang).
Năm 1999 vừa qua
anh lại in tiếp ba cuốn: Dạy bấm huyệt bàn chân chữa bệnh - Nxb. Y học (163
trang); Truyện Tô Đông Pha - Nxb. Hội Nhà văn (358 trang); Quỳ trước hoa mai -
Nxb. Hội Nhà văn (879 trang); Bách gia chư tử (716 trang)…
Sắp tới anh cho ra
mắt độc giả: Đường sử diễn nghĩa (2.000 trang) và Hậu Đường sử (1.000 trang).
Như thế là khoảng
cách hơn hai năm anh đã dịch xấp xỉ 8.000 trang sách! Nhưng so với hợp đồng anh
đã nhận dịch cho những năm tiếp theo của một nhà xuất bản thì khối lượng anh
cho in sẽ gấp mười lần như thế.
Nhìn vào nội dung
cuốn sách đã in ta không khỏi giật mình - một người dịch được cả Nho, Y, Lý,
Số, ở thời buổi nay thật hiếm. Nó không chỉ đòi hỏi một khối lượng chữ lớn, mà
còn đòi hỏi kiến thức hàng đầu về học thuật. Ai đã được đọc những cuốn sách
trên chắc sẽ giữ trong lòng một ấn tượng về văn phong trong sáng mà phong phú
của anh khi dịch, từ những vấn đề, những triết luận rất phức tạp của những văn
bản cổ anh đã tạo được mạch văn cho người đọc lần tìm, nắm bắt được ý tác phẩm.
Những chân dung Khổng Tử, Lão Tử hiện diện trong những cuốn sách từ trước tới
nay thường gợi nên vóc dáng những bậc thánh cao vời, làm cho người đọc chỉ biết
cúi đầu tiếp nhận. Bản dịch “Bách gia chư tử” của anh đem đến những cuộc tiếp
xúc với thánh nhân như vậy vẫn xẩy ra trong đời thường, trong cuộc sống, từ đó
mà nhận biết được những kiến giải cao siêu, những bối cảnh ra đời của những bộ
óc khổng lồ siêu việt. Và vì vậy những thánh nhân hiển thánh sống cùng cuộc đời
đã mấy nghìn năm…
Chỉ với riêng Lão
Tử, có học giả đã ném cả đời mình vẫn chưa lột tả được hết những gì uyên thâm,
ẩn giấu. Với “Bách gia chư tử”, ôm chứa tất cả các triết gia Trung Quốc mà anh
đã dám làm và làm được điều ấy chẳng đáng lạ sao?
“Khùng sĩ” Nguyễn
Quốc Thái hiện nay sống hoàn toàn bằng nghề văn, bằng tiền dịch sách và viết
sách nuôi đủ cả gia đình. Chị Kim Sinh, vợ anh là người nội trợ đảm đang, thu
xếp hết mọi việc để anh ngồi bên bàn viết. Định mức của anh là mỗi ngày phải
dịch cho xong một chương sách, từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối, chỉ nghỉ thời gian
ở những bữa cơm ăn, không kể chủ nhật. Cháu gái Hoàng Sa 19 tuổi làm thư kí cho
bố và đang quyết tâm học chữ Hán, tình nguyện làm đệ tử chân truyền, nối nghiệp
dịch giả của bố.
Nhà anh xưa ở mặt
phố Trương Định, không biết có phải vì nghề văn mà anh đã chuyển hẳn vào ngõ
sâu làng Khương Hạ? Ngôi nhà anh ở hiện nay nằm kề với đầm nước quanh năm lút
cỏ. Anh khoe với bạn bè “Giữa vùng đô thị hoá, ở đây vẫn hoàn toàn yên tĩnh.
Đêm mưa, ếch nhái thi nhau hoà tấu bản nhạc thiên nhiên. Ngày nắng, chú chim
cuốc mò vào tận cửa…”.
Có lẽ bầu không
khí cổ sơ ấy đã hoà với hồn anh trong những trang sách cổ kia, khi anh thú vị
nhắc đi nhắc lại câu thơ Lục Du:
Sơn cùng thuỷ tận như vô lộ
Liễu ám hoa tiên hựu nhất thôn.
(Ở nơi sơn cùng
thuỷ tận như hết đường rồi, lại chợt hiện ra một xóm với hoa tươi và liễu
biếc).
*
* *
Gần
đây bạn tôi (Nguyễn Quốc Thái) qua một chặng mệt dài, mấy tháng liền, có lúc
phải ngừng đọc sách để lấy lại sức khoẻ; chúng tôi thường thăm nhau, ngồi
chuyện cho anh vui, tôi mới nhận thấy lòng tự tin của anh vào việc giải mã được
chữ Hán. Anh kể, ngài Bí thư Đại sứ quán Trung Quốc Lâm Minh Hoa (tháng 6-2001)
sau khi đọc “Hán tự giải mã thư”, đã điện thoại mời đến văn phòng Đại sứ, trò
chuyện suốt buổi chiều… Anh càng tin việc mình làm thực sự có ích.
Giờ
sức khoẻ anh trở lại phục hồi lại có thể tiếp tục ngồi dịch sách kiếm sống, sau
cuốn “Tam thập lục kế” của Tôn Tử ra đời song hành với bộ phim về binh pháp Tôn
Tử đang chiếu trên đài truyền hình Hà Nội. Tôi cùng bạn bè rất vui, mới dám ngỏ
lòng, đã có lúc tôi nghĩ đến tuổi chúng tôi chẳng biết thế nào. Trời cho sống
hàng trăm thì còn dài, nếu cho hàng chục thì đã ngắn. Cái mà anh tìm được, đã
nắm trong tay nếu là có thật, có thật giải mã được chữ Hán, có lẽ công việc đó
quá lớn lao, như thể ngày xưa khi châu Mỹ được tìm thấy. Vậy mà công trình được
anh thông báo, rồi để đấy như thể chuyện riêng của Nguyễn Quốc Thái. Có lẽ vì
nó chẳng thiết thực đến ai. Cái thứ chữ của chính người Trung Hoa, chỉ có gốc
gác liên quan đến Việt và bây giờ có dùng chữ Hán, ta coi như tiếng ngoại ngữ
cần dùng, một thứ ngoại ngữ đã có lâu đời nhất trên đất Việt, nhưng đang ít có
giá trị vì dùng nó chưa dễ kiếm tiền bằng thứ ngoại ngữ tiếng Anh…
Đã
có lúc tôi hoảng sợ, thấy tiếc… cứ thế này… đến lúc Nguyễn Quốc Thái qua đời
(xin lỗi bạn tôi, nói điều đó quá sớm so với tuổi tác, nhưng chúng ta ai mà
chẳng đi đến đận ấy) thì liệu giá trị khoa học kia nếu là có thực ai sẽ nhìn
ra. Trong khi bạn còn khoẻ đầy nhiệt huyết và sáng suốt thì chẳng được dùng.
Hôm
nọ tôi được nghe chuyện “chữ Hán lên ngôi lại”. Chuyện thật vui, có một công ty
có uy tín trong ngành Điện tử - Tin học đã đến xin chữ một nhà Hán thư có tiếng
ở Hà Nội, xin cụ viết cho hai chữ tên công ty. Hôm đến lấy, vừa trải bức đại tự
ra xem khách hàng đã được những nét chữ hoành tráng uốn lượn như hút hồn. Thanh
toán một triệu đồng tiền công (tức là năm trăm ngàn đồng một chữ), mà trên
đường về thấy lòng vui như bắt được của. Vậy là cái thứ chữ Hán ấy vẫn có giá.
Nhưng đây mới chỉ là giá của nét chữ sao chép đẹp. Còn cái giá của sự phát hiện
ra cấu trúc của chữ mà Nguyễn Quốc Thái đề cập tới để con người không phải nhớ
mặt từng chữ trong khi học, ta có thể đọc ghép vần, có thể nhớ, thuộc vài vạn
chữ thay cho sự học khó khăn chỉ nhớ vài nghìn chữ như những người giỏi chữ Hán
ở Việt Nam bây giờ thì chưa ai thấy giá.
Ngày
mừng anh dịch in xong cuốn sách thứ 15. Bạn thân mấy người đến ngồi cùng nhau,
nhìn ngắm chồng sách cao dày, nhiều quyển hàng nghìn trang. Lại nhìn dáng anh
gày mảnh khẳng khiu, vừa cảm phục vừa thương mến. Mới hơn ba năm, kể cả những
đận ốm vài tháng không dịch, mà anh làm được khối lượng công việc người khác có
khi phải bỏ cả đời không làm nổi.
Từ
lâu, mỗi bài viết hay quyển sách trước khi cho ra đời, chúng tôi thường gặp
nhau. Những buổi chuyện trò thoải mái tâm đắc thường được bổ sung cho nhau
những điều thú vị, những ý nghĩ bất ngờ qua đó nảy sinh… khi sách in xong bao
giờ cũng dành bản đầu tiên tặng cho nhau đọc trước …Vậy mà hôm nay nhìn chồng
sách gộp lại với những dòng tên trên gáy sách đặt cạnh nhau, tôi mới nhìn ra
thêm được điều này: thì ra lâu nay giữa nhộn nhạo của đời sống, bạn tôi vẫn có
riêng bầu trời thanh cao của những Lão Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử… rồi Khổng Minh,
Lục Du, Tô Đông Pha… qua những trang dịch chiếm hết cả thời gian nghĩ suy, tâm
đắc mới lột tả được những gì uyên thâm cao rộng của người xưa.
Quay
lại ngắm anh lúc này đang đứng bên cửa sổ mắt nhìn xa xăm; cái dáng gày mảnh
với nét lưng hơi gù bỗng gợi vẻ đẹp hao hao dáng vẻ hiền triết phương Đông một
thuở… Tôi bước lại gần anh ngỏ nốt điều mà lâu nay vẫn canh cánh bên lòng: Có
lẽ là đến lúc anh trao chiếc “chìa khoá giải mã chữ Hán” cho đời, sau này chắc
hẳn sẽ cần đến nó. Anh như bừng tỉnh cầm tay tôi trở lại chiếu ngồi với nụ cười
tươi nở:
“Trước
đây thì chưa được, bởi giữa không khí xô bồ, tranh luận, giành giật, kẻ gian
người ngay… nếu mình trao chìa khoá, biết vào tay ai. Cả đời mình bị ma ám bởi
những nét gạch ngang, xổ dọc, vuông, tròn của cái chữ vừa bí ẩn, một chữ có thể
cho đến 15 nghĩa chính phụ đi kèm, lại vừa giống như thứ trò chơi của con trẻ
xếp chữ giữa hàng đống những mẩu que, thanh gỗ, mình cứ mân mê xếp dựng những
hình thù lạ lẫm, rồi lại gỡ ra xếp lại miệt mài… và bất ngờ trong phút như mơ
như tỉnh mình đã nhận ra cái quy tắc lắp ghép của thứ chữ kia thật là đơn giản…
Chẳng trao lại cho đời thì để làm gì? Mình đã hào hứng tranh luận in sách vở
cũng nhằm điều đó. Chỉ buồn, đời sống đất nước mình lo cơm ăn áo mặc đã hết cả
đời, chuyện mình khám phá tìm tòi được thành chuyện viển vông… Nên mới bị đời
hờ hững làm vậy.
Giọng
nói anh thường ngắt đoạn nhát gừng, bởi hơi thở phập phồng của cái lồng ngực
lép kẹp, phụ hoạ cho ánh mắt nhìn trân, mà buồn… rồi anh bảo tôi đưa bút giấy,
ngồi xích lại gần, anh đặt giấy lên đầu gối viết.
Đọc mấy chữ sau
làm ví dụ:
Theo
kinh dịch
Thái
cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng… trong âm có dương, trong dương
có âm chỉ viết một lần.
1-> 2, không viết hai lần.
Cái
khó ở chỗ là phần phụ âm và nguyên âm lồng vào nhau rồi, không tách cụ thể như
chữ quốc ngữ tách rời ghép lại.
Không
nắm vững quy tắc này nó thành rắc rối phức tạp, vì vậy người ta không nhìn được
nguồn gốc nó rất đơn giản…
Viết
xong những dòng chữ này, Nguyễn Quốc Thái dừng lại trao cho tôi trước mặt bạn
bè và nói: “Chìa khoá này giúp người đọc có thể đọc được tất cả mọi chữ Hán
hiện có!”.
Tôi
bâng khuâng như mình được cầm chiếc chìa khoá thật của kho báu để trao lại mọi
người.
*
* *
Khoảng
ba tuần không gặp nhau, 5 giờ chiều ngày 11 tháng 6 năm 2002 tôi nhận được
điện: “Anh Nguyễn Quốc Thái đã mất từ hôm qua, thi thể được quàn ở nhà tang lễ
bệnh viện Thanh Nhàn, sáng mai liệm, buổi trưa phát tang… chị Thái giờ mới
gượng nổi, nhờ người gọi điện cho bạn bè…”. Tôi bàng hoàng nhớ lại bài viết về
anh. Trời ơi thì ra “điềm gở” cũng đã báo trước, không thì sao tôi đã viết
những câu: “…Nếu trời đất cho sống trăm năm thì còn dài, chỉ là những chục năm
thì đã ngắn…lỡ bạn tôi…”.
Sáng
sớm hôm sau, tôi đến nhà tang lễ để thấy anh lần chót, khi những người ở đây
làm công việc khâm liệm cho anh.
Gương
mặt anh thường ngày đăm chiêu là vậy, sao giờ đây nom thanh thản lạ thường! Chả
lẽ trước phút giây vĩnh biệt thế gian này anh đã được mang cảm giác nhẹ nhàng
của người đã làm xong công việc mà mình tự ý thức được cùng cuộc sống. Gương
mặt hao gầy bạn tôi bỗng gợi bao điều. Thật khó tin điều sáng tạo lớn lao kia
lại ẩn chứa trong con người gầy mảnh, nhỏ nhắn nhưòng này. Và cuộc đời con
người sao mà đơn giản. Bao trở trăn lo lắng sáng tạo đến vắt kiệt nghĩ suy rồi
cũng để lại cho cùng hậu thế. Thế mà thật khó tìm ra được mối đồng cảm tiếp nối
với nhau, cả những con người muốn hiến dâng hết mình cho cuộc sống này.
Hình
ảnh chị Sinh rã rợi khóc chồng làm tôi thấy não lòng. Anh thanh thản ra đi như
vậy, còn vợ anh nửa đời dang dở, từ đây sẽ sống ra sao!
Bài
viết về anh đây, chưa kịp in thành sách, giờ đem đọc trước vong hồn anh thay
cho điếu tang cùng cuộc sống này.
*.
Giữa hè
năm Nhâm Ngọ
CHỬ
VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.
Điện
thoại: 01658818263
Email: haicv08@gmail.com
…………………………………………………………………………
-
© Tác giả giữ bản quyền.
-
Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 01.05.2016
-
Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét