MỘT SỐ LÀNG NGHỀ TIÊU BIỂU Ở HÀ NỘI - Tác giả: Vũ Thị Hương Mai (Hà Nội)

Leave a Comment

MỘT SỐ LÀNG NGHỀ

TIÊU BIỂU Ở HÀ NỘI

*

Người Việt ta từ xưa đến nay luôn có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo và “khéo tay, hay nghề”. Ở bất cứ vùng nào trong cả nước bên cạnh việc phát triển nông nghiệp cũng có những nghề thủ công nổi tiếng. Và nhiều nghề thủ công truyền thống đã hội tụ ở Thăng Long - Hà Nội với những cái tinh cái khéo, tạo ra những sản phẩm đáng khâm phục xứng đáng là niềm tự hào của muôn thủa.

 

Làng nghề gốm sứ Bát Tràng

Làng nghề vào loại lâu đời nhất, có tiếng nhất và hiện nay đang rất phát đạt là làng gốm sứ Bát Tràng.

Làng Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội. Nằm ở phía Đông nam huyện, giáp ranh với huyện Châu Giang tỉnh Hưng Yên vốn xưa là phường Bạch Thổ, sau đổi thành Bá Tràng sang đời Lê gọi là Bát Tràng, được thành lập từ cuối thế kỷ XIV do những người thợ thủ công làng Bồ Bát (Bồ Xuyên- Ninh Bình) gốc từ Vĩnh Linh (Thanh Hóa) chuyển đến lập nên. Trải qua hơn 600 năm tồn tại nhân dân Bát Tràng đã cung cấp hàng triệu triệu sản phẩm gồm bát cơm, bát đàn, đĩa, chén, tách, ấm tích, ấm trà, liễn, phạng, bát hương, độc bình, cây đèn, đỉnh trầm, lọ hoa, chậu hoa, đôn, voi, ông phỗng, tượng mỹ nghệ, gạch lát nền, gạch trang trí...hết sức phong phú đa dạng đáp ứng những nhu cầu thiết yếu hoặc giải trí không chỉ cho nhân dân Thăng Long- Đông kinh- Hà Nội mà còn cho nhiều vùng trong cả nước. Hơn thế, sản phẩm Bát Tràng đã được giao lưu sang các nước, được giới thiệu trong các hội chợ, triển lãm của Việt Nam. sản phẩm của Bát Tràng độc đáo với màu men, cách tạo dáng và nét vẽ mang nhiều tính cách dân tộc.

Nghề gốm Bát Tràng bâu giờ không chỉ phát triển riêng ở trong làng Bát Tràng mà lan rộng cả một vùng đất gồm cả làng Giang Cao, xã Kim Lân, xã Đa Tốn (thuộc huyện Đông Anh) xã Văn Đức (thuộc huyện Châu Giang) mở mang trong đủ loại hình doanh nghiệp gồm xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã, công ty tư doanh, cá thể, gia đình với hàng ngàn lò nung, hàng năm cho ra đời mấy chục triệu sản phẩm. Địa bàn tiêu thụ hàng gốm sứ Bát Tràng cũng không ngừng mở rộng khắp trong nước mà sang cả Pháp, Đức, Thụy Điển, Nga, Nhật... Nhiều tay nghề tài ba của Bát Tràng đã được lưu danh trong sử sách, hoặc được nhân dân truyền tụng như: Nguyễn Phong Lai, Bùi Nghĩa, Hoàng Lưu, Bùi Huệ, Bùi thị Đỗ tác giả của những cây đèn sứ niên hiệu Diên Thanh thứ 3 đời Mạc (1580); Đỗ Xuân Vi tác giả của bộ cây đèn và lư hương niên hiệu Hưng Trí thứ 3 (1590); Bùi Đào tác giả chân đèn niên hiệu Hoàng Định thứ 2 (1602); Vũ Xuân tác giả cây đèn năm 1613; Bùi Hác tác giả cây đèn năm 1619...

Men rạn Bát Tràng được chế tác trước cả men rạn Trung Quốc bắt đầu hồi đầu thế kỷ 18. Thời nay nhiều người thợ tài ba của Bát Tràng như Đào văn Can, Nguyễn văn Khiếu, Lê văn Vấn, Nguyễn văn Cồn, Lê văn Cam... không chỉ được nhân dân vùng Bát Tràng ca ngợi mà nhiều nơi cũng biết tiếng.

 

Làng nghề bắt rắn Lệ Mật

Lệ Mật là một làng cổ thuộc xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm ở đây có làng nghề bắt rắn, chế biến làm thuốc và làm thịt từ khi lập làng. Ở nước ta rắn ở khắp nơi và nhiều chủng loại, người Lệ Mật phân biệt rắn rất giỏi, họ tản đi khắp nơi tìm đến các lùm cây, hang hốc với cái gậy đầu có móc ở trong tay và cái giỏ bên hông. Họ bắt rắn hết sức thiện nghệ, rắn chưa kịp há miệng phun nọc đã nằm gọn trong giỏ.

Không chỉ săn bắt, người Lệ Mật còn biết nuôi dưỡng và chế biến thành thuốc, thành đặc sản. Những bộ tam xà (gồm một con hổ mang, một con cặp nong, một con ráo), nhũ hổ (năm con), hoặc thất tinh (bảy con) ngâm rượi là những bài thuốc bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh có giá trị. Dân Lệ Mật còn dùng rắn nấu cao hoặc sấy khô tán thành bột để bán.

Lệ Mật ngày nay nổi tiếng với khu nhà hàng đặc sản thịt rắn. Đến đây, khách được tham quan khu nuôi rắn, được xem cách mổ rắn điệu nghệ, được uống rượu huyết và mật rắn lấy ngay từ những con rắn được mổ trước mặt khách, được thưởng thức hàng chục món ăn ngon được chế biến từ thịt rắn: xúp rắn, chả rắn, nem rắn, rắn tần, rắn xào, cháo rắn... Còn da rắn thì được làm hàng da mỹ nghệ với những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn.

 

Làng nghề chạm gỗ Thiết Úng

Làng Thiết Úng vốn là một làng cổ từ lâu đời, nay thuộc xã Vân Hà huyện Đông Anh. Làng Thiết Úng có nghề chạm gỗ hàng trăm năm nhưng nghề có lúc thăng, lúc trầm, có lúc tưởng như gần tan, lúc thịnh cả làng xô vào làm hàng vẫn không đủ bán. Lòng yêu nghề của người dân nơi đây đã thấm vào da, vào thịt từ khi còn bé. trẻ con mới lên sáu, lên bảy đã cầm dùi, đục. Người dân làng Thiết Úng đã đi nhiều nơi và lập nghiệp nên những làng nghề ở nơi mình cư trú. Gần thì có phố Hàng Trống, phố Thợ Nhuộm (Hà Nội) xa hơn thì vào Sài gòn lập ra khu riêng biệt chuyên sản xuất đồ gỗ.

Hàng chạm gỗ Thiết Úng chia làm hai hàng nội thất gồm bàn ghế, sập, kỷ, tủ... và hàng mỹ nghệ gồm tượng gỗ, đồ chơi các loại. Hàng được nhiều người trong nước ưa dùng đặc biệt đang được xuất khẩu sang PhápCanada, Úc, Đài Loan... với số lượng ngày càng tăng.

 

Làng nghề thủ công Kiêu Kỵ

Kiêu Kỵ là làng cổ từng có hai nghề thủ công truyền thống lâu đời: dát vàng bạc và làm mực nho bằng keo da trâu. Nghề làm mực nho bị mai một theo chữ Hán, còn nghề dát vàng bạc có thời bị giảm sút nay cả làng còn vài chục gia đình hành nghề. Nghề dát vàng bạc ở đây gọi là nghề vàng quỳ hoặc nghề quỳ có lịch sử bốn, năm trăm năm. Người thợ dùng búa tay nặng đến vài cân gõ dát mỏng lá vàng mười trên đe bằng đá tảng xanh, mỏng đến mức khẽ thở cũng bay, khi bóc và xếp các là vàng quỳ người thợ phải ngồi trong phòng đóng kín cửa hoặc ngồi trong màn kín gió. Vàng quỳ dùng trong công nghệ sơn son thiếp vàng, dán lên tượng Phập và các đồ tế khí trong các đền, chùa, miếu, mạo, cung điện các vua chúa, tạo nên màu sắc rực rỡ không bao giờ phai.

Kiêu Kỵ thời nay đang nổi tiếng với nghề mới: nghề đồ da và giả da. Là nghề mới nhưng lịch sử cũng đã có gần cả trăm năm. sản phẩm gồm cặp sách, dây lưng, ví da... bán trong cả nước và xuất khẩu phần lớn mang nhãn hiệu Ladoda.

 

Nghề trồng và chế biến thuốc Nam Ninh Hiệp

Đây là một làng cổ có nghề trồng và chế biến thuốc Nam từ thời Lý. Ở đây từng sản sinh nhiều thầy thuốc giỏi như: Nguyễn Tán Chánh ngự y thời Lê, Nguyễn Khắc Hoạt phó ngự y đời Nguyễn. Hiện nay nghề trồng cây chỉ còn rất ít nhưng nghề chế biến thuốc Nam thuốc Bắc trên cơ sở thu mua cây lá, củ tươi dược liệu từ Hà Bắc, Lạng Sơn và cả bên kia biên giới về tổ chức chế biến rồi cung cấp cho các nơi lại đang phát triển. Hàng năm Ninh Hiệp cung cấp trên ngàn tấn dược liệu đã được chế biến hoặc sơ chế. Từ kinh nghiệm chế biến Liên Nhục (hạt sen) và long nhãn, ở Ninh Hiệp hiện nay đang thịnh hành nghề làm mứt sen, mứt táo, long nhãn sản lượng hàng vạn tấn mỗi năm.

Trước đây Ninh Hiệp từng có tiếng về nghề dệt vải có từ thời Tiền Lê và nghề dệt lụa tơ tằm có từ thời Hậu Lê nhưng do dệt thủ công nên sau này bị mai một, nhân dân nhiều người chuyến sang buôn vải và đã hình thành chợ vải Ninh Hiệp với nhiều mặt hàng rất phong phú đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng và là đầu mối bán buôn vải ra cả nước.

 

Nghề kim hoàn làng Định Công

Làng Định Công Thượng thuộc xã Định Công huyện Thanh Trì quê hương của Bùi Bỉnh Uyên có nghề kim hoàn từ lâu đời. Tương truyền nghề có từ thời kỳ Tiền Lý thế kỷ thứ VI do ba anh em họ Trần: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền khởi nghiệp. Mặt hàng kim hoàn của thợ Định Công hoặc bắt đầu từ khâu phân kim, chế luyện nguyên liệu hoặc dùng vàng bạc có sẵn chế tác thành sản phẩm như: nhẫn, vòng, xuyến. Hoa tai, dây chuyền, lắc... Người Định Công từ xa xưa đã vào nội thành Thăng Long lập nghiệp, góp phần hình thành nên phố hàng Bạc tồn tại đến ngày nay.

 

Nghề dệt làng Triều Khúc

Làng này thuộc xã Tân Triều huyện Thanh trì có truyền thống lâu đời về sản xuất các mặt hàng tơ tằm như quai thao, the, nái, phù hiệu, nhãn mác, thổ cẩm...Trong làng có một số gia đình làm chổi phất trần, lông gà, nhuộm, kim hoàn. Nón quai thao ở đây từng có thời được phụ nữ Hà Nội rất ưa chuộng, trước đây quai buộc nón thường phải mua ở Trung Quốc. Thế kỷ 18 có ông Vũ Uy người làng đi sứ Tàu học được bí quyết nghề dệt thao đem về truyền cho bà con dân làng nhờ đó mà hình thành nên nghề dệt quai thao. Từ dệt thao, dần dần phát triển thêm dệt the, nái, bấc đèn, tua cờ...Đầu thế kỷ 20, Nguyễn Văn Di người thợ cả có bàn tay vàng đã cải tiến khung dệt chuyển sang dệt phù hiệu, mề đay, thổ cẩm... đưa thêm mặt hàng mới cho dân làng. Những năm gần đây dân làng Triều Khúc còn có thêm nghề dệt nhãn mác và phát triển nghề dệt thổ cẩm mà sản phẩm xuất khẩu đang có thị trường tiêu thụ.

 

Nghề dệt làng Đại Mỗ

Làng Đại Mỗ thuộc huyện Từ Liêm là đất dệt lâu đời. Nhân dân ở đây vừa làm ruộng vừa làm nghề dệt, nghề nọ bổ trợ cho nghề kia. Sản phẩm chủ yếu trước đây là lĩnh gồm lĩnh trơn, lĩnh hoa và nhiễu. Nhiễu Mỗ tiếng tăm sánh ngang với the La Khê, lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Thời gian gần đây do thiết bị công nghệ ở làng đổi mới không kịp nên sản phẩm không cạnh tranh được. Một số gia đình thợ dệt đã chuyển sang dệt lụa xuất khẩu giông như ở làng Vạn Phúc vừa đảm bảo cuộc sống, vừa giữ được nghề truyền thống của cha ông.

 

Nghề rèn làng Hòe Thị

Làng Hòe Thị thuộc xã Xuân Phương- Từ Liêm xưa nổi tiếng về nghề canh cửa. Sang đời Lê, ông tổ họ Nguyễn Đắc từ Thanh Hóa ra mở mang nghề rèn. Từ đó nghề rèn ngày càng phát triển. Hàng rèn Hòe Thị có tiếng là đẹp và bền: dao, kéo, liềm, hái vừa sắc vừa chắc. Thợ rèn Hòe Thị đã vào nội thành Hà Nội mở hiệu ở phố hàng Bừa (nay là phố Lò Rèn), phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến) và rải rác ở Ô Cầu Dền, phố Kim Mã, phố Đê La Thành.

Hiện nay sản xuất tuy gặp khó khăn, nhưng nhiều gia đình ở Hòe Thị vẫn duy trì nghề nghiệp của cha ông không để mai một và mất làng nghề.

 

Nghề sơn làng Đông Phù

Là làng nổi tiếng về nghề sơn thuộc Thanh Trì. Tương truyền ông tổ nghề sơn của làng Đông Phù là Tiến sĩ Trần Lư đời vua Lê Hiển Tông. Nhựa cây sơn là nguyên liệu chính trong nghề sơn. Sơn ta gồm sơn dầu, sơn giọi, sơn hom, sơn nước tháp. Sơn ta trộn với dầu trẩu làm thành sơn quang dầu, trộn với nhựa thông làm thành sơn mài. Trước đây cha ông ta dùng sơn ta để quét phủ bảo vệ và trang trí đồ đạc nội thất, các mâm, quả, hộp, đồ tế khí ở đình, chùa, đền, miếu.

Ngày nay những người thợ sơn Đông Phù đã sáng tạo đưa sơn ta vào phục vụ sản xuất hàng mỹ nghệ đồng thời góp phần đáng kể vào việc cho ra đời ngành sơn mài, ngành hội họa mới đậm đà bản sắc dân tộc.

Bên cạnh những làng nghề nổi tiếng ở ngoại thành, thì trong nội thành Hà Nội cũng có rất nhiều làng nghề với những sản phẩm có chất lương cao rất được ưa chuộng khi xưa.

 

Nghề làm giấy làng Bưởi

Xưa nổi tiếng về các nghề làm giấy và dệt lụa lĩnh. Làng giấy Bưởi cung cấp cho kinh đô và khắp các vùng trong đất nước đủ các loại giấy. Giấy đơn gồm giấy học trò, giấy vàng mã; Giấy kép gồm giấy in tranh, in sách, viết sắc chỉ, bằng sắc...

Giấy Bưởi làm từ cây gió nên thường gọi là giấy gió. Giấy gió lụa có độ bền hàng trăm năm không bị mục nát, mối mọt. Công nghệ làm giấy gió rất công phu, qua nhiều công đoạn phức tạp: chọn cây, ngâm nước, xé vỏ, ngâm nước vôi, ráo nước, muối trong vôi sống, xếp vào lò, nấu và om, rũ sạch bằng nước trong, giã thành bột, ngâm hòa bột trong nhựa cây mô, xeo, bồi khô. Để có những loại giấy tốt và dày còn phải qua công đoạn “nghè” bằng chày gỗ nện trên mặt đất. trải qua từng đấy công đoạn thì mới cho ra đời được một loại giấy bền đẹp, được người xưa ưa thích.

Cũng trên đất Bưởi còn có nghề dệt lĩnh cách đây cả nghìn năm. Chuyện xưa còn lưu truyền năm 1011 khi Lý Thái Tổ ngự thuyền trên sông Tô Lịch, nhân dân xóm bãi, xóm dâu căng một tấm lĩnh lớn do dân làng dệt nên trên đó có vẽ một con rồng lớn chào đón vua ở bến Giang Tân. Lĩnh Bưởi cũng đã từng đi vào ca dao, ngạn ngữ “The La, Lĩnh Bưởi, Lụa Bùng”. Lĩnh ở đây bóng, mỏng, mịn, mềm nguyên màu óng lên như màu tàu lá chuối non, gồm hai loại lĩnh: lĩnh trơn và lĩnh hoa. Từ lĩnh mộc đem chuội trắng, nhuộm chàm, trát bùn phơi khô, giặt sạch, nhuộm nước lá bàng, nghè mềm sẽ biến thành lĩnh đen nhánh óng mượt. Lĩnh được dệt rất thủ công, chất lượng hoàn toàn tùy thuộc vào kỹ năng của người thợ.

Nhưng đến ngày nay, nghề giấy và nghề dệt ở vùng Bưởi đã bị mất hẳn, do không đủ sức cạnh tranh với những nhà máy lớn, có công xuất cao, giá thành hạ. Đây là số phận chung của rất nhiều làng nghề ở Thăng Long- Hà Nội cũng như trên cả nước.

 

Nghề đúc đồng làng Ngũ Xã

Đây là làng nghề đúc đồng nổi tiếng từ xa xưa, những người thợ đúc đồng ở Ngũ Xã xưa đã đúc rất nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng như: chóp đồng Tháp Báo Thiên (thế kỷ 11) chuông Quy Điền ở chùa Một Cột thế kỷ 12. Đây là những đại khí bằng đống quý giá đã  được ghi trong lịch sử. Các tượng Phật, chuông chàu hiện còn ở Hà Nội phần nhiều là do chính bàn tay tài hoa của những người đúc đồng Ngũ Xã sáng tạo nên. Tiêu biểu là tượng Thánh Trấn Võ đền Quan Thánh được đúc năm 1677 cao 2.28m, chu vi 3.80m, nặng 3.600kg và pho tượng Thánh Trấn Võ ở đền Cự Linh Thạch Bàn huyện Gia Lâm đúc năm 1757 cao 3.80m, chu vi 8m, nặng 4 tấn. Đến năm 1952 người thợ cả tài ba là cụ Nguyễn Văn Tùy đã chủ trì kỹ thuật đúc nên pho tượng Phật Di-đà ở chuà Thần Quang (chuà làng Ngũ Xã). Tương cao 3.95m, chu vi 10.50m, nặng 9.500kg, kể cả tòa sen được đúc đặt dưới tượng Phật cũng bằng đồng hun thì toàn bộ pho tượng này nặng tới 12.300kg. Đây là đỉnh cao về tài nghệ của những người thợ bậc thầy đất Ngũ Xã. Cũng trên đất này còn có cụ Nguyễn Văn Quen, người thợ tài ba đã có công sáng chế nhiều tác phẩm nghệ thuật bằng đồng đặc biệt đã chủ trì kỹ thuật đúc thành công nhiều bức tượng đồng chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày nay nghề đúc đồng ở Ngũ Xã không còn phát đạt như xưa vì đã có nhiều xưởng đúc có công nghệ cao hơn ra đời. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng những người thợ Ngũ Xã đã chung sức hợp lại với nhau trong hợp tác xã đúc đồng Trúc Sơn và đang cố gắng tìm kiếm mặt hàng và cách làm mới để đứng vững trong tình thế mới.

Ngày nay theo sự chuyển dịch của kinh tế trong nội thành và sự phát triển của công nghệ sản xuất mới thay thế những ngành nghề thủ công nhiều phố nghề xưa nay chỉ còn lại tên, còn nghề thủ công không còn có mấy. Hàng Quạt trước đây sản xuất và bán các loại quạt đẹp nổi tiếng, nay quạt điện được sản xuất ở các xí nghiệp hiện đại như: điện cơ Thống Nhất, chế tạo điện cơ và quạt ngoại lên ngôi thay thế... Nhìn chung phần lớn phố nghề xưa đã mất đi nhiều và đang trở thành những phố xá buôn bán dịch vụ du lịch sầm uất. Nhưng cái tinh thần “khéo tay hay nghề” không bị mất đi, ngược lại đang được nâng cao.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

 

Mời thư giãn với nhạc phẩm EM ƠI HÀ NỘI PHỐ

của Phú Quang, qua tiếng hát Bằng Kiều:

*.

Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 2016

VŨ THỊ HƯƠNG MAI

Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319

quận Long Biên, thành phố Hà Nội.    

Email: huongmai8081@yahoo.com.vn

 

 

 

..............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 10.07.2016.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét