QUA SÔNG DÌM ĐÒ
(Trích từ MƯU LƯỢC GIÀNH CHIẾN THẮNG của
Đặng Xuân Xuyến ; Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin xuất bản lần đầu năm 1998, Nhà
Xuất Bản Thanh Niên tái bản năm 2000 và 2002)
*(Tác giả Đặng Xuân Xuyến năm 2002)
Những người có kinh
nghiệm, khi đi xa không bao giờ lại coi chuyến đi cứ phải tay mang vai vác để
đèo thêm vất vả; họ biết mang theo cái gì để chuyến đi gọn gàng, nhanh chóng mà
mục đích chuyến đi vẫn hoàn mỹ. Những thứ không còn tác dụng, giữ lại vừa chiếm
chỗ, vừa mất công sức bảo quản, vừa chịu những chi phí không đáng có mà lại trở
thành gánh nặng tinh thần, tâm lý thì quả là không có lợi ích gì. Thương
trường cũng vậy, tất cả mọi sự ôm đồm, sự quá tải đều đem đến thất bại, tạo
thêm những cản trở trên bước đường đi tới thành công.
Ngạn ngữ có câu: “qua sông dìm đò” là khuyến cáo hãy biết
vất bỏ những thứ đã không còn cần thiết, không còn giá trị, để bớt đi những băn
khoăn, những phiền hà sau này. Mặc dù "con đò" của bạn có đẹp, có quý
giá nhưng nay nó không còn cần cho bạn, đã trở thành gánh nặng cho bạn thì bỏ
đi là đúng, có gì phải tiếc nuối. Hơn nữa, nếu giữ lại “con đò”, bạn không
những đèo thêm gánh nặng mà “con đò” rất dễ trở thành “nhịp cầu” cho kẻ khác
bước qua, đạp lên bạn để bước tới thành công. Cho nên “qua sông dìm đò” để
tránh phiền hà về sau là điều không thể không biết, không thể không làm.
Văn Chủng cùng Phạm Lãi
phò tá Câu Tiễn hết lòng vậy mà khi diệt được nước Ngô, trả thù cho tông miếu
tổ tiên xong Câu Tiễn liền quay sang tiêu diệt những trung thần, đã từng nếm
mật nằm gai, vào sinh ra tử giúp Câu Tiễn mộng thành danh toại. Văn Chủng vì
không nghe lời Phạm Lãi: “Vua Ngô có nói:
Giống thỏ đã hết thì chó săn tất bị mổ, địch quốc đã diệt thì mưu thần cũng
chẳng còn, ngài không nhớ hay sao? Vua Việt môi dài mỏ quạ là người nhẫn tâm mà
ghét kẻ có công. Cùng ở lúc hoạn nạn thì được, nếu ngài không đi tất có tai vạ”,
nên dẫn đến cái chết thê thảm, tự kết thúc cuộc đời lừng lẫy chiến công bằng
lưỡi kiếm oan nghiệt.
Chúc Lâu, thanh kiếm năm
xưa Phù Sai đưa cho Ngũ Viên để Ngũ Viên "tự xử" thì giờ đến lượt Câu
Tiễn đưa cho Văn Chủng nối gót tiền nhân. Xét cho cùng thì Câu Tiễn không đáng
bị nguyền rủa như một số nhà bình luận đã lớn tiếng vì ông ta là một ông vua,
ông ta phải lo giữ cơ nghiệp cho mình, cho con cháu được nối đời ngồi trên ngai
báu. Có vậy mới là hoạt động chính trị, nếu không thì làm sao có một Câu
Tiễn làm bá chủ phương Đông suốt 27 năm ròng. Có trách, có thương thì hãy
trách, hãy thương Văn Chủng, tại sao ông lại không hiểu một câu danh ngôn rất
đời: QUA SÔNG DÌM ĐÒ mà hiện thân ông chỉ là CON ĐÒ đưa Câu Tiễn QUA SÔNG!
Doanh nghiệp hiện đại
cũng không thiếu những trường hợp mà chủ doanh nghiệp buộc phải dùng kế QUA
SÔNG DÌM ĐÒ để bảo vệ cơ nghiệp của mình, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Chắc bạn sẽ không ngạc nhiên khi doanh nghiệp A liên kết với doanh nghiệp B để
loại bỏ doanh nghiệp C ra khỏi thương trường, cùng nhau xưng hùng xưng bá nhưng
rồi chẳng bao lâu hai doanh nghiệp đó lại đối đầu với nhau để loại bỏ ảnh hưởng
của nhau trên thương trường. Hơn một lần tôi đã lưu ý: Trong thương trường
không bao giờ tồn tại vĩnh cửu mối liên doanh liên kết, tất cả những công cuộc
kinh doanh mà các doanh nghiệp bắt tay hữu hảo với nhau chỉ là mối quan hệ tạm
thời khi mà các doanh nghiệp đó nếu đứng riêng rẽ, tách biệt hẳn ra sẽ không đủ
lực để chi phối thị trường, làm chủ được thị trường. Người ta chỉ có thể liên
kết liên doanh với nhau ở một chừng mực nào đó, hoặc ở hai thị trường cách biệt
thì mới hy vọng mối liên kết đó tồn tại với thời gian khả quan hơn.
Công việc hàng ngày của
bạn cũng vậy! Những gì mà bạn cảm thấy không cần thiết, không còn tác dụng nữa,
nếu giữ lại chỉ làm cho thêm nặng gánh thì khuyên bạn đừng ngại ngần gì mà trút
bỏ đi.
QUA SÔNG DÌM ĐÒ không có
nghĩa bạn chỉ “quan tâm” tới các doanh nghiệp khác, các đối tác, các trợ thủ
của bạn đã trở thành phiền toái, đối thủ, gánh nặng... mà ngay cả bản thân bạn
cũng cần phải biết “dìm” đi những gì không còn giá trị thực tế. Điều tôi muốn
lưu ý bạn là hãy học Câu Tiễn để rút ra những kinh nghiệm thiết thực cho mình
nhưng đừng bắt chước Câu Tiễn, vì nếu như vậy bạn sẽ trở thành kẻ cô độc, đơn
phương độc mã suốt lộ trình doanh nghiệp thì hỏi rằng doanh nghiệp của bạn có
còn tồn tại?
Ngày mới vào nghiệp viết
sách và kinh doanh sách, sau mỗi lần một cuốn sách được xuất bản, tôi thường
bảo quản rất kỹ bản thảo, đóng gói cẩn thận, niêm phong tất cả vào tủ. Và chiếc
tủ sách của tôi ngày càng chật cứng những trang bản thảo đã được in thành sách.
Cậu em tôi mỗi lần vào phòng đều cằn nhằn: - "Khi sách đã ra rồi thì những trang bản thảo này có còn giá trị gì? Sao
anh không hủy đi cho rộng nhà, đỡ tốn thời gian bảo quản? Theo em nếu có giữ
thì chỉ giữ lại bản thảo đầu tay để làm kỷ niệm, còn tất tật đã ra sách rồi thì
gửi bà đồng nát giữ hộ. Cứ theo đà này thì 10 năm sau anh sẽ chẳng làm được gì
cả vì anh đã trở thành tù binh của đống bản thảo này. Anh thật là ngớ ngẩn!".
Giờ thì tôi công nhận cậu em tôi nói đúng.
Những ví dụ trên rất nhỏ
nhưng bạn có thể rút ra được một điều: Có thể bạn có những đồ vật quý giá nhưng
đã lỗi thời, đã hết tác dụng mà bạn vẫn thấy quý giá như vàng bạc, không muốn
vứt bỏ thì cuối cùng những đồ vật ấy sẽ trở thành gánh nặng cho bạn.
Nếu cứ bị ràng buộc, day
dứt bởi những thứ đã lỗi thời, vô dụng, đã trở thành phiền toái, gánh nặng cho
bản thân thì quả là không thông minh. Sớm giải thoát những vấn vương, vứt bỏ
những thứ vô dụng thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn, sớm đạt thành công hơn. Cho
nên, lần nữa tôi lưu ý với bạn: QUA SÔNG DÌM ĐÒ là điều không thể không biết,
không thể không làm.
Mời nghe nhạc phẩm CÁT BỤI CUỘC ĐỜI
Của Hà Sơn, qua tiếng hát Lê Sang và Châu Thanh:
.
.....................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Copy bài tại trang: https://tienglongnguoixaque.blogspot.com/
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét