NHÌN THẲNG VÀO LÒNG
MÌNH
MÊNH MÔNG THẾ GIỚI
*
(Nhà thơ, nhà báo Giáng Vân) |
Cái được này không chỉ đến tập thơ này Nguyễn
Thanh Lâm mới có, nó đã xuất hiện từ những tập trước, nhưng ngày một đầy lên,
dần làm nên một phong cách, một dấu ấn trong thơ anh. Sự đốn ngộ của tuệ giác,
người ta đi đến đó phải bằng chính cuộc đời mình, bằng những trải nghiệm trong
cõi nhân sinh, bằng con mắt thấu thị những sự vật xẩy ra quanh mình. Bởi vậy
không phải ngẫu nhiên mà phải qua tuổi lục tuần, Nguyễn Thanh Lâm mới viết ra
được những bài thơ như trong tập thơ này.
Anh viết rất chân thành:
“Vài năm nay
Tôi mới cảm nhận
được cái lặng lẽ
thui thủi của những ngôi
sao
phiêu lạc trên trời
tôi mượn đôi mắt
của đêm rưng rưng ngắm
đêm đã bao lần sám
hối
…Vài năm nay
Tôi mới nhận ra ánh
sáng trong lòng đêm
Vẻ đẹp trong lụi
tàn”
(Tâm sự cùng bạn thơ)
Tôi được biết Nguyễn Thanh Lâm đã lâu, như một
người giỏi xem tử vi, lí số. Đến chơi với anh, để lấy một quẻ dịch, rồi thường
cùng anh bàn luận về những lẽ huyền vi của trời đất, cuộc đời, về triết học
Phương Đông, những thứ mà tôi cũng quan tâm.
Câu chuyện chỉ là câu chuyện. Nhiều người cũng
học và giỏi các môn này, nhưng với một nhà thơ dường như lại khác. Nguyễn Thanh
Lâm ngồi một chỗ, trong cái góc nhà, và quan sát cuộc đời, qua sát đường đi của
mọi phận người qua tất cả những người đến với mình, sang hèn, giầu nghèo… để
chiêm nghiệm và thấu thị.
Đọc một đoạn thơ anh viết về thời gian:
“Một ngày là một
ngày
Hay không phải là
một ngày
Là chiếc bình chứa
đầy hương vị âm thanh
Hay chiếc bình rỗng
không
Một ngày
Là ngọn lửa thiêu
đốt ta
Và ta là ngọn lửa
Một ngày sự sống
chân như
Cuộc sống phi lí và
vô thường
Ta trồng hoa và hoa
quan trọng biết bao
Những đóa hoa vô
thường”
(Một ngày)
Nó là cách nhìn của Phật giáo, sắc sắc không
không. Là một thái độ sống. Bản chất đời sống vô thường, nhưng việc trồng hoa
lại vẫn quan trọng xiết bao, việc tạo ra phúc lành, tạo ra cái đẹp để trang
hoàng cho đời sống quan trọng xiết bao. Đời sống vô thường, nhận biết nó để
không khổ đau, nhưng để trôi qua nó mà lòng cảm nhận được hạnh phúc, được cái
đẹp đẽ thanh cao, cái sự hồn nhiên của trời đất và tình người, là điều không
phải ai cũng nhận ra.
Nguyễn Thanh Lâm viết:
“Ngày ấy…
Ta sống và yêu hết
lòng mình
Nên sông trời hoa
khói hồn nhiên trôi
Trôi trong lòng ta -
ngôi chùa thanh vắng.
Tinh thần thiền thấm đẫm trong mọi cảm xúc thơ
anh. Có cảm giác, mọi sự vật quanh mình, đơn giản, đều có thể đặt vào những câu
thơ trong một cái nhìn tĩnh lặng và đầy chiêm nghiệm như vậy.
Thiền sư Osho cũng nói như vậy. Khi bạn yêu, bạn
hãy yêu đi, đừng trốn tránh nó, cho đến khi bạn không còn yêu nữa. Khi đó lòng
mình sẽ thanh thản, không còn vướng bận hay hối tiếc. Thuận theo tự nhiên, và
lắng nghe lòng mình. Như vậy, cuộc sống sẽ trở nên an lạc. Nhưng trong cái nhịp
điệu của đời sống hiện đại này, quay cuồng điên dại, cuốn người ta theo, có mấy
ai cảm nhận được những điều này.
“Đừng vội nữa
Sống chậm thôi
Sống chậm
Nói ít thôi sự chân
thực vốn kiệm lời
Trở về nhà mình bỏ
mũ áo và mặt nạ
Nghe sự sống bên
trong gieo nhạc lửa không lời”
(Sống chậm)
Sự tối giản và kiệm lời, đôi khi, thơ anh giống
như nghe anh ngồi nói chuyện, mộc mạc, nhưng thấm sâu. Những chân lí mà chỉ có
trải qua cả cuộc đời mới ngộ được
Một trong những bài thơ của anh trong tập có
giọng điệu khác là bài “Men rượu cũ và
đám mây chết đứng”
“Mệt lả từ Trung
quốc về
Những giấc mơ héo
rũ
Những trang sử
Trung hoa
Ngấm trong thời
gian như rượu
Rượu ngâm số phận
kiếp người
Ta uống nước mắt và
tiếng kêu oan từ Vạn lí trường thành
Uống đám mây chết
đứng
Trong rượu đậm đặc
cơ mưu, thù hận
Cay cay tiếng roi
của Ngũ Tử Tư quất lên mộ kẻ giết cha minh
Có vị nhẫn của Việt
Vương nếm phân Phù Sai khen ngọt
Tiếng máu và gươm
sục sôi tranh bá tranh hùng…”
Khác với giọng điệu trầm lặng, thần thái an nhiên
tự tại ở các bài thơ khác, bài thơ này
có chất bi phẫn, và nhịp thơ nhanh, quyết liệt, nhưng vẫn là sự thấu hiểu và
chiêm nghiệm cuộc đời ở chiều sâu của văn hóa và lịch sử, trong một cái nhìn
nhân văn.
Nếu chỉ nhìn ở góc độ thiền không thôi thì chưa
đủ. Chất nhân văn, sự rộng lượng, vị tha
trong thơ Nguyễn Thanh Lâm cũng rất đậm đặc. “Nhật kí du lịch”, “Tin
buồn” “Nhớ bà nội” “Hương an lạc đời thường”, “Ước”…là những bài thơ mang tâm cảm
của nhà thơ về những con người trong đời sống thường nhật, mà nhà thơ yêu
thương, chia sẻ.
Và cũng
có những bài thơ của anh mang hơi thở rất xuân, rất tươi trong:
“Mưa giãn xuân thêm
rộng dài
Nối trời và đất
Anh nếm hạt mưa
trên mí mắt em
Như nếm lòng trời
Con chim uống giọt
mưa trên lá
Hạt mưa bay lại
Trong không gian
tiếng hót trong veo”
(Hạt mưa)
Đẹp và thánh thiện biết bao. Những câu thơ thế
này không nhiều. Nó thường xuất hiện khi trong một thiên nhiên tĩnh lặng, và
lòng người lắng nghe. Nguyễn Thanh Lâm có cái khả năng lắng nghe như vậy:
“Nhẹ hơn hơi thở
Ngôi chùa đang thở
Tỏa nhiệt năng vào
trời mờ sương
…Ngôi chùa mọc trên
bể khổ
… Trời Yên tử phiêu
du khói sương”
Tôi rất thích những bài thơ Nguyễn Thanh Lâm đề
tặng các nhà thơ và nhà văn khác. Giống như những cuộc đối thoại với chính họ,
và những tác phẩm của họ: “Nhớ Nhà văn
Trần Hoài Dương”, “Nhìn thế
giới” (tặng nhà thơ bằng
Việt), “Tựa lưng vào cồng chiêng nghĩ
về ông” (Tặng nhà văn
Nguyễn Xuân khánh) “Tâm sự với nhà thơ
Trần Tử Ngang”…
Ở đó, Nguyễn Thanh Lâm giống như người soi vào
những tấm gương, để nhìn rõ hơn cuộc đời, nhìn rõ hơn chân dung thực sự của
mình. Ở đó, những chiêm nghiệm thật sâu sắc, và rất đời:
“Không biết đúng
hay sai
Lòng đã hư không
thì đúng sai có nghĩa lí gì
Thời vận này, thế
giới này cần thỏa hiệp
Ông tự thỏa hiệp
với lòng mình
An lạc”
(Tựa lưng vào cồng chiêng nghĩ về ông)
Với nhà thơ Bằng Việt, trong bài “Nhìn thế giới”, anh viết:
“Thế giới giản đơn
Già nua tiếp nối
trẻ trung
Sự sống và cái chết
Tất cả chỉ là bóng
mây trôi
Hạnh phúc ở tâm
không thể mượn bên ngoài
Nhìn thẳng vào lòng
mình mênh mông thế giới”
Thế giới muôn màu cũng chỉ là một, một đó mà lại
là vô số. Một ta mà lại ứng với thế giới… Đó thực ra là một nguyên lí của triết
học phương Đông, nhưng không dễ gì thấu hiểu. Đọc thơ Nguyễn Thanh Lâm, bạn sẽ
cảm nhận được điều này, trong một lối biểu đạt
giản dị, mộc mạc.
Tuy nhiên, nếu để nói về những điều chưa thích ở
tập thơ, có lẽ cũng lại ở sự mộc mạc, nhiều khi dễ dãi quá của anh. Một số bài
thơ trong tập, mới đang ở dạng nguyên liệu thô, chưa được tinh chế, chọn lọc
trong ngôn ngữ.
*.
Hà Nội, 13/09/2016
Nhà thơ, nhà báo GIÁNG VÂN
Địa chỉ: Tòa soạn Báo Giáo Dục & Thời Đại.
29B Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, tp Hà Nội.
Email: giangvanvatom@gmail.com
Điện thoại: 091.554.96.15
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email thanhlam.tho@gmail.com ngày 03.10.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi
trích đăng lại.
Thơ phường vô lối chợ giời
Trả lờiXóaCũng ngồi bình bán thơ người như ai