(Nguồn ảnh: Internet) |
NHÀ VĂN CÓ KHÁC NHÀ THƠ
Tôi viết bài này với lý do mới đây có vài nhà văn và nhà thơ khi gặp tôi họ
nói “Ông Đức ạ, bây giờ hầu hết nhà thơ đều nhận mình là nhà văn”.
Tại sao vậy? Mọi người bàn chuyện, hiển nhiên vì nhà thơ thì quá đông, có
lẽ họ là lực lượng đông đảo chỉ đứng sau nông dân, công dân và tiểu thương ở
Việt Nam, cái gì nhiều đâu còn sang hay quí, vì thế nhà thơ đổ xô nhận mình là
nhà văn cho nó oai. Thói háo danh sai địa chỉ đó âu cũng là thói kiễng chân lúa
nước của người Việt. “Thấy sang bắt quàng làm họ” mà, thấy cái gì quí hơn thì
tự tâng bốc mình lên tới đó, thậm chí còn vượt qua đó.
Rất nhiều nhà thơ thẳng thắn thú nhận “viết văn là bám bàn mà”. Từ
đó soi
qua nhà thơ thì thấy, chủ yếu họ sáng tác lúc trà dư tửu hậu, đi chơi, đi dạo,
đi chợ, hay quẩn quanh từ nhà ra sân xuống bếp, họ ngâm nga mấy lời, rồi
chép ra vài dòng gọi là thơ. Đây cũng là cách sáng tác phổ biến của đại cường
quốc thơ Tầu. Từ xa xưa họ cho làm thơ là tức cảnh sinh tình, vén tay áo rộng,
phẩy nét bút lông, ngạo nghễ phun châu nhả ngọc mấy vần thơ lẻ, chưa làm xong
đã có vô số kẻ hiếu sự đứng chầu rìa xung quanh xuýt xoa ca tụng như sấm ngôn
rớt xuống từ trời. Những người đó đâu có biết chữ hay thơ văn mà xuýt xoa,
chẳng qua là họ xuýt xoa đám vua chúa, quan lại, kẻ sĩ có quyền lực. Đấy là
cách sáng tạo của tờ rơi chứ không bao giờ là sách có gáy. Ngày nay cũng vậy,
những tập thơ của các nhà thơ đa số trông như tập vé số. Còn viết sách thật thì
sao, xưa kia triều đình bao giờ cũng triệu các quan vào bàn, chọn ai viết,
những học trò nào ưu tú được chọn để chép lại thành các bản chép tay.
(Tác giả Nguyễn Hoàng Đức) |
Quan trọng bậc nhất ở đời là lập Danh, bởi vì không có danh khác gì bọt bèo
trôi nổi trên sông chẳng để lại vết tích gì. Một triệu cái chân bàn hỏng có ai
nhớ, vì chúng không có tên. Một tỉ con côn trùng sinh - hủy cũng có ai nhớ. Nhưng con người thì
khác, người ta được đặt cả tên Họ, tên đệm, lẫn tên riêng, nhiều nơi còn có tên
thánh. Con người chết đi được ghi vào sổ lưu niệm hay cúng trên bàn thờ. Lập
Danh không chỉ làm rạng rỡ tên tuổi mình, mà còn rạng rỡ tổ tông, còn rạng rỡ
quê hương, cao hơn còn đứng trong thành tựu của loài người.
Nhưng mà lập danh thế nào khi con người không có chính danh? Một người
thành công được tặng thưởng, nhưng người ta lại xướng tên người khác, hoặc trao
cho làng bên cạnh, thử hỏi danh vọng đó có vô ích không?! Cái Danh - tức cái Tên là quan trọng hàng đầu với mỗi
người, vì nó xác định họ là mình chứ không phải người khác. Cái Danh trong
tiếng Việt được ghép với từ “Danh Dự” theo lô gic đã trở nên cái quan trọng
sống còn của mỗi người. Một khi mất danh dự thì cũng chẳng còn gì để sống.
Khi cái Danh quan trọng vậy, thì nó bị bước vào thử thách “Danh chính ngôn
thuận”. Một khi danh không chính đáng thì làm sao ngôn thuận, mà người viết
văn, làm thơ lấy ngôn từ làm chính, vậy mà danh ú ớ để ngôn không thuận thì làm
sao có thể đi xa. Truyện ngụ ngôn dạy chúng ta rằng, con cáo muốn thò chân vào
hang thỏ, thì phải thủ thỉ nói, “tôi là thỏ đây”. Tất cả mọi kẻ trộm, kẻ lừa
đảo cũng vậy, muốn trà trộn vào một đoàn người lữ hành để khua khoắng, chúng
đều phải giả danh làm ai đó. Vậy khi nhà thơ muốn giả danh thành nhà văn thì để
khoắng cái gì, có phải ít nhất là danh vọng?!
Đi buôn, có phân biệt buôn sỉ và bán lẻ. Quân đội và công an dù cùng là lực
lượng võ trang, nhưng là hai lực lượng khác biệt không thể giống nhau. Nhà văn
và nhà thơ cũng rất khác nhau, đặc biệt trong tư duy, người làm thơ vần vèo
không thể lẫn vào người làm văn trải chữ trên giấy. Triết gia Hegel phân biệt
rằng: Dân tộc có bàn viết là dân tộc có trí tuệ cao, vì cái bàn là phương tiện
chuyên biệt dùng cho viết lách. Trái lại, dân tộc nghêu ngao xướng vịnh mấy câu
lẻ, sau đó chép ra theo trí nhớ, bạ chỗ nào chép cũng được, có mấy câu quan
trọng gì, thì đó là dạng tùy tiện ngẫu hứng, vui đâu chầu đấy bé nhỏ.
Văn xuôi là ngôn ngữ bình thường của đời sống. Người ta sống thế nào, trải
nghiệm ra sao, nói thế nào, viết văn thế ấy. Còn thơ, theo Aristote là nhịp
điệu hân hoan của ngôn ngữ. Đặc biệt hơn, thơ thường có vần điệu để cho những
người không có sách, dạng mù chữ có thể dễ thuộc và truyền miệng.
1- Nếu bạn nói “Trong ráng hoàng hôn xao xuyến anh thấy em rất đáng yêu”,
thì đó là văn xuôi.
2- Nhưng nếu bạn nhạc điệu hóa mấy từ đó như: “Trong hoàng hôn xao
xuyến í i, anh thấy em í ì i rất là rất đáng yêu í ì” thì đó coi như thơ.
Vì tư duy theo vần điệu nhí nhảnh xuống dòng liên tục, nên người đời không
thể hình dung về một bóng dáng nhà thơ vạm vỡ, cứng cỏi, trí tuệ, Thủa xưa,
thơ, cũng như sử thi có lẽ còn xuất hiện trước văn xuôi. Nhưng thơ ngày xưa, đó
là Thi Ca bao gồm cùng lúc: Thơ, Kịch, Văn xuôi. Còn thơ đoản ca, theo triết
gia Aristote là thứ thiếu trọng đại, cả vạn nhà thơ Hy lạp đã mất tăm không hề
sủi bọt, chỉ để lại mỗi một Homer và vài nhà viết kịch tên tuổi.
Nhiều người Việt mình ra nước ngoài đã xấu hổ về tổ quốc khó nghèo lạc hậu
mà toàn tự giới thiệu mình là người Nhật, người Hàn… Rồi khi được hỏi hầu hết
trả lời “ta người Hà Nội”. Người Việt có câu “Con không chê cha mẹ khó, chó
không chê chủ nghèo”. Người phương Tây sang làm ăn tại Việt Nam có một nhận
xét: người Việt ít có tính chung thủy với công ăn việc làm hay công ty của
mình, thường thấy chỗ nào “ngon” hơn thì chuyển. Như vậy là kiểu “đá lăn không
xanh rêu”, không hình thành được tay nghề cao, cũng như đạt tới lý tưởng của
nghề nghiệp.
Nhiều người cứ nói “yêu thơ”, nhưng vào lúc thơ còi cọc ốm yếu nhất, lẽ ra
mình có tí vốn thì phải chung tay vào đó để vực thơ lên, nhưng chưa chi họ đã
chạy làng. Nhưng tại sao họ cứ tiếp tục ca tụng thơ? Vì vốn nghê nga vần vèo
của họ ít quá, rời thơ ra chẳng biết làm gì, nên họ chả vờ ca tụng và yêu thơ.
Người đời cũng nói “sanh nghề tử nghiệp”, muốn khuyên chỉ có chuyên tâm từ đầu
chí cuối như vậy, thì trình độ của người ta mới uyên thâm. Một người hát dong,
một người xiếc chợ, lại còn kéo cả họ vào làm gánh xiếc, nghề của người ta là
nghề mạt hạng, nhưng nếu người ta không biết yêu nghề thì làm sao có ngày danh
vang thiên hạ?
Ngay với triết học, một số chuyên gia cho rằng, ngày xưa cho chí ngày nay,
triết học bị xem thường, thờ ơ, coi rẻ, vì bị coi là tư duy viển vông, không
thực tế, không đem lại lợi ích, cụ thể ở Việt Nam, ông Trần Đức Thảo giỏi từ
bên Pháp như vậy, về rừng Việt Nam cũng bị xếp xó ngồi chơi xơi nước.
Mỗi con người có một hoàn cảnh, mỗi nghề có cái khó và cái dễ của nó, nhưng
làm sao chịu được nghề như nghề thơ ở xứ ta, thấy dễ dãi phổ biến quá lại nhiều
đồng đội người ta lăn xả vào, nhưng lúc khó người ta liền bỏ đi không còn một
mống. Thử hình dung một hình ảnh thế này. Rạp hát kia có hai cửa vào: bên “nhà
văn” và bên “nhà thơ”. Vì điều kiện xét nét quá, nên nhiều người bỏ cửa nhà văn
sang cửa nhà thơ. Khi tan cuộc, người ta bỗng thấy chẳng có ai ra bên phía cửa
“nhà thơ” cả, mà tất cả đều ra bên cửa nhà văn.
Còn có hai hình ảnh khác. Một toa tầu ngoài cửa ghi “vào nhà thơ - ra nhà văn”, thì nườm nượm người xếp hàng
chen chúc mua vé. Còn cạnh đó toa tầu ghi “vào nhà văn - ra nhà thơ” thì chẳng có ma nào bén mảng.
Thử hình dung, những đứa con nhà nghèo khi về bên ngưỡng cửa bỗng lưỡng lự
chỉ muốn thành con nhà hàng xóm vì bên đó giầu hơn?! Và một người thổi kèn
trong dàn nhạc bỗng chán cái kèn của mình, chỉ muốn ngồi chơi bên chiếc piano
bóng lộn, thử hỏi liệu dàn nhạc có còn? Một quốc gia chỉ tề tựu hàng triệu kẻ
ham vui dễ dãi, ngâm nga vài vần kiếm danh, kiếm sống, kiếm giải và kiếm ghế,
nhưng khi được xướng tên lại lắc đầu quầy quậy “tôi là nhà văn viết sách có gáy
cơ” thử hỏi quốc gia đó có yếu ớt như mấy vần nghê nga ẻo lả?! Và quốc gia đó
làm sao giầu mạnh khi đông nhung nhúc những kẻ “danh đã đổi nhưng ngôn vẫn xối
như xả lũ”?
*
Hà Nội, 05 tháng 09.2013
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
Địa chỉ: Số nhà 100, đường Nguyễn Xiển
(ngã 4 Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển)
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: Paulnguyenhoangduc@gmail.com
.
................................................................................................................
- Cập nhật từ email donguyenhn@yahoo.com gửi ngày 17.12.2015.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét