KÝ ỨC LỘN XỘN
CỦA NHÀ TRIẾT HỌC SỐ
1 CHÂU Á
*
Có những người không
đi tới được đích của cuộc đời mình như họ mong ước hoặc “mộng du” trong trí
tưởng tượng chân thành nhưng lại giúp con người nhận ra một điều gì đó vô cùng
quan trọng trong cuộc sống của họ. Những người đó hiện hữu trong đời sống chúng
ta như một thứ để so sánh, để đối chiếu. Bởi nếu một người sống trong thế giới
chỉ có mình anh ta thì người đó sẽ không bao giờ tìm thấy một tấm gương để soi
mình vào và nhận ra những gì mình có. Một người đối diện ta thực sự là một tấm
gương. Xin đừng hiểu theo nghĩa tấm gương là thứ để chúng ta noi theo mà là thứ
để chúng ta nhận ra ta hoặc nhận ra một cái gì đó cho ta. Nguyễn Hoàng Đức,
theo tôi, có lẽ là một người như thế.
Từ những năm đầu thập
kỷ tám mươi của thế kỷ trước, tôi đã chú ý đến ông. Chú ý bởi tôi thấy một
người đàn ông mặc áo vét, đội mũ phớt, đeo đàn ghi-ta, mang giày cao gót đi vào
cổng Bộ Nội Vụ (bây giờ là Bộ Công an). Hình ảnh đó tách biệt ra khỏi tất cả
các cán bộ Công an hồi đó và cả bây giờ. Ngay lúc đó tôi đã tự hỏi: Làm sao mà
Công an lại có một người khác biệt như thế nhỉ? Vì ở mọi quốc gia trên thế
giới, hai lực lượng Công an và Quân đội là hai lực lượng quy định nghiêm ngặt
về nhiều mặt. Trước hết là quy định về cách ăn mặc và phong thái sinh hoạt. Có
phải thế mà sau này, ông đã không thể ở ngành Công an được nữa không?
Ông chuyển ra ngoài
và trở thành người tự do. Rồi ông cũng bỏ ghi-ta. Bỏ cái thời mũ phớt, áo vét,
giày da cao gót và chơi đàn như một tài tử bang Texas những năm 40. Ông đã đi
qua một thời ngây thơ trong sáng. Tôi nói đùa rằng ông đã đi qua chương I của
Chủ nghĩa hình thức. Nhưng ông vẫn học nhạc. Bây giờ ông chỉ chơi các bản nhạc
cổ điển bằng một chiếc piano cũ để trong nhà ông. Dù là chiếc piano cũ nhất Hà
Nội. Nhưng người lên dây đàn cho ông lại là một người lên dây đàn giỏi nhất
miền Bắc. Ghi-ta đối với ông bây giờ là một thứ nhạc cụ lìu tìu (chữ của Nguyễn
Hoàng Đức) và ca khúc là một thứ sáng tác lìu tìu. Với ông phải là giao hưởng,
phải là piano, phải là whisky chứ không lọ mọ (chữ của Nguyễn Hoàng Đức) rượu nút
lá chuối. Đối với ẩm thực thì các món nướng, quay, rán, hầm ông mới cho là món
ăn còn các thứ kho, rang, luộc… ông chỉ cho đó là thức ăn mà thôi. Quan niệm
ngồ ngộ này cũng gây ra một vài tranh cãi trong bạn bè của ông. Nhưng tranh cãi
thì ít mà ngạc nhiên về cái quan niệm ngồ ngộ của ông thì nhiều. Con trai tôi
rất ấn tượng cách gắp thức ăn của ông. Chàng trai này nói khi ông nâng miếng
thức ăn lên thì nó trở thành một cái gì đó rất trang trọng, trang trọng một
cách bất thường, chứ không còn là thức ăn nữa. Một người bạn thân của ông, nhà
thơ, đạo diễn Lương Tử Đức, nghe tôi kể lại những chuyện như thế thì đủng đỉnh
nói: “Đấy cũng chỉ là chương II của Chủ
nghĩa hình thức”.
Bây giờ ông đã trở
thành một con chiên của Chúa. Một con chiên thực sự. Ông đã làm lễ rửa tội. Chủ
nhật hàng tuần ông đi nhà thờ. Trong ngôi nhà nhỏ của ông ở phường Thanh Xuân
ngập tràn tranh Thánh. Ông đã đến với Chúa bằng một con đường vừa giản đơn vừa
lạ kỳ. Cách đây có lẽ hơn hai mươi năm, ông tiếp xúc với một linh mục trong một
hoàn cảnh “đặc biệt”. Thấy vị linh mục rất giỏi tiếng Pháp. Ông đã xin theo học
tiếng Pháp. Hết khoá học tiếng Pháp ông trở thành con chiên. Tôi không hiểu do
vị linh mục kia thuyết giáo giỏi để ông đi theo hay ông đã được ơn gọi, ơn chọn
hay ông chỉ coi tôn giáo này là một thứ sang trọng mà ông muốn có như piano,
như giao hưởng và whisky (?)
Nhưng dù thế nào thì
cũng là điều khác lạ. Lòng tin của Nguyễn Hoàng Đức vào Chúa cũng khác lạ. Đức
có một căn bệnh làm ông rất đau đớn và khó chịu. Thi thoảng, thân thể ông lại
chảy máu. Có buổi sáng thức dậy, máu thẫm đỏ trên gối và ga đệm của ông. Một
lần ăn tối với mấy người bạn có cả Nguyễn Huy Thiệp, ông Thiệp tìm cách ngồi xa
Đức. Rồi ông Thiệp thì thầm với tôi “Có
lẽ cha này bị si-đa”. Chuyện này cách đây đã mười mấy năm rồi. Nhưng nói
vậy là oan cho Nguyễn Hoàng Đức. Nguyễn Hoàng Đức lúc nào cũng có một thân hình
vạm vỡ và uy nghi. Giọng nói ông lúc nào cũng mạnh mẽ và quyết đoán. Ông đã
theo học năm năm ở Học viện An ninh. Nghe nói, võ thuật của ông cũng đã từng
chạm tới đai đen.
Tuy bệnh tình nhiều
lúc làm ông vô cùng đau đớn và khó chịu, nhưng ông không hề dùng bất cứ loại
thuốc nào. Ông tin một ngày nào đó Chúa sẽ chữa khỏi bệnh cho ông. Chính vì
lòng tin đó mà ông ngồi viết những cuốn sách dày cả ngàn trang trong máu chảy
và những cơn đau nhức nhối mà vẫn thản nhiên như ta ngồi uống trà trong vườn
vậy. Nhìn ông phải chịu đựng nỗi đau bệnh tật, tôi đã nói với ông rằng Chúa đã
nhìn thấy lòng tin của ông đối với Người và Người đã phái một Thiên sứ xuống
chữa bệnh cho ông. Thiên sứ này đội lốt một bác sỹ làm việc trong một bệnh viện
nào đó ở Hà Nội. Ông cứ đến bệnh viện sẽ gặp Thiên sứ của Người và sẽ được chữa
bệnh. Nhưng ông không tin tôi. Ông không tin tôi cũng đúng vì tôi là một kẻ vô
đạo mặc dù tôi có đức tin. Hình như Nguyễn Hoàng Đức chỉ muốn Chúa hiện ra rõ
hình hài và lướt nhẹ những ngón tay dọc thân thể bệnh tật của ông và ngay lập
tức ông khỏi bệnh. Ông như một cậu bé cần một người mẹ bằng xương bằng thịt đến
ôm lấy nó và cho nó ăn. Mọi lý thuyết về người mẹ không hề có tác dụng với một
đứa bé.
Ông có đức tin vào
Chúa. Nhưng ông lại không biết được rằng trong các câu chuyện cổ hoặc trong
những câu chuyện Thánh thì các Thiên sứ từ xưa tới nay thường xuống thế gian
trong hình dáng của những người bình thường như một ông lang chẳng hạn. Có lẽ
ngoài đức tin ra, ông còn phải hiểu được sự kỳ diệu của phép thiêng và con
đường của sự kỳ diệu ấy thì sự kỳ diệu mới đến. Cũng như ông, có quá nhiều nhà
thơ luôn miệng nói rằng họ chỉ muốn viết về những điều thiêng nhưng trong cuộc
sống họ lại muốn nhìn thấy những điều thiêng đó phải hiện hữu như bát phở, chai
rượu hay tiền mặt. Họ chẳng bao giờ chịu đựng nổi ý nghĩ rằng phép thiêng ở
trong chính lòng họ.
Bây giờ Nguyễn Hoàng
Đức sống độc thân trong ngôi nhà ở phường Thanh Xuân, Hà Nội. Ông đã ly dị và
vẫn chưa kiếm tìm được người nâng khăn sửa áo thứ hai cho cuộc đời mình. Ông
đặt tiêu chuẩn quá cao cho người vợ thứ hai. Có phải vì thế mà các cô gái cứ đi
qua ông rồi lặng lẽ biến mất. Liệu một người phụ nữ bình thường có chịu được
một cuộc sống mà ngày nào cũng phải sống trong nghi lễ bằng một hình thức nào
đó không? Với Nguyễn Hoàng Đức, thức dậy là một nghi lễ, đi ăn sáng với bạn bè
cũng là một nghi lễ, mở một chai rượu vang cũng là một nghi lễ, thắp một cây
nến cũng là một nghi lễ, gắp một miếng thức ăn cũng là một nghi lễ… Ông tôn
giáo hoá và triết học hoá mọi hành động của ông. Nếu như thế, những người phụ
nữ chỉ có thể chiêm ngưỡng ông chứ không thể sống một cuộc sống trần tục với
ông. Trong khi đó, ông lại đòi hỏi họ với những đáp ứng của một cuộc sống trần
tục như mọi con người.
Bây giờ ông sống độc
thân giữa những chân dung hội hoạ người ta vẽ chính ông và những bức tượng
người ta đúc chân dung ông. Tượng đất nung có, tượng đá quí có và có cả tượng
đồng. Một buổi tối, ông mời bạn bè đến ăn tiệc với một lý do gì đó không được
báo trước. Khi bạn bè đến đã thấy rượu vang và ly pha lê bầy sẵn trên bàn, tất
cả các cây nến trong nhà đã được thắp sáng. Ông nói với mọi người lý do bữa
tiệc là vì một sự kiện đang hiện diện trong nhà ông. Nói xong, ông bước lại bên
chiếc piano có để một vật gì đó chùm một vuông vải đỏ. Khi ông kéo chiếc vải đỏ
ra thì một bức tượng đá lớn chân dung ông hiện ra. Một người em trai của ông đã
bỏ ra một thời gian dài trong trại cải tạo để tạc bức tượng đá chân dung anh
trai mình. Trước đó, đã có những bức tượng khác tạc chân dung ông của một số
nghệ sỹ.
Đó là một đêm ông
hạnh phúc và kiêu hãnh. Tối tối, ông thường thắp nến lên và ngồi xuống trước
chiếc piano và chơi một bản sonat nào đó. Rồi ông ngồi vào bàn viết. Rồi ông đi
ngủ với một cơ thể nhiều lúc đầm đìa máu. Đã nhiều lần tôi tự hỏi, tại sao ông
tin Chúa mà lại không tin có một Thiên sứ xuống trần gian đội lốt một bác sỹ
tài năng và nhân ái để chữa bệnh cho ông. Có lẽ lòng tin Chúa của ông chưa đến
độ để có thể tin rằng Chúa hay các Thiên sứ của Người vẫn thường trú ngụ trong
những con người bình dị. Tôi nghĩ, chỉ khi tin được như thế thì ông mới thực sự
đến được với Người trọn vẹn.
Ông đã từ bỏ biên chế
nhà nước từ lâu lắm rồi. Ông ở nhà và viết sách. Một số sách của ông đã xuất
bản. Nhưng đó chỉ là một số lượng ít ỏi trong gia tài bản thảo khổng lồ của
ông. Ông sống bằng viết báo. Ông là cộng tác viên ăn lương của báo Phụ nữ Việt
Nam và thi thoảng viết cho báo Tiền Phong. Tổng biên tập Dương Kỳ Anh, rất
thích những ý tưởng của Nguyễn Hoàng Đức. Ông viết đều đặn từng số. Ông là một
kẻ làm việc dựa hoàn toàn trên lý trí. Chính vì thế mà việc viết sách, viết báo
của ông mới có thể kéo dài hàng chục năm như vậy. Một người bạn rất thân với
ông nhận xét: chính vì chỉ sống thuần lý mà ông lại gặp quá ít thành công trong
sáng tạo và quá nhiều thất bại trong đời thường. Thất bại trong cả việc lấy một
cô gái làm vợ. Ông học thuộc lòng những trang sách nghiên cứu tâm lý của con
người nhưng lại không hiểu được ánh mắt và ngôn từ của cô gái đang ngồi trước
ông. Giống như ông hiểu được những đặc tính của gỗ nhưng lại không cảm nhận
được một cái cây trong đời sống giản dị nhưng kỳ vĩ của nó. Phẩm chất ấy có thể
biến ông thành một triết gia lập dị nhưng khó biến ông trở thành một nghệ sỹ.
Ông có một đức tính
mà chúng ta phải học tập. Đó là ý thức làm việc của ông. Ông sống độc thân
trong ngôi nhà và dậy rất đúng giờ và ngồi vào bàn rất đúng giờ. Không ai giám
sát giờ giấc của ông. Không ai nhắc nhở ông. Ông có quyền trốn việc. Nhưng ông
luôn luôn áp đặt một kỷ luật sắt cho chính bản thân ông. Khi viết một cuốn
sách, ông đánh số trang lên những tờ A4 và cứ thế viết lần lượt từ trang 1 đến
trang 1000 và hơn thế. Bây giờ ông không dùng computer. Ông nói ông muốn cảm nhận
từ những đầu ngón tay sự chuyển động của từng chữ. Khi nào viết ông đều thắp
một ngọn nến để trước mặt kể cả ban ngày. Ông bảo nhìn ngọn nến cháy để thấy
thời gian không chờ đợi ông và ông không còn cách nào khác là phải làm việc
liên tục. Ông viết và viết và viết cho dù quá ít những trang bản thảo của ông
được in ra và quá ít người nói về những gì ông đã xuất bản. Các nhà phê bình kể
cả những nhà phê bình là bạn ông vẫn cứ lặng lẽ mở những trang sách để đọc
những gì ông viết rồi lặng lẽ gấp sách lại. Có lúc tôi thấy ông buồn và nói về
sự bất công của bạn đọc. Họ đọc những cuốn sách ông viết mà chẳng hề nói gì.
Trong khi ông tin đó là những cuốn sách lớn. Nhưng rồi ông lại quên ngay và
ngồi xuống viết với những tư tưởng đầy tính mộng du của mình.
Ông là người duy nhất
ở Việt Nam luôn luôn tự nhận xét và xếp thứ bậc cho mình. Ông tin tưởng chắc
chắn rằng ông là nhà triết học số 1 của Châu Á. Ông tin ông là người viết bài
thơ tình dài nhất thế giới. Ông nhìn các nhà văn Việt Nam như một vị Thánh nhìn
đám chúng sinh. Những Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Trần Đăng
Khoa… với ông chỉ là những kẻ nổi loạn phi lôgíc hoặc là những kẻ viết những
thứ văn chương đơn điệu và lắm lời. Ông đã viết một tiểu luận dài về truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp và sau đó coi như đã xoá sổ nhà văn này trong hệ thống tư
duy của mình. Ông mang bài viết của ông về Nguyễn Huy Thiệp trao tận tay Nguyễn
Huy Thiệp. Ông có khả năng làm được những việc mà một nhà văn hay nhà phê bình
khác không bao giờ dám làm. Trong Hội nghị lý luận phê bình của Hội nhà văn ở
Đại Lải cách đây sáu bảy năm gì đó, ông đã đến và phát tán một bài viết của ông
và coi đó là quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Phê bình Lý luận Việt Nam.
Và từ đó đến nay, ông luôn luôn nghĩ rằng quả bom đó đã “hủy diệt” tất cả và
ông chẳng còn để ý đến các nhà phê bình lý luận Việt Nam nữa.
Cuốn sách nào ông
viết ra, ông cũng coi đó là cuốn sách dài nhất hoặc hay nhất hoặc mới lạ nhất ở
Châu Á. Ông đã nhiều lần tuyên bố: “Tôi
là nhà triết học số 1 Châu Á và tôi sẵn sàng so găng với tất cả những ai định
chống lại lời tuyên bố này của tôi”. Nếu có ai phản lại tuyên bố này của
ông thì ông thách thức: “Hãy chứng minh
đi”. Và sự thật, có quá nhiều người không dám so găng với ông hoặc không
chứng minh gì cả. Thực tế, mới chỉ có một người so găng triết học thực sự với
ông. Đó là nhà thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Và Đỗ Minh Tuấn đã gọi ông là nhà
triết học không có tư tưởng. Nhưng sau trận so găng “máu lửa” ấy, hai người lại
trở lên thân nhau hơn. Mới đây, trên Tiền phong Chủ nhật, Đỗ Minh Tuấn đã viết
một chân dung dài về Nguyễn Hoàng Đức với những lời lẽ ca ngợi bi tráng. Nhiều
người hiểu đó như là sự “quy hàng chậm trễ” trên đấu trường triết học của Đỗ
Minh Tuấn trước Nguyễn Hoàng Đức. Một lần gặp Trần Mạnh Hảo, nhà phê bình mà
theo Nguyễn Hoàng Đức là nhà phê bình “cả vú lấp miệng em” nhất Việt Nam,
Nguyễn Hoàng Đức chỉ tay vào mặt Trần Mạnh Hảo, tuyên bố: “Nếu ông bước vào sới triết học thì tôi chỉ đập một nhát là nát bét đầu
ngay”.
Việc ông coi mình là
nhà triết học số 1 Châu Á không phải do tính ngông cuồng và ngạo mạn như một
vài ông kễnh nhà văn nhà thơ Việt Nam khác mà bởi lòng tin chân thực trong thế
giới của ông mà không ít người là bạn ông gọi đó là thế giới mộng du của Nguyễn
Hoàng Đức. Ông xuất hiện ở đâu là ở đó có tranh luận nẩy lửa. Sau những cuộc
tranh luận đó ra về, lòng ông tràn ngập niềm kiêu hãnh vì đã khuất phục tất cả.
Lúc nào ông cũng nghĩ mình đã và đang là người chiến thắng thiên hạ.
Ông luôn luôn đòi hỏi
sự minh bạch và công bằng trong tranh luận. Tất nhiên đó là một thứ minh bạch
và công bằng trong quan niệm của ông. Một lý do khác làm ông luôn luôn tin ông
là người minh bạch và công bằng vì cách nói vòng vo và quá nhiều cử chỉ vuốt ve
hay rào trước đón sau của các nhà phê bình lý luận và các nhà văn của chúng ta.
Các nhà văn nhà thơ Việt Nam quá thiếu phẩm tính ấy còn ông thì lại quá thừa.
Nhà thơ Dương Kiều Minh, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Hà Tây quả quyết: cả
người quá thiếu và người quá thừa đều thất bại. Cái gì ông cũng lấy thước đo
của lý luận, của triết học để phán xét. Ông sáng tác cũng theo các tiêu chuẩn
của triết học. Ông thiết kế bộ khung triết học và đắp các chi tiết và ngôn từ
vào đó. Bởi thế, các tác phẩm văn xuôi hay thơ của ông, theo nhận xét của nhà
thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, thì giống như một bản nháp triết học chứ không phải
là một tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn. Còn nhà thơ, dịch giả Hàn Thủy Giang, người
đang nắm giữ chương trình thơ của VTV3 tuyên bố: “Nguyễn Hoàng Đức chỉ thành công khi đốt hết sách của mình”.
Có người đã hỏi tôi
ông học triết ở đâu? Ông chẳng có một người thầy nào trực tiếp dạy ông môn
triết học này cả. Ông tự đọc sách. Trong nhà ông ngập tràn sách triết học xuất
bản trước năm 1975 ở Sài Gòn. Quả thực, ông đọc sách triết học nhiều hơn những
người học môn triết học ở Việt Nam. Các tiến sỹ triết học ở Việt Nam luôn luôn
bị ông nhìn với một nửa con mắt. Ông từng tuyên bố trước một số tiến sỹ triết
học rằng: 1000 chữ của tôi đủ xoá tên các ông khỏi danh sách các nhà triết học
Việt Nam. Và các tiến sỹ triết học có bằng cấp hẳn hoi kia chẳng biết nói gì
chỉ biết cười gượng hoặc yếu ớt chống cự như những con cừu trước một con sói
Mông Cổ trong Totem Sói.
Khi tôi đang viết
những dòng lộn xộn này thì ông vừa hoàn thành xong một cuốn tiểu thuyết gần hai
nghìn trang viết tay của ông. Nói cụ thể là cuốn sách đó dài gần 3000 trang.
Ông hoàn toàn tin rằng: cuốn tiểu thuyết này sẽ đưa ông đến Viện Hàn Lâm Thuỵ
Điển nhận giải Nobel văn học. Ông tin rằng nếu ông không được trao một giải
thưởng quốc tế lớn cho cuốn tiểu thuyết đó và những công trình khác của ông thì
thế giới đích thực đã mù loà. Nhiều người cho ông là ngông ngạo, là mắc bệnh
hoang tưởng. Tôi không bàn về nhận định này của thiên hạ. Nhưng tôi thấy ông
tin một cách ngây thơ và trong sáng vào những gì ông viết. Điều này có thể không
cần cho thiên hạ và có khi làm thiên hạ khó chịu nhưng lại vô tình cần thiết
với ông. Có lẽ niềm tin về sự ngự trị của mình trong làng phê bình lý luận Việt
Nam đã giúp ông đi qua bờ vực của sự tuyệt vọng. Con người dễ dàng đi trên một
một lối đi rộng bằng bàn chân trên mặt đất nhưng lại không đi nổi qua một cái
cầu có chiều rộng gấp mười lần nhưng bắc giữa hai tòa nhà cao tầng. Tất cả là
do tâm lý. Nguyễn Hoàng Đức có lẽ là một người đánh mất cảm giác sợ hãi hoặc
ông quá tự tin nên ông mới có thể đi qua những điều mà ngay cả những kẻ vĩ đại
cũng ít nhiều sợ hãi. Nhưng sự quá tự tin luôn là con dao hai lưỡi. Nó vừa cho
chúng ta sức mạnh vừa làm cho chúng ta trở nên mù lòa.
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
-
Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Hoàng Đức0
-
Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Quang Thiều0
-
Các bài viết của
(về) tác giả Trần Mạnh Hảo0
-
Các bài viết của
(về) tác giả Sương Nguyệt Minh0
- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Trong Tạo0
Mời nghe Khề Khà
Truyện đọc truyện ngắn
“CÔ” SƯỚNG CƯỚI VỢ
của Đặng Xuân Xuyến:
*.
NGUYỄN QUANG THIỀU
Địa
chỉ: Làng Chùa, xã Sơn
Công,
huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà
Tây.
Email: nquangthieu@gmail.com
..........................................................................................................
- Cập nhật từ
email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 08.09.2022.
- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét