CÁCH NÓI ĐỂ NGƯỜI KHÁC CẢM ĐỘNG - Tác giả: Nguyễn Bá Bách (Bắc Ninh)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
CÁCH NÓI ĐỂ
NGƯỜI KHÁC CẢM ĐỘNG
*
Làm thế nào để người khác phải cảm động trước bản thân mình là một việc rất khó, nhưng không phải không làm được. Điều đó phụ thuộc vào những kỹ năng, sự nhạy bén và khả năng nhận biết tâm lý người khác. Chúng tôi xin lược trích một số câu chuyện để bạn đọc tham khảo.
Năm 1858, ông Linken tham gia tranh cử nghị viện trong thượng nghị viện Mỹ, đã đi khắp nước Mỹ để diễn thuyết tranh cử. Lần này, ông đã đến bang Illinois thuộc miền nam nước Mỹ vận động tranh cử. Trong thời gian đó, kinh tế bang này vẫn chưa được phát triển, chế độ nông nô đang phát triển, trong khi ông Linken lại đang kiên quyết xoá bỏ chế độ nông nô. Cũng chính vì vậy mà các chủ nông trang ở bang này hận ông đến tận xương tuỷ. Họ đã phao tin rằng nếu ông Linken đến đây diễn thuyết họ sẽ tìm cách giết chết ông. Linken đã nghe được tin này, nhưng ông cũng không hề hoang mang mà cho rằng quan hệ giữa con người và con người thì không có gì là không giải quyết được. Vậy là ông vẫn quyết định thực hiện bài diễn thuyết của mình như dự kiến.
Ông đã dùng biện pháp là đích thân đến gặp thủ lĩnh của những người
(Tác giả Nguyễn Bá Bách)
phản đối để nói chuyện với họ một cách chân thành cởi mở, thẳng thắn, vô tư để hai bên hiểu nhau.
Trong buổi diễn thuyết của Linken, người dân kéo nhau đến đông như kiến cỏ, trong đó có vô vàn người phản đối ông đã mang theo vũ khí. Linken vẫn ung dung thực hiện bài diễn thuyết một cách say sưa với giọng điệu vô cùng ôn tồn và thân thiết.
Bài diễn thuyết của Linken như sau:
Kính thưa người dân thuộc bang Illinois, thưa nhân dân Kentucky, người dân Missomi và toàn nhân dân kính mến. Tôi nghe nói có một số người dân ở đây quyết tâm muốn chiến đấu với tôi, quả thật là tôi không sao hiểu nổi. Tôi cũng giống như tất cả mọi người ở đây, cũng là một người dân bình thường thẳng thắn, vô tư, tốt bụng, vậy tại sao tôi lại không thể giống như mọi người, có quyền nói lên những chính kiến của mình chứ.
Thưa toàn thể quý vị kính mến! Tôi không phải là người đến đây để can thiệp vào đời sống của quý vị, mà tôi cũng là một người dân như bao người khác và cũng giống như quý vị vậy. Tôi sinh ra ở Kentucky, lớn lên ở Illinois, cũng giống như quý vị, cũng gắng gượng vươn lên từ trong khó khăn, gian khổ. Vì vậy, tôi rất thấu hiểu và cảm thông cho các bạn nhưng các bạn cũng nên bớt chút thời gian quý báu của mình để hiểu một chút về con người tôi. Một khi các bạn thực sự hiểu tôi, các bạn sẽ rõ tôi đến đây không phải là để làm những điều bất lợi cho các bạn. Như vậy thì đương nhiên các bạn cũng sẽ không làm điều gì bất lợi và ảnh hưởng đến tôi. Chúng ta đều là anh em một nhà, đều là bạn tốt của nhau. Tôi luôn muốn làm một người khiêm tốn và hoà nhã nhất trên thế giới này, do đó, tôi cầu xin mọi người - xin mọi người hãy cho tôi được nói mấy câu.
Các bạn đều là những con người dũng cảm và thẳng thắn. Chắc chắn các bạn không phủ nhận điều đó đúng không? Bây giờ cho phép tôi nói về vấn đề vô cùng nghiêm trọng, các bạn nghĩ sao?”
Đó chính là những lời thay cho lời mở đầu trong bài diễn thuyết mà Linken đã thể hiện. Thật tuyệt vời, tất cả những điều đó gây nên sự hồi hộp và hiếu kỳ cho người nghe. Mọi cảm giác thù địch, muốn chém giết đã dần tan biến hết lúc nào không biết, người dân lúc này đã thay vào đó là những tràng vỗ tay vang dội.
Linken đã ý thức được bản thân mình là người tham gia tranh cử, và điều quan trọng là phiếu chọn, chứ không phải là ân oán với người dân. Do vậy, mà ông không hề đi thẳng vào vấn đề “chế độ nô lệ” đang nóng bỏng, mà ông lại mượn mối quan hệ đồng hương của mình để kéo tình cảm của người dân. Đó là điều đã mang đến thành công rực rỡ của Linken.
Ông Kachi, có lần đã được mời làm giảng viên đánh giá của trường đại học Columbia, trong đó có 6 học sinh của trường được tập luyện rất bài bản. Trừ một người ra, còn lại mọi người đều với mục đích là để giành được giải thưởng. Cũng trừ một người duy nhất đó ra, những người kia chưa từng nghĩ đến việc khiến người khác phải tin tưởng và thán phục qua bài diễn thuyết của mình.
Người duy nhất trong số 6 người mà kachi kể là một chàng trai, con một thủ lĩnh thuộc bộ tộc ở Châu Phi. Anh ta đã chọn chủ đề diễn thuyết là: “Những cống hiến cho nền văn minh hiện đại của Châu Phi”. Trong bài viết đó, từng câu từng chữ của anh ta đều chứa đầy những tình cảm sâu nặng. Những lời anh ta viết là để đại diện cho nhân dân đất nước mình đối với toàn nước Mỹ, bằng trí tuệ và phong cách cao thượng để nói lên nguyện vọng của người dân châu Phi.
Có thể về mặt kỹ năng, anh ta còn thua kém đối thủ nhưng hội đồng đánh giá vẫn dành phần thưởng danh dự nhất cho anh.
Chỉ đơn giản, chàng trai da đen này đã dùng cách thức riêng của mình để viết lên bài diễn thuyết. Anh ta đã hiểu được rằng nếu nói chuỵên với người khác chỉ đơn thuần nói bằng lý thì khó mà chinh phục được họ. Nhưng anh ta lại có đủ khôn ngoan để khiến mọi người biết rằng anh có một niềm tin sắt đá vào những gì mình nói.
Có một nhà diễn thuyết đương đại đã nhận lời mời đến một nhà tù để diễn thuyết cho tù nhân. Bài diễn thuyết được đánh giá là có một không hai này đã khiến ông rất lo lắng.
Phạm nhân là những người rất đặc biệt, có đủ mọi hạng người, làm thế nào để họ ngồi lắng nghe hết bài diễn thuyết mà không nổi loạn là thật khó. Ông đã miệt mài nghiên cứu để tìm ra một lối diễn thuyết phù hợp và đạt hiệu quả nhất.
Khi ông bước vào hội trường rộng lớn, nhìn thấy những phạm nhân ngồi rất trật tự, ngay ngắn ở dưới với sự giám sát của cảnh sát và cán bộ trại giam, nhưng ông vẫn thấy có một số người không quan tâm, mà tâm hồn đang suy nghĩ đi đâu.
Thấy vậy, ông đã cất cao giọng:
- Các bạn thanh niên phạm phải những quy định của pháp luật thân mến! Tôi rất vui vì đã có được cơ hội gặp các bạn ở đây…”
Chỉ với một câu chào hỏi mà cả hội trường đã vang lên liên hồi những tràng pháo tay ròn rã. Bởi họ nghĩ họ là phạm nhân nhưng vẫn được một người ở địa vị cao như vậy coi trọng mà gọi là “bạn”. Họ đã quen phải nhìn những ánh mắt lạnh lùng, những lời nói sỉ nhục, nhưng hôm nay đã hoàn toàn khác. Sau khi bài diễn thuyết của ông ta kết thúc, rất nhiều phạm nhân đã phải rơi nước mắt vì cảm động.
Quả thật tình cảm là liều thuốc kích hoạt trong lý luận, là lực lượng sản sinh động lực của biện luận. Về cái đạo lý này, chúng ta không thể phủ nhận nó.
Một nhà doanh nghiệp người Pháp đã thực hiện chuyến đi đặc biệt đến Newdel để tìm vị tướng quân bàn về việc mua bán tàu biển. Khi nhà doanh nghiệp này đến Newdel, hẹn tướng quân nhiều lần nhưng vẫn chưa gặp được. Cuối cùng ông đành phải dùng chiêu gọi điện gặp trước. Nhưng trong suốt cuộc nói chuyện, nhà doanh nghiệp không hề đề cập đến việc mua bán máy bay, mà ông ta chỉ nói:
Tôi sẽ đến Garda, đây chỉ là chuyến đến Newdel với danh nghĩa cá nhân đến thăm tướng quân, chỉ cần tướng quân dành cho 10 phút là tốt lắm rồi.” Vị tướng quân đã miễn cưỡng nhận lời dành cho ông ta 10 phút để nói chuyện. Thư ký của tướng quân đã dẫn ông ta vào trong phòng làm việc của tướng quân và nói với ông một cách cứng nhắc rằng “Tướng quân rất bận, xin đừng mất thời gian của ngài”. Nhà doanh nghiệp đã tự nhủ: “Xem ra vụ làm ăn này thất bại mất.”
- Chào ông”, tướng quân tỏ ra lịch sự bắt tay.
- Chào Tướng quân”, nhà doanh nghiệp tiếp tục nói: - Tôi chân thành cảm ơn ngài, Tướng quân”.
Tướng quân đã rất ngạc nhiên về lời cảm ơn đó.
Ngài đã cho tôi có được cơ hội vô cùng may mắn này, cuối cùng tôi lại được trở lại quê vào đúng ngày sinh nhật của mình”.
- Ông sinh ra ở Ấn Độ” Tướng quân có vẻ vui vẻ hỏi.
- Vâng, thưa Tướng quân, tôi sinh ra vào ngày 04 tháng 03 năm 1929 tại thành phố Garda. Lúc đó cha tôi là đại diện cho một công ty của Pháp đóng tại Ấn Độ. Người Ấn Độ vô cùng hiếu khách, gia đình tôi đã được chăm sóc rất chu đáo và tận tình”.
Nhà doanh nghiệp bắt đầu nói về thời thơ ấu của mình: “Khi tôi tròn 3 tuổi, vào đúng ngày sinh nhật, có một bà cụ người Ấn Độ đã tặng cho tôi một món đồ chơi rất đáng yêu, tôi cũng đã cùng những bạn nhỏ người Ấn Độ ngồi trên lưng những chú voi khổng lồ. Tôi đã thực sự được sống những ngày hạnh phúc nhất trên đất nước ấn Độ”.
Nghe xong những câu chuyện hồi ức đó, tướng quân rất xúc động: “Ông đã đến ấn Độ, mảnh đất ông yêu quý vào đúng ngày sinh nhật của mình thì thật là tuyệt vời, hôm nay tôi sẽ mời ông đi ăn trưa để chúc mừng sinh nhật ông”. Trên đường đến khách sạn ăn trưa, vị thương gia đã lấy từ trong tập hồ sơ một tấm ảnh đã bị ố vàng, hai tay cung kính đưa ra trước mặt tướng quân: - Tướng quân, ngài thử đoán xem người này là ai?
- Đây chẳng phải là Sint Higad ư?” Tướng quân hỏi.
- Đúng vậy, và đứa trẻ bên trái chính là tôi đó. Khi đó tôi 4 tuổi, tôi và cha mẹ trên đường về nước và cùng đi trên một chuyến tàu với ông ấy. Bức ảnh này đã được chụp ở trên tàu ngày đó, bố tôi coi bức ảnh là một kỷ vật quý báu nhất, lần này tôi đến đây cũng là để viếng mộ ông ấy. Tôi vô cùng cảm ơn ông ấy và người dân ấn Độ đã dành tình cảm tốt cho gia đình tôi”.
Bữa ăn hôm đó đã diễn ra thật nhẹ nhàng, trong bầu không khí thân thiết, cho dù đó là hai con người mới lần đầu ngồi với nhau như vậy. Câu chuyện cứ tiếp diễn tốt đẹp và vị thương gia phải nói rằng là bậc thầy trong gợi chuyện, lái vấn đề, chính vì thế mà khi chào tạm biệt tướng quân thì cũng là lúc vụ làm ăn lớn này đã thành công.
Một điều chắc chắn rằng vị thương gia đó sẽ không thể thành công lớn như vậy nếu ngay từ những giây phút đầu tiên đã phê bình, đả kích tướng quân là khó gặp, thái độ của thư ký thì lạnh lùng, rồi lại đi vào vấn đề mua bán ngay. Cái thắng lợi của ông ta là ông ta đã biết cách “dung hoà giao lưu tình cảm”. Trước tiên là chỉ xin có 10 phút để đến thăm viếng tướng quân, tướng quân không thể từ chối vì cũng thấp thỏm, mong chờ người có nhã ý với mình như thế. Từ những câu chuyện hết sức giản dị nhưng vị thương gia đã dẫn dắt khiến cho tướng quân phải xúc động. Từ sự cảm mến, xúc động thì người ta dễ dàng hài lòng với những lời đề nghị, dù là khó khăn nhất.
Vâng! Làm thế nào để người khác phải cảm động trước bản thân mình là một việc rất khó, nhưng không hẳn là không làm được, phải không bạn!
*.                                      
NGUYỄN BÁ BÁCH
Địa chỉ: Tổ 6, Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội.
Email: nb.bach@gmail.com
Điện thoại: 0913.510.502

.








…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét