Truyện sử Trung Quốc: VƯƠNG TRIỀU THỤC - Tác giả: Nguyễn Xuân (Hưng Yên)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
Truyện sử Trung Quốc: 
VƯƠNG TRIỀU THỤC
*
Nhà Thục, được tính từ năm 221, năm Lưu Bị tấn xưng hoàng đế, kéo dài đến năm 263, truyền ngôi được 1 đời.

1. THỤC CHIÊU LỤC ĐẾ LƯU BỊ
(161-223)
Lưu Bị tự là Huyền Đức, người huyện Trác, quận Trác. Thân sinh  Lưu Trường.
Lưu Bị vốn thuộc dòng dõi của vua Hán Cảnh Đế và Lưu Bị chính là cháu bảy đời của Hán Cảnh Đế (157 Tr.cn - 141 Tr.cn). Nhưng đến thời Lưu Bị thì do gia cảnh nghèo, lúc đó bọn hoạn quan lại đang chuyên quyền, cho nên con cháu của hoàng đế ít được trọng dụng làm quan, chính vì vậy mà Lưu Bị phải làm nghề dệt chiếu bán dép kiếm sống. Nhưng Lưu Bị cũng có học tập võ nghệ và là một người có chí khí lớn. Hồi nhỏ Lưu Bị đã từng chơi trò đóng giả hoàng đế, Lưu Bị ngồi lên kiệu cho đám bạn khênh đi khênh lại và sau đó còn bắt bọn chúng gọi mình là hoàng thượng.
Cha của Lưu Bị mất sớm, Lưu Bị phải ở với người chú. Lúc đó người chú nhìn thấy Lưu Bị đóng giả làm vua, cho rằng Lưu Bị là một người có ý chí, sau này sẽ làm nên việc lớn, nên từ đó người chú cho Lưu Bị ăn học tử tế.
Năm Giáp Tý 184, cuộc khởi nghĩa khăn vàng nổ ra, Lưu Bị cùng với Quan Vũ, Trương Phi kết nghĩa vườn đào, và chiêu tập binh mã, có công lớn trong việc đánh dẹp "giặc khăn vàng". Sau đó Lưu Bị được phong làm quan huyện ở Bình Nguyên.
Năm Bính Tý 196 Tào Tháo đón vua Hán Hiến Đế về Hứa Thành, lấy danh nghĩa Hán Hiến Đế phong quan tước cho một số tướng lĩnh, Lưu Bị và Tào Tháo hợp sức đánh bại Lã Bố. Tào Tháo xin với Hán Hiến Đế phong cho Lưu Bị làm Tả tướng quân.
Lúc đó Viên Thiệu cử con trai đem binh tiếp viện cho em trai mình là Viên Thuật, đường đi phải qua Từ Châu. Tào Tháo thấy Lưu Bị hiểu rõ khu vực đó, liền cử Lưu Bị đi đánh chặn. Lưu Bị vốn biết dã tâm của Tào Tháo, nên sau khi đến Từ Châu đã chống lại Tào Tháo. Tào Tháo đem quân đánh Từ Châu, Lưu Bị thấy Viên Thiệu là người nhỏ nhen, nên đã chạy sang Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu. Tiếp tục cuộc chiến với Tào Tháo. Lúc đầu Lưu Bị có một mưu sĩ giỏi dùng binh là Từ Thứ. Sau đó Từ Thứ giới thiệu cho Lưu Bị cầu hiền tài Khổng Minh. Lưu Bị đã không quản trời  mùa đông rét mướt, ba lần đến tận lều tranh mời Khổng Minh giúp mình. Khổng Minh nể tình Lưu Bị hạ cố ba lần đến mời mình, nên đã ra giúp Lưu Bị gây dựng cơ nghiệp.
Trong trận Xích Bích năm Mậu Tý 208 Lưu Bị đã cùng với Tôn Quyền đánh bại Tào Tháo. Lưu Bị chiếm được Kinh Châu thế lực ngày càng mạnh. Năm Giáp Ngọ 214 Lưu Bị chiếm được ích Châu của Lưu Chương, sau đó chiếm luôn được cả Hán Trung. Đất đai quân số ngày càng nhiều, Lưu Bị chuẩn bị đem quân tiêu diệt Tào  Tháo. Nhưng lúc đó Quan Vân Trường đóng ở Kinh Châu, bị tướng của Tôn Quyền là Lã Mông giết chết. Lưu Bị quyết đem hơn 70 vạn quân đánh báo thù.
Năm 220 Tào Phi con của Táo Tháo phế bỏ vua Hán Hiến Đế. Lập nên nhà Nguỵ, Khổng Minh khuyên Lưu Bị lên làm hoàng đế. Vì vậy Lưu Bị lên làm vua tại đất Thục, đặt tên quốc hiệu là Thục Hán. Phong cho Khổng Minh làm thừa tướng. Sau đó Lưu Bị đem quân đánh Tôn Quyền, nhưng vì mùa hè nóng bức Lưu Bị cho quân lập doanh trại sát bìa rừng kéo dài tới 700 dặm, và Lưu Bị đã bị tướng của Tôn Quyền là Lục Tốn dùng hỏa công đánh bại đó là năm Quý Mão 223. Lưu Bị chạy về đến thành Bạch Đế thì bị bệnh nặng, cho mời Khổng Minh gửi gắm con trai là Lưu Thiền, nhờ Khổng Minh phù tá Lưu Thiền lên làm vua. Ngay sau đó thì Lưu Bị mất tại Thành Bạch Đế, hưởng thọ 62 tuổi, linh cữu được đưa về Hứa Đô chôn tại Huệ Lăng. Miếu hiệu sau này thường được gọi là Thục Chiêu Liệt Đế, Thục Hậu chủ.
Trong sự nghiệp của mình Lưu Bị cũng có một số mặt hạn chế dẫn đến thất bại cay đắng. Đặc biệt là Lưu Bị đánh giá thấp về quyết tâm của Tôn Quyền. Sau khi Lưu Bị chiếm được ích Châu, không lo lập tức tiến đánh phía Bắc chiếm Hán Trung mà lại xuống phía Đông tranh giành ba quận Giang Nam với Tôn Quyền. Như vậy đã mất đi sự tín nghĩa liên minh với Đông Ngô. Lại bỏ mất cơ hội đoạt lấy Hán Trung. Sau này tốn hao nhiều sức lực mới lấy được Hán Trung, nhưng chỉ chiếm được đất mà không chiếm được lòng dân đây là thất bại thứ nhất. Sau khi được Hán Trung, chưa ổn định vững chắc, Lưu Bị lại nhắm mắt hạ lệnh cho Quan Vân Trường đem quân Bắc phạt, lại điều động mất tướng giữ Nghi Đô là Mạnh Đạt, làm cho Kinh Châu trở nên trống rỗng, không người canh giữ, bị Tôn Quyền đoạt mất, đây là thất bại thứ hai. Thua trận ở Di Lăng, tiêu hao hết sức nước, đây là thất bại thứ ba, làm tổn hại nhiều nguyên khí quốc gia. Nếu như Lưu Bị không tranh giành ba quận với Tôn Quyền, thì Hán Trung sớm vào tay Lưu Bị, lực lượng của Thục Hán sẽ mạnh lên rất nhiều. Nếu như Lưu Bị đem vùng đất chiến lược Kinh Châu trả cho nước Ngô, sai Quan Vân Trường, Mạnh Đạt lui về giữ Nghi Đô Thượng Dụng, rồi hai nước hiệp đồng Bắc phạt thì Lưu Bị ắt được Quan Trung, nếu mà như vậy thì cục diện thế chân vạc sẽ có một diện mạo mới. Sau khi kinh Châu mất, nếu như Lưu Bị biết nhẫn nhục giữ nước, thì việc Bắc Phạt của Khổng Minh, có thể sẽ lấn chiếm dần dà đất Nguỵ. Tuy nhiên những suy luận này không thể thay thế được lịch sử, nhưng những thất bại trên thì Lưu Bị phải chịu trách nhiệm chính, điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Qua đây chúng ta thấy việc "đánh giá về một nhân vật lịch sử là phải nhìn nhận nó trong quá trình lịch sử, xét đến điều kiện đương thời và tác động của nó trên toàn xã hội và lịch sử".

2. THỤC HẬU CHỦ LƯU THIỀN
Năm Giáp Tý 184 cuôc khởi nghĩa Hoàng Cân (giặc khăn vàng), do anh em nhà Trương Giác lãnh đạo, cuộc khởi nghĩa đã làm cho nhà Đông Hán ngày càng suy yếu. Các hào kiệt nhà Hán nổi lên tiêu diệt quân khởi nghĩa, sau đó cát cứ các nơi chống chọi với nhau tiêu biểu nhất là có Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền... và từ khi Gia Cát Lượng chưa ra khỏi lều tranh đã biết thiên hạ sẽ chia ba. Nhưng thực sự thiên hạ chia ba vào năm Canh Tý 220 khi Tào Phi con Tào Tháo cướp ngôi nhà Đông Hán lập nên nhà Nguỵ. Lưu Bị ở Tây Xuyên (Hán Trung) cũng lên ngôi Hán Trung Vương, lập nên nhà Thục. Còn Tôn Quyền thì ở Giang Đông lập nên nhà Ngô. Từ đó cục diện Tam Quốc mới chính thức bắt đầu. Nhưng vua nước Thục là Lưu Thiền, cha Lưu Thiền là Lưu Bị dòng dõi tông thất, nhà Hán, cháu sáu đời của Trung Sơn Tĩnh Vương nhưng đến đời Lưu Bị thì nhà nghèo phải dệt chiếu bán dép ở ngoài chợ và nhờ đứng lên, có công dẹp giặc khăn vàng Lưu Bị đã trở thành một anh hùng trong thời loạn, có thể nói thời thế đã tạo anh hùng, nhưng Lưu Bị mãi đến lúc gần 50 tuổi mới có con với Cam Phu Nhân, đứa con đó chính là Lưu Thiền và thường được gọi là A Đẩu. Trong trận Đương Dương Tràng Bản, Triệu Tử Long đã phải liều mình để cứu A Đẩu nhưng khi gặp lại Lưu Bị, Lưu Bị đã ném A Đẩu đánh phịch một cái xuống đất và nói: - "Vì mày mà suýt nữa thì ta mất một viên đại tướng". Năm Tân Sửu 221 khi Lưu Bị lên ngôi Hán Trung Vương, A Đẩu được lập làm thái tử. Khi Lưu Bị đem quân đánh Đông Ngô để báo thù cho Quan Vân Trường, quân Lưu Bị bị Lục Tốn ở Đông Ngô thiêu trụi, Lưu Bị chạy về thành Bạch Đế và chết ở đó. Gia Cát Lượng liền lập Lưu Thiền lên làm vua nước Thục. Nhưng Lưu Thiền vốn là một kẻ u mê bất tài. Hầu như trong việc quốc gia đại sự đều giao cho Gia Cát Lượng giải quyết, còn bản thân Lưu Thiền thì không giải quyết được việc gì, sau khi Khổng Minh - Gia Cát Lượng sáu lần ra Kỳ Sơn nhưng cuối cùng thất bại và bị chết tại gò Ngũ Trượng, lúc này giúp Lưu Thiền chỉ còn các đại thần như Tưởng Uyển, Phí Vĩ. Đến khi Tưởng Uyển, Phí Vĩ mất, Lưu Thiền lại tin dùng tên hoạn quan Hoàng Hạo, và chỉ lo ăn chơi  chính vì vậy nhà Thục càng ngày càng thối nát. Và Khương Duy, là đại tướng quân của nước Thục Hán lúc bấy giờ nuôi hoài bão kế thừa sự nghiệp bắc phạt của sư phụ Gia Cát Lượng, ra Kỳ Sơn nhiều hơn sư phụ của mình đến ba lần, nhưng lực lượng của Thục Hán mỗi ngày một yếu nên không thể giành được thắng lợi, mà còn bị hao mòn nhiều binh lực. Năm Nhâm Ngọ 263 thừa tướng nước Nguỵ là Tư Mã Chiêu phái Đặng Ngải và Chung Hội, mỗi người đem ba vạn quân, và chung hội mang mười năm vạn quân chia đường tiến đánh nước Thục Hán.
Sau khi Đặng Ngải vượt qua cửa ải Kiếm Các, Hạ thành Miên Trúc, không còn chướng ngại nào nữa, quân Đặng Ngải xốc thẳng tới kinh thành nước Thục là thành Đô. Triều đình Thục Hán trở nên rối loạn. Hậu chủ Lưu Thiền cuống quýt triệu tập đại thần tới bàn, các vị mũ cao áo dài quan sống trong sung sướng tại kinh thành nằm sâu trong hậu phương, trước tình hình quân Đặng Ngải như trên trời rơi xuống, cũng cuống quýt không kém. Người thì bàn là mở cửa đầu hàng người thì nêu ý kiến chạy sang với Đông Ngô. Còn Hậu Chủ Lưu Thiền lại là kẻ u mê bất tài, nhát gan, lại không bao giờ có ý kiến độc lập, không dám nghĩ tới việc chống lại. Mặt khác vì toàn bộ quân chủ lực đều do Khương Duy thống lĩnh đang cầm cự với chung Hội ở kiếm Các. Kinh thành hầu như trống rỗng. Và cuối cùng Hậu chủ Lưu Thiền chỉ còn cách là tự trói mình, dẫn bá quan văn võ mở cửa thành đầu hàng Đặng Ngải. Sau đó còn ra lệnh cho Khương Duy phải đầu hàng ngay quân Nguỵ. Vì vậy các tướng sĩ nước Thục vừa phần uất vừa đau đớn, nhiều người tức giận rút dao kiếm chém bừa vào đá núi. Còn Khương Duy sau cũng bị chết trong đám loạn quân. Hậu Chủ Lưu Thiền đến Lạc Dương chỉ có hai viên quan cấp thấp là Khước Chính và Lưu Thông. Hậu Chủ Lưu Thiền lại hết sức ngốc nghếch, mỗi khi tiếp xúc, xưng hô đều phải nhờ Khước Chính chỉ dẫn. Và Lưu Thiền được Tư Mã Chiêu lấy danh nghĩa là Nguỵ Nguyên Đế, phong cho Lưu Thiền làm An Lạc Công. Con cháu  những đại thần cũ của Thục Hán đều được phong tước hầu. Suốt ngày Lưu Thiền ở Lạc Dương được Tư Mã Chiêu, chiêu đãi, chìm đắm trong yến tiệc và tửu sắc, nên khi Tư Mã Chiêu hỏi Lưu Thiền là có nhớ nước Thục không, Lưu Thiền liền trả lời là ở đây sung sướng thế này còn nhớ nước Thục làm gì. Vì vậy mà Tư Mã Chiêu thấy Lưu Thiền thực ngu nên không lo ngại, đã bỏ qua cho Lưu Thiền, không giết chết. Sự đớn hèn của vua nước Thục là Lưu Thiền và sự ngờ nghệch của y làm cho các quan của nước Thục phần nhiều cảm thấy nhục hơn là vinh. Còn Lưu Thiền là người như vậy cho nên Tư Mã Chiêu mới nói rằng: - "Lưu Thiền hèn đớn tới nước này, thì cho dù Gia Cát Lượng (tức Khổng Minh) còn sống e cũng không thể giữ nổi Thục, chứ đừng nói gì đến Khương Duy".
Khi con của Quan Vân Trường là Quan Hưng và con của Trương Phi là Trương Bào ra trận đều rất hăng hái dũng mãnh chẳng kém gì sự dũng mãnh của cha khi xưa. Lưu Bị thấy vậy rất mừng và nói rằng: - "Cha hổ tướng sinh ra con cũng là hổ tướng", vậy mà Lưu Bị lại sinh ra một kẻ đớn hèn như A Đẩu, để lại tiếng xấu cho muôn đời sau. Không biết dưới suối vàng Lưu Bị có nhắm mắt yên lòng vì đứa con bất tài vô dụng của mình hay không?
*
NGUYỄN XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
.





…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 28.12.2015 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét