(Nhà thơ Kha Tiệm Ly) |
TẢN MẠN VỚI BÀI THƠ
“UỐNG RƯỢU VỚI LÊ MAI LĨNH”
CỦA KHA TIỆM LY
Uống Rượu Với Lê Mai Lĩnh
Tôi chưa gặp anh dù
- Chỉ một lần,
Mà quý anh ngợp
trời khí phách.
Dòng đời quanh co,
ai dơ, ai sạch,
Huynh vẫn trong
ngần một khối tinh anh.
Núi càng cao, sông
càng thác lũ,
Mới biết ai thất
phu, ai đấng anh hùng.
Trời càng cao, càng
gió to, bão dữ,
Mới biết đâu là
chim sẻ, chim hồng!
Tay hào kiệt vươn
ngoài vạn lý,
Thì có sá gì một
nhúm biển khơi?
Ly cụng ly, rượu
tràn tràn sĩ khí,
Thiếu tiếng gươm
khua vang bóng một thời!
Huynh nửa miệng
cười đời ngạo nghễ
Cổ lai hy còn
"Chống gậy tìm tình"!
Tôi đưa cay đắng
bằng ly ba-xi-đế,
Vỗ bụng nhìn người,
ít trọng, nhiều khinh!
Còn gì đâu, bao năm
mưa cuồng, gió tạt?
Dừng bước kỳ hồ,
ngoảnh lại cũng bằng không!
Huynh ngao ngán
nhìn biển dâu tan tác,
Tôi lan man vót bút
luận anh hùng!
Còn gì để trọng,
còn gì để khinh?
Còn chăng là hai
chữ nhục, vinh.
Dốc cạn bầu, nhiều
lắm ta say rượu,
Rồi xót thương ai
say khúc Hậu Đình!
*
KHA TIỆM LY
LỜI BÌNH:
Tôi biết Kha Tiệm Ly cở trên 5 năm rồi và có dịp được gặp anh vài ba lần.
Tôi biết Lê Mai Lĩnh cỡ 50 năm rồi khi hai tôi còn cắp sách đến trường. Hồi đó
tôi có đến nhà anh một hai lần khi anh muốn thành lập một hội thơ học trò nhưng
hình như không thành. Rồi thôi, anh không nhớ tôi nhưng tôi thì nhớ anh từ đó, bởi vì tôi đã gối đầu
giường quyển thơ đầu tay của anh tên là “Nỗi Buồn Nhược Tiểu” mà anh đã bán
xe đạp, bán áo quần để kiếm tiền cho nó ra đời. Quyển thơ đó bị cháy trong Mùa Hè Đỏ Lứa Quảng Trị khi tôi bỏ Cổ
Thành với quê hương của một thời tuổi trẻ vàng son và tài sản đồ sộ của gia
đình tôi.
(Tác giả Châu Thạch và phu nhân) |
Có thể nói Kha Tiệm Ly, Lê Mai Lĩnh là thần tượng của tôi. Tôi yêu giọng
văn chương của hai người nhưng thú thật, tôi không thuộc bài thơ nào của họ vì
chính thơ tôi, tôi cũng chẳng thuộc một dòng. Thời tuổi trẻ, cái đầu tôi chứa đầy thơ Mới. Chứa đến nỗi không còn chỗ nhét vào nữa kể cả
thơ của chính tôi. Bây giờ về già cái đầu thêm suy thoái nên làm gì còn nhớ
được thơ ai. Tuy thế trời lấy cái nầy trời cho cái khác. Bây giờ đọc thơ, tôi thưởng thức được cái hay
của bài thơ gần như rốt ráo. Thế mà lạ chưa kìà, bây giờ tôi lại thấy thơ Kha
Tiệm Ly, thơ lê Mai Lĩnh nó hay hơn nhiều lần cái thứ thơ mà tôi chứa đầy trong
đầu thuở ấy. Nói như thế có ai ném đá tôi không? Chắc không đâu vì phát biểu là
quyền của tôi mà. Tuy thế tôi cũng xin giải thích thêm một chút để bạn đọc
thông cảm mà tha thứ cho tôi, nếu có điều sai trật. Tất cả các thơ tôi đọc thời trẻ giống như một
dòng nước mát chảy vào hồn tôi, mà hồn tôi đã là một dòng suối trong veo. Bây giờ đọc thơ
Kha Tiệm Ly, Thơ Lê Mai Lĩnh giống như một dòng nước sôi bỏng chảy vào hồn tôi,
mà hồn tôi là ống cống nhiều tháng năm tích tụ chất ô dơ. Ôi thích làm sao, chuột bọ, côn trùng bỏ chạy
hết, chất ô dơ tan ra và trôi đi tuồn tuột, linh hồn tôi tuy không được trong
veo như trước nhưng khoái lạc ngất ngây. Nhiều năm tôi muốn khóc, nhiều năm tôi muốn
chửi, muốn dạy đạo đời, muốn khuyên nhân thế, muốn đạp sập bao bức tường rêu
mốc, muốn tẩy sạch chất cặn bả bám vào tôi nhưng tôi làm không được. Đọc Kha
Tiệm Ly, đọc Lê Mai Lĩnh tôi thấy hầu như họ đã làm cái mà tôi đã ao ước làm
nhưng đã làm không được. Tôi thờ Chúa nên không dám khen họ là Chúa. Thì thôi tôi
tôn họ là Vua đi, vua anh minh đã ban cho linh hồn tôi nhiều ân huệ được khóc,
được cười, được than van, được chưởi rủa bằng tất cả cái thật của lòng mình,
của tình cảm, cúa suy tư của con Người mình thực thụ. Tôi đọc thơ họ sang sảng để cái hùng khí
trong tôi thỏa sức vẩy vùng.
Tôi cứ nghĩ Lê Mai Lĩnh và Kha Tiệm Ly không quen nhau vì họ ở hai chân
trời xa nhau lăng lắc từ khi còn trẻ cho đến nay về già. Mà thật vậy, họ chưa
gặp nhau lần nào nhưng lại ngồi uống với nhau mới lạ. Ôi! Tôi vừa nhớ ra không
lạ mấy đâu. Cái anh Kha Hảo Hán nầy có linh hồn ngàn năm. Thơ anh uống rượu với
tiền bối Phàn Khoái, Tống Giang sống ngàn năm trước còn được huống chi là với
Lê Mai Lĩnh thời nay, chỉ cách một đại dương. Đọc bài thơ “Uống Rượu Với Lê Mai Lĩnh” của Kha Tiệm Ly sáng tác
tôi sướng nân. Sướng là vì hai thần tượng của mình là tri kỷ của nhau, họ chén
tạc chén thù để ta ngồi ngoài nghe được lời qua tiếng lại của họ, rửa được lổ
tai trần tục, tiếp nhận hương hoa của tâm hồn họ, thứ mà mình ghiền nhưng dễ đâu thưởng
thức trọn vẹn nếu họ không có cơ hội ngồi lại tâm tình. Bài thơ nầy chỉ có Kha
Tiệm Ly nói, không thấy Lê Mai Lĩnh trả lời nên tôi cứ tưởng tượng vì mới uống
rượu với nhau lần đầu nên nhà thơ đất Quảng Trị tịnh khẩu cái đã, sợ mở miệng
ra chửi vung vít thì đàn em coi thường. Tiếc quá, nếu mà Kha nhà ta để cho Lê
chửi vài câu thì ta được biết thêm cái văn hóa chửi của Lê đến hả dạ hả lòng.
Bài thơ nhờ đó sẽ hay thêm lăm lắm.
Bây giờ ta hãy đi vào thơ. Mở đầu Kha Tiệm Ly viết:
Tôi chưa gặp anh dù
- Chỉ một lần,
Mà quý anh ngợp
trời khí phách.
Vậy là Kha mới “kiến kỳ thanh” Lê Mai Lĩnh chớ chưa hề “kiến kỳ hình” nhà thơ nầy. Mới “kiến kỳ thanh” mà khen
người ta tới tấp:
Dòng đời quanh co,
ai dơ, ai sạch,
Huynh vẫn trong
ngần một khối tinh anh.
Núi càng cao, sông
càng thác lũ,
Mới biết ai thất
phu, ai đấng anh hùng.
Trời càng cao, càng gió to, bão dữ,
Mới biết đâu là
chim sẻ, chim hồng!
Tay hào kiệt vươn
ngoài vạn lý,
Thì có sá gì một
nhúm biển khơi?
Kha Tiệm Ly có biệt danh là Kha Hảo Hán, coi trời bằng vung, cao ngạo giữa
đời, tự cho mình uống rượu với Lỗ Trí Thâm, với Phàn Khoái, với hảo Hán, với La
hán, với Tống Giang, với Bụi Đời, với Giang Hồ, với Đĩ, nhưng uống với ai thì đều là người có khí
phách “Rượu hảo hán rót bung trời hảo hán / Gương anh hùng mài bén dạ anh hùng”, vậy mà ca tụng Lê Mai Lĩnh là “Huynh vẫn trong ngần một khối tinh anh”
chứng tỏ cái họ Lê nầy “danh bất hư truyền” rồi. Tôi đã gặp Kha, uống rượu với Kha một vài
lần, lòng yêu mến và cảm phục khôn lường. Nay hình ảnh Lê Mai Lĩnh đã đẹp trong
những bài thơ văn của anh lại càng đẹp thêm qua thơ Kha, hiện lên trong đầu tôi
cái hình tượng của một con người “Tay hào
kiệt vươn ngoài vạn lý / Thì sá chi một nhúm biển khơi”.
Hai anh chàng nầy đều có danh, nhưng danh bất phùng thời. Đều là bất đắc
chí với nhau cả:
Ly cụng ly, rượu
tràn tràn sĩ khí,
Thiếu tiếng gươm
khua vang bóng một thời!
Huynh nửa miệng
cười đời ngạo nghễ
Cổ lai hy còn
"Chống gậy tìm tình"!
Tôi đưa cay đắng
bằng ly ba-xi-đế,
Vỗ bụng nhìn người,
ít trọng, nhiều khinh!
Còn gì đâu, bao năm
mưa cuồng, gió tạt?
Dừng bước kỳ hồ,
ngoảnh lại cũng bằng không!
Cái sĩ khí tràn ra ly rượu vì nó dồn ứ lâu trong buồng tim. Tiếng gươm khua
vang bóng một thời không có nữa nên sĩ khí mới bung ra tràn ly rượu. Ly rượu
bây giờ là “chí làm trai dặm ngàn da
ngựa. Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao”, là “kinh luân khởi tâm thượng (việc chính trị đã định sẳn trong lòng). binh
giáp tàng hung trung(việc giáp binh đã có sẳn trong bụng)” đã bao năm kìm
tỏa, nay nó tràn ra trong ly rượu. Cái sĩ khí ấy đáng lẽ nó bung ra ngoài đời
để kinh bang tế thế (trông coi việc nước, cứu giúp người đời) thì nay nằm hết trong ly rượu. Ly rượu hai người phải
uống vào. Uống vào là uống cái thất bại của đời mình, là nuốt cái chí lớn của
mình, là đau xót khi “dừng bước kỳ hồ,
ngoảnh lại cũng bằng không”
Vế thơ có giọng điệu hào hùng nhưng ôm cả mối hận trong lòng đến nỗi ta
tưởng tượng cái nụ cười ngạo nghễ kia nó cay đắng làm sao, ta tưởng tượng cai “vỗ bụng nhìn người ít trọng, nhiều khinh”
kia nó xót xa nhường nào.
Cuối cùng là những tiếng thở dài. Tiếng thở dài của anh hùng, của hảo hán,
của kẻ biết mình có tài mà đành thúc thủ, nó như riếng gầm của sư tử, tiếng hú
của sói bị thương, tiếng sóng biển âm thầm ngàn năm vỗ vào ghềnh đá, tiếng gió
thổi lạnh lùng qua sa mạc hoang liêu:
Huynh ngao ngán
nhìn biển dâu tan tác,
Tôi lan man vót bút
luận anh hùng!
Còn gì để trọng, còn
gì để khinh?
Còn chăng là hai
chữ nhục, vinh.
Dốc cạn bầu, nhiều
lắm ta say rượu,
Rồi xót thương ai
say khúc Hậu Đình!
“Còn
chăng là hai chữ nhục, vinh!”. Vâng, nhục vinh cũng chưa chắc tồn tại ở
đời. Khúc hậu Đình Hoa vang vọng ngàn năm nhưng kẻ vinh thành nhục, kẻ nhục
thành vinh trăm năm sau ai biết được là ai. Với tôi, cái còn lại là “Ly cụng ly, rượu tràn tràn sĩ khí”. Cái sĩ khí đó là nhân cách con người, là
khí hạo nhiên của trời đất có trong hồn người. Người có khí hạo nhiên, chết đi
thì tinh hoa đó đi vào vô vi cùng trời đất, sống muôn đời với gió với trăng.
Người không có khi hạo nhiên, dẫu được thiên hạ mà đã mất linh hồn, chết đi
chưa chắc thành cây cỏ.
Bài thơ “Uống Rượu với Lê Mai Lĩnh” là một bài thơ sầu. Sầu của những
con người khí phách. Vì là nỗi sầu của những con người khí phách cho nên chất
lãng mạn của nó vượt trên sự mơ mộng bình thường của thi nhân. Đọc thơ tôi liên
tưởng đến đời tôi và thế hệ của tôi, phí đi năm tháng như những vườn hoa tốt
tươi bị dập vùi trong cát, nhưng hoa vạn vật không gặp thời thì không nở còn
hoa trong hồn người thì có khi gian nan lại nở đẹp thêm lên.Thơ Kha Tiệm Ly và
Lê Mai Lĩnh phải chăng là thứ hoa đó, nở đẹp thêm nhờ biến động của cuộc đời
./.
*
CHÂU THẠCH
(Tên thật: Trương Văn
Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
.
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 17.01.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét