QUAN NIỆM THƠ CỦA HỮU THỈNH - Tác giả: Phạm Quang Trung (Ninh Bình)

Leave a Comment
(Nhà thơ Hữu Thỉnh - Nguồn ảnh: internet)
QUAN NIỆM THƠ
CỦA HỮU THỈNH
*
Chưa từng có một giai đoạn lịch sử nào mà dân tộc ta lại sản sinh ra nhiều nhà thơ có chung chí hướng và gần gũi quan niệm sáng tạo như thời chống Mỹ. Cả một đội ngũ cầm bút hừng hực khí phách, tươi rói hồn thơ. Rất nhiều gương mặt thơ sáng giá như: Phạm Tiến Duật, Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Khoa Điềm… Họ luôn coi làm thơ là một hành động đầy ý thức. Ta thử tìm hiểu quan niệm thơ của một người trong số họ - Hữu Thỉnh.

1. Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình
(Tác giả Phạm Quang Trung)
Cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt mà cũng vô cùng oanh liệt. Chân giá trị của dân tộc và của mỗi người được đem ra thử thách, khe khắt và chân xác. Là người trực tiếp cầm súng, Hữu Thỉnh có điều kiện thấm thía điều đó hơn ai hết. Anh đồng thời nhận ra cội nguồn sức mạnh tinh thần của người lính mà đôi khi bản thân họ cũng không thể ngờ tới. Một trong những nguồn nuôi dưỡng tâm hồn  và làm nên sức mạnh của quân đội cách mạng thời ấy là thi ca. Hữu Thỉnh sớm tỏ tường:
Chúng tôi sưởi trên những câu thơ ấy
Cứ thế qua đi nhiều mùa mưa
                          (Đường tới thành phố)
Bom đạn, chết chóc hẳn nhiên là ghê gớm. Gian khổ, thiếu thốn ghê gớm không kém. Văn, thơ khỏe khoắn đã nâng đỡ người lính, và họ trông chờ, đón đợi thơ, văn hàng ngày:
Thơ hãy đến góp một vài que củi
Cho em nhận ra anh, đồng đội nhận ra mình
                           (Đường tới thành phố)
Chớ xem thường hơi ấm, sức sáng của một vài que củi giữa rừng sâu trong đêm tối.  Biết bao thách thức. Xung quanh ta và phía trước ta. Muốn vượt qua, muốn vươn tới phải bắt đầu từ chính mình. Trở ngại vô hình mà hiểm trở. Rất khó vượt qua. Cho em nhận ra anh, đồng đội nhận ra mình là bước khởi đầu cho mọi khởi đầu. Từ đó, ta thêm cảm thông với nỗi thèm khát này của người lính:
Đêm ngủ hầm, thèm sách vở
nghe tiếng chim hồi hộp chân trời
sao ta nhớ mùa, nhớ mùa quá, mùa ơi!
                                (Đêm chuẩn bị)
Đọc lần đầu, tôi chưa lý giải được sự xuất hiện đường đột của hai dòng thơ sau. Sao  thế nhỉ? Anh đang nói về nỗi khao khát hiểu biết chăng? Hóa ra sách vở ở đây đồng nghĩa với văn chương, với thi ca. Không có sách chúng tôi làm ra sách / Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình (Đường tới thành phố). Vậy thì liền mạch quá đi rồi! Giữa hầm sâu, thơ gợi những chân trời cao rộng. Và nhà thơ kịp nghe và cảm được tiếng chim hồi hộp, để rồi có thể thảng thốt: sao ta nhớ mùa, nhớ mùa quá, mùa ơi!
Tuy nhiên, thực tế dẫu thế nào vẫn là thực tế: Ta nghe người ta nói đến bút, tưởng bút để mà ăn / Chợp mắt mơ thấy người cho khoai, cho sắn. Thế đấy, nhiều khi con người bị đẩy vào những tình cảnh thật éo le. Phải tồn tại trước đã. Miếng khoai, củ sắn giúp cho người lính tồn tại. Và không chỉ có vậy, khẩu súng, đạn dược trước kẻ thù hung bạo cũng giúp người lính tồn tại:
Mỗi quyển sách nặng bằng năm viên đạn
Chúng tôi đành mang đạn trước tiên
                            (Đường tới thành phố)
Có sự giằng xé xa xót ở bên trong. Cuối cùng, họ buộc lòng phải chọn lựa. Không thể bảo sự chọn lựa này là dễ dàng. Cũng không thể bảo sự chọn lựa đó là thực dụng. Hoàn cảnh đưa đẩy, không còn cách nào khác. Xin hãy nghe Hữu Thỉnh giãi bày:
Trời ơi, nếu kẻ thù chiếm được
Chỉ một gốc sim thôi dù chỉ gốc sim cằn
Tổ quốc sẽ ra sao? Tổ quốc?
Thơ ơi thơ hãy ghì lấy gốc sim
                            (Đường tới thành phố)
Người đọc được thuyết phục. Không phải bằng cái lý khô khan của sách vở.  Đây là lý lẽ tươi tắn của cuộc đời. Phải trải nghiệm nhiều lần mới có được: Tôi đã đi từ sự thất thường những dòng sông phương Bắc / Đến muỗi mòng của gió chướng phương Nam / Chính khẩu súng cũng ra chiều nghĩ ngợi / Đứng ưu tư bên cạnh chỗ tôi nằm (Trường ca biển). Tôi không cho rằng, trong trường hợp này, Hữu Thỉnh đã chọn lựa thi ca, mà xem ra ngược lại, chính thi ca đã chọn lựa anh. May mắn thay, chính anh đã sớm nhận chân ra điều này:
Lại có những anh hùng
Đến với họ, thơ tìm ra tinh chất
                            (Đường tới thành phố)
Anh đã đi thẳng tới tinh chất của thứ thơ đích thực, thơ hữu ích cho cuộc kháng chiến. Tôi nói may mắn là vì thế. Thiếu gì kẻ phải đi vòng. Không ít người còn lầm lạc nữa:
Thơ không phải những dây bìm trang trí
Kéo nhòe đi những rễ cây tứa nhựa
Bão động rừng sao thơ chỉ rung rinh?
                            (Đường tới thành phố)
Với Hữu Thỉnh, và những người cầm bút như anh, sự xác định là dứt khoát, không một chút hoài nghi, không một chút chần chừ: Nhưng đừng viết về chúng tôi như cốc chén đứng trên bàn; xin hãy viết như dòng sông chảy xiết. Hãy viết về người lính cách mạng như dòng sông chảy xiết. Ý nghĩa dồn dập, ý nghĩa lan tỏa. Chừng như không có sự so sánh nào gợi mà đúng hơn thế! Chỉ có thứ thơ mang những phẩm chất đặc biệt ấy mới có đất sống giữa cuộc chiến này:
Mưa bão liên miên, giặc giã cũng liên miên
ta nhạy cảm với trái tim chiến sĩ
Cuộc chiến đấu nên thơ mà cũng khe khắt thế
để sống nghìn năm, ta gắng vượt một ngày
                                (Đêm chuẩn bị)
Những câu thơ mang sức chứa lớn, vừa chung vừa riêng, vừa lý vừa tình; vừa có ngoại cảnh vừa có tâm trạng, vừa có hữu hạn vừa có vô cùng; đặc biệt vừa có khoảnh khắc một ngày vừa có trường cửu nghìn năm … Chúng đứng bên nhau, hòa quyện làm một. Và thơ đã cất tiếng nói như tiếng hát ẩn chứa sức mạnh lạ lùng kia:
Tiếng hát nâng nhẹ bước chân ta
Qua mỗi cung đường chân trời lại mới
Tim ta đập ở bên kia núi
Chân bồn chồn bước lên sườn non
                            (Giấc ngủ trên đường ra trận)
Cuộc chiến đấu không hề đơn điệu, tẻ nhạt. Nhưng để có thơ, thơ hay ấy, lại tuỳ thuộc ở nhịp tim đập qua bước chân bồn chồn của người lính làm thơ. Được vậy, thơ sẽ đến một cách tự nhiên, như tự trong lòng  trong trí trào ra, không gì ngăn cản nổi:
Chúng tôi vừa đi vừa nhẩm dọc đường
Thơ cứ đến và mưa chiều mau ngớt
                            (Đường tới thành phố)
Có người có lúc hoài nghi giá trị của thứ thơ mà họ gọi là thơ của một thời. Họ chê là bột phát, chưa ngưng đọng, chưa kết tinh. Rồi sẽ qua mau, qua mau, cái thứ thơ ấy! Đến giờ, mười năm rồi hai mươi năm, ba mươi năm đã trôi qua, xem ra sự thật lại không đứng về phía họ. Vậy bí quyết thành công của những vần thơ này nằm ở đâu? Tôi tìm được câu trả lời trong Ý nghĩ không vần của Hữu Thỉnh: Những ý nghĩ về cửa biển, thuỷ triều, về nhau, về những lá cây còn ở trong cây, đứng vào chỗ của mình bỗng sáng bừng lên hết. Đọc những vần thơ hay thời chống Mỹ ta thấy ngay sự vững vàng trong suy tưởng của nhà thơ. Cái hùng là cái thích hợp hơn cả với không khí chiến trận của thời ấy. Thậm chí, anh không ngại phong thư có những dòng dang dở. Bởi, thực tế chiến đấu khắc nghiệt quá mà:
Trên tháp pháo xe tăng
những ý nghĩ cứ xóc nảy lên và chắp vá
núi chạy đến gần lại mỏng manh như sương
trăng thân mật lại mập mờ xa lạ
nhưng con đường chỉ một con đường thôi
Bài thơ Ý nghĩ không vần là một bài thơ hay theo cách ấy. Dường như chính sự sống lên tiếng. Tiếng nói đứt đoạn, tiếng nói rắn đanh, nhưng là không thể khác: Và trước con đường anh phải vượt qua / Những câu thơ văn hoa buột khỏi môi anh / Ý nghĩ hằn lên theo vết xích. Có điều, thi ca dẫu sao cũng vẫn là thi ca. Nó có vận mệnh, lẽ sống riêng. Tôi thầm cảm phục Hữu Thỉnh bởi dòng thơ này: Thương nhớ là gì mà anh mang nặng thế. Tôi còn cảm phục hơn bởi ý nghĩ: Chúng tôi bơi trong thương nhớ của riêng mình. Sự sống là cái chung. Nhà thơ là người biết chuyển sự sống chung thành nỗi niềm riêng của chính mình. Thơ Hữu Thỉnh có được sự quyến rũ phần quan trọng chính vì lẽ đó.

2. Tôi rất tin: thơ là kinh nghiệm sống
Hữu Thỉnh ít khi lớn tiếng tuyên ngôn về thơ. Câu nói ngắn gọn trên được tôi rút ra từ trong Kỷ yếu của Hội Nhà văn Việt Nam dường như là một ngoại lệ. Anh e ngại ư? Chẳng phải! Có lẽ anh nghĩ mình là một nhà thơ thì hãy cứ viết đi! Quan niệm thơ thấm thía nhất được rút ra từ chính những thành công  và cả những thất bại nữa của mình. Nói không bằng làm. Nói hay mà làm dở thì chả bằng im lặng… Tuy nhiên, chính câu nói của anh đưa tôi trở về với thơ anh. Để chứng nghiệm. Và để thêm một lần tin cậy. Chẳng hạn, bài Tiếng hát trong rừng. Bài thơ Hữu Thỉnh làm ở Trường Sơn năm 1974 được mở đầu thế này:
Nhạc làm trong rừng em hát giữa Trường Sơn
Người sốt rét hát cho người sốt rét
Đường ngổn ngang đường đất còn cháy khét
Cây mát cho người người mát cho nhau
Người làm thơ chừng như không nhờ cậy chút nào vào sức mạnh của liên tưởng. Chỉ nhìn, nghe và ghi lại. Cố nhiên có chọn lựa và suy ngẫm: Cây mát cho người người mát cho nhau. Nhịp thơ ngắt làm đôi, đều đặn mà không phân cách. Ý thơ được nối liền, nhân đôi nhân ba, nhân lên gấp bội: người mát cho nhau… Câu thơ ngân nga, vang sâu và vang xa như tiếng đàn. Dòng cảm nghĩ tiếp tục được Hữu Thỉnh đẩy xa hơn:
Nhạc ở trong đàn đàn có gì đâu
Rừng bỗng chao nghiêng trước sợi dây mỏng mảnh
Ý thơ tiếp nối mà bất ngờ. Và ta thật sự sửng sốt. Lắng lại, thấy hiển hiện lên một sự thật chói sáng. Chỉ những kẻ vô tình, vô cảm mới không thể nhận ra. Mạch thơ như được đà cứ thế tuôn trào:
Em hát về rừng em hát về cây
Em hát về người đang nghe em hát
Anh bỗng quên vừa qua cơn sốt
Rừng bỗng quên vừa trận bom đau
Sự thật trần trụi, sự thật thô ráp. Không hề tô vẽ. Không cần tô vẽ. Mà rất thơ. Lại là một thứ thơ giàu ý nghĩa, có sức nâng đỡ, có sức sẻ chia. Đặc biệt có sức soi sáng. Tôi thích câu kết của bài thơ: Tiếng hát đi rồi căn hầm còn đó / Thành chiếc hộp đàn giữa lòng đất âm sâu. Câu thơ vừa gói lại vừa mở ra. Nó có khả năng chạm khắc vào tâm tưởng của người đọc, kể cả những người khó tính nhất.
Bài thứ hai tôi muốn dẫn ra là bài Thư mùa đông. Những dòng thơ đầu tiên là sự trải nghiệm chân thực, thực đến như không váng vất một chút đưa đẩy nào cả:
Thư viết cho em nhòe nét mực
Phên thưa sương muối cứ bay vào
Những ai từng sống ở vùng núi cao như Mèo Vạc Hà Giang rồi sẽ chứng thực cho Hữu Thỉnh. Khắc nghiệt không? Có chứ! Nhưng không thấy khắc khổ, đông cứng nơi tâm hồn người chiến sĩ. Hãy nghe anh diễn tả tiếp:
Ở đây tuyết trắng bên chăn mỏng
Bếp đỏ cơm trưa núi vẫn mờ
Để chiến thắng, người chiến sĩ phải vượt qua rất nhiều trở ngại. Bên ngoài và bên trong. Nhất là bên trong. Nên:
Mực đóng thành băng trong ruột bút
Hơ hoài than đỏ chảy thành thư
Có lẽ, sức mạnh của ngòi bút ở đây nằm trong sự chọn lựa. Nói cái gì? Cái đầu mách bảo chăng? Đúng hơn có lẽ là trái tim nhà thơ mách bảo:
Bao năm không thấy màu con gái
Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em…
Tất cả, tất cả đều chỉ gợi về em, một mình em thôi! Thật là chung tình! Xem ra không uy lực nào, gần cũng như xa, lay chuyển nổi. Nỗi ao ước kết thúc bài thơ lạ mà thực đến không ngờ:
Ước gì có chút hương bồ kết
Cho đá mềm đi núi ấm lên
Không cần nhiều, chỉ qua hai dẫn chứng, bạn đọc cũng có thể chia sẻ quan niệm thơ của Hữu Thỉnh: kinh nghiệm, chính kinh nghiệm có điều kiện làm nên những vần thơ hay. Tôi chủ ý nhấn mạnh chỉ là điều kiện thôi. Cái quyết định là ở khả năng biến những kinh nghiệm đời sống thành thơ. Mà trước mọi sự là khả năng cảm nhận cuộc sống. Tôi có cái lý thú thấm nhuần nguyên lý thi ca này qua bài Tôi đi bào ngư của Hữu Thỉnh. Những điều gì về nghề thơ, nghề văn được tôi tiếp nhận qua bài thơ 8 khổ 24 dòng này? Nhà thơ viết:
Tôi neo mình vào biển
Neo mình, trước biển cả, chừng như không có từ nào nói đến sự gắn bó, sự ràng buộc hay hơn thế. Tôi nghĩ, mọi sự có thể thay đổi. Riêng mối quan hệ máu thịt giữa thi ca với cuộc đời là không thể thay đổi. Đó là gốc gác của mọi vấn đề. Cái nhìn này mang tính nguyên tắc. Tuy nhiên, nhà thơ bao giờ cũng cảm nhận hiện thực theo lối riêng biệt:
Biển và tôi trong tiếp xúc toàn thân
Người ta thường nói rất đúng rằng, trước cuộc đời, người nghệ sĩ phải căng mọi giác quan ra mà tiếp nhận. Đến mức, chủ thể và đối tượng như hòa làm một, không còn một chút cách ngăn. Vậy nên, nói người nghệ sĩ đi vào cuộc sống là không đúng, sống với cuộc sống mới thật chân xác. Để rồi, không biết tự lúc nào: tôi chẳng nhớ / tôi gần như hóa biển. Biển và tôi tuy hai mà một, tuy một mà hai. Rất tự nhiên, không hề cố ý. Tiền đề của mọi sáng tạo đích thực nằm ở đây. Rung động một cách hồn nhiên có được cũng từ đây:
  Tôi lặn qua mấy tầng mặn chát
  để bàn tay hồi hộp trước bào ngư
Tự nhiên, tôi nhớ đến một yêu cầu nghề nghiệp của nhà văn Nguyễn Minh Châu khi ông so sánh rất khéo kỹ năng lạ hóa ở nhà văn với bản tính ưa tò mò của trẻ thơ. Tựa như lát đất thịt ở đồng bằng Bắc Bộ quê tôi: bạn hãy dùng mai đào lên, mặt nó láng bóng phẳng lì; rồi bạn hãy đặt bàn tay của mình lên đó, nhẹ nhàng rút ra, cả bàn tay bạn sẽ in hình lên mặt của nó, rõ đến từng vân tay. Nhà thơ hãy từ đó mà rút ra bài học cho mình. Tuy vậy, mọi rung động đều được khơi nguồn từ những niềm khao khát, lớn lao và da diết:
Tôi là nỗi khát khao không mỏi của trên bờ
Rồi:   
Bào ngư hiếm mà tôi thì đang khát
Không thể có những vần thơ chói sáng nếu người viết không từng nung nấu. Phải từ cái toàn mỹ, toàn thiện mà nung nấu. Tham lam ở lĩnh vực khác có thể là đáng trách. Riêng ở lĩnh vực nghệ thuật, ngược lại, tham lam lại rất cần được khích lệ:
Cũng có thể tôi tham lam nhiều quá
trước bạc vàng dưới đáy biển bỏ quên
Cuộc sống chắc chả ngặt nghèo gì đối với những tâm hồn luôn rộng mở hướng tới chân thiện mỹ với những ham muốn khôn cùng:
  Nhận ra tiếng của người nghèo đi tìm của
  biển mở toang những gành đá thâm nghiêm
Như vậy, tôi muốn đổi tên bài thơ Tôi đi bào ngư  thành Tôi đi tìm thi ca, đúng hơn là Tôi đi tìm thơ hay. Với những ai luôn nặng lòng trước cuộc đời, trước nghề nghiệp, thì nói như Hữu Thỉnh: Ta chẳng dễ dàng đâu / sau bao người đi trước. Nghịch lý thật rõ: không có tiền nhân thì không có ta; nhưng ta lại phải khác nếu không muốn nói là hơn tiền nhân. Làm cái bóng của mỹ nhân, dẫu là bóng của Tây Thi chăng nữa, cũng thật đáng chán. Nghĩa là, trước mọi nhẽ, ta phải thật sự là mình. Càng cháy bỏng nỗi niềm đam mê sáng tạo, ta càng dễ cảm thông với tâm sự sau của Hữu Thỉnh:
Câu thơ đứng giữa trời
Vó nhện cất sương rơi
                           (Tạp cảm)
Tôi biết nỗi khắc khoải vì những bài thơ hay, hoặc thấp hơn, vì những vần thơ hay thường xuyên hành hạ nhà thơ mỗi ngày. Bởi: Năm dài và đất rộng / vui buồn sau chiến tranh (Trường ca biển). Không rõ vì lẽ gì mà tôi không hề do dự để có thể đặt trọn vẹn niềm tin vào những người không bao giờ hài lòng về mình như Hữu Thỉnh. Chắc con thuyền thơ anh sẽ còn vượt qua bao ghềnh thác mới để vươn tới những bến bờ xa rộng  hơn … Đúng như nguyện ước của anh và mong đợi của hết thảy chúng ta.
*
PHẠM QUANG TRUNG
Địa chỉ: 8/40 Võ Trường Toản, phường 8,
thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại: 091.843.82.00 - 063.382.30.16
Email: pqtrungvn@gmail.com
.
.










  ........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email quanboyman1992@yahoo.com.vn gửi ngày 10.03.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét