Nhạc phẩm: CHẤP CHỚI - Nhạc: Đỗ Thanh Khang ; Thơ: Đặng Xuân Xuyến

2 comments

Nhạc sỹ ĐỖ THANH KHANG

(ngoài cùng, bìa trái)

Sinh ngày 26 tháng 01 năm 1955

Quê quán: Gia Cốc, Quang Vinh

Ân Thi, Hưng yên.

Trú quán: Thành phố Vũng Tàu.

Bài thơ nguyên tác:

Chấp chới

 

Có người líu ríu theo chồng

Buông lơi lời hát

Bỏ ngày xuân ngăn ngắt

Thúc nhịp trống dồn...

 

Se sắt buồn

Ơi người “xe chỉ luồn kim”

Ơi người nhớn nhác đi tìm

Đầu ghềnh cuối bãi

Lời xưa có còn mê mải...

 

Tìm ai...

Kìa ai...

Lừng chừng câu hát

Gió gằn ràn rạt

Trời mưa...

Chấp chới cánh diều.

*

Hà Nội, ngày 21-04-2014

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

(đã in trong tập thơ Cưỡng Xuân, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2017)

Nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha anh - nhạc sĩ Đỗ Lâm, nguyên giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học Viện Âm nhạc Quốc gia) từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Anh đã theo cha học piano suốt 4 năm Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1972, anh nhập ngũ vào học Trường Sĩ quan Thông tin. Niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ đã hướng người lính đến hoạt động nghệ thuật trong Binh chủng Thông tin. Khi giữ cương vị Đoàn trưởng Đoàn Nghệ thuật Binh chủng Thông tin, nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang đã là tác giả của hơn 60 ca khúc.”

- (Thạc sĩ Nguyễn Lê Xuân Thành)

.


2 nhận xét:

  1. “CHẤP CHỚI” - MỘT BÀI THƠ LẠ VỀ CẤU TỨ
    *
    Phải nói thẳng Chấp Chới chưa phải là một bài thơ hay, mà chỉ là một bài thơ khá, trên mức trung bình. Thế nhưng, tôi lại thích bài thơ này bởi lối viết hiện đại và cái khác lạ về cấu tứ của bài thơ.
    Mới làm thơ được vài năm nhưng thơ của Đặng Xuân Xuyến đã tạo được nét riêng, thường ngắn gọn, súc tích, tiết tấu nhanh, tứ thơ mới, khẩu khí mạnh, ngôn ngữ giàu hình ảnh so sánh và dễ cảm, nhất là ở thể thơ tự do. Thế nhưng ở bài thơ này những nét đặc trưng đó hầu như đã biến mất, thay vào đó là sự khác lạ, hư hư ảo ảo, khó hiểu.
    Ta thử thưởng thức Chấp Chới như cách vẫn thường cảm thơ.
    Khổ thơ thứ nhất:
    Có người líu ríu theo chồng
    Buông lơi lời hát
    Bỏ ngày xuân ngăn ngắt
    Thúc nhịp trống dồn...
    Mở đầu khổ thơ, tác giả bâng quơ kể: “Có người líu ríu theo chồng”, sang câu 2, câu 3, rồi đến câu 4, vẫn tiếp dòng tự thán, tự kể, rất bâng quơ... tuy vậy, tác giả cũng vẽ nên một bức tranh đẹp, với những hình ảnh gợi cảm và giàu nhạc điệu. Hình ảnh người con gái “líu ríu”, “buông lơi lời hát”, bỏ lại “ngày xuân ngăn ngắt” vội sớm lấy chồng được phác họa với tiết tấu nhanh, thái độ bâng quơ, và sự không rõ ràng về đại từ nhân xưng khiến người đọc tuy “cảm” được thơ nhưng không hiểu được cấu tứ thơ nên chưa thật sự “khoái”, chưa thật sự “thích”.
    Sang khổ thứ 2:
    Se sắt buồn
    Ơi người “xe chỉ luồn kim”
    Ơi người nhớn nhác đi tìm
    Đầu ghềnh cuối bãi
    Lời xưa có còn mê mải...
    Vẫn là những lời bâng quơ, tự thán, tự kể về mối tình trai gái, không đẩy cảm xúc thành cao trào, cứ hờ hững, trôi xuôi mà cũng chẳng mấy ăn nhập với tâm trạng ở khổ thơ đầu. Tiết tấu thơ chậm, dàn trải, không rõ đại từ nhân xưng, dẫu khiến tâm trạng người đọc bảng lảng, buồn mang mác đấy nhưng vẫn “không khoái”, “không thích” vì khó “bắt” tứ thơ.
    Sang khổ 3, khổ kết của bài:
    Tìm ai...
    Kìa ai...
    Lừng chừng câu hát
    Gió gằn ràn rạt
    Trời mưa...
    Chấp chới cánh diều.
    Nhịp thơ trầm, lắng, cảm xúc dâng trào, được đẩy lên với sự thúc giục, thảng thốt, của nghẹn ngào nước mắt, của “chấp chới cánh diều” giữa “trời mưa” nặng hạt, “gió gằn”... nhưng người đọc vẫn khó “nắm” được tứ thơ dù khổ 3 có cái kết như một triết lý sống, như một mệnh đề để kết thúc bài thơ như vẫn thường thấy. Đến đây, dù đã đọc xong bài thơ, vẫn thấy mơ hồ, vẫn chưa thể nhận rõ ra “ai” với “ai” và tác giả “gửi gắm” những gì ở bài thơ này. Vì thế, bài thơ tạo cảm giác hư hư ảo ảo, lâng lâng, khó hiểu.
    Mới đọc, dễ có cảm giác Chấp Chới như được ghép thành từ 3 bài thơ, với 3 cách nhìn ở 3 tâm trạng khác nhau, không có sự liên kết hoặc sự liên kết lỏng lẻo vì khó “bắt” được tứ thơ. Người không tinh sẽ bảo bài thơ bị tản vì tứ thơ bảng lảng như sương mù, không (có) rõ, thậm chí nếu khó tính còn hạ bút phê là thơ viết vội, không có tứ, nhưng thực ra bài thơ này viết theo lối mới, hiện đại: dùng tâm trạng và nhạc điệu để vẽ lên tứ thơ (tứ kín) nên tứ tập trung vào từng khổ thơ, tứ chỉ để phục vụ cái tâm trạng của nhà thơ, của người đàn ông đang đau khổ trước sự đổ vỡ của tình yêu đôi lứa. Đây là cách viết táo bạo, hơi liều, bởi nếu viết không khéo sẽ dễ bị “cảm” là viết ẩu, viết không tới. Là cây bút mới (về thơ), không nên dại dột thử sức như thế này, cho dù như anh tâm sự trên trang facebook là “mượn thơ chỉ để giãi bày tâm sự”.
    Tóm lại, Chấp Chới là bài thơ có tâm trạng, có hình tượng, có nhạc điệu, chuyển cấu tứ rất nhanh nhưng đọc Chấp Chới phải thật tĩnh tâm, nhắm mắt để thả hồn theo ý thơ, nương theo mạch thơ thì mới cảm được hồn thơ. Nếu đọc Chấp Chới theo lối truyền thống, có vào đề, đến nội dung, rồi kết thúc như xưa nay thì khó “cảm” được bài thơ này.
    Vài lời cảm nhận cá nhân khi đọc bài thơ Chấp Chới, có gì bất cập mong được bạn đọc, nhất là các nhà thơ, nhà phê bình văn học chiếu cố, đại xá cho kẻ hậu sinh “múa rìu qua mắt thợ”.
    *.
    Thanh Nê, chiều 26 tháng 04.2017
    ĐỖ ANH TUYẾN

    Trả lờiXóa
  2. Và bài cảm nhận của nhà phê bình văn học Châu Thạch:
    ĐỌC “CHẤP CHỚI”, THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN

    Dầu tác giả Đỗ Anh Tuyến đã viết một bài bình cho bài thơ này và nhận xét “Chấp Chới chưa phải là một bài thơ hay, mà chỉ là một bài thơ khá, trên mức trung bình” thì tôi vẫn đánh giá nó là một bài thơ hay vì nó đã là “một bài thơ khá, trên mức trung bình” thì phải là một bài thơ hay rồi. Tôi đã viết nhiều bài cảm nhận về thơ Đặng Xuân Xuyến nên tôi không muốn viết nữa về anh. Thế nhưng đọc “Chấp Chới” xong thì trí óc tôi cứ ngứa ngáy như thơ anh có chất gì gây ngứa cho tôi. Ngứa thì phải gãi, không gãi thì nó cứ ngứa. Vậy nên tôi phải viết. Đây là viết cho tôi, như mình tự gãi cho đã ngứa mình, chớ không phải viết cho nhà thơ chút nào.
    Khổ thơ thứ nhất vào đề cho ta liên tưởng đến hình ảnh xa xưa của cái thời hát dân ca thịnh hành ở các miền quê Bắc bộ.
    Có người líu ríu theo chồng
    Buông lơi lời hát
    Bỏ ngày xuân ngăn ngắt
    Thúc nhịp trống dồn...
    Các cụm từ “líu ríu theo chồng” cho ta nghĩ đến một đám cưới ép duyên.
    Rồi các câu thơ “Buông lơi câu hát/ Bỏ ngày xuân ngăn ngắt/ Thúc nhịp trống dồn” khiến ta liên nghĩ đến vô vàn hội hè, đình đám gọi là “văn hoá phi vật thể” của cái thời mà nông thôn còn nguyên bản sắc của nó. Ngày nay, các hội hè đó được lập lại một cách giả tạo mà nếu đưa vào thơ thì nó trở thành nhạt nhẽo cho thơ. Vậy nên đọc bốn câu thơ trên ta phải nghĩ về quá khứ thì mới thấy rung động bởi vàng son của một thời và bởi niềm đau của người phụ nữ trong thời lạc hậu xa xưa mà ngày nay rất ít xảy ra.
    Vậy khổ thơ hay chổ nào?
    Hay ở chỗ nói cụt ngủn mà lại diễn đạt tràn lan. Ta đọc thơ, hiểu được tính cách cô gái, thấy được làng quê yên bình, cảm nhận được dáng dấp cô gái bị ép theo chồng, và tất cả tâm hồn ta như đứng giữa cái khung cảnh yêu thương, gắn bó, cộng với nỗi buồn điểm xuyết, làm cho thi vị trong tâm hồn được thắm thiết thêm.
    Vế thơ thứ hai diễn tả cái gì?
    - Thất tình và đi tìm kỷ niệm:
    Se sắt buồn
    Ơi người “xe chỉ luồn kim”
    Ơi người nhớn nhác đi tìm
    Đầu ghềnh cuối bãi
    Lời xưa có còn mê mải...
    Người “xe chỉ luồn kim” là người vợ. Câu thơ cho ta biết cô gái “líu ríu theo chồng” đã thành người “xe chỉ luồn kim” cũng buồn “se sắt”. Còn người ở lại thì lang thang “Đầu ghềnh cuối bãi” và mê mải trong tâm đi tìm kỷ niệm của quá khứ.
    Khổ thơ với những vần thơ có thể gọi là “cà dựt”, “cà dựt”, nghĩa là nó ngắt khúc từng ý thơ và tứ thơ không dính dáng gì nhau, nhưng chính cái “cà dựt” đó làm cho tiếng thơ trở nên dập dồn, kích thích người đọc, làm căng thẳng cảm xúc và trọn vẹn gói vào đó niềm đau của đôi trai gái thất tình.
    Qua khổ thơ thứ ba tác gỉả Đặng Xuân Xuyến dùng từ ngữ như những nhát búa đập liên tục vào điểm yếu của con tim, làm cho đau đớn, làm cho rỉ máu, làm cho nghẹn ngào, uất ức:
    Tìm ai...
    Kìa ai...
    Lừng chừng câu hát
    Gió gằn ràn rạt
    Trời mưa...
    Chấp chới cánh diều.
    Cuối cùng, tác giả dùng câu thơ “Chấp chới cánh diều” để hình tượng cho bài thơ “Chấp Chới” của mình. Đó là một kết luận tuyệt hảo diễn đạt toàn bộ sự chao đảo, nỗi cô đơn và vẻ đẹp lung linh của mối tình như cánh diều chấp chới giữa bầu trời.
    “Chấp chới” là một bài thơ vô cùng “chấp chới”. Nó đúng như là cánh diều vút lên rồi chao lượn trên nền trời. Nó làm người xem cứ ồ lên tán thán vì nhìn đã con mắt, bởi chính “Chấp chới” là một “cánh diều” vừa lạ lại vừa lả lướt tung hoành trên bầu trời, đem lại cảm giác mãn nhãn cho người xem ./.
    *
    CHÂU THẠCH
    (Tên thật: Trương Văn Trạn)

    Trả lờiXóa